Where the sacred laws of honour are once invaded, love makes the easier conquest.

Addison

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Walden
Dịch giả: Hiếu Tân
Biên tập: Yen Nguyen
Upload bìa: Yen Nguyen
Số chương: 20
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 32
Cập nhật: 2023-06-22 21:34:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
16.Đầm Trong Mùa Đông
au một đêm mùa đông êm ả tôi thức dậy với cảm giác có một số câu hỏi được đặt ra với mình, mà tôi đã cố gắng hoài công để trả lời trong giấc ngủ: cái gì-như thế nào-bao giờ-ở đâu? Nhưng có một Thiên nhiên sơ khai mà tất cả các tạo vật sống trong đó, nhìn vào những cửa sổ rộng của tôi với gương mặt trong sáng và thỏa mãn, và trên môi nàng không có câu hỏi nào cả. Tôi thức dậy trước một câu hỏi đã được trả lời, cùng với Thiên nhiên và ánh ngày. Tuyết phủ sâu trên mặt đất điểm những cây thông non, và chính sườn đồi trên đó có nhà tôi, dường như nói: Tiến lên. Thiên nhiên không đặt ra câu hỏi nào và không trả lời những câu hỏi mà chúng ta đặt ra. Nàng đã có giải pháp của nàng từ lâu. "Ôi hoàng tử, những con mắt của chúng tôi chiêm ngưỡng và chuyển vào linh hồn cảnh kì diệu và muôn hình muôn vẻ này của vũ trụ. Màn Đêm chắc chắn che đi một phần sáng tạo huy hoàng này; nhưng ngày đến vén lên cho chúng tôi tác phẩm vĩ đại này, mở ra từ đất và lên đến tận những bình nguyên cao thẳm" [494].
Rồi đến công việc buổi sáng của tôi. Đầu tiên tôi lấy một cái rìu và một cái xô đi kiếm nước, nếu đó không phải là một giấc mơ. Sau một đêm lạnh và mưa tuyết, cần có một chiếc cần ma thuật mới làm được việc này. Mỗi mùa đông bề mặt ở thể lỏng và rung động của đầm, nhạy cảm với từng hơi thở và phản ánh mọi ánh sáng và bóng tối, biến thành thể rắn sâu đến một foot rưỡi, có thể đỡ được sức nặng cả một đoàn người, và đôi khi tuyết phủ dày tương đương, không thể phân biệt nó với bất kì cánh đồng phẳng nào. Giống như những con macmôt (chuột chũi) trên các quả đồi xung quanh, nó khép các mi mắt và ngủ vùi đến ba tháng hoặc hơn. Đứng trên bình nguyên tuyết phủ đó, như thể trên một đồng cỏ giữa các quả đồi, tôi đi tắt trước hết qua một foot tuyết rồi một foot băng, và mở một hố dưới chân, ở đó, quỳ xuống uống nước, tôi nhìn xuống đàn cá lặng lờ, tràn ngập một ánh sáng dịu như nhìn qua kính cửa sổ, với nền cát sáng giống như trong mùa hè; ở đó ngự trị một sự tĩnh lặng vĩnh cửu như bầu trời màu hổ phách lúc chạng vạng, phù hợp với sự điềm tĩnh đến bình thản của các cư dân. Bầu trời dưới chân chúng ta cũng trong sáng như trên đầu chúng ta.
Sáng sớm, khi mọi vật còn tê cứng vì sương giá, nhiều người đã đến với bộ đồ câu và bữa trưa đạm bạc, và thả sợi cước mảnh xuống qua lớp tuyết để câu cá chó đen và cá pecca; những con người hoang dã, theo các tập quán khác một cách bản năng và tin những thẩm quyền khác hơn là những người đồng hương của mình, và bằng cách đi và đến, gắn kết các thành phố lại với nhau ở những nơi chúng bị tách ra. Họ ngồi ăn bữa trưa trong áo khoác len dày, trên những lá sồi khô bên bờ đầm, thông thái những tri thức tự nhiên như người thành thị thông thạo các tri thức nhân tạo. Họ không bao giờ tra cứu sách vở, họ biết và nói ít hơn làm. Những việc họ làm thực tế nghe nói còn chưa ai biết. Đây là một người câu cá chó đen với cá rô làm mồi. Bạn nhìn vào xô của gã ngạc nhiên như nhìn vào một cái đầm mùa hè, như thể gã giữ mùa hè ở nhà, hay biết nó đã rút lui ở chỗ nào. Trời đất! Làm thế nào mà gã có được những thứ này vào giữa mùa đông? Ô, gã kiếm giun từ những cây gỗ mục từ khi mặt đất đóng băng. Chính cuộc sống của gã lặn sâu vào trong thiên nhiên hơn cả những nghiên cứu của nhà tự nhiên học, bản thân gã là một đối tượng của nhà tự nhiên học. Nhà tự nhiên học dùng dao nhẹ nhàng cậy rêu và vỏ cây để tìm sâu; còn gã thì dùng rìu bóc các thân cây đến tận lõi, làm cho rêu và vỏ cây văng ra xa. Gã kiếm sống bằng việc bóc vỏ cây. Một con người như thế có thứ quyền năng nào đó với cá, và tôi thích nhìn quy luật tự nhiên diễn ra trong gã. Con cá rô nuốt con dòi, con cá chó đen nuốt con rô, và người đánh cá nuốt con cá chó đen, và tất cả những kẽ hở của tồn tại được lấp đầy.
