Số lần đọc/download: 2090 / 25
Cập nhật: 2017-05-19 13:25:32 +0700
Chương 18
Thiếu tá Minh, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn K6 đứng im quan sát địa điểm mà tiểu đoàn của ông ta có nhiệm vụ phải nhổ để lấy đường tiến về Sài Gòn trong kế hoạch Tổng Công Kích đợt 1. Tiểu đoàn K6 là một tiểu đoàn tân lập với 3 đại đội chủ lực miền cộng thêm một đại đội súng nặng và một trung đội đặc công. Với hoả lực mạnh mẽ và quân số tám trăm người, ông ta tin tưởng đơn vị sẽ tràn ngập ngôi đồn nhỏ bé và vô danh này trong nửa ngày thôi. Theo tin tức của tổ tình báo nhân dân, ngôi đồn được trấn đóng bởi một đại đội có quân số 130 người, do một sĩ quan Nguỵ mang cấp bậc thiếu uý chỉ huy. Một tuần lễ trước, lợi dụng trời tối tổ đặc công đã thử xâm nhập tuyến phòng thủ của địch và họ đã vào tới hàng rào kẽm gai thứ nhì không mấy khó khăn. Ngoài ra họ còn vẽ được sơ đồ về sự phòng thủ của đồn, như các ụ súng cộng đồng, trạm gác, cách thức canh gác và tuần tiễu của địch nữa. Điều này khiến cho Minh càng thêm tin chắc đơn vị của mình sẽ dứt điểm địch trong thời gian ngắn ngủi để thúc quân tiến về Sài Gòn đúng ngày mồng 1 Tết Mậu Thân. Thượng cấp đã hứa hẹn là ông ta sẽ được gắn lon trung tá tại Sài Gòn để ăn mừng chiến thắng của mặt trận.
Trời cao và xanh. Nắng lổ chổ dọi bóng xuống mặt đất đầy lá mục. Minh hơi quay đầu lại khi thấy vị đại uý tiểu đoàn phó xuất hiện.
- Trình đồng chí tiểu đoàn trưởng. Liên lạc viên báo cáo đã dò đường xong rồi. Tình hình rất yên vì địch đã rút vào đồn...
Khẽ gật đầu thiếu tá Minh đưa tay lên xem giờ. Chiếc đồng hồ cũ của ông ta đã ngưng chạy vì hai cây kim chỉ giờ và phút đứng yên tại chỗ. Minh lắc đầu cười gượng quay sang hỏi người lính mang máy của mình.
- Mấy giờ rồi chú?
- Dạ... Trình đồng chí thiếu tá... Bây giờ đúng 5 giờ chiều...
- Vậy à... Đồng hồ của tôi chỉ 2 giờ...
Người lính mang máy cười nhẹ.
- Dạ... Đồng chí tiểu đoàn trưởng cần cái đồng hồ mới...
Gật đầu Minh ra lịnh di quân mà óc lại tính tới chuyện mua cái đồng hồ mới khi vào tới Sài Gòn. Tám trăm người lính của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam lặng lẽ di chuyển tới gần địa điểm. 8 giờ tối. Nương theo bóng đêm, cả tiểu đoàn chia quân bao vây kín mít ngôi đồn chờ tới đúng nửa đêm sẽ nổ súng đồng loạt tấn công.
Gần 12 giờ rồi mà Điềm vẫn còn thức. Trên mặt bàn làm bằng ván thùng đạn đại liên bày la liệt đủ thứ. Cái gạt tàn thuốc đầy ắp. Ly cà phê cạn chỉ còn chút nước dưới đáy. Trước mặt anh hai tờ giấy pellure màu xanh nhạt chứa đầy chữ. Đó là thư của mẹ mà anh đã nhận được ngày hôm qua. Bà viết thư hỏi thăm, chúc tết và cũng nhắc lại chuyện anh cần có mặt trong đám cưới của bà được tổ chức hai tuần lễ sau tết. Đưa tờ giấy pellure lên mân mê giây lát anh chợt thở dài. Không còn bao lâu nữa, người mà anh thương yêu nhất sẽ đi ra khỏi đời anh, sẽ không còn của riêng anh nữa mà thuộc về người khác. Dù biết tình yêu của mình đối với mẹ là thứ tình tuyệt vọng không có lối thoát nào hết ngoài sự chấm dứt; nhưng tự trong thâm tâm anh vẫn hoài nuôi hi vọng người mẹ mà mình thương yêu, si mê sẽ không bao giờ thuộc về ai hết. Nếu người đó không thuộc về anh thì cũng không thuộc về ai hết. Điều đó đã không xảy ra. Thôi hết rồi đôi mắt dài có đuôi, long lanh đen màu thần nữ huyền bí. Thôi hết rồi nụ cười nghe hoài không chán. Thôi còn đâu nữa bàn tay dịu dàng như măng trúc mùa thu từng ve vuốt, nâng niu khuôn mặt. Còn đâu những đêm mưa, anh nằm im lặng thầm hít thở hương tóc dịu dàng, hơi thở thơm mùi hoàng lan âm