Số lần đọc/download: 201 / 19
Cập nhật: 2020-07-08 19:36:02 +0700
Chương 18
C
HIỀU THỨ NĂM, tôi thức dậy thấy trời đang mưa tầm tã. Có lẽ đây là lúc thích hợp tỉ mẩn xem lại cái hộp “lưu trữ thời gian” tôi đã mang về từ hôm đám cưới mẹ. Vứt bớt những thứ không cần thiết luôn khiến tôi thấy dễ chịu, gần như cảm giác sạch sẽ và khỏe khoắn. Ấy vậy mà tôi vẫn ngồi lỳ ở bàn sau khi đã ăn hết trứng tráng phô mai, quấy kem trong tách cà phê cho đến khi nguội ngắt, và tự hỏi không biết ở San Juans trời có đang mưa hay không.
Một lần Mac đã nói với tôi rằng thực ra chỗ đó không nhiều mưa bằng Seattle, vì nằm phía sườn khuất mưa của dãy Olympics. Anh đã giải thích điều đó nghĩa là gì, nhưng giờ tôi chẳng nhớ nổi. Thỉnh thoảng tôi vẫn nghĩ mình luôn tập trung, nhưng không vào đúng thứ cần chú ý. Có điều gì đó ở Mac - chút căng thẳng dồn nén, một góc khuất trong tầm quan sát vốn không toàn diện của tôi. Tôi có thể cắt nghĩa thế nào khác nữa đây? Cái cảm giác tù túng mơ hồ khi tôi thức dậy vào buổi chiều. Cái bức bối khó chịu về những cơ hội bị bỏ lỡ.
Được rồi, có lẽ tôi đã nghĩ nhiều quá hóa quẩn, nhưng tất cả không chỉ có như vậy. Để xem nào, anh là thợ pha chế rượu, ơn Chúa. Một anh chàng bỏ dở đại học và có giới hạn chịu đựng sự nhàm chán ở mức thấp. Tôi hầu như không biết gì riêng tư về anh, trừ việc anh thích âm nhạc và leo núi. Và nàng Laura, cô bạn gái cũ vẫn không ngừng vỗ đôi cánh ma lởn vởn quanh anh. Thêm một mối quan hệ chẳng đi đến đâu, tôi không cần như vậy. Đã bập vào Gary rồi cơ mà. Và tôi thậm chí còn chưa hoàn thành thủ tục li hôn. Mọi chuyện diễn ra quá nhanh. John Lennon đã nói gì nhỉ? Đời sống là những gì diễn ra quanh ta trong khi ta mải mê cố lập các kế hoạch.
Tôi đứng dậy, rót cạn cà phê trong bình và thả đĩa bẩn vào bồn nước xà phòng. Phải dọn qua sàn nhà để có đủ chỗ cho tôi và cái bao đựng rác khổng lồ. Tôi xé băng dính dán trên thùng và đổ hết những thứ bên trong ra sàn.
Lịch sự kiện các loại. Tôi mở một cuốn, giở vài trang. Hầu hết tên riêng và địa danh được viết nguệch ngoạc vào các ô vuông, hầu như chẳng gợi lại được ký ức gì trong tôi. Tôi kiểm tra vài trang đầu để chắc chắn đó là của tôi chứ không phải của CM, rồi lẳng cả vào bao rác.
Tôi giữ lại cái tua gù ở mũ tú tài, đội hôm làm lễ tốt nghiệp phổ thông. Đống bưu thiếp vứt cả đi. Tôi thẳng tay vứt thư mời học từ trường UCLA, thời khóa biểu và giấy báo kết quả. Giữ lại bằng tú tài và cử nhân trong từng cặp đi kèm thông báo tốt nghiệp. Vứt hết những tờ rơi hồi CM và tôi làm cho Tổ Chức Quốc Gia Vì Phụ Nữ, và cái huy hiệu có dòng chữ “Chị đây thích vênh đấy”. Nhưng nghĩ lại, tôi giữ cái huy hiệu. Một áo phông suông, trải ra trông như tấm biểu ngữ, khiến tôi bật cười thành tiếng. CM đã đưa nó cho tôi khi cậu bạn trai gắn bó đã lâu bỗng dưng đá tôi ngay trước dạ tiệc tốt nghiệp. Trên áo có dòng chữ “Phụ nữ cần đàn ông như cá cần xe đạp”.
Những tấm ảnh. Tiệc Halloween ở nhà Zelma Wallis. CM và tôi đều nổi bật. Không chỉ bởi hai đứa cao hơn những người khác gần chục phân, mà còn vì trang phục của chúng tôi quái dị hơn hẳn. Các bạn gái khác đều phục sức lộng lẫy - nào nữ hoàng, ngôi sao màn bạc, vũ công ba-lê, hoặc hóa trang thành nữ phi công Amelia Earhart. Có đứa còn biến mình thành Nữ Thần Tự Do. Còn CM và tôi ăn mặc (theo hình dung của chúng tôi) như các chiến binh Amazon: tóc giả đen xù, thời trang tiền sử mẹ CM may bằng vải giả da báo cho hai đứa. Biệt danh “nữ chiến binh Amazon” còn theo chúng tôi cho đến những ngày cuối cùng ở trường phổ thông.
Một kiểu mẹ tôi chụp bằng máy ảnh lấy ngay Polaroid. CM và tôi đứng bên chiếc Chevy đen cũ của tôi, chuẩn bị đến buổi đón tân sinh viên vào trường UCLA. Trông cô tự tin và rất đẹp. Mái tóc đen là thẳng, rẽ ngôi giữa. Áo sơ-mi màu rêu, áo khoác bằng sợi móc, quần ống loe. Cô đeo cái túi dệt Nam Phi đầy căng, hình như nhét toàn bánh quy, táo và kẹo gôm. Trong ảnh tôi đang mỉm cười, nhưng vẫn cố tỏ vẻ nghiêm trang, tóc trên đầu vấn hết lên thành một kiểu kỳ quặc. Tôi mặc cái áo phông nhuộm loang, quần jeans ôm hông, đeo thắt lưng với khóa đồng to bản có hình tên tôi. Ba tiếng đồng hồ sau, tôi sẽ ngồi thụp xuống sàn nhà vệ sinh nữ ở khu văn phòng của trường mà nôn.
Trái tim tôi nặng trĩu và cả dạ dày cũng vậy. Ngồi lẩn mẩn xem lại tranh ảnh cũ, đào mộ những ngày tươi đẹp đã qua thế này còn khổ sở hơn là chia tay một người đàn ông. CM và tôi là bạn bè với nhau đã gần hai mươi lăm năm, bền lâu hơn nhiều đôi đã kết hôn. Cô hiểu tôi rõ hơn mẹ đẻ của tôi. Cứ tưởng chúng tôi còn thân nhau hơn chị em ruột thịt, nhưng bây giờ tôi không dám chắc nữa. Ít nhất chị em ruột biết rằng họ yêu thương nhau, cho nên không nhất thiết lúc nào cũng phải thích nhau.
Thế đối đầu giữa chị em với nhau - chúng tôi đã trải qua nhiều rồi. Thành tích học của tôi tốt hơn, CM xinh đẹp hơn. Có những đêm tôi khóc lả rồi thiếp đi vì anh chàng mà tôi mê như điếu đổ đã gọi điện hỏi tôi làm mối cho chàng với CM được không. Cô không bao giờ nhận lời hẹn hò với bất cứ ai trong số họ.
