Nguyên tác: The Dark Arena
Số lần đọc/download: 648 / 78
Cập nhật: 2019-11-19 14:36:20 +0700
Chương 18
M
osca ngồi trong bóng mát một ngôi nhà lớn sơn trắng dùng làm câu lạc bộ. Trước mặt chàng là một sân bắn cung tên với các mục tiêu vẽ vòng tròn xanh đỏ. Hella ngồi trên một ghế thấp bên cạnh chàng. Sân cỏ có rất đông lính chiến Mỹ với vợ và các xe trẻ con.
Chiều Chủ nhật ấy không khí thật êm ả. Đêm bắt đầu xuống hơi sớm hơn thường lệ. Mosca nghĩ mùa thu đến sớm hơn mọi năm. Trên bãi cỏ, lốm đốm những khoảng màu nâu, các hàng cây ở sân golf có những lá đỏ.
Mosca thấy Eddie tiến về phía chàng, băng qua đám bắn cung. Eddie ngồi lên cỏ, vỗ vào chân Hella nói lời chào:
— Hello.
Hella mỉm cười với anh rồi tiếp tục đọc báo Stars and Stripes.
Eddie nói với Mosca:
— Tôi vừa được thư của bà vợ. Cô ấy không chịu qua. - Im lặng một lúc, mỉm cười thật nghiêm nghị, miệng méo lại, anh nói tiếp, - Nó sẽ lấy sếp của nó, tôi đã bảo là nó thích thằng đó mà. Lúc đó tôi chẳng biết rõ, chỉ nhận định theo linh cảm. Linh cảm thật là hay, phải không Walter?
Mosca thấy Eddie đã say:
— Eddie, anh không phải là con người của gia đình.
Eddie nói:
— Tôi có thể là người của gia đình lắm đấy chứ. Tôi cố gắng. - Chỉ chiếc xe màu kem đậu trên bãi cỏ xanh, một nền len màu xanh ló ra ngoài, anh bảo, - Cậu không phải là người của gia đình, nhưng cậu đã cố gắng.
Mosca cười:
— Tôi đang học đó.
Họ ngồi im lặng một lúc, Eddie hỏi:
— Cậu có đến Rathskellar đêm nay không?
— Không. Ở nhà đã có sẵn thức ăn. Tại sao anh không chơi?
Eddie đứng lên:
— Tôi luôn luôn lưu động. Tôi không thể ngồi mãi một chỗ cả đêm.
Eddie đi lại giữa các xạ thủ và các đích ngắm. Mosca nằm lên đùi Hella, nhìn các tia sáng yếu đuối của mặt trời chiếu. Chàng quên hỏi Eddie về giấy tờ hôn nhân. Bây giờ có lẽ giấy tờ đã đến. Mosca nghĩ đến vấn đề trở về Mỹ, về ngôi nhà của mẹ với một người vợ và một đứa con, Gloria đã có chồng (chàng mỉm cười trước sự kiện đó) nên không còn thắc mắc về nàng. Nhưng ý nghĩ về ở luôn bên Mỹ rất xa lạ đối với chàng. Nhìn các xạ thủ giương cung và nghe tiếng các mũi tên bay, chàng nhớ một lính chiến già ở một nông trại sau chiến tuyến, nông trại được dùng làm rạp chiếu bóng cho binh sĩ xếp củi làm ghế, người lính chiến già này gần bốn mươi, bế một trong ba đứa nhỏ Pháp - đứa lên sáu ngồi giữa hai đầu gối - cẩn thận chải tóc cho nó, rẽ ngôi, chải mớ tóc trước trán bồng lên. Tiếp đó ông chải tóc cho hai đứa kia, một gái và một trai, xoay chúng vòng vòng để phân đường ngôi thật kỹ. Xong rồi, ông phát cho mỗi đứa một thỏi chocolate, nhặt khẩu súng gác ở bên tường cho vào giữa hai đùi.