thầm len vào mũi của mình đọng thành nỗi mê man đắm đuối tới độ mỗi lần hồi tưởng lại phải ứa nước mắt vì tiếc nuối. Thôi hết rồi những ý nghĩ xôn xao khi vô tình ánh mắt si mê dại khờ đọng cứng trên làn da trắng muốt có nốt ruồi son. Hai giọt nước mắt lăn từ từ và chảy chầm chậm xuống môi. Không khí trong căn hầm trú ẩn lạnh lùng và ẩm mục mùi đất. Ánh đèn dầu mờ hàng chữ viết bằng ngòi viết lá rong. Từ đây mẹ là của người khác. Mẹ sẽ có người để nâng bàn tay, để nhìn vào đôi mắt, để lo bữa ăn, để thì thầm tình tự. Người đàn bà mà anh gọi bằng mẹ sẽ không còn gọi tên anh thường xuyên nữa. Người đó dù có nhớ anh, gọi tên anh cũng chỉ là nỗi thoáng nhớ bất chợt và thờ ơ khi nghe tin chiến sự hay có cơn mưa đêm đổ về thành phố. Trong khoảng không gian nhỏ hẹp và tĩnh lặng anh mơ hồ nghe được giọng ngâm thơ lãng mạn, trữ tình của ai đó rót vào tai mình như thứ muộn phiền dai dẳng kéo dài hoài huỷ. '' Rồi đây ai thắp mắt đêm dài...''. Biết bao đêm anh ngồi mở mắt nhìn ngọn đèn dầu leo lét, để nhớ, để hồi tưởng, để ôn lại hoài hoài quá khứ, kỹ niệm chưa nhạt màu, đọc lại những lá thư của một người mà anh biết dù có rã mục thành đất cát cũng không thể quên được. Buồn, giận và ghen hờn về sự giao du của mẹ với Mặc, anh tình nguyện đi lính với ý nghĩ muốn quên đi mối tình si dại khờ của mình. Tuy nhiên, 12 tháng trong quân trường và hơn năm đi lính đóng đồn ở xa, anh mới biết không thể giải quyết tình si bằng cách đó. Sau không biết bao đêm thao thức, băn khoăn, suy nghĩ, tra hỏi, lục vấn, đào xới tâm tư, anh mới nhận ra tình si của mình đối với mẹ không giản dị là mối tình si mà còn là thứ tình cảm kỳ diệu, lạ lùng, phức tạp và nhiều mâu thuẫn nội tại cho nên không thể giải quyết bằng cách giản dị: đi lính. Cũng không thể giải quyết bằng cách quên dưới bất cứ hình thái nào bởi vì khi mình yêu rồi thì không thể quên. Với anh, bây giờ tình yêu thành thứ tai nạn của tâm hồn theo cái nghĩa đơn thuần nhất.
Bum... bum... bum... Đang mơ màng suy tưởng Điềm chợt mở mắt. Vành tai lính bắt được âm thanh tiếng depart của viên đạn 82 ly thoát ra khỏi nòng súng. Oành... Ầm... Ầm... Chụp lấy khẩu Carbine M2, tay xách máy 25 Điềm lao ra cửa. Ánh lửa nháng, loé lên khắp nơi trong đồn. Hàng loạt tiếng nổ rung rinh mặt đất. Bụi đất văng rát mặt mày. Bóng người chạy loáng thoáng. Thượng sĩ Tín, đại đội phó xuất hiện như bóng ma.
- Thiếu uý hả?
Điềm lên tiếng chậm và bình tỉnh.
- Tôi đây... Nó pháo dữ quá...
Ông thượng sĩ già có 20 năm kinh nghiệm nói nhanh.
- Chắc tụi nó pháo trước khi đánh đồn...
Điềm lên tiếng nhanh và gọn.
- Để tôi ra coi tình hình... Ông điều động bốn trung đội vào vị trí nghen...
Tay xách máy, tay xách súng, Điềm nhảy xuống giao thông hào chạy ra hướng tây đối diện với khu rừng. Ngẩng đầu lên anh thấy từ trong khu rừng thưa ánh sáng loé lên từng chập và hàng loạt âm thanh cũng vọng ra từ hướng đó. Ngẫm nghĩ giây lát anh vào tần số liên lạc với chi khu xin pháo binh bắn yểm trợ. Pháo của địch mỗi lúc tăng cường độ rơi vãi như mưa vào ngôi đồn nhỏ. Tiếng hò, hét, la, chửi thề vang vang trong đêm sáng nhờ ánh hoả châu cháy lơ lửng trên trời. Pháo thưa dần rồi dứt hẵn.
- Rồi... Tụi nó xung phong...
Điềm quay lại khi nghe tiếng của thượng sĩ Tín ở đằng sau lưng của mình. B40 nổ ầm ầm bắn xập các vọng gác lộ thiên. Địch sử dụng bangalore cuộn hàng rào kẽm gai thành đường trống lấy chỗ cho bộ đội tiến vào. Vì chưa có lịnh nên lính trong đồn chưa khai hoả. Điềm xiết chặt ống liên hợp trong tay mình. Anh đợi cho tới khi cần thiết.
