Số lần đọc/download: 389 / 41
Cập nhật: 2019-11-10 14:20:04 +0700
Chương 18 - Những Vấn Đề Nghiêm Trọng
T
rong khi đó đầu đạn đã vượt quá vòng đai của Tycho. Barbicane và hai người bạn quan sát rất chăm chú những vệt sáng mà ngọn núi nổi lên trải dài tứ phía một cách lạ lùng.
Hào quang toả sáng này là cái gì? Hiện tượng địa chất nào đã vẽ nên mái tóc rực lửa này? Barbicane lại có lý do để bận tâm về vấn đề này.
Quả thật trước mắt ông là những vệt sáng có bờ cao và lõm ở giữa trải dài ra mọi phía, có những cái rộng hai mươi kilômét, có những cái rộng năm mươi kilômét. Những vệt sáng rực này ở một vài nơi cách xa Tycho đến ba trăm dặm, trông như chúng bao trùm cả phần nửa Nam bán cầu, nhất là về hướng Đông, Đông bắc và hướng Bắc. Một trong những vệt này chạy mãi đến đai vòng Néandre nằm ở vĩ tuyến bốn mươi. Một vệt khác chạy bao vòng Biển Mật Hoa, và dừng lại ở dãy Pyrénées, sau một lộ trình dài bốn trăm dặm. Những vệt khác, về hướng Tây, bao bọc Biển Mây và Biển Bực Bội.
Do đâu có những tia sáng chạy trên đồng bằng cũng như trên chỗ gồ ghề, dù chúng cao đến mấy? Tất cả cùng xuất phát từ một trung tâm chung là miệng núi lửa Tycho. Chúng từ đó mà đi. Herschel cho rằng chúng sáng là do những dòng dung nham đông đặc lại, ý kiến này không được chấp nhận. Những nhà thiên văn khác cho rằng những vệt sáng không giải thích được này là những loại băng tích, những dãy tảng băng trôi giạt được phun ra từ lúc hình thành Tycho.
- Tại sao lại không phải thế? – Nicholl hỏi ông Barbicane, là người nêu lên những ý kiến khác này rồi lại phủ nhận chúng.
- Bởi vì sự đều đặn của những vệt sáng này, và sức mạnh cần thiết để đẩy những chất dung nham đi xa như thế không thể giải thích được.
- Có gì đâu! – Michel Ardan đáp – Tôi thấy rất dễ giải thích nguồn gốc của những tia sáng ấy.
- Thật thế à? – Barbicane nói.
- Thật – Michel nói – Chỉ cần cho đó là một vệt rạn lớn hình sao, cũng giống như một vệt rạn do một viên đạn hoặc một viên đá đụng phải một ô kính vậy!
- Được! – Barbicane mỉm cười vặn lại – Thế bàn tay nào mạnh đến nỗi ném được một viên đá tạo nên được sự va chạm như thế?
- Không cần đến bàn tay – Michel đáp không hề bối rối – còn viên đá, chúng ta hãy cho rằng đó là một ngôi sao chổi.
- Ái chà! Sao chổi! – Barbicane kêu lên – Người ta lạm dụng sao chổi! Anh bạn Michel à, lối giải thích của anh không đến nỗi tồi, nhưng không cần đến sao chổi của anh. Sự va chạm tạo nên việc nứt rạn này có thể đến từ bên trong của thiên thể. Một sự co rút mạnh của vỏ Mặt Trăng do việc lạnh đi cũng đủ để tạo nên vết rạn khổng lồ hình sao như thế.
- Một sự co rút, giống như một cơn tiêu chảy của nguyệt cầu – Michel Ardan đáp.
- Vả lại – Barbicane nói thêm – đây là ý kiến của một nhà bác học người Anh tên Nasmyth, đối với tôi như thế cũng đủ giải thích những dãy núi hình quạt.
- Ông Nasmyth không đến nỗi dốt! – Michel tiếp.
