No person who can read is ever successful at cleaning out an attic.

Ann Landers

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 34
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 46
Cập nhật: 2023-03-26 23:07:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 15
úc sư phụ tôi đau ốm, tôi đã mười bốn, mười lăm tuổi. Tôi đã đủ trí khôn để hiểu những điều phức tạp nhất. Tôi cám ơn cái quãng thời gian quý báu ấy. Nó cho phép thầy trò tôi ngày đêm luôn ở bên nhau để chuyện trò đủ mọi thứ. Quãng thời gian ấy đã giúp tôi khai mở tâm hồn. Tâm hồn tôi là những trang giấy trắng tinh dễ dàng thẩm thấu mọi điều tốt đẹp cũng như xấu xa. Có lẽ thầy tôi vui mừng vì người cho rằng đây là một duyên may. Và thầy là người đầu tiên đã viết lên trên những trang giấy trắng. Một bận, thầy hỏi tôi:
- Đã bao giờ con nghĩ đến câu hỏi: “Tại sao trên cõi đời này lại có rất nhiều người đi theo đạo Phật?”
Thực ra, điều ấy tôi chưa khi nào nghĩ tới. Hai chị em tôi là những kẻ khốn cùng. Cha mẹ chúng tôi chẳng may chết hết; sư cụ thương tình dang tay ra cứu nạn. Sau đó tôi trở thành chú tiểu. Đơn giản chỉ có vậy thôi.
Sư phụ để tôi suy nghĩ rất lâu, sau đó người mới nhẹ nhàng nói rằng:
- Con người ta, khi trông thấy sự độc ác, ai ai cũng bất bình.. Khi thấy người khác đau khổ, ai ai cũng động lòng trắc ẩn, thương xót. Lòng trắc ẩn là bước đầu của tâm từ bi. Tâm từ bi người nào cũng có. Đạo Phật lấy tâm từ bi làm gốc. Những tôn giáo lớn trên thế giới như đạo Phật, đạo Thiên Chúa đều rao giảng lòng từ bi, tình thương. Chính tâm từ bi, tấm lòng cao thượng sẵn có ở tất cả mọi người đã tạo nên sự hấp dẫn của đạo Phật. Lẽ tất nhiên giáo lý đạo Phật còn nhiều điều sâu sắc hấp dẫn con người như tứ diệu đế, bát chánh đạo, vô ngã, vô thường trung đạo v.v... nhưng đó là điều đến sau. Bước đầu tiên dẫn người ta đến với Phật thông thường vẫn là sự hấp dẫn của lòng từ bi. Lòng từ bi thật giản đơn, nhưng sức hút của nó thật kỳ lạ và vô biên. Có những con người có trái tim rất cằn cỗi, có thể nói độc ác, nhưng rồi có một phút nào đó, đột nhiên nghe được diệu âm của tiếng từ bi. Và thế là đột ngột thay đổi, và thay đổi hoàn toàn. Cứ như thể lột xác vậy.
Nói rằng từ bi là điều giản dị, ai cũng có và ai cũng hiểu, thực ra để hiểu nó và thi hành nó đâu có phải chuyện dễ.
Tôi vẫn tự hào rằng tâm hồn mình là một tờ giấy trắng tinh để thầy tôi viết những điều cao thượng tốt đẹp của đức Thế Tôn lên đó. Tuy nhiên, thực ra đâu phải như vậy. Tôi theo hầu sư phụ tôi đã mấy năm rồi, thế mà vẫn có nhiều đêm, tôi vẫn mơ thấy cái cảnh hãi hùng trong ngôi miếu hoang. Mơ thấy cái xác thầy tôi nằm trên vũng máu, đôi mắt trắng toát mở trừng trừng, cái cổ bị cắt mở ra toang hoác. Sau mỗi giấc mơ nhắc lại ký ức đau buồn xưa, thú thực lòng tôi lại sưng tấy lên sự hận thù. Nói đúng ra, mấy năm ở chùa, ánh sáng từ bi đã lóe lên trong tâm hồn tôi rồi. Tuy nhiên, chắc nó còn leo lét lắm. Lạy đức Phật từ bi. Sao đã mấy năm rồi mà con vẫn chẳng quên. Chẳng thể nào vươn được đến chỗ cao thượng. Thú thật, sự hận thù vẫn gặm nhấm lòng con. Cái hôm tôi đẩy xe bò đưa thầy tôi từ nhà giam phố huyện về chùa, tôi hỏi thầy tôi:
- Thầy ơi! Sao chúng nó tàn ác thế?