Nhưng có lẽ điều tôi mến còn hơn cả tình bạn trung thành ở CM, chính là bản lĩnh dám đối mặt của cô. Hình như cô thích dính vào rắc rối, trong khi tôi mắt trước mắt sau chỉ sợ làm bố buồn. Ông không bao giờ nặng tay, thậm chí hầu như chẳng to tiếng với tôi. Nhưng bố có thể gọi tên tôi với cái cách chất chứa nhiều thất vọng hơn là quở trách. Và thế là quá đủ. CM, vào một lần khẳng khái đến dã man, đã nói thẳng với tôi rằng tôi chẳng khác gì con chó săn chuyên tha mồi về - nhanh nhẹn, thông minh, luôn háo hức làm đẹp lòng bố tôi. Kể cũng lạ, sự so sánh ấy chẳng khiến tôi phật lòng.
Dưới đáy đống đồ có tấm ảnh chụp ở câu lạc bộ đồng quê vào Chủ nhật hôm bố và tôi giành cúp đánh đôi tennis. Tôi mười lăm tuổi. Có lẽ đó là ngày hạnh phúc nhất trong đời tôi. Trong ảnh, hai bố mỗi người cầm một bên chiếc cúp bạc. Bố khoác vai con gái và tôi ngoác miệng cười đến tận mang tai.
Tôi xếp tất cả lưu bút hồi học phổ thông lại vào thùng. Lần nào đọc lại cũng bật cười. Lúc nào không nhớ tên ai giở ra xem lại cũng tốt. Các bài luận viết ở đại học. “Công việc của phụ nữ, thế giới của đàn ông” và “Xã hội học kiến thức”. Lại cả “Shakespeare và bản tính thụ động hung hăng”. Tột đỉnh nhàm chán và sáo rỗng. Nhưng hầu như bài nào cũng được điểm A. Có lẽ Mac sẽ có nhiều điều để nói với nhãn quan hoài nghi nền giáo dục đại học của anh. Dưới đống bài luận có một xấp giấy rời. Từng bài thơ não nuột và ngốc xít của tôi được đăng trên tạp chí văn học. Mẹ tôi đã giữ lại tất cả.
Tôi đang vơ nốt những thứ lặt vặt tống vào bao rác thì một mảnh giấy viết thư rơi ra khỏi đống tạp nham, như chiếc lá uốn mình theo gió, rớt xuống chân tôi. Nét chữ kiểu cũ người ta đã thôi không bắt trẻ con phải luyện từ hồi tôi học lớp bốn. Chữ viết tay của bà ngoại tôi. Là thư viết cho mẹ tôi, hoặc là một phần trong phong thư nào đó, chắc là lẫn với thư từ trong cái rương gỗ tuyết tùng của mẹ. Mở lá thư ra, tôi thấy tên mình đập ngay vào mắt.
Nếu nó đã muốn bỏ con thì chẳng có cách gì ngăn được. Con có thể gây khó khăn, khi dễ nó; nhưng mẹ không nghĩ con có đủ ý chí và quyết tâm theo đuổi mục tiêu đó. Cho nên con cần phải cân nhắc các cách giải quyết khác. Tất nhiên, con và Justine cứ tùy ý ở lại với bố mẹ cho đến khi nào con quyết định muốn làm gì. Bao lâu cũng được.
Hãy nhớ này, Johanna, bố mẹ luôn ở bên con, bất cứ khi nào con cần. Chúa phù hộ cho con, con yêu của mẹ, và an ủi lòng con. Bé Justine ngoan và ổn cả.
Yêu con,
Mẹ
Tôi đọc ba lần. Và thêm một lần nữa, chỉ để chắc chắn không có cách hiểu nào khác “nó” ở đây là ai. Tất nhiên không thể có cách hiểu nào nữa. “Nó” là bố tôi, và bánh xe ký ức trong đầu tôi dễ dàng quay, nhịp nhàng từ tốn, bất chấp kích cỡ cồng kềnh. Những hình ảnh lặng lẽ hiện lên như những trang trình chiếu, được phóng to, chiếu sáng và rọi lên màn ảnh rộng.
Bố mẹ tôi là một đôi hiếm có. Bố đẹp trai, hồi còn trẻ chắc mang nét bất kham - liều lĩnh, thích phiêu lưu, hiểu bản thân và tự tin. Mẹ tôi đẹp, nhưng ngọt ngào, lặng lẽ và nghiêm túc. Khi tôi đủ lớn để biết trân trọng những sắc thái tinh tế trong ánh mắt, biểu cảm, cử chỉ của mọi người, tôi đã thấy ảnh cưới của bố mẹ rất thú vị. Trong ảnh, hình như họ đã đổi tính cách cho nhau. Hài lòng, tự hào, đầy ung dung tự tại, bố có phong độ của người đàn ông tin rằng mình sống đàng hoàng, đứng đắn. Trong khi mẹ tôi như đang rạng rỡ cười vì một chặng phiêu lưu bất ngờ vừa bắt đầu. Phải mất bao lâu bố mới nhận ra rằng mẹ là không đủ đối với bố? Phải mất bao lâu mẹ mới phát hiện ra?
Tôi vớ cuốn sổ điện thoại ở gầm cái bàn nhỏ sát tường, dò tìm trong mục chữ A cho đến khi thấy được hãng hàng không Alaska.
o O o
Mười một giờ mười lăm phút sáng thứ Bảy, tôi đứng trước nhà mẹ. Cửa ra vào bị khóa, chắc chắn là ảnh hưởng từ bác Richard. Từ trước tới nay mẹ tôi có khóa bao giờ đâu. Tôi bấm chuông. Mẹ ra mở cửa và thốt lên:
- Wyn! Ngạc nhiên tuyệt vời quá! - Nét hoảng hốt trong lời mẹ nói khiến tôi thấy nao nao. - Con ổn cả không? Ở lại bao lâu?
- Tối nay con về ngay. Bác Richard đâu ạ?
- Bác đi chơi golf rồi. Sao thế con?
- Con có chuyện muốn nói với mẹ. Nói riêng ạ.
Giọng mẹ lập tức thay đổi.
- Có chuyện gì thế Wyn?
Đến lúc này, hai mẹ con đã vào đến phòng làm việc. Tôi đặt ví xách tay xuống, nhưng tôi chưa kịp nói gì thì mẹ đã hỏi:
- Con uống trà nhé? Hoặc nước trái cây? Nước lọc? Hay cà phê nhé?
- Con không uống gì đâu, cảm ơn mẹ.
Tôi ngồi xuống xô-pha, mẹ duyên dáng đặt mình vào cái ghế bành, chỗ mẹ vẫn hay ngồi khâu vá.
- Wyn ơi, có chuyện gì vậy? Trông con buồn thế.
- Con tìm thấy cái này. - Tôi lấy lá thư từ trong túi áo khoác, mở ra và đưa cho mẹ. - Trong cái thùng con mang về nhà sau lễ cưới.
Mẹ nâng cái kính lão buộc dây lụa đeo ở cổ, đặt lên sống mũi. Trước khi mẹ thực sự đọc, tôi quan sát thấy mẹ đã biết đó là cái gì. Gương mặt mẹ thoáng đỏ bừng, rồi bợt đi rất nhợt nhạt.
- Ôi, con... - Chắc mẹ đã nén hơi thở lại rồi thở hắt ra cùng một lúc, như không khí xì từ bóng bay ra vậy. - Mẹ xin lỗi vì con đã phải đọc nó.
- Vậy mẹ cho con biết chuyện gì đã xảy ra đi.
- Wyn à, chuyện qua lâu lắm rồi, và nó không thật sự...
- Đi mà mẹ, cho con biết đi.
