Tôi chưa từng biết ai phải khổ sở vì làm việc nhiều quá. Chỉ có rất nhiều người khổ sở vì có tham vọng nhiều quá mà lại không có đủ hành động.

Dr. James Mantague

 
 
 
 
 
Tác giả: Hoàng Cầm
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 22
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1318 / 34
Cập nhật: 2016-04-30 17:35:29 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 17
iữa tháng 10 năm 1973, Trung ương Cục và Quân uỷ Miền tổ chức hội nghị nghiên cứu quán triệt Nghị quyết hội nghị Trung ương lần thứ 21. Trong tổ học tập của tôi có cả các đồng chí lãnh đạo Thành uỷ Sài Gòn - Gia Định.
Mặc dầu tiếng súng chiến tranh đang có chiều hướng tăng lên, nhưng trong khuôn khổ không gian của cuộc họp lại có cái gì khác trước. Bầu trời, mặt đất nơi đây yên tĩnh, ít ra là không nghĩ tới chuyện đề phòng máy bay B.52, trên khuôn mặt những người dự họp tuy vẫn hằn những nét suy tư trăn trở và cả những lo lắng băn khoăn về trách nhiệm trước tình hình đang căng thẳng trở lại, nhưng đây cũng là phút giây được thư giãn, là lúc quyền tự hào được bộc lộ sự đóng góp của mình vào cuộc đấu tranh đầy gian khổ, hy sinh của nhân dân do Đảng lãnh đạo đã giành được thắng lợi có ý nghĩa quyết định. Sinh hoạt vật chất trong những ngày họp cũng được cải thiện, có thuốc lá Thủ đô, kẹo Hải Châu, chè Hồng Đào, Thanh Tâm, hương vị của hậu phương miền Bắc theo đường Trường Sơn vào đến đây đã dễ dàng hơn trước.
Các anh trong Thường trực Trung ương Cục thay nhau trình bày các nội dung của Nghị quyết 21 như tổng kết lại 18 năm thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và rút ra những quy luật giành thắng lợi; về nhiệm vụ và biện pháp cách mạng trong giai đoạn mới. Người nghe chúng tôi cứ sáng ra, phấn hứng hắn lên theo từng vấn đề nêu trong Nghị quyết, tự mình đối chiếu liên hệ thấy được cái đúng, cái sai trong thời gian qua; thầm nghĩ cả những việc cần làm sau lớp học này.
Địch lấn tới ta đều có đánh trả nhưng chưa đủ độ. "Kế hoạch thời cơ" kết quả không lớn như dự kiến vì địch đề phòng và kìm kẹp rất chặt, kể cả biện pháp bạo lực đàn áp, dân không "bung" ra được. Nhưng cũng còn do sự chỉ đạo của ta còn có những yếu kém và có cả sai lầm nữa: chủ quan, giản đơn, do dự sợ làm mạnh là vi phạm hiệp định; hoặc ảo tưởng, chờ đợi, thụ động. Một số đơn vị, địa phương "lừng chừng, hữu khuynh trong chủ trương đối phó với địch"(1).
Càng trao đổi, thảo luận chúng tôi càng nhận thức sâu sắc về sự chỉ đạo kịp thời và đúng đắn của Ban Chấp hành Trung ương nêu trong nghị quyết.
Trong một bối cảnh đầy nhậy cảm, phức tạp và tế nhị, Nghị quyết 21 là văn kiện chỉ đạo rất cơ bản của Đảng sau Hiệp định Paris, đề ra những chủ trương, biện pháp nhằm hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ ở miền Nam; đồng thời tháo gỡ những trăn trở, lúng túng và cả những sai lầm về nhận thức và tư tưởng của các cấp, các ngành, làm chuyển biến mạnh mẽ tình hình từ những thắng lợi cuối năm 1973 và cả năm 1974, tạo đà đi đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, hoàn thành thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Giữa lúc tôi đang hoà nhập vào cuộc sống tạm coi như yên vui có phút giây thư giãn, thoáng nghĩ tới cuộc sống mai sau, thì điện của Bộ chỉ huy Miền chuyển đến, lệnh tôi lên gấp mặt trận Bù Bông - Kiến Đức.
Trong lúc chuẩn bị, nhiều bạn bè đến thăm chúc tôi lên đường thắng lợi. Cũng có những ý kiến nhắc nhở không biết là thật hay đùa vui: Lên trên đó chưa chắc đã làm ăn được đâu, mà có đánh được chắc gì giữ nổi! Chọi với tụi quân đoàn 2 nguỵ khó gặm lắm đấy!
Tôi chỉ cười cho vui. Vả lại muốn phân giải cũng không có điều kiện, vì thời gian thì gấp mà còn bao nhiêu việc phải chuẩn bị, đường lên Bù Bông vừa xa lại khó đi. Thực ra thì đây không phải là chuyện bông đùa, tôi thầm nghĩ như vậy. Càng không đơn thuần chỉ là nhận thức mà còn có vấn đề tư tưởng hữu khuynh, đánh giá không đúng về địch, dễ dẫn tới hạ thấp mức hoạt động vũ trang giữ thế ổn địch một chiều. Như thế địch dễ được thể lấn tới! Nhưng tôi tin là tư tưởng này sẽ được giải quyết vì hội nghị vẫn đang tiếp tục. Vả lại thực tiễn đã diễn ra, đang diễn ra và sắp diễn ra sẽ là chân lý hùng hồn minh chứng cho nhận định đáng giá của Nghị quyết 21 là chính xác.
Tôi về gặp các anh trong Bộ chỉ huy Miền để nhận nhiệm vụ cụ thể trước khi lên đường.
Tại cơ quan sở chỉ huy Miền không khí làm việc tấp nập khẩn trương, đang chuẩn bị kế hoạch hoạt động quân sự chống lại hành động vi phạm hiệp định của địch theo tinh thần nghị quyết mới.
Anh Phạm Hùng nói ngay:
- Biết hội nghị chưa kết thúc, nhưng tình hình đang rất khẩn trương, Quân uỷ Miền quyết định rút anh Năm về đảm nhận công việc,nếu để chậm trễ sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch tạo thế chung mà Bộ đã có ý kiến.
- Việc quân sự mà anh! - Tôi đáp lại.
Qua làm việc với các anh trong Quân uỷ và Bộ chỉ huy Miền, tôi được biết ở cái vùng hẻo lánh ít ai biết đến lại đang diễn ra một tình hình rất nghiêm trọng có quan hệ đến cục diện chung.
Yếu khu quân sự Bù Bông giáp biên giới Campuchia địch đang tăng cường hoạt động, thường xuyên đánh phá ác liệt các xã xung quanh, chúng coi đây là khu vực nằm ngoài Hiệp định Paris. Ngoài việc dùng bộ binh tiến công, đột kích vào hành lang vận tải của ta, chúng còn nống sang tận O-răng thuộc đất bạn Campuchia; bắn pháo khống chế suốt ngày đêm gây trở ngại không những cho công việc vận chuyển của ta mà còn ảnh hưởng đến kế hoạch mở rộng và khai thông đoạn hành lang quan trọng này.
Rõ ràng đây là hành động vừa phá hoại Hiệp định Paris vừa chặn đường hành lang, gây cản trở một trong những nội dưng rất quan trọng của kế hoạch hoạt động mùa khô 1973-1974 của B2.
Triển khai công tác bảo vệ, củng cố và mở rộng các hành lang giao thông vận tải nối hậu phương lớn với miền Đông Nam Bộ qua đường dây 559 trong thời gian này là rất cần để B2 tiếp nhận người và hàng từ miền Bắc vào tạo lực đón thời cơ lớn.
Bộ cũng đang khẩn trương triển khai kế hoạch mở thông đường Trường Sơn, kể cả đường ống dẫn dầu vào tận Đông Nam Bộ, nhưng đến đoạn này thì bị bế tắc. Và bộ cũng vừa điện nhắc B2 phải làm sạch địa bàn này để con đường được khai thông. Vì nâng cao chất lượng hệ thống đường chiến lược phía tây và xây dựng cơ bản đường chiến lược phía đông dãy Trường Sơn được coi là nhiệm vụ trọng tâm số 1 của cả nước trong những năm này nhằm thực hiện Nghị quyết 21 về bảo đảm hậu cần cho hai năm 1973-1974.
