Nguyên tác: Peste Et Choléra
Số lần đọc/download: 1280 / 46
Cập nhật: 2017-05-20 08:52:16 +0700
Trường Chinh
O
tuổi hai mươi chín, Yersin muốn quên khoa học, hết rồi, vi khuẩn học, nghiên cứu, anh đã thay đổi cuộc đời, đã chọn biển, anh đã biết đến niềm hạnh phúc của bờ kè và cần cẩu, những lần lên tàu lúc bình minh, những chuyển động của tàu thuyền, tiếng hát tối tối trên những con sóng vàng mềm mại của xứ Á châu. Nhưng mới đi thuyền được hai năm, anh đã thấy chán. Dù thích sự chính xác trong ngôn ngữ hàng hải và cảnh tất bật của những cảng biển to lớn mà Cendrars (Blaise Cendrars (1887-1961), nhà văn người Thụy Sĩ nhập tịch Pháp rất nổi tiếng với những cuốn tiểu thuyết kể về cuộc đời lông bông khắp thế giới của mình), một người Thụy Sĩ khác, sẽ miêu tả, nhưng anh không hình dung được là mình làm đến già trên đài chỉ huy như ông thuyền trưởng Flotte chất phác. Anh gửi đơn xin tạm nghỉ việc tới Hãng Đường biển. Đơn được chuẩn y. Thế là anh vừa thoát khỏi Viện, vừa thoát khỏi Hãng.
Ở bất kỳ một công việc nào người ta có lẽ cũng chê anh là bất ổn. Anh để lại sau lưng các công trình về bệnh ho lao và bạch hầu. Anh là một nhà bác học được chính Pasteur đào tạo, một bác sĩ trên tàu tuyệt hảo. Người ta bớt quấy rầy anh, vậy là Yersin thắng rồi.
Giờ đây hoàn toàn làm chủ thời gian, anh rời Sài Gòn đến sống hẳn ở Nha Trang, trước hết cho dựng một ngôi nhà bằng gỗ trên Xóm Cồn, mở ra ở đó một dạng phòng khám. Bác sĩ Năm là bác sĩ Tây đầu tiên của cả vùng. Giờ đấy không còn nguồn thu nhập nào nữa, anh tìm cách, tuy chẳng mấy tin tưởng, thiết lập chế độ khám bệnh trả tiền đối với những người có máu mặt đủ phương tiện chi trả, tiếp tục chữa bệnh không lấy tiền cho người nghèo, nhưng lại không phân biệt được hai hạng người, và vẫn tiếp tục luyện tập điền dã.
Anh đi hàng trăm cây số trong các vùng đồi núi, vào ở trong các ngôi làng người Mọi, học chút ít ngôn ngữ của họ, thực hành săn bắn và y khoa ở chỗ họ. Anh tính rỗi một ngày sẽ tổ chức các chiến dịch tiêm phòng vắcxin, học cách sử dụng giáo và nỏ, đổi lại thì dạy họ sử dụng như trong ảo thuật con dao Thụy Sĩ nhiều lưỡi của mình, và thỉnh thoảng qua Nha Trang. “Bệnh nhân An Nam từ khắp nơi đổ về đây, những lúc con không đi chơi đâu đó. Nói cho đúng, họ lợi dụng hiểu biết khoa học của con, nhất là những lúc, để trả tiền con, họ lại thân ái đánh cắp ví của con. Nhưng biết làm sao bây giờ, trong óc họ, ăn cắp tiền của một người Pháp là một hành động tốt. Vả lại, người Pháp đến xứ Đông Dương này để làm gì đây, nếu không phải là ăn cắp của người An Nam?”
Trước khi món tiền tiết kiệm còm cõi bay hơi hết, anh mua trang thiết bị, lên kế hoạch cho chuyến đi thực thụ đầu tiên. Sau biển, rồi rừng quang, anh muốn đi xuyên rừng rậm, trèo lên những ngọn núi mỗi lúc một cao hơn. Không có tờ giấy công lệnh nào, nhưng anh lại có được sự trợ giúp của người Mọi, họ nhận lời dẫn đường cho anh ở các chặng đầu. Anh muốn từ Nha Trang và Biển Đông, đi qua dãy núi Trường Sơn để tới được sông Mê Kông ở phía bên kia. Người ta sẽ không sớm gặp lại anh, cũng có thể chẳng bao giờ nữa. Anh mang theo một phiên dịch và năm người để mở đường. Anh đeo trên người những túi da đựng thời kế dùng đi biển và máy kinh vỹ. Trên lưng anh là một khẩu Winchester, để săn bắn, anh hy vọng thế. Anh đã mua mấy con ngựa và hai con voi, lên đường đi về hướng Tây Bắc. Mỗi chặng sẽ tương đương với ba tiếng cuốc bộ.
Lần này, anh tiến thẳng về phía trước, cấm mình quay trở lại. Cưỡi ngựa là cách tốt nhất để tránh lũ đỉa, cho ngựa đi trên các lối nhỏ, rồi cầm cương dắt vì đâu còn lối nữa. Đi theo sau là mấy con voi nặng nề, và với chúng thì cán phát quang những rặng tre và bụi rậm. Các chiến binh Mọi đã quay về từ lâu. Bám trên quần áo anh là những loài côn trùng mà ngay cha anh cùng chưa từng biết đến. Tối tối, họ dùng một chút rượu gạo cho lên tinh thẩn, đốt lửa, mắc màn, thổi sáo. Hôm sau, khi lại gần một ngôi làng, khác hẳn với Mayrena tức Marie Đệ Nhất thường chia đạn chì cho dân, họ tặng thuốc mỡ và ký ninh. Kiểm kê xong, các dụng cụ và thiết bị chụp ảnh được gói ghém lại thật cẩn thận, bọc trong vải bạt để khỏi bị mưa. Họ dập than và chất đồ lên lưng voi. Cứ thế họ thẳng tiến. Tới các vùng đất còn chưa có tên thuộc những tộc người hung tợn, không có đàn violon cũng không có thư alexandrin. Họ tiến lên theo hướng kim la bàn hàng hải. Cuối cùng cũng giống cuộc đời thực sự tự do và vô tư. Mở đường, vạch lối đi về phía chưa biết, nêu không phải là về phía Thượng đế hoặc bản thân mình. Bí hiểm nho nhỏ nực cười về chính mình. Cái mà người ta đã không thể giải được trong một nhà thờ Tin Lành mờ tối ở bang Vaud.