Mẹ đọc lướt qua tờ giấy rồi đặt nó xuống bàn cà phê. Mẹ nhích người dựa vào lưng ghế, hai bàn tay đặt trong lòng.
- Hồi con lên bốn, bố con nói rằng ông đã đem lòng yêu người khác. - Giọng mẹ bình tĩnh, giọng của một người trong cuộc.
- Ai vậy ạ? - Giọng tôi, ngược lại, nghe rin rít.
- Không nằm trong những người con quen biết. Cố ấy làm việc tại văn phòng Andersen’s Chicago. Sau một chuyến công tác, bố về nhà nói với mẹ rằng bố yêu cô ấy và đề nghị mẹ li dị.
Tôi chưa bao giờ lại gần một cơn lốc vòi rồng, nhưng chắc đây là cảm giác khi ở trong nó. Gió đen ngòm gào rú quanh ta, và ở chính giữa là im lặng chết chóc. Trong một giây, tôi thực sự chóng mặt.
- Mẹ đã trả lời thế nào ạ?
- Thực ra mẹ không nói được nhiều. Chỉ biết khóc, lặng lẽ uống say và ngất đi. - Khó có thể tưởng tượng nổi cảnh mẹ tôi uống say đến mức ngất xỉu. Chắc chỉ mất hai ly là cùng. Mẹ phủi phủi chút bụi vải tưởng tượng trên gấu quần. - Đêm hôm đó bố dọn ra khách sạn.
- Lúc ấy con ở đâu ạ?
- Ơn Chúa, con ở nhà ông bà ngoại. Ngày hôm sau mẹ gọi điện hỏi ông bà cho con ở lại đấy lâu hơn có được không. Cái tuần đó... - Mẹ dừng lại. - Cứ như một giấc mơ. Không, giống ác mộng hơn. Mỗi tối bố về nhà bàn chuyện li hôn, chia tài sản, ai sẽ sống ở đâu, và chăm sóc con như thế nào.
- Và mẹ thực sự không biết là bố...
- Không. Nhưng hồi ấy mẹ còn ngây thơ lắm. - Mẹ rời mắt khỏi tôi, nhìn qua cửa sổ trượt ra ngoài sân sau. - Bố có luật sư riêng. Và cả danh sách các luật sư mà bố nghĩ mẹ có thể sẽ liên hệ. Rõ ràng là bố đã dự liệu đâu ra đấy.
Tôi nhìn thấy David, ngồi trên xô-pha trong phòng làm việc ở nhà chúng tôi, nói về căn hộ tuyệt vời anh đã tìm cho tôi.
- Rồi sao nữa ạ?
- Mẹ năn nỉ bố đừng đi, đừng phá nát gia đình này, nhưng bố đã một mực quyết tâm.
Một trong những cảnh như vậy tự hằn sâu vào tâm trí ta, mà ta không nhớ nổi tại sao. Một đêm tôi chợt tỉnh dậy. Ra khỏi giường uống nước hoặc ngồi bô đi vệ sinh. Bước đi dọc hành lang, chân trần êm ru trên thảm, ngang qua phòng bố mẹ. Tối om, trừ có mẹ tôi trên ghế. Mẹ ngồi trong một quầng sáng, tay cầm cuốn sách và không ngẩng lên khi tôi rón rén đi qua.
- Tuần đó, bà ngoại đã viết thư cho mẹ. Lúc đó mẹ đang tuyệt vọng. Mẹ sẵn sàng thử làm bất cứ điều gì để thế giới của mẹ lành lại như trước. - Đồng hồ tích tắc trên bệ lò sưởi nghe như tiếng trống trong lúc tĩnh lặng này.
Chắc trông tôi bối rối lắm, vì mẹ nhoài sang, chăm chú nhìn thẳng vào mặt tôi.
- Con biết đấy, đó không phải là điều đều đặn xảy ra hàng ngày. Phải viện đến li hôn thì chuyện trước đó ắt chẳng dễ chịu gì rồi. - Mẹ cố cười thành tiếng. - Phụ nữ đã li hôn ngày đó là những người thường trang điểm quá đậm, hút thuốc lá bằng ống lọc và hay lui tới các bar cocktail xa xỉ.
- Vậy mẹ đã nói gì với bố?
- Con phải hiểu, Wyn ạ... - Mẹ nói đến nỗi tuyệt vọng, sợ hãi, và đau đớn. Chưa một lời đả động rằng mẹ yêu bố. Trong đầu mình, tôi đang gào lên rằng Mẹ đừng dài dòng nữa, nhưng tôi chỉ ngồi yên lặng nghe. - Lần tiếp theo bố về nhà, mẹ đã sẵn sàng. Bắt đầu nói đến chuyện nhà cửa, xe cộ. Tiền lương của bố, dự kiến thời gian được tăng lương, các khoản đầu tư, bảo hiểm, tiết kiệm để con đi học đại học. Bố rất hợp tác và rộng rãi. - Rồi mẹ ngước nhìn thẳng vào mắt tôi, có lẽ ánh mắt mẹ ngày xưa nhìn bố cũng đúng như thế này. - Và mẹ bảo bố, “À, còn điều cuối cùng. Khi nào thủ tục li hôn hoàn tất thì anh sẽ không bao giờ liên lạc với Justine nữa”.
Miệng tôi hơi há ra, nửa ngạc nhiên, nửa muốn lên án.
- Mẹ không thể làm như vậy được!
- Bây giờ thì không. - Mẹ mỉm cười yếu ớt. - Nhưng hai mươi lăm năm trước, đàn ông được trao nhiều quyền chăm sóc con cái. Nhất là trong hoàn cảnh li hôn như của bố mẹ. Dù sao thì... - Mẹ nhún vai. - Mẹ cũng không biết liệu mình có thực sự dám làm như vậy không. Nhưng đó không phải là mấu chốt. Điều quan trọng là, mẹ khiến bố tin rằng mẹ dám. Và mẹ sẽ làm. - Nụ cười rộng ra một vẻ đắc thắng không giấu diếm. - Hai ngày sau, bố dọn lại về nhà.
Trong khoảnh khắc, tôi nhìn mẹ, hẳn là năm xưa bố cũng đã nhìn thấy mẹ như vậy. Đẹp, đúng thế. Luôn luôn. Nhưng không còn ngọt ngào, thân thiết, quen thuộc như trước. Bố đã đánh giá thấp mẹ. Mẹ sẵn sàng đẩy tới cực điểm. Đó chính là điều khiến bố đáp lại. Tôi hình dung được bố lại phải lòng mẹ thêm một lần nữa.
Lẽ ra lúc này tôi nên nói gì đó, nhưng lại chẳng biết phải nói gì. Mẹ đứng dậy.
- Con ạ, có thể nói đó là toàn bộ câu chuyện. Mẹ đi lấy một ly rượu sherry đây. Con muốn uống gì không?
- Không ạ, cảm ơn mẹ.
- Rượu ngon lắm. Chan chát vừa phải. Đúng loại bác Richard thích.
Mẹ tới bên cái tủ gỗ óc chó chuyển từ nhà ông bà ngoại tôi về. Dòng chất lỏng màu hổ phách sánh vào ly pha lê. Mẹ tôi đứng đó, quần lanh đen, áo len trắng đắt tiền, và sợi dây chuyền vàng to bản tôi chưa từng thấy mẹ đeo. Mẹ đã gắn kết tất cả các mảnh lại. Người ở trong bếp là vợ của Richard, không phải bà quả phụ bơ phờ, thủ thế chống lại các ông bạn của chồng mình.
Mẹ quay lại, ngồi xuống cạnh tôi, từ từ thưởng thức món đồ uống.