Các nhà du hành đứng ngắm vẻ lộng lẫy của Tycho rất lâu, một cảnh tượng như thế không thể nào chán được. Đầu đạn của họ tắm trong ánh nắng do sự phát xạ của Mặt Trời và của Mặt Trăng hiện ra như một quả cầu nóng sáng. Họ đột ngột chuyển từ một cái lạnh kinh khủng sang một cái nóng dữ dằn. Thiên nhiên sửa soạn cho họ như vậy để họ trở thành người nguyệt cầu.
Trở thành người nguyệt cầu! Ý nghĩ này một lần nữa lại dẫn đến vấn đề có thể ở được trên Mặt Trăng không. Sau khi mục kích nhiều sự kiện như vậy, các nhà du hành có thể giải đáp được vấn đề trên không? Họ sẽ ủng hộ hay chống giả thuyết đó? Michel Ardan khuyến khích hai người bạn của anh đưa ra ý kiến, và anh thận trọng hỏi họ xem liệu họ có nghĩ rằng giới động vật và con người có thể có mặt trên nguyệt cầu không.
- Tôi tin rằng chúng ta có thể giải đáp được – Barbicane nói – nhưng theo tôi, vấn đề không nên đặt dưới hình thức này. Tôi xin đặt vấn đề một cách khác.
- Ông cứ đặt đi – Michel đáp.
- Đây – Barbicane lại nói – đây là một vấn đề kép đòi hỏi một giải pháp đôi. Mặt Trăng có ở được không? Mặt Trăng đã được ở không?
- Tốt! – Nicholl đáp – Trước tiên chúng ta hãy thử xem Mặt Trăng có thể ở được không.
- Nói thật ra, tôi không biết gì hết về vấn đề này – Michel nói.
- Về phần tôi, tôi không tin có thể ở được trên Mặt Trăng – Barbicane nói – Trong tình trạng như hiện nay, với một lớp khí quyển chắc chắn rất mỏng, phần lớn biển ở đó đã khô rốc, sông ngòi hạn chế, thực vật khan hiếm, sự biến đổi đột ngột giữa nóng và lạnh, có những đêm dài ba trăm năm mươi bốn giờ, theo tôi thì không thể ở được trên Mặt Trăng, và trông nó không thích hợp cho việc phát triển giới động vật, không có đủ những điều kiện cần thiết của sự sống, đó là điều dễ hiểu.
- Đồng ý – Nicholl đáp – Nhưng đối với những sinh vật có thể khác với chúng ta cũng không thể tồn tại được trên Mặt Trăng à?
- Vấn đề này – Barbicane đáp – lại càng khó trả lời hơn. Nhưng tôi cứ thử trả lời xem sao. Tôi hỏi anh, anh Nicholl này, có phải cử động là kết quả cần thiết của sự sống không, dù cơ thể có như thế nào đi nữa?
- Dĩ nhiên – Nicholl đáp.
- Thế thì, anh bạn ạ, tôi sẽ trả lời cho anh hay rằng chúng ta đã quan sát những lục địa của nguyệt cầu ở một khoảng cách xa hơn năm trăm mét, thế mà hình như không thấy một thứ gì động đậy ở bề mặt của nguyệt cầu cả. Sự hiện diện của một giống người nào đó thường được để lộ bằng những vật sở hữu, những công trình xây dựng, những vết tích. Thế mà chúng ta đã thấy gì? Khắp nơi và lúc nào cũng chỉ thấy sự kiến tạo địa chất của thiên nhiên, không bao giờ thấy sản phẩm của con người. Vậy nếu có những giống tiêu biểu của giới động vật trên Mặt Trăng chắc chúng bị vùi trong những chỗ sâu không thăm dò được, không nhìn thấy tới được. Tôi không thể chấp nhận chuyện đó, bởi vì chúng phải để lại dấu vết đi lại trên những đồng bằng có lớp khí quyển chứ, dù lớp khí quyển này mỏng đi nữa. Thế mà những dấu vết này không thấy đâu cả. Vậy chỉ còn giả thuyết duy nhất về một giống sinh vật không hề biết đến sự cử động, dù sự cử động chính là sự sống!
