Số lần đọc/download: 2082 / 55
Cập nhật: 2015-06-01 18:22:13 +0700
17
C
ó đến hai mươi ngày tôi không đến thăm mẹ tôi. Tôi cảm thấy mỏi mệt, hơi khó ở trong mình, và khi nghĩ đến cô ta và ông anh tôi, tôi càng thêm băn khoăn do dự. Nghĩ đến chồng tôi thì lòng tôi nghiêng về ông anh tôi, nhưng khi bồng con, tôi lại nghĩ đến mẹ tôi.
Mẹ tôi cũng chẳng hề cho người gọi tôi đến, và nếu tôi tự tiện đến, tôi không biết phải giải thích lý do tôi đến thăm bà sao cho ổn. Chị cũng biết đấy, chồng tôi làm việc suốt ngày cho đến tối, nên ngồi một mình trong căn nhà vắng vẻ, tôi cứ miên man nghĩ đến hết chuyện này qua chuyện khác.
Cô ngoại kiều nọ sống chuỗi ngày dài tại nhà cha mẹ tôi như thế nào? Mẹ tôi có gặp lại cô ta lần nào nữa không? Có chuyện nói với cô ta không? Tôi biết các bà thiếp và lũ nô tỳ lấy làm lạ lắm nên núp nhìn lén cô ta. Lũ con hầu viện cớ bưng trà lên cho anh tôi hoặc kiếm chuyện này chuyện nọ để đến gặp cô ta, và khi xuống dưới bếp, chúng chỉ nói toàn chuyện về cô ta mà thôi, về cung cách, dáng dấp, thái độ, cách ăn nói của cô ta, rồi rốt cuộc thế nào cũng chê bai cô ta và tội nghiệp cho cô gái nhà họ Lý.
Cuối cùng, anh tôi đến thăm tôi. Còn bảy ngày nữa thì đến ngày hội xuân. Tôi đang thêu đôi giày vải mới cho con tôi mang vào dịp ấy thì một buổi sang cánh cửa bỗng xịch mở và anh tôi đột ngột bước vào. Anh tôi mặc quốc phục. Từ ngày anh ở ngoại quốc trở về đến giờ, chưa lần nào tôi thấy anh giống thời còn thanh xuân đến như thế. Nhưng mặt anh tôi có vẻ lo âu. Anh tôi chẳng chào hỏi gì cả, ngồi xuống ghế và bắt đầu nói như thế tiếp tục câu chuyện bỏ dở:
"Sao cô không đến thăm mẹ? Mẹ yếu lắm rồi nhưng ý chí vẫn cương quyết. Mẹ truyền lệnh cho vợ tôi phải ở tại nhà trong một năm, sống y hệt như một phụ nữ Trung Hoa. Vợ chồng chúng tôi đành tuân theo ý mẹ. Nhưng như thế cũng chẳng khác nào nhốt một con chim hoàng anh trong lồng vậy. Cô đến thăm mẹ nhé, nhớ đem theo luôn cháu ngoại đến cho bà".
Anh tôi đứng dậy, ra vẻ xao xuyến đi tới đi lui trong phòng. Trước nỗi lo âu của anh, tôi hứa làm theo lời anh.
Vậy nên ngày hôm ấy tôi đến thăm mẹ tôi. Tôi muốn ghé vào phòng thăm người vợ anh tôi một lát khi đi ngang để vào nhà trong, nhưng tôi lại sợ mẹ tôi biết được ý định của tôi là đến thăm bà chị dâu ngoại quốc. Tôi cũng nghĩ chỉ đề cập đến cô ngoại kiều nọ khi có dịp mà thôi. Tôi đi thẳng vào nhà trong gặp mẹ tôi. Tuy nhiên, tôi vừa vào đến khu nhà riêng của các bà thiếp, bà thiếp thứ nhất đã xuất hiện trên ngạch cửa hình nguyệt, ra dấu gọi tôi. Tôi chào bà ta rồi đi thẳng vào phòng mẹ tôi.