Trong tiết trời mù sương, lang thang quanh đầm đôi khi tôi thích thú nhìn những cung cách nguyên thủy mà một người đánh cá thô kệch áp dụng. Có lẽ ông ta đã gác những cành tổng quán sủi trên miệng những hố nhỏ trên băng, cách nhau khoảng hai chục mét, và cách đều bờ đầm, và sau khi buộc một đầu dây vào gậy để phòng nó bị kéo đi, vắt sợi dây lỏng qua một cành tổng quán sủi, cách mặt băng khoảng hơn một foot, để nhận biết khi có cá đớp mồi. Những cây tổng quán sủi hiện ra lờ mờ trong sương ở những quãng cách đều nhau khi ta bước gần đến đầm.
Ôi những con cá chó đen của Walden! Khi tôi thấy chúng nằm trên băng, hoặc trong một hố mà người đánh cá đã đục trong lớp băng, làm một lỗ nhỏ để đưa nước vào, tôi luôn luôn ngạc nhiên vì vẻ đẹp hiếm hoi của chúng, như thể chúng là những con cá thần thoại, vô cùng lạ lẫm với các đường phố, thậm chí với rừng, lạ lẫm như người Arập trong cuộc sống Concord của chúng ta. Chúng có một vẻ đẹp chói lọi và siêu phàm, hoàn toàn cách biệt với những con cá tuyết, cá thu nhợt nhạt như xác chết mà tiếng tăm rầm rộ trên những đường phố của chúng ta [495]. Chúng không xanh như thông, không xám như đá, không xanh trong như bầu trời; nhưng trong mắt tôi chúng có những màu sắc hiếm hoi hơn, giống như hoa và đá quý, như thể chúng là những viên ngọc trân châu, những hạt nhân (nuclei) đã hóa thành động vật, hay những tinh thể pha lê của nước đầm Walden. Tất nhiên chúng là Walden từ đầu đến chân, bản thân chúng là những Walden thu nhỏ trong vương quốc động vật, những Waldenses [496]. Thật lạ là sao chúng lại bị bắt ở đây, trong cái nguồn nước sâu và rộng mênh mông này, xa bên dưới những đoàn ngựa, những cỗ xe ngựa và xe trượt tuyết leng keng trên đường Walden, con cá vàng ngọc tuyệt vời này bơi lội. Tôi chưa bao giờ thấy loại cá này trong bất kì chợ nào; nó chắc phải thu hút sự chú ý của mọi con mắt. Dễ dàng, với một cú oằn mình, chúng trút bỏ linh hồn đẫm nước của chúng giống như một người biến trước thời hạn vào tầng không khí loãng trên trời.
Vì tôi khao khát tìm lại đáy đầm Walden đã mất từ lâu, tôi khảo sát nó kĩ lưỡng, trước khi băng tan, đầu năm 1846, với la bàn, thước dây, và dây đo chiều sâu. Đã có nhiều câu chuyện kể về đáy, hay đúng hơn về sự không đáy của cái đầm này, những câu chuyện chắc chắn không có cơ sở. Có điều lạ là người ta tin vào sự không-đáy của một cái đầm lâu đến thế mà không chịu khó thăm dò nó. Tôi đã đến thăm hai cái Đầm Không-đáy như vậy trong một cuộc đi bộ quanh vùng này. Nhiều người tin rằng Walden xuyên tới phía bên kia của trái đất. Có người nằm trên băng một thời gian dài, nhìn xuống qua lớp nước lung linh gây ảo giác, thêm vào đó đôi mắt đẫm nhòe nước và do sợ bị nhiễm lạnh, đã rút ra những kết luận vội vã rằng đã nhìn thấy những cái lỗ to tướng mà "cả một chiếc xe chở cỏ khô có thể chui qua", chắc chắn là bắt nguồn từ con sông Styx [497] và lối vào Địa ngục là từ những chỗ này. Những người khác từ trong làng tới với một trọng vật năm mươi sáu pound và một xe ngựa chất đầy dây thừng một inch, nhưng cũng chẳng thấy cái đáy nào cả; vì trong khi "trọng vật" kia còn đang nghỉ đâu đó giữa đường, thì họ thả dây thừng trong một cố gắng vô vọng thăm dò chiều sâu của cái khả năng tưởng tượng thật sự mênh mông vô hạn của họ. Nhưng tôi có thể bảo đảm với bạn đọc rằng Walden có một cái đáy khá chắc ở một chiều sâu dù không bình thường nhưng không phải là vô lí quá đáng. Tôi dễ dàng thăm dò nó bằng dây và một hòn đá nặng khoảng một pound [498] rưỡi, và có thể nói chính xác lúc nào hòn đá rời khỏi đáy, và đã phải kéo hết sức nặng nhọc trước khi nước ở bên dưới đẩy lên giúp tôi. Chiều sâu nhất là một trăm lẻ hai foot (31 mét); có thể cộng thêm năm foot nữa do mức nước dâng lên từ khi đó, thành một trăm lẻ bảy. Đó là một độ sâu đáng kể đối với một diện tích nhỏ như thế, tuy nhiên không thể tuỳ tiện thêm vào một inch bằng tưởng tượng. Sẽ ra sao nếu tất cả các đầm đều nông cạn? Liệu điều đó có tác động vào tâm trí con người không? Tôi thấy biết ơn vì cái đầm này được làm sâu và trong để thành một biểu tượng. Khi tin vào tính vô hạn thì người ta sẽ nghĩ một số cái đầm là không đáy.
