Số lần đọc/download: 256 / 22
Cập nhật: 2020-06-05 12:47:51 +0700
Chương 3
D
ắc riết lại thắt lưng, xếch bao súng ngắn, chụp cái mũ xi-cút rộng vành lên đầu. Bộ quần áo ka ki ga-ba-din màu sữa rất khít với vóc người tầm thước của Đắc. Đắc rất chú ý đến trang phục. Trông Đắc lúc nào cũng đẹp một vẻ sương gió, ngang tàng. Cái mũi nhọn khiến bộ mặt anh sắc sảo và hơi dữ.
Hai chiến sĩ quân báo đã chờ sẵn Đắc ở ngoài cửa.
— Ta đi chứ, đại đội trưởng?
— Đi! Không, không, tôi phải bước nhanh. Kẻo dân mong đợi, rừng xanh đón chờ.
— Đại đội trưởng xuất khẩu thành thơ.
— Tớ đọc cho các cậu nghe cả bài nhé.
Đắc e hèm, nới quai mũ. Rừng tỏa bóng anh trên đầu. Tiếng chim rừng văng vẳng. Giọng Đắc dở đọc dở ngâm:
Anh đi đâu đó anh hời
Tôi lên biên giới giết loài sói lang
Vội chi còn mấy bước đàng
Dừng chân uống nước vào làng đã anh.
Không! Không, tôi phải bước nhanh
Kẻo dân ngóng đợi, rừng xanh đón chờ.
— Hay quá!
— Đấy là bài "Tây Tiến ca".
— Đại đội trưởng à! Xin cậu nhạc sĩ Quang Ngọc về đơn vị ta đi. Có thi sĩ rồi phải có nhạc sĩ nữa chứ!
— Ý kiến hay đấy.
— Đồng chí Chính có con mắt tinh đời đấy chứ. Vào tay ông khác, anh nhạc sĩ có khi bị mấy trận đòn mê tơi rồi...
— Thôi yên lặng! — Đắc quát khẽ. Hình như anh bị chạm nọc.
Ba chàng trai đã ra tới đường xe lửa; đoạn đường sắt Hà Nội — Vân Nam này bỏ hoang mới có ít ngày mà cỏ đã mọc cao quá đường ray. Cái vệt miết ở gờ ray đã hoen hoen gỉ. Vắng lặng. Hai thanh ray đen thui trườn mãi về xa.
Ven đường sắt, bên hữu ngạn sông Hồng, một dải đất dài là nơi trú ngụ của những gia đình người Kinh từ miên xuôi lên khai khẩn làm ăn. Đúng như Chính dự tính, đồng bào ở đây niềm nở đón tiếp ba anh bộ đội, hứa sẵn sàng giúp đỡ, và cho biết thêm, đêm qua, bọn Quốc dân Đảng vừa cho một chiếc goòng bốn bánh xuống, hiện giờ vẫn đậu ở cầu Bo.
Ba người lập tức theo rãnh đường tàu đi lên. Cách cầu gần nửa cây số, họ bò trong cỏ. Quả nhiên, còn khoảng hai chục mét tới đầu cầu, họ đã nhìn thấy chiếc goòng đậu ở bên kia cầu và trên goòng có một tên lính Quốc dân Đảng nằm cuộn tròn trong chiếc áo ca pốt dạ.
"Sao lại chỉ có một tên? Hay là bọn chúng vào sục sạo làng nào quanh đấy, tên này ở lại bảo vệ goòng?". Đắc phán đoán, vẫy tay. Cả ba người trườn nhanh xuống suối, vụt qua gầm cầu.
Đắc bò lên. Cái goòng đã ở trước mặt Đắc, chỉ cách độ ba bốn mét, nhìn rõ tên lính quấn mình trong cái áo ca pốt màu cứt ngựa, thò ra ngoài cái chỏm mũ calô và đôi giày vải cao cổ. Không hiểu nó ngủ hay nó thức?
Như con sóc, Đắc vụt chồm dậy, nhảy phắt tới bên cái goòng, gí súng vào cái áo ca-pốt:
— Đứng dậy! Giơ tay lên!
Hai chiến sĩ từ gờ đường bên kia cũng đã nhảy tới sát goòng. Cái ca-pốt ú ớ, lồm ngồm bò dậy. Một tên lính nhóc! Cao ngẳng! Non choẹt! Vêu vao đói cơm, đói ngủ. Vạt tóc rễ tre xòa che hai con mắt ngơ ngác.