Tôi chào lạy mẹ tôi. Câu chuyện bắt đầu bằng thằng con trai tôi, sau đó tôi làm gan nhìn mẹ. Trái với ý kiến của anh tôi, tôi thấy mẹ khá hơn trước, đúng hơn thì mẹ ít bệnh hoạn hơn tôi nghĩ. Tôi không dám hỏi han về sức khỏe của bà vì biết rằng hỏi đến chuyện ấy mẹ không bằng long, tuy vẫn lịch thiệp trả lời. Tôi hỏi:
"Mẹ có thấy anh con thay đổi gì sau những năm ở nước ngoài chăng?"
Mẹ tôi chậm rãi ngước đôi long mày dài lên.
"Mẹ không hề nói chuyện gì quan trọng với anh con hết. Việc anh con kết hôn với cô gái nhà họ Lý sẽ do cha con quyết định khi cha con về tới. Nhưng kể từ ngày anh con về ở đây với mẹ, nó chịu nghe lời mẹ mặc quốc phục, mẹ cũng bớt thấy nó xa lạ. Mẹ chẳng bằng lòng tí nào khi thấy con cái trong nhà ta lại mặc quần ống như hạng phu gánh nước".
Vì mẹ tôi đã nói đến việc cưới xin, tôi mân mê tà áo và giả vờ thản nhiên nói:
"Mẹ thấy cô ngoại kiều mắt xanh thế nào?"
Tôi thoáng thấy mẹ tôi giật mình, nhưng bà chỉ ho nhẹ một tiếng và đáp với giọng thản nhiên:
"Mẹ cũng chẳng biết gì về nó cả. Anh con cứ nài nỉ mãi, mẹ đành phải chiều ý nó, cho gọi con nhỏ đó lên đây pha trà cho mẹ một lần. Nhưng mẹ không sao chịu nổi đôi tay vụng về và vẻ người man rợ của nó được. Sao mà trước mặt mẹ, nó lung túng vụng về đến thế. Chẳng có ai dạy nó cách ăn nói đứng ngồi trước một bậc trưởng thượng cả. Mẹ không muốn thấy mặt nó nữa. Quên chuyện ấy đi, lòng mẹ thanh thản hơn. Mẹ chỉ nghĩ đến việc anh con trở về sống tại nhà tổ phụ là mẹ vui trong lòng rồi".
Anh tôi không cho tôi biết việc mẹ gọi vợ anh lên hầu trà, tôi ngạc nhiên lắm, vì đó là một việc quan trọng. Nhưng nghĩ kỹ lại, nhớ lại mẹ không bằng lòng cô ngoại kiều nọ chút nào, tôi hiểu tại sao anh tôi không cho tôi biết việc ấy. Tôi nghĩ đến nỗi lo âu của anh tôi và đánh liều hỏi mẹ:
"Cô ta là người ngoại quốc, không quen biết một ai ở đây cả, có thể nào mẹ cho phép con được rước cô ta về nhà con chơi một lát được chăng?"
Mẹ tôi lạnh lung đáp:
"Không được, con cũng bận rộn về nó nhiều rồi. Nó cứ còn ở nhà mẹ đây thì không được phép bước ra khỏi cổng. Nó muốn sống trong nhà này thì phải khép mình vào cảnh thâm nghiêm kín cổng cao tường của con nhà khuê các. Mẹ không muốn cả tỉnh xầm xì đồn đãi ầm lên. Mẹ nhận thấy con nhỏ đó tự tung tự tác dữ lắm, chẳng có khuôn phép gì, cho nên phải canh chừng nó. Thôi đừng nói đến nó nữa".
Sau đó tôi và mẹ tôi nói đến những chuyện lặt vặt như muối dưa muối cà cho lũ gia nhân ăn, giá vải may quần áo cho lũ con các bà thiếp tăng hơn, mấy nhánh cúc mới trồng mọc tốt sẽ nở hoa vào mùa thu. Tôi lạy chào mẹ rồi ra về.
Khi đi qua hàng cửa nhỏ, tôi gặp anh tôi. Anh viện cớ đi ra nhà người gác cổng hỏi thăm chuyện gì đó, nhưng tôi biết anh muốn gặp tôi ở đó. Bước lại gần, tôi nhận ra sự thay đổi nơi anh tôi. Cái vẻ mạnh dạn, rắn rỏi quả quyết trước đây khiến tôi thấy anh giống người ngoại quốc bây giờ không còn nữa, nhường cho cái vẻ lo âu bứt rứt. Trong tấm áo dài Trung Hoa, mặt đăm chiêu cúi xuống đất, anh tôi trông giống cậu học trò nhỏ bướng bỉnh ngày xưa, trước khi anh xuất ngoại.