Một ông chủ xưởng máy khi nghe nói về chiều sâu của cái đầm mà tôi đã tìm ra thì cho rằng nó không thể đúng, vì xét theo những cái đập mà ông ta biết, cát không thể nằm trong một độ dốc đứng như vậy được. Nhưng những cái đầm sâu nhất không sâu trong tương quan với diện tích như phần lớn người ta tưởng, và, nếu xả hết đi, sẽ không để lại những thung lũng hết sức ngoạn mục. Chúng không giống những chiếc cốc giữa các quả đồi; vì cái đầm này, tuy sâu một cách bất thường như thế nhưng so với diện tích của nó, trong một mặt cắt thẳng đứng qua tâm của nó xem ra không sâu hơn một cái đĩa nông. Phần lớn những cái đầm, nếu hết nước, sẽ để lại một đồng cỏ không trống hơn chúng ta thường thấy. William Gilpin [499], người đáng ngưỡng mộ trong tất cả những gì liên quan đến các phong cảnh, và thường là đúng, đứng ở đầu Loch Fyne, ở Scotland, mà ông mô tả như "một vịnh nước mặn, sâu sáu mươi hoặc bảy mươi fathom [500], rộng bốn dặm", và dài khoảng năm mươi dặm, có những rặng núi bao quanh, nhận xét, "nếu chúng ta có thể nhìn thấy nó ngay sau trận sụt lở, hoặc bất kì chấn động nào của thiên nhiên đã tạo ra nó, trước khi nước phun ra, thì nó hiện ra như một khe vực khủng khiếp biết nhường nào!".
"Những quả đồi nhô lên thật cao
Một cái đáy trũng, sâu và rộng, thụt xuống thật thấp,
Cái đáy mênh mông của những song hồ” [501].
Nhưng nếu lấy đường kính ngắn nhất của Loch Fyne, và áp dụng những tỉ lệ ấy cho Walden, mà như chúng ta đã thấy, ngay trong một mặt cắt đứng đã có vẻ như một cái đĩa nông, thì Walden sẽ còn nông hơn bốn lần. Nỗi khủng khiếp tăng lên rất nhiều khi những kẽ nứt của Loch Fyne trống rỗng. Chắc chắn nhiều thung lũng sẽ vui mừng hớn hở với những cánh đồng ngô trải dài của nó lấp đầy một "kẽ nứt khủng khiếp”, từ đó nước đã rút xuống, mặc dù để thuyết phục cho các cư dân khỏi nghi ngờ về sự thật này cần đến sự sáng suốt nhìn sâu và nhìn xa của nhà địa chất. Một con mắt hay tìm tòi có thể phát hiện ra những bờ của một cái hồ nguyên thủy nằm trong vùng đồi thấp, và để che giấu lịch sử của chúng không cần đến bình nguyên cao lên sau đó. Nhưng dễ thấy nhất là vũng nước sau một trận mưa rào, mà những người làm việc trên đường cái đều biết, vấn đề là trí tưởng tượng, chỉ cần cho nó tự do tối thiểu, là nó lặn sâu hơn và vọt lên cao hơn bản thân Thiên nhiên. Như vậy, ta có thể thấy độ sâu của đại dương là rất không đáng kể so với bề rộng của nó.