- A di đà Phật - Thầy tôi trả lời bằng câu niệm Phật chung chung. Tức là thầy tôi không trả lời hay né tránh câu hỏi.
Tôi lại hỏi tiếp:
- Thầy ơi! Thầy có thấy căm thù chúng không?
Thầy tôi bảo:
- A di đà Phật! Thực ra thầy vẫn tu chưa trọn. Bị người ta ngược đãi quá đáng, lòng thầy vẫn dâng lên oán giận.
Sự thành thật của thầy làm tôi ngạc nhiên và kính phục. Đối với một chú tiểu nhỏ bé như tôi, sư phụ cũng không giấu giếm sự kém cỏi của mình. Điều ấy còn có thể có nghĩa là thầy tôi muốn đạt tới chỗ vô hạn, đạt tới chỗ cao thượng tột cùng.
Thú thật, có những buổi chiều ở trên gác chuông tam quan, đánh những tiếng chuông ngân nga, tôi cứ suy nghĩ miên man, và có lúc tôi chợt xấu hổ. Thực ra, suy nghĩ tâm hồn mình ví như một tờ giấy trắng tinh là một sự kiêu ngạo vô lối. Nhất là khi tâm hồn tôi đã bị một vết đỏ làm hoen ố. Tuy tôi còn nhỏ, nhưng cái chết của cha tôi đã ghi một vết hằn rất sâu, sự hận thù đã có lúc làm đầu óc tôi đen ngòm, tê dại. Sự yêu thương của thầy tôi, tiếng chuông chùa vang lên hàng ngày ngân nga, thực quả cũng làm vết thương hàn gắn lại, nhưng sự đau đớn đâu phải đã hết. Thỉnh thoảng, gặp một dịp nào đó, vết thương lại tấy lên. Nguyên nhân của sự sưng tấy lắm khi rất giản đơn. Ví dụ buổi chiều ngồi trên gác chuông nhìn xuống thấy người ta đi làm đồng về. Những đứa trẻ trạc tuổi tôi ngồi trên lưng trâu, có đứa nằm sấp trên lưng trâu ôm lấy cổ trâu, có mấy đứa con gái vừa dắt trâu vừa ríu ra ríu rít. Cảnh tượng thật thanh bình êm đềm. Thế mà bỗng dưng tôi buồn, buồn vô cớ, buồn bâng quơ. Nước mắt bỗng dâng lên mi, cứ chực tràn ra. Tôi là đứa trẻ dễ xúc động. Tủi phận chăng? Nỗi thèm khát một gia đình êm ấm chăng? Ghen tị với đời chăng? Tôi cũng chẳng hiểu được lòng mình nữa. Có lẽ chính vì thế nên tự thẳm sâu trong lòng, tôi đã nhận sư cụ là cha mình. Cái hôm tôi đẩy xe bò, đưa người cha thứ hai của tôi từ phố huyện trở về, nhìn cái thân hình lở loét, chín phần chết một phần sống của thầy, thú thật là lòng hận thù trong tâm hồn tôi lại như sóng biển trào lên. Từ bi ư? Hận thù ư? sống thế nào mới phải? Đó là câu hỏi lớn trong tôi. Tôi đã nói tôi không phải là tờ giấy trắng. Ảnh hưởng đến tâm hồn tôi, ngoài cụ ra, còn có thầy giáo Hải. Thầy giáo có những luận giải về cuộc sống theo một góc độ khác. Hơn nữa, lại còn những sự kiện bên ngoài xảy ra hàng ngày... Ngôi chùa đâu có thể đóng kín cửa đối với thế gian... Tất cả đều góp phần vào, cũng có thể nói tất cả đều có thể là mực để vẽ vào tâm hồn tôi. Dù những nét vẽ ấy nguệch ngoạc, thì chúng cũng vẫn là những nét vẽ.
