It often requires more courage to read some books than it does to fight a battle.

Sutton Elbert Griggs

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 22
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 24
Cập nhật: 2020-10-08 20:38:56 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 18
VIII
Sau lễ hiến phù, bọn tướng soái nhà Nguyên nhao nhao phản kháng, rằng chúng bị ta làm nhục và đòi phải sớm trả chúng về nước. Tất cả những điều đó chúng đều nói qua ngục lại. Nói rằng giam, nhưng thực ta vẫn cho chúng hưởng một chế độ ăn uống đầy đủ, không đánh đập tra khảo, nhưng phải khai báo những điều cần thiết. Và chúng bị giam trong các cung thất mà chúng phá phách, hoặc đốt cháy nham nhở nay được che chắn lại bằng tre, nứa, lá.
Bữa nọ Phàn Tiếp lâm chung, vợ con y đều được quây quần săn sóc và nghe lời trăng trối.
Thấy có tiếng khóc thút thít, Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật ló vào. Biết tên ác tặc đã phải đền tội, ông nói một câu tiếng Việt, như là một sự bâng quơ: “Trời thật có mắt!”.
Không ngờ câu nói làm cho Phàn Tiếp tưởng như đã chết lại từ từ hé mắt rồi mở dần ra. Vợ con y mừng quýnh, tưởng như y có thể sống lại, tiếng khóc im bặt.
Phàn Tiếp cứ đưa tròng mắt lờ đờ về phía Chiêu Văn vương như muốn nói với ông điều gì. Người nhà biết ý liền vái Trần Nhật Duật và thưa:
- Bẩm đại vương, quan tham tri Phàn đại nhân tôi muốn có lời với ông.
Trần Nhật Duật bèn ngồi xuống cạnh giường Phàn Tiếp, cánh tay bị chém gần đứt trong trận Bạch Đằng của y đã bốc mùi thối khẳn. Tuy khó chịu, nhưng vương nín thở không bịt mũi. Nom ánh mắt vẻ như cầu khẩn của Phàn Tiếp, Trần Nhật Duật liền hỏi vừa đủ mọi người nghe:
- Chắc có điều gì ân hận?
Phàn Tiếp mấp máy môi phát ra những âm ngắt quãng, mọi người nghe và chắp nối được hai điều y ân hận. Một là y đã hơi quá tay với dân chúng Đại Việt, nhất là việc khai đào mồ mả. Hai là chưa được diện kiến Trần Hưng Đạo - người đánh bại chúng tôi, một vị tướng nhà trời.
Trần Nhật Duật nói ngay:
- Tội ác tày trời, lại hối hận quá muộn nên không chuộc được lỗi lầm. Còn Quốc công tiết chế thống lĩnh chư quân sự Hưng Đạo vương của chúng ta là một bậc nhân tướng siêu việt. Ông là người có nhân cách cao thượng nên không thèm nhìn mặt loại ác nhân huống chi là ác tặc. Loại người như ngươi muốn diện kiến Trần Hưng Đạo, tưởng còn khó hơn lên cung trăng gấp vạn lần. Thôi, hãy yên lòng nhắm mắt mà lìa bỏ thế gian. Chắc phải trải qua trăm kiếp đọa đầy, nhưng phải thành tâm hối cải mới được trở lại kiếp người.
Nghe Trần Nhật Duật nói xong, Phàn Tiếp dường như mãn nguyện và tỏ lòng biết ơn, nhưng nỗi ân hận về những tội ác mà y đã gây ra dường như vẫn còn day dứt, tất cả đều hiện lên tròng mắt và gương mặt y. Sau đó cặp mắt y chuyển sang trắng dã rồi từ từ khép lại, nhưng nỗi dằn vặt còn biểu hiện trên gương mặt méo mó và xám xịt, Phàn Tiếp trút hơi thở cuối cùng.
Quan đại an phủ sứ của kinh sư cho gọi một vài tên tù binh đầu sỏ như Ô-mã-nhi và chư vương Tích-lệ-cơ tới nơi Phàn Tiếp vừa qua đời. Lại cho cả vợ con Phàn Tiếp được phép dự bàn. Quan đại an mở lời:
- Phàn tướng quân vào xâm lăng Đại Việt, bị đánh trọng thương tại trận Bạch Đằng, chúng tôi đã cho thày thuốc chữa trị, kể cả việc ăn uống đều có vợ con ông giám sát và thường xuyên nếm thử cả thuốc và thức ăn. Nhưng vết thương quá nặng, ông đã thọ tử. Thể theo lòng bác ái, vị tha của nhà Phật, quốc chủ tôi thuần lấy ân báo oán nên cho phép vợ con của người thất lộc và các người có quan hệ gần gũi với ông ta, được phép chọn một trong hai cách chôn cất cho tướng Phàn Tiếp. Một là dùng quan quách bằng gỗ quý chôn ông ta trên đất Đại Việt. Phía Đại Việt chúng tôi cam kết, sẽ không xâm phạm đến mồ mả của Phàn Tiếp và khi nào người nhà muốn đưa hài cốt về lại cố quốc và cố hương, chúng tôi sẽ giúp đỡ hết lòng. Hai là hỏa táng rồi gia đình đem luôn tro hài về nước. Các người chọn cách nào chúng tôi cũng sẵn lòng giúp đỡ.
Sau một hồi bàn bạc, họ xin được hỏa táng và mang theo tro hài về nước.