Từ ý kiến chỉ đạo của Bộ và cũng nằm trong kế hoạch tạo thế tạo lực của B2, các anh lãnh đạo và chỉ huy Miền chủ trương dùng một lực lượng thích hợp tiến công địch, mở rộng vùng giải phóng ở khu vực trên đó.
Đây là đợt hoạt động mở màn mùa khô 1973-1974, nhằm "kiên quyết đánh địch bất cứ ở đâu, bằng hình thức và lực lượng thích đáng buộc đối phương phải nghiêm chỉnh và triệt để thi hành Hiệp định Paris" (2); đồng thời hỗ trợ cho quân dân Khu 6 đang bị địch lấn chiếm ở Bình Thuận, Bình Tuy.
Lực lượng tham gia đợt hoạt động gồm 2 trung đoàn bộ binh (205 và 271), 1 trung đoàn đặc công 439 và 1 tiểu đoàn tăng 20 chiếc, chủ yếu là T59 mới từ miền Bắc bổ sung cho Miền đã tập kết ở khu vực O-răng gần Bù Bông. Còn sử dụng như thế nào, do tôi quyết định sau khi khảo sát thực địa và có được những thông tin cụ thể.
Tôi lên đường trong thanh thản vì các vướng mắc đã được giải quyết sau khi được nghiên cứu quán triệt Nghị quyết 21 của Trung ương. Khi bắt tay tạm biệt, đồng chí Phạm Hùng còn nhấn mạnh:
- Lên đó anh Năm cần quán triệt đến cán bộ chỉ huy các cấp là "phải nắm vững quan điểm bạo lực và quán triệt tư tưởng cách mạng tiến công".
Cập biên giới, theo hướng đông, chiếc xe U-oát (3) cứ lắc lư, len lỏi ì ạch trườn bò theo con đường gần như không tên nhưng không hẳn là mới khai phá. Hiệp định Paris đã ký kết được 10 tháng, vậy mà dọc đường hành quân thuộc vùng giải phóng, không khí vẫn khẩn trương; bộ đội, du kích vẫn chắc tay súng, sẵn sàng đánh địch, mặc dầu ở những vùng chúng tôi đi qua cách địch khá xa, địa hình hiểm trở.
Sau gần ba ngày hành quân, chúng tôi tới địa điểm tập kết, cách Bù Bông khoảng 80 ki-lô-mét về phía tây-nam vào lúc trời đã chạng vạng, không gian yên tĩnh. Vì nơi đây trước lác đác có dân, nhưng qua chiến dịch "tràn ngập lãnh thổ" địch đã liên tục càn quét, số dân ít ỏi một phần lùi sâu vào vùng giải phóng của ta, số còn lại chúng lùa vào vùng chúng kiểm soát, biến nơi đây thành vùng tự do bắn phá.
Ngay tối hôm đó chúng tôi chụm đầu vào nhau quanh tấm bản đồ quân sự - mảnh tỉnh Gia Nghĩa (4) do sở bản đồ của địch ở Đà Lạt in và phát hành, để sơ bộ nghiên cứu, chuẩn bị cho ngày hôm sau đi trinh sát thực địa.
Sáng sớm hôm sau chúng tôi cắt rừng theo hướng đã vạch trên bản đồ để tiếp cận mục tiêu. Ở đây rừng rậm và núi cao, thuận lợi cho việc quan sát, không phải trèo cây như rừng bằng vùng Phước Long, Đồng Xoài hồi nào.
Yếu khu Bù Bông nằm trên một quả đồi độc lập, có độ cao khoảng 5 - 600 mét với vóc dáng bề thế, được địch thiết kế theo kiểu cụm cứ điểm kiên cố. Đỉnh đồi có ba đại đội bảo an vừa làm nhiệm vụ phòng giữ, vừa như một vị trí tiền tiêu phát hiện ta từ xa. Quanh khu đồi địch bố trí một chiến đoàn bảo an, một tiểu đoàn pháo, một tiểu đoàn tăng ở đông khu vực Bù Bông, sẵn sàng ứng chiến nếu căn cứ này bị đối phương tiến công. Quanh đồi có các lớp kẽm gai và bãi mìn dày đặc.
Có thể nói trong suốt chặng đường chiến đấu cho đến lúc này tôi chưa gặp một khu đồi nào lý tưởng cho bên phòng ngự như khu vực Bù Bông. Đã có biết bao đồng chí của ta ngã xuống nơi đây, trên đường vào Nam ra Bắc, trước khi con đường nối thông, ở thời mới khai sơn phá thạch, khi danh từ đúng cả nghĩa bóng và nghĩa đen: Đường mòn Hồ Chí Minh. Và đã có bao nhiêu xe, pháo bị tắc nghẽn, nằm chờ, bị phá huỷ khi qua đây con đường được mở rộng - với cái từ đường Trường Sơn- Và giờ đây, ở khu vực Bù Bông này, địch đang ngạo mạn có thể phá được ý đồ tạo thế của ta nếu dám vượt qua mắt "cú vọ Bù Bông".
Từ suy nghĩ liên tưởng đó chúng tôi càng ý thức rõ hơn về trách nhiệm của mình trước trận đánh. Về thế chiến lược, ta thực sự tin tưởng ở sức mạnh của mình, thấy con đường dẫn tới thắng lợi hoàn toàn đang trong tầm tay. Nhưng trong chiến thuật và chiến đấu thì không cho phép chủ quan tự mãn, vì thắng lợi trên chiến trường thuộc về bên nào có sức mạnh cụ thể. Do đó sau một ngày trinh sát, tôi trằn trọc, mãi gần sáng mới chợp mắt. Tình hình đặt ra là muốn tiến công Bù Bông từ hướng bắc thì bộ binh và xe tăng ta phải qua đường 14 cũ và phải giải quyết sáu đồn bốt bảo an mới có đường vào. Ngược lại nếu đánh từ phía nam, gặp phải dốc gần như thẳng đứng, chỉ có đặc công mới tiếp cận được! Cả hai cách đều không ổn. Nếu chỉ đánh bằng lực lượng đặc công, có thể diệt nhiều địch, nhưng không giải phóng được đất đai, một yêu cầu không thể thiếu, để có địa bàn mở hành lang; nhưng nếu dùng binh chủng hợp thành mà không có tính toán cụ thể, địch sẽ dựa vào hệ thống công sự chống trả quyết liệt, rất có thể nhiệm vụ không hoàn thành mà còn bị địch sát thương, gây tổn thất nặng cho ta.
Tôi triệu tập các đồng chí chỉ huy trưởng và bí thư đảng uỷ các đơn vị tham gia chiến đấu đến trao đổi bàn cách đánh. Tất cả các đơn vị có mặt ở đây đều hoạt động độc lập, không quen biết nhau, lại đến một chiến trường không quen thuộc, thời tiết khắc nghiệt, nhiều ruồi vàng, bọ chó, ngày nắng nóng, đêm về khuya lại lạnh như thời tiết trên mặt trăng. Những đợt gió núi kéo dài lúc nào cũng ào ào như trời đổ giông, nhất là về đêm gây khó ngủ. Riêng có Trung đoàn 271 tiền thân là Trung đoàn 82 thời kháng chiến chín năm hoạt động ở Cực Nam Trung Bộ, sau Hiệp định Giơ-ne- vơ tập kết ra Bắc tổ chức thành lữ đoàn rồi chuyển thành Trung đoàn 271, được điều về đóng quân ở Nghi Lộc, Diễn Châu (Nghệ An) làm nhiệm vụ bảo vệ Cầu Bùng, đảo Ngư, Hòn Mát. Đã tham gia chiến đấu ở chiến trường C (Chiến trường Lào), về làm thế đội hai trong chiến dịch đường 9 - Nam Lào. Đầu 1971 được lệnh vào B2 chiến đấu.
