Số lần đọc/download: 3177 / 29
Cập nhật: 2016-03-29 17:21:14 +0700
Chương 7
C
ó tiếng người lạ gọi cổng. Hai con chó sủa ran. Bà lý đương ngồi nói chuyện với Vót trên phản quay ra bảo Chút:
- Chút! Ra xem ai ở ngoài?
Chút chạy ra, một lát theo người lạ vào. Hai người cùng đứng dậy chào. Bà lý trông khách quen quen nhưng chưa nhận ra ai. Vót đăm đăm nhìn người lạ, tự nhủ thầm: “Họ đến tất có việc gì can hệ”.
Khách tự giới thiệu:
- Tôi là em ông nghị Thịnh Cầu.
Bà lý vui vẻ:
- À, thảo nào mà tôi trông ông quen quen. Mời ông ngồi chơi tạm trên phản. Nhà chật chội quá, ông tha lỗi. Chút! Chạy xuống bếp nấu cho bu ấm nước. Cho nhiều chè vào nhé.
Vót sực nhớ đến Hĩm, đến tính nết Hĩm thay đổi hẳn từ ngày có anh thợ trai trẻ đến trọ và đoán chắc thế nào cũng có sự chẳng lành xảy ra cho bà lý.
Bà lý tính hồn nhiên, không hay nghĩ xa, vẫn vui vẻ hỏi chuyện:
- Ông đến chơi hay có việc gì đấy. Ông nghị bà nghị và cả nhà vẫn bình an đấy chứ?
Khách trả lời nhạt nhẽo:
- Vâng, bình an như thường. Ông lý đâu, bà?
Bà lý hớn hở:
- Thưa ông, ông lý tôi ra đình họp việc giáo. Có cần lắm thì để tôi cho trẻ nó đi tìm về.
Khách nhếch mép cười, có vẻ mỉa mai:
- Cũng hơi cần. Nhưng mà thôi cũng được. Có bà đây là đủ.
Vót vẫn ngồi lặng yên đăm đăm nhìn khách. Trán Vót có dáng suy nghĩ. Bà lý hình như đã nhìn thấy sự chẳng lành trong cặp mắt và trong giọng nói bí mật của khách. Bà đương vui, bỗng trở lại nghiêm nghị và hơi có vẻ buồn. Ba người ngồi yên. Không ai nói với ai câu nào nữa. Không khí lãnh đạm bao phủ. Bà lý khó chịu, muốn biết ngay công việc của người khách ít lời, bèn hỏi: “Ông đến có việc gì thế?” Câu ấy, bà lý đã hỏi từ lúc khách mới đến, nhưng hai giọng nói khác nhau xa. Giọng ban nãy nhiễm đầy vẻ hoan hỉ mặn mà. Giọng bây giờ có vẻ lãnh đạm và bực tức.
Khách cũng bỏ cái giọng rụt rè và quả quyết nói một cách sống sượng, hơi có vẻ tàn nhẫn: “Cô con gái bà đã trồn theo anh người nhà bác nghị tôi”. Câu nói đột ngột đập mạnh vào óc bà lý như búa bổ. Bà lý tái mặt, đầu choáng váng. Bà phải dựa lưng vào chiếc hòm gian cho khỏi ngã. Hơi đầy lên tận cổ làm cho bà khó thở, suýt ngất đi mấy lần. Dần dần bà như người mất trí khôn; ngồi đờ ra nhìn chòng chọc. Bà vẫn yên trí rằng: Con bà đã trở về nhà ông nghị. Từ ngày Hĩm cùng anh trai trẻ đi rồi, nhà bà trở lại quạnh hiu, tẻ ngắt. Nhưng bà tự an ủi, thấy con mình đã có con trai và đứa con ấy sẽ đem lại cho con bà ít hạnh phúc để đền bù những nỗi cực nhục đau khổ hàng ngày. Bà có ngờ đâu.
Vót thấy bà lý ngồi tiếp chuyện khách. Thấy cái vẻ mặt khinh khỉnh của khách. Vót đã có ác cảm ngay từ lúc đầu và trả lời lại bằng một giọng thản nhiên như để khiêu khích:
- Cái đó cũng chẳng lấy gì làm lạ vì tôi nghe thấy cháu nó bị bà nghị nhà ông hành hạ quá quắt lắm.