Anh tôi chưa kịp nói gì, tôi đã hỏi:
"Chị mạnh giỏi thế nào, anh?"
Môi anh run lên, anh đưa lưỡi liếm môi.
"Không được mạnh. Cô ơi! Chúng tôi không sao chịu đựng nổi cuộc sống như vầy nữa đâu. Tôi phải làm một việc gì. Đi nơi khác, tìm việc làm".
Anh tôi ngừng nói. Tôi năn nỉ anh đừng nóng nảy bỏ nhà ra đi. Chịu cho cô ngoại kiều nọ vào sống trong nhà là mẹ đã nhân nhượng lắm rồi. Và coi vậy chứ một năm cũng qua đi mau lắm! Nhưng anh tôi lắc đầu:
"Chính vợ tôi cũng đã bắt đầu thất vọng. Trước khi về ở đây, cô ta vẫn còn tin tưởng. Bây giờ thì cô ta ngày càng héo hắt đi. Cách ăn uống của chúng ta không hợp với cô ta, mà tôi thì không thể cung cấp món ăn xứ sở cô ta được. Cô ta chẳng ăn uống gì cả. Cô ta quen được tự do, quen được nuông chiều ở bên nhà cha mẹ cô ta rồi. Cô ta từng được nhiều người đàn ông mến chuộng. Tôi tự hào đã thắng tất cả bọn họ. Tôi cứ nghĩ điều đó chứng tỏ chúng ta thuộc một nòi giống hơn họ. Bây giờ đây, vợ tôi cũng chẳng khác nào một bông hoa cắt từ cây đem đặt vào trong cái bình bằng bạc nhưng không có nước. Ngày này qua ngày khác, vợ tôi câm nín ngồi ì ra đó, mắt đỏ ngầu lên, mặt ngày càng tái đi".
Tôi ngạc nhiên thấy anh tôi cho là đáng hãnh diện cái việc một người đàn bà được nhiều người đàn ông ưa thích. Ở đây, chỉ hạng gái thanh lâu mới được khen tặng như vậy mà thôi. Vậy thì làm sao cô ngoại kiều nọ hy vọng trở thành người đàn bà Trung Hoa như chúng tôi cho được? Những lời lẽ anh tôi khiến tôi nảy ra một ý nghĩ trong trí. Tôi vội vàng hỏi:
"Hay là cô ta muốn trở về nhà cha mẹ ruột?"
Tôi thoáng thấy đó là một giải pháp. Nếu cô ta ra đi, hai người xa cách nhau bằng cả một đại dương, anh tôi dù sao cũng chỉ là người, anh tôi sẽ quên cô ta mà trở về với bổn phận làm con. Nhưng anh tôi trừng mắt nhìn tôi, giận dữ thét lên:
"Nếu cô ta đi, tôi sẽ đi theo. Còn nếu cô ta chết tại nhà này, tôi cũng từ bỏ luôn nhà này".
Tôi nhẹ nhàng trách anh tôi về câu nói chẳng mấy hiếu đễ ấy thì đột nhiên anh tôi quay lưng, bật ra một tiếng khóc, và hấp tấp bỏ đi.
Tôi đứng lại đó, sững sờ nhìn theo bóng dáng anh tôi khuất vào trong phòng của anh. Đoạn tôi ngập ngừng bước theo anh tôi mà lo ngại làm phiền lòng mẹ tôi.
Tôi đến gặp cô ngoại kiều nọ. Cô ta xao xuyến đi tới đi lui trong sân sau căn nhà anh tôi. Cô ta đã mặc Âu phục trở lại, một tấm áo thẳng màu xanh đậm, cổ hở để lộ làn da trắng ngần. Cô ta cầm cuốn sách trong tay, sách đầy những hàng chữ ngắn phương Tây khít vào nhau thành từng nhóm nhỏ đặt tại giữa trang sách.