Sau cái chết của Phàn Tiếp, lũ tướng giặc cảm thấy lo sợ cho số phận của chúng, luôn đòi gặp vua ta và đòi phải trả chúng về nước sớm ngày nào hay ngày đó. Phía ta không trả lời. Nhưng vào một ngày bất chợt tướng quốc Tá Thiên vương Đức Việp cho triệu Ô-mã-nhi, Tích-lệ-cơ, Sầm Đoàn và tên nguyên soái họ Điền tới nhà công quán để nghe chỉ dẫn.
Cùng tiếp lũ tướng giặc còn có thượng tướng Chiêu Minh vương Trần Quang Khải, thượng tướng Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật. Các tướng Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu cũng được mời dự.
Mở đầu Trần Quang Khải nói:
- Bữa nay tướng quốc Đại Việt tiếp các ông. Có mong muốn gì các ông được phép đề đạt.
Quen thói kiêu căng ngạo mạn, Ô-mã-nhi nói ngay:
- Bữa các ông làm lễ hiến phù ở Long Hưng cư xử với ta và tham tri chính sự Phàn phó đô nguyên súy như vậy là bất kính, không chỉ với thiên tử mà còn với chúng ta, đương kim tham tri chính sự, Giao Chỉ hải thuyền đô nguyên súy, ta đòi quốc vương An Nam phải xin lỗi. Ngay cái chết của tham tri Phàn Tiếp cũng có điều đáng ngờ.
Nghe tên ác tặc được tha mạng sống vẫn chứng nào tật ấy, các tướng trẻ Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu đều cảm thấy nóng mắt. Biết ý, Quang Khải đưa mắt khiến các tướng phải bình tĩnh.
Tá Thiên vương tướng quốc Đức Việp nhã nhặn hỏi thêm:
- Các ông còn có điều gì cần bày tỏ nữa không? Ta nghe nói trong số các ông ngồi đây có vị thân vương bà con với thiên tử, việc đó có đúng không?
Viên thân vương đại quý tộc Tích-lệ-cơ liền đứng dậy chào tướng quốc rồi nói:
- Tôi theo quân tòng chinh chẳng may thất trận, được đối đãi tử tế, xin có lời cám ơn. Mong các ông thu xếp để chúng tôi sớm trở về nước chầu thiên tử.
Các tướng khác đều phụ họa theo ý của Tích-lệ-cơ.
Tướng quốc đáp lời:
- Tôi chấp thuận việc xin hồi hương của các ông, nhưng việc đó còn phải chuẩn bị chứ không thể diễn ra ngày một ngày hai được. Vậy các ông ráng chờ. Các việc khác cần bàn, tôi đã trao cho hai vị thân vương đây được toàn quyền.
Nói xong tướng quốc bước ra khỏi nhà công quán.
Liền đó Chiêu Minh vương lên tiếng:
- Việc tướng bại trận Ô-mã-nhi đòi quốc vương ta phải xin lỗi là một đòi hỏi vừa phi lý vừa ngạo mạn. Tù binh được đối xử như vầy là chúng ta nể mặt thiên tử đó. Tội ác của ông dù có bị phanh thây làm muôn mảnh vẫn còn là nhẹ. Ông có biết hôm ở Long Hưng, hàng vạn dân chúng phẫn nộ đòi xé xác các ông ra không. Nếu quốc vương ta không mở lượng trời bể sai lấy máu súc vật đổ lên người ông và Phàn Tiếp khiến dân chúng tưởng các ông đã bị giết, nên họ mới chịu lui. Phải nói, nhờ lòng nhân ái của quốc vương, ta coi như ông được sinh ra lần thứ hai. Nếu là người biết nhẽ phải trái thời ông phải chịu ơn suốt đời, và thờ ngài như bậc phụ mẫu. Vô ơn với người đã cho mình mạng sống, kiến thức của ông ngang với loài cầm thú.
Nói xong Chiêu Minh vương giận dữ ném tập giấy ghi tội ác từng ngày từ khi y đem quân vào Đại Việt do vương tịch thu được từ Lý Thiên Hựu.
Ô-mã-nhi tái mặt và cứng họng, cũng từ bữa ấy y không dám hỗn láo nữa.
Buổi lễ hiến phù hình ảnh hai tên đại ác tặc Ô-mã-nhi, Phàn Tiếp được tắm máu chó đỏ lòm. Chúng được tha mạng nhưng phải mang nỗi nhục muôn đời. Bữa đó từ Chiêu lăng trở về, quan gia đi trước chợt trông thấy chân ngựa đá có vết lấm bùn, nhà vua ứng khẩu đọc lên cái tứ vừa lóe ở trong đầu lại thành một đôi câu đối rất chỉnh, nói lên sự gian nan qua hai cuộc kháng chiến chống xâm lăng:
Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã,
Sơn hà thiên cổ điện kim âu.
(Đất nước hai phen chồn ngựa đá,
Non sông ngàn thuở vững âu vàng).
Im lặng một lát, viên vạn hộ Sầm Đoàn là tên tướng đánh bộ, bị bắt khi y đã chạy trốn tới gần biên ải, nhẹ nhàng hỏi:
- Chúng tôi muốn được biết khi nào quý quốc có thể cho chúng tôi hồi hương? Việc chúng tôi bị bắt, các ông đã tâu lên thiên tử chưa?