- Bố mẹ đã có với nhau mười hai năm tuyệt vời trước khi bố con qua đời.
- “Tuyệt vời” ạ? - Tôi thấy mình giống như một nhân vật hoạt hình bị cả cái chảo rán táng thẳng vào mặt.
- Mẹ sẽ không ngồi đây kể với con rằng chuyện đẹp như cổ tích. Nhưng quan hệ giữa bố mẹ đã đạt đến mức thành thực hơn, sâu sắc hơn.
Mẹ bỏ ly rượu xuống, đặt tay lên tay tôi. Chỉ nhìn bàn tay hai mẹ con thôi cũng có thể đọc được một câu chuyện không lời. Tay mẹ bé nhỏ, mảnh mai và duyên dáng. Những ngón tay luôn được giũa theo kiểu Pháp, lớp biểu bì ở chân móng luôn gọn gàng, khoe ra những mảnh cung trắng ngà như mặt trăng trên móng. Bàn tay tôi to, ngón thô. Tôi có cố công cắt giũa thế nào, vẫn luôn chờm ra mấy cái xước măng rô. Thỉnh thoảng tôi còn xé xước măng rô ra, và trên móng tay chẳng bao giờ mọc lên những mặt trăng bé bỏng xinh xinh.
Mẹ đang nhìn tôi, đôi chân mày khẽ nhướn lên. Và câu hỏi cuối là...
- Sao mẹ chưa bao giờ cho con biết?
Mẹ tỏ vẻ ngạc nhiên rất thật thà.
- Sao mẹ lại phải cho con biết?
- Để con biết được sự thật. Về con người thật của bố.
- Wyn ơi, con vẫn luôn được biết sự thật. Bố con là một người tốt đã mắc sai lầm. Như bất cứ ai khác. Nhưng chớ bao giờ quên điều này. Bố yêu con hơn bất cứ điều gì trên đời này. Khi mẹ bắt bố phải lựa chọn, bố đã chọn con.
Tôi đứng dậy, đẩy cánh cửa trượt mở ra sân sau, đi chân đất lên những viên gạch năm xưa của bố. Mấy món đồ gỗ đỏ đã cũ với gối đệm màu xanh lá cây kê ngoài sân này sẽ bán được giá cao cho những cửa hàng chuộng đồ phong cách sang trọng ở khu Melrose. Tôi ngồi xuống trường kỷ và ngả người ra, duỗi chân lên. Cây óc chó đen hai mươi năm nay vẫn được đều đặn cắt tỉa cành lá, giờ đang tỏa bóng xuống khắp sân. Dù lớp vỏ hạt loang đen rơi trên sân, tôi vẫn nghĩ rằng đặt tên “óc chó đen” là không chính xác. Hạt có mùi vị như màu xanh lá cây vậy. Lớp vỏ ngoài cứng đến mức hồi bé tôi hay mang ra đoạn đường dành cho ô-tô đi vào nhà, để mỗi lần bố đi làm về, lái xe qua thì sức nặng sẽ làm nứt vỏ. Bố hay nói rằng hạt óc chó chỉ ngon khi ta lao động vất vả vì nó.
Mẹ đã đến bên tôi từ lúc nào. Tôi co chân lại để mẹ có chỗ ngồi.
- Bố mẹ có làm tổn thương con nhiều lắm không?
Mẹ khẽ bặm môi.
- Đôi khi mẹ chỉ muốn được chen vào giữa. Mẹ đã ao ước con sẽ nhìn mẹ giống như con đã nhìn bố. Có lúc mẹ cũng mong bố sẽ nhìn mẹ với cái cách mà ông ấy nhìn con. - Gương mặt mẹ ửng hồng. Chắc là do rượu sherry.
Tôi chợt nhận ra mình chẳng hiểu gì về con người đẹp đẽ đang ở trước mặt mình này. Từ nhiều năm nay rồi. Mẹ nghĩ gì, ao ước gì, cười vì cái gì, yêu thích điều gì. Lúc nào tôi cũng chỉ hình dung về mẹ giống như trong bức ảnh cưới năm xưa. Mái tóc kiểu Mamie Eisenhower. Miệng cười rạng rỡ. Chờ đợi chuyến phiêu lưu bắt đầu.
- Sau khi bố con mất, mọi người toàn bảo mẹ rằng, “Ít nhất chị còn có Wyn”. - Mẹ chạm vào cánh tay tôi. - Nhưng có phải thế đâu. Chẳng còn gì nhiều của con cho mẹ nữa. Và những gì còn lại, thì con không sẵn lòng chia sẻ với mẹ.
- Mẹ... - Một từ khiến giọng tôi vỡ đi.
Vóc dáng tôi cao to hơn mẹ, nên mẹ khó có thể ôm lấy tôi khi tôi bật khóc, nhưng không hiểu sao mẹ vẫn làm được. Đã lâu lắm rồi mới lại thế này.
o O o
Thứ Ba, tôi mở hộp thư báo và thấy một phong to dày mang dấu bưu điện Larkspur, California. Tôi xé một đầu, và tấm vé máy bay xổ ra tay tôi. Tôi đã tiện thể quên béng mất rằng một tuần tính từ thứ Bảy là ngày Gary và tôi cuối cùng đã nhất trí rằng tôi sẽ ghé chơi chỗ anh cho biết.
Có một mảnh giấy viết tay đính vào vỏ ngoài tấm vé.
Wyn yêu dấu,
Vé của em đây nhé. Erica đã đồng ý đổi ca cho anh, cho nên mình sẽ chỉ đi với bọn trẻ vào chiều thứ Bảy thôi. Anh định là anh với chúng nó sẽ đón em, rồi mình đến thủy cung hoặc cảng Fisherman. Hoặc nếu em muốn đi đâu nữa thì mình sẽ sắp xếp. Andrew và Katie mong gặp em lắm.
Sau đó đưa trẻ con đến chỗ Erica, rồi mình ăn tối ở chỗ anh đã đặt, một hiệu bên đường rất xinh xắn ở Larkspur. Tiếp theo sẽ đến một bữa tiệc ở nhà khách hàng của anh. Mình không phải ở lại lâu đâu, chỉ tại anh nóng lòng muốn giới thiệu em với mọi người thôi. Chủ nhật mình có thể ăn bữa sáng muộn ở Tiburon, và anh có vé xem một buổi biểu diễn lúc chiều. Hoặc mình có thể bỏ qua hết những kế hoạch đó. Anh sẽ thay quần áo cho em bằng răng của anh nhé, và... ừm, em biết đấy. Mong là em sẽ cảm thấy tươi mới như từ đầu. Giữ sức khỏe nhé. Anh nhớ em.
G.
Lẽ ra tôi phải vui mừng phấn khởi hơn chứ. Rạo rực hơn... đại khái thế. Có lẽ tại tôi vẫn còn buồn chuyện CM. Tôi nhét tất cả trở lại phong bì và thả bừa xuống bàn bếp.
Ưu tiên số một của tôi bây giờ là tìm cách lấy lòng CM. Bánh mì. Không phải bánh mì gì cũng được, mà phải là thứ đặc biệt. Ngày trước Sylvie hay làm đẹp tủ kính ở hiệu boulangerie bằng những ổ bánh tuyệt mĩ, được tạo hình bằng bàn tay của Phillipe, người có phẩm chất của nghệ sĩ hơn là thợ làm bánh. Từ những bó lúa mì, bắp ngô, cho đến những chú cá sấu, rùa, cá, chó và mèo xinh xinh, giỏ và vòng hoa, tất cả đều được nặn từ bột nhào. Tôi không có hoa tay thiên bẩm làm được thứ gì cầu kỳ, nhưng có vụng đến đâu thì cũng cuộn được một hình tròn.