Mãi hơn ba tháng sau trung đoàn mới tới Lộc Ninh, tham gia chiến đấu ở Xa Mát, Thiện Ngôn, rồi xuống Long An. Tháng 1 năm 1973, từ Long An, trung đoàn nhận nhiệm vụ hành quân về đứng chân ở khu vực Bù Bông, được bổ sung 300 sinh viên Trường đại học Bách khoa Hà Nội, thành trung đoàn hoàn chỉnh. Là một trung đoàn có bề dày lịch sử và lập nhiều thành tích trong chiến đấu, nhưng đến Bù Bông cũng như đến chiến trường xa lạ, vì lần đầu được điều về đây làm nhiệm vụ.
Đội hình vào trận từ nhiều đơn vị hợp lại nhưng đều có chung một nhận thức, một quyết tâm là bất cứ tình thế nào cũng phải kiên quyết trừng trị bọn phá hoại hiệp định ở một vùng hẻo lánh nhưng lại có vị trí xung yếu, trên tuyến đường chi viện cho miền Nam vào thời điểm rất khẩn trương này.
Bằng bản lĩnh chính trị vững vàng được trải qua thực tế chiến đấu tuy ít người mà ý kiến sôi nổi, không lúc nào đứt quãng, chủ toạ không phải nhắc nhở, gợi ý.
Cuối cùng chúng tôi có chung một quyết tâm:
Bước một, đánh chiếm căn cứ Bù Bông với kế hoạch trung đoàn Đặc công 429 làm nhiệm vụ mở cửa đón tăng, bộ binh vào; Trung đoàn 271 cử một tiểu đoàn bí mật bao vây các đồn bót nhỏ, bảo vệ đường, không cho địch gài mìn; Trung đoàn 271 (thiếu) cùng tiểu đoàn tăng đánh chiếm Bù Bông sau khi đặc công đã mở cửa.
Bước hai, tiêu diệt chiến đoàn bảo an sau khi hoàn thành đánh chiếm Bù Bông. Đây là thời cơ tốt nhất, vì mất khu vực cao điểm Bù Bông, thế phòng thủ của địch bị vỡ một mảng quan trọng, chiến đoàn bảo an địch càng hoang mang, ta dùng đội hình binh chủng hợp thành hạn chế, diệt địch; Trung đoàn 205 và lực lượng các đơn vị còn lại làm nhiệm vụ chặn viện từ Kiến Đức nống ra phản kích.
Chúng tôi đã hoàn thành một khối lượng khá lớn công tác chuẩn bị chiến đấu, chỉ trong thời gian chưa đầy 24 giờ. Vừa khảo sát thực địa, vừa tổ chức hành quân chiếm lĩnh vị trí xuất phát tiến công, vừa suy nghĩ trao đổi thống nhất quyết tâm mà vẫn giữ được bí mật. Xe tăng tập kết cách Bù Bông hơn 20 ki- lô-mét, chỉ được lăn bánh trước lúc nổ súng.
Cần nói thêm là khi thảo luận đặc công làm nhiệm vụ mở cửa, cũng có những ý kiến:
- Đặc công vào nhưng không mở được cửa.
- Cứ đột nhập đánh địch theo lối bóc vỏ, không cần pháo hỗ trợ.
- Tốt nhất đặc công đánh chiếm Bù Bông sau đó chuyển sang cùng bộ binh, xe tăng tiến công diệt chiến đoàn bảo an:
- Trong thực tế chiến đấu các giả thiết trên không xảy ra. Đặc công vẫn thực hiện tốt chức năng là binh chủng đặc biệt trong nhiệm vụ đặc biệt được giao.
Cho đến 16 giờ ngày 3 tháng 11, mọi công việc chuẩn bị chiến đấu đã được hoàn tất thì cũng là lúc chuông điện thoại đổ hồi, các sĩ quan tác chiến tất bật nghe điện từ các đơn vị gọi về báo cáo, tất cả đã sẵn sàng tiến vào vị trí xuất phát tiến công, thì cũng là lúc sự cố ngoài dự kiến lại đến, có liên quan đến thành bại của chiến dịch mang ý nghĩa chiến lược này. Đó là tin từ đài kỹ thuật của trinh sát chiến dịch báo cáo: một chiến sĩ thông tin thuộc trung đoàn 271 trên đường đi dải dây điện thoại chẳng may bị địch bắt.
Tôi sững người lại trong giây lát rồi tự nhủ phải thật bình tĩnh và tự tin trong xem xét và xử lý. Cũng như sự cố xẩy ra trước giờ nổ súng tiến công chi khu quân sự Phước Bình trong chiến dịch Phước Long - Đồng Xoài đông xuân năm 1965 mà tôi đã kể trên cùng bạn đọc. Nhưng ngày ấy lành đã thắng dữ. Còn bây giờ thì không khí trong Sở chỉ huy như có cái gì trùng xuống, một số cán bộ tuy không nói ra nhưng trên khuôn mặt hiện lên nét băn khoăn, lo lắng về yêu cầu bí mật của chiến dịch! Tôi ôn tồn chỉ thị cho bộ phận trinh sát kỹ thuật, bộ phận công tác chính trị theo dõi chặt chẽ diễn biến, kịp thời báo cáo để Bộ chỉ huy xử lý. Trước mắt chưa vội vàng thông báo đơn vị ảnh hưởng đến quyết tâm trước trận đánh. Băn khoăn lo lắng là đúng nhưng chúng ta cũng cần phải bình tĩnh, tin là chiến sĩ ta kiên cường, bí mật trận đánh sẽ giữ được. Chỉ phổ biến cho các đơn vị khi có tình huống xấu nhất.
Mọi diễn biến diễn ra sau đó, đúng như dự đoán, được người chiến sĩ thông tin tìm cách trốn thoát trở về nói lại: "Địch nhiều lần gọi lên thẩm vấn, nhưng lần nào em cũng trả lời là lính giữ chốt của hành lang, đi bám đồn để bảo đảm an toàn cho các đoàn vận tải". Ứng xử thông minh đúng lúc của chiến sĩ ta, khai mà như không khai, địch đành chịu không moi được tin tức gì có liên quan đến bí mật chiến dịch.
Xin được kể tiếp chuyện đang kể.
Ba giờ đêm các đơn vị đều vào tới vị trí xuất phát tiến công.
Một trận mưa bất thần ập đến hoà với gió núi ào ào. Mồ hôi quện vào nước mưa, ai nấy đều ướt lạnh. Đường trơn, hành trang trên người như nặng thêm. Nhưng cái khó đó lại tạo thuận lợi cho yếu tố bất ngờ, địch càng chủ quan.
5 giờ - là giờ G quy định, tiếng nổ bộc phá mở cửa là hiệu lệnh tiến công của trận đánh bắt đầu. 10 trong số 20 xe tăng dẫn bộ binh tiến thẳng vào Bù Bông. Dọc đường tiến bị vướng mìn, ta phải dừng lại để khắc phục. Địch biết, chưa kịp đối phó thì quân ta đã vượt qua cửa mở. 5 giờ 40 phút trời còn mờ sương ta đã hoàn thành nhiệm vụ của kế hoạch bước một.
Mất Bù Bông là một bất ngờ lớn đối với địch. Tôi ra lệnh chuyển sang bước hai, dùng đội hình binh chủng hợp thành phát triển tiến công, thực hành bao vây chia cắt tiêu diệt toàn bộ quân địch phòng thủ ở phía đông Bù Bông.
Ngày 5-11-1973 ta tiêu diệt, làm tan rã và bắt sống hoàn toàn chiến đoàn bảo an, thu nhiều vũ khí, trong đó có ba khẩu pháo 105 ly.
Ta làm chủ toàn bộ căn cứ Bù Bông.
Trong phương án tác chiến có dự kiến đánh địch phản kích nhưng không đoán được địch nống ra là lực lượng nào, từ đâu tới, chỉ nêu dự kiến từ Đức Lập sang hoặc từ Đắc Nông, Kiến Đức lên, chủ yếu đề phòng hướng Kiến Đức.