Nghe tướng giặc hỏi đến ngứa cả tai, Phạm Ngũ Lão liền đáp:
- Các ông đâu chỉ có vài ba người mà bảo muốn đi lúc nào cũng được. Nếu tất cả các ông và quân lính bị bắt muốn về bộ, chúng tôi quả thực không có xe, có ngựa cho các ông đi, mà phải đi bằng đôi chân. Từ đây về đến Tư Minh đi mất hai mươi ngày. Ấy là chưa kể ốm chết dọc đường phải dừng lại chôn cất. Tuy nhiên, việc chuẩn bị lương thực cho tù binh về nước với chúng tôi lúc này hết sức khó khăn. Vì rằng lúa gạo trong dân đã bị các ông cướp hoặc đốt hết rồi. Hiện nay dân tôi cũng đang đói, cho nên thả các ông về sớm ngày nào chúng tôi đỡ tốn kém ngày đó.
Sao, các ông muốn về bằng đường thủy cả à? Tức là quân thủy xin về đường thủy, quân bộ xin về đường bộ. Được thôi! Phạm Ngũ Lão ngừng lời nhìn lũ tướng giặc, rồi hỏi:
- Ô-mã-nhi, ông có biết số thuyền của ông bị quân tôi đốt cháy bao nhiêu chiếc, bao nhiêu chiếc bị đâm vào cọc, bao nhiêu chiếc xô nhau vỡ toác rồi chìm xuống đáy sông… và còn lại bao nhiêu chiếc? Việc này không thấy Lý Thiên Hựu biên chép trong sổ sách của các ông.
Ô-mã-nhi có vẻ bực tức. Nhưng rồi y cũng phải đáp:
- Ta có hơn sáu trăm chiến thuyền với hơn tám vạn quân thủy và hơn một vạn quân bộ đi theo. Vậy các ông định trả lại thiên triều bao nhiêu thuyền và các ông đã bắt người của ta là mấy vạn có trả về cùng với thuyền không.
Trương Hán Siêu cười khẩy đỡ lời Phạm Ngũ Lão:
- Ô-mã-nhi bạt-đô thật khéo khôi hài, ông định đòi bao nhiêu thuyền và bao nhiêu người? Ông chẳng thấy hôm đó nước triều xuống nhanh như thác đổ, đại quân của ông và Phàn thất lộc đuổi quân tôi nhanh hơn cả ngựa Xích Thố của Quan Vân Trường đó sao. Và thuyền của các ông to lớn kềnh càng đã quần nát tất cả các bãi cọc của chúng tôi. Như thế là các ông tự đâm vào nhau chết nhiều và đắm nhiều hơn là chúng tôi đốt và giết các ông. Không biết quân ông có bao nhiêu, nhưng xác người chết và xác thuyền đắm làm nghẽn tắc suốt mấy cửa của ba con sông Chanh, sông Kênh, sông Rút và cả Ghềnh Cốc nữa. Nếu ông đếm được số xác chết thì biết được số quân bị bắt. Tuy nhiên, không phải chúng tôi bắt được hết những kẻ sống sót đâu. Chúng chạy trốn và chui nhủi nơi đầu rừng góc biển, ai mà biết được. Nhưng số thuyền chúng tôi thu được thì biết rõ, khoảng trên dưới hai trăm chiếc, phần nhiều trong số đó phải sửa chữa, nếu không sóng biển chỉ dồn cho vài hồi thì chúng sẽ vỡ tung mỗi nơi mỗi mảnh. Nếu các ông muốn về sớm thì phải đi trên các thuyền đó. Và nếu không muốn làm mồi cho cá thì phải nán chờ sửa chữa. Không, quân của các ông phải làm việc đó, chúng tôi cho vật liệu và cho người chỉ bảo kỹ xảo tu bổ. Chúng tôi có thể cho các ông thuyền về, nhưng thuyền của chúng tôi nhỏ không chịu được sóng lớn. Nếu các ông làm giấy cam kết và tự chịu trách nhiệm khi xảy ra tai nạn, thì chúng tôi sẵn sàng cấp thuyền cho các ông về ngay. Và như ông nói chúng tôi mới biết rằng chúng tôi đã diệt của các ông mất hơn bốn trăm chiến thuyền. Các ông không dám về bằng thuyền rách của mình cũng như không dám đi bằng thuyền nhỏ của chúng tôi? Vậy vui lòng chờ bao giờ sửa xong thuyền thì về. Giữ các ông ở lại vừa tốn kém vừa lo dân chúng lúc nào cũng đòi giết các ông vì tội đã tàn sát người thân của họ.
Nghe các quan phía ta giãi tỏ, đám tướng giặc tỏ ra thất vọng và cả sợ hãi, nhưng cũng không có lý để mà cãi nữa.
Liền đó thượng tướng Trần Nhật Duật nói tiếp:
- Vừa nãy ông vạn hộ Sầm Đoàn có hỏi việc các ông bị bắt, chúng tôi đã tâu lên thiên tử chưa. Thiết tưởng đứa trẻ ba tuổi cũng không ngớ ngẩn đến thế. Thử hỏi, khi phái binh sang cướp nước tôi, thiên tử có gửi quý danh của các vị cho chúng tôi biết đâu. Lỡ chúng tôi tâu báo, thiên tử không nhận mà lại quở bắt được ba tên cướp biển cũng vu cho là đại tướng của thiên triều, nhằm bôi nhọ thanh danh thượng quốc sao? Các ông nên hiểu cho cái thế của chúng tôi bị kẹt là vậy đó.
Cuối cùng Tích-lệ-cơ thay mặt đám tướng giặc nói lời thành thực:
- Quý quốc đã nói vậy, ắt chúng tôi phải chờ, khi nào sửa chữa xong tàu thuyền mới nói chuyện hồi hương được. Nhưng sở nguyện của mọi người là muốn được diện kiến tướng quân Trần Hưng Đạo - người đã làm cho tướng lĩnh của chúng tôi hai lần bại trận, đó là điều chưa nước nào, chưa tướng nào dưới gầm trời này có thể làm được. Và đây là sự ngưỡng mộ của chúng tôi thôi chứ không có ý gì khác.