Đắc tước hai quả lựu đạn ở thắt lưng nó, nhặt khẩu tiểu liên trên mặt goòng, đẩy tên lính xuống đường.
— Em lạy anh, anh tha cho em!
Tên lính run rẩy, lòng khòng giơ hai cánh tay lên trời. Đắc cười mép, lạnh lùng:
— Lý tưởng quốc gia của chúng mày sắt đá lắm kia mà!
— Dạ, chúng nó hô hào đi nghe nói chuyện ở nhà Cercle rồi lừa bắt chúng em vào lính ạ.
— Thôi đi! Khéo dựng chuyện lắm.
— Dạ, thật ạ. Em trốn, hai lần đều bị chúng bắt lại.
— Tên gì?
— Dạ. Tích! Nguyễn Bái Tích ạ.
— Đơn vị nào?
— Dạ, hậu cần. Lính lái goòng ạ.
— Xuống đây có mấy đứa?
— Dạ, chỉ có mình em ạ.
— Một mình mày?
— Vâng! Ông Vũ Khanh sai em đưa goòng đi đón ông Triệu Đại Lộc với ông Trọng họa sĩ đi công cán ở Pa Kha về ạ.
— Bao giờ chúng về?
— Dạ, em không rõ ạ. Các ông ấy hẹn là đón ở đây. Em nghe nói các ông ấy bị dân H'Mông họ đuổi.
— Chúng mày ở đâu mà chả bị đuổi!
— Dạ, em khác chúng nó ạ.
— À, cứng cỏi nhỉ. Khác ở chỗ nào?
— Các anh cứ ngửi cây Mát của em thì biết. Em chưa hề bắn một phát nào.
— Thế này có thích bắn đảng trưởng của mày không?
Cái vạt tóc che kín con mắt trái của tên lính hất ngược lên. Tên lính reo khe khẽ.
— Dạ, các anh cho em theo các anh với ạ.
Đắc cúi xuống mở cái bọc vải và cái ba lô. Anh lôi ra hai bộ quần áo sĩ quan Quốc dân Đảng. Trong một cái hòm sắt, đổ ra đếm được hơn hai trăm viên đạn. Một hòm gỗ ních đầy các phong lương khô của Nhật và hơn chục hộp cá. "Hay lắm! Phục ở đây tóm hai tên ở Pa Kha ra! Tối nay mà không thấy chúng, mai sẽ tiến thẳng vào tỉnh lỵ".
Đưa mũi súng đẩy vành mũ hếch lên, Đắc nhìn tên lính, hất hàm:
— Tích, cậu có muốn lập công chuộc tội không?
— Dạ, có ạ.
— Thế thì theo chúng tôi, đi!
Họ giăng lưới đón bắt hai tên cán bộ Quốc dân Đảng từ Pa Kha ra. Kế hoạch là: Tích cứ ngồi ở đó. Hai tên kia tới thì chở chúng tới ga Thái Niên, rồi Đắc và hai chiến sĩ ra bắt sống chúng.
Nhưng, cả đêm đó và sáng hôm sau vẫn không thấy tăm hơi bọn Lộc. Đắc quyết định thực hiện kế hoạch vào tỉnh lỵ, anh để lại một chiến sĩ lo việc tổ chức du kích Dao bắt bọn kia.
Giờ thì chiếc goòng lăn bánh ngược về tỉnh lỵ. Trên goòng là hai sĩ quan Quốc dân Đảng quân phục còn mới, hằn nếp gập, miệng phì phèo thuốc lá. Tên lính lái goòng cao lêu đêu, mặt mày hớn hở như vừa lập được công to.
Chiếc goòng lao vun vút, bánh xiết trên ray thép.
Đến một cột báo, chiếc goòng hãm lại, chậm rãi, rẽ vào ghi. Từ một căn nhà ga bỏ hoang, hai tên lính Quốc dân Đảng vác súng huỳnh huỵch chạy ra. Goòng phanh kít kít.
— Đi đâu? — Một tên lính hất hàm hỏi.
Tích, móc túi áo, lấy tờ công vụ lệnh.
Đắc lừ lừ mắt, tay sờ chuôi súng ngắn. Tên lính đọc lướt qua tờ giấy, ngẩng phắt lên, đập gót giày đánh phạch, đưa tay lên vành mũ:
— Kính chào tỉnh đảng trường!
Đắc gật đầu, mặt lạnh sắt.
Hai tên lính còng lưng đẩy chiếc goòng khởi động.
Bánh goòng lăn khục khịch, đều dần.