Hai ngày sau, 6-11-1973, địch đưa gần như toàn bộ sư đoàn 22 (hai trung đoàn bộ binh, một trung đoàn xe tăng và thiết giáp) đang hành quân lấn chiếm vùng ven biển Ninh Thuận, Bình Thuận lên phản kích quyết liệt hòng chiếm lại Bù Bông.
Theo kế hoạch định trước, tôi lệnh cho trung đoàn đặc công 429 để lại một tiểu đoàn mạnh giữ Bù Bông, lực lượng còn lại chuyển sang đánh địch phản kích từ hướng Kiến Đức lên.
Đây cũng là một cách đánh điểm diệt viện. Nhưng viện binh địch với lực lượng đông, hoả lực mạnh, ưu thế hơn ta. Song ta chủ động ở thế trận bày sẵn, lại sẵn có khí thế chiến thắng cổ vũ. Cái thế cụ thể ấy đã tạo nên sức mạnh, khắc phục được lực lượng có hạn, hình thành cách đánh chặn địch phía trước, vu hồi phía sau, chia cắt đội hình địch ra từng đoạn thực hành tiến công, tiêu diệt, đã làm tan rã 2/3 lực lượng sư đoàn 22, sư đoàn trường của sư đoàn này bị thương nặng, buộc chúng phải lui quân. Vùng giải phóng mới của ta được giữ vững góp phần hỗ trợ cho lực lượng Quân khu 6 chống địch lấn chiếm có kết quả ở tây Phan Thiết.
Đêm 8-11-1973 tôi thao thức vì niềm vui chiến thắng đạt được nhanh, gọn và giòn giã, nhưng cũng còn một lẽ nữạ làm luồng suy nghĩ mới bật dậy. Cái thế ở đây cho phép ta tiến xa hơn nữa, chọc thẳng xuống Kiến Đức tới Đắc Nông – Gia Nghĩa, tạo một thế mới ở nam Tây Nguyên, từ đây nối xuống Bù Đăng - Phước Long. Từ Bù Bông xuống Kiến Đức chỉ có 30 ki-lô-mét. Ngoài đường tỉnh lộ, ta tìm được đường be (5), tuy khó đi nhưng giữ được bí mật khi chuyển quân, kéo pháo, tiến công Kiến Đức tạo thêm thế mới. Đã đánh là chắc ăn nhưng cần phải có thêm lực lượng.
Bốn giờ sáng tôi điện triệu tập các đồng chí chỉ huy trưởng và bí thư đảng uỷ các đơn vị đến hội ý.
Khi các đồng chí phụ trách đến đó, tôi tranh thủ nói luôn.
Trước hết biểu dương tinh thần chiến đấu dũng cảm, mưu trí của các đơn vị và ý nghĩa của trận đánh thắng lợi. Nhưng thời cơ đang thuận lợi ta cần phải xốc tới, tiến xuống Kiến Đức. Tôi sẽ về báo cáo Bộ chỉ huy Miền và xin thêm lực lượng. Các đồng chí ở lại phải khẩn trương củng cố đơn vị, triển khai lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ vùng mới giải phóng, từng khu vực được phân công theo kế hoạch đã bàn, sẵn sàng đánh địch hành quân lấn chiếm. Sau đó tôi chỉ định người tạm quyền chỉ huy chung trong thời gian tôi vắng mặt. Tôi lần lượt bắt tay tạm biệt từng người. Cả người đi và người ở lại đều rạng rỡ niếm vui đều thành tâm chúc nhau thắng lợi.
Gặp anh Trần Văn Trà tư lệnh Bộ chỉ huy Miền, tôi xin phép được vào việc luôn:
- Tình hình đang rất thuận lợi, tôi tranh thủ về báo cáo và xin các anh cho thêm lực lượng. Vì muốn giữ vững vùng giải phóng, đảm bảo công việc xây dựng cơ bản đường hành lang được thuận lợi để thực hiện các chiến dịch vận chuyển phục vụ kế hoạch thời cơ, ta cần có thêm lực lượng để phát triển xuống Kiến Đức.
- Xin thêm bao nhiêu? - Anh Trà hỏi:
- Xin Miền tăng cường cho một trung đoàn.
Anh Trà không trả lời ngay mà đăm chiêu suy nghĩ như có cái gì khó nói.
Không khí bỗng trở nên nặng nề chẳng vì một lý do nào đó (tôi tự nghĩ và cũng chưa tìm cho mình một giải đáp), thì anh Trà nhìn tôi với nụ cười cảm thông, rồi chậm rãi nói:
- Trung đoàn 16 đang làm nhiệm vụ hỗ trợ nhân dân chống phá bình định ở vùng ven, ở sở chỉ huy Miền chỉ còn một tiểu đoàn vệ binh.
Thoạt nghe tưởng như trên không tạo cho dưới làm nhiệm vụ nhưng với tư cách là phó tư lệnh Miền tôi thấy anh Trà nói đúng. Lực lượng ta có hạn, lại đang phải dàn trải ở nhiếu nơi, vừa hỗ trợ chống phá bình định, vừa sẵn sàng đánh địch lấn chiếm bảo vệ vùng giải phóng, giữ thế trận "da báo", quyết không cho địch phân tuyến, nếu điều cả tiểu đoàn vệ binh đi chiến đấu, thì quả là điều tối kỵ.
Nghĩ như vậy tôi chủ động gỡ bí. Vì khó khăn chung, lên đó tôi sẽ bàn với các đơn vị cách khắc phục. Nhưng cách gì chúng tôi vẫn giữ quyết tâm tổ chức lực lượng tiến công chi khu quân sự Kiến Đức, có thay đổi chỉ là cách đánh. Vì đây là thời cơ, không biết tận dụng thật uổng! Chỉ đề nghị với Bộ chỉ huy Miền chỉ đạo các đơn vị hoạt động hỗ trợ khi chúng tôi nổ súng tiến công Kiến Đức.
Tôi xin phép anh Trà lên đường ngay lúc này để trở lại Bù Bông.
Anh Trà nắm chặt tay tôi hồi lâu:
- Chúc anh Năm lại thành công trong điều kiện khó khăn!
Được tin tôi về, các đồng chí chỉ huy và lãnh đạo đơn vị có mặt ngay sau đó ít phút để chờ đợi nhiệm vụ.
Nhìn gương mặt mọi người thấy đầy đặn trở lại, vì trận đánh kết thúc đến hôm nay đã được trên một tuần lễ, có được thời gian tuy ngắn nhưng cũng đủ để hồi sức tôi càng mừng, vì sức khỏe lúc này là rất quan trọng.
- Trước khi bàn nhiệm vụ, tôi nói ngay việc xin thêm lực lượng. Như các đồng chí đã biết, sau Hiệp định Paris, so sánh lực lượng giữa ta và địch đã có lợi cho ta. Nhưng trong mấy tháng đầu năm 1973, địch đã giành được chủ động ở một số nơi. Đầu tháng 10 năm 1973, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 21 đã ra nghị quyết nêu rõ những yếu kém trong chỉ đạo chống địch phá hoại Hiệp định Paris của các ngành các cấp và một lần nữa chỉ rõ "con đường của cách mạng miền Nam là con đường bạo lực cách mạng. Bất kể trong tình huống nào ta cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công và chỉ đạo linh hoạt để đưa cách mạng miền Nam tiến lên. Vấn đề giành dân, giành quyền làm chủ, phát triển thực lực cách mạng là yêu cầu vừa bức thiết vừa cơ bản trong giai đoạn mới".