Khách không bằng lòng, hỏi:
- Tôi hỏi khi không phải, bà với bà lý là thế nào?
Vót ung dung đáp lại:
- Tôi với bà lý là chỗ chị em.
- Thế thì bà nghe người ta nói ngoa đấy. Bác nghị tôi chiều chuộng cô ta lắm.
- Tôi chẳng biết ngoa hay không, nhưng cháu về tôi trông thấy cháu tiều tụy quá.
Bà lý đã hồi lại, hỏi sang:
- Bây giờ ông nghị định sao?
Người khách quay sang tiếp bà lý:
- Ông nghị tôi xin bà cho lại cái số tiền cưới, tiền cheo, tiền chè cau và năm mươi đồng ông nghị tôi đưa cho ông lý, tính ra tất cả hai trăm rưỡi.
Vót cười khinh bỉ, nói đỡ lời bà lý:
- Ý chừng ông nghị, bà nghị tính cả lãi mười phân vào nữa mới đến ngần ấy... Ừ, cho dẫu ông lý có lấy thêm năm chục nữa cũng chỉ đến trăm sáu, trăm bảy là cùng. Ông cứ tính xem, một trăm bạc cả cheo lẫn cưới. Cau chè cho đắt lắm cũng đến mươi đồng thôi chứ mấy. Có thế thôi, lôi đâu ra nữa cho tới hai trăm rưỡi? Chả trách ông nghị bà nghị giàu là phải.
Khách có vẻ sượng, nói thoái thác:
- Tôi không hiểu. Là ông nghị dặn tôi đến đòi ngần ấy thì cũng chỉ biết thế thôi.
Vót nói lại:
- Ngày cưới Hĩm, chính ông đem lễ đến mà ông lại không biết, ông chóng quên quá.
Khách tức giận:
- ừ thì trăm bảy. Bà lý trả để tôi mang về cho ông nghị. Bà phải biết, ông nghị tôi nể ông bà là chỗ tử tế, chứ người khác thì ông nghị tôi chỉ viết một cái giấy lên quan là con gái bà bị giam ngay.
Bà lý sợ con gái bị giam lại càng thêm khổ cực cho con bà lẫn bà. Bà đứng dậy định lấy tiền trà. Vót ngăn lại, nói:
- Cheo cưới hẳn hoi, lúc trả cũng phải có chữ của ông nghị đã chứ. Được! Ông cứ về. Rồi mai kia chúng tôi đem tiền đến giao tận tay ông nghị.
Khách cãi lại:
- Thế khi xưa ông nghị có giao tận tay ông lý bà lý không?
Vót vẫn cứng:
- Nhưng mà lúc ông mang lễ đến, có đông đủ mọi người. Vậy thế nào cũng phải có chữ ông nghị. Với lại ông nghị còn phải cho chữ cháu tôi đi lấy chồng kia mà.
Khách đuối lý, đứng dậy cáo thoái. Lúc khách ra rồi, bà lý thở dài nói với Vót bằng một giọng đầy chán nản:
- Tôi có ngờ đâu. Thật hết khổ về chồng lại khổ về con. Sao lại không chết quách đi cho rảnh.
Vót giở lý ra để tìm cớ an ủi bạn:
- Thế là may che con gái bác đấy. Nếu nó còn ở trong cái nhà ấy, bị hành hạ mãi rồi cũng đến chết yểu mà thôi. Tôi cho là con bé thoát nợ và bắt đầu sung sướng rồi đấy. Thế mà nó có sung sướng thì mình mới sung sướng chứ!
Bà lý thở dài:
- Bác tính nó bôi tro bôi nhọ vào mặt mình còn sung sướng nỗi gì... Còn cái gì nhục bằng con gái trốn chồng theo trai.
Vót có tính liều lĩnh, bạt mạng, cãi lại:
- Thì đã làm sao?... Chồng, chồng già cốc đế thì bỏ cùng chẳng tiếc - Nói câu ấy, Vót tưởng như mình là cái Hĩm vừa bỏ ông nghị để kết duyên với anh chàng trai trẻ.