Trong chuỗi ngày đặc biệt ấy, sư phụ đã kể cho tôi nghe tất cả đời mình. Trong đời mỗi con người, thường có những quãng đời đau ốm kéo dài phải nằm liệt trên giường bệnh. Đó là những chuỗi ngày rỗi rãi, không phải làm việc. Thông thường ở những thời điểm đó, người ta hay nghĩ lại những ngày đã sống. Đó là những hồi ức quý báu. Có thể nói, đó là những tổng kết nhỏ để con người rút ra những kinh nghiệm cho quãng đời sau đó.
Đối với tôi, được nghe những hồi ức của thầy, tôi như được đọc một cuốn sách, một cuốn sách sinh động, mà đôi đoạn cứ như truyện cổ tích. Có đoạn rất huyền hoặc, khó mà tưởng tượng nổi. Thầy tôi kể về người đệ tử đầu tiên của mình.
Vị đại sư huynh của thầy tôi là một động vật. Sư huynh là một con hổ. Hồi tu trên Yên Tử, một bận đi rừng, thầy tôi nhặt được chú hổ con gần chết. Mẹ nó bị những người thợ săn giết chết. Mấy hôm trước, thầy bắt gặp mấy người khiêng con hổ lớn qua trước am. Sư phụ tôi nói:
- A di đà Phật. Đất đai ở đây thiếu gì. Sao các thí chủ không khai khẩn mà sống. Tội gì làm nghề săn bắn cho thất đức.
- Thưa sư phụ. Cũng là cái nợ đồng lần cả thôi. Trước kia chúng tôi làm thợ đốt than. Chính con hổ này đã vồ chết một người của chúng tôi. Vậy phải làm thế nào? Chúng tôi phải rình mò mãi mới giết được nó. Tưởng cũng là giúp dân vùng này được yên ổn làm ăn. Sư phụ mắng chúng tôi là mắng oan đấy ạ.
- A di đà Phật - Sư phụ tôi chẳng còn biết nói ra sao. Một người trong nhóm còn nói thêm:
- Chúng tôi giết nó nhưng còn một chút thương tình đấy. Nó bị mắc bẫy, chông đâm phòi ruột, nhưng còn chạy được một quãng mới chịu ngã. Lúc chúng tôi đến, thấy bên xác nó có một chú hổ con. Chúng tôi không bắt hổ con. Phường chúng tôi đã có nhời nguyền. Đi săn không bao giờ tuyệt diệt. Những con vật còn nhỏ không giết. Tuy không bị bắt, nhưng chú hổ con chắc là sẽ chết.
Bọn phường săn nói xong lên đường. Thầy tôi ở lại trong lòng băn khoăn. Thầy tôi cứ nghĩ rằng người thợ săn chẳng nói toạc ra, nhưng có lẽ lời nói ấy là một lời gửi gắm. Sư phụ tôi thấy mình phải có trách nhiệm đi tìm con hổ con bị để lại trong rừng.