Thực hiện Nghị quyết 21 của Trung ương Đảng, Trung ương Cục, Quân uỷ và Bộ chỉ huy Miền đang chỉ đạo các ngành các cấp khắc phục các khuyết điểm hữu khuynh do dự, ảo tưởng, chờ đợi thụ động, các lực lượng vũ trang của Miền phải điều chỉnh lại thế bố trí để thực hiện các yêu cầu của nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Sư đoàn 5 tiếp tục hỗ trợ cho đồng bằng phản công địch lấn chiếm vùng Kiến Tường giáp biên giới Campuchia và củng cố, mở rộng hành lang nối liền Đông Nam Bộ với đồng bằng qua hướng Tây Ninh. Sư đoàn 9 và Sư đoàn 7 ngoài hỗ trợ các lực lượng vũ trang địa phương chặn đánh địch ở các tuyến tiếp xúc, bao vây những vị trí địch nằm sâu trong vùng giải phóng của ta như Chơn Thành, An Lộc, đại bộ phận lực lượng xuống phía tây và đông đường 13 liên tục uy hiếp tuyến giữa và vùng ven Sài Gòn của địch, kìm chân sư đoàn 5, 25 và 18 của địch, phối hợp với địa phương, giữ vững vùng giải phóng. Trong tay của Bộ chỉ huy Miền lúc này chỉ có tiểu đoàn vệ binh làm nhiệm vụ bảo vệ hậu cứ. Các anh lãnh đạo và chỉ huy Miền rất băn khoăn là đã không đáp ứng được yêu cầu chính đáng của chúng ta, nhưng trước mắt không có cách nào khắc phục, tìm cho ra lực lượng, trong khi nhiệm vụ mở rộng địa bàn đi đôi với giữ vững địa bàn ở khu vực Bù Bông lại đang là một yêu cầu rất cấp bách; vì để thực hiện phương hướng xây dựng, phát triển và hoàn thiện tuyến vận tải chiến lược phía đông Trường Sơn, Bộ đã ra lệnh cho các trung đoàn công binh của hai sư đoàn khu vực 471, 473 và một số đơn vị tăng cường sử dụng trên một nghìn xe, máy chuyên dùng tiến hành xây dựng cơ bản tuyến đường mới dài 1.200 ki-lô-mét từ Khe Gát đến Bù Gia Mập.
Ý nghĩa thắng lợi mà chúng ta đã giành được và nhiệm vụ tiếp sau của chúng ta chính là đây: tiếp tục tạo điều kiện cho kế hoạch của Bộ về xây dựng tuyến đường chiến lược mới được tiến hành một cách thuận lợi.
Tiếp đến tôi trình bày kế hoạch tiến công Kiến Đức để các đơn vị tham gia. Lực lượng hiện có tuy mỏng nhưng ta vẫn không thay đổi quyết tâm, nhân lúc địch đang hoang mang đến cực độ Chiến thắng Bù Bông, như trận điểm "huyệt" khu vực, làm rung chuyển cả một vùng rộng lớn từ Đức Lập qua Kiến Đức, Đắc Nông xưa nay chưa bị đánh bao giờ, nay cái vỏ cứng vòng ngoài bị vỡ, thì ta đánh tiếp lúc này là chắc ăn!
Nhưng đánh bằng cách nào? Tôi vừa nêu câu hỏi, chưa kịp trình bày dự kiến của mình thì các đồng chí chỉ huy và lãnh đạo các đơn vị đã phát biểu. (Cần nói thêm là sư đoàn 22, gồm hai trung đoàn bộ binh, một tiểu đoàn pháo, một tiểu đoàn tăng - thiết giáp sau khi phải bỏ cuộc tái chiếm Bù Bông co về nằm rải trên đường Kiến Đức- Bù Bông để chặn ta). Có ý kiến ta cứ dùng đội hình binh chủng hợp thành đánh thốc xuống, nhưng nhiều người không đồng tình, vì đánh kiểu chọi trâu này trong khi ta không ưu thế hơn địch sẽ không ổn. Ý kiến thứ hai, trở thành quyết tâm chung sau khi có thêm một số anh em bổ sung các chi tiết. Phải trở lại cách đánh Bù Bông theo trình tự đặc công - bộ binh - xe tăng, nhưng phải phân công, phân nhiệm và hiệp đồng thật cụ thể, ăn ý. Chúng tôi vẫn để một tiểu đoàn đặc công chốt giữ Bù Bông, hai tiểu đoàn đặc công còn lại đi theo hai hướng làm nhiệm vụ mở đường, sau đó là bộ binh. Xe tăng vẫn làm nhiệm vụ dẫn bộ binh tiến công nhưng không theo đường chính mà tập kết ở tây Bù Bông tắt theo đường be.
Giờ G vào lúc 4 giờ sáng, xe tăng vận động vào lúc máy bay địch chưa có điều kiện hoạt động.
Ba giờ sáng điện của đặc công báo cáo về sở chỉ huy: Đã mở được hai hướng, nhưng chỉ vào được ở hướng thứ yếu.
- Không thể chậm! – Tôi lệnh - Cũng được, nhưng khi vào phải có lực lượng giữ cửa mở, hướng dẫn tăng và bộ binh.
Hiệu lệnh tiến công phát ra đúng giờ G quy định, vào lúc màn sương còn trải dày, thật là lý tưởng. Tăng dẫn bộ binh đồng loạt tiến công vượt qua cửa mở thuận lợi đánh thẳng vào các mục tiêu được phân công. Một tiếng sau ta làm chủ chi khu Kiến Đức, đường Kiến Đức - Bù Bông bị cắt, sư đoàn 22 lực lượng ngăn chặn bị cô lập. Một lực lượng nhỏ của ta nổ súng tiến công đánh tạt sườn, chúng tán loạn bỏ chạy. Lúc này chỉ cần một trung đoàn thiếu thọc vào Đắc Nông (thị xã Gia Nghĩa) là ta có thể giải phóng thị xã này nhưng không có lực lượng.
Thật là tiếc!
Đúng là khi thời cơ đã có thì lực yếu hoá mạnh.
Các đơn vị tham gia chiến đấu trên đà thắng lợi, đều muốn tiến sâu và đánh toả sang hai bên, muốn từ đây theo đường 14 thông xuống Bù Đăng.
Một ngày sau khi làm chủ Kiến Đức, điện của Bộ chỉ huy Miền lệnh cho chúng tôi bàn giao cho tiểu đoàn địa phương bảo vệ khu vực mới giải phóng, các đơn vị tham gia trận đánh đi nhận nhiệm vụ mới.
Trong vòng mười ngày kể từ ngày 5-11-1973, với lực lượng vừa phải, ta tổ chức tiến công tiêu diệt yếu khu Bù Bông, chi khu quân sự Kiến Đức, áp sát thị xã Gia Nghĩa, uy hiếp chi khu Bù Đăng (Phước Long), giải phóng một vùng đất đai rộng lớn từ ngã ba Đắc Song (Quảng Đức) nối liền với Bù Gia Mập, Bù Đốp, Lộc Ninh (nơi có căn cứ Bộ chỉ huy quân Giải phóng miền). Ta đã đánh thiệt hại nặng sư đoàn 22 nguỵ, diệt và bắt sống 1.500 tên địch, thu 300 súng các loại, có 3 khẩu pháo 105 ly và 20 xe bọc thép. Đây là đợt hoạt động thực hiện Nghị quyết 21 của Trung ương Đảng, đánh vào một khu vực hiểm yếu của địch, làm lung lay tuyến phòng ngự nam Tây Nguyên, có giá trị tạo thế tạo lực rất quan trọng trong thời điểm lúc bấy giờ. Vùng giải phóng Đông Nam Bộ, đặc biệt là khu vực đầu mối vận tải, nối giữa tuyến chiến lược của đoàn 559 với tuyến chiến dịch các đoàn hậu cần Miền được mở rộng, mở ra thời kỳ mới - đường ta mở trên đất ta.
Tháng 5 năm 1974, địch mở cuộc hành quân lớn, dài ngày nhất từ khi ký Hiệp định Paris nhằm lấn chiếm vùng tây Bến Cát tạo một tuyến giữa (trung tuyến) hoàn chỉnh bảo vệ vững chắc phía bắc Sài Gòn bị ta chọc thủng sau đợt ba chiến dịch Nguyễn Huệ. Sau khi hoàn thành kế hoạch này, tham vọng của Nguyễn Văn Thiệu là sẽ đốc quân tái chiếm Lộc Ninh hoặc một nơi khác thuộc vùng giải phóng của ta ở Đông Nam Bộ vì cuối 1973 Thiệu đã tuyên bố "chiến tranh đã trở lại", đầu 1974 y tung ra "kế hoạch quân sự Lý Thường Kiệt" với sự tính toán chủ quan rằng trong cả năm 1973 "Việt cộng" (chỉ Quân giải phóng) không còn đủ lực lượng mở các cuộc tiến công lớn; rằng công việc "bình định" và các cuộc hành quân "tràn ngập lãnh thổ" của "quân lực Việt Nam cộng hoà" (chỉ quân đội nguỵ Sài Gòn) đã mang lại nhiều kết quả, v.v. và v.v.
