Số lần đọc/download: 0 / 42
Cập nhật: 2020-10-20 22:07:34 +0700
Chương 16
Ông Côn dắt xe đạp đằng sau đèo cái túi du lịch bằng vải bạt dựng xe bước vào phòng làm việc của ông Kim. Đang làm việc với ông Dần, ông Kim ngẩng đầu lên hỏi:
- Ông đi xuống Đạo Thắng đấy à?
- Vâng. Hai anh đang bàn chuyện gì đấy?
- Hôm qua ở Linh Sơn về tối quá nên không qua chỗ ông được. Tớ định ông không phải xuống Đạo Thắng nữa mà đi Cao Sơn cho tớ. Đạo Thắng giao cho cô Chi.
Ông Côn phân vân giây lát rồi bảo:
- Tình hình ở đấy phức tạp lắm, không biết một mình cô Chi có xoay xở nổi không.
- Ông không lo. Ở đó còn có cô Luận, bí thư đảng ủy xem ra cũng là người biết việc. Ngoài ra còn chi bộ Gia Đạo có ối anh đảng viên đang muốn thay đổi lề lối sản xuất. Ngồi xuống đây tớ kể chuyện cho mà nghe. Tớ vừa kể cho tay Dần nghe đấy.
Ông Côn kéo ghế ngồi xuống:
- Có chuyện gì thế ạ?
- Chuyện làm ăn của thằng Đằng Xá. Mạnh mẽ và kiên định lắm. Lại đồng lòng đồng sức từ lãnh đạo huyện cho đến xã mới hay chứ. Thằng này sẽ vượt qua đầu thằng Hồng Vân cho mà xem – Giọng ông Kim sôi nổi.
- Không biết ở Cao Sơn đang xảy ra chuyện gì khiến anh vui như thế?
Vẫn giữ giọng sôi nổi, ông Kim nói tiếp:
- Phải nói là chúng nó liều, à không. Phải nói là chúng nó dám làm những điều mà nhiều người còn kiêng kỵ. Thậm chí đến nói cũng chưa chắc dám nói tới chứ đừng nói gì làm. Năm kia chúng nó dám giấu cả lãnh đạo huyện lẫn xã, cày đất chia cho xã viên trồng đậu tương, rồi giao cho bà con tự chăm sóc và cho hưởng tất. Vụ vừa rồi mạnh dạn phá những ruộng lúa không có khả năng cho hạt và thay thế cây khoai lang vào đấy và hai ông biết thế nào không. Chỉ có mấy mẫu khoai lang mà chúng nó đóng đủ thuế nông nghiệp của cả Hợp tác xã đấy.
Ông Côn ngạc nhiên:
- Đóng thuế nông nghiệp bằng khoai lang?
Ông Kim cười sảng khoái:
- Nghe chúng nó kể lại chuyện xử lí việc đóng thuế bằng khoai lang, tớ vừa phục vừa buồn cười. Các ông biết thế nào không? Cái vụ khoai lang ấy chúng nó thu hoạch gần tám chục tấn củ. Sắp vào vụ gặt, nếu có chia cho xã viên thái phơi khô cũng không kịp, mà để lại thì khoai sẽ mọc mầm coi như công toi. Thế là chúng kéo nhau lên đề nghị với huyện cho đóng thuế nông nghiệp bằng khoai lang. Mấy tay Đằng Xá lại bảo nếu tay Pha thấy bí thì giao cái chức chủ tịch huyện cho mấy tay ở Đằng Xá làm. Có quyền trong tay, chúng nó sẽ có cách giải quyết. Tay Pha bảo hắn sẵn sàng giao quyền chủ tịch cho tay Hoãn, giải quyết xong vụ khoai lang thì trả lại chức chủ tịch cho hắn. Cuối cùng tay Pha và tay Hạp chịu thua. Hai ông biết chúng nó giải quyết bằng cách nào không? Chúng nó cho những người hưởng phiếu lương thực trong toàn huyện đong ba mươi phần trăm chất độn bằng khoai lang.
Ông Côn kêu lên:
- Phục thật.
- Phục quá đi chứ. Qua việc làm của thằng Đằng Xá có thể rút ra được bài học. Phải mở rộng dân chủ ở cơ sở. Cái vụ bắt Phòng Lương thực huyện nhận mấy chục tấn khoai lang để bán làm thức độn cũng là nhờ thái độ kiên quyết của tay Hạp chứ tay Pha không dám mạnh tay như vậy đâu. Có dịp nào đó phải sắp xếp tay này vào cơ cấu tỉnh ủy để tăng thêm lực lượng những người lãnh đạo có đầu óc quyết đoán.
- Khó lắm - Ông Dần nói - Mang cái án “H đúp” ai dám bầu làm tỉnh ủy viên.
- Ông là Trưởng Ban tổ chức mà có đầu óc thủ cựu bỏ mẹ. Chuyện đã rồi, cứ thành kiến mãi thì làm sao người ta ngóc đầu lên được.
Ông Côn nói:
- Nghĩ như anh không có mấy người đâu.
Ông Kim thở dài:
- Chuyện muôn thủa nói không bao giờ hết. Bây giờ bàn công việc nhé. Ông Côn đi lên Linh Sơn hộ tớ có được không?
Ông Côn cười:
- Đảng đặt đâu ngồi đấy, từ chối thế nào được.