Đến hôm sau mới tìm ra nó. Không được bú sữa mấy hôm, chú thú hoang lả đi gần chết. Trên mép con hổ nhỏ còn thấy máu khô. Có lẽ con vật không có sữa mẹ đã liếm máu trên cỏ mà sống tạm. Nó cũng khôn đáo để. Đến lúc đói gần mê man, nó còn biết lăn xuống một cái hố to có cỏ rậm che phủ. Thầy tôi đi tìm, trông thấy một con cáo đuôi đỏ đang đánh hơi trên mặt đất. Thấy ông sư, con cáo hoang chạy trốn, nhưng chỉ một lúc sau lại thấy cái đuôi đỏ xuất hiện tại vùng đất ấy. Thấy vậy, thầy tôi sinh nghi, liền quay lại tìm kiếm kỹ càng hơn. Vạch những bụi rậm, tìm những hang hố. Nhờ lục soát kỹ nên cuối cùng mới tìm ra chú hùm con mồ côi bất hạnh.
Thầy đem hổ về, lấy nước cháo bón cho. Rồi lại nhai cơm mớm cho như ta nuôi trẻ nhỏ. Bù trì ôm ẵm như vậy chừng nửa tháng thì chú hùm con hoàn toàn hồi phục. Từ đấy, nó như con chó nhỏ suốt ngày đêm bám gót sư thầy. Thầy tôi đọc kinh nó cũng biết nghe kinh. Thầy tôi ngồi thiền, nó cũng ra hè nằm lim dim đôi mắt. Thầy đặt pháp hiệu cho đại sư huynh của tôi là Khoan Hòa. Sư huynh oai phong lắm. Không có việc
gì, Khoan Hòa thường nằm ở đầu am như một con mèo vàng nằm ngủ. Hễ có người quen đến, Khoan Hòa mở mắt ra rồi nhắm lại ngay coi như chẳng có việc gì xảy ra. Khách cứ tự nhiên vào am. Nhưng cứ có người lạ đến, thì đôi mắt mở ra, không chịu khép lại và sáng quắc. Nếu kẻ lạ có hành động bất thường thì Khoan Hòa từ từ đứng lên và gừ gừ trong họng. Mới chỉ có từng ấy cử chỉ thôi, khách đã hết hồn run lẩy bẩy rồi kêu cứu. Thầy tôi thấy vậy, từ trong am bước ra quát khẽ:
- Chú Hòa. Đừng làm vậy kẻo khách sợ.
Chỉ trông thấy bóng thầy tôi là đại sư huynh đã vội nem nép nằm xuống.
Thầy tôi, về sau, kể lại chuyện ấy, đôi mắt tiếc thương vô hạn và thêm lời nhận xét:
- Thực ra sư huynh con tính nết đúng như cái tên Khoan Hòa mà thầy đặt cho. Hiền hòa lắm. Chưa làm thương tổn ai bao giờ. Cứ ít lâu sư huynh con lại bỏ nhà đi ít hôm. Nó vào những khu rừng thật xa, thật sâu. Chẳng ai gặp nó bao giờ. Và chính ta cũng chẳng biết nó làm gì trong những ngày ấy. Chỉ biết rằng khi trở về, nó lại hiền khô. Về sau, khi Khoan Hòa quá lớn, ta phải đào cho nó một cái hang bên sườn núi rồi rào tre chung quanh, kiểu như một cái cũi lớn để cho mọi người đỡ sợ.
Chú hùm có một tài năng đặc biệt, đó là tài có thể đoán nhận ra tâm tính con người ta. Ngày xưa, khi sư huynh Khoan Độ đến am, anh mê man bất tỉnh và người cõng anh là Thuồng Luồng. Chàng tướng cướp dũng mãnh này đặt Khoan Độ trước cửa am và đập cửa. Lúc Thuồng Luồng quay lại, anh ta bỗng hét lên. Một con hùm lớn đang ghé mũi xuống mặt Khoan Độ để ngửi. Thuồng Luồng vội thét lên khi con mãnh thú mắt sáng quắc nhìn anh và nhe răng gầm gừ. Cũng may lúc đó sư Vô Úy xuất hiện. Thuồng Luồng ở am mươi hôm mà vẫn không tài nào làm quen được với con vật kỳ lạ. Cứ thấy anh là nó nhe răng, nó gầm gừ. Lắm lúc cứ như thể nó đang trong tư thế đang sắp nhảy lên vồ.
