Số lần đọc/download: 2794 / 97
Cập nhật: 2015-08-28 02:06:50 +0700
Chương 18: Nhìn Cảnh Trâu Cày Mắt Rưng Lệ
T
háng tám 1947, nghĩa là vài tháng sau khi yết kiến Đức Thánh Cha, tôi cùng 15 cha Việt Nam khác lên tàu Felix Roussel về nước. Tàu lênh đênh 21 ngày trên biển cả. Mỗi ngày qua đi, tôi lại thấy lòng thương nhớ nước Việt Nam lớn thêm, những bồn chồn mong đợi và lo sợ cũng tới theo. Những gì sẽ chờ đợi chúng tôi, chờ đợi nước Việt Nam chúng tôi trong những ngày tới? Khi tàu ghé qua một vài bến ở Phi Châu, tôi và vài cha có lên thăm các thành phố xứ người cho khuây khoả. Hình ảnh nước Pháp hùng mạnh càng hiện rõ hơn, nhưng bóng dáng những nứt rạn, những lúng túng của nước Pháp, của đế quốc Pháp cũng đã bắt đầu nổi lên tại các xứ thuộc địa Pháp này rồi. Tôi tin tưởng gần như chắc chắn là nước Pháp sẽ phải thanh toán các thuộc địa của họ. Điều đáng lo sợ là cái cách thanh toán đó, có bao nhiêu dân tộc nhỏ bé bị nghiền nát, bị hy sinh?
Tàu đến Cap St Jacques dừng lại một đêm ngoài cửa sông chờ người cầm lái. Sáng hôm sau, tàu ngược dòng sông lên Sài Gòn.
Chúng tôi đứng trên boong tàu nhìn vào hai bên bờ sông từ khi tàu vào sông cho đến lúc tàu cập bến, những đám ruộng lúa bắt đầu hiện ra. Vài con trâu đủng đỉnh gặm cỏ trên bờ ruộng. Tự dưng mắt tôi ươn ướt, và tôi đã khóc thầm lặng không biết từ lúc nào. Nhìn sang các cha bên cạnh, một vài người Việt Nam bên cạnh, cũng đang rưng rưng nước mắt. Nhưng không phải là nước mắt đau thương mà là nước mắt sung sướng vinh dự được trở về quê hương mình sau 8 năm cách biệt. Mặc dầu báo chí đã cho tôi thấy những cảnh chiến tranh tàn bạo nhưng lúc tàu ngược dòng tôi chỉ thấy cảnh thanh bình, yên ổn hết sức. Những luỹ tre, những rặng dừa, những thửa ruộng, những đàn trâu bò, những đứa bé chăn trâu, vài đoàn người đi trên bờ ruộng. Tất cả đều có vẻ thanh bình kỳ lạ.
Chúng tôi được một đại diện Đại Chủng Viện Sài Gòn ra bến Nhà Rồng đón tiếp, và chúng tôi về ngay Đại Chủng Viện ở đường Cường Để bây giờ. Các cha khác, tuỳ gốc địa phận, chờ tàu trở lại địa phận của họ. Riêng tôi thì chờ tàu ra Hải Phòng để tìm cách về địa phận Vinh.
Khoảng vài tuần sau, tôi mua được vé tàu thuỷ ra Hải Phòng. Cảnh vịnh Hạ Long hùng tráng, sừng sững nổi lên trên mặt nước, với vài chiếc thuyền buồm, vài chiến hạm Pháp, tuy đồ sộ mà so với cảnh thì thật là bé nhỏ vô nghĩa, càng làm tôi yêu mến đất nước mình hơn.
Lúc tàu cập bến Hải Phòng, cảnh chiến tranh bắt đầu hiện ra trước mắt. Những dấu vết của vụ bắn phá Hài Phòng cuối năm 1946 vẫn còn nguyên vẹn.
Dân Việt Nam ngoài bến tàu ra thì rất thưa thớt. Chỉ có những khu phố của người Tàu và người Pháp là còn có vẻ đông đúc, thịnh vượng. Vừa bước lên bến tàu tôi đã biết ngay thế nào là nỗi nhục của một người dân nước nhỏ bị trị. Đáng buồn nhất, là chính một người Việt Nam nhắc nhở cho tôi cái nhục này.
