If you truly get in touch with a piece of carrot, you get in touch with the soil, the rain, the sunshine. You get in touch with Mother Earth and eating in such a way, you feel in touch with true life, your roots, and that is meditation. If we chew every morsel of our food in that way we become grateful and when you are grateful, you are happy.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Jack London
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Iron Heel
Dịch giả: Vũ Cận
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Bach Ly Bang
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4825 / 59
Cập nhật: 2015-07-23 04:36:04 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương XVIII Nương Bóng Núi Sonoma
ề tôi thì không có gì phải nói nhiều trong thời kì này. Tôi bị giam sáu tháng trong tù, mặc dầu không bị buộc một tội gì hết. Tôi là một kẻ khả nghi - một danh từ đáng sợ mà ai đi làm cách mạng rồi cũng biết. Những cơ quan mật vụ mới thành hình của chúng tôi đã bắt đầu hoạt động. Tôi ở tù được chừng hai tháng thì một viên cai ngục đến tự giới thiệu là một người cách mạng có liên lạc với tổ chức. Mấy tuần sau Joseph Parkhurst, vừa được bổ làm bác sĩ của nhà giam, cũng tự giới thiệu là đội viên một đội chiến đấu của chúng tôi. Nghĩa là tổ chức của chúng tôi đan vào tổ chức của tập đoàn thiểu số thống trị giống như một cái mạng nhện. Và như vậy, tôi giữ được liên hệ mật thiết với những việc xảy ra ở thế giới bên ngoài. Hơn thế nữa, mỗi lãnh tụ của chúng tôi bị cầm tù đều liên hệ được với những đồng chí dũng cảm của chúng tôi cải trang dưới bộ quần áo gia nô của cái Gót sắt. Mặc dầu Ernest bị giam cách chỗ tôi ba nghìn dặm Anh 1, tận bên bờ Thái Bình Dương, tôi vẫn không ngừng liên lạc với anh, và thư từ của chúng tôi đi đi về về đều đặn.
Các lãnh tụ dù ở trong tù hay ngoài, vẫn có thể bàn luận với nhau và chỉ huy phong trào. Kể ra thì chỉ trong vòng hai tháng chúng tôi cũng có thể tổ chức cho các đồng chí đó vượt ngục, nhưng vì bị tù cũng không cản trở gì cho hoạt động của chúng ta cho nên chúng tôi quyết định tránh manh động. Năm mươi hai nghị sĩ bị tù, ngoài ra lại còn tất cả hơn ba trăm người lãnh đạo phong trào của chúng tôi. Kế hoạch của chúng tôi là làm sao cho họ ra thoát nhà tù cùng một lúc. Nếu chỉ có một số trốn được thôi bọn thiểu số thống trị sẽ cảnh giác tìm cách ngăn những người còn lại không cho họ trốn. Mặt khác, chúng tôi nghĩ rằng tổ chức cho các đồng chí chúng tôi vượt ngục cùng một lúc trong các nước sẽ gây được một ảnh hưởng tâm lí vô cùng to lớn trong giai cấp vô sản. Điều đó sẽ tỏ rõ được sức mạnh của chúng tôi và sẽ gây được lòng tin tưởng.
Theo chủ trương thì mãn hạn tù sáu tháng, khi được tha, tôi phải trốn biệt đi một nơi và chuẩn bị một chỗ ẩn náu chắc chắn cho Ernest. Trốn biệt đi một nơi nào phải chuyện dễ. Tôi vừa được trả lại tự do thì bọn mật thám của cái Gót sắt đã bám sát chân tôi. Cần phải đánh lạc hướng chúng và bỏ đi California. Công việc đó tôi đã tiến hành một cách rất buồn cười.