Bà lý nhấc hai chân đặt lên phản ngồi, hai cánh tay choàng lấy đầu gối:
- Bác chỉ bênh nó chằm chập. Nó đã vậy, thế còn danh giá họ hàng nhà nó thì sao? Ai đứng ra mà chịu lấy những lời dị nghị, những giọng mỉa mai, những cái cười chế riễu của hàng xỏm?
Vót khó chịu, cãi lại:
- Bác này câu nệ và cố chấp quá. Cháu nó bỏ một lão già mà đi lấy một anh trai trẻ bằng vai phải lứa thì việc gì đáng dị nghị, đáng chê cười. Bác chỉ biết giữ danh giá cho bác, còn con nó đau, nó khổ, mặc kệ nó ư? Tôi thì tôi không thể thế được. - Nói xong, Vót cũng đặt hai chân lên phản ngồi, hai cánh tay choàng lấy đầu gối, nhìn thẳng ra phía cửa.
Bà lý thở đài:
- Nếu nó lấy người ta mà có cheo có cưới hẳn hoi thì còn nói gì. Đằng này nó lại...
Vót ngắt lời, nói gắt:
- Bác muốn có cheo có cưới hẳn hoi để khỏi mang tai, mang tiếng với làng với nước thì khó gì, viết giấy gọi chúng nó về mà cheo mà cưới - Vót liếc nhìn thấy bạn buồn thiu, thương hại - Bây giờ thì chúng mình hãy tạm giữ kín. Mai kia tôi với bác đi đến đằng lão nghị trả của cho xong đã.
Sáng hôm sau hai người đi đến ông nghị. Lần này không như lần trước, hai ngườri được ông nghị, bà nghị ra tiếp ngay. Vót nghe Hĩm kể lại, đã biết tính bà nghị hay ưa phỉnh, nịnh khéo, bớt được năm chục bạc của ông nghị đưa ngầm cho ông lý, chỉ còn phải hoàn lại có trăm hai tiền cheo cưới và tiền chè cau.
Lúc hai người vừa trở ra, trong nhà ông nghị đã thấy om sòm. Tiếng bà nghị quát tháo, tiếng ông nghị cãi lại gióng một. Vót đắc chí, cười một mình.
Từ ngày bà lý bước chân ra khỏi nhà mẹ đẻ để gánh vác giang san nhà chồng, bà đã trải biết bao nỗi khổ, nào khổ vì mình, nào khổ vì chồng, nào khổ vì con, nào khổ vì những người chung quanh, nhưng chỉ là nỗi khổ, nỗi khổ chung của phần nhiều người cùng một số phận như bà. Những nỗi khổ ấy còn có thể lấy chút hy vọng về tương lai làm phương thuốc bổ cứu được. Lần này, không những bà khổ, bà còn bị nhục nhã ê chê, bà còn bị một vết thương đau đớn mà bà cho là không bao giờ hàn gắn được. Chao ôi! Còn gì nhục nhã nhơ nhuốc cho thanh danh một nhà bằng cái tội con gái trốn chồng theo trai. Thôi thế là từ nay bà há miệng mắc quai, như câm như điếc. Bà chẳng còn gì mà kiêu hãnh với ai. Nghĩ đến lúc nào, bà lại thâm gan tím ruột, nghẹn ngào, uất lên tận cổ. Bà gào thét, xỉa xói vào khoảng không như thể bà gào thét, xỉa xói trước mặt con bà: “Đồ khốn nạn! Đồ quạ mổ! Đố voi giày! Mày giết mẹ mày, mày giết cả gia đình nhà mày...” Nhưng mỗi khi cơn uất của bà đã hả thì một ý nghĩ xuất từ bản tâm bà, có thể nói, một ý nghĩ chung của nhân loại tiếp liền sau: Hĩm trẻ, Hĩm đẹp, Hĩm là một cô gái có tình yêu tha thiết như mẹ Hĩm ngày còn xuân, như hết thảy các cô gái mới dậy thì. Ý nghĩ ấy bắt buộc bà nhớ đến câu chân thật của Vót độ nào: “Chồng già cốc đế thì bỏ cũng chẳng tiếc”. Bà tủm tỉm cười tự nhận là tấm lòng bà cũng vậy. Hiện thời, nhờ cái tuổi gần như cằn cỗi, bà cho là người ta có thể vì danh giá, chịu yên phận sống chung đụng với một ông lão cho đến chót đời, chứ khi xưa, bằng tuổi Hĩm, vị tất bà đã theo được, mà vị tất đã nghĩ thế.