- Chẳng khác nào nói đến những sinh vật không sống được – Michel nói.
- Đúng thế – Barbicane đáp – điều đó đối với chúng ta không có nghĩa gì cả.
- Vậy thì bây giờ chúng ta có thể trình bày ý kiến của chúng ta – Michel nói.
- Phải – Nicholl đáp.
- Hội đồng khoa học họp ở trong đầu đạn của Câu lạc bộ Đại Pháo – Michel Ardan nói tiếp – sau khi đã tham khảo những chứng liệu vừa mới quan sát thấy, nhất trí phán quyết về vấn đề hiện nay có thể ở được trên Mặt Trăng hay không là: Không ở được. Mặt Trăng không thể nào ở được.
Quyết định này do ông chủ tịch Barbicane ký trên cuốn sổ ghi chép của ông, ở đó có ghi lại biên bản buổi họp ngày 6 tháng 12.
- Bây giờ – Nicholl nói – chúng ta hãy giải quyết vấn đề thứ hai, một vấn đề đặc biệt quan hệ đến vấn đề thứ nhất. Tôi xin hỏi Hội đồng: Nếu Mặt Trăng bây giờ không thể ở được, vậy trước đó có thể ở được không?
- Công dân Barbicane phát biểu ý kiến – Michel Ardan nói.
- Các bạn ạ – Barbicane đáp – tôi không chờ đến chuyến du hành này mới đưa ra ý kiến của mình về vấn đề trước đây vệ tinh của chúng ta có ở được hay không. Tôi chỉ muốn nói thêm rằng những quan sát riêng của chúng ta chỉ có tác dụng củng cố ý kiến của tôi. Tôi quả quyết rằng đã có một giống người có thể giống chúng ta ở được trên Mặt Trăng, rằng Mặt Trăng đã sản sinh những động vật về cơ thể giống cơ thể của những động vật Trái Đất, nhưng tôi nói thêm rằng những giống người hoặc giống động vật này đã sống xong thời đại của mình và những giống ấy đã tuyệt nòi hẳn rồi!
- Thế thì, – Michel hỏi – Mặt Trăng là một thế giới có trước Trái Đất à?
- Không – Barbicane đáp một cách quả quyết – nhưng là một thế giới mau già hơn vì sự hình thành và sự biến dạng của Mặt Trăng nhanh hơn. Những lực hợp thành của vật chất trong lòng nguyệt cầu mạnh hơn trong lòng địa cầu. Tình trạng hiện nay của Mặt Trăng nứt nẻ, gồ ghề, lồi lõm, chứng minh rõ điều đó. Mặt Trăng và Trái Đất nguyên thuỷ chỉ là những khối khí hơi. Nhưng khí hơi này chuyển sang trạng thái lỏng do nhiều tác dụng khác nhau, và sau đó khối chất rắn hình thành. Nhưng chắc chắn là khi địa cầu của chúng ta còn ở thể khí hoặc thể lỏng thì nguyệt cầu đã nguội dần và đông đặc lại rồi, và lúc bấy giờ nó đã có thể ở được.
- Tôi cũng tin là như thế – Nicholl nói.
- Vậy – Barbicane lại nói – lúc ấy có một lớp khí quyển bao quanh nó. Nước nằm bên trong cái lớp khí ấy không thể bốc hơi được. Dưới tác dụng của không khí, của nước, của ánh sáng, của sức nóng từ bên trong, thực vật lan tràn những vùng đất liền đã được chuẩn bị để đón nhận nó, và chắc chắn sự sống đã phát triển trong thời kỳ này, vì thiên nhiên không hề phí công vào những chuyện vô ích. Và một thế giới tuyệt vời như thế phải được ở.