Khi nghe qua lớp băng tôi có thể xác định hình dạng của đáy với độ chính xác lớn hơn khi đo những vịnh không bị đóng băng, và tôi ngạc nhiên về địa hình bằng phẳng của nó. Trong phần sâu nhất rộng nhiều acre nó bằng phẳng hơn mọi cánh đồng phơi ra dưới mặt trời, chịu nắng, gió và bị cày xới. Trong một lần đo trên một đường chọn ngẫu nhiên, độ sâu biến thiên không quá một foot trong ba mươi rod, và nói chung, ở gần giữa, tôi đo được sự thay đổi độ sâu của mỗi trăm foot, theo hướng bất kì, chỉ trong vòng ba hoặc bốn inch. Một số người quen nói về chiều sâu và những hố nguy hiểm ngay cả trong những cái đầm cát yên lặng như thế này, nhưng tác động của nước trong những điều kiện ấy đã san bằng mọi chỗ lồi lõm. Sự bằng phẳng của đáy và sự phù hợp của nó với những bờ và những dãy đồi lân cận hoàn hảo đến mức một mũi đất ở xa lộ ra trong một phép đo độ sâu tiến hành từ phía bên kia đầm, và có thể xác định hướng của nó bằng cách quan sát bờ đối diện. Mũi đất trở thành dải đất dài, và đồng bằng thành bãi cát ngầm, thung lũng thành vũng nước sâu, và hẻm núi thành kênh.
Khi lập bản đồ cái đầm với tỉ lệ một inch "ăn" mười rod, và ghi lại các độ sâu, tất cả hơn một trăm, tôi nhận ra sự trùng hợp kì lạ này. Nhận thấy con số chỉ độ sâu nhất nằm gần ở tâm bản đồ, tôi đặt một cái thước kẻ theo chiều dọc rồi theo chiều ngang, và ngạc nhiên thấy đường có chiều dài lớn nhất cắt đường có chiều rộng lớn nhất chính xác ờ điểm có độ sâu lớn nhất, mặc dù ở giữa gần như bằng phẳng, đường bao của đầm hoàn toàn không đều, và đoạn dài nhất và rộng nhất đạt được bằng cách đo ở những chỗ hõm vào; và tôi tự nhủ, ai biết điều gợi ý này lại có thể dẫn đến phần sâu nhất của đại đương cũng như của một cái đầm hay của một vũng nước? Biết đâu quy tắc này lại chẳng áp dụng được cho độ cao của các đỉnh núi, được coi như ngược với các thung lũng? Chúng ta biết rằng một quả đồi không cao nhất ở phần hẹp nhất của nó.
Ba trong năm vũng (hay vịnh nhỏ, phần đầm ăn lõm vào đất) đã được đo độ sâu, đều có một dải đất hẹp vắt qua miệng chúng và bên trong có nước sâu hơn, do đó vũng có vẻ là một phần nước mở rộng ra bên trong đất không chỉ theo chiều nằm ngang mà cả chiều cao, và tạo thành một vịnh nhỏ hay cái đầm độc lập, hướng của hai mũi đất ôm vịnh chỉ vị trí của dải ấy. Mọi bến cảng trên bờ biển cũng có dải đất chắn ngang lối vào của nó như vậy. Về tỉ lệ, vì miệng của vũng rộng hơn so với chiều dài của nó nên nước bên ngoài dải đất sâu hơn so với nước bên trong vũng. Như vậy, biết chiều dài và chiều rộng của vũng, và đặc tính của bờ bao quanh, thì bạn đã có hầu như mọi yếu tố đủ để lập công thức cho mọi trường hợp.
Để thấy với kinh nghiệm này tôi có thể đoán được gần đúng như thế nào điểm sâu nhất trong một cái đầm, bằng cách quan sát đường bao và đặc tính của các bờ của nó, tôi vẽ một bản đồ Đầm Trắng, khoảng bốn mươi mốt acre, và giống như cái này, không có đảo bên trong, cũng không thấy có bất kì nguồn nước nào chảy vào thoát ra, và khi đường chiều rộng lớn nhất (nơi hai vũng đối diện xa nhau nhất) rất gần đường chiều rộng bé nhất (nơi hai mũi đất đối diện gần nhau nhất), và tôi đánh một dấu ngẫu nhiên ghi điểm sâu nhất cách đường thứ hai một khoảng ngắn, nhưng vẫn nằm trên đường có chiều dài lớn nhất. Phần sâu nhất được tìm thấy trong vòng một trăm foot tính từ đó, ở xa hơn theo hướng mà tôi dự đoán, và chỉ sâu hơn một foot, tức là sáu mươi foot. Tất nhiên nếu có một dòng nước chảy vào hay thoát ra, hay một hòn đảo trong đầm, thì bài toán sẽ phức tạp hơn nhiều.