- Chúng tôi sẽ trình lên Quốc công cái sở nguyện đó của các ông. Tiếp hay không còn chờ ngài hồi âm.
Lại nói về đám tàn quân Thoát-hoan sau khi chạy được về đến Tư Minh, y cho giải tán số quân còn lại đâu về đấy. Ví như đám thân vương A-ruc đem quân sống sót về Vân Nam, Áo-lỗ-xích đem số tàn quân của mình về miền bắc, bọn Việt gian tay sai Trần Ích Tắc cùng những kẻ tòng vong lại trở về Ngạc Châu (Hồ Bắc).
Thoát-hoan buộc phải về đại đô Yên Kinh trình diện vua cha. Hốt-tất-liệt nổi cơn thịnh nộ đuổi đứa con bất tài làm nhục cho nước phải ra trấn tại Dương Châu, và buộc y suốt đời không được gặp mặt vua cha nữa. Viên phó tướng của Thoát-hoan là Áo-lỗ-xích đã từng được Hốt-tất-liệt ưu trọng, cất nhắc cả hai cha con, bây giờ bị đuổi ra coi một tỉnh nhỏ Giang Tây.
Hốt-tất-liệt sai lùng bắt Trương Văn Hổ về trị tội. Y căm giận Đại Việt tới mức đòi động binh ngay lập tức. Nhưng việc đó thật không dễ, bởi nhiều tỉnh phía nam dân chúng nổi dậy đánh đuổi quân Mông Cổ thống trị lại tỏa nhanh như vết dầu loang, khiến Hốt-tất-liệt như ngồi trên đống lửa.
Hai lần liên tiếp dùng đại binh không thắng nổi Đại Việt, Hốt-tất-liệt lại dùng thủ đoạn hăm dọa như đã từng làm. Y đòi trước hết phải trả hết tù binh, nhưng số quân chúng bị bắt và ra hàng bao nhiêu thì chúng không biết. Đặc biệt gay gắt là y đòi Đại Việt phải trao trả ngay Ô-mã-nhi, không được viện cớ trì hoãn.
Về phía ta chỉ trao trả nhỏ giọt, lấy cớ quân thiên triều tàn sát dã man, dân chúng vì căm giận nên nổi dậy chống lại quyết liệt, một khi đã bắt được họ đều giết để trả thù. Một số khác chạy tản mác trốn tránh vào hang sâu rừng rậm, tìm thấy người nào chúng tôi lại đưa sang trao trả quý quốc.
Việc các tướng giặc xin gặp Hưng Đạo vì lòng kính phục cũng có, vì tò mò cũng có, tuyệt nhiên Quốc công không tiếp một viên tướng nào. Duy có Ô-mã-nhi là kẻ nguy hiểm và cũng gây nhiều tội ác, nên ta còn phân vân chưa muốn thả, nhưng thủ tiêu y trong lúc này cũng không dễ vì Hốt-tất-liệt đã có mấy đạo thư đòi trả đích danh Ô-mã-nhi.
Trong khi Ô-mã-nhi vừa quyết liệt đòi ta phải trả y về nước, y cũng thiết tha xin gặp Hưng Đạo vương.
Quả thật Hưng Đạo không muốn nhìn mặt những tên tội phạm đã tàn sát nhân dân mình. Nhưng vì y quá khẩn thiết xin gặp, vả lại mạng sống của tên ác tặc này cũng chỉ tính từng ngày, do vậy Quốc công bằng lòng tiếp y trong một nửa khắc canh giờ.
Vào một ngày đẹp trời, quân ta sửa soạn một chiếc thuyền khá chắc chắn, trang hoàng lộng lẫy, đồ ăn đồ uống đầy đủ nhưng bốn bề bịt kín, ánh sáng không lọt được vào khoang thuyền. Trong thuyền cũng không có một khe nào nhìn ra ngoài được, nhưng nến thắp đủ sáng để ăn uống và trò chuyện. Đi đường có hai người trò chuyện với y, đó là một vị hòa thượng cùng với thượng tướng Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật và ba người phục vụ cũng là ba vệ sĩ hộ vệ. Ngoài ra còn có một đô quân vừa chèo thuyền vừa giám sát, lại có hai thuyền đi trước, hai thuyền đi sau hộ vệ.
Có mặt vị hòa thượng, thái độ của Ô-mã-nhi dịu hẳn, y ăn nói từ tốn, lại có phần lễ độ nữa.
Nhà sư chủ động hỏi:
- Thí chủ sức lực có vẻ dư thừa nhưng trong tâm lại đang bấn loạn.
- Hòa thượng nói đúng, trong lòng tôi lúc nào cũng bồn chồn như sắp có một sự nguy hiểm sắp xảy ra, nó tựa như những ngày trước khi xảy ra trận giao tranh đẫm máu trên sông Bạch Đằng.
- Vậy chớ thí chủ ngủ có được ngon giấc không.
- Chập chờn! Vừa nói tới đây Ô-mã-nhi bỗng biến sắc mặt và như có sự giằng xé ở trong lòng khiến gương mặt y như méo xệch đi, thật không hợp một chút nào với tấm thân cao lớn, đẫy đà, đôi lông mày rậm và xếch lên như hai mũi mác, hai chòm ria mép vểnh lên nhọn hoắt như hai chiếc mỏ chim ưng, mắt y một mí híp lại nom như một chiếc đũa nằm ngang, và đôi lưỡng quyền như hai cục thịt to tròn như hai nắm đấm làm cho gương mặt y trở nên phá cách thật là kỳ cục. Và không hiểu đó có phải là gương mặt biểu thị của cái ác không.