Từ định hướng kế hoạch quân sự 1973-1974, được thể hiện trong Nghị quyết 12 của Trung ương Cục và Nghị quyết tháng 5 năm 1974 của Quân uỷ Miền (6), Bộ chỉ huy Miền chủ trương mở chiến dịch Đường Bảy Ngang (Bến Cát - Rạch Bắp) nhằm phá vỡ tuyến phòng thủ trung gian (tuyến giữa) bảo vệ Sài Gòn, kìm chân chủ lực địch ngay tại hang ổ của chúng, phá tan ý đồ tăng viện của địch cho đồng bằng sông Cửu Long để bình định vùng Khu 8 giáp với Sài Gòn; thiết thực bảo vệ Lộc Ninh mà giờ đây địch cho là trung tâm chính trị của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam.
Nhân đây xin lưu ý bạn đọc về mục đích góp phần đánh bại âm mưu tái chiếm Lộc Ninh của địch.
Thực ra thì ngay sau khi giải phóng Lộc Ninh tháng 4 năm 1972 (đợt một chiến dịch Nguyễn Huệ) lãnh đạo và chỉ huy Miền đã đặt vấn đề phải giữ cho được Lộc Ninh bằng mọi giá, không cho địch tái chiếm. Từ đó cho đến khi Hiệp định Paris được ký kết và có hiệu lực, cán bộ, chiến sĩ đứng trong đội hình chiến dịch luôn luôn ý thức được vấn đề này.
Còn chúng tôi, những người có trách nhiệm điều hành chung lại thấy lúc này đây cần phải đưa ra được các việc phải làm khi mà mọi người đã thấy cái ý nghĩa của những việc làm đó. Bảo vệ Lộc Ninh, tức là phòng ngự giữ đất, mà giữ đất lúc này trở thành một nhiệm vụ hàng đầu trong yêu cầu tạo thế, hơn nữa mảnh đất phải giữ lúc này là Lộc Ninh, chứa đựng biết bao ý nghĩa, cả quân sự, chính trị và ngoại giao.
Địch hò hét tái chiếm Lộc Ninh vì bản chất hiếu chiến, bất cần Hiệp định Paris, nhưng quả thực đó là một sự hò hét không hoàn toàn ngông cuồng mà có thực lực. Trên chiến trường Đông Nam Bộ lúc này, địch có trong tay sáu sư đoàn chủ lực với 1.216 xe tăng và thiết giáp, 788 khẩu pháo, 1.076 máy bay, 1.820 tàu hải quân và 8.471 căn cứ quân sự và đồn bót nhỏ. Những thăm dò phản ứng của ta và dư luận ngày càng gia tăng, trắng trợn hơn là 14 giờ 15 phút ngày 12-5-1973, máy bay địch đã trút bom xuống khu vực Lộc Tấn thuộc Lộc Ninh, phá hoại nhiều nhà cửa và làm bị thương nhiều người.
Trong cuộc họp do lãnh đạo Miền chủ trì cũng đã đưa vấn đề giữ vững Lộc Ninh ra bàn ngay từ giữa năm 1973, sau đó Miền lại thông báo Quân uỷ Trung ương vừa điện vào nhắc: Lộc Ninh có tầm quan trọng không những về quân sự mà có ý nghĩa lớn về chính trị trong tình hình hiện nay. Vì vậy địch luôn luôn có âm mưu đánh chiếm, bằng bất cứ giá nào ta cũng phải giữ cho được.
Chúng tôi có thêm định hướng và quyết tâm của Bộ tiếp sức, nên cuộc họp bàn biện pháp thực hiện càng sôi nổi và có khí thế. Tất cả những người dự họp đều nhất trí vận dụng trở lại kinh nghiệm tiến công chống lại cuộc hành quân Gian-xơn Xi-ty vào chiến khu Dương Minh Châu mùa khô năm 1967 vào điều kiện mới. Trước hết sắp xếp, tổ chức lại các lực lượng du kích địa phương, du kích cơ quan thuộc các cơ quan Trung ương Cục và các đơn vị thuộc Bộ chỉ huy Miền, kết hợp với lực lượng phòng không, cơ giới, trung đoàn độc lập 201 trực thuộc Miền thành một lực lượng đánh địch tại chỗ dưới sự chỉ huy thống nhất tạm gọi là Bộ tư lệnh chốt giữ Lộc Ninh, sẵn sàng đánh địch nếu địch thực thi tái chiếm từ đâu tới, trên bộ hoặc đổ quân bằng máy bay lên thẳng. Ta kiên quyết không co lực lượng chủ lực về, mà thực hiện các lực lượng này đánh địch từ xa. Trước hết khối chủ lực của Miền vẫn áp sát Sài Gòn, sẵn sàng thọc vào tim chúng, không cho chúng rút lực lượng đi đánh Lộc Ninh.
Bây giờ xin trở lại diễn biến chiến đấu cụ thể và các vấn đề đặt ra trong quá trình thực hành chiến dịch.
Trước hết địa bàn chiến dịch đường Bảy Ngang nằm ngay trên vành đai trung tuyến cách Sài Gòn 40 ki-lô-mét về phía tây-bắc kéo dài từ Rạch Bắp ở phía tây qua Ri-nét đến Bến Cát. Đường Bảy Ngang từ Bến Cát đến Rạch Bắp có vị trí như một tuyến tiếp xúc giữa ta và địch. Phía bắc là vùng giải phóng liên hoàn của ta. Phía nam là vùng địch kiểm soát. Địch rải ở đây hai tiểu đoàn bảo an 321, 323, khoảng 800 quân làm nhiệm vụ chốt giữ. Đây là khu vực tiếp giáp với vùng giải phóng của ta. Lại có nhiều đường chiến lược nối thông với Sài Gòn.
Vì là vị trí có ý nghĩa chiến lược ở khu vực này, nên địch đã thiết kế ở đây một trận địa phòng ngự khá vững chắc với nhiều cụm cứ điểm kiên cố như Rạch Bắp, Ri-nét, Bến Cát, Tân Uyên.
Phía trên có căn cứ Lai Khê, dưới có căn cứ Đồng Dù, với một lực lượng cơ động lớn của quân đoàn 3, tổ chức thành những chiến đoàn hỗn hợp bộ binh và cơ giới mạnh để bảo vệ Sài Gòn; đồng thời biến nơi đây thành đầu cầu tiến công vùng giải phóng của ta.
Rõ ràng hoạt động quân sự trong bối cảnh lúc này không còn dừng lại ở phản công đánh chiếm lấy lại những vị trí địch đã chiếm mà phải chuyển sang chủ động tiến công mở rộng vùng giải phóng. Chiến dịch đường Bảy Ngang là chiến dịch chủ động tiến công với mục tiêu phá vỡ tuyến phòng ngự trung gian của địch, kìm chân quân chủ lực địch tại hang ổ của chúng, phá mọi ý đồ thâm độc của chúng trong năm 1974.
Một trận đánh mang nhiều mục tiêu tổng hợp (như trên đã trình bày cùng bạn đọc). Nhưng đánh như thế nào để đạt được các yêu cầu đề ra? Chọn điểm như vậy là đúng nhưng điểm chọn đúng sẽ không phát huy được tác dụng nếu ta không có cách đánh thích hợp, để sao cho trên thực tế, lực lượng cụ thể của ta lúc này chưa thật ưu thế mà vẫn hoàn thành nhiệm vụ.