Cô ta vừa đi vừa đọc, chân mày cau lại, nhưng khi thấy tôi, một nụ cười làm mặt cô tươi tỉnh lên, và cô ta đứng im chờ cho tôi đến bên cạnh. Chúng tôi nói với nhau vài lời khách sáo. Bây giờ thì cô ta nói được ít tiếng thông dụng rồi. Tôi từ chối không vào nhà, viện cớ phải trở lại với con tôi ngay. Cô ta hơi buồn. Tôi chỉ cây tùng già trong sân. Cô ta giải thích cô đang làm một món đồ chơi cho con tôi với vải nhồi bông gòn. Tôi cám ơn cô ta. Chúng tôi chẳng còn gì để nói với nhau nữa. Tôi chờ một lát, đoạn từ giã cô ta. Tôi buồn vô hạn, vì chúng tôi xa cách nhau cả một trùng dương và vì tôi không làm gì được để giúp đỡ anh tôi cũng như mẹ tôi.
Nhưng khi tôi vừa quay mặt bỏ đi, cô ta đột nhiên níu chặt lấy tay tôi. Tôi nhìn cô ta và nhận thấy cô lắc mạnh cái đầu để làm cho nước mắt văng đi. Tôi thương cô ta quá, không biết nói gì hơn là hứa sẽ trở lại thăm cô ta. Môi cô ta run lên khi cố gượng cười.
° ° °
Một tuần trăng đã trôi qua. Cha tôi trở về nhà. Có điều lạ là cha tôi chú ý rất nhiều đến bà vợ ông anh tôi và có cảm tình với cô ta. Vú Vương cho biết cha tôi vừa bước qua khỏi cổng vào nhà đã hỏi xem anh tôi có đem cô ngoại kiều nọ cùng về hay không. Đoạn cha tôi thay quần áo và sai người nhà báo cho anh tôi biết: sau khi dùng bữa xong, cha tôi sẽ qua gặp anh tôi tại tư thất của anh.
Cha tôi ngọt ngào tươi tỉnh bước vào. Anh tôi đứng dậy đón chào. Cha tôi bảo cô ngoại kiều nọ ra mắt. Khi cô ta xuất hiện, cha tôi cả cười quan sát cô ta và đưa ra những nhận xét trắng trợn về vẻ ngoài của cô ta. Cha tôi dễ dãi nói:
"Con nhỏ có vẻ đẹp riêng của nó. Tốt lắm, đây cũng là chuyện lạ trong gia đình ta. Nó có biết nói tiếng nước ta không vậy?"
Thái độ suồng sã ấy khiến anh tôi không bằng lòng, và anh tôi đáp vắn tắt rằng cô ta đang tập nói tiếng Trung Hoa. Cha tôi cười ha hả nói lớn:
"Cũng chẳng sao! Ngôn ngữ tình yêu có nói bằng tiếng ngoại quốc cũng vẫn êm ái như thường, hà hà hà!"
Cha tôi cười nhiều đến nỗi tấm thân béo tốt của ông rung lên.
Cô ta chỉ hiểu loáng thoáng lời lẽ của cha tôi thôi. Cha tôi tiếp tục nói với giọng đùa cợt như mọi khi, nhưng cô ta lại yên tâm về thái độ niềm nở của cha tôi, còn anh tôi thì không thể giải thích cho cô ta hiểu rằng cha tôi có ý coi thường cô.
Tôi được nghe nói lại rằng cha tôi thường hay gặp cô ta và nói giỡn với cô; cha tôi cứ nhìn lom lom vào mặt cô ta và dạy cho cô những tiếng những câu nói mới. Cha tôi gởi bánh kẹo qua cho cô ta, có lần lại còn cho cô cả một cây chanh lùn trồng làm kiểng trong một cái bình xanh nữa. Nhưng anh tôi luôn có mặt trong những lần gặp gỡ như vậy.
Cô ta như một đứa trẻ con: cô chẳng hiểu gì cả.