Nếu biết mọi quy luật của Tự nhiên, chúng ta chỉ cần một sự kiện, hoặc mô tả của một hiện tượng có thực, để suy ra tất cả các kết quả cụ thể tại điểm đó. Bây giờ chúng ta mới chỉ biết một ít quy luật, và kết quả của chúng ta không có giá trị, không phải bởi sự lộn xộn và thất thường trong thiên nhiên, mà bởi chúng ta mù tịt về những yếu tố then chốt trong bài toán này. Những khái niệm của chúng ta về quy luật và sự hài hòa nói chung bó hẹp trong những trường hợp mà chúng ta khám phá; nhưng sự hài hòa tạo ra bởi một số lượng lớn hơn nhiều của những sự kiện tưởng như mâu thuẫn nhưng thật ra là hòa hợp, những quy luật mà chúng ta chưa khám phá ra, còn kì diệu hơn nhiều. Những quy luật đặc thù là những điểm nhìn của chúng ta, như đối với người khách bộ hành, đường bao của một dãy núi biến đổi với từng bước đi, và trông nghiêng nó có vô số các biến thể, nhưng thật ra chỉ có một hình dạng. Thậm chí khi xẻ ra hoặc khoan xuyên qua, chúng ta không nhìn nó trong tính toàn vẹn của nó.
Những gì tôi quan sát được về cái đầm này không kém đúng đắn trong lĩnh vực đạo đức. Đó là luật trung bình. Với một quy tắc như thế về hai đường kính chúng ta không chỉ tìm thấy mặt trời trong hệ thống hành tinh và trái tim trong thân thể con người, mà khi kẻ những đường thẳng qua chiều dài và chiều rộng của tập hợp những hành vi đặc thù hằng ngày của một con người và những làn sóng của cuộc sống, thấy được những cái vịnh (những góc khuất) và những nguồn nước vào của anh ta, và ở nơi giao nhau của chúng bạn tìm ra chiều cao hay chiều sâu của tâm hồn anh ta. Có lẽ chúng ta chỉ cần biết những bờ của anh ta hướng về đâu và miền tiếp giáp hay những hoàn cảnh của anh ta, để suy ra chiều sâu và cái đáy bị che giấu của anh ta. Nếu anh ta bị hoàn cảnh là những núi non bao quanh, thì một bờ Achilles [502], những đỉnh cao của nó che bóng và được phản chiếu trong ngực anh ta, chúng gợi nghĩ đến một độ sâu tương ứng trong anh ta. Nhưng một bờ thấp và thoải chứng tỏ anh ta nông cạn ở phía đó. Trong thân thể chúng ta một cái trán dô bướng bỉnh gợi nghĩ đến một chiều sâu tư duy tương ứng. Ở lối vào mỗi cái vịnh, hay khuynh hướng, của chúng ta cũng có một dải đất vắt ngang, mỗi dải là bến cảng của chúng ta trong một thời, chúng ta bị kẹt trong đó và phần nào bị đất bao quanh. Những dải đất này thông thường không phải là ngẫu nhiên, mà hình dạng, kích thước và hướng của chúng được xác định bởi địa hình và cấu tạo địa chất của bờ. Khi dải đất ấy do bão, thủy triều, hay những dòng chảy mà dần dần lớn lên, hoặc do nước rút xuống để nó lộ ra trên bề mặt, nó biến cái vũng lúc đầu chỉ là một chỗ lõm vào trong bờ, tại đó một ý nghĩ nương náu, thành một cái hồ độc lập, bị cắt rời khỏi đại dương, và ý nghĩ ấy tìm được những điều kiện đặc biệt, dưới ảnh hưởng của chúng, thay đổi từ mặn sang ngọt, biến thành một biển ngọt, biển chết, hay một đầm lầy. Một con người bước vào đời giống như một dải đất nổi lên trên mặt nước ở một nơi nào đó. Đúng, chúng ta là những nhà hàng hải tồi đến mức phần lớn những ý nghĩ của chúng ta bay lơ lửng dọc theo một bờ biển không có hải cảng, chúng chỉ quen với những vịnh của thơ ca, hoặc hướng vào những cảng nhập công khai, và đến những ụ tàu khô khan của khoa học, nơi chúng chỉ được tân trang cho hợp với thế giới này, và không có những dòng chảy tự nhiên nào cùng quy tụ lại để cá tính hóa chúng.
Về đường nước vào và ra của Walden, tôi chưa phát hiện ra một lối nào ngoài mưa, tuyết, và bốc hơi, mặc dù có lẽ, với một nhiệt kế và một thước dây, có thể tìm ra một chỗ như thế, vì nơi nào nước chảy vào đầm có lẽ sẽ lạnh nhất trong mùa hè và ấm nhất trong mùa đông. Khi những người thợ đục băng làm việc ở đây trong những năm 1846-1847, những khối băng gửi vào bờ một hôm bị những người xếp chúng thành đống ở đó loại bỏ ra, vì chúng mỏng hơn nên không nằm khít với những tảng còn lại, và nhờ đó những người đục băng phát hiện ra rằng có một chỗ băng mỏng hơn ở những chỗ khác hai ba inch, điều này khiến họ nghĩ rằng có một chỗ có nguồn nước chảy vào đầm. Họ cũng chỉ cho tôi ở một chỗ khác cái mà họ nghĩ là một "lỗ thông" qua đó nước đầm rò qua bên dưới một quả đồi vào một đồng cỏ bên cạnh, họ đẩy tôi bước ra trên một tảng băng để nhìn nó. Đó là một cái hang nhỏ bên dưới mười foot nước, nhưng tôi nghĩ tôi có thể bảo đảm cái đầm này không cần hàn lại cho đến khi họ tìm được một lỗ rò tệ hơn chỗ này. Một người đã gợi ý rằng nếu có thể tìm ra một "lỗ thông" như thế, thì có thể chứng minh nó có thông với đồng cỏ bằng cách thí nghiệm, dùng một ít bột màu hoặc mùn cưa thả vào miệng lỗ, rồi đặt một cái lưới lọc trên một khe nước của đồng cỏ, để đón bắt một số hạt mà dòng chảy mang đến.
