Số lần đọc/download: 2966 / 61
Cập nhật: 2017-08-19 14:45:36 +0700
Gia Tài Mẹ Chỉ Có Thế
T
ôi vừa chia hũ cà cuối cùng. Một cho Ngọc Minh. Một cho bà nội của Cu. Thế là hết 100 pounds cà cha Nam Hải gửi cho. Tôi đã làm đúng lời cha dặn. Chia cho mỗi người một ít gọi là quà cha gởi tặng, trong khi tôi lại là người được hưởng ít nhất. Bởi bị cúm cả hơn tháng, tôi chẳng dám đụng tới một quả cà. Vừa ngớt bịnh, chuẩn bị thâu băng, Giang lại bồi thêm một cú. Này, đừng có ăn cà, khản tiếng đấy. Đành nhịn thèm nhìn các hũ cà to, nhỏ trên tay các bạn. Bye.
Chắc tương lai tôi khi về già sẽ gần gũi với ruộng vườn, gia súc. Lần đầu tiên những cây ớt tôi gieo trồng đầu mùa Xuân cho tôi nhiều trái. Thích trồng cây nhưng không biết cách, lại lười tưới bón, có khi đi hát xa cả tháng, về đến nhà, cây cối chết tiệt. Năm nay chịu khó hơn, tôi thăm chừng mấy cây ớt mỗi ngày, kể từ lúc mới nhú trong chậu, cho đến khi tôi đánh cây con trồng riêng ở ngoài.
Đây là những cây ớt Việt Nam. Tôi lấy giống từ nhà Sĩ, Nguyên ở Úc. Ớt cũng từ Việt Nam qua Úc rồi từ Úc nhập cảnh lậu vào Mỹ. Mọi người dọa. “Này, mang trái cây vào Mỹ là tội đó, tụi nó mà bắt được...” Tôi cứ gân cổ cãi. “A, bắt được thì phạt chứ sao. Tớ đếch sợ, tớ có chỗ giấu.” “Giấu ở đâu, trong... quần à, ớt mà dính... vào đó, cay hết biết, mà rồi bà có trồng được, cũng không ai dám ăn.” “Kệ cha tôi, tôi giấu chỗ nào là của tôi, trồng cây đâu phải để hòng hái trái, ngó cũng vui mắt rồi, muốn ăn, ra chợ mua chứ tội gì bứt cây mình trồng.”
“Chỉ có em là điên như thế thôi.” Đoan bảo vậy. “Hoa thì không trồng lại đi trồng ớt, trồng sả, trồng rau, mà rồi lại không cho hái, không cho nhổ.” “Ừ, em điên kệ em, muốn ăn, muốn hái, muốn nhổ cũng được nhưng phải tùy.” “Tùy cái gì?” “Thì tùy người em quý, người quý em nhớ đến công em săn sóc tưới bón chứ.” “Em thật là điên còn vớ vẩn, ai ăn mà chả thế, còn bày đặt lựa người rồi mới cho ăn.” “Kệ em, anh có công việc của anh, em có công việc của em. Công việc nào cũng cần sự suy nghĩ và lựa chọn.”
Hoàng Xuân Giang cười. “Đoan nói đúng đấy, cây hết trái, hết mùa, phải tỉa, cắt bớt những cành yếu, cây mới mạnh, lứa sau sẽ nhiều trái. Sả phải nhổ bớt nó mới đâm thêm chồi mới, giềng gom lại một bụi đủ rồi, ớt phải trồng chỗ nhiều nắng, phải thêm đất, thêm phân.” Nghe lời Giang và nể chồng, tôi hái ớt... đãi bạn. Tùng Giang, Du Miên ăn ớt như nhồng, nhìn mấy trái ớt đen thẫm tôi đưa với cặp mắt... khinh bỉ. Mẹ ơi, cả hai người gần té đái vì cay, gật gù. “Được, ớt này được, bẻ ra đã nghe cay rồi. Người nào trồng ớt cay là người tốt.” Tôi chẳng biết thầy Thiêng có nói đúng không vì thầy này là vua điển tích. Song tôi vui vì đây là công lao của tôi.
