A good book is always on tap; it may be decanted and drunk a hundred times, and it is still there for further imbibement.

Holbrook Jackson

 
 
 
 
 
Tác giả: Ngô Thế Vinh
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Bach Ly Bang
Số chương: 20
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2795 / 65
Cập nhật: 2015-08-03 19:53:01 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 17
ôi không bỏ lỡ dịp để gặp và tìm hiểu thêm về tướng Thuyết khi được biết cái viễn tượng sẽ trở về cao nguyên của ông. Sau vụ chỉnh lý, như một người hùng tướng Thuyết trở lại Đà Nẵng, ở đó ông đã đi thêm một bước nữa và thành công: các đội DSCĐ tại mấy trại LLĐB gần Đà Nẵng trên hình thức đã bị đồng hoá vào lực lượng Nghĩa quân mặc dù gặp rất nhiều khó khăn về tiếp vận do áp lực của bộ Tư lệnh Mỹ. Ở lần gặp gỡ trong Sài Gòn, tướng Thuyết đã không giấu nổi vẻ kiêu hãnh sung sướng khi tôi nhắc lại dư luận cho rằng ông là một yếu tố cần thiết cho sự ổn định cao nguyên. Chính ông cũng bày tỏ sự tha thiết và ước muốn trở lên đó khi vùng địa đầu này có người thay thế và ông cũng tỏ vẻ buồn rầu về cái sự thể không thể thay thế được của mình. Người Mỹ cũng thấy ông là người duy nhất ở giai đoạn hiện tại có thể giữ vững miền Trung và hậu thuẫn lớn nhất mà ông có được là thái độ hoà hoãn của Phật giáo. Từ Sài Gòn đã có tin đồn mấy hôm trước Huế trở lại rục rịch. Tôi theo chân phái đoàn chánh phủ ra Huế trong nỗi e ngại chờ đợi đó. Dù vậy tôi vẫn tin theo nhận định của bác sĩ Ross, là Huế khó có những dao động trở lại sau ngày ra đi của nhà sư Pháp Viên, linh hồn của mọi cuộc tranh đấu. Không phải lần thứ nhất tới Huế nhưng thành phố đó sau này đã có một cái gì đổi khác. Từ cửa sổ máy bay