Trong khi tôi đang khảo sát, lớp băng dày mười sáu inch bỗng uốn lượn như sóng trước một cơn gió nhẹ. Người ta biết rằng không thể sử dụng một level [503] trên băng. Cách bờ một rod dao động của nó lớn nhất là ba phần tư inch, khi quan sát bằng một level đặt trên bờ hướng vào một thanh gỗ có chia vạch cắm trên băng, mặc dù băng có vẻ gắn chắc với bờ. Ai mà biết dụng cụ của chúng tôi có đủ tinh vi để có thể phát hiện ra một dao động sóng trên vỏ trái đất hay không? Khi hai chân của cái level của tôi đặt trên bờ và chân thứ ba trên băng và ống ngắm hướng về băng, sự lên xuống của băng một lượng vô cùng nhỏ tạo nên sự khác biệt nhiều foot trên một cái cây bên kia đầm. Khi tôi bắt đầu đục các lỗ để thăm dò chiều sâu, có ba hoặc bốn inch nước trên băng dưới một lớp tuyết dày đã làm nó chìm xuống sâu như vậy; nhưng nước ngay lập tức bắt đầu chảy vào những lỗ này, và tiếp tục chảy trong hai ngày thành những dòng sâu, bào mòn băng ở mọi phía, và góp phần đáng kể, nếu không phải chủ yếu để làm khô bề mặt của đầm, vì khi nước chảy vào, nó nâng băng nổi lên. Điều này hơi giống đục một cái lỗ dưới đáy một con tàu để thoát nước ra. Khi những lỗ như thế đóng băng lại, rồi một trận mưa kế tiếp, và cuối cùng một đợt đóng băng mới tạo thành một lớp băng mềm bao bọc tất cả, lốm đốm bên trong rất đẹp bằng những hình sẫm màu, có dạng giống như cái mạng nhện, mà bạn có thể gọi là một đóa hoa hồng bằng băng, bởi những kênh do nước chảy từ mọi phía vào giữa làm mòn băng tạo nên. Cũng có khi băng được bao bọc bằng những vũng nước nông, tôi thấy một cái bóng kép của tôi, cái này đứng trên đầu cái kia, một cái trên băng, cái kia trên các cây hay trên sườn đồi.
Trong khi trời còn lạnh vào tháng Một, và tuyết và băng còn dày và rắn, người chủ đất thận trọng từ làng đến lấy băng mang về để ướp lạnh đồ uống mùa hè của ông ta; thật ấn tượng, thậm chí cảm động, khôn ngoan, khi bây giờ mới là tháng Một, mặc áo khoác dày và đi găng, mà đã nhìn thấy trước cái nóng và cái khát của tháng Bảy! Có lẽ ông ta không cất của cải của mình trong thế giới này, nó sẽ làm mát đồ uống mùa hè của ông ta trong thế giới bên kia [504]. Ông cưa cắt cái đầm rắn, dỡ mái ngôi nhà của cá, và lấy xe ngựa chở đi mất nắng gió và không khí của nó, giữ chặt bằng xích và cọc giống như buộc gỗ bằng dây, qua bầu không khí ưu ái mùa đông, đến những tầng hầm lạnh giá, đặt nó dưới mùa hè ở đó. Khi được kéo qua các đường phố, nhìn từ xa nó như da trời trong xanh đông cứng. Những người thợ đục đá là giống người vui nhộn, đầy những câu và trò đùa, và khi tôi đi lẫn trong số họ, họ thường rủ tôi cùng cưa băng với họ, tôi đứng dưới.