Khi ấy, chế độ căn cước dập theo kiểu của Nga hoàng đang phát triển. Tôi không dám dùng tên thật để đi qua lục địa. Muốn gặp lại Ernest tôi cần phải xoá hết tung tích của mình đi. Nếu không sau khi trốn khỏi nhà tù Ernest mà cứ lẽo đẽo theo tôi thì có thể bị bắt lại. Tôi không thể lại cải trang thành người vô sản mà đi được. Chỉ còn một cách: cải trang thành một người của tập đoàn thiểu số thống trị. Bọn thiểu số thống trị chóp bu chỉ có một dúm. Nhưng còn vô số những tên kém vai vế hơn, như lão Wickson chẳng hạn. Những tên đáng giá vài triệu thôi và là tay chân của bọn thiểu số thống trị chóp bu. Vợ và con gái của bọn thiểu số thống trị đàn em này kể ra có hàng đàn hàng lũ. Thế là tôi quyết định cải trang theo bọn này. Vài năm sau thì không thể nào làm như thế được nữa vì chế độ căn cước đã hoàn hảo lắm rồi. Lúc đó, đàn ông, đàn bà, trẻ con trong khắp nước không ai là không bị đăng kí và không bị theo dõi khi di chuyển. Khi thời gian đã chín, bọn mật thám đều bị tôi đánh lạc hướng. Một giờ sau không còn Avis Everhard. Lúc đó có một bà tên là Felice Van Verdighan, có hai người hầu gái và một con chó đi kèm 2, lại có cả một cô hầu gái để chăm nom chó, bước lên phòng khách trên một toa xe Pullman 3 và mấy phút sau tàu chạy hết tốc độ về phía tây.
Ba người thiếu nữ đi theo tôi đều là những người cách mạng. Hai người là đội viên đội chiến đấu còn người thứ ba, chị Grace Holbrook đến năm sau mới vào đội viên, và vào được sáu tháng thì bị cái Gót sắt xử tử. Chính chị này đi trông nom con chó, còn hai chị kia, một chị là Bertha Stole mười hai năm sau bị mất tích, một chị là Anna Roylston vẫn còn sống và đang đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong cách mạng 4.
Chúng tôi thường xuyên đi qua nước Mỹ tới bang California, không xảy ra chuyện gì cả. Khi tàu đến Oakland đậu ở ga Phố thứ mười sáu, chúng tôi xuống, và cả Felice Van Verdighan lẫn hai người hầu gái, con chó và người hầu của con chó cùng bị biến mất vĩnh viễn. Ba người hầu gái được những đồng chí tin cẩn dẫn đi. Các đồng chí khác phụ trách tôi. Chỉ trong vòng một giờ sau khi xuống xe lửa, tôi đã đáp một chiếc tàu đánh cá nhỏ đi ra khơi trên vịnh San Francisco. Gió đột nhiên đổi chiều và chúng tôi đi lênh đênh không phương hướng mất gần hết một đêm. Nhưng tôi nhìn thấy ánh đèn ở Alcatraz, nơi Ernest bị giam, và ý tưởng được gần anh làm cho lòng tôi khoan khoái. Gần sáng, nhờ các anh em thuyền chài chèo riết, chúng tôi đến đảo Marin. Chúng tôi nằm ở đó suốt ngày không ló mặt ra ngoài và đêm hôm sau, nhờ nước triều lên và có gió mát thổi đi, chúng tôi vượt vịnh San Pablo trong hai giờ và chúng tôi đi ngược dòng sông Petaluma.
Mấy con ngựa đã chờ sẵn ở đây cùng với một người đồng chí khác và chúng tôi lập tức lên đường với ánh sao về phía Bắc, tôi thấy núi Sonoma hiện lên lờ mờ, chúng tôi cứ theo đó dong cương. Chúng tôi bỏ lại phía bên phải chúng tôi cái thành phố Sonoma cũ kĩ và đi thẳng lên một cái khe nằm giữa những vách đá đầu tiên từ trong núi đâm ngang ra. Con đường cho xe vận tải đi đã thành con đường rừng. Và con đường rừng đã thành con đường hẹp để con bò đi, và con đường bò đi lại nhỏ dần rồi mất hẳn giữa những đồng cỏ cao trên sườn núi. Chúng tôi thúc ngựa vượt qua đỉnh núi Sonoma. Đó là con đường an toàn nhất. Chẳng có ai ở đây mà sợ họ chú ý đến chúng tôi đi.
Tang tảng sáng, chúng tôi đã sang sườn núi phía bắc. Ngựa chúng tôi lao qua rừng núichaparral 5 xuống những khe núi sâu thẳm mọc toàn thông khổng lồ. Ngọn gió ấm áp cuối hè thổi nhè nhẹ như hơi thở. Đây là một vùng quen biết cũ, tôi rất thích, cho nên tôi đi lên đầu để dẫn đường. Nơi ẩn náu này là nơi của tôi, chính tôi đã chọn. Chúng tôi hạ cái dóng gỗ chắn ngang và vượt qua một cánh đồng cỏ trên cao. Tiếp đó, chúng tôi đến một quả đồi mọc toàn sồi và đi xuống một cánh đồng cỏ nhỏ hơn. Chúng tôi lại leo lên một quả đồi khác và lần này chúng tôi dong ruổi dưới những hàng câymadrono 6 quả đỏ chót và những cây manzanita 7 màu đỏ sẫm hơn. Những ánh nắng đầu tiên chảy chan hoà trên lưng chúng tôi giữa lúc chúng tôi leo dốc. Một đàn cun cút từ các bụi cây bay lên. Một chú thỏ rừng lớn vụt qua đường chúngtôi đi, nhảy lanh lẹ như một con hươu. Rồi một chú hoẵng sừng nguềnh ngoàng, cổ và vai nắng chiếu vàng chói hiện ra trên đỉnh đồi trước mắt chúng tôi và chạy mất.