- Lên đó không phải ngồi đâu mà vắt chân lên cổ để chỉ đạo phong trào đấy. Thằng Đằng Xá mở ra nhiều hướng đi rất hay nhưng phải có chỉ đạo chứ tình hình hiện tại không cho phép nó đi quá đà. Nên nhớ là tổ phái viên của Ban Nông nghiệp Trung ương đang nằm kè kè bên cạnh. Chỉ cần một lệnh cấm là coi như tất cả trở về con số không. Ông hiểu ý tôi không? Bên cạnh mừng, trong lòng tớ lúc nào cũng nơm nớp lo.
- Tôi thông cảm với anh. Cũng phải có dự kiến là những Hợp tác xã nằm cạnh Đằng Xá sẽ học tập anh Đằng Xá. Khi đã thành một phong trào quần chúng rồi, thế nào cấp trên cũng nhìn nhận lại những khiếm khuyết trong chính sách và cơ chế đang hiện hành.
- Quần chúng đang từ bi quan, chán nản với cái cơ chế hiện tại, đã chuyển sang tìm cách phá vỡ nó. Thằng Hồng Vân, An Lưu, Cao Sơn và có thể một số Hợp tác xã nữa đang lén lút làm. Phải nắm lấy những Hợp tác xã này để tìm ra cái hay cái dở của nó để điều chỉnh cho nó đi đúng hướng. Qua đó chúng ta sẽ rút ra những bài học để tiến đến có một Nghị quyết về vấn đề này.
Ông Dần tỏ vẻ thận trọng:
- Theo tôi, việc chỉ đạo các Hợp tác xã đang tìm cách phá rào ta cứ chỉ đạo nhưng chưa nên ra Nghị quyết để thực hiện trong toàn tỉnh.
Ông Kim hỏi:
- Sao thế?
Ông Dần đáp:
- Để cho các Hợp tác xã tự làm, nếu Trung ương biết có hỏi thì ta bảo đó là phong trào tự phát của quần chúng. Còn nếu ra Nghị quyết, Trung ương sẽ kết tội chúng ta chủ trương đưa nông dân đi chệch hướng con đường làm ăn tập thể Xã hội chủ nghĩa. Tội ấy chắc không nhỏ.
- Thôi dẹp chuyện đó lại để bàn chuyện đang bàn dở. Ông Côn đi lên Linh Sơn có được không?
Ông Côn:
- Có gì mà không được ạ. Tôi chỉ lo không biết một mình cô Chi có xoay xở nổi với cái lô cốt ở Đạo Thắng không thôi.
- Ông không phải lo. Tớ sẽ chỉ đạo cụ thể cho cô Chi nên làm gì với thằng Đạo Thắng. Ông lên Linh Sơn kết hợp với tay Hạp và tay Pha chỉ đạo thằng Đằng Xá. Qua đó rút ra những bài học để chỉ đạo cho toàn tỉnh sau này. Tớ sẽ trao đổi cụ thể trước khi ông đi. Riêng việc sáng mai xuống Văn Lâm tổ chức lễ tưởng niệm đồng chí Mạch, tớ muốn mời ông Ẩn cùng dự, hai ông thấy thế nào.
Ông Dần phân vân:
- Không biết anh Ẩn có đi không? Nếu đi được thì tốt quá.
- Lát nữa tớ qua trực tiếp mời, chắc ông ấy không từ chối. Ông Côn chuẩn bị sáng mai cùng đi nhé. Lát nữa ông Dần bảo văn phòng chuẩn bị một vòng hoa viếng của tỉnh ủy. Lấy xe tớ về thẳng Hà Nội đặt hẳn một vòng hoa cho nó đàng hoàng. Nếu không còn gì nữa thì tớ qua chỗ ông Ẩn đây.
Ông Kim đứng lên đi ra khỏi phòng.
2
Ông Kim chuẩn bị bước vào nhà làm việc của tổ phái viên thì có tiếng còi báo động máy bay. Ông chạy vào một chiếc hầm chữ A cách đó không xa. Lát sau ông Ẩn cũng chạy ra chui vào đó.
Nhìn thấy ông Kim ở trong hầm, ông Ẩn hỏi:
- Anh Kim à. Đi đâu mà nhảy vào hầm này?
- Tôi đang định vào chỗ anh thì nghe tiếng còi báo động nên nhảy vào đây.
- Dạo này chúng nó đánh phá ác liệt quá. Tuần vừa rồi tôi về Hà Nội họp mấy hôm mà hôm nào cũng phải chạy ra hầm đến bốn năm lần.
Có tiếng bom nổ và tiếng cao xạ đáp trả. Ông Kim vọt ra khỏi hầm lắng tai nghe.
- Chúng nó lại đánh ga Trung Văn và cầu Gia Liễn rồi anh ạ. Cầu đường sắt Gia Liễn mới chữa xong chưa được hai tuần nay. Quân khu mới tăng cường cho một đại đội pháo cao xạ 57 li nữa, không biết hôm nay có giữ nổi không.
Ông Ẩn cũng ra khỏi hầm.
- Tỉnh của các anh có rất nhiều mục tiêu trọng điểm đánh phá của địch nên khá vất vả.
Tiếng bom và tiếng cao xạ vẫn dội lại.
- Hình như lần này chúng ném loại bom lớn hơn thì phải. Anh có cảm giác đất dưới chân mình rung chuyển không?
- Có thế thật.
Ông Kim lo lắng:
- Nó ném bom loại lớn mà trúng cầu thì nguy to. Lần trước cầu sập, cả công binh, giao thông và nhân dân dồn sức sửa cật lực bốn năm hôm mới thông tàu được đấy anh ạ. Nghe tiếng bom lạ tôi lo quá.