Trong mùa đông 1846-1847, có một trăm người gốc Hyperborea [505] đến đó, tràn xuống đầm của chúng tôi một buổi sáng với nhiều chuyến xe ngựa chở những dụng cụ nhà nông trông quê kệch - xe trượt tuyết, cày, xe cút kít, dao phát cỏ, mai, cưa, cào, và mỗi người được trang bị một cây thương hai mũi, những chuyện này không được mô tả trong Nông dân New England [506] hay Trồng trọt. Tôi không biết có phải họ đến để gieo một vụ lúa mạch đông, hoặc một số giống ngũ cốc khác gần đây được đưa vào từ Iceland hay không. Vì tôi không thấy có phân, nên tôi cho rằng họ định hớt lấy phần ngon của đất như tôi đã làm, vì nghĩ rằng đất sâu và đã bỏ hoang quá lâu ngày. Họ nói rằng một quý ông trại chủ, đứng đang sau việc này, muốn tăng gấp đôi tiền của ông ta, mà như tôi biết, có đến nửa triệu, nhưng để bọc mỗi đồng đô la của ông ta bằng một đồng khác, ông ta đã lột chiếc áo khoác duy nhất, đúng vậy, chính bộ da của Đầm Walden trong sương mù của một mùa đông khắc nghiệt. Ngay lập tức họ lao vào cày, bừa, lăn, xẻ rãnh, theo một trật tự tuyệt vời, như thể họ định làm một cái trại kiểu mẫu; nhưng khi tôi cố nhìn kĩ xem họ gieo loại giống gì vào rãnh, thì một nhóm người bên cạnh tôi bắt đầu cắt đất đến lớp cát, hay đúng hơn, đến nước - vì đất ở đây đẫm nước, như miếng bọt biển - thật ra đây chính là terra firma (đất cứng) [507] và dùng xe trượt tuyết chó kéo chở đi, và khi đó tôi đoán rằng họ đang khai thác than bùn. Họ đến và đi hằng ngày như vậy, từ một nơi nào đó thuộc những vùng cực, tôi đoán thế, với tiếng la inh tai từ đầu máy, như một đàn chim tuyết bắc cực - Nhưng đôi khi mụ già Walden giở ngón trả thù, và một người đàn ông làm thuê, đi theo sau tốp ngựa của mình, trượt xuống một khe núi về phía Tartarus; anh ta vốn người trước đây can đảm bỗng nhiên mất hết cả nhuệ khí, hầu như bỏ mất nhiệt huyết của mình, vui vẻ đến xin trú ngụ trong nhà tôi, và thừa nhận rằng bếp lò cũng có công dụng hay hay. Hoặc có khi đất đóng băng làm gãy cả lưỡi cày thép, hay một cái cày bị kẹt trong rãnh cày và phải được móc ra.
Nói rõ hơn, một trăm người Ai Len cùng với những người Mĩ (Yankee) hải ngoại, đến từ Cambridge để hằng ngày đục lấy băng. Họ cắt băng thành từng khối bằng những phương pháp quá quen thuộc chả cần phải mô tả, và những bánh băng này được xe kéo lên bờ, nhanh chóng được đưa đến một sân băng, rồi được nâng lên bằng những móc sắt, puli và ròng rọc, do ngựa kéo, xếp thành đống chắc chắn như sếp những thùng bột, xếp bằng phẳng bên nhau, hàng này trên hàng khác, như thể chúng tạo nên một cái nền rắn của một hình tháp được thiết kế để chọc thủng các đám mây. Họ kể với tôi rằng trong những ngày đẹp trời họ có thể đục được một ngàn tấn, đó là thu hoạch của khoảng một acre. Băng bị mòn thành những vết lún sâu và những "lỗ rọ" [508] (cradle-holes), như trên terra firma, do xe trượt tuyết chó kéo hằng ngày đi vào đúng vết cũ; và những con ngựa ăn yến mạch của chúng trong những bánh băng được khoét rỗng như những cái gầu. Họ xếp những bánh băng như vậy ngoài trời thành đống cao ba mươi lăm foot mỗi mặt và rộng sáu hay bảy rod vuông, nhét cỏ khô vào giữa những lớp ngoài để khử không khí; vì khi có gió, dù không lạnh lắm, nếu có chỗ lọt qua, nó sẽ xói mòn băng thành những hang lớn, chỉ để lại đây đó những điểm tựa mỏng manh và đôi khi khiến cả đống đổ nhào. Ban đầu đống băng trông giống như pháo đài xanh hay Valhalla [509], nhưng khi họ bắt đầu nhét cỏ khô vào các khe, thì nó phủ đầy sương muối và tua tủa những que băng, giống như một phế tích cổ kính phủ đầy rêu, xây bằng đá cẩm thạch màu da trời, nơi ở của Mùa Đông; một túp lều của ông già mà chúng ta thấy trong Niên giám - như thể ông đã thiết kế ra nó để nghỉ ngơi cùng với chúng ta. Họ tính toán rằng không đến 25% số băng này đến được đích của nó, rằng 2 hay 3% sẽ bị lãng phí trong những chuyến xe. Tuy nhiên, vẫn còn một phần lớn hơn của đống này có một số phận khác, vì, hoặc là băng không được thật tốt như người ta mong đợi, chứa nhiều bọt khí hơn, hoặc vì một số lí do khác, nó không bao giờ đến được thị trường. Đống này, được làm vào mùa đông 1846-1847 với dự tính mười ngàn tấn, cuối cùng được bọc bằng cỏ khô và ván, và mặc dù được dỡ ra vào tháng Bảy và một phần của nó được chở đi, phần còn lại vẫn còn phơi dưới nắng, đứng qua mùa hè và mùa đông kế tiếp, và không hoàn toàn tan chảy cho đến tháng Chín 1848. Như vậy đầm đã giành lại được phần lớn hơn.