Chúng tôi đuổi theo một lúc, rồi lao xuống một con đường chữ chi, tới một rặng thông khổng lồ hùng vĩ mọc bên một cái đầm nước xám xịt vì quặng mỏ. Đường này tôi thuộc lòng từng bước. Ngày xưa một nhà văn bạn tôi có một cái trại ở đây. Anh cũng đã thành một nhà cách mạng. Nhưng anh còn gặp nhiều nguy khốn hơn tôi. Anh bị chết mất tích, không ai rõ chết ở đâu và chết như thế nào. Còn mồ ma anh, chỉ có mình anh biết nơi ẩn bí mật tôi tìm đến. Trước đây anh mua cái trại chỉ vì cảnh đẹp và đã trả một giá rất đắt, khiến các chủ trại địa phương phải kinh ngạc. Anh thường vui vẻ kể lại cho tôi nghe rằng những chủ trại này người nào cũng lắc đầu phàn nàn cho anh: họ nghiêm nét mặt làm một con tính nhẩm rồi bảo: "Ông không thu về nổi sáu phần trăm đâu".
Nhưng bây giờ thì anh đã chết, mà cái trại cũng không phải do các con anh thừa kế. Không ngờ cái trại ấy nay lại thuộc quyền sở hữu của lão Wickson. Tất cả sườn phía Đông và phía Bắc núi Sonoma là của lão ta, từ chỗ đồn điền nhà Spreckel đến địa giới thung lũng Bennett. Lão ta biến cái trại nghìn mẫu đất dốc thoai thoải, có đồng cỏ, có khe, hoẵng tha hồ chạy nhảy, không khác gì trong rừng hoang. Những người ngày xưa có đất ở đây đều đã bị đuổi đi cả. Một khu an dưỡng của Nhà nước lập cho những người bệnh thần kinh cũng đã bị phá đi để lấy chỗ cho hoẵng ở.
Sau rốt thì cái nhà săn của lão Wickson ở cách nơi ẩn của tôi bốn trăm thước. Nhưng cũng không nguy hiểm gì, trái lại càng thêm an toàn cho chúng tôi. Chúng tôi được nương bóng một vị thiểu số thống trị hạng đàn em. Tình hình này sẽ hướng mọi nghi kị sang phía khác. Bọn mật thám của cái Gót sắt phải sục sạo hết các nơi các xó rồi có nghĩ đến việc tìm Ernest và tôi ở cái vườn hoẵng của lão Wickson thì mới nghĩ.
Chúng tôi buộc ngựa dưới những gốc cây thông khổng lồ, bên bờ đầm. Người bạn đồng hành của tôi đến bên một cái thân cây rỗng moi ra rất nhiều thứ giấu trong đó: một bao bột năm mươi cân, các thứ đồ hộp, đồ dùng làm bếp, chăn, một mảnh vải sơn, sách vở, bút mực, một bọc thư lớn, một cái thùng đựng năm lít dầu lửa, sau hết và quan trọng nhất là một cuộn dây chão lớn. Số đồ đạc dự trữ nhiều đến nỗi phải đi làm nhiều chuyến mới đem được hết về nơi trú ẩn.
Nhưng nơi trú ẩn của tôi lại rất gần. Tôi cầm cuộn dây chão đi lên trước, chui vào một khu bụi rậm có những dây nho quấn chằng chịt chạy giữa hai quả đồi rừng mọc um tùm. Khu bụi rậm dẫn đến một dòng suối bờ dựng ngược. Đó là một dòng suối nhỏ, có mạch từ trong núi tuôn ra, cho nên những ngày hè nồng nực nhất cũng không cạn. Hai bên là những quả đồi lớn phủ kín những rừng. Có cả một loạt đồi như thế, tưởng chừng do bàn tay của một người khổng lồ bất cẩn nào đã quẳng ra đây. Đồi không có đá. Nó nhô lên cao chừng vài chục thước và thuần một loại đất núi lửa màu đỏ, loại đất trồng nho nổi tiếng của vùng Sonoma. Con suối nhỏ chảy qua những quả đồi này, cắt thành một cái khe sâu thẳm.