- Nhưng – Nicholl đáp lại – nhiều hiện tượng có liên hệ với những chuyển động của vệ tinh chúng ta, cản trở sự phát triển của thế giới thực vật và giới động vật. Bóng đêm kéo dài đến ba trăm năm mươi bốn giờ chẳng hạn.
- Ở những vùng cực của địa cầu – Michel nói – bóng đêm kéo dài đến sáu tháng đã sao!
- Chứng cớ không có giá trị lắm, vì những vùng cực không ở được.
- Các bạn nên lưu ý rằng – Barbicane lại nói – nếu hiện nay sự kiện bóng đêm ở Mặt Trăng dài lê thê như thế, tạo ra những khác biệt về nhiệt độ mà cơ thể không thể nào chịu nổi thì vào thời kỳ đó đã không có như vậy. Bầu khí quyển lúc ấy bao quanh Mặt Trăng bằng một lớp chất lưu. Hơi nước đông lại ở đó dưới hình thức những đám mây. Bức màn chắn thiên nhiên này điều hoà được sức nóng của những tia sáng Mặt Trời và giữ sự phát xạ biển đem lại. Ánh sáng cũng như sức nóng có thể toả vào không khí. Do đó có một sự cân bằng giữa những ảnh hưởng này, sự cân bằng này hiện nay không còn nữa và lớp khí quyển gần như là biến mất. Nhưng tôi sẽ làm các bạn ngạc nhiên…
- Cứ làm chúng tôi ngạc nhiên đi – Michel Ardan nói.
- Nhưng tôi tin chắc rằng vào thời kỳ Mặt Trăng có thể ở được này, đêm không kéo dài đến ba trăm năm mươi bốn giờ đâu!
- Tại sao thế? – Nicholl nhanh nhảu hỏi.
- Bởi vì, chắc chắn vào lúc đó sự quay quanh trục của Mặt Trăng không bằng với sự vận chuyển quanh Trái Đất, điều đó cho phép mỗi điểm trên nguyệt cầu chịu tác dụng của tia sáng Mặt Trời trong mười lăm ngày như hiện nay.
- Đồng ý – Nicholl đáp – nhưng tại sao hai chuyển động này lúc ấy lại không bằng nhau, trong khi hiện tại chúng bằng nhau?
- Bởi vì vận tốc chuyển động này được quyết định bởi lực hút của địa cầu. Thế mà, ai bảo với chúng ta rằng lực hút này lúc đó đủ sức để sửa đổi những chuyển động của Mặt Trăng vào thời kỳ mà Trái Đất chỉ là một khối chất lỏng?
- Về việc ấy – Nicholl vặn lại – ai bảo với chúng ta rằng Mặt Trăng lúc nào cũng là vệ tinh của Trái Đất?
- Và ai dám cam đoan với chúng ta rằng Mặt Trăng đã không có trước Trái Đất rất lâu? – Michel Ardan lên tiếng.
Trí tưởng tượng đã đưa họ đến vô số giả thuyết. Barbicane muốn dừng họ lại.
- Đó là những lập luận trừu tượng về những vấn đề không thể nào giải đáp được, chúng ta đừng dấn mình vào đó. Chúng ta chỉ nên chấp nhận rằng lực hút ban đầu không đủ mạnh, và vì hai sự vận chuyển của Mặt Trăng quay quanh trục của nó và quay quanh Trái Đất không bằng nhau nên ngày và đêm có thể đã kế tiếp nhau trên Mặt Trăng cũng như trên Trái Đất. Vả lại, dù không có những điều kiện này đi nữa, vẫn có thể có sự sống.
- Vậy – Michel Ardan hỏi – người nguyệt cầu đã biến mất khỏi Mặt Trăng?