Bây giờ nằm trên cỏ xanh, nhìn những chiếc xe đẩy trẻ em, Mosca nhớ lại anh lính chiến già đã ném các hộp nước thơm xuống đường khi lái xe từ từ theo sau đám binh sĩ uể oải tiến quân từ bãi biển đến nơi có tiếng đại bác nổ giữa lúc tiếng chuông nhà thờ đổ ngày Chủ nhật mỗi lúc một to. Tiếng đại bác nện mạnh hơn, tiếng súng nhỏ nghe vang rền. Chàng nhớ đến hộp nước thơm mát ngọt mà các binh sĩ chuyền tay nhau uống.
Gió đêm thổi lên hơi lạnh. Hella bỏ sách nhìn lên. Mosca ngồi dậy hỏi:
— Em có cần gì trước khi mình về không?
— Không. Em đầy đủ rồi. Em sợ rằng em nhức răng lại.
Mosca thấy một đốm xanh nhỏ dọc hàm răng.
— Để anh bảo Eddie giới thiệu em với bác sĩ trong căn cứ.
Hai người gom góp đồ đạc trên xe và dưới bãi cỏ, đi về phía xe buýt. Lúc xe buýt đến, Mosca đưa chiếc xe lên ở phía sau. Đứa bé khóc. Hella bế con lên. Tài xế chờ lấy tiền xe. Mosca nói tiếng Đức: “Chúng tôi là người Mỹ”, tài xế nhìn Mosca từ trên xuống dưới nhưng không phản đối.
Ở trạm tiếp theo hai nữ quân nhân lên xe. Một cô thấy đứa bé Hella bế, hỏi cô bạn:
— Đứa bé Đức đó đẹp chứ?
Nữ quân nhân kia cúi xuống nhìn, nói to lên:
— Chú bé kháu quá! - Rồi nhìn Hella xem nàng có hiểu không, cô bảo, - Schon, schon (đẹp, đẹp).
Hella mỉm cười nhìn Mosca, nhưng chàng đứng im. Một cô lấy trong ví một thỏi chocolate, trước khi xuống xe, nhét vào áo đứa bé. Hella chưa kịp chối thì hai cô xuống xe.
Ban đầu Mosca thấy vui, nhưng vì lý do nào đó, chàng bực, rút thỏi chocolate ném xuống đường.
Lúc xuống Strassenbalm đi bộ về nhà, Hella nói:
— Anh đừng giận. Hai cô đó nghĩ chúng ta là người Đức.
Mosca sợ mình sẽ trở thành người Đức thật sự và phải chấp nhận lòng từ thiện và chịu nhẫn nhục như một kẻ chiến bại. Chàng bảo:
— Mình sẽ rời nơi đây sớm. Ngày mai anh sẽ nhờ Eddie vận động cho giấy tờ tới nhanh.
Lần đầu tiên chàng thấy cần phải gấp rút.
Eddie rời câu lạc bộ ở đồng quê, không biết phải đi đâu. Cảnh tượng Mosca ngồi trên cỏ, gối đầu trên đùi Hella một tay ôm bánh xe nhỏ chở thằng bé làm anh xót xa. Anh đón xe buýt nghĩ thầm: “Mình phải đến thăm con bồ.” Với ý nghĩ đó, anh vui vui khi ngắm các cô gái đi trên phố. Đến cuối thành phố, anh xuống đi bộ dọc bờ sông, qua cầu Weser rồi đón một xe Strassenbalm khác đến Neustadt. Tới trạm chót, anh rẽ vào căn cứ không quân.
Các dãy nhà ở đây còn nguyên vẹn, anh vào một dãy, lên ba tầng lầu, gõ cửa. Có tiếng nói: “Xin chờ một chút.” Rồi cánh cửa mở.
Eddie khó chịu mỗi khi gặp Eltreida. Thân hình cô gái béo tròn, đầu quá to với đôi mắt tím có quầng đỏ giống như mắt thỏ.
Eddie bước vào, ngồi xuống giường kê sát tường:
— Cho anh một ly rượu đi em.