- Ta biết sư huynh con còn mang nhiều chất rừng rú hoang dại trong người. Phải gột rửa dần dần thôi. Nhanh cũng chẳng được. Người dạy thú, mỗi lần con vật nghe lời, lại thưởng cho một miếng ăn. Ta không làm thế. Mỗi lần sư huynh con nổi xung, gầm gừ, ta lại ôm cổ nó mà vuốt ve, xoa dịu. Ta ghé mồm gần tai nó thì thầm “Đừng nổi nóng con ơi. Nóng giận làm ta mất khôn. Nóng giận sẽ tiếp nóng giận. Như sóng càng lúc càng mạnh. Con sóng sau hung dữ hơn con sóng trước. Chi bằng hãy nhắm mắt lại. Hãy tha thứ. Hãy khoan dung. Thế đấy. Thật mượt mà như bãi cỏ xanh. Thật lắng trong như hồ lặng sóng”. Ta nói nhẹ nhàng êm dịu. Ta không biết con vật có thể hiểu được tiếng người không. Nhưng ta biết lời từ bi của đức Phật thấm vào tay ta. Tinh thần của Phật nhuốm vào giọng nói, ánh mắt và vẻ mặt của ta. Nhất là vẻ mặt. vẻ mặt có tiếng nói đúng như tâm hồn ta suy nghĩ. Khó giấu đi được. Chính vì vậy, sư huynh con có thể biết con người qua vẻ mặt. Chính vì vậy, sư huynh con biết được Thuồng Luồng là người đã làm nhiều tội ác khó rửa cho sạch. Sự giảng dạy lòng từ bi của ta chắc cũng làm cho đức tính cao thượng ấy thức dậy trong lòng Khoan Hòa. Ta tin như vậy, vì sư huynh con đã bớt ác cảm với Thuồng Luồng. Tuy vậy hai bên vẫn không thân được với nhau. Và khi trông thấy anh ta, sư huynh con không gầm gừ nữa nhưng vẫn không hết được nét mặt hầm hầm rồi lầm lủi bỏ đi. Đối với Thuồng Luồng thì thế, nhưng đối với Khoan Độ sư huynh con lại tỏ ra khác hẳn. Không biết ngoài vẻ mặt, mùi vị từ thân thể con người tỏa ra biểu lộ chút gì cái tâm tính ẩn giấu bên trong không. Khi Thuồng Luồng đặt cái xác sư huynh Khoan Độ của con trước cửa am. Từ bên trong nhìn ra, ta thấy đại sư huynh của con ghé mũi sát mặt Khoan Độ rồi đánh hơi rất lâu. Lại còn thè lưỡi ra liếm lên mặt Khoan Độ, dáng vẻ không gây hấn, hoàn toàn hiền lành. Khi khỏi vết thương, Khoan Độ rất dễ dàng thân với Khoan Hòa. Ngoài ra, chỉ độc nhất Khoan Độ là người có thể ôm lấy cổ đại sư huynh của con. Thú thật, có lẽ chính vì thế nên ta mới thu nhận Khoan Độ làm đệ tử. Ta tin là đại sư huynh đã ngửi thấy căn duyên trên người Khoan Độ. Còn Thuồng Luồng thì khác, anh ta chưa có căn duyên để sống trong am cỏ.