Bà đã giáp mặt ông nghị, bà đã thấy ông nghị của con bà già chẳng kém gì chồng bà, bà đã thấy mặt bà nghị quăm quắm như mắt diều hâu, bà đã thấy hai cô gái ông nghị dữ tợn và to béo như lợn ỉ. Hĩm lọt vào nhà ấy khác nào con chuột sa vào cũi mèo. Thế thì Hĩm chịu sao nổi mà chả phải trốn đi... Ừ thì trốn đi, nhưng nào ai bắt Hĩm phải theo trai để đến nỗi nhục nhã, nhuốc nhơ cho thanh danh nhà bà. Nhưng mà... nhưng mà lòng Hĩm của bà chứa chan tình yêu, mà anh người nhà xinh trai lại tử tế với Hĩm quá anh em ruột thịt. Nếu Hĩm thú thực với mẹ Hĩm rẳng: Hĩm đã ốm mê man, nằm xó bếp và anh người nhà xinh trai đã chăm nom săn sóc thuốc thang, nếu Hĩm thú thực rằng: tình yêu tha thiết của anh chàng đã cảm phục được trái tim non nớt của Hĩm... Dẫu sao thì sự kiêu hãnh bề ngoài của bà, dẫu sao thì cái danh giá của bà trong cái xã hội chuộng hư danh này cũng đã làm cho bà uất ức mà thành một người tàn nhẫn mất cả lẽ phải. Vì thế, trước mặt mọi người bà vẫn nguyền rủa, sỉ nhục người con yêu quý của bà. Nhất là, nhìn thấy những nụ cười mỉa mai của họ, bà lại càng uất ức, nguyền rủa, sỉ nhục thậm tệ hơn. Nhưng, lần nào cũng vậy, sau một hồi suy nghĩ, bà trở lại thương xót Hĩm và cầu cho Hĩm được suốt đời sung sướng với anh người nhà xinh trai. Hai ý nghĩ tương phản luôn luôn theo đuổi nhau. Một đằng uất ức vì mất danh giá, một đằng thương xót Hĩm vì số phận hẩm hiu. Sau cùng bà nghĩ chỉ còn một cách, là mua chuộc lại danh giá bằng cách làm giàu. Phải nhất quyết làm giàu. Giàu rồi bà sẽ gắn những miệng loa mép giải bằng cách cho vay bỏ lửng, bà sẽ gây dựng cho con cái bà nên ông nọ bà kia, có vai vế trong làng. Rồi tự khắc tai tiếng con bà sẽ một ngày một mất dần cho đến ngày không còn vết tích nữa.
Vì thế cữ nọ Vót sang rủ bà đi buôn tơ lụa, bà ưng ngay. Chí làm giàu đã đổi hẳn tâm tính bà. Rụt rè, bà trở nên quả quyết, cả nể, bà trở nên cứng cỏi. Chẳng trừ ai, rộng rãi trong sự ăn tiêu, mua bán, bà trở nên khe khắt. Chắc bóp từng li từng tí. Bà không cần miệng thế. Bất cứ việc gì, hễ lợi lộc, hễ nảy ra tiền là bà làm tuốt. Nhiều khi mê man làm giàu, bà đâm ra cay nghiệt với cả chồng con, với cả tôi tớ trong nhà. Đến như Vót đã biết rõ tâm tính bà từ chân tơ, kẽ tóc mà còn phải khó chịu, kêu lên:
- Bà lý ơi! Tôi xin bà, việc gì cũng vậy, nên vừa vừa phải phải, bóp nạnh người ta lắm còn hòng đâu để phúc cho con cái về sau.
Bà lý cười chua chát:
- À chào! Chẳng gì bằng tiền.
Vót cười nhạt, giọng khinh bỉ:
- Phải, ai không biết bà muốn làm giàu. Nhưng giàu mà không có nhân nghĩa cũng bằng thừa. Giàu thế nhất định đây không phục.
Bà lý sợ Vót đem lòng chán ghét mình, vội phân trần:
- Thế thì bác chưa hiểu bụng tôi. Tôi cần phải giàu đã, rồi bác xem, tôi sẽ nhân nhượng tử tế với hết mọi người.