- Đúng – Barbicane trả lời – [29] dĩ nhiên là sau khi đã sống hàng ngàn thế kỷ. Rồi bầu khí quyển loãng dần đi. Mặt Trăng trở thành không thể nào ở được, vì sự nguội dần này, cũng như… rồi một ngày nào đó địa cầu cũng sẽ như vậy.
[29] Phần do người hiệu đính dịch bổ sung (Caruri).
- Nguội dần à?
- Dĩ nhiên – Barbicane đáp – Khi lửa bên trong đã tắt thì chất nóng chảy tụ lại, vỏ nguyệt cầu nguội đi. Dần dần những hậu quả của hiện tượng này xảy ra: giới động thực vật biến mất. Ngay sau đó khí quyển ít hẳn đi vì bị chắt lọc bởi lực hút Trái Đất: không khí có thể thở được biến mất, nước tạo ra do sự bốc hơi biến mất. Lúc ấy Mặt Trăng trở thành không thể ở được, không ai ở nữa. Đó là một thế giới chết như chúng ta thấy hôm nay.
- Và anh bảo rằng một số phận tương tự sẽ được dành cho Trái Đất.
- Chắc chắn thế.
- Nhưng khi nào?
- Khi vỏ Trái Đất nguội hẳn đi và việc này biến nó thành không thể ở được.
- Người ta có thể tính được khoảng thời gian bao lâu nữa địa cầu bất hạnh của chúng ta sẽ nguội hẳn không?
- Có chứ.
- Thế, anh có biết được những con tính này không?
- Biết rất rõ.
- Vậy thì nói đi, nhà bác học khó tính – Michel Ardan kêu lên – vì anh làm tôi sốt ruột quá!
- Này, anh bạn Michel ạ – Barbicane bình tĩnh trả lời – người ta biết được nhiệt độ Trái Đất sẽ giảm bao nhiêu trong khoảng thời gian một thế kỷ, nên sau khi tính toán, người ta biết được rằng nhiệt độ trung bình sẽ là 0° sau một thời gian là bốn trăm ngàn năm!
- Bốn trăm ngàn năm! – Michel reo lên – Chà! Tôi thở phào nhẹ nhõm. Quả thật, tôi đã sợ thật! Nghe ông nói tôi cứ nghĩ rằng chúng ta chỉ còn sống năm mươi ngàn năm nữa thôi chứ!
Barbicane và Nicholl không thể nhịn cười về những lo lắng của người đồng hành của họ. Rồi để kết luận, Nicholl đặt lại vấn đề thứ hai vừa được bàn cãi.
- Có phải Mặt Trăng đã được ở không?
Mọi người nhất trí quả quyết là có.
Trong khi cuộc bàn cãi gồm toàn những lý thuyết không lấy gì làm chắc chắn lắm, dù cuộc bàn cãi đã tóm tắt được những ý kiến chính của khoa học về vấn đề trên, đầu đạn bay nhanh qua vùng xích đạo nguyệt cầu, đồng thời xa dần nó. Đầu đạn đã vượt quá đai vòng Willem và vĩ độ bốn mươi với một khoảng cách tám trăm kilômét. Rồi rời bỏ Piratus ở bên phải trên vĩ độ ba mươi, nó bay về hướng Nam của Biển Mây, hướng Bắc của biển này nó đã bay đến gần trước đây rồi. Nhiều đai vòng khác hiện ra lộn xộn dưới ánh trăng tròn rực rỡ như Bouillaud, Purbach, hình dáng gần như vuông với một miệng núi lửa ở trung tâm, rồi Arzachel với ngọn núi ở giữa sáng chói không thể tả nổi.
Sau cùng, đầu đạn xa dần, những đường nét mờ đi trước mắt các nhà du hành, những ngọn núi mất dần ở đàng xa, và phút chốc chỉ còn lại trong trí óc họ kỷ niệm không bao giờ quên về một quang cảnh huy hoàng và xa lạ của vệ tinh Trái Đất.