Trời cao bổng. Mặt trời mới lên. Những đám mây trắng ngần, hồ thủy, cánh trả rải rác như những hòn đảo nhỏ trên vòm trời biên giới.
Bánh goòng lăn ro ro êm mượt. Bánh xe thép đang đưa Đắc vào một thời kỳ của những hành động táo bạo, mạo hiểm, của chiến tích huy hoàng. Thời kỳ con người lập nên công danh sự nghiệp. Chao ôi! Cuộc đời rộng lớn đang dang tay chờ đón Đắc.
Goòng hãm chậm lại, bò qua một chiếc cầu sắt. Chiếc cầu đã cũ lỗ chỗ vết gỉ. Tà vẹt hình như mới bị bóc. Hai thanh ray trơ trọi, mảnh như hai sợi dây căng qua một khoảng không đen ngòm, bên dưới là vực sâu hoăm hoẳm.
Chiếc goòng thận trọng lăn từng vòng bánh qua cầu. Mặt Đắc ngời vẻ thỏa mãn và can trường. Hào hứng, anh thúc tên lính Quốc dân Đảng tăng tốc độ goòng. Và chiếc goòng chưa kịp tăng tốc, Đắc bỗng thấy người chao nghiêng cùng lúc với một tiếng nổ như sấm vang, anh vội đưa tay bíu lấy thành goòng. Người chiến sĩ đi cùng anh rơi phịch xuống đất. Cái goòng khựng lại, suýt lật. Tích thét mấy tiếng kinh hoàng. Ngay chỗ goòng vừa qua, sau tiếng nổ lộng óc, hở hoác một cái miệng hố rộng, hai thanh ray bị hất sang rệ đường.
— Dừng lại! Dừng lại!
Đắc thét, nhảy xuống rệ đường. Tích vội vã nhảy theo. Chiếc goòng theo đà lăn lịch kịch. Người chiến sĩ văng ra khỏi goòng lóp ngóp bò dậy. Ba người nép vào bờ đường, súng lăm lăm chĩa lên phía trước. Cái gì đã xảy ra? Đích thị là mìn rồi! Hú vía! Chỉ một suýt nữa... Địch đã phát hiện ra họ ư?
— Chuẩn bị chiến đấu!
Đắc hạ lệnh. Anh nhăm nhăm nhìn về phía trước. Đám lau rậm cạnh cầu lao xao, lay động. Có tiếng người. Loáng thoáng ba bốn cái bóng áo xanh, áo nâu. Có lẽ còn đông hơn. Đám lau ở phía sau rì rào, xào xạc mạnh. Nhưng, Đắc vừa kịp nhận ra họ thì chiu... một viên đạn nổ, quất qua đầu anh. Viên đạn phá vỡ một mảng đất ở cái vách đất rêu phong dày ở ngay phía sau Đắc. "Tay này bắn khá đấy!". Đắc nghĩ. Chuẩn bị lựu đạn. Nó bao vây thì ta đánh tiêu diệt. Đánh! Sống chết với quân thù. Nhất định không để bị bắt nhục nhã. Cuối cùng, bất đắc dĩ thì dành cho mình một viên đạn sau chót. Bước trường chinh của đôi hài vạn dặm sẽ chấm dứt...
Nhưng Đắc chưa kịp bắn trả thì bỗng như giật mình bừng tỉnh. Phía bụi lau, đạn vẫn tới tấp bắn tới. Có tiếng đạn các bin. Lại có cả tiếng súng kíp, súng hỏa mai. Mà bắn loạn xạ, không theo một chiến thuật nào hết. Rồi, tiếng súng bỗng im bặt. Và từ đám lau ở chân cầu, cất lên một tiếng gọi rất to và dõng dạc:
— Hỡi anh em binh sĩ Quốc dân Đảng! Anh em đã bị tự vệ Việt Minh vây chặt bốn phía. Cầu trên kia đã bị phá. Trước mắt là sông. Sau lưng là núi. Không còn lối thoát nào nữa. Anh em chỉ còn một con đường là đầu hàng Việt Minh.
Im lặng một lát. Tiếng nói lại cất lên, nhỏ hơn nhưng đanh rảnh:
— Bấy lâu nay anh em bị bọn đầu sỏ lừa dối, cưỡng ép, bắt đi làm bia đỡ đạn, phục vụ cho quyền lợi tay sai nước ngoài của chúng. Anh em hãy kịp nhận ra con đường chính nghĩa trở về với nhân dân. Ngoan cố sẽ bị trừng trị. Đầu hàng sẽ được khoan hồng, đối xử tử tế. Hãy đứng dậy, giơ hai tay lên trời, để vũ khí dưới đất.