Tôi đến phòng nhà đoan để khai giấy tờ. Trên phiếu khai bằng tiếng Pháp, nơi dòng ghi quốc tịch, tôi viết thật đậm nét hai tiếng: Việt Nam.
Người thư ký nhà đoan gạch hai chữ đỏ, nhìn tôi trâng tráo hỏi:
- Cha người Cochinchinois, Annamites hay Tonkinois? Tôi trừng mắt nhìn người thư ký nhà đoan, gắt giọng:
- Tôi người Việt Nam.
Người thư ký nhà đoan cau mày, mấp máy như sắp gắt gỏng với tôi, rồi chẳng hiểu sao lại mỉm cười, giải thích dài dòng:
- Xin lỗi cha, lệnh quan trên bây giờ bắt buộc mọi người lên bến phải khai rõ là người Cochinchinois, Annamite du Centre, hay Tonkinois. Cha hiểu cho, đó chỉ là bệnh quan trên, chúng tôi có muốn bắt ép ai làm gì đâu.
Tôi chán ngán đau đớn:
- Quê tôi ở Hà Tĩnh, thầy ghi sao đó cũng được. Người thư ký nhà đoan viết nắn nót: Annamite du Centre. Tôi chua xót vì hiểu ra âm mưu định gây chia rẽ Nam Bắc trở lại của người Pháp. Mình không được quyền làm người Việt Nam nữa. Mình phải bị bắt buộc làm người Trung kỳ, Bắc lỳ. Người Pháp muốn có 3 nước Nam kỳ, Trung kỳ, Bắc kỳ!
Tôi lên ngay Hà Nội.
Đường xe lửa đã được tái lập ngay sau khi Pháp tái chiếm Hà Nội. Xe chạy thật chậm chạp, có lẽ chỉ khoảng năm chục cây số 1 giờ hay kém hơn. Từ cửa sổ toa xe lửa nhìn ra ngoài, những làng mạc hoang tàn, những khu nhà bị đốt cháy còn trơ nền, những nhà gạch đổ nát cho tôi biết chiến tranh đã là một sự thật mà từ đây tôi phải làm quen, phải hoà mình vào. Tôi đến ở tại nhà Chung Hà Hội, nơi tôi đã từng sống ít lâu trước khi đi Pháp. Tôi bắt đầu làm quen lại với văn chương Việt Nam. Tôi đọc hầu hết những sách của Tự lực Văn đoàn. Khi hay tin tôi về nước, một số người Việt ở Pháp và những người biết tiếng tôi đôi chút lần lượt đến thăm, thỉnh thoảng mời tôi đến nhà họ chơi.
Tôi nhớ hình như người đầu tiên mà tôi gặp là Hoàng Bá Vinh còn được người công giáo trong địa phận Vinh gọi là ông già Vinh. Tôi xin đóng một dấu ngoặc ở đây: ông già Vinh được gọi như thế không phải vì ông nhiều tuổi, mà vì ông từng học ở địa chủng viện ra và gần thụ phong linh mục, thì vì một lý do nào đó bỏ dở con đường tu hành.
Đối với những người đó, người công giáo địa phận Vinh gọi là "ông già" để tỏ ý kính trọng một chút.
Hoàng Bá Vinh lúc bấy giờ cầm đầu một nhóm thanh niên trẻ, hăng say lý tường, phần lớn người công giáo đầy lòng yêu nước, tuy không theo Việt Minh, nhưng nhất quyết không hợp tác với Pháp, đang hoạt động cho một giải pháp quốc gia thuần tuý.
Lãnh tụ được tôn thờ nhất là ông Ngô Đình Diệm. Trong này có anh Nguyễn Văn Châu, người Quảng Bình, về sau làm Trung tá Giám đốc Nha Chiến tranh Tâm lý, một thời được ông Diệm tin cậy. Ngoài ra, nếu tôi nhớ không lầm thì có một anh chàng cao lớn, hơi gầy, đen, liều lĩnh, thật thà, là anh Hoàng Bá Linh.
Không rõ lúc đó anh đã đi học trường Hạ Sĩ Quan Pháp hay chưa, hình như là chưa thì phải.
Hoàng Bá Vinh gặp tôi rất thường, và những lúc đó tôi với anh ta bàn về tình hình đất nước, nói đến những niềm hy vọng của mọi người Việt Nam, của những người công giáo yêu nước.