Sư phụ kể chuyện về đại sư huynh của tôi đến đây bèn dừng lại. Tôi nhìn vào đôi mắt của người chợt nhận ra một nỗi buồn không tả được... Thầy tôi run run kể tiếp:
- Rồi đến một đêm, ta và Khoan Độ đang ngủ trong am, bỗng thức dậy vì những tiếng động khác thường. Uôm uôm... Đại đệ tử của ta, chú hùm Khoan Hòa đang ra sức kêu náo động cả khu rừng. Tiếng kêu làm lũ khỉ ngủ trên cây dẻ cũng thức giấc cất tiếng kêu theo. Cứ như thể rừng động. Ta và Khoan Độ mở cửa ra sân. Hóa ra chú hổ sủa trăng. Bóng trăng qua những tán lá chảy xuống, tạo thành những vũng vàng lỗ chỗ loang loáng trên sân am. Hùm Khoan Hòa đứng mà kêu, ngửa cổ mà kêu. Nó bước đi loanh quanh cứ như thể ngửi thấy gì trong làn gió rừng hiu hiu thổi. Ta ngó quanh. Khoan Độ phải đi quanh am thăm dò động tĩnh. Mấy vòng vẫn chẳng thấy gì khác lạ. Ta bèn đến bên chú hùm. Ôm lấy cổ nó, vuốt ve an ủi: “Con ơi! Con nhớ rừng chăng? Thì đi đi. Hãy về với suối, với hang, với rừng đại ngàn cho đỡ nhớ. Bao giờ nguôi ngoai trong dạ thì trở lại với thầy”. Con vật nghe nói, chỉ hít hít người ta như muốn nói điều gì mà không diễn tả được. Ta dắt nó ra rừng nhưng nó lại quay về. Ta chịu không hiểu nổi hùm đang nghĩ gì.
Đến trưa hôm sau, có ba người khách lạ vào am xin nghỉ nhờ. Hùm Khoan Hòa lúc ấy ở trong hang có rào chắn. Nó đang lim dim ngủ bỗng chồm dậy, gầm gừ và liên tục đi đi lại lại, chẳng chịu dừng chân. Ba người lạ mặt ra sau am thổi cơm. Ăn uống xong họ lễ phép chào hỏi rồi tiếp tục lên đường. Bọn khách đi xa rồi mà hùm Khoan Hòa vẫn bồn chồn đi lại. Ta bảo nó: “Ta hiểu tại sao đêm qua con kêu và hôm nay con bồn chồn như thế. Có phải con đã ngửi thấy, đã nhận ra đó là những con người đằng đằng sát khí. Ta cũng nhận ngay ra họ và bảo: “Ta không biết các anh là ai nhưng biết các anh có mưu đồ bất thiện. Đây là nơi tu hành, nơi đất Phật. Hãy từ bỏ những dự định đen tối. Có nhân là có quả. Hãy tránh nhân ác kẻo mang vạ vào thân. Họ chối đây đẩy, thề sống thề chết là trong sạch. Ăn cơm xong, họ đi liền.
Sư Khoan Độ cảnh giác hơn thầy tôi. Mấy hôm sau, sư đi lùng sục khắp vùng. Sư đã tìm thấy một tảng thịt làm mồi và một cái cạm bẫy hổ. Sư liền đi tìm hiểu khắp vùng, vốn xuất thân từ chốn giang hồ nên Khoan Độ tìm ngay ra tung tích của đoàn người chẳng khó khăn gì.
Đám này chắc không biết nên mấy hôm sau đã trơ tráo xuất hiện lần nữa. Họ nói dối không biết ngượng rằng họ là đám đi tìm trầm hương. Sư phụ tôi nói:
- A di đà Phật. Các thí chủ nói dối kẻ tu hành này làm gì. Trong các vị đây, có vị nào tên là Ngói. Mấy năm về trước chính bần tăng đã gặp ông phó Gạch. Ông ấy là thợ săn. Ông thân sinh ra thí chủ chết rồi phải không? A di đà Phật, cầu mong cho ông cụ chóng được vãng sinh vào cõi tịnh độ. Thí chủ có biết không. Chính ông phó Gạch đã bắn chết con hổ mẹ sinh ra con hùm ngoài kia đó. Ông cụ giết con mẹ nhưng không muốn mắc tội tuyệt diệt đối với hổ con. Làm người phải có đức hiếu sinh. Ông cụ dù sao cũng có một nửa đức hiếu sinh, thế mà còn mang tội. Chẳng lẽ các thí chủ lại muốn làm trái với lời nguyền của cụ phó Gạch hay sao. Ông cụ phó Gạch sinh ra ông Ngói. Đấng sinh thành ra ông Ngói cũng như đấng sinh thành ra các thí chủ...