° ° °
Hôm qua tôi lại ghé vào tư thất của người vợ anh tôi sau khi vào lạy chào mẹ tôi nhân ngày hội đầu xuân. Tôi không dám ở lâu với cô ngoại kiều nọ, sợ làm mẹ tôi phật ý cấm cửa không cho tôi vào tư thất của cô ta nữa.
Tôi hỏi cô ta:
"Chị có thấy dễ chịu hơn không?"
Cô ta đáp:
"Cũng tàm tạm như vậy. Dù sao cũng không có gì trầm trọng thêm. Tôi chỉ được giáp mặt bà mẹ anh ấy có một lần hôm bà gọi tôi lên dâng trà cho bà. Trong đời tôi, tôi chưa hề pha trà theo kiểu ấy lần nào. Nhưng cha anh ấy gần như ngày nào cũng đến đây".
Tôi nói:
"Cứ chịu khó kiên nhẫn đi. Thế nào rồi cũng có ngày mẹ tôi mềm lòng".
Gương mặt cô ta liền đanh lại. Cô ta nói với giọng trầm trầm tức tưởi:
"Nào tôi có làm gì nên tội đâu. Yêu nhau rồi thành hôn với nhau đâu có phải là tội tình gì? Cha của anh ấy là người bạn thân duy nhất của tôi trong nhà này. Ông tử tế với tôi mà tôi đang cần được đối xử tử tế. Tôi thấy khó có thể kéo dài lâu hơn nữa cuộc sống của tôi trong cái nhà tù này".
Cô ta lắc đầu, vẻ mặt giận dữ sa sầm xuống.
"Đó, họ lại đứng kia kìa! Tôi là món đồ chơi của mấy người đàn bà đó đó. Thật tôi chán nản muốn chết đi được, vì cứ bị người ta nhìn soi mói như vậy. Tại sao họ cứ xầm xì, rình rập, chỉ trỏ tôi?"
Vừa nói cô ta vừa hất mặt chỉ về phía cửa hình nguyệt. Mấy bà thiếp và trên mười con hầu đứng chum nhum gần cửa. Họ có vẻ như tha thẩn dạo chơi trong sân, bận ăn đậu phọng và chia đậu phọng cho lũ trẻ con, nhưng kỳ thực họ lén nhìn và tôi nghe rõ tiếng họ cười khúc khích với nhau. Tôi trừng mắt nhìn họ; họ làm bộ như không trông thấy tôi. Cuối cùng, cô ngoại kiều nọ kéo tôi vào xa hơn trong nhà và đóng chặt cánh cửa ngang lại. Cô giận dữ nói:
"Tôi không thể nào chịu nổi họ nữa. Tôi chẳng hiểu họ nói gì với nhau nhưng tôi biết họ nói về tôi suốt ngày".
Tôi trấn an cô ta:
« Chị đừng để ý đến họ làm gì, họ hoàn toàn thất học ».
Nhưng cô ta lắc đầu:
« Tôi không thể nào chịu đựng ngày này qua ngày khác như vậy được nữa ».
Cô ta cau mày, im lặng, làm như suy nghĩ lung lắm. Tôi ngồi chờ. Lát sau, vì không còn gì để nói với nhau nữa, tôi đưa mắt nhìn quanh phòng, tôi quan sát ít nhiều thay đổi cô ta đem lại cho căn phòng, chắc hẳn có ý định làm cho nó có vẻ Tây phương. Tôi chỉ thấy kỳ quái mà thôi.
Vài bức tranh mộc bản treo trên tường chẳng cân đối gì cả, lẫn lộn với mấy tấm ảnh lồng khung kính. Khi thấy tôi nhìn như vậy, mặt cô ta tươi tỉnh lên và cô ta niềm nở nói:
« Hình cha mẹ và em gái tôi đó ».
Tôi hỏi:
« Chị không có anh em trai à? »
Cô ta lắc đầu:
« Cha mẹ tôi không có người con trai nào cả, nhưng điều đó chẳng quan trọng gì. Chúng tôi không chỉ trọng vọng con trai mà thôi ».
Nghe nói vậy, tôi hơi ngạc nhiên, không hiểu tại sao lại như vậy. Tôi đứng dậy nhìn mấy tấm ảnh. Bức thứ nhất là ảnh một ông già râu trắng ngắn, cắt nhọn, đôi mắt cũng giống như mắt cô ngoại kiều nọ, băn khoăn dưới hàng mi mắt dày nặng. Ông cụ sói đầu và mũi to.