Anh tiếp tế rượu thường xuyên cho nàng nên có quyền đến uống. Eltreida không hề đụng tới số rượu này nếu anh không đến. Lúc nàng pha rượu, Eddie ngắm đầu nàng. Cái đầu quá to so với thân hình và tóc nàng giống như một gùi dây đồng. Da nàng giống như da gà với những lỗ chân lông vàng và to. Mũi nàng hơi quẹo một bên như bị một cú đấm vô hình xô lệch và đôi môi dày như miếng thịt bò, cằm nàng lại gãy. Nhưng lúc đi lại trong phòng nói chuyện với anh, giọng nàng thật dịu dàng, trầm bổng. Nàng nói tiếng Anh rất giỏi, có khiếu về sinh ngữ và sinh sống bằng nghề phiên dịch. Đôi khi nàng dạy Eddie học tiếng Đức.
Eddie thấy thoả mãn và an toàn tại đây. Nàng luôn luôn thắp đèn sáng trong phòng, Eddie nghĩ nàng có thể dùng đèn để làm việc khác. Phòng có kê một giường. Bên cửa sổ là bàn viết có bức ảnh chồng nàng, một thanh niên đẹp trai cười lộ cái răng khểnh.
Eltreida nói:
— Em không ngờ anh đến đêm nay.
Nàng trao ly rượu rồi ngồi lên trên giường. Nàng rút kinh nghiệm, nếu có cử chỉ thân thiện hay thèm muốn thì Eddie sẽ đi ngay, nhưng nếu nàng chờ cho đến lúc anh gần say thì anh sẽ thổi tắt các ngọn nến rồi lôi nàng lên giường. Lúc đó nàng phải làm ra vẻ như chống lại.
Eddie nằm trên giường uống rượu, ngắm bức ảnh. Người trong ảnh đã ngã gục trong trận Stalingrad. Eltreida thường nhắc nhở đến chồng với Eddie cũng như các chị em bạn. Vào những ngày tưởng niệm tử sĩ do chính phủ ban hành, nàng mặc toàn đen. Ngày nay nghe nhắc tới Stalingrad nàng lấy làm khó chịu.
Eddie uống thêm rượu. Đầu óc lơ mơ, anh nghĩ đến vợ đến những kỷ niệm xa xưa: Trong những ngày niên thiếu, cậu bé Eddie đã lắng nghe đọc các truyện cổ tích. Anh mơ hồ nhớ lại các chuyện ngây thơ, trong trắng đó. Tiếng người đọc truyện như còn văng vẳng đâu đây: “Công chúa bị lạc trong rừng. Thật đáng thương.”
Thủa ấy cậu bé Eddie tưởng tượng một trinh nữ đầu đội vương miện, khăn voan che mặt, mình mặc áo có ren trắng, dáng dấp như Thiên thần. Thân hình mảnh dẻ của cô chưa nở nang, chưa có mông, chưa có ngực. Thế rồi nhìn ra cửa sổ, không rõ ở trường hay trong phòng ngủ, cậu bé Eddie khóc thầm, nghe văng vẳng tiếng người đọc truyện: “Thương thay cho công chúa lạc trong rừng…”
Đêm ấy Hella và Mosca giao con nhờ bà Saunders trông rồi đi dạo trên đường Metzer. Tại. đây Mosca vẫn còn giữ căn phòng của mình. Mosca sách cái túi xanh chứa khăn bông và quần áo sạch. Cả hai đều nóng, bụi bặm nên đến phòng Mosca để tắm nước nóng. Tại nhà bà Saunders không có máy nước nóng.
Bà Meyer đứng trước nhà, mặc quần thun dài và áo choàng trắng, quà của Eddie. Bà hút thuốc lá, nét mặt hân hoan:
— Hello. Chào hai ông bà. Lâu quá rồi hai ông bà không đến thăm chúng tôi.
Mosca đáp:
— Nhưng bà chẳng cô đơn chút nào.
Bà Meyer cười.
— Không. Tôi không hề cô đơn. Làm sao cô đơn được khi ngôi nhà đầy người.
Hella hỏi:
— Bà có biết Leo đã từ Hamburg về chưa?
Bà Meyer ngạc nhiên:
— Kìa, ông ấy về từ thứ Sáu. Không đến thăm ông bà à?
Mosca đáp:
— Không ạ. Mà tôi cũng không thấy ăn uống ở Rathskellar hay ở câu lạc bộ.