Một lát sau Ô-mã-nhi mới mở miệng hỏi: - Hòa thượng, đêm về, tôi vừa nhắm mắt thì lập tức cả một đám đông lính tráng có, đàn bà trẻ con có, người già cũng có, tất cả máu me đầy người chúng cứ nhao nhao đòi mạng. Đứa đòi trả đầu, đứa đòi trả chân, trả tay… Chúng khóc lóc, rên gào, chửi bới, đe đánh không thể nào có thể ngủ lại được. Nếu ngồi dậy thắp nến mọi chuyện coi như không có gì. Nhưng khi đèn nến vừa tắt, chưa kịp ngả lưng thì ma quỷ lại hiện đầy nhà kêu khóc thảm thiết, chửi bới lung tung. Cứ kéo dài mãi tình trạng này chắc tôi không sống nổi, mong hòa thượng có cách gì trừ giúp tôi lũ ma quỷ để tôi được sống yên.
Hòa thượng lặng thinh chắp tay niệm Phật. Không khí trong khoang thuyền trở nên tĩnh tịch chỉ nghe thấy tiếng lửa nến reo và hơi thở nặng nhọc của Ô-mã-nhi.
Lát sau hòa thượng quay lại nói với Ô-mã-nhi:
- Thí chủ, những linh hồn ấy không phải là ma quỷ, họ là những người lương thiện bị chết oan nên không thể trừ bỏ họ được.
- Vậy làm thế nào để giải thoát khỏi lũ quỷ đó, Ô-mã-nhi hỏi với vẻ bực dọc.
- Nếu thí chủ muốn giải thoát, trước hết phải giác ngộ. Chưa giác ngộ, tức là chưa nhận ra điều phải quấy, lỗi lầm, thiện ác cũng tựa như người mù đi trong đêm tối sao có thể nhận biết được đường đi lối lại. Thí chủ chớ gọi họ là quỷ, họ đang nhao nhao phản bác xin với bần tăng kêu cầu Phật tổ trừng trị kẻ ác.
- Thôi được, ta không gọi họ là quỷ nữa, nhưng làm thế nào để họ khỏi quấy ta, xin hòa thượng giúp ta, tốn bao nhiêu tiền ta cũng trả.
- Muốn giác ngộ thí chủ phải sám hối. Tự thân sám hối chứ không ai có thể làm thay mình được. Vàng bạc chẳng có nghĩa lý gì hết. Bởi sinh mạng con người không gì có thể mua được. Bần tăng biết thí chủ có nhiều thứ quý hơn vàng. Của cải thí chủ nhiều vô kể, nhưng nếu có ai đòi lấy mạng sống của thí chủ, liệu có thể đem của cải ấy chuộc được không. Khó lắm đấy, bây giờ có hàng vạn vong hồn bị chết dưới lưỡi đao oan nghiệt của thí chủ hoặc thí chủ sai quân giết, họ đang đòi mạng đấy. Thí chủ cũng là người tin theo Phật pháp sao không biết luật nhân quả. Thí chủ đã gieo biết bao nhân ác thời phải gánh chịu nghiệp báo.
- Hòa thượng, liệu bây giờ ta thành tâm sám hối thì còn kịp không?
Chắp tay hòa thượng niệm hồng danh Phật tổ: “Nam vô Thích Ca Mâu Ni Phật!”. Rồi ngài nhìn thẳng vào gương mặt đồ tể của Ô-mã-nhi khẽ nói:
- Khổ hải vô biên hồi đầu thị ngạn (Bể khổ mênh mông quay đầu là bến).
- Vẫn còn kịp, thế thì tốt lắm. Ta sẽ biếu hòa thượng chuỗi tràng hạt một trăm lẻ tám viên làm bằng ngọc bích, cách đây mười năm khi đánh vào Nhai Sơn qua chùa Bảo Phúc ta giết viên hòa thượng lấy được chuỗi ngọc đó. Sở dĩ ta phải giết vị hòa thượng đó là vì ông cố ý can ta giết đám tàn quân Tống.
- A-di-đà-Phật! Ta không coi hạt ngọc quý hơn hạt cát. Vậy mà vì nó thí chủ đã giết cả một vị tăng khi vị đó ngăn không muốn cho thí chủ dấn sâu vào tội ác. Giết cả người định cứu mình cho tới nay vẫn chưa chịu sám hối, quả báo còn nặng nề lắm, đầu óc thí chủ còn si mê trọc trược lắm, nếu không thực tâm sám hối, ta e rằng thí chủ phải trải qua cả ngàn kiếp khổ lụy để trả nghiệp.
- Làm thế nào để đầu óc khỏi si mê, xin hòa thượng chỉ giùm ta, Ô-mã-nhi nói ra điều đó từa tựa như một sự tỉnh ngộ.
- Dĩ trí tuệ kiếm phá phiền não tặc (phải lấy trí tuệ làm gươm để phá tên giặc phiền não tức là sự u tối đang lẩn khuất trong ta).