Đó là điều chúng tôi phải suy nghĩ. Vì lúc này Hiệp định Paris có hiệu lực đã hơn một năm. Khối chủ lực B2 đã có nhiều cố gắng chấn chỉnh sắp xếp lại tổ chức, tranh thủ huấn luyện, nâng cao chất lượng chiến đấu. Mặt khác đã được bổ sung quân số, vũ khí đạn dược từ miền Bắc đưa vào qua đường Trường Sơn đã tương đối thông suốt. Nhưng nhìn chung bộ đội vẫn không một ngày được nghỉ ngơi, vẫn tiếp tục chiến đấu, tiếp tục thương vong.
Vẫn phải tập trung ưu thế, nhưng ưu thế ở đây, ít ra là trong lúc này cũng chỉ là tương đối, có khi còn dưới cả tương đối. Vì Miền chỉ có ba sư đoàn chủ lực, thì Sư đoàn 5 đang đứng chân ở Khu 8, Sư đoàn 7, Sư đoàn 9 ở Đông Nam Bộ không thể chỉ dồn vào một hướng mà phải đứng chân ở hai hướng tây đường 13 và đông đường 13. Các trung đoàn độc lập trực thuộc Miền ở những khu vực quan trọng vừa cùng lực lượng vũ trang địa phương đánh địch bảo vệ vùng giải phóng quanh các thị xã, thị trấn như An Lộc, Chơn Thành, Dầu Tiếng, vừa hỗ trợ nhân dân chống phá "bình định". Vả lại có nhiều lực lượng cũng không dồn cục vào một hướng đường Bảy Ngang. Vì ở đây là tuyến phòng thủ thuộc loại cứng của địch, chúng thiết kế một hệ thống phòng ngự vững chắc với hệ thống công sự dày đặc, rất dễ bị địch sát thương, nếu không có cách đánh phù hợp thì chẳng khác nào đem trứng chọi với đá.
Vì vậy cách đánh ở chiến dịch này vẫn trên cơ sở dựa vào thế và tập trung ưu thế lực lượng nhằm phá vỡ ngay từ đầu hệ thống phòng ngự chủ yếu của địch, tạo ra sự phá vỡ các mảng khác trên chính diện chiến dịch. Trước hết, Bộ chỉ huy Miền đã có kế hoạch hoạt động phối hợp của các đơn vị trên toàn B2: Quân khu 7 tiếp tục mở tuyến lộ 2, khu vực Bảo Bình (Bà Rịa, tuyến đường 20 - Định Quán); Quân khu 8 thực hiện chốt chặn với tập kích, đánh bại các cụm hành quân lấn chiếm, giữ vững các ngã tư quan trọng như Năm Ngàn, Phụng Thớt, Hai Hạt, Trại Lên, Bằng Lăng, giữ vững vùng giải phóng đã có; Sư đoàn 5 tiếp tục cơ động tiến công địch ở Long Khốt, Phước Tân, nhằm kéo căng, phân tán lực lượng địch, tạo thuận lợi cho các đơn vị lâm nhiệm vụ ở mặt trận Đường Bảy Ngang.
Lực lượng sử dụng vào chiến dịch là hai sư đoàn trên hai hướng rất rộng. Sư đoàn 7 đảm nhận hướng phối hợp (chứ không gọi là hướng thứ yếu) ở đông đường 18, vừa chống địch lấn chiếm giữ vững vùng giải phóng, chủ động tiến công diệt địch mở rộng vùng giải phóng, đạt cả yêu cầu kéo căng địch không cho chúng tập trung chi viện sang hướng Sư đoàn 9.
Sư đoàn 9 được tăng cường một số đơn vị binh chủng (7), đảm nhận hướng chủ yếu với nhiệm vụ tiêu diệt địch giải phóng đường Bảy, tiếp đó tiến công giải phóng khu vực Phú Thứ đến cầu ông Tộ và chốt chặn đánh địch phản kích giữ vững địa bàn vừa mới giải phóng.
Các vấn đề lớn của chiến dịch cơ bản đã được giải quyết.
Còn lại chỉ là cách đánh trên hướng chủ yếu như thế nào để đảm bảo thắng lợi nhanh gọn là rất quan trọng. Bởi lúc này đấu tranh chính trị, đấu tranh quân sự và đấu tranh ngoại giao vẫn kết hợp, ta vẫn tiếp tục đấu tranh đòi Hiệp định Paris được tôn trọng, mặc dầu địch đã trắng trợn phá hoại Hiệp định ngày càng nghiêm trọng và có hệ thống. Vì vậy thắng mà kéo dài thì vấn đề sẽ trở nên phức tạp. Rất có thể việc làm chính nghĩa trừng trị kẻ địch vi phạn Hiệp định lại bị công luận ngộ nhận do những thủ đoạn xảo quyệt kẻ địch gây l)ên, đẩy ta vào tình thế bất lợi trong đấu tranh ngoại giao, tranh thủ dư luận.
Tư tưởng chập chững, ảo tưởng hoà bình của cán bộ chìến sĩ đã được giải quyết sau khi học tập Nghị quyết 21. Mọi người đã thấy rõ con đường của cách mạng miền Nam là con đường bạo lực "chừng nào chính quyền Sài Gòn còn tiếp tục những hành động chiến tranh thì các lực lượng vũ trang cần phải kiên quyết đánh trả bất cứ ở đâu" (Nhật lệnh của Bộ chỉ huy Miền ngày 15-10-1973).
Từ sự suy tính cân nhắc trên, Miền quyết định cách đánh là dùng ưu thế lực lượng tiến hành đồng loạt tiến công bằng binh chủng hợp thành, có pháo bắn chuẩn bị, dùng bộc phá liên kết ĐH-10 mở cửa, tiếp theo xe tăng dẫn bộ binh tiến công các cụm mục tiêu trong trung tâm cụm phòng ngự của địch.
Đêm 15 rạng 16-5-1974 các mũi tiến công của Trung đoàn 2 và Trung đoàn 3 đánh chiếm các đồn Rạch Bắp, Ri-nét, Kiến Điền và ấp chiến lược Kiến Điền. Đến chiều 17 tháng 5 ta hoàn toàn làm chủ đoạn đường Bảy từ Rạch Bắp đến Bến Cát dài 10 ki-lô-mét, giải phóng một khu vực rộng khoảng 80 ki-lô-mét vuông.
Theo kế hoạch chung, ở mũi phối hợp đông đường 13, tại hướng Tân Uyên, Sư đoàn 7 nổ súng tiến công căn cứ Cầu Sông, Phước Hoà trên lộ 16, bức rút một số đồn bót địch lấn chiếm trái phép. Mũi khác, một đơn vị của Sư đoàn 7 đánh chiếm cầu Nha Bích - một căn cứ của địch nằm trong vùng giải phóng của ta, giải phóng đoạn đường 14 Chơn Thành - Đồng Xoài, tiến ra bờ sông Đồng Nai, hỗ trợ đắc lực cho Sư đoàn 9 hoàn thành nhiệm vụ ở đường Bảy Ngang.
Trung đoàn 16 trực thuộc Miền phối hợp với tiểu đoàn Quyết thắng Quân khu Sài Gòn - Gia Định và du kích huyện Củ Chi đánh trả quyết liệt sư đoàn 25, giữ vững vùng giảì phóng An Nhơn Tây, gây khó khăn cho trong âm mưu đánh chiếm khu vực này để nối liền Bến Cát theo đường Bảy Ngang thành một tuyến giữa (có lùi một ít so với cũ), hoàn chỉnh thành một tuyến phòng ngự liên tiếp (trước đứt quãng ở đoạn từ tây-nam An Nhơn Tây đến tây-bắc Bến Cát, nay vẫn bị đứt quãng vì đường Bảy Ngang sư đoàn 9 đã đánh chiếm).
Đánh chiếm đã khó, chốt giữ càng khó hơn. Việc một lúc ta nhổ ba cứ điểm Rạch Bắp, Kiến Điền, Ri-nét, trên đường Bảy Ngang, làm phá sản một trong âm mưu cơ bản của địch là ổn định và mở rộng vùng kiểm soát: đường 2, Bà Rịa - Long Khánh (đông, đông-nam Sài Gòn); đường xe lửa Hưng Lộc - Giá Ray (đông-bắc Sài Gòn), trong đó đường Bảy Ngang Bến Cát - Rạch Bắp - Ri-nét tây-bắc Sài Gòn) là hướng then chốt có quan hệ trực tiếp đến an toàn của Sài Gòn.