- Anh định vào tôi chơi hay có chuyện gì không? - Ông Ẩn hỏi.
- Tôi qua mời anh sáng mai đi Văn Lâm dự lễ tưởng niệm cho đồng chí Nguyễn Đình Mạch, nguyên bí thư huyện ủy Văn Lâm bị xử lí oan trong cải cách ruộng đất.
- Cải cách ruộng đất xảy ra đã hơn mười năm nay, sao bây giờ làm lễ tưởng niệm là thế nào?
- Đồng chí Mạch trong kháng chiến chống Pháp là bí thư chi bộ xã Lâm Du. Đồng chí ấy là người che giấu cho tôi mỗi lần tôi từ An toàn khu của tỉnh vào hoạt động địch hậu. Vì thế khi về nhận công tác ở đây, mỗi lần xuống công tác ở Văn Lâm bao giờ tôi cũng về Lâm Du thăm gia đình đồng chí Mạch nhưng chẳng hề nghe chị ấy phàn nàn gì. Cách đây mấy tháng, cậu con trai của đồng chí ấy lên trực tiếp gặp tôi, bảo mẹ mình yếu lắm không biết sống chết khi nào. Yêu cầu tỉnh ủy có cái giấy minh oan cho bố mình để mẹ có nhắm mắt cũng được thảnh thơi, bấy giờ tôi mới vỡ lẽ mọi việc.
Ông Ẩn kêu lên:
- Sao lại tắc trách như vậy được nhỉ? Danh dự của một cán bộ cách mạng mười năm bị xúc phạm mà không hề ai biết đến là thế nào?
- Vừa rồi sau khi nghe con của đồng chí Mạch lên kể lại, chúng tôi đã có công văn gửi lên Ban bí thư, đích thân tôi ký yêu cầu giải quyết việc này. Ban bí thư đã có công văn phúc đáp giao cho tỉnh tổ chức lễ tưởng niệm cho đồng chí Mạch. Chúng tôi đã bàn bạc cách thức tổ chức xong rồi và cũng đã chỉ thị cho huyện ủy Văn Lâm chuẩn bị. Chúng tôi định sáng mai sẽ tổ chức và qua mời anh xuống dự. Có một ủy viên Trung ương có mặt trong buổi lễ sẽ là nguồn động viên lớn cho gia đình cũng như đảng bộ và nhân dân huyện Văn Lâm. Anh có sắp xếp đi được không?
- Tôi sẽ đi với các anh. Mấy giờ xuất phát?
- Bảy giờ. Từ đây xuống đó mất chừng bốn mươi phút.
Tiếng bom ngớt. Ông Ẩn bảo ông Kim:
- Vào chỗ tôi uống nước.
- Để tôi về gọi điện thoại hỏi ủy ban phòng không xem chúng nó ném bom ở đâu và thiệt hại ra sao rồi tôi qua.
- Chỗ tôi cũng có điện thoại kia mà.
- Ừ nhỉ. Đầu óc tôi dạo này thế nào anh ạ. Hay quên quá.
- Tôi cũng vậy. Có lẽ do công việc căng thẳng quá.
Ông Kim theo ông Ẩn đi vào nhà rồi đi đến nhấc máy điện thoại lên gọi. Lát sau ông Kim bỏ máy, nói với ông Ẩn:
- Chúng nó đánh sập cầu đường bộ Gia Liễn và khoảng năm mươi mét đường ray hỏng hoàn toàn. Một quả bom rơi gần mố cầu đường sắt nhưng không làm ảnh hưởng gì đến cầu. Mất năm mươi mét đường sắt cũng phải mất vài hôm để khắc phục may ra mới thông tàu được. À, anh Sắc và anh Bao đi đâu mà báo động máy bay không thấy chạy ra hầm hả anh?
- Đồng chí Sắc và đồng chí Bao hôm nay đi lên Linh Sơn.
Ông Kim thoáng giật mình:
- Có chuyện gì ở trên Linh Sơn mà hai anh ấy phải lên đó?
- Đi khảo sát tình hình các Hợp tác xã như thường lệ chứ chẳng có việc gì đột xuất. Anh Kim này, tôi định qua chỗ anh trao đổi một vài việc, tiện thể anh qua đây tôi trao đổi với anh luôn.
Ông Kim hỏi:
- Có chuyện gì quan trọng lắm không anh?
- Trước khi trao đổi với anh, tôi muốn biết anh đánh giá thế nào về tình hình của các Hợp tác xã nông nghiệp?
Ông Kim nhìn thẳng vào ông Ẩn:
- Tôi cũng muốn hỏi anh là liệu anh có muốn nghe những lời nói thẳng thắn của tôi không?
- Anh không phải hỏi, vì tôi biết tính anh rồi.
Nhìn thấy thái độ nhẹ nhàng của ông Ẩn, ông Kim cảm thấy một niềm vui le lói vừa lóe lên trong lòng mình. Ông nở một nụ cười tươi roi rói rồi nói:
- Không có gì thích thú bằng khi ngồi nói chuyện với một người hiểu rõ mình. Không biết anh thế nào chứ tôi thấy cãi nhau với một người hiểu mình thấy dễ chịu hơn khi phải dùng những lời vuốt ve, nịnh nọt với một kẻ lúc nào cũng mang tâm địa đố kị với mình. Anh đã hiểu tính tôi thì tôi xin nói thẳng một câu nhận xét rất ngắn gọn về tình hình của các Hợp tác xã nông nghiệp như sau. Thực chất các Hợp tác xã nông nghiệp hiện nay là cái xác không hồn. Anh có phê bình cảnh cáo tôi thì tôi vẫn giữ nhận xét của tôi như vậy.