Ổi tôi được ăn nhiều. Ở nhà chị Hà, ở nhà chị Kiều Loan, ổi nhà Elvis Phương, nhưng không ổi nào ngon bằng cây ổi tôi mua 15 đồng 6 năm trước. Đúng là ổi xá lị. Ngọt, giòn và thơm. Ăn một miếng, sướng một miếng, nuốt tới đâu, sướng tới đó. Mùa đầu tiên nó chỉ có hai trái to hơn cái bát ăn cơm. Mấy năm nay, trái khá nhiều nhưng nhỏ. Nam Lộc bảo tôi khi
hết trái phải tỉa bớt cành, chỉ giữ lại những cành mạnh thì năm sau trái mới to. Tôi cứ thương thương, tiếc tiếc thế nào ấy, không chịu nghe lời. Nhìn cái cành cây đang lá sum suê, bảo tôi phải cắt bớt, tôi không nỡ. Tôi sợ cái cây nó đau sao?
Cam cũng thế, bơ cũng thế. Cứ để chín vàng cho đẹp. Đừng ai bứt trái bẻ cành của tôi. Muốn ăn thì đi mua. Không tiền thì nhìn cũng đủ... mát ruột rồi. Trái nào chín quá rụng xuống, tôi mới ăn. Bơ nhà tôi ngon lắm, hột nhỏ, cơm dày, vàng và béo ngậy. Trái chỉ dành để biếu bạn, cho con dâu làm sa-lát vì mùa này ở chợ Mỹ bán gần 2 đồng một trái.
Đấy, tôi chỉ có thế, “gia tài của mẹ chỉ có thế”. Tôi nói với con tôi như vậy. Và đó còn là những người bạn của tôi nữa. Những người bạn không biết nói. Bảo Linh đưa vợ con lại thăm tôi, nó nhìn tôi cười và nói. “Mẹ thích chó và cây vì nó không biết nói”. Tôi cũng cười, không trả lời. Con tôi đã thành nhân.
Những cây hồng giòn, cây mận nhà Du Miên nặng trĩu đến gãy cả cành làm tôi tiếc mãi, xót xa mãi như chính mình bị thương vậy. Cây ngọc lan vẫn là nỗi ao ước của tôi. Năm tới tôi sẽ mua một cây, một cây lớn có hoa ngay khỏi phải chờ đợi. Mua cả hồng giòn nữa. Nhất định mùa Xuân tới tôi sẽ mua, lúc đó có Hoàng Xuân Giang ở đây, sẽ nhờ Giang phụ một tay... đào đất. Tôi tự hẹn với tôi như vậy.Và khi tôi nói ra, Đoan bảo. “Em muốn cái gì thì có trời xuống cản nổi. Muốn thì mua ngay đi.” Cái thích của tôi ngang với cái lười. Thôi để vào Xuân đã, bây giờ gần đông rồi. Thế đấy.
Vẫn biết là muốn gì được nấy, không ai có thể cản được. Chính vì thế mà tôi... ít muốn và... muốn ít. Nhưng cái “ít” của tôi làm Đoan nhiều khi chạy... xì khói. Muốn thâu băng là thâu ngay. Tự lựa bài, tự đưa bài làm hòa âm, tự gọi điện lấy phòng thâu, mặc cho Đoan tự động chạy tiền. Không cần biết bao giờ mới phát hành. Cứ thâu. Vì sao? Vì tôi thích chứ vì sao. Cuốn này chưa xong, nhồi thêm cuốn nữa. Đoan chạy tiền bở người mà không dám hé răng cằn nhằn. Sợ con điên nổi cơn thì còn mệt hơn lúc chạy tiền.
Được cái Đoan cũng mê văn nghệ, hát hò. Có nhiều khi anh chỉ tôi cả cách diễn tả bài hát nữa. “Em phải hát như thế này mới đúng ý ông Sơn, giống như anh Giang đã chỉ em rồi đó.” Rồi anh thản nhiên nhắm mắt nhắm mũi, tay múa loạn lên như đang trình diễn, như nhạc trưởng đang điều khiển một dàn nhạc hòa tấu. Trước mặt ông Thiện, ông Thiêng, John, Mai và bác Lê Nguyễn. Đoan say sưa hát khi trầm như lời thủ thỉ, khi bổng như tiếng kêu đau thương của người tuyệt vọng. Lúc đó là lúc anh hoàn toàn quên những cơn điên của tôi, quên cái cảnh chạy tiền trả nhạc sĩ phòng thâu. Ngược lại, tôi nghĩ anh rất hài lòng.