Tuy nhiên thí chủ không thể phá chấp ngay được đâu, phải bình tâm nhìn thấu vào chính mình và phải biết hối hận bởi các hành vi gây ra cái ác, dốc lòng từ bỏ nó, làm quen dần với điều thiện, việc thiện rồi hành thiện lìa ác, đó là cả một quá trình đi tới giác ngộ, thí chủ nên nhớ lấy và phải kiên nhẫn, bởi làm điều thiện, việc thiện khó hơn làm điều ác nhiều lắm đấy. Nói xong hòa thượng quay đi và người tìm một chỗ quang đãng để tọa thiền.
Ô-mã-nhi thấy bâng khuâng trong dạ và tự hỏi: - Vậy chứ những thành tựu đưa ta tới vinh quang chói lọi, thiên tử tôn vinh ta là bạt-đô, chức tước tới hàng cực phẩm lại là việc ta giết được nhiều người ư? Câu hỏi đó cứ luôn ám ảnh trong đầu Ô-mã-nhi như là một sự tự vấn cái gọi là lương tâm của y.
Đã có lúc Ô-mã-nhi lân la bắt chuyện với Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật, nhưng việc đó không thành. Bởi cứ nghĩ tới việc y và Phàn Tiếp khai đào huyệt mộ của vua cha thì vương chỉ muốn xé xác y thành trăm mảnh.
Sự có mặt của Chiêu Văn vương là để giám sát dọc đường xem y có giở trò càn rỡ hoặc liều lĩnh quyên sinh. Khoảng gần cuối giờ sửu thuyền cập bến Bình Than, quân dẫn y vào một căn nhà nhỏ bốn bề màn sáo chăng kín, cửa chính nhìn vào phía tường sau một căn nhà có nền cao ngang mái căn nhà dùng để tiếp Ô-mã-nhi. Rõ ràng những căn nhà này được dựng ven sườn đồi.
Ô-mã-nhi được dẫn vào phía trong, có buồng ngủ và có nến thắp sáng. Y mệt quá thiếp đi. Giấc ngủ chập chờn lúc hiện ra hình ảnh vị hòa thượng và những lời khuyên, lúc thì hàng đoàn đông đúc những người thân thể đỏ lòm máu me, người cụt đầu, người lòi ruột, người mất chân, mất tay và cả những chiếc đầu lâu lăn lông lốc, tất cả đều đòi “Trả mạng ta đây!”…
Ô-mã-nhi vật lộn với giấc ngủ nặng nề khiến y trở nên bơ phờ mệt nhọc. Đang trằn trọc bỗng cửa chính mở toang, ánh sáng ùa vào, Ô-mã-nhi bừng tỉnh, y đã toan ra ngoài để ngắm nhìn trời đất. Tuy vậy, y cũng chỉ được ngắm một khoảng trời hẹp đóng khung bởi hai nếp nhà.
Những người hầu trong phủ Hưng Đạo bê vào cho Ô-mã-nhi một khay gồm hai bát trà nóng có nắp đậy. Vừa mở nắp bát trà, một mùi hương quen thuộc xộc vào mũi, khiến y vô cùng kinh ngạc, cầm chiếc muôi dừa nhỏ xíu khuấy bát trà lên, Ô-mã-nhi nhận thấy trong đó có trà nghiền thành bột đun với gạo thơm, lại có cả mùi gừng, mùi vỏ cam, mùi hành khô cùng với chất sữa trắng đục.
Ô-mã-nhi băn khoăn không hiểu tại sao Hưng Đạo lại biết được cách pha hãm trà của người Mông Cổ mà thết ta như thế này. Y bê bát trà lên hít hà hương thơm rồi lấy thìa múc vài giọt một, như thể nếm lại mùi vị quê hương. Khi uống hết một bát trà, hình ảnh quê hương và những ngày tuổi trẻ trên thảo nguyên bao la cùng với bạn bè trong mùa chăn thả ngựa và cừu, khiến Ô-mã-nhi nhớ đến mùi cỏ thơm, mùi sữa ngựa và những cánh đại bàng chao liệng trên bầu trời thăm thẳm xanh. Có nhẽ trong quãng đời mà y cho là đẹp nhất lại ở những mùa xuân với đồng cỏ xanh trải rộng tới chân trời, những đàn ngựa, đàn cừu như những đám mây trắng, mây hồng đang di chuyển, trong đó bạn bè và những chú chó chăn cừu gọi nhau, liên hệ với nhau bằng những tiếng tù và vang vọng khắp thảo nguyên.
Uống trà và ăn sáng xong có người báo cho Ô-mã-nhi biết, một khắc canh nữa y sẽ được Hưng Đạo vương cho tiếp kiến.
Bữa nay Quốc công tiết chế Hưng Đạo vương vận theo kiểu đạo sĩ. Trên đầu ông quấn chiếc khăn vàng trùm lên búi tó phía sau gáy. Chiếc áo dài màu vàng, tay và nách đều rộng, ngang bụng được thắt hờ bởi một dải đai màu vàng có đính những hạt hồng ngọc, bích ngọc nhỏ li ti.
Từ sau khi thắng giặc một cách oanh liệt, quét sạch giặc ra khỏi bờ cõi, Hưng Đạo thấy trong lòng thư thái, bởi thế nước trở nên vững chãi, giặc không thể không kiêng nể ta. Và nếu như Hốt-tất-liệt có mưu toan xâm chiếm ta một lần nữa thời cũng không dễ gì động binh được trong vòng vài ba năm tới. Chính vì thế mà trong ông có sự ung dung tự tại. Nom gương mặt Quốc công như nhuận sắc hẳn ra. Da dẻ hồng hào, mắt sáng. Chòm râu dài bạc trắng và sóng như cước thả trước tấm áo thụng màu vàng, nom Quốc công có dáng của một tiên ông đạo cốt. Ông ngồi trước án thư thong thả mở từng trang nhật ký mà ông hướng dẫn cho Trương Hán Siêu ghi chép về trận đánh Bạch Đằng từ khi nó còn chửa manh nha tới khi kết thúc hoàn toàn thắng lợi khiến ông hài lòng. Cả chục vạn quân giặc, không một tên nào chạy thoát. Và hơn sáu trăm chiến thuyền đều bị diệt và bị bắt hết.