Nghe sư phụ tôi giảng dài dòng nhưng có tình có lý, bọn thợ săn trá hình bị lột mặt nạ, cũng thấy ngượng. Họ lại thề thốt rằng quyết không bao giờ đụng chạm đến con hùm mồ côi, người đệ tử quý báu của thầy.
Thầy tôi thấy vậy yên lòng. Mà bọn thợ săn cũng giữ lời hứa. Không thấy họ bén mảng tới vùng am thờ Phật của thầy tôi nữa. Cứ tưởng cuộc sống lại được quay trở về bình thường.
Ai ngờ, ác nghiệt thay! Đám thợ săn không giết sư huynh tôi ở gần, nhưng họ lại tìm cách giết sư huynh tôi ở xa. Cũng như mọi khi, một bận sư huynh tôi bỏ am vào rừng thẳm vài hôm. Lần này sư huynh đi đến nửa tháng không về khiến thầy tôi vô cùng lo lắng.
Một đêm, đang ngủ thầy tỉnh giấc, ngồi bật dậy bảo sư Khoan Độ:
- Anh Độ à, anh Hòa gặp nạn rồi. Anh dậy đốt nến đốt nhang lên cho tôi cầu Phật phù hộ cho nó.
Sáng hôm sau, sư bác Khoan Độ cơm nắm lên đường vào rừng thẳng theo hướng đi của đại sư huynh. Không thấy tăm tích. Chỉ được nghe những người thợ đốt than kể:
- Bọn thợ săn gài cạm ở một bến nước, nơi chỉ có vết chân thú dữ. Một con hổ rất tinh khôn bị sa bẫy. Bảo tinh khôn cũng đúng mà bảo nó can đảm cũng đúng. Bọn thợ săn gài cạm, mấy hôm sau quay lại thì chỉ thấy một chiếc chân hùm còn nằm trong cạm. Ở chiếc chân thấy nham nhở những vết cắn gặm. Thì ra con vật bị mắc bẫy đã cắn đứt chiếc chân rồi tập tễnh lủi vào rừng. Theo vết máu, họ tìm đến một chiếc hang sâu thăm thẳm. Con vật đã lê đến đây và chui vào hang, quyết không chịu chết trong tay phường săn.
Hang nhỏ và sâu. Chẳng ai biết có gì chờ đợi mình trong đó. Bọn thợ săn đành thở dài quay về.
Một ông bạn nhà nho lên am thăm sư phụ tôi, nghe câu chuyện, bèn nói rằng.
- Sao cụ lại dạy cho hùm chữ từ bi. Rừng thẳm có luật rừng thẳm. Cụ dạy cho nó chữ từ bi tức là cụ tước mất của nó cái sự bảo vệ sinh tồn rồi.
Thầy tôi nghe vậy chỉ thở dài, rồi ngồi gõ mõ tụng kinh suốt một ngày. Tôi biết thầy tôi buồn vì cái chết của sư huynh tôi nhiều lắm. Buồn mãi đến tận hôm nay. Kể xong câu chuyện, sư phụ bảo:
- Hai chữ từ bi dù sao cũng được nhiều người mang giữ mặc dù mang giữ nó có khi thiệt vào thân. Nhưng nếu hai chữ ấy mà bị mất đi hoàn toàn chắc chắn con người sẽ bị rơi lại vào thời mông muội. Thiếu nó, con người sẽ chẳng còn là người.
Đội Gạo Lên Chùa Đội Gạo Lên Chùa - Nguyễn Xuân Khánh Đội Gạo Lên Chùa