Có người bảo. “Mẹ, thâu gì mà thâu lắm thế. Bán cho ai, bán cho chó à.” Ấy, đừng nói thế, băng nhạc thì bán cho người chứ sao bán cho chó. Nói sao nghe nặng nề thế, không sợ à. (Chả là chúng tôi có ông Tổ và ông Tổ này nghe kể là một người ăn mày, do đó có cái lệ là ca sĩ kiêng không cho tiền những ai ăn xin. Vì sao thì tôi không biết). Tổ rất linh. Bên cổ nhạc thường xá Tổ trước khi ra sân khấu. Tôi không làm vậy, chỉ làm dấu thánh giá nhưng cũng e dè không dám làm điều gì... bất nhân vì sợ Tổ lấy lại nghề hay lộc Tổ đã đãi. Thế nên khi nghe nói những lời cay độc, tôi làm lơ và tiếp tục công việc của mình.
Tôi sợ, tôi sợ một buổi sáng đẹp trời nào đó, mở mắt dậy nói không ra hơi, khào khào như vịt, ngan, ngỗng kêu. Chắc tôi sẽ tự tử chết cho rồi. Có gì bào đảm đâu? Việt Nam mình có được bao nhiêu Kim Tước, Châu Hà, Thái Thanh, Mai Hương, Hà Thanh? Mà đâu phải lúc nào cũng có, lúc nào cũng lấy rổ đong được. 35 năm cũng là quá nhiều cho một việc làm mang ý nghĩa, giá trị tinh thần nhiều hơn. Không hát được nữa thì tôi sẽ làm sao với bao nhiêu tâm sự ngổn ngang, muốn gởi gắm qua các bài hát. Chỉ có chết là hết chuyện.
Lê Bá Chư cũng than buồn. Ôi đá cũng đổ mồ hôi sao? Tưởng Chư không bao giờ buồn, không bao giờ biết buồn chứ? Băng nhạc, nghe đâu cũng bán được gần chục ngàn cuốn, dưới trướng là bao nhiêu ca sĩ nổi tiếng. Có tiền, đẹp trai lại một thân một mình tìm đâu chả ra người yêu. Buồn cái nỗi gì? Buồn vì sao? Than buồn rồi còn muốn... chết nữa. Gì mà ghê vậy. Có buồn thì cũng in ít thôi, chừa lại cho anh em với chứ. Buồn thì có... danh giá gì mà dành về phần mình hết vậy. Ơi Chư ơi là Chư, nếu quả thật có buồn thì về nhà, vào phòng đóng cửa lại, chửi thề một tiếng thật to, hét lên một tiếng thật to là xong ngay. Đừng chết nhé. Uổng. Đời đẹp lắm. Cũng còn những điều khả dĩ có thể yêu được, chẳng hạn như Hội Nhớ Huế của Chư đó. Cả bọn cười vang phòng thâu.
Đường về khuya vắng vẻ. Đoan cho xe chạy chầm chậm lướt qua những trụ đèn. Anh lẩm nhẩm hát theo một bài vừa thâu. Tôi im lặng nhìn ra ngoài. Những trụ đèn trong đêm trông buồn bã lạ thường. Tôi nhớ những trụ đèn ở Đà Lạt, ở Huế, ở Paris, ở Canada. Những trụ đèn ở đâu trong bóng đêm, cũng buồn như nhau. Xuân, Hạ, Thu, Đông, ngày, đêm, mưa, nắng. Những trụ đèn vẫn đứng đó im lặng. Trông tội nghiệp ghê đi. Nó cũng biết đau đấy chứ. Nó cũng có những niềm đau của nó. Nó cũng biết buồn đấy chứ. Nó đang... thở dài đó. Có ai nghe tiếng thở dài của những trụ đèn đó không. Người và xe vẫn thản nhiên lướt qua. Tôi nghĩ đến những trái ớt, những trái ổi đã chín mà tôi định hái sáng mai.