Phải dùng cả chân lẫn tay tụt xuống dưới lòng suối và xuống được lòng suối rồi thì chúng tôi đi xuôi chừng một trăm bước. Thế là chúng tôi đến một cái hang. Trông ngoài thì không thể biết có hang, mà đó cũng không phải là một cái hang theo nghĩa thông thường. Phải bò qua những bụi gai rậm rịt mới tới được miệng hang và muốn nhìn ra ngoài hay nhìn xuống hang, đều phải vạch lá cây ra mà nhìn. Hang dài chừng một trăm bước, chiều rộng cũng thế, chiều sâu ước được một nửa. Có thề là khi những quả đồi ở bên trên thành hình, chỗ này mới là một vết nứt, rồi vết nứt đó trải qua một sự xói mòn bất thường, bị nước xói mòn dần, xói dần, qua nhiều thế kỉ. Không chỗ nào có đất thịt chồi ra cả. Cây cối mọc thành một tấm thảm xanh rì phủ kín mặt đất, từ giống tóc tiên nhỏ xíu và giống đuôi chuồn cuống vàng đến giống thông khổng lồ và giống bách Douglas. Những loài cây lớn này mọc ngay ở vách hang. Một vài cây ngã xuống đến bốn mươi lăm độ nhưng hầu hết mọc thẳng lên trên những vách đất mềm dựng đứng.
Nơi này mà ẩn náu thì thật là tuyệt. Không có ai lần mò đến đây, kể cả bọn trẻ ở làng Glen Ellen. Giá cái hang này ở vào một khe núi dài một vài cây số thì không khéo nó đã thành nổi tiếng rồi. Nhưng chỗ này lại không phải là khe núi. Từ ngọn suối bắt nguồn từ một mạch nước ở bên dưới một cánh đồng cỏ phẳng tuôn ra, phía trên miệng hang chừng ba trăm bước. Phía dưới hang chừng một trăm bước, con suối chảy ra một nơi quang đãng, đổ vào một dòng nước lớn qua một vùng cỏ mọc xanh rờn. Người bạn đồng hành của tôi quấn dây chão vào một cái thân cây, buộc tôi vào một đầu dây và dòng tôi xuống. Chỉ một loáng tôi đã xuống được dưới đáy. Một lát sau, cũng chóng thôi, anh lấy tất cả đồ đạc về hang và lại dòng xuống cho tôi. Anh kéo dây lên giấu đi một nơi và trước khi đi còn ghé xuống chào tôi rất vui vẻ.
Trước khi kể tiếp, tôi muốn nói một lời về đồng chí này. Đồng chí tên gọi John Carlson và là một nhân vật bình thường của cách mạng, một trong ngàn vạn những đồng chí trung thành đứng trong hàng ngũ cách mạng. Đồng chí làm cho lão Wickson, làm ở tầu ngựa gần nhà săn. Thật ra chúng tôi dùng ngựa của lão ta để vượt núi Sonoma. Đã từ gần hai mươi năm nay, John Carlson vẫn canh giữ nơi trú ẩn này. Tôi tin chắc rằng suốt thời gian đó không một ý nghĩ phán trắc nào đã lọt được vào tâm trí anh. Ngay khi nằm mê, có lẽ cũng không lúc nào anh thấy mình có ý nghĩ bội phản những người thân tín. Anh thản nhiên lạnh lùng đến cái độ mà người ta không thể không tự hỏi làm sao hai tiếng cách mạng lại có được một ý nghĩa nào đó đối với anh. Ấy thế mà lòng yêu tự do vẫn rọi những tia sáng âm thầm và bền bỉ trong tâm hồn u tối của anh. Về một vài phương diện, thà anh ít đầu óc tưởng tượng linh hoạt như vậy lại là điều hay. Trí tuệ anh bao giờ cũng minh mẫn. Anh biết phục tùng mệnh lệnh, không tò mò, cũng không bép xép. Một hôm tôi hỏi vì sao anh lại thành một người cách mạng. Anh đáp:
- Hồi còn thanh niên. tôi đi lính. Hồi đó tôi còn ở bên Đức. Tất cả thanh niên trai tráng ai cũng phải vào quân đội. Thế là tôi vào quân đội. Trong quân đội có một anh lính khác cũng là thanh niên. Theo danh từ các đồng chí vẫn dùng, thì cha anh là một người khích động quần chúng. Cha anh bị tù vì tội khi quân - nói theo tiếng của các đồng chí thì là tội nói sự thật về Đức hoàng. Anh thanh niên con ông nói chuyện với tôi rất nhiều về nhân dân. Anh giúp tôi nhìn mọi việc theo quan điểm mới, và tôi trở thành một người xã hội chủ nghĩa. Anh nói rất phù hợp với chân lí và rất hay, nghe xong tôi không bao giờ quên được. Khi sang Mỹ, tôi cày cục tìm bằng được những người xã hội chủ nghĩa. Tôi thành đảng viên trong một chi bộ - đó là thời Đảng lao động xã hội chủ nghĩa. Về sau, xảy ra tình trạng chia rẽ trong Đảng, tôi gia nhập đảng bộ địa phương của Đảng Xã hội. Lúc ấy, tôi làm ở một tàu ngựa cho thuê tại San Francisco. Đó là thời chưa xảy ra nạn động đất. Tôi đã đóng đảng phí suốt hai mươi năm. Tôi vẫn còn là đảng viên tôi vẫn đóng đảng phí, mặc dầu những việc đó bây giờ phải làm rất bí mật. Tôi sẽ đóng đảng phí mãi và khi nào thành lập nước Cộng hoà hợp tác xã thì tôi rất sung sướng.
Khi còn lại một mình, tôi đốt bếp đèn làm cơm sáng và sửa sang nhà cửa. Thường thì lúc sớm tinh mơ, hay lúc trời đã tối mịt, Carlson lại lén xuống nơi ở của tôi làm việc độ một hai giờ. Lúc đầu, nhà cửa của tôi vẻn vẹn chỉ là tấm vải sơn. Về sau, chúng tôi dựng lại một cái lều vải. Về sau nữa, khi đã yên tâm rằng đây là một nơi tuyệt đối an toàn, chúng tôi dựng một nếp nhà con. Căn nhà này chúng tôi làm hết sức kín để lỡ có đứng từ trên miệng hang tò mò nhìn xuống cũng không sao thấy được. Cây cỏ sum suê ở cái nơi kín đáo này kết thành một tấm khiên thiên tạo. Vả lại, căn nhà dựng sát hẳn vào vách hang, chúng tôi còn đào ngay vào vách hang để làm hai cái phòng khô ráo, thoáng khí, chống bằng những cây gỗ phiến rất khoẻ. Chúng tôi sống tha hồ thoải mái. các bạn cứ tin như thế. Ít lâu sau, khi anh nhân viên khủng bố người Đức tên là Biedenbach đến trốn ở đây với chúng tôi, anh đặt một hệ thống tiêu khói, khiến chúng tôi có thể ngồi sưởi bên đống lửa lép bép qua những đêm đông giá lạnh.
Đến đây, tôi lại phải nói ít lời về anh nhân viên khủng bố có một tâm hồn rất dịu dàng này. Không một đồng chí nào trong hàng ngũ cách mạng lại bị hiểu lầm kinh khủng đến thế. Đồng chí Biedenbach không hề phản bội sự nghiệp. Biedenbach cũng không hề bị các đồng chí xử tử, như người ta vẫn phỏng đoán. Đó là một tin vịt do bọn tay chân của tập đoàn thiểu số thống trị tung ra. Đồng chí Biedenbach là người đãng trí, hay quên. Đồng chí bị một người gác hầm bí mật Carmel bắn chết vì quên mật khẩu. Đó là một sự lầm lẫn đáng buồn, có thế thôi. Nói rằng đồng chí đã phản lại Đội chiến đấu của mình là hoàn toàn sai. Chưa có người nào làm việc cho sự nghiệp mà lại thành khẩn và trung thực hơn đồng chí 8.
Suốt mười chín năm nay, nơi trú ẩn do tôi chọn luôn luôn có người ở, và trong thời gian ấy, trừ có mỗi một lần, còn thì không một người ngoài nào ở ngoài khám phá ra. Ấy thế mà nó chỉ cách ngôi nhà săn của lão Wickson có bốn trăm thước, cách làng Glen Ellen có chừng một cây số rưỡi. Ngày ngày, tôi còn nghe thấy cả tàu sáng tàu chiều đi đến và tôi vẫn thường lấy đồng hồ theo còi tầm nhà máy gạch 9.