Bà Meyer vui vẻ nói:
— Ông ta đang ở trong phòng với con mắt sưng to. Tôi đã chế diễu ông ta một lúc nhưng thấy ông ấy bực nên tôi bỏ ra đây.
Hella nói:
— Tôi mong ông ấy không đau ốm gì.
Cả hai đi lên gác, gõ cửa phòng Leo. Mosca gõ mạnh nhưng không có tiếng trả lời. Cửa phòng khoá. Chàng nói:
— Có lẽ anh ấy đi ra ngoài.
Cả hai về phòng. Chàng thay áo, đến phòng tắm ở cuối hành lang. Chàng tắm nhanh rồi trở về phòng. Hella đang ngồi trên giường, hai tay che miệng.
— Em làm sao thế?
— Em bị nhức răng. Tại ăn kẹo và kem nhiều quá.
— Ngày mai anh sẽ đưa em đến bác sĩ.
— Không cần, rồi nó sẽ khỏi như những lần trước thôi.
Nàng cởi áo, mặc áo choàng đến phòng tắm.
Mosca đang thắt cravát thì nghe thấy tiếng chân người đi lại trong phòng Leo. Chàng gọi:
— Leo!
Một lát sau có tiếng đáp:
— Tôi đây.
Mosca ra ngoài. Leo mở khoá cửa. Lúc vào chàng thấy Leo trở lại giường nằm, quay mặt vào tường.
— Sao cậu không lại nhà tôi?
Leo quay lại Mosca thấy mặt cậu ta bầm tím ở mắt và trán bị sưng. Mosca nhìn một lúc rồi ngồi bên cạnh, châm một điếu thuốc. Chàng nhớ đến bài trên tờ Stars and Stripes đọc đêm qua. Ảnh chụp một tàu cập bến Hamburg đầy người. Dưới ảnh là bài báo tường thuật vụ tàu này chở các tù nhân cũ trong các trại tập trung ở Palestine. Người Anh chặn bắt đưa về đây, người trên tàu không chịu xuống nên bị cưỡng bức rời tàu.
Mosca ôn tồn hỏi:
— Có phải vì vụ tàu ở Hamburg không?
Leo gật đầu, Mosca nghĩ ngợi về việc Leo không ghé thăm và khoá cửa không cẩn thận.
— Tôi có thể làm gì để giúp cậu?
Leo lắc đầu:
— Không, ngồi chơi.
— Ai đánh cậu? Lính Anh à?
Leo gật đầu:
— Tôi cản không cho chúng đánh một người chúng vừa kéo xuống tàu, nên chúng đánh tôi.
— Chuyện như thế nào?
— Cậu không đọc báo à?
Mosca nhăn mặt:
— Nhưng chuyện ra sao?
Leo ngồi lên, im lặng, bỗng nước mắt chảy dài. Má anh giật giật, anh nói:
— Cha tôi đã lầm.
Mosca không nói gì. Một lúc sau, Leo bỏ tay xuống nói:
— Tôi thấy chúng đánh người đó lúc lôi xuống tàu. Tôi bảo: “Không được đánh và đẩy người ấy ra.” Một tên nói: “Thằng này là Do Thái. Mày nên chịu đòn thay cho nó.” - Leo nhại thật giống giọng nói của tên lính gốc London. - Lúc tôi xuống bến, bốn phu khuân vác Đức cười tôi. Tôi nhớ đến cha tôi. Tôi không nghĩ là cha tôi lầm. Nếu thấy tôi hành động như thế, cha tôi sẽ nghĩ thế nào?
Mosca ôn tồn nói:
— Tôi đã bảo cậu, đây không phải là chỗ để chúng mình sinh sống. À, tôi sẽ về Mỹ khi lo xong giấy tờ hôn nhân đấy. Có tin căn cứ quân sự sẽ đóng cửa. Lúc đó tôi cũng thất nghiệp. Tại sao cậu không theo chúng tôi?
Leo ôm đầu. Đề nghị của Mosca không làm anh xúc động. Anh thật dửng dưng không có cảm tình với Mosca. Với giọng chua chát, Leo hỏi:
— Người Do Thái có được an toàn ở Mỹ không?