- Người nói thẳng không bao giờ có tội. Tính tôi cũng rất quý trọng những người nói thẳng. Nhưng liệu nhận xét của anh có phiến diện lắm không?
- Đây không phải là nhận xét của riêng tôi mà là nhận xét của rất nhiều người có tâm huyết với phong trào Hợp tác xã. Có lẽ nông dân là những người trong cuộc, họ cũng dần dần nhận ra điều này nên đang tìm mọi cách thoát ra khỏi vòng cương toả của cái cơ chế bất hợp lí đang trói buộc họ.
- Và anh khuyến khích những việc làm ấy?
- Tôi khuyến khích những ai tìm cách làm cho Hợp tác xã ngày một giàu có để chứng minh tính ưu việt của lối làm ăn tập thể và phản đối những ai cố tình giả mù giả điếc không nhìn thấy nguyện vọng của quần chúng muốn thay đổi lối làm ăn hiện tại.
Ông Ẩn lâu nay âm thầm quý trọng ông Kim. Giờ đây nghe những lời nói mạnh mẽ, chân tình và thẳng thắn của ông Kim, ông càng thấy mến phục. Ông Ẩn bộc bạch:
- Mấy lần tranh luận căng thẳng với anh về quan điểm đánh giá Hợp tác xã xong, có những điều anh nói khiến tôi suy nghĩ. Qua khảo sát một số Hợp tác xã nông nghiệp trong tỉnh Phước Vĩnh, chúng tôi thấy có nhiều điểm đúng như anh nhận xét. Nhưng muốn sửa đổi nó phải có quá trình từng bước và phải hết sức thận trọng. Nếu sốt ruột, nóng vội dễ đi từ hữu sang tả là cực kỳ nguy hiểm. Không những củng cố được các Hợp tác xã mà có khi còn làm cho nó tan rã. Nông dân lại trở về con đường làm ăn cá thể.
Ông Kim nói giọng chắc nịch:
- Lo ngại của anh không bao giờ xảy ra. Tôi lấy sinh mệnh chính trị của mình ra bảo đảm với anh như vậy.
Ông Ẩn vẫn nói với thái độ điềm đạm:
- Anh không nên chủ quan. Bản chất nông dân chúng ta có nhiều điểm rất tốt, nhưng cũng có những nhược điểm của những người sản xuất tiểu nông. Vì thế đưa họ vào nề nếp làm ăn tập thể một cách nghiêm túc khó hơn là buông lỏng để cho họ tự do muốn làm kiểu nào thì làm, miễn sao có lợi cho mình.
- Theo tôi cái sai của chúng ta hiện nay là phủ nhận hộ cá thể. Không coi nó là một đơn vị kinh tế.
- Đây đang là điểm mâu thuẫn mấu chốt hiện nay của lối làm ăn tập thể. Coi hộ là một đơn vị kinh tế đồng nghĩa với việc giao ruộng đất và công cụ sản xuất cho họ. Vậy Hợp tác xã quản lí cái gì?
Ông Kim chuyển qua giọng sôi nổi:
- Quản lí kế hoạch sản xuất, quản lí vật tư như phân, giống, thuốc bảo vệ thực vật. Định mức phân phối sản phẩm cho xã viên và làm nghĩa vụ đối với Nhà nước. Việc giao hẳn ruộng đất cho nông dân còn phải tính toán lợi hại. Nhưng việc giao hẳn công cụ sản xuất cho nông dân tự quản là có thể làm được ngay. Để cho Hợp tác quản như hiện nay đang xảy ra tình trạng cha chung không ai khóc.
- Tình trạng ấy tôi cũng nắm được. Chúng tôi cũng đã phân tích kỹ hiện tượng này và đi đến kết luận là do sự quản lí yếu kém của Ban lãnh đạo Hợp tác xã chứ không phải do cơ chế sinh ra.
Ông Kim cười:
- Đến đây thì anh và tôi lại rẽ hai lối khác nhau rồi.
Ông Ẩn cũng cười:
- Sông đôi lúc cũng chia ra nhiều nhánh, nhưng cuối cùng vẫn đổ ra biển.
- Ước gì một ngày nào đó tôi được đứng cạnh anh để tranh cãi xem nhánh sông nào tuôn ra biển trước.
- Thật khó đánh giá con người của anh. Không hiểu anh là người quá tự tin hay tự cao, tự mãn? – Nói xong ông Ẩn cười tự nhiên. Ông Kim cảm nhận được cái cười ấy nên cũng cười và đáp:
- Tôi đã làm được gì đâu mà tự cao với tự mãn. Nhưng tôi tin vào những suy nghĩ của mình anh ạ.
Ông Ẩn lặng yên giây lát rồi nói:
- Tôi rất quý trọng tính cách con người anh. Nhưng tôi muốn khuyên anh một điều. Không biết anh có muốn nghe hay không?
- Tôi không từ chối.
- Anh nên thận trọng với những việc làm của mình. Anh không nên đánh đổi sinh mạng chính trị của anh vào một canh bạc mà phần thua đã nhìn thấy.
Ông Kim thân mật nói đùa:
- Không biết nên coi đây là lời khuyên hay lời đe dọa của một ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng đây.