Đích thị là quân ta rồi. Đắc nhỏm dậy, khấp khởi:
— Có đúng là anh em Việt Minh không? Nếu đúng, chúng tôi xin hàng.
Tích và anh em chiến sĩ làm theo Đắc. Họ giơ hai tay cao quá đầu, bước lên đường tàu.
Từ đám lau, lầm lầm bước ra ba bốn người súng cầm tay, người đi đầu cầm khẩu xanh tê chiên. Cái áo săng-đay xanh bợt làm anh cao thêm và những vết dầu mỡ loang lổ trên áo thật phù hợp với khuôn mặt dài nâu xám, dãi dầu của anh.
Một người đi sau cùng nhanh nhẹn chạy vòng về phía sau bọn Đắc. Anh ta hí hửng nhặt khẩu súng Tích để dưới đất, rồi nhìn Tích, gườm gườm: "Số chúng mày còn may đấy!".
Tích sung sướng đến trào nước mắt khi Tâm, người đội trưởng tự vệ, đưa bàn tay chai ráp nắm chặt tay Đắc. Họ đã nhận ra nhau trong cái lán bí mật giữa rừng. Đắc và người chiến sĩ cởi bộ quần áo sĩ quan, xuất trình chứng minh thư. Họ cười vang lán. Rồi xúm lại ngồi quanh siêu nước chè tươi và một rổ sắn luộc Đắc nhìn người đội trưởng:
— Tôi đến lăng Múc — Thái Niên đã được nghe chuyện một đồng chí mình bị bọn chúng đâm rồi quẳng xuống sông, nhưng lại bơi về được. Không ngờ đồng chí đó lại là anh.
Tâm cười, lắc lắc đầu:
— Tôi vốn dân vùng biển, sông nước đã quen mà. Nhưng không có bà cụ Dung ở thôn Vạn Hoa thì cũng chết rồi.
— Anh nói... bà cụ Dung...
— Bà cụ ấy nuôi giấu tôi, chữa vết thương cho tôi bằng các thứ hoa. Hoa làm thuốc rất mầu nhiệm. Cũng ở nhà ấy còn có một cậu nhạc sĩ trẻ.
— Quang Ngọc!
— Đúng rồi. Sao đồng chí biết!
— Cậu ta hiện ở chỗ anh Chính. Cậu ta gặp chúng tôi trong một trường hợp cũng như vừa rồi các đồng chí bắt chúng tôi.
— Cậu này tốt, nhưng mềm yếu. Tôi có khuyên cậu ấy, nhưng cậu ấy đa cảm quá. Dạo ấy chúng tôi bắt đầu lập đội tự vệ.
— Tự vệ đồng chí có bao nhiêu súng?
— Hai mươi. Còn mìn, lựu đạn thì tha hồ.
— Sao các anh giật mìn sáng nay lại để goòng đi qua rồi mới giật?
Tâm tủm tỉm:
— Vì vi trùng sốt rét.
— Sao?
— Đồng chí giật mìn đang lên con sốt, ngủ gục, quên khuấy. Với lại, cũng có linh tính báo trước. Đêm qua nằm mộng thấy được gặp anh Chính.
— Ha ha... — Đắc đập vai Tâm, cười khoái trá — Trông khô khan mà hóm gớm. A, thế mìn các anh lấy ở đâu?
— Bọn Quốc dân Đảng cung cấp!
— Tuyệt!
— Chúng tôi tự chế tạo nữa. Đạn ca nông thối, tháo ra. Mời các anh sang xem "Công binh xưởng" của chúng tôi.
— Ha ha... tối nay tôi định vào tỉnh.
— Tôi sẽ đi cùng các anh.
Họ bước vào một cái hang rộng. Đó là "Công binh xưởng" của Đội tự vệ Việt Minh đề pô Phố Mới. Lò rèn đang đỏ lửa. Mấy bóng người lúi húi giũa, mài. Tiếng búa dập thình thịch. Tiếng cưa sắt kéo sèn sẹt. Tiếng hơi hàn sì sì. Tâm đã từ cõi chết trở về. Tâm sống trở lại mãnh liệt hơn, ở cái "Công binh xưởng" này.