--------------------------------
1 Một dặm Anh là 1,609 km (ND).
2 Hình ảnh lố lăng này minh hoạ rất rõ cái cách ăn ở nhẫn tâm của bọn chủ tư bản. Trong khi nhân dân chết đói thì chó của chúng có người hầu. Đối với Avis Everhard, cải trang như vậy là rất cần thiết. Đây là một vấn đề sinh tử có ảnh hưởng đến sư nghiệp chung. Vì vậy đã cải trang thì phải thật giống. Riêng điều này cũng đủ là một lời bình luận đanh thép về thời đại đó.
3 Pullman: một loại toa xe lửa sang nhất thời đó. Đó nguyên là tên người sáng chế ra loại toa này.
4 Mặc dầu gặp nguy hiểm liên miên, Anna Roylston đã thọ được chín mươi mốt tuổi. Họ hàng tên Pocock bất chấp những ám sát của các cuộc chiến đấu như thế nào thì chị cũng bất chấp những ám sát viên của cái Gót sắt như thế. Chị như có bùa hộ mệnh và đang trưởng thành trong nguy hiểm. Bản thân chị cũng là một ám sát viên của các đội chiến đấu. Mọi người gọi chị là "Nàng trinh nữ đỏ" và chị đã trở thành một nhân vật lừng danh của cách mạng năm sáu mươi chín tuổi. Mặc dầu già lão, Anna Roylston đã bắn chết tên Halcliffe "khát máu" giữa đám hầu cận võ trang của y và đã trốn thoát không bị mảy may sây sát. Anna Roylston chết già trong một nơi trú ẩn của anh em cách mạng trên núi Ozark.
5,6,7 Các danh từ của Mexico đã thành thông dụng ở California (ND).
8 Mặc dầu hết sức tìm kiếm trong những tài liệu thời đó còn lưu truyền đến ngày nay, chúng tôi không thấy một vết tích gì về đồng chí Biedenbach nói ở đây. Ngoài tập bản thảo của Everhard ra, không còn nơi nào nói đến.
9 Nếu người du khách tò mò đi từ Glen Ellen vòng xuống phía nam, người đó sẽ thấy một đại lộ đúng vào chỗ một con đường cũ ở vùng này hồi bảy trăm năm về trước. Cách Glen Ellen một phần tư dặm Anh, sau khi đã qua cái cầu thứ hai, người đó sẽ chú ý đến một cái hũm dài giống như một cái sẹo chạy ngang một vùng đất nhấp nhô đến một dãy đồi phủ kín những rừng. Ở chỗ cái hũm này ngày xưa là một con đường. Con đường này, trong thời tư nhân còn chiếm hữu đất đai, chạy qua đồn điền của một người tên là Chauvet, một nhà khẩn hoang người Pháp sang California vào thời đại hoàng kim. Dãy đồi phủ kín những rừng này chính là dãy đồi mà Avis Everhard nói đến. Trận động đất lớn năm 2368 thuộc công nguyên đã bửa một quả đồi và lấp mất cái hang mà hai vợ chồng Everhard dùng làm nơi ẩn náu. Sau khi phát hiện tập bản thảo, người ta đã tiến hành nhiều cuộc khai quật và đã tìm lại được căn nhà, hai căn phòng đào vào vách hang và những thứ rác rưởi linh tinh tích luỹ trong một quá trình ẩn náu lâu dài. Người ta đã thấy nhiều di vật quý báu trong đó có cái này, kể cũng lạ: tức là cái hệ thống tiêu khói của Biedenbach có nói đến trong truyện. Các sinh viên muốn khảo cứu về những thứ đó có thể đọc cuốn sách của Arnold Bentham sắp xuất bản. Cách dãy đồi chừng một dặm Anh về phía Bắc, là núi Wake Robin Lodge, ở chỗ ngã ba sông Wild- Water và sông Sonoma. Nhân đây, nên nhớ rằng sông Wild-Water ngày xưa gọi là sông Graham, và trên bản đồ cũ của địa phương cũng ghi như vậy. Nhưng ngày nay người ta gọi bằng tên mới. Sau này, khi Avis Everhard giả dạng làm nhân viên khiêu khích của cái Gót sắt, chị đã về ở núi Wake Robin Lodge nhiều lần. Chị đã đóng vai trò của chị một cách yên ổn. Giấy phép chính thức cấp cho chị về ở núi Wake Robin Lodge do chính tay lão Wickson, tên thiểu số thống trị loại đàn em nói trong tập bản thảo, kí.
Gót Sắt Gót Sắt - Jack London Gót Sắt