Cô ta âu yếm nhìn ảnh cha, nói:
« Cha tôi dạy học... Cha tôi làm giáo sư tại trường nơi anh cô và tôi gặp nhau lần đầu tiên. Treo ảnh cha tôi ở đây có vẻ lạ lùng quá, cũng lạ lùng như tôi vậy. Nhưng ảnh mẹ tôi, tôi mới sợ không dám nhìn lúc này ».
Cô ta đứng cao nghệu bên tôi nãy giờ. Cô ta quay mặt đi không nhìn bức ảnh thứ hai và bước lại ngồi vào chỗ cũ, cầm mảnh vải trắng trên bàn cắm cúi may. Tôi chưa thấy cô ta may vá lần nào. Cô ta chụp một cái nắp bằng kim khí lên đầu ngón tay khác hẳn cái đê chúng tôi thường đeo vào ngón tay giữa khi khâu may, và cô ta cầm cây kim may như cầm dao găm vậy. Tôi chẳng nói gì cả. Tôi quan sát bức ảnh mẹ cô ta. Gương mặt nhỏ, dịu hiền, nhưng mái tóc trắng bùm xùm quanh mặt làm hỏng mất vẻ đẹp. Gương mặt em gái cô ta giống hệt mặt mẹ, tuy trẻ hơn và tươi tỉnh hơn. Tôi lễ phép nói:
« Chắc chị muốn gặp lại mẹ chị lắm? »
Cô ta lắc đầu, khiến tôi ngạc nhiên.
« Không, tôi còn không dám viết thư cho mẹ tôi nữa. »
« Tại sao vậy? »
« Vì tôi sợ những điều mẹ tôi e ngại lại xảy ra thật. Có chết tôi cũng cắn răng chịu, chứ không muốn để mẹ tôi thấy tôi ở đây hiện giờ, mà mẹ tôi thì hiểu tôi quá nhiều, có viết cách gì bà cũng đoán ra được. Từ ngày về sống tại nhà này, tôi không viết cho mẹ tôi lá thư nào cả ».
« Ở xa, từ đất nước tôi mà nhìn thì mọi việc tốt đẹp lắm. Em gái tôi cứ cho rằng không còn cuộc tình duyên nào đẹp cho bằng nữa. Tôi cũng vậy! Chao ôi! Cô đâu biết anh cô mà đóng vai anh chàng si tình thì không còn chê vào đâu được. Anh cô có lối nói khiến cho lời lẽ của những người đàn ông khác chán phèo!Anh cô biến tình yêu thành một sự kiện hoàn toàn mới lạ. Nhưng mẹ tôi vẫn sợ ».
Tôi ngạc nhiên hỏi:
« Sợ cái gì? »
« Sợ tôi ở nơi đất khách quê người xa xôi như vậy mà rủi tôi lâm vào cảnh khổ, sợ gia đình anh cô không nhìn nhận... sợ hỏng cả cuộc đời. Mà tôi cảm thấy mẹ tôi nói đúng. Làm như có một sợi dây vô hình cứ siết chặt lấy người tôi. Giam thân sau bốn phía tường cao này, tôi tưởng tượng ra bao nhiêu chuyện... Tôi không hiểu những người kia họ nói gì. Tôi không hiểu họ nghĩ gì. Gương mặt họ chẳng để lộ ra gì. Đến nỗi thét rồi tôi cũng thấy gương mặt chồng tôi giống họ nữa: giẹp, phẳng, khép kín, không biểu lộ một ý tình nào.