Đang đứng ngắm cái đống gang sắt lủng củng những súng hỏng, lựu đạn thối, vỏ mìn, phụ tùng ô tô, xe đạp, Đắc bỗng ngồi xuống: "Chà! Một cái máy chữ Rơ-manh tông! Nay mai, văn phòng phải ra văn phòng chứ". Tích đang ngồi xem cái bàn đá in li tô, mặt đá đen nhánh dòng chữ viết ngược, lời lẽ y như lời người gọi Binh sĩ Quốc dân Đảng đầu hàng lúc sáng.
Tích đi trong lòng đường phố. Phố Lữ Khách không còn sầm uất như ngày nào. Những ô-ten, tiệm hút, quán ăn chỉ mở cửa tới chín giờ tối — giờ thiết quân luật. Cửa các nhà bên đường đều đã đóng kín. Bóng những căn nhà gác đổ xuống chật chội lòng đường. Đường phố hẹp như đường hào, gây cảm giác bức bối vô cùng.
Tích là học trò lớp nhất của trường tiểu học. Tích học giỏi nhất lớp, Tích là học trò cưng của thầy Huyền, vì năng khiếu thể dục thể thao đặc biệt của Tích. Nhưng cả quãng đời niên thiếu của Tích, cái cảm giác thoáng mát chỉ là những buổi sáng mát trong, Tích từ nhà mình, chạy tới nhà thày Huyền rồi hai thày trò chạy, qua cái phố này, xuống tới tận thôn Vạn Hoa dưới kia. Nơi xuất phát cuộc tập chạy có hương thơm của cây dạ hương buổi sớm và nơi đến là vùng không khí đậm hương ngâu, hương huệ và hương hoa cam thôn Vạn Hoa. Hai thày trò vừa chạy, vừa thở thật sâu cho không khí tươi lành tràn đầy bầu ngực.
Nhưng Tích không được về Hà Nội học tiếp trung học. Nhà Tích nghèo. Thày Tích là phu poóc-tê ở nhà ga, ở sân bay. Thày Tích khuân vác những kiện hàng cho nhà mại bản Trần Cả, Hoa Lim người Tàu, cho ông tri châu Nông Vĩnh Yêng người Nùng... Một lần, một kiện hàng rơi, cái chân giập gãy, thày Tích từ đó nằm liệt. Quẫn trí trước cảnh tàn tật, ông lại sa vào cảnh nghiện ngập. U Tích thì ốm yếu. Sinh nở tám đứa con trong cảnh nghèo, bà chỉ còn đủ sức ngồi đan những tấm cót để kiếm sống bằng nan chẻ ra từ những cây nứa ngộ Tích chặt từ rừng xa chở mang về. Ôi, những tấm cót bà đan, nan dọc nan ngang chắp nối, chắt chiu sinh lực và bổn phận của cả đời bà.
Tích thấm thía cảnh nghèo của mình, nhất là những buổi chiều Tích đứng nhặt ban ở bãi tentít của các ông công chức giàu sang. Nhờ thày Huyền giúp đỡ, Tích mới được nhận vào chân này. Nhặt ban cho họ chơi mỗi buổi được ba hào. Nhưng bé thì nhặt ban được. Chứ lớn tồng ngồng rồi, họ gọi: "Ê, Xuân Tóc Đỏ, nhanh lên!", thì ngượng quá. Mà Tích thì... giời cho... cơm ăn không biết no, áo quần mỗi năm một cũn cỡn. Mới mười bảy tuổi mà Tích đã cao lêu đêu. Càng lớn Tích càng buồn. Ở cái tỉnh lỵ nhộn nhạo này, Tích biết sống với nghề ngỗng gì? Tích lang thang. Rồi Tích bị bắt vào lính Quốc dân Đảng, vào Trường Quốc gia thanh niên đoàn tham dự những chương trình huấn luyện hổ lốn nghe choang choang như giọng quảng cáo: Thể dục tác chiến. Tập dượt trên mình ngựa. Binh địa. Binh sử. Hành binh của lục quân, không quân. Được giảng dạy bởi các giáo sư tốt nghiệp quốc ngoại, các chính khách có tiếng...
Nhưng đêm nay đi trên đường phố mà lòng Tích hăm hở. Cuộc đời Tích không còn tù túng nữa. Một khoảng trời cao, có gió lộng vừa hiện ra. Cái sức trai mới lớn của Tích sẽ được dùng vào việc có ích, cho một mục đích cao cả. Ít ra thì công việc đó cũng hào hứng như việc Tích lái goòng cho các chiến sĩ Vệ quốc, cho các anh tự vệ lọt vào tỉnh lỵ hôm qua và hôm nay. Họ đã vào được thị trấn rồi.