Giống như nước, băng ở đầm Walden nhìn gần có màu xanh lục, nhưng ở khoảng cách xa nó có màu xanh da trời đẹp, và bạn có thể dễ dàng phân biệt nó từ băng trắng của sông hay băng ngả xanh lục của những cái đầm, cách xa một phần tư dặm. Đôi khi một trong những bánh băng to ấy trượt khỏi chiếc xe của người thợ đục băng vào đường phố trong làng, và nằm đó hàng tuần giống như một viên ngọc lục bảo khổng lồ, bắt mắt tất cả những khách qua đường. Tôi đã nhận xét rằng một phần của Walden trong trạng thái lỏng có màu xanh lục khi đóng băng thường chuyển thành màu xanh dương từ một điểm nhìn nào đó. Đôi khi trong mùa đông những hố trên bờ đầm đầy nước màu lục hơi giống nước trong đầm, nhưng hôm sau đóng băng đã ngả thành xanh dương. Có lẽ màu xanh dương của nước và băng là do ánh sáng và không khí mà nó chứa, và màu trong trẻo nhất là màu xanh nhất. Băng là vật rất thú vị để ngắm. Có người bảo tôi rằng họ có một số tảng băng để trong những hầm nước đá ở Đầm Fresh năm năm mà vẫn tốt nguyên. Tại sao một gầu nước lại sớm bị hư thối, nhưng băng thì cứ ngọt mãi? Người ta thường nói rằng đó là sự khác nhau giữa tình thương và trí tuệ.
Như vậy trong mười sáu ngày tôi thấy từ cửa sổ nhà tôi một trăm người làm việc như những nông dân bận rộn, với những cỗ xe và ngựa và tất cả những đồ nông cụ, một bức tranh mà ta có thể thấy trên trang đầu Niên giám, và cứ mỗi lần nhìn ra tôi lại nhớ đến một câu chuyện ngụ ngôn về con chim chiền chiện và những người thợ gặt, hay chuyện ngụ ngôn về người gieo hạt, và những chuyện tương tự, và bây giờ họ đi cả rồi, có lẽ trong ba mươi ngày nữa, tôi sẽ nhìn từ cửa sổ nhà tôi ra nước đầm Walden xanh trong màu nước biển ở kia, phản chiếu những đám mây và cây cối, và bốc hơi lên không trung trong trạng thái cô độc, và không nghe thấy một con chim lặn gavia cô độc cười khi nó lặc và tự rỉa lông, hoặc sẽ thấy một ngư ông cô đơn trong chiếc thuyền của ông, giống như một chiếc lá nổi, đang nhìn hình của mình phản chiếu trên sông nước, nơi mới đây hàng trăm con người đã làm việc yên lành.
Như vậy hóa ra những cư dân mệt nhoài vì nóng nực của Charleston và New Orleans, của Madras và Bombay và Calcutta [510] uống nước trong giếng của tôi. Buổi sớm tôi tắm tâm trí của mình trong triết học diệu kì và có tầm vũ trụ của Bhagvat-Geeta [511], biết bao nhiêu năm thần thánh đã trôi qua kể từ khi chúng được trước tác, và so với chúng, thế giới hiện đại của chúng ta và nền văn học của nó xem ra thật nhỏ nhoi và xoàng xĩnh; và tôi tin rằng triết học đó phải được quy vào một trạng thái tồn tại trước, tính siêu phàm của nó sao mà quá xa vời với những quan niệm của chúng ta. Tôi đặt sách xuống và ra giếng lấy nước, và kìa, ở đó tôi gặp một người đầy tớ của Bramin, thầy tế của Brahma và Vishnu và Indra [512] còn đang ngồi trong ngôi đền của mình ở sông Hằng [513], đọc kinh Vệ Đà, hay ngụ trong một gốc cây với vỏ bánh và vò nước của ông. Tôi gặp người đầy tớ đang lấy nước cho chủ và những gầu nước của chúng tôi va vào nhau trong cùng một cái giếng. Nước trong lành của Walden hòa trộn với nước thiêng của sông Hằng. Với những ngọn gió ân tình nó được đưa đi qua những hòn đảo huyền thoại của Đại Tây Châu [514] và Hesperide [515] theo hành trình của Hanno [516], và trôi bên các đảo Temate và Tidore [517] và cửa Vịnh Ba Tư, tan ra trong cơn gió mạnh nhiệt đới của các biển Ấn Độ, và đậu trên những bến cảng mà chỉ có Alexander [518] từng nghe tên.
Walden - Một Mình Sống Trong Rừng Walden - Một Mình Sống Trong Rừng - Henry David Thoreau Walden - Một Mình Sống Trong Rừng