« Ngày còn sống bên đất nước tôi, anh cô có vẻ như hòa đồng hẳn với chúng tôi, duy chỉ có khác là anh ta có cái duyên dáng riêng mà tôi chưa hề biết. Nhưng ở đây có thể nói anh cô lại chìm ngập vào trong một thế giới lạ lùng cách biệt hẳn với tôi. Chao ôi! Tôi không biết làm sao mà diễn tả hết nỗi lòng tôi được. Tôi quen với sự thẳng thắn, với niềm vui cởi mở, mà ở đây thì mọi việc đều là im lặng, cúi lạy và len lén nhìn nhau. Tôi bằng lòng để cho người ta tước đoạt tự do của tôi nếu tôi hiểu được thâm ý bên trong. Ngày trước, lúc còn ở bên đất nước tôi, tôi có nói với anh cô rằng tôi sẽ vì anh cô mà biến thành một phụ nữ Trung Hoa. Bây giờ thì tôi chịu thua rồi! Tôi đành chịu thua! Đến muôn đời tôi cũng vẫn cứ là một phụ nữ Mỹ ».
Cô ta nói một thôi một hồi như thế, khi thì bằng tiếng mẹ đẻ, khi thì bằng tiếng nước tôi, cô ta cau mày lại, múa may tay chân, vẻ mặt xao xuyến. Tôi không ngờ cô ta lại phát biểu được đến thế, lời lẽ cô ta cứ tuôn ra như mạch nước nguồn vậy. Tôi lúng túng quá, vì chưa bao giờ một người đàn bà lại bộc bạch nỗi lòng với tôi như vậy. Một niềm thương hại dâng lên trong lòng tôi.
Trong khi tôi đang lựa lời để nói thì anh tôi từ phòng bên bước ra, làm như đã nghe rõ hết câu chuyện giữa chúng tôi. Làm như không trông thấy tôi, anh tôi nắm lấy bàn tay cô ta đang đặt trên món đồ may, anh tôi quỳ gối xuống, nghiêng đầu nhìn vào má và mắt cô ta. Tôi đang phân vân không biết nên ở hay nên đi thì anh tôi nói nhỏ:
« Mary, Mary, tôi chưa hề nghe em nói như vậy bao giờ! Em nghi ngờ tôi thật sao? Ngày còn ở bên đất nước em, em đã nói với tôi rằng em sẽ hòa đồng với nòi giống của tôi, sẽ nhập quốc tịch của tôi. Nếu cho đến cuối năm nay, em nhắm không thể làm như vậy được, chúng ta sẽ bỏ đây mà đi, tôi sẽ xin nhập quốc tịch Mỹ của em. Nếu như vậy cũng không được nữa, chúng ta sẽ đi đến bất cứ nơi nào khác, nếu cần thì thành lập một đất nước mới, một giống nòi mới, miễn là ta được sống bên nhau. Em hãy tin nơi tôi! »
Anh tôi nói như vậy bằng tiếng mẹ đẻ để diễn tả được rõ ràng hơn. Nhưng sau đó anh tôi nói câu gì với cô ta bằng tiếng Anh nên tôi chẳng hiểu gì cả. Cô ta cười và tôi thấy cô còn có thể vì anh tôi mà chịu đựng thêm nhiều gian truân nữa. Cô ta gục đầu dựa vào vai anh tôi, hai người im lặng ôm lấy nhau như vậy. Tôi mắc cỡ không dám đứng lại lâu hơn nữa để phải chứng kiến một sự tỏ tình hớ hênh như vậy.
Tôi bước nhẹ ra ngoài, và tôi cảm thấy thoải mái hơn khi rầy mắng lũ con hầu hồi nãy đã nhìn trộm qua hàng rào. Tất nhiên tôi không thể phiền trách gì những bà thiếp của cha tôi, nhưng tôi cố ý mắng bọn nô tỳ trước mặt các bà. Thật ra các bà thiếp ấy không có ác ý gì, họ chỉ tò mò theo lối sống sượng của người thất học mà thôi. Bà thiếp thứ nhất vừa nhai nhem nhép một cái bánh vừa nói:
« Kỳ cục và khác người quá, người ta mới nhìn chứ! »
Tôi lập nghiêm, đáp:
« Cô ta cũng là người, cũng có cảm nghĩ y hệt như mình vậy ».
Bà thiếp thứ nhất nhún vai và tiếp tục nhai bánh, chùi tay vào ống tay áo.
Tôi giận dỗi bỏ đi. Nhưng về đến nhà, tôi chợt hiểu rằng trong lúc giận dữ, tôi đã không chống lại cô vợ anh tôi, mà lại còn bênh cô ta nữa.