Mưa đông buốt lạnh. Tích đứng trước căn nhà quen thuộc của mình. Căn nhà số 115 ở cuối phố, một ổ chuồng chim, thuê của Phán Thông. Bên kia là nhà ông Bằng chủ sự, tiếp đó là nhà cụ Liu phá xa, rồi tiếp nữa là cái xóm nghèo của những người đi bán công độ nhật.
Căn nhà không có ánh đèn. Thày u Tích, các em Tích đã ngủ cả rồi hay sao? Không! Tai Tích còn nghe thấy những lời rên rẩm, những tiếng khóc thầm. Lũ em Tích ngủ bụng còn đói. Không có thuốc phiện, thày lại ôm bụng quằn quại rên la. U thì sụt sịt khóc. Chao ôi! U đã khóc bao lần. Một nửa đời người là khóc. Đã có lần u định nhảy xuống sông Nậm Thí cho xong đời. Lần ấy, thày Tích đi đánh bạc. Thày đem cả số tiền u dành dụm bao năm trời, những tưởng vận đỏ do lão thầy tử vi mách bảo đã tới, sẽ hốt từng mớ bạc trên chiếc bàn cắm cẩm. Nào ngờ đã sạch túi, lại mất thêm đôi lợn bột đang nuôi trong chuồng. Xót xa, ân hận, giữa tiếng khóc thê thảm của u Tích, thầy Tích cầm con dao phay chặt đứt ngón tay trỏ ở bàn tay trái của mình, rồi từ đó ông đắp chiếu nằm liệt. Mấy ngày sau, ông lại thổ từng bát huyết.
"Thầy u ơi. Con không vào nhà đâu, con đi ngay bây giờ đây. Từ mai con sẽ vắng mặt trên đường phố này. Con không chết đâu. Nếu có chết thì cũng chết một cách vinh dự, xứng danh trai nước Nam, chết vì Tổ quốc, để thày u khỏi tủi hổ. Nhưng chắc chắn là con sẽ trở về. Phố xá lúc ấy sẽ rợp bóng cờ đỏ sao vàng. Các em ơi! Tạm biệt! Anh Tích yêu thương của các em sẽ về! Tạm biệt! Anh đi làm nhiệm vụ đây".
Trào nước mắt, Tích nhìn lần cuối cùng hai cánh cửa có viết phấn trắng con số 115 rồi quay đi.
Đêm đen nhờ. Tích lẩn trong bóng đêm. Tích như con sóc. Tích rút trong túi bó truyền đơn. Tay miết hồ, tay áp tờ truyền đơn vào tường. Tiếng chân ai vang trong phố thế? Không! Không có ai cả. Nhanh lên. Tích luồn ra một ngõ khác. Mùi hồ thơm sực. Mùi mực in quyến luyến. Tờ truyền đơn trắng lốp trên nền màu tường xám. Tích bước ra phố chính. Nhà hàng Trần Cả. Nhà hàng Hoa Lim. Hotel Tứ Xuyên. Tòa sứ.
Tích bỗng dừng lại. Cái ngõ quen thuộc sâu hút, nơi thày Huyền ẩn mình. Tích biết, mới đây Khanh cho cáng thày Huyền về tòa sứ, cử một cô y tá thuốc thang cho thầy, nhưng khỏe dậy, thầy đã trốn đi cùng cô y tá. Tích áp tờ truyền đơn vào tường ngõ, đưa tay xoa nhè nhẹ. Rồi lặng lẽ, bước ra đường.
Phía trước có tiếng giày đinh lê trên bờ hè. Có tiếng một người nghêu ngao hát. Một tên vai đeo huy hiệu chiếc đầu lâu khặc khừ bước, giọng nhểu nhả:
— Ôi, ta buồn ta đi lang thang, bởi vì đâu. Tao mệt mỏi quá rồi, chúng mày ơi.
— Câm mõm đi! Muốt ăn đạn của đảng trưởng hay muốn lưu đày biệt xứ như xừ Lộc.
— Tao đ. sợ. Tao đã vào "Anh dũng phái". Tao tiêu hủy nốt đời tao.
Tích cắm cúi bước. Bó truyền đơn đã dán hết. Sương dày đặc bịt kín mặt. Cách năm sáu bước chân cũng không nhìn thấy bóng người.
— Đứng lại!
— Tôi, Nguyễn Bái Tích, đơn vị hậu cần, lãnh công vụ lệnh đi đón ông Lộc, ông Trọng ở Pa Kha về...