Ông Ẩn nói giọng nghiêm túc:
- Tôi nói nghiêm túc đấy. Tấm lòng lo lắng của anh cho cuộc sống nông dân rất đáng quý. Nhưng việc anh muốn đảo ngược cái cơ chế đang hiện hành là một việc làm hoàn toàn mạo hiểm, ngoài khả năng của anh.
Ông Kim biết đây là những lời nói chân thành của ông Ẩn nên nhẹ nhàng đáp lại:
- Tôi cám ơn những lời khuyên của anh. Tôi sẽ thận trọng cân nhắc và bàn bạc với tập thể lãnh đạo trước khi quyết định làm một việc gì đó. Nhưng qua thái độ chân tình của anh, tôi cũng muốn nói thành thật một điều. Nếu làm được một việc gì đó để cho nền nông nghiệp của tỉnh tôi khởi sắc và cuộc sống của nông dân tỉnh tôi no đủ thì có đánh đổi cái chức vụ bí thư tỉnh ủy của tôi cũng chẳng sao cả.
3
Ông Kim đang ngồi đọc báo cáo của thường vụ huyện ủy Thạch Sơn về đánh giá tình hình thu hoạch vụ lúa vừa qua thì thấy bụng mình đau quặn lên dữ dội. Ông đứng lên định gọi Đô thì cảm thấy buồn nôn. Ông cố bước ra cửa vừa kịp ngồi xuống thì nôn thốc nôn tháo. Mắt ông hoa lên. Đúng lúc đó bà Thường đi tới. Nhìn thấy ông Kim ngồi hai tay chống xuống đất, trước mặt là một bãi lầy nhầy thức ăn lẫn với máu, bà hốt hoảng gọi Đô. Đô chạy sang. Bà Thường bảo:
- Chú xốc chú Kim vào phòng rồi chạy lên gọi chú Sản xuống nhanh lên. Bảo chú Kim đang bị chảy máu dạ dày.
Sản, bác sĩ của cơ quan xách túi thuốc vừa đi vừa chạy cùng với Đô vào chỗ ông Kim đang nằm trên cái giường cá nhân kê ở góc phòng làm việc.
Sản nghe tim ông Kim xong chạy ra nhìn vào chỗ ông Kim nôn. Lát sau quay vào bảo:
- Bí thư bị chảy máu dạ dày tái phát rồi, phải đưa lên bệnh viện tỉnh để cấp cứu thôi.
- Tớ nằm một lát máu hết ra là ổn. Chẳng cần đi viện đâu. Tớ còn bao nhiêu việc còn làm dở.
Bà Thường nghe ông Kim nói vậy nổi cáu:
- Vứt mẹ cái công việc làm dở của chú sang một bên. Người đã lép kèm kẹp như cóc bị bỏ đói cả tháng mà việc với việc. Chú Đô gọi chú Hành cho xe đến chở chú Kim đi cấp cứu. Không cần báo cho cô Lê làm gì. Chú gọi chú Dần cùng đi áp tải với tôi.
Hành đánh xe đến tận cửa. Sản tiêm cho ông Kim một ống trợ lực sau đó cùng Đô dìu ông Kim lên xe.
Bệnh viện của tỉnh sơ tán dọc theo triền núi thuộc huyện Thạch Sơn. Nhà lá, vách nứa nằm ẩn mình trong những vòm cây rậm rạp. Chiếc xe chở ông Kim dừng lại trước cái lán nằm dưới một gốc cây gạo cổ thụ. Bà Thường và ông Dần vội vàng nhảy xuống xe. Sản ngồi ôm lấy ông Kim. Hai cô mặc áo blouse màu cỏ úa từ trong lán chạy ra.
- Bệnh nhân hả bác? – Một cô hỏi bà Thường.
- Vâng. Đồng chí bí thư tỉnh ủy bị chảy máu dạ dày. Các cháu vào báo hộ với bác sĩ bệnh viện trưởng hộ bác.
Trước lúc đi, một cô y tá dặn:
- Bác để cho bác ấy ngồi yên trên xe chứ không được bước xuống đâu. Để chúng cháu vào báo cho viện trưởng và lấy cáng ra đưa bác bí thư vào. Bác nhớ là để bác bí thư ngồi bất động đấy.
Lát sau bốn cô xách theo cái cáng đi ra cùng với Hoàng, viện trưởng.
- Chào chị Thường. Anh Kim bị sao thế chị? – Hoàng hỏi.
Sản ngồi trong xe nói vọng ra:
- Bí thư bị chảy máu dạ dày cấp anh ạ.
- Mấy năm trước đây anh Kim đã chảy máu dạ dày một lần rồi, chắc lại tái phát. Anh dìu bí thư xuống xe hộ tôi.
Bước xuống xe nhìn thấy cái cáng để sẵn chờ mình, ông Kim bảo:
- Tớ đi được, không phải cáng đâu.
- Anh cần phải bất động, không đi được đâu. Anh nằm lên cáng để các cháu cáng.
Ông Kim cười mệt mỏi:
- Chẳng thi cử gì mà cũng đỗ Trạng nguyên, được nằm võng cho người khác cáng.
Hoàng cười:
- Bí thư tỉnh ủy cũng ngang hàng với Tuần Phủ, Án Sát ngày xưa, nằm võng là xứng quá rồi còn gì.
Đi bên cạnh Hoàng, bà Thường hỏi:
- Tình hình bệnh trạng của chú Kim có phải mổ không chú Hoàng?