Vót không phục, cãi lại:
- Thế thì sao bác không vừa làm giàu vừa nhân nhượng tử tế với hết mọi người có hơn không.
Bà cười chua chát:
- Bác tính đã nhân nhượng tử tế thì có mấy khi giàu. Vả lại tôi còn muốn chóng giàu để... - Bà không nói dứt câu, nhưng từ đấy bà vẫn nể Vót, không dám làm việc gì quá đáng mà Vót đã can ngăn.
Trong bốn năm buôn bán tần tảo, ăn nhịn để dành, bà đã nổi tiếng nhất nhì trong xóm.
Tiếng bà lý xóm trong đã lừng lẫy khắp làng và tiếng xấu của con gái yêu bà đã hầu như vùi lấp trong đống tiền cùa bà, không ai còn nhìn nhận thấy nữa.
Mảnh vườn và cái ao đằng sau, bà đã chuộc về được, bà lại tậu thêm vài sào đất ở gần đấy để sau này bà dựng cơ nghiệp cho thằng Chút, đứa con út mà bà ưa hơn cả các con. Bà đã định lo cho nó chức cán xã. Nó nhất định không bằng lòng, ngỏ ý muốn ra đăng lính để sau này lên cai, lên đội. Nó còn hy vọng lên đến chức vệ úy như ông nó mà nhiều người trong làng thường tâng bốc lên chức cụ lớn. Cứ như số tử vi của nó, người ta cho nó có thể làm đến chức cao quý ấy. Mẹ nó cũng mong cho nó được thế, nhưng lại không muốn xa nó lúc nào.
Anh nó - thằng Quy, một đứa con mà bà vẫn ghét bỏ - đã làm nên chức phó lý, hơn cả chức thầy nó. Bà đã chịu bỏ ra một lúc sáu trăm bạc để được tiếng “con hơn cha nhà có phúc”. Bà phiền lòng vì tính nó bủn xỉn, keo kiệt, làm cho chức nó giảm xuống nhiều, không được mấy người trọng vọng. Giá chức ấy vào tay thằng Chút... Bà cố dằn lòng đợi. Ba năm nữa, khuyết lý trưởng, thằng Chút sẽ ra nộp đơn, còn ai dám tranh giành vào đấy. Lúc ấy con bà sẽ thuần thục, tất bà bảo phải nghe. Hiện giờ nó như con ngựa bắt kham, khó lòng dìu dắt được.
Nhưng chưa được ba năm thì ngày tuyển lính đã đến. Bà nơm nớp lo sợ. Vắng thằng Chút một lúc lâu, bà đã cho thằng anh đi tìm về. Bà đến ông hội, ông lý, cho mỗi người một ít quà để nói với họ đừng cắt con bà ra lính và nếu con bà cứ nằng nặc xin ra, cũng nhất định đừng cho. Bà chắc con bà không còn cách nào, nên buổi chợ Hộ, bà yên trí đội thúng cùng Vót ra đi.
Chiều về, bà không thấy thằng Chút đâu. Bà hỏi thằng anh thì thằng anh không biết. Bà vội vã đi khắp làng, vào bất cứ nhà nào để hỏi thăm con. Có người thấy nó nhập bọn với bảy tám trai làng đi lên huyện đăng lính. Bà thở dài trở về, trong trí còn hy vọng rằng: nhờ có ông lý, ông hội, con bà sẽ không được vào tới cổng huyện, hay không có tên trong sổ đăng lính. Bà nhắc lại ý nghĩ, nói to cho tâm trí được yên ổn:
- À cháo! Cu cậu có đi cũng vô ích. Ai cho phép, ai cắt dẫn, ai cử đi mà đi mới được chứ!
Bà nói ra miệng như vậy, song tâm linh bà vẫn báo trước: con bà sẽ tìm cách vào được trong huyện và sẽ được đăng lính. Một anh trai lực lưỡng, tráng kiện, ngực và bắp thịt nở như pho tượng lực sĩ, đôi mắt sáng như gương, cặp môi đỏ như son hồng thì làm gì không đắt.
Bà nóng ruột đợi. Mãi sáng hôm sau mới thấy Chút về, mặt tươi tỉnh, cười nói vang nhà.