Tích đứng im. Từ cái bót gác xồ ra hai tên hiến binh. Một tên gầy nhằng, hóp hẹp, hốc mắt như lỗ đáo. Một tên béo núc ních.
— Ông Lộc, ông Trọng về rồi, đang hội kiến với đảng trưởng. Anh đi đón không gặp, hả?
Tên béo xem chứng minh thư của Tích rồi cho Tích vào.
Nhà máy đèn bị phá, căn gác hai nhà Vũ Khanh phải thắp măng-sông. Ánh đèn măng-sông xanh lét chốc chốc lại chuyển màu đỏ lòm dễ sợ. Im lặng, Trọng đứng khoanh tay, lưng tựa tường, áo quần lấm láp, nhìn Lộc ngồi trong ghế bành, tóc rũ, hai tay bóp thái dương. Màu sắc gian phòng sao giống cái đêm ở hang trên làng H'Mông Can Chư Sủ thế, nếu như không có Vũ Khanh chắp tay sau lưng đang thong thả, bước những bước rất êm trên mặt sàn.
— Tôi đã phán đoán, tôi đã cứu xét...
Cuối cùng, trong không khí lặng lẽ như chốn nhà mồ, Vũ Khanh lẩm bẩm một cách gượng gạo và lạc lõng.
Phải rồi! Khanh còn đâu cái hào hùng, dù là vẻ ngoài, như buổi nào.
Triệu Đại Lộc ngẩng lên. Y đã khác buổi ra đi nhiều rồi. Da mắt vàng ủng, thứ da mặt của kẻ mắc bệnh gan hay vì một nỗi khiếp đảm ngày đêm ám ảnh. Những chiếc răng cửa chìa vều qua vành môi khiến vẻ mặt y vừa như thất thần, sợ hãi vừa như đang sục sôi uất nghẹn. Nhìn Vũ Khanh ngồi xuống ghế bên, Lộc rên khe khẽ:
— Chúng ta chậm chân rồi, ở Pa Kha ấy, thưa đảng trưởng.
Khanh gật đầu:
— Tôi đã biết.
— Chúng tôi đã gặp quá nhiều khó khăn.
— Các bậc tiền bối của chúng ta còn gặp khó khăn hơn.
— Các anh đã không giúp đỡ chúng tôi.
— Lúc này đảng viên phải giúp đảng, đảng viên phải nuôi đảng.
Lộc đứng dậy, thở dồn. Đã tới ngưỡng của sự chịu đựng. Lộc không thể nén lòng được lâu hơn nữa rồi. Mắt Lộc nhoang nhoáng đo đỏ. Vũ Khanh! Thằng Vũ Khanh! Nó đẩy Lộc đi để cướp cô Dung. Dung của của Lộc đâu. Thằng Vũ Khanh! Tao biết mày đã chuyển bao nhiêu vàng bạc, thuốc phiện về bên Tàu. Mày đã thủ tiêu bao đồng chí. Mày đã vơ vét. Mày làm giàu trên hy sinh chết chóc của tao. Tao đã bị săn đuổi. Tao đã bị bắt. Tao đã đói khát. Tao đã bị lạc rừng. Nhưng bây giờ tao là con chó sói, con chó sói có hàm răng nhọn.
Lộc chệnh choạng, Lộc nghiến răng:
— Thật là đểu giả, thật là hết mức khốn nạn!
— Ông Lộc!
— Đồ khốn nạn. Tất cả chỉ là một lũ khốn nạn!
— Im!
— Ôi giời ôi!
Loảng xoảng tiếng cốc tách rơi. Tiếng chân chuyển gấp gấp.
Trọng ấn kính vào mắt, bước ra cửa.
Trời đêm mịt mù ập vào mắt Trọng. Khốn nạn! Cái thằng Lộc dốt nát chỉ quen đớp, hít, hạch sách, rồi gạ gẫm đàn bà góa, cưỡng hiếp con gái H'Mông. Thằng đốn mạt ấy đã bị dân H'Mông Can Chư Sủ bắt định thiêu sống, nếu không có Trọng mạo hiểm bò vào cắt dây cho thì hắn đã chết như một con chó! Thằng ấy đốn mạt đã đành rồi. Nhưng còn Vũ Khanh? Vũ Khanh khác chăng là khôn khéo che đậy, vờ vĩnh để đớp những miếng béo bở hơn mà thôi.