- Bắn...
Lệnh tác xạ nổ ra trong máy truyền tin. Bốn đại đội hơn trăm người cùng lúc nhắm bắn vào địch quân đang tiến công từ hai hướng bắc và đông. Bóng áo xanh của bộ đội và áo đen của du kích đi đầu ngã xuống. Súng của hai phe nổ rền trời đất. Đạn lửa xẹt tứ tung. Lựu đạn gài, mìn chôn nổ điếc con ráy. Vào tới lớp kẽm gai thứ ba, lính của tiểu đoàn K6 khựng lại vì hoả lực mạnh mẽ của lính trong đồn.
- Xung phong...
Tiếng hét vang rền cùng với kèn thổi lanh lảnh. Điềm quay nhìn thượng sĩ Tín và thấy ông ta cũng đang nhìn mình. Hai cấp chỉ huy, một thừa kinh nghiệm và một đầy suy tư đều hiểu họ đang bị địch quân dùng chiến thuật biển người áp đảo. Địch có quân số cỡ tiểu đoàn với pháo và súng nặng theo ba mặt ập vào, trong khi lính trong đồn có chừng trăm người lại thiếu sự yểm trợ của phi pháo. Đại bác của chi khu chỉ bắn có vài trái 105 rồi im luôn. Liên lạc với chi khu được nửa chừng cũng gián đoạn luôn. Điều đó cho Điềm biết có sự trục trặc trầm trọng. Có thể chi khu cũng bị đánh chiếm nên không trả lời được. Bây giờ anh phải tự lo liệu lấy một mình.
- Thiếu uý coi mặt này. Tôi qua bên chổ thằng Tám Tàng... Coi bộ mặt bên đó nặng hơn...
Đưa ống dòm lên quan sát, Điềm dặn vói theo.
- Ông cẩn thận... có gì báo cho tôi biết...
Thiếu tá Minh cau mày vì tình thế xảy ra không theo như ý của ông ta tính toán. Sau ba lần tiến công, binh sĩ của hai đại đội 1 và 2 đã khựng lại ở hàng rào kẽm gai thứ ba bởi hoả lực mạnh mẽ và chính xác của địch. Tên sĩ quan chỉ huy của Nguỵ quả khôn ngoan và có nhiều kinh nghiệm chiến trường nên điều động binh sĩ dưới quyền nấp sau các công sự phòng thủ, giao thông hào chống trả dữ dội. Cứ theo đà này thì tiểu đoàn K6 phải mất nhiều thời giờ mới bứng được cái đồn vô danh này. Đó là chưa nói tới quân tiếp viện từ quận Củ Chi lên hay phi cơ của địch can thiệp. Không muốn mất thời giờ, Minh ra lệnh cho đại đội súng nặng tham chiến. Mọt chê 82 ly rót vào, B40 trực xạ vào công sự phòng thủ còn đại liên 12 ly 8 và thượng liên bắn xối xả vào đồn trong lúc trung đội đặc công dùng ống bangalore phá huỷ kẽm gai. Tiếng hò hét xung phong hoà với tiếng súng đủ mọi loại của tiểu đoàn K6 có quân số 800 người như muốn huỷ diệt ngôi đồn do vị thiếu uý có ba năm quân vụ và mới lên nắm quyền chỉ huy đại đội một trăm ba chục người hơn tháng. Không cần nói cũng biết kết quả ra sao. Tới gần sáng tiếng súng im hẵn. Lính của tiểu đoàn K6 hờm AK tiến vào trung tâm ngôi đồn đã bị san thành bình địa. Lát sau thiếu tá Minh và bộ chỉ huy tiểu đoàn thong dong đi vào.
- Thằng sĩ quan Nguỵ đâu rồi?
Minh gằn giọng hỏi.
- Trình đồng chí tiểu đoàn trưởng. Nó đang nằm đằng kia...
Theo chân lính, Minh tới đứng trước đống xác quân địch đang nằm chất chồng lên nhau. Riêng có một tử thi trên áo gắn một bông mai màu vàng nằm lẻ loi.
- Nó đó trình đồng chí...
Minh gật đầu nhìn người đang nằm chết. Người chết còn rất trẻ. Hơi khom người xuống vị sĩ quan cấp tá của mặt trận nhanh tay tháo chiếc đồng hồ Seiko đeo nơi tay người chết. Đưa nó lên ngắm nghía ông ta mỉm cười hài lòng về món quà chiến thắng. Nó tới đúng lúc ông ta đang cần chiếc đồng hồ thay thế cho cái cũ đã ngưng chạy. Đeo chiếc đồng hồ vào tay xong liếc nhanh vào mặt người chết lần nữa, ông ta quay lưng bước đi. Mặt trời vừa ló lên nơi hướng đông. Minh ra lệnh di quân. Sài Gòn không còn xa lắm.