- Mày đi đâu thế Chút? Tao lo sợ suốt đêm không ngủ.
Chút đứng thẳng người, ưỡn ngực như một anh lính đứng “ga-ra-vu”, một tay đập vào ngực, nói:
- Con cao lớn lực lưỡng thế này mà bu còn coi như một đứa bé bỏng vậy. Con lấy làm xấu hổ quá.
Bà lý không cười, buồn rầu, nhắc lại:
- Mày đi đâu cả ngày hôm qua, mãi nay mới về?
- Con đi lên huyện đăng lính.
- Ai cắt đến mày mà mầy đi?
Chút vừa cười vừa nói:
- Con cắt con đi.
Bỗng ngoài cổng có tiếng chó sủa. Chút để mẹ đấy, chạy ra. Ông lý đi vào.
- Kia ông lý! Ông ngồi chơi. - Bà lý mời.
- Anh Chút! Anh tệ quá. Anh làm quan mắng tôi mất mặt.
Chút cười:
- Thì ai bảo ông nhất định không cắt cử tôi? Ấy là tôi còn nể ông đấy. Tôi mà nói thực ra thì ông đã bị khiển trách nữa ấy chứ lại.
Mẹ Chút trách ông lý:
- Thì sao ông không cấm nó, đừng cho nó đi có được không?
- Nào tôi có biết anh ấy nhập bọn đâu. Đến cổng huyện tôi hỏi, anh ấy bảo anh ấy đi xem tuyển lính. Tôi có ngờ đâu anh ấy táo gan quá thế.
Chút táo gan thật. Nó lẻn vào trong đám đông, cởi áo quần rồi chen vào đứng xếp hàng trước mặt ông giám binh, ông huyện và một người đội khố xanh.
Ông giám binh khám cẩn thận từng người, vành mắt, nắn bụng, nghe ngực, xem tỉ mỉ từng cái sẹo. Đến lượt nó, ông vỗ vai khen: “Tốt! Tốt!”, rồi quay vào nói chuyện bằng tiếng Pháp với ông huyện, tỏ ý chưa bao giờ thấy một người được đủ mọi vẻ như nó. Người đội nói chêm vào:
- Anh này chẳng xem cũng biết trước là đắc dụng.
Chút đắc chí, kiêu ngạo, đứng mã binh, thẳng người uỡn ngực như khi nó đứng trước mặt mẹ nó ban nãy. Người đội mở sổ, hỏi tên:
- Tên anh là gì?
- Tên tôi là Chút, mười chín tuổi...
- Sao trong sổ không có tên anh? Lý trưởng đâu? - Người đội mở quyền sổ ghi tên ra trước mặt ông giám binh nói nhỏ. Ông giám gắt, quát to - Lý trưởng!
Ông lý, mặt tái mét, chạy lại, chân tay run cầm cập. Chút thương hại, nói đỡ:
- Bẩm quan lớn, thầy lý con có cắt con đi. Có lẽ thầy lý con quên, không biên tên con vào sổ.
Cuộc kiểm binh đến mãi năm giờ chiều mới xong. Bọn ông lý chín người được bốn.
Bà lý thở dài mắng con:
- Chút ạ, mày thế thì tệ thật. Mày không thương tao tí nào.
- Ô hay! Sao con lại không thương bu?
- Mày thương, sao tao bảo, mày không nghe.
Chút rầu rằu nét mặt:
- Nhưng con thích ra lính. Con mà không được làm lính thi con khổ lắm. - Nghĩ một lát, nó nói tiếp - Vả lại, trong số tử vi của con, bu đã biết, con mà không ra lính thì chẳng làm nên trò trống gì.
- Ai bảo mày chẳng làm nên trò trống gì. Tao định hai năm nữa, ông lý đây từ dịch, tao sẽ lo cho mày chức lý trưởng.
Chút không bằng lòng, chau mày:
- Con không thích làm ông lý. - Nó định nói: “Con thèm vào làm ông lý toét”.
Ông lý phật lòng, nói kháy:
- Phải, đã dễ đấy. Mất bao nhiêu công của và phải thạo việc quan mới làm được lý trưởng chứ... Vả lại, ở đời, mỗi người một phận.