Trọng lẳng lặng bước xuống cầu thang. Trọng phải xa lánh cái đám chó đang hục hặc nhau ở trên gác kia. Trọng nản lắm rồi. Trọng phải xa lìa chúng.
Khó khăn biết bao trong việc tìm một chỗ đứng ở cõi đời này. Trời, nếu không có nghệ thuật! Nghệ thuật là tòa lâu đài ẩn náu sự cô đơn, vỗ về những thất vọng buồn nản, nghệ thuật là cứu cánh, là bến cập của con thuyền lênh đênh giữa cuộc đời mệt mỏi này.
Trọng phải về với nghệ thuật. Trọng sẽ tìm một căn hầm, phải, Trọng đã có trong tay những ký họa. Ở đó, Trọng xa lánh lũ chó. Trọng vùi đầu trong sáng tạo để biến những ký họa thành những tác phẩm nghệ thuật cao siêu thánh thần.
Thấy bóng một người cao cao vừa đặt chân lên bậc thang, Trọng dừng lại:
— Ai đấy?
— Tôi! Tôi là Tích, tôi đưa goòng đi đón ông Lộc và ông mà không thấy.
Trọng cúi xuống, hai mắt kính đẫm sương:
— Cảm ơn Tích, chúng tôi đi đường tắt về. Tích ơi, Tích có biết có một cô gái tên là Dung, hiện bị ông Vũ Khanh giam giấu ở đâu không?
— Tôi không rõ. Tuần trước nghe họ kháo: bà Vũ Khanh sang Tàu, ông ấy bắt một cô gái đi theo làm người hầu cho bà ấy.
— Trời!
Tích qua cổng gác. Đêm lạnh. Sương buông những giọt nặng, từ trên các cành dạ hương xuống đất. Tích ngược lên khu hầm giam người. Anh đứng nép vào một góc tối. Vừa lúc ấy, mấy bóng người từ sườn đồi tụt xuống, bước rón rén tới. "Tự vệ đến rồi!" Tích nhìn thấy một bóng người cao gầy nhảy vụt tới cửa một căn hầm. "Hự!" tiếng một cây súng rơi. Tích chạy tới. Tên lính gác đã nằm sấp dưới đất.
— Anh Tâm! Em là Tích đây!
— Mở cửa hầm! Mở khóa hầm!
Một bóng tự vệ xáp tới. Tích dẫn Tâm lên căn hầm phía trên. Người từ các căn hầm giam lốc nhốc chui ra. Đàn bà, trẻ con, ông già, ngơ ngơ ngác ngác:
— Người của ta à?
— Ôi, các anh Việt Minh ơi! Thằng Vũ Khanh nó sai lính tới bắt tôi mở két tiền...
— Ôi, các ông ơi! Bắt được thằng Vũ Khanh thì phải tùng xẻo.
Tâm cầm khẩu xanh-tê-chiên bước tới, quát khẽ:
— Đồng bào yên lặng. Có ai là Trương Căm ở đây không?
— Không ạ! Ông ấy vượt ngục rồi ạ.
Tâm ghé tai Tích:
— Chú kiểm tra, thấy Trương Căm thì đưa đi theo. Thằng này chưa cho về được.
— Vâng ạ! — Tích sướng ran người. Anh chui vào căn hầm đầu, cầm cái đèn pin lia, sục tìm.
Tâm và Tích ra tới bờ sông thì lúc ấy tiếng súng từ các lô cốt mới rộ lên. Trời nhấp nhoáng như có chớp.
Lát sau, có ba bốn bóng người to lù lù vừa bước vừa thở è è đi tới.
Tâm bước lại, sốt ruột:
— Anh Đắc, sao mà lâu thế. Xong chưa?
— Các vị trí ngầm, nổi của nó ghi được hết rồi. Lại khoắng được một lô vải ka ki Mỹ ở trong kho của nó.
Tích chạy lại đón một bóng người vai vác một bó vải lớn:
— Để tôi vác lên mảng cho.
Tích bước lên mảng. Bốn súc vải nặng nhận chìm một phía mảng. Tích xoải chân chống mảng. Cái mảng vênh đầu, ra giữa dòng, mờ trong sương phủ mặt nước, lao vun vút.
Tâm ngồi ở đầu mảng. Chợt ngước lên, nét mặt anh gân guốc như tạc bằng đá. Cái mảng đang đi qua gầm cầu, nơi anh đã bị giặc xỉa lưỡi lê rồi quẳng xuống nước. Cầu sang Cốc Lếu đen đen. Sông sâu thăm thẳm cửu tuyền là đâu?