- Chưa nói gì bây giờ được cả chị ạ. Trước mắt chúng tôi tiêm thuốc để cầm máu đã. Mấy hôm nữa ổn định, chúng tôi cho chụp X quang mới có quyết định mổ hay không mổ.
- Chú ấy làm việc quá sức, chẳng khi nào nghĩ đến sức khỏe của mình. Tôi dặn chú việc này. Nếu chú Kim đòi ra viện, chú kiên quyết không cho ra. Dù chữa khỏi rồi chú vẫn bảo là chưa khỏi để cho chú ấy nằm trên này tĩnh dưỡng một thời gian.
- Tôi biết tính anh Kim rồi, khó mà giữ anh ấy lại được khi anh ấy thấy mình đã trở lại bình thường.
- Cứ bảo chưa khỏi thì đã sao.
- Để tôi thử xem sao.
Ông Kim được đưa vào phòng cấp cứu. Trong lúc mấy cô y tá khẩn trương chuẩn bị dụng cụ để tiêm, ông Kim vẫy bà Thường lại gần nói:
- Tôi ở đây đã có các bác sĩ và y tá chăm sóc rồi. Chị đừng bảo cô Lê lên mà bỏ công việc ở cơ quan nhé.
Bà Thường gắt:
- Cô ấy lên thăm chú rồi về làm việc cũng không được nữa à?
- Cứ bảo tôi thấy dạ dày khó chịu vào viện để kiểm tra mấy hôm rồi về thế là được rồi. Còn việc này nữa. Chị gọi điện cho cô Chi…
Bà Thường ngắt lời:
- Không phải nói nữa. Tôi, chú Quốc, chú Dần và Ban thường vụ biết phải làm gì khi chú nằm viện. Không cô thì chợ vẫn đông.
- Nhưng mà…
- Chẳng nhưng gì hết. Ốm tha già thải. Chú mà nói thêm một câu nữa là tôi và chú Dần về tức khắc để xem còn ai đây mà nói.
Ông Kim hé cười rồi nằm im.
4
Sau một tuần điều trị, sắc thái ông Kim đã tươi tỉnh hẳn lên. Ngồi trên giường bệnh tựa lưng vào vách nứa, ông Kim nói với bà Thường và ông Quốc đang ngồi ở chiếc bàn nước kê giữa phòng:
- Cũng may là không phải mổ. Nằm không ở đây sốt ruột quá, xin tay Hoàng tuần này ra viện nhưng hắn không cho. Bảo phải nằm vài tuần nữa cho khỏi hẳn rồi ra.
- Việc cả năm cả đời, còn chán thời gian để chú cống hiến cho cách mạng. Chú yên tâm chữa cho khỏi hẳn rồi về. Chú về nhà rồi lao vào làm việc như trâu húc, đến khi bục cả dạ dày ra đấy thì hóa ra lợi bất cập hại.
- Nhưng sốt ruột quá chị ạ. Tình hình ở Vĩnh Hòa vẫn tiến triển tốt đẹp chứ chị?
- Chúng nó cũng đang lo sốt vó. Chỉ sợ quá đà rồi đâm ra làm sai.
Ông Quốc nói:
- Tôi nghĩ mấy tay lãnh đạo ở Vĩnh Hòa lo là đúng. Dân hiểu chưa hết ý nghĩa mấy chữ cải tiến lề lối sản xuất cứ tưởng huyện ủy, tỉnh ủy tháo khoán cho tự do bung ra rồi kéo nhau đi lệch hướng con đường tập thể hóa thì đúng là tai họa thật.
- Lo lắng nhưng không được dao động. Tư tưởng của cán bộ và quần chúng chuyển biến, đó chính là thời cơ. Làm cách mạng là phải biết nắm lấy thời cơ và hướng nó đi theo đúng với ý định của mình. Để mất thời cơ có khi dẫn đến mất tất cả. Không biết cô Lê đi đâu mà lâu thế nhỉ?
- Cô ấy bảo đi vào làng tìm nghệ cho chú. Chú cần gì không?
- Thấy vắng lâu thì hỏi thôi. Chị có cầm theo thuốc lào đi theo đó không? Thèm quá.
Bà Thường cười:
- Thì ra hỏi vợ đi đâu để hút vụng thuốc lào. Tôi có cầm thuốc và bật lửa đi theo nhưng tôi lại quên điếu cày ở nhà rồi.
- Không hề gì. Hôm qua tôi đi dạo thấy góc nhà đầu kia có một cây đu đủ. Ông Quốc ra bẻ cho tôi một cái cọng lá.
Bà Thường hỏi:
- Nhưng liệu bác sĩ có cho hút không?
- Người khỏe mạnh bác sĩ còn khuyên đừng hút thuốc huống gì người bệnh. Ông Quốc đi bẻ cọng đu đủ nhanh lên. Cô Lê mà về là coi như tôi tiếp tục treo niêu.
Ông Quốc cười rồi đứng lên ra khỏi buồng bệnh.
- Tôi nghĩ tay Quốc nói cũng có khía cạnh đúng đấy chị ạ. Dân đang khát khao có một sự thay đổi trong lề lối làm ăn của Hợp tác. Thấy thằng Hồng Vân làm mà tỉnh ủy, huyện ủy không có ý kiến gì, thế nào họ cũng tự phát bung ra. Nếu không hướng họ đi đúng quỹ đạo là hết sức nguy hiểm. Trong lúc tôi nằm ở đây, chị nhớ sắp xếp công việc để thường xuyên xuống Vĩnh Hòa cùng với tay Bằng, tay Mích chỉ đạo sát sao tình hình của các Hợp tác xã đang có xu hướng bung ra. Thấy lệch lạc chỗ nào là uốn nắn ngay, đừng để đi quá đà.