— Tôi nghĩ như vậy.
— Cậu chỉ nghĩ thôi à?
— Không có gì chắc chắn.
Leo không nói gì. Chàng nghĩ đến binh sĩ Anh trong quân phục len, những kẻ trước đây đã khóc khi giải thoát chàng và những tù binh trong các trại tập trung. Họ đã cởi quần áo, tặng hết lương thực trên các xe ô tô. Lúc ấy chàng tin rằng cha chàng đã nói đúng, là con người thật tốt, là ai ai cũng có lòng nhân và tình thương nhiều hơn là thù hận.
Leo nói với Mosca:
— Không, tôi không thể đi với cậu. Tôi đã thu xếp để về Palestine. Tôi sẽ lên đường trong vài tuần tới.
Chợt thấy mình cần giải thích cho Mosca hiểu, Leo nói:
— Tôi chỉ yên tâm khi về tới nước tôi, sống chung với đồng bào tôi.
Leo biết Mosca có cảm tình cá nhân và sẵn sàng bảo vệ chàng, nhưng Mosca sẽ không bảo vệ cho một người Do Thái không quen biết. Cho nên mối cảm tình đó chưa đủ. Leo lo ngại cho an ninh của mình, dù là ở Mỹ và dù anh đạt được các thành công vật chất to lớn đến mức nào. Luôn luôn anh lo sợ không được an toàn trước những sức mạnh, những người bạn như Mosca cũng không đương đầu nổi với sức mạnh đó. Khuôn mặt của kẻ giải phóng và khuôn mặt của kẻ tra tấn cũng là một. Bạn với thù cũng chỉ là kẻ thù. Leo nhớ tới cô gái cùng sống chung với chàng trong thời gian mới ra khỏi trại Buchenvald, một cô gái Đức gầy ốm và vui tươi. Chàng đã vào đồng quê mua một con ngỗng và mấy con gà. Lúc chàng khoe đã mua được với giá thật rẻ, nàng ngước lên cười bảo: “Anh là một thương gia giỏi.” Bây giờ chàng mới hiểu được ý nghĩa lời đó. Nàng đã lo lắng cho chàng, yêu mến chàng, nhưng câu nói ấy có vẻ chua chát và chàng không thể quên được. Chàng phải đi đến đâu để trốn những kẻ ấy? Không thể là Mỹ và chắc chắn cũng không phải là Đức. Chàng phải đi đâu đây? Tận đáy tâm hồn, chàng khóc và khẽ gọi: “Cha. Cha không hề dạy con là tất cả mọi người đều có mang trong lòng sợi kẽm gai, những ngọn lửa, những cây gậy để tra tấn. Đi đâu họ cũng mang theo những thứ ấy. Cha không hề dạy con thù ghét, phá hoại, nên bây giờ khi bị đánh đập, chế nhạo con chỉ thấy nhục nhã chớ không nổi giận, làm như con đáng bị chế nhạo và đánh đập. Bây giờ con phải đi về đâu? Tại Palestine, con sẽ gặp kẽm gai cũng như chắc chắn cha cũng đã tìm thấy ở Thiên đàng hoặc ở dưới Địa ngục.” Và Leo nghĩ, như đã biết trước từ lâu: “Cha cũng là kẻ thù.”
Không còn gì để nghĩ ngợi nữa. Chàng thấy Mosca vẫn im lặng ngồi hút xì gà.
— Hai tuần nữa, tôi sẽ lên đường đi Palestine. Nhưng trong vài ngày tới đây, tôi sẽ rời Bremen.
Mosca nói thật chậm rãi:
— Tôi nghĩ là cậu nói đúng. Trước khi đi ghé tôi chơi đã.
Leo lắc đầu:
— Không, tôi không muốn thăm ai.
Mosca hiểu. Chàng đứng lên, đưa tay ra:
— Được. Chúc cậu may mắn.
Hai người bắt tay. Có tiếng Hella mở cửa phòng bên. Leo nói:
— Tôi không muốn gặp cô ấy.
— Được.