Một chiếc couronne. Thực ra là couronne đôi, như hai chiếc nhẫn cưới lồng vào nhau, đó sẽ là lễ vật cầu hòa của tôi. Jean-Marc từng nói với tôi rằng couronne, ổ bánh hình vương miện, bắt nguồn từ những làng quê Pháp, nơi người dân phải tằn tiện cả thời gian lẫn tiền của. Ổ bánh nặng chừng một cân tám đến hai cân rưỡi nuôi được cả nhà trong khoảng một tuần. Về sau người ta nảy ra sáng kiến tạo một lỗ ở giữa bánh, thế là lớp vỏ bánh nhiều hơn, ăn ngon hơn.
Tôi không có thời gian đợi bột ủ men được ngấu, nên sẽ dùng bột nhào kiểu poolish, trông như một miếng bọt biển vậy. Thực ra ngày xưa bà ngoại tôi cũng hay làm bánh mì bằng cách này, nhưng bà không bao giờ để poolish lên men quá vài tiếng. Tôi có thể cất nó vào tủ lạnh khi đi làm, kệ nó từ từ và nhẹ nhàng nở ra.
Poolish để làm pain de campagne
1/2 thìa cà phê men
1/2 cốc nước
3/4 cốc bột mì nguyên
Hòa men vào nước, đổ bột vào trộn đều cho đến khi được một hỗn hợp sánh. Đánh hỗn hợp khoảng một trăm vòng để tạo thành các sợi gluten dài. Phủ một lớp vải ẩm lên trên và để bột nghỉ ít nhất 2 tiếng đồng hồ ở nhiệt độ trong phòng. Ủ càng lâu càng tốt, tối đa khoảng 8 tiếng đồng hồ. Hoặc để poolish ngấu trong tủ lạnh từ 12 đến 15 tiếng. Lưu ý trước khi làm bánh cần để poolish ở nhiệt độ phòng, do vậy tính dư ra 2 tiếng nữa.
Pain de Campagne
(Bánh mì kiểu đồng quê)
Toàn bộ số poolish trên
2½ cốc nước
1/2 thìa cà phê men
1 thìa canh muối
5½ đến 6½ cốc bột mì trắng không tẩy
Khi poolish đã đến độ dùng được, nó sẽ chứa nhiều bóng khí và có mùi lên men rất rõ. Chuyển nó sang một bát trộn lớn, thêm nước và men, trộn đều cho đến khi poolish tan hết và hỗn hợp lên bọt. Thêm dần từng cốc bột cho đến khi trộn thấy nặng tay. Rắc bột khô lên bàn, đổ hỗn hợp vừa trộn ra nhào từ 10 đến 12 phút, thêm bột nếu cần. Rắc muối lên và nhào thêm từ 5 đến 7 phút nữa. Ban đầu bột hơi dính tay, nhưng không thêm quá nhiều bột khô, chỉ cần đủ cho bột nhào khỏi dính xuống bàn. Độ ẩm trong bột nhào sẽ làm ra bánh mềm và vừa miệng hơn.
Khi ấn ngón tay lên bột mà thấy bột đàn hồi ngay trở lại, là đã đạt yêu cầu. Vuốt bột thành khối hình cầu và phủ khăn ẩm lên. Làm sạch bát trộn, xoa dầu ăn vào lòng bát. Đặt khối bột vào bát, xoay tròn để mặt bột dính đều dầu ăn. Làm như vậy để tránh tạo thành màng khô trên bột, khiến bột không nở được. Phủ khăn ẩm lên miệng bát, để ở nhiệt độ phòng cho đến khi bột nở gấp đôi, mất chừng 2 đến 3 tiếng đồng hồ. Khi ấn ngón tay sâu khoảng 1 phân vào lòng bột mà bột không đàn hồi trở lại, là bột đã nở đủ độ.
Lúc này, nhẹ tay cán bột, phủ khăn lên trên và để bột nghỉ khoảng 30 phút, cho các sợi gluten giãn ra. Sau đó, cắt đôi, kéo bột thành thanh như hình bánh mì baguettes, xếp lên khăn vải lanh được rắc nhiều bột khô. Kéo nếp khăn lên giữa hai ổ bột để giữ vị trí. Rắc bột lên mặt bánh, phủ khăn ẩm lên, để bột nở tiếp từ 1½ đến 2 tiếng nữa, cho đến khi kích cỡ tăng khoảng 1½ lần.
Làm nóng trước lò ở nhiệt độ 230°C. Đặt một ấm nước ở gần đáy lò trong 45 phút đến 1 tiếng trước khi cho bánh vào. Khi bột đã nở đạt yêu cầu, xếp thanh bột lên khay có lót giấy nến hoặc được rắc một lớp bột ngô mỏng. Tạo vài đường chéo bằng dao lam một cạnh, hoặc dao lưỡi răng cưa. Cuốn thanh bột thành hình tròn, điểm nối chồng lên nhau, miết cho bột liền vào nhau. Lưu ý, đây là bánh mì kiểu đồng quê, hình dáng bánh không nhất thiết phải hoàn hảo.
Điều chỉnh vỉ nướng để nó ở giữa lò. Đổ nước sôi trong ấm vào một chảo dày đáy, đặt lên tầng thấp nhất trong lò hoặc lên đáy lò. Nướng bánh trong 10 phút ở 230°C, sau đó hạ nhiệt độ xuống 200°C và nướng thêm từ 25 đến 30 phút nữa, hoặc cho đến khi vỗ lên đáy bánh thấy phát ra tiếng trầm sâu. Tắt nhiệt, hé mở cửa lò, để bánh nghỉ thêm khoảng 5 phút nữa. Sau đó dỡ bánh ra, xếp lên giá để nguội. Không cắt hoặc bẻ bánh cho đến khi bánh đã nguội hoàn toàn.
Đêm nay khá ấm áp và dễ chịu, tôi chậm rãi làm mọi việc, suy nghĩ trong đầu tập trung vào Gary. Nếu tôi tới chỗ anh thì cũng chẳng chết ai. Rõ ràng đó là việc rất có ý nghĩa với anh. Cứ nghĩ đến mấy dòng anh viết, một cảm giác háo hức dễ chịu lại khe khẽ chạy dọc lưng tôi, và chân tôi bước nhanh nhẹn hơn. Đúng thế, sẽ tuyệt lắm. Còn hơn cả tuyệt.
Tất cả luôn rất tuyệt khi Gary ở bên tôi. Khi tôi ngắm anh, chạm vào anh. Nhưng khi anh không có ở bên, tất cả cũng rất ổn. Tôi không nhớ anh. Anh giống như một điều dễ chịu sẵn có, một món đồ ăn vặt ngon miệng. Thỏa cơn thèm ngọt, nhưng không mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng. Chúa ơi, tôi làm sao thế này? Gary là một con người, không phải thanh kẹo Snickers.
Bà ngoại chưa bao giờ nói với tôi rằng, “Wyn à, chuyện gần gũi chăn gối có thể làm cháu mụ mị đầu óc đấy”.
Nó có thể đưa ta đến những chỗ thông thường ta sẽ không đến, và có lẽ không nên đến. Rủi thay, đó là một trong những bài học ta phải tự rút ra cho bản thân. Một số người tối dạ nên phải học bài học đó hơn một lần.