- Chú cứ lo chữa bệnh cho tốt. Chỗ nào tôi làm được, tôi làm. Chỗ nào còn phân vân tôi sẽ trao đổi với các đồng chí trong thường vụ trước khi làm. Không phải lăn tăn gì cả.
- Chị phải đề phòng tay Đình tìm cách xuyên tạc tình hình với mấy anh phái viên rồi đến tai Ban bí thư là rách việc lắm đấy.
- Không biết chú thế nào chứ tôi thấy thái độ của ông Ẩn gần đây tỏ ra thân thiện với chúng ta hơn.
- Tôi nghĩ anh ấy đã nhìn ra phần nào những lỗ hổng của cơ chế Hợp tác xã nhưng đang ở vị trí ủy viên dự khuyết Trung ương và phó Ban Nông nghiệp nên còn tỏ ra dè dặt.
Ông Quốc cầm cuộng đu đủ đi vào.
- Không gặp cô Lê nhà tớ chứ?
- Không thấy.
Bà Thường móc thuốc và bật lửa từ trong túi áo ra đưa cho ông Kim.
- Có hút thì hút nhanh lên kẻo cô ấy về bắt gặp bây giờ.
Ông Kim cho thuốc vào đầu ống đu đủ. Bà Thường khuyên:
- Lâu không hút nên hút từ từ thôi. Rít khỏe rồi lăn kềnh ra đó thì khốn.
Mặc dù bà Thường đã dặn nhưng lâu ngày thèm thuốc nên ông Kim rít một hơi dài, sau đó lảo đảo buông cả ống đu đủ xuống giường rồi đưa hai tay quờ quạng lấy ống đu đủ nhưng không sao lấy được.
Bà Thường hốt hoảng:
- Đã bảo rít vừa thôi. Trông đẹp mặt chưa.
Ông Kim đã thôi say nhưng giọng vẫn còn ngọng nghịu:
- Sướng như cha chết sống lại.
Nói xong ông nhét gói thuốc, bật lửa và ống đu đủ xuống dưới gối. Bất thần bà Lê trở về. Bà nhìn quanh quất rồi hỏi:
- Chị Thường vừa hút thuốc lào đấy à?
- Có ai hút đâu.
Bà Lê nhìn lướt qua ông Kim rồi kêu lên:
- Thôi chết rồi! Chị cho nhà em hút thuốc lào có phải không. Nhìn con mắt lờ đờ kia là em biết ngay mà.
Bà Thường cười xuề xoà:
- Chú ấy thèm quá nên tôi cho chú ấy hút một điếu.
Tưởng bà Lê sẽ làm toáng lên nhưng bà chỉ nhìn ông Kim cười hỏi:
- Đã thèm rồi phải không?
- Hút được điếu thuốc tự nhiên người khoẻ hẳn ra. Giá như hôm nào cũng được vài điếu thì chẳng mấy chốc mà ra viện.
- Ra viện hay ra nghĩa địa. Đừng hòng em cho hút nhé.
- Nói thế thôi chứ làm gì có điếu cày và thuốc để hút.
Bà Thường và ông Quốc nhìn nhau tủm tỉm cười.
Chi xuất hiện đột ngột khiến mọi người ngạc nhiên.
- Cô đi bằng gì lên đây thế? – Bà Thường hỏi.
Chi lấy chiếc khăn mặt để trong cái túi vải ra lau mồ hôi đang đầm đìa trên mặt trả lời:
- Em đi xe đạp.
Ông Kim hỏi:
- Đi từ lúc nào mà giờ đã đến?
- Em đi từ Đạo Thắng lúc bốn giờ sáng.
- Bốn giờ sáng mà giờ đã đến được đây rồi. Đi kiểu gì mà giỏi thế?
- Em đi đường tắt qua huyện Linh Sơn nên gần được hơn mười lăm cây số. Tình hình bệnh tật của bí thư đến đâu rồi?
- Bí thư huyện ủy hỏi thì bí thư tỉnh ủy xin đáp là khỏi rồi. Tuần đến chắc ra viện thôi. Tình hình ở Gia Đạo thế nào?
Bà Lê tỏ vẻ không vừa ý:
- Lại công việc. Cô ấy đang mệt lả người ra không hỏi thăm lấy một câu mà Gia Đạo với lại Gia Tặc. Cô Chi đừng trả lời để xem anh ấy còn hỏi gì nữa không.
Ông Kim xoa xoa hai bàn tay vào nhau rồi nói như học sinh đọc bài:
- Cô Chi ơi, cô có khỏe không. Chồng và các con cô đều khỏe cả chứ. Mấy con gà cô nuôi trong chuồng lớn đến đâu rồi? Gà trống đã gáy được chưa. Gà mái chửa đẻ thế nào. Khi đẻ nó có tục tác hay không. Cô đã được phân phối lốp xe đạp hay chưa. Đi đường cô có bị ngã lần nào không. Cô trả lời cho tôi đi để cái bà La Sát nhà tôi khỏi bảo tôi là không biết điều.
Mọi người không sao nhịn được cười. Bà Lê lườm chồng:
- Chỉ được cái chống chế là không ai bằng.