Mosca bước ra ngoài. Hella đang mặc áo:
— Anh ở đâu về đấy?
— Với Leo, anh ấy ở trong phòng.
— Hay lắm. Mời Leo qua đây.
Mosca nói:
— Bây giờ anh ấy không muốn gặp ai. Anh ấy gặp rủi ro và bị sưng mặt.
Hella nói:
— Bậy nào.
Mặc quần áo xong, nàng bước ra, gõ cửa phòng Leo. Mosca ở lại trong phòng, ngồi trên giường, nghe Leo mở cửa và nghe hai người nói chuyện. Chàng không muốn qua, vì không còn cách gì để giúp bạn.
Mosca ngủ một giấc, lúc thức dậy thì đã quá muộn. Gian phòng chìm trong bóng tối. Chàng vẫn còn nghe Leo và Hella nói chuyện. Chờ vài phút, chàng lên tiếng:
— Mình nên đi kiếm cái gì ăn trước khi Câu lạc bộ Hồng Thập Tự đóng cửa.
Tiếng trò chuyện gián đoạn rồi lại tiếp tục. Tiếp đó chàng nghe thấy Leo mở cửa. Một lúc sau, Hella bước vào phòng. Bật đèn lên:
— Xong rồi. Ta đi.
Nàng cắn môi, cố không khóc. Mosca xách túi quần áo lên. Hai người bước xuống lầu, ra khỏi nhà. Bà Meyer vẫn còn đứng trên bậc thềm:
— Hai ông bà có thăm Leo không? - Giọng bà vẫn vui vẻ.
Hella đáp:
— Có ạ.
Trên đại lộ Kuriurster, Mosca hỏi:
— Leo kể hết cho em nghe?
— Vâng.
— Nói gì mà lâu thế?
Im lặng một lúc. Hella đáp:
— Nói về thời bọn em còn bé. Leo lớn lên trong thành phố. Còn em thì ở đồng quê. Nhưng cả hai đều có những chuyện giống nhau. Thủa ấy nước Đức là một nơi đáng sống.
Mosca nói:
— Bây giờ ai cũng ra đi. Trước hết là Middleton, bây giờ Leo, kế đến Wolf. Chỉ còn chúng mình và Eddie. Anh sẽ phải chú ý đến em và Eddie.
Hella nhìn chàng, nghiêm nghị. Mặt nàng mệt mỏi, mắt xám xanh, quầng thâm lan rộng ra. Nàng nói:
— Em muốn rời nơi này càng sớm càng hay. Em không thích Eddie. Em không muốn anh đi với anh ta. Em biết anh ta là bạn tốt, đã giúp chúng ta nhiều. Nhưng em sợ anh ta, không phải sợ cho em mà cho anh.
Mosca nói:
— Đừng lo. Giấy tờ hôn nhân sắp đến. Chúng ta sẽ rời Đức vào tháng mười.
Gần đến nhà, Hella uể oải nói:
— Walter. Anh có nghĩ rằng thế giới sẽ trở nên tốt đẹp hơn với những kẻ nghèo đói không?
— Anh không rõ. Nhưng em đừng lo nghĩ. Vì chúng ta không phải là những kẻ nghèo đói.
Để giúp nàng vững vàng chàng nói:
— Anh đã viết thư cho mẹ, kể hết mọi việc. Mẹ thật sung sướng, nhất là hay tin anh sắp về. Bà hy vọng anh cưới một người vợ đảm đang.
Hai người cùng cười. Hella có vẻ buồn:
— Em tin tưởng em là một người đảm đang. Em nghĩ đến cha mẹ em. Không biết hai người nghĩ gì về em nếu còn sống. Có lẽ cả hai sẽ không sung sướng. - Lặng im một lúc, nàng nói thêm, - Cả hai sẽ không nghĩ em là người đảm đang.
Mosca nói:
— Ta đang cố gắng. Cố gắng hết sức. Xã hội ngày nay khác xưa.
Hai người rẽ vào con đường mòn dẫn vào nhà. Có tiếng thằng bé khóc. Hella mỉm cười:
— Nó nhõng nhẽo rồi.
Và nàng chạy nhanh lên lầu trước chàng.