Nhìn David và tôi mà xem. Đúng thế đấy. Anh thích mua sắm và nhạc cổ điển. Nhắm mắt David cũng cân đối được sổ séc, và anh biết chính xác cần uống rượu gì khi ăn cơm nấm kiểu Ý để các mùi vị bổ sung cho nhau một cách hoàn hảo. Anh còn đánh được những cú ve trái chéo sân thần sầu.
Tất nhiên tất cả những điểm đó đều phát huy tác dụng. Nhưng phần nhiều chính là ở đôi kính áp tròng màu xanh cô-ban của anh. Cả sự tương phản giữa mái tóc như trắng lên vì nắng và hàng chân mày sẫm màu của anh. Cũng còn vì anh biết thắt nút ống hút soda bằng lưỡi, và khi anh hôn một chỗ nhỏ mềm mại ở eo lưng tôi, thì tôi lập tức quên cả tên của mình.
Tôi không giả vờ biết rằng tất cả có ý nghĩa với David như thế nào. Lẽ ra ngay từ đầu anh nên cưới một người như Kelley. Người không chỉ hiểu bản chất con người anh, mà còn có chung niềm đam mê với anh. Tôi xấu hổ nhớ lại cái đêm ở Los Angeles, khi họ để tuột mất mối làm ăn với Hathaway, tôi mò đến và hạ quyết tâm nói chuyện về hôn nhân giữa hai vợ chồng. Nghĩ lại, tôi hiểu rằng Kelley mới là người anh cần đêm hôm đó. Cô ấy là người biết rõ chuyện gì đã xảy ra, có ý nghĩa như thế nào, và anh cảm thấy ra sao.
Còn bây giờ đến lượt Gary. Chàng Gary ngọt ngào. Anh tự tin rằng mình muốn chăm sóc tôi. Khiến tôi thấy hạnh phúc. Muốn tôi gặp các con của anh. Gary muốn khởi hành ở nơi David đã cất cánh bay đi. Hai cung đường khác nhau hướng về cùng một điểm đến. Marin thay cho Hancock Park. Cùng một cốt truyện, bối cảnh khác nhau. Cùng một đống của nợ, vào những thời điểm khác nhau. Chắc anh sẽ không bao giờ hiểu nổi tại sao Erica lại muốn chọn trường luật. Chỉ làm trợ lý luật sư thôi cô ấy cũng đã có thu nhập rất khá. Cô ấy đã trải qua tất cả rồi, phải không? Luôn có thể tìm một công việc khác. Luôn có thể làm bánh mì ở nhà. Gary muốn có tôi trong cuộc đời anh. Nhưng đó là cuộc đời của anh, không phải của tôi.
Tôi như thấy CM đang nhoài mình qua bàn. Sống như thế bồ có vui không? Đó có phải là những gì bồ muốn làm hay không?
Đôi nhẫn cưới couronne, nói một cách khiêm tốn nhất, trông thật đáng yêu - hai vòng bánh vàng ươm giòn rụm lồng vào nhau. Và thơm như thiên đường vậy. Nếu món này không làm CM gọi điện cho tôi thì chẳng có điều gì làm nổi nữa. Bày biện thế nào lại là chuyện khác. Tôi không có cái hộp nào đủ lớn, nên đành cẩn thận gói lại bằng khăn sạch rồi mang đến hiệu bánh.
Ellen và Misha đang tíu tít bận làm các thanh Mazurka, nhưng đã dừng ngay tắp lự để tán thưởng công trình thủ công của tôi.
- Đại loại đây là quà đính hôn cho CM, - tôi nói. - Em đang cần thứ gì đó để đựng ạ.
- Cô cứ việc dùng mấy cái giỏ bày bánh, xong nhớ mang trở lại là được, - Ellen nói.
Tôi trải khăn vào giỏ, xếp bánh ở chính giữa, rồi cuốn một lớp màng bọc thực phẩm ra ngoài cả giỏ, để hở một chút để vỏ bánh không bị ỉu. Lôi tấm thiệp trắng trơn đã mua ra, tôi ngồi thừ người nhìn nó.
- Đằng ấy đang đợi cảm hứng gõ cửa đấy à? - Misha cười trêu tôi.
- Mình chẳng biết viết gì cả.
- Thì đại khái viết “Chúc mọi điều tốt đẹp nhất” chẳng hạn. Ellen lắc đầu.
- Người quen sơ sơ thì hẵng viết như thế. Còn đây là bạn thân nhất của Wyn cơ mà.
Cảm giác tội lỗi giật thót lên trong tôi.
- Được rồi, hay viết “Trọn đời hạnh phúc”, hoặc là “Chúc mừng đôi vợ chồng đẹp đôi”, hoặc...
Tôi viết “Tặng CM, Yêu mến, Wyn” vào giữa tấm thiếp, rồi chợt nghĩ lại, tôi chèn thêm “và Neal” vào cạnh tên CM. Khi nào cô gọi điện cho tôi, lúc ấy nói chuyện hạnh phúc và đẹp đôi vẫn chưa muộn.
Tôi mang bánh mì đến nhưng cả CM và anh Neal đều không có nhà. Có lẽ như thế lại hay. Tôi gửi bánh lại chỗ người quản lý tòa nhà sau khi bắt bà ấy hứa rằng sẽ để ý xem khi nào CM hoặc Neal về; sẽ giao bánh ngay khi họ vào nhà; và trong khi chờ đợi, sẽ không đặt bánh gần bất cứ cửa sổ để ngỏ hoặc cửa thông gió nào. Tôi đi bộ về nhà, lòng mơ hồ cảm thấy lo lắng không yên tâm. Như thể tôi vừa trao đứa con đầu lòng của mình vào tay một nhà trẻ ấm ớ nào đó.
o O o
Tất nhiên, câu hỏi đầu tiên của Gary là:
- Em có người khác phải không?
- Không, chẳng có ai cả.
- Wyn, anh không hiểu. Anh tưởng mình đã có với nhau điều gì đó hết sức đặc biệt. Dù em cho rằng đó chỉ là tình dục, nhưng để nó tiến triển xa hơn thì cũng có hại gì đến ai đâu? - Người đàn ông này quả là một nhà thương thuyết bẩm sinh.
- Không phải chỉ có tình dục. Lúc trước anh nói đúng. Em đã nói ra như vậy chỉ để bảo vệ bản thân. Hại là ở chỗ sẽ không đi đến đâu cả, và mình càng kéo dài thì càng khó kết thúc cho êm đẹp.
- Sao em lại quả quyết là sẽ không đi đến đâu...
- Vì em không muốn sẽ đi đến đâu cả.
- Nhưng tại sao?
- Vì chúng ta có những ưu tiên khác nhau. Em không sẵn sàng lại từ bỏ những ưu tiên của mình lần nữa.
- Anh không yêu cầu em phải từ bỏ điều gì cả.
- Anh không cần phải yêu cầu. Nó cứ xảy ra thôi. Như cát lún vậy. Em trôi vào cuộc đời anh và biến mất không để lại dấu vết.
- Cuộc sống như thế kinh khủng lắm ư?
- Không hề. Có điều đó không phải là cuộc sống mà em muốn.
- Thề là anh không hiểu. Nếu không có ai khác, sao em không thể cứ ở bên anh cho đến khi...
- Cho đến khi anh khiến em thay đổi suy nghĩ phải không? Đó là điều sẽ xảy ra, em biết. Bởi vì em yếu đuối và em thực sự thích anh. Anh thật ngọt ngào, tử tế...
- Chúa ơi, nụ hôn kết án của tử thần.
- Không, không phải vậy đâu, hãy tin lời em. Đàn ông tử tế là hàng hóa quý và hiếm. Thực rất dễ muốn đồng hành cùng những người như vậy. Chỉ có điều đó không phải là chặng đường em muốn đi.