Vì vậy địch đã phản ứng tức thì, bằng một cuộc phản kích điên cuồng với một lực lượng khá lớn. Chúng tôi đã tính đến khả năng này khi chuẩn bị quyết tâm chiến dịch. Đã nghĩ phải vận dụng kinh nghiệm chốt chặn Tàu Ô, bởi yêu cầu để ra là khi địch phản kích ta phải trụ lại các vị trí đã chiếm để đánh địch.
Về sử dụng lực lượng, nếu đợt một chỉ đưa hai trung đoàn vào chiến đấu, thì sang đợt hai đánh địch phản kích, chúng tôi huy động cả ba trung đoàn vào làm nhiệm vụ. Đây cũng là vấn đề gần như chưa gặp trong các đợt hoạt động chiến đấu trong nhiều năm mà tôi đã tham dự.
Từ 16 đến 18-5-1974 địch lần lượt điều ba tiểu đoàn bảo an và chiến đoàn 43 lên Bến Cát, cầu ông Tộ và Phú Thứ; đồng thời tổ chức bốn trận địa pháo (36 khẩu) chuẩn bị hỗ trợ để phản kích chiếm lại đường Bảy. Lường trước diễn biến, chúng tôi lệnh Sư đoàn 9 cho Trung đoàn 2 tạm ngừng kế hoạch tiến công Phú Thứ, chuyển gấp sang xây dựng trận địa chốt ở Rạch Bắp, Ri-nét, điểm cao 25 trên đoạn đường Bảy, Trung đoàn 3 xây dựng trận địa chốt chặn ở khu vực Kiến Điền vừa mới đánh chiếm để đánh trả quân địch. Cuộc phản kích của địch kéo dài đến 30-9-1974, trong đó có 5 đợt tiến công thu hút phần lớn lực lượng quân đoàn 3 như sư đoàn 5, sư đoàn 18 và sư đoàn 25, liên đoàn 7 biệt động quân, lữ dù 1, bốn trung đoàn xe tăng, thiết giáp, kể cả lực lượng pháo binh, không quân; thậm chí chúng còn huy động cả lực lượng quân đoàn 4 và bộ Tổng Tham mưu tham gia.
Vì sự sống còn, tồn tại hay không tồn tại của trận tuyến trung gian, địch đã đánh phá quyết liệt theo kiểu "dốc túi", miễn sao giành lại được khu vực đã mất. Trên các trận địa chốt chặn của ta, bom đạn địch cầy xới với mật độ dày đặc (8), đất đá tan vụn thành bột, có nơi sâu đến đầu gối.
Cuộc chiến đấu chống địch phản kích trên mặt trận đường Bảy Ngang - tây Bến Cát diễn ra ác liệt, căng thẳng và liên tục suốt 135 ngày đêm (ở Tàu Ô là 110 ngày đêm). Nhưng cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 9 đã chiến đấu cực kỳ anh dũng, đánh lui hàng trăm đợt phản kích lớn nhỏ của địch; ta và địch giành nhau từng tấc đất với một ý định thật rõ - địch muốn phân tuyến, còn ta thì kiên quyết duy trì thế trận "da báo". Tại điểm cao 25, nơi được xem như cái "túi" đựng bom pháo địch, tiểu đoàn 9, Trung đoàn 3, tiếp sau là tiểu đoàn 1, tiểu đoàn 3, Trung đoàn 1 vào thay thế đã ngoan cường chốt chặn, dưới mưa bom bão đạn bẻ gãy nhiều đợt phản kích của xe tăng, bộ binh địch giữ vững trận địa, không thể lọt vào tay quân thù.
Từ đầu tháng 10 năm 1974, địch buộc phải từ bỏ ý định dùng lực lượng phản kích chiếm lại đường Bảy Ngang - tây Bến Cát.
Cuộc hành quân lấn chiếm với nhiều tham vọng, tiến hành dài ngày nhất (hai tháng), kể từ Hiệp định Paris có hiệu lực đã bị thất bại. Chúng buộc phải thú nhận bị thiệt hại 11 trong tổng số 26 tiểu đoàn chủ lực cơ động, 4 trong số 11 tiểu đoàn biệt động quân, 4 trong tổng số 14 chi đoàn thiết giáp, 85 trong tổng số 325 xe tăng và thiết giáp. Từ đây địch không còn có cuộc hành quân tương tự nào, mặc dầu chúng chưa từ bỏ tham vọng xoá thế "da báo" đẩy chủ lực ta ra xa.
Trên chính diện chiến dịch, Sư đoàn 9 đã đương đầu với gần như toàn bộ lực lượng quân đoàn 3 địch, giữ vững vùng giải phóng không cho địch nối thông tuyến phòng thủ bảo vệ Sài Gòn từ hướng tây-bắc.
Bằng chiến thắng đường Bảy Ngang, ta đã tạo ra thế chiến lược mới trên chiến trường Đông Nam Bộ, đặc biệt là ở hướng tây-bắc Sài Gòn.
623 cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 9 đã anh dũng hy sinh, 6.602 đồng chí mang thương tích trên trận địa chốt chặn. Tôi mãi mãi cảm phục và tự hào về sự đóng góp vô giá của những đồng chí, đồng đội để có một chiến thắng ở thời điểm lịch sử đang rất cần. Bản thân chiến thắng và sự đóng góp xả thân của những người đồng chí của tôi đã tạo nên một cách đánh mang những nét đặc sắc Việt Nam - chốt chặn kết hợp với tiến công bắt nguồn từ Tàu Ô, được nâng lên trong hoàn cảnh mới, tạo một chiến thắng bất tử, chuẩn bị tiền đề để có được một tuyến xuất phát tiến công của đại quân trong chiến dịch Hồ Chí Minh từ hướng tây-bắc tiến vào Sài Gòn.
Chú thích:
(1) Nghị quyết Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đăng, tháng 10 năm 1973.
(2) Nhật lệnh của Bộ Chỉ huy Miền gửi các lực lượng vũ trang đề ngày 15-10-1973.
(3) UAZ, tên một loại con đi chiến trường (tương tự Jeep), do nhà máy sản xuất ô tô mang tên Ulianov (họ của Lenin) sản xuất. Xe chở được 7 người.
(4) Do nguỵ quyền lập ra gần phần đất phía nam tỉnh Đắc Lắc.
(5) Đường lâm nghiệp dùng để kiểm tra, khai thác và kéo gỗ.
(6) Tinh thần Nghị quyết 12 của Trung ương Cục và Nghị quyết tháng 5-74 của Quân uỷ Miền: Xác định nhiệm vụ phá âm mưu lấn chiếm và bình định" của địch, xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, xây dựng hậu phương, căn cứ vững chắc tạo thế tạo lực mới, đón thời cơ giành thắng lợí quyết định. Các nghị quyết còn chỉ rõ cần nắm vững quan điểm bạo lực với tư tưông tiến công và với phương châm tiến công là chính.
(7) Miền tăng cường cho Sư đoàn 9 một đại đội xe tăng (9 chiếc), một dại đội đặc công nước, ba đạỉ đội pháo (sáu khẩu 85, sáu khẩu 122, ba khẩu cối 120 và hai ĐKB), hai tíểu đoàn pháo cao xạ (9 khẩu 37 và 8 khẩu 12.8 ly), bốn hệ thống B.72, hai cơ số A.72 và một tiểu đoàn công binh).
(8) Có ngày chúng bắn tới 20.000 quả đạn pháo, hàng chục lần chiếc máy bay ném bom. Trong thời gian một tháng (từ 10-6 đến 7- 7- 1974), địch bắn 174.000 quả đạn pháo, 1.101 lần chiếc máy bay xuất kích nám bom vào đội hình ta.
Chặng Đường 10.000 Ngày Chặng Đường 10.000 Ngày - Hoàng Cầm Chặng Đường 10.000 Ngày