Chi quay qua hỏi bà Thường:
- Chị và anh Quốc lên lâu chưa?
Bà Thường đáp:
- Gần một tiếng rồi. Chú Côn lên Linh Sơn, còn một mình cô chỉ đạo Đạo Thắng chắc vất vả lắm phải không?
- Cũng nhờ anh Thanh giúp em làm hết công việc ở huyện ủy nên em cũng không phải vất vả mấy.
- Tình hình Đạo Thắng thế nào? - Ông Kim hỏi.
- Đất Hợp tác đã cày gần xong rồi nhưng còn lúng túng ở chỗ là chia đất cho hộ làm hay chia cho nhóm lao động.
Ông Kim ngồi ngẫm nghĩ một lát rồi nói:
- Giao đất cho hộ có lợi hơn nhiều. Tổng sản lượng thu được chắc chắn nhiều hơn giao khoán cho nhóm lao động. Bản thân các hộ neo đơn cũng thu được sản phẩm nhiều hơn.
Chi thắc mắc:
- Đã gọi là hộ neo đơn làm gì có lao động để làm ra sản phẩm nhiều hơn do nhóm lao động chia cho họ?
Ông Kim giải thích:
- Khâu nặng nhất là làm đất và đặt giống. Vận động các gia đình có lao động giúp cho các hộ neo đơn làm hai khâu này. Cũng có thể Ban quản trị đứng ra phân công cho xã viên luân phiên giúp đỡ các hộ neo đơn làm đất và đặt giống. Còn chăm sóc và thu hoạch thì các gia đình tự làm lấy. Neo đơn kiểu gì đi nữa thì vẫn làm cỏ và bón phân cho mấy luống khoai tây của mình. Tớ chỉ gợi ý thế thôi. Còn làm kiểu nào có lợi hơn thì cứ hỏi dân, người ta sẽ chỉ bảo cho.
Chi hỏi ông Quốc:
- Khoai giống Ty Nông nghiệp đã lo cho chúng em đến đâu rồi chủ tịch?
- Ty Nông Nghiệp đang cho người đi liên hệ các địa phương có giống khoai tây để mua, chưa biết kết quả thế nào. Nếu thiếu giống thì cho trồng ngô và khoai lang. Lần đầu tiên làm vụ xen canh mà để thất bại, sau này có vận động đến méo mồm cũng chẳng ai thèm làm đâu.
- Giống ngô tìm cũng không dễ đâu anh ạ - Chi bảo.
Bà Thường nói với Chi:
- Hợp tác xã Hồng Vân ở Vĩnh Hòa đã trồng mấy vụ ngô xen canh rồi chắc giống chẳng thiếu. Để tôi liên hệ bảo họ cung cấp giống cho.
Chi mừng rỡ:
- Được thế thì may cho chúng em quá. Còn việc này tiện đây em cũng muốn báo cáo với bí thư.
- Lúc thì anh, lúc thì bí thư, tôi chẳng biết mình là ai nữa - Ông Kim vui vẻ nói đùa - Có chuyện gì thế?
- Em đang bàn với lãnh đạo Đạo Thắng nên bầu lại Ban quản trị Hợp tác xã Gia Đạo chứ Ban quản trị hiện nay bê bết quá.
- Ông Côn cũng đã nói ý định này với tôi. Ý kiến mấy tay lãnh đạo xã Đạo Thắng thế nào?
- Đồng chí Noãn và hai ủy viên thường vụ là đồng chí Hãn và đồng chí Khoa không tán thành. Còn lại đều muốn thay.
- Cô về nói thẳng với mấy tay lãnh đạo ở Đạo Thắng là tôi ủng hộ việc để cho dân bầu lại Ban quản trị Hợp tác xã Gia Đạo.
Nghe ông Kim nói vậy bà Thường khuyên:
- Theo tôi, việc này để cho huyện ủy Tam Bình quyết định thì hay hơn. Chú nói vậy cấp dưới sẽ nghĩ chú dùng quyền lực để ép cấp dưới làm theo ý mình, chẳng có lợi cho chú đâu.
Chi ủng hộ bà Thường:
- Chị Thường nói phải đấy anh ạ. Thường vụ chúng em sẽ bàn và có quyết định bằng văn bản việc này.
Viện trưởng Hoàng bước vào. Nhìn thấy bà Thường và ông Quốc, Hoàng niềm nở:
- Chào chị Thường, chào anh Quốc. Nhìn thấy xe của anh chị đến đã lâu nhưng có ca cấp cứu nên chưa qua chào được. Còn chị này là ai mà tôi chưa gặp bao giờ nhỉ?
Bà Thường giới thiệu:
- Đây là cô Chi, bí thư huyện ủy Tam Bình. Cô ấy đạp xe đạp từ dưới ấy lên đây để thăm chú Kim đấy.
Hoàng tán:
- Dân Tam Bình thật hạnh phúc khi có một bí thư huyện ủy vừa trẻ vừa đẹp.
Chi cười:
- Anh cũng biết tán đấy nhỉ.
Hoàng quay sang hỏi ông Kim:
- Bí thư hôm nay thấy trong người thế nào?
- Tôi thấy khỏe lắm rồi. Viện trưởng xem cho tôi xuất viện được chưa, tiện thể có xe đây tôi về luôn?
- Anh chỉ mới ổn định thôi chứ chưa khỏi đâu. Điều trị tích cực cũng phải vài tuần nữa may ra mới xuất viện được.