Gary lại thở dài.
- Anh không hiểu.
- Em biết anh không hiểu. Và cũng chẳng có cách gì giải thích cho anh được cả. Rồi anh sẽ thấy lời em nói là đúng.
- Anh xin lỗi.
- Đừng xin lỗi nữa! - Tôi cắn môi. - Có phải lỗi của anh đâu. Cũng chẳng phải lỗi của em. Chỉ là mong muốn của chúng ta khác nhau.
- Wyn à, hình như em vẫn còn bối rối. Hay tuần sau mình nói chuyện nhé?
Đến lượt tôi thở dài.
- Anh còn lấn cấn chuyện gì?
Tôi không dám khẳng định chắc chắn, không chút do dự rằng anh sẽ chẳng thể lay chuyển được tôi. Biết đâu đấy, nếu anh nói “Anh yêu em và mình có thể cùng tìm cách làm bất cứ điều gì em muốn”, hoặc thậm chí nếu anh nói “Em biết đấy, anh không thích bị dắt mũi đâu”. Nhưng Gary đã nói:
- Katie và Andrew sẽ cụt hứng mất thôi.
- Anh Gary, em gác máy đây. Anh giữ sức khỏe nhé.
o O o
Tôi gửi trả anh tấm vé. Suốt một tuần liền, tối nào Gary cũng gọi điện, nhưng tôi không nhấc máy. Mỗi lần điện thoại tự động chuyển sang chế độ hộp thư thoại, lại nghe thấy anh nói, “Wyn à, anh chỉ muốn nói chuyện với em thôi. Nếu em ở nhà thì hãy trả lời anh nhé”. Nghe giọng anh tội nghiệp đến mức mấy lần tôi đã suýt nhấc máy. Nhưng cảm giác hân hoan rõ rệt khi quan hệ này nhạt đi luôn mang lại cho tôi sức mạnh để cầm một cuốn sách lên chứ không nhấc điện thoại.
Những cuộc gọi thưa dần và đến muộn hơn. Những đoạn ghi âm trong điện thoại bắt đầu có thêm những lời như anh chỉ muốn hỏi thăm một chút xem tôi có ổn không, nhưng tôi không gọi lại. Khi Gary gọi đến hiệu bánh, Linda luôn hân hạnh thông báo rằng tôi không rảnh nghe điện thoại.
o O o
Tiếng người nói đánh thức tôi dậy. Tràng cười phóng khoáng của nam giới vọng đến. Tôi xoay người. Một giờ rưỡi, chiều thứ Bảy. Tôi ngồi dậy, mặc cái quần nỉ thể thao vào. Chẳng nhìn thấy gì qua lỗ mắt thần, tôi đành mở hẳn cửa ra vào ra. Một người đàn ông cao gầy, đầu đội ngược mũ bóng chày, đang đứng ở một góc tòa nhà lớn, cao giọng gọi một người khác ở trên mái.
Tôi ra khỏi nhà.
- Xin lỗi các anh, tôi đang cố ngủ đây. - Thỉnh thoảng tôi vẫn vô thức giở cái giọng bề trên đặc Hancock Park ấy ra.
Anh ta quay lại, tròn mắt nhìn tôi.
- Cô là ai?
- Tôi thuê nhà ở đây, và đang cố ngủ. Anh là ai vậy?
Anh ta tiến lại, nở nụ cười mà tôi dám chắc anh hi vọng là quyến rũ lắm.
- Xin lỗi cô. Tôi không biết ở đây có người thuê nhà. - Anh chìa danh thiếp ra. - Tôi là Marty Crowley, ở công ty xây dựng Arvis Brothers.
- Các anh đang làm gì ở đây vậy?
- Đến định giá tài sản cho ông Keeler. Theo tôi biết thì ông ấy là chủ chỗ này.
- Đúng, ông ấy là chủ nhà. À... phiền các anh cứ định giá nhưng không nói to có được không? Tôi làm việc ca đêm và phải ngủ vào ban ngày.
- Chúng tôi sẽ lặng lẽ hết mức. Như tôi đã nói đấy, lúc đầu chúng tôi tưởng không có ai ở đây.
Tôi quay lại giường, nhưng chắc mẩm rằng hôm nay mình sẽ chẳng ngủ thêm được nữa. Họ rời đi rồi, tôi trở dậy, thay quần soóc, áo phông thể thao, rót một cốc nước táo và mang ra hiên. Không khí dìu dịu sanh sánh nắng chiều. Tôi vẫn tính sẽ mua một đôi ghế nhựa trắng, loại bình thường ở đâu cũng có. Hiện tại chưa có ghế nhưng tôi vẫn hay ra hiên. Thực ra, ngồi bên thềm luôn mang lại cho ta một cảm giác thật dung dị.
Tất cả chuẩn bị thay đổi.
Có lẽ cần sơn trắng. Thật nhiều sơn trắng. Chắc phải sơn hai nước mới che được màu tường hiện tại. Rồi sau này, một buổi tối nào đó, có thể khách khứa của Keeler ngồi nhâm nhi rượu vang bên lò sưởi sẽ phát hiện ra lớp sơn vàng ánh lên dưới mặt sơn trắng.
Tôi cũng sẽ phải bỏ Doug lại. Doug, cây linh sam bé nhỏ của tôi. Đã cao thêm chừng ba chục phân kể từ khi trồng xuống đất. Hi vọng Keeler sẽ không nhổ nó đi. Ở đây người ta vẫn hay làm vậy. Cây cối sẵn ở khắp nơi, nhìn đâu cũng thấy, đến mức người ta coi là đương nhiên. Và họ không muốn cây mọc ở những chỗ chỉ cần hơi bất tiện một chút. Tán lá che hết ánh nắng rọi vào hiên chẳng hạn. Chỉ thế thôi, người ta sẵn sàng gọi ngay Paul Bunyan* tới phát quang tất cả.
Tôi với tay, lơ đễnh ngắt một bông phong lữ đã tàn. Mấy khóm rau thơm mọc chậm, nhưng tôi biết chỉ cần vài ngày ngập nắng, nạp đủ năng lượng là chúng sẽ tươi tốt ngay thôi. Tôi bứt một lá húng chanh, vò vò dưới mũi. Thơm ngọt như kẹo chanh ngày xưa bà ngoại tôi vẫn thích.
Doug không phải là sinh linh duy nhất bắt rễ ở đây. Sau tám tháng, cái nơi bé nhỏ ngộ nghĩnh này đối với tôi ấm cúng hơn là căn biệt thự nơi tôi và David đã chung sống bảy năm. Có lẽ vì quãng đời vừa qua của tôi đã thay đổi quá nhiều, như vừa phải hứng chịu cơn địa chấn cường độ 8,9 Richter. Đến nay, tôi đã mất David. CM. Gary. Mac. Tiếp theo sẽ là ngôi nhà. Điều gì sẽ có thể xảy ra nữa?
Bà ngoại tôi từng nói rằng hỏi những câu như vậy chẳng khác nào đánh bạc với số phận.
o O o
Nhân viên quầy bar mới tên là Shawn. Trông cậu ta hệt như Kenny phiên bản trẻ hơn - thấp đậm và to ngang, tóc màu cát ướt, mắt xanh lam rất đẹp. Khi cười, khuôn miệng Shawn cong cong mời gọi, và trưng ra vẻ nam tính khoe mẽ mà các cậu mới lớn hay làm bộ khi thực ra trong bụng sợ run như cầy sấy. Tất cả khách nữ đến quán, bất kể tuổi tác, Shawn đều gọi là “nàng ơi”. Và kiến thức âm nhạc của cậu có thể để vừa vào những chỗ còn trống trên một cái thìa cà phê đã xúc đầy đường.