Quốc công đang mải đọc, Phạm Ngũ Lão và Chiêu Văn vương dẫn Ô-mã-nhi vào. Vừa nhác thấy Trần Hưng Đạo, Ô-mã-nhi dừng lại vẻ như sửng sốt về người đã hai lần đánh bại y. Lần thứ nhất suýt bị bắt cùng với Toa-đô năm Ất Dậu, còn lần này thì hết thảy đạo quân của y đều lọt vào tay một ông già ngồi kia, vẻ ung dung thư thái như một bậc tiên thánh. Quả nhiên y không thể hình dung đối thủ của y, một bậc trí tướng phi phàm lại ẩn trong một cốt cách ung dung nhàn tản như một nho sĩ, một đạo sĩ như thế kia.
Để cho Ô-mã-nhi chiêm ngưỡng Hưng Đạo một thoáng, Trần Nhật Duật lên tiếng:
- Bẩm huynh trưởng, tù binh Ô-mã-nhi được vương cho phép đã tới.
Hưng Đạo xoay người ra phía cửa thấy Ô-mã-nhi chăm chú nhìn mình. Ông nhướng mi dõi thần nhãn vào đôi mắt ti hí như mắt lươn của tên tướng giặc to béo kềnh càng như một cơn trâu đực mộng. Ô-mã-nhi không chịu nổi ánh mắt và cái uy toát ra từ vị tướng đã hai lần làm y ngã ngựa khiến y phải cúi mặt xuống.
Hưng Đạo nhìn Chiêu Văn vương và mỉm cười thân mật hỏi:
- Đệ cùng Ngũ Lão giải y đến gặp ta sao? Đã bảo ta không muốn tiếp tên ác tặc này kia mà.
- Huynh trưởng, đệ cũng chỉ muốn phanh thây xé xác nó, nhưng ngày nào nó cũng lải nhải xin gặp huynh trưởng. Vì vậy thượng hoàng bảo: “Thôi thì trước khi nó chết cho nó được toại nguyện, nói anh Quốc Tuấn bố thí cho nó một lần”. Vả lại nó cũng gở mồm nói ra: “Dù có chết mà được nhìn thấy dung nhan người đã đánh bại mình cũng là sự mãn nguyện”.
- Đệ và Ngũ Lão ngồi tạm vào hai chiếc đôn này, còn nó không được phép. Nó nói được tiếng Hán, đệ bảo nó cần gì thì cứ hỏi, nhưng ta chỉ tiếp nó có nửa khắc thôi.
Khi Trần Nhật Duật nói lại với Ô-mã-nhi điều đó, xem ra y rất vui vẻ và có phần hãnh diện nữa.
Ô-mã-nhi cúi đầu chào theo kiểu người Hán. Trần Hưng Đạo vẫy tay cho y bình thân.
Ô-mã-nhi nói giọng lí nhí như người có mặc cảm lỗi lầm, cũng có thể y còn e ngại. Nhưng sau giọng y cứ to dần lên rồi oang oang đúng với tính cách của dân du mục thảo nguyên:
- Có phải chính ngài đã hai lần đánh bại đội quân khổng lồ của thiên triều, cũng là hai lần đánh bại tôi?
- Đó là sự thật hiển nhiên sao còn phải hỏi.
- Trước khi đánh An Nam, các tướng Mông Cổ chưa từng biết đến thua trận.
- Quân xâm lược Mông-Nguyên chỉ thua ở Đại Việt, đó cũng là điều hiển nhiên.
- Tại sao nước Tống đất đai rộng gấp năm, sáu chục lần, dân Tống cũng nhiều gấp mấy chục lần dân An Nam mà chúng tôi bình Tống dường như không gặp trở ngại nào đáng kể như chúng tôi đã gặp ở An Nam.
- Đó là bài học mới, các người cần phải học.
- Thật tình tôi vẫn chưa hiểu, chưa lý giải được vì sao đại Nguyên là một quốc gia hùng mạnh, một đế quốc mênh mông không giới hạn, tướng lĩnh tài ba chưa từng biết đến thất bại cùng với đội quân khổng lồ thiện chiến, một đạo quân như thế mà lại không thắng nổi Đại Việt chỉ bé bằng cái bàn tay là cớ làm sao?
Trần Hưng Đạo nhìn thẳng vào mặt tên tướng Mông Cổ đã hai lần đại bại cười khẩy và thong thả nói:
- Đó là điều bí ẩn trong binh pháp giữ nước của Đại Việt ta, kẻ thù sao hiểu nổi. Và không một kẻ thù nào hiểu nổi dân tộc ta đâu. Quân thù càng tiếp tục xâm lược nước ta, lại sẽ càng thua. Trận thua sau đau hơn trận thua trước. Đó là bài học ta cho không các ngươi đấy.
Ô-mã-nhi cảm thấy khiếp phục người mà y khao khát được diện kiến. Những điều cần biết về vị tướng này và binh pháp của ông ta hóa ra còn bí ẩn hơn cả trước khi ta được biết về ông.
Phạm Ngũ Lão đứng lên giục:
- Đã hết giờ đại vương tiếp kiến.
Ô-mã-nhi giơ tay:
- Cho tôi nói một câu cuối cùng.
- Được! - Hưng Đạo đáp.
- Thiên triều thế thiên hành đạo, là một nước hùng mạnh nhất gầm trời, nước nào chống cự không phục thì nước ấy không khỏi bị diệt vong.
- Kẻ nào ưa chinh chiến ắt vong quốc. - Hưng Đạo nói dõng dạc.
Các tướng lại dẫn Ô-mã-nhi xuống thuyền. Bây giờ là một chiếc thuyền lớn hơn trong đó gồm cả vợ con thê thiếp của y được Đại Việt tha cho về nước. Nhưng số phận Ô-mã-nhi như đã được trời định, đêm ấy thuyền xuôi về tới Bạch Đằng vấp phải dải đá ngầm trên Ghềnh Cốc. Thuyền chìm, các thủy thủ Đại Việt chỉ cứu được vợ con thê thiếp của Ô-mã-nhi, còn y bị chết ngạt dưới đáy sông, mãi gần trưa ngày hôm sau mới tìm thấy xác. Vợ con y bằng lòng chôn xác y trên bờ sông Bạch Đằng nơi đã xảy ra trận huyết chiến khiến toàn quân của y bị chết và bị bắt. Không biết Ô-mã-nhi bị chết vì thân xác y quá to béo, y lại không biết bơi hay còn bởi các oan hồn thuộc đám quân Nguyên đã vì y thúc bách mà tử trận nên dìm chết y, buộc y phải nằm lại, phải mãi mãi là một hồn ma lạc loài trên khúc sông mà y đã gây biết bao tội ác và chuốc lấy tiếng ô nhục tới muôn sau trong cuộc đời làm tướng giặc.
Thời hậu chiến, biết bao việc phải làm. Nhà vua trước hết tha tô thuế nhiều ít do sự thiệt hại của từng vùng, lo cứu đói, lo làm tiếp các mùa vụ để ổn định đời sống và cũng là ổn định nhân tâm. Tiếp đó, vua ban chiếu khen thưởng công trạng cho các công thần trong cả hai lần kháng giặc. Ai lập được công lao xuất sắc thì cho chép vào sách Trung hưng thực lục và sai vẽ tượng để lưu lại cho đời sau.
Quốc công tiết chế Hưng Đạo vương dâng biểu xin giảm bớt số quân của triều đình và quân của các vương hầu, nhưng phải tinh luyện số quân còn lại cho thật thiện xảo. Số điền binh đã tập trung cho hết về quê quán làm ruộng, nhưng phải giữ nghiêm chế độ luyện tập của các nông phu theo chính sách ngụ binh ư nông như từ trước đã làm. Vua y cho.
Hốt-tất-liệt vẫn giương đông kích tây làm ra vẻ động binh đánh Đại Việt cốt gây sức ép đối với ta, chứ thực ra y không có khả năng làm tiếp một cuộc chiến tranh như thế nữa.
Vài năm sau Hốt-tất-liệt (Nguyên Thế tổ) chết, con Hốt-tất-liệt lên ngôi tức Nguyên Thánh tông xuống chiếu bãi bỏ việc Nam chinh.
Từ đấy nước ta vừa ổn định để xây dựng lại đất nước, vừa củng cố binh bị, nhưng nhà Nguyên thì ngày càng khốn đốn đối phó với các cuộc nổi dậy của dân chúng Trung Hoa.
Hưng Đạo vương tiến cử Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu về triều, cũng như trước đây ông đã tiến cử Trần Thì Kiến, Phạm Lãm, Ngô Sĩ Thường… là các gia tướng, gia thần của phủ Hưng Đạo cho triều đình, và họ đều trở thành những người hữu dụng cho nước. Trước khi về kinh sư, Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu xin với Hưng Đạo cho đi một vòng từ Bình Than xuôi Bạch Đằng ra tới Vân Đồn. Hưng Đạo dặn khi qua bến Rừng, nhớ tìm lại một lần nữa bà lão hàng nước để tạ ơn. Khi thuyền vừa tới khu vực sông Bạch Đằng, Trương Hán Siêu bỗng thấy lòng rung động, ông nói với Phạm Ngũ Lão dừng lại đi khắp các địa điểm diễn ra trận đánh đẫm máu, tiêu diệt và bắt sống toàn bộ đạo quân thủy lớn nhất của giặc. Nhưng tuyệt nhiên không tìm thấy quán nước và bà lão hàng nước. Đêm về cắm thuyền nghỉ tại cửa sông Chanh, nằm nghe tiếng sóng biển vọng vào, tiếng sóng biển lao xao khiến Trương Hán Siêu không thể nào ngủ được. Cảnh huyết chiến trên khúc sông này mấy năm trước như bừng sáng trong óc não ông rõ mồn một như sờ nắm được, lòng đầy thi hứng Trương Hán Siêu lấy bút giấy ra ngồi trước sạp thuyền ngắm nhìn trăng sao, nhìn dòng sông cuồn cuộn chảy, khiến ông có cảm giác từ khi nước mình đánh tan quân giặc dữ, thời núi sông của ta cũng trở nên rạng rỡ hơn, mỹ lệ hơn và ông phóng bút viết một mạch bài: PHÚ SÔNG BẠCH ĐẰNG.
Huyết Chiến Bạch Đằng Huyết Chiến Bạch Đằng - Hoàng Quốc Hải Huyết Chiến Bạch Đằng