Đó là lý do duy nhất khiến tôi không muốn ghé quán Bailey nữa.
Chân mày Kenny nhướng lên khi anh trông thấy tôi, nụ cười hào phóng giãn ra trên mặt anh.
- A, xin chào quý cô, cô đã trốn đi đâu mà kỹ thế?
Tôi cười đáp lễ.
- Mọi việc ổn cả không ạ?
Anh nhìn về phía quầy bar, chỉ cử động đôi mắt, hướng đến chỗ Shawn đang thể hiện hết mình để gây ấn tượng với hai cô tre trẻ.
- Ờ, không giống như trước nữa, tôi chỉ nói được thế thôi. Cô uống gì nào? Quán mời.
Tôi bật cười.
- Trường hợp này thì xin anh một ly bordeaux đỏ loại ngon nhất.
Kenny đặt một ly thủy tinh lên khăn giấy.
- Rượu Château Bathtub cho mademoiselle đây.
Anh lấy cho tôi đĩa lạc. Tôi tách một hạt và ném vỏ về phía anh, Kenny liền tạt bay nó đi.
- Dạo này anh có nói chuyện với Mac không? - Tôi cố nói giọng bình thường như mọi khi, chăm chú tách vỏ lạc hơn.
- Mới nói cách đây mấy hôm. Hình như hôm thứ Năm. Cậu ấy gọi điện hỏi thăm. Tôi bảo sẽ chuyển lời đến cô nếu thấy cô tái xuất. - Anh lấy ly ra khỏi khay máy rửa bát đĩa, treo phần đế ly lên giá ở phía sau quầy bar.
Tôi nhấp một ngụm rượu, vẫn ngồi trên ghế nhưng xoay người nhìn quán.
- Tối thứ Bảy mà hơi yên tĩnh nhỉ.
Kenny nhún vai.
- Các ngày trong tuần thì vẫn bình thường, nhưng các khách quen đến vào cuối tuần để nghe nhạc Mac bật đã phát hiện ra rằng Ngài Sành Điệu, - Kenny kẽ nghiêng đầu về phía Shawn - có kho kiến thức hết sức ấm ớ về âm nhạc. Ban nhạc rock Twisted Sister được ngài ấy liệt vào hạng đồ cổ. Và có Chúa chứng giám, tôi chẳng nghe nổi. Đành bật đi bật lại hai cái băng cuối của Mac cho đến khi nào mọi người chán ngấy thì thôi. Chắc tôi sẽ phải đặt mua băng ở đâu đó mất.
- Anh ấy sao rồi?
- Mac ấy hả? Ổn cả.
- Anh ấy đang làm gì vậy?
- Mac có kể lể gì nhiều đâu. Chắc phần nhiều thời gian cậu ấy làm ở chỗ của Bensinger.
Tôi ăn thêm lạc và uống chút nữa, rồi hỏi tiếp:
- Mac có nói gì đến chuyện mùa thu sẽ quay lại đây không anh?
Kenny lắc đầu.
- Cậu ấy không quay lại đâu. - Anh bắt đầu xếp ly bẩn vào cái khay vừa dọn sạch.
- Anh nghĩ anh ấy sẽ không quay lại ạ?
- Cậu ấy bảo tháng Chín sẽ lái xe đi Alaska. Cô biết đấy, Mac vẫn luôn muốn đi Alaska mà.
Tôi xé một góc ẩm trên khăn giấy, vo lại thành viên nhỏ.
- Anh ấy có số điện thoại hay gì đó khác không ạ?
Kenny cười với tôi, khóe miệng thoáng nét thương cảm.
- Không. Có một số liên lạc khẩn cấp, nhưng chỉ là gọi thông qua một đại lý cho thuê nhà. Cô có cần không? Hay có muốn tôi nói gì nếu lần sau cậu ấy gọi không?
Tôi nghĩ chừng một phút.
- Không ạ, anh chỉ cần nói với Mac là em gửi lời hỏi thăm thôi.
o O o
Dù đã cuối tháng Sáu, trời vẫn lạnh về đêm, đủ để cần phải dùng đến lò sưởi. Tôi nhóm chút gỗ mồi. Lửa bén lên nhanh, tôi mở cửa lò và cho thêm súc gỗ trăn. Chừng một phút, lưỡi lửa lụi đi, như ngấm vào trong, rồi súc gỗ cháy đượm.
Vậy rút cục Mac sẽ đi Alaska. Tôi lục hộp băng, tìm cuộn băng cuối cùng anh đưa cho tôi. Vẫn chưa bật lần nào. Tôi xoay vỏ băng, đọc chữ trên tấm nhãn và phải mỉm cười. Tên bài hát, nghệ sĩ, hãng thu âm, và thời gian chạy băng, tất cả tỉ mẩn cho từng ca khúc. Tôi thả nó trở lại hộp băng và lấy bản giao hưởng số 40 cung son thứ của Mozart ra. Tôi luôn rất thích bản đó.
Tôi nằm xuống đệm, kéo chăn trùm kín, mệt mỏi nhưng không buồn ngủ. Qua cửa kính trên lò sưởi, những đốm lửa nhỏ vờn trên gỗ trông giống như ta đang liếm kem ốc quế. Chẳng có vẻ gì là gỗ đang cháy, cho đến khi ta nhận ra nó đã thành tro trắng như giấy tự bao giờ.
o O o
Tháng Bảy. Toulouse hứng chịu đợt sóng nhiệt mạnh nhất trong vòng mấy năm trở lại. Lò bánh, tất nhiên, nóng như địa ngục. Phillipe và Yvon mặc quần soóc và cởi trần, nhưng tôi không thể làm như vậy được. Tôi mặc quần yếm bằng vải cô-tông trắng và áo phông cộc tay. Tóc cuốn hết lên, buộc một cái khăn dấp nước lạnh ra ngoài. Cái khăn thường ướt trong khoảng chưa đến ba mươi phút, nước dần bay hơi hết, sau đó là mồ hôi thấm ra. Cả ngày làm việc chúng tôi uống hàng lít nước. Khi ấy tôi ngỡ như mình sẽ mất luôn cảm giác thế nào là mát.
Một buổi sáng, tôi đến hiệu boulangerie từ sớm, thấy Jean-Marc đang xếp bột nhào vào lò. Tôi cứ đứng trên ngưỡng cửa fournil nhìn anh làm. Jean-Marc mặc như mọi ngày, quần trắng, sơ-mi trắng, tạp dề trắng, và chẳng màng đến mồ hôi liên tục túa ra khi anh làm việc sát bên lò nướng nóng rực. Miếng bột nhào cuối cùng được xếp vào, anh đóng cánh cửa lò nặng nề và quay lại.
- Bon matin*, Wynter. - Anh nói như đã biết tôi đứng đó từ bao giờ.
- Bon matin, anh Jean-Marc.
Chưa đến sáu giờ sáng, tôi chực muốn héo rũ ra vì quá ngột ngạt. Anh ra hiệu bảo tôi ra cửa sau. Ở hẳn ngoài ngõ mà cũng bức bối. Không chút gió thoảng. Tôi dựa đầu vào tường, khẽ nhắm mắt.
- Nóng hơn cả thế giới bên kia ạ. - Tôi cố nói một câu thành ngữ tiếng Pháp.
Jean-Marc mỉm cười, lau mặt bằng cái khăn trắng và nói:
- Ừ, đúng rồi. Nhưng lửa làm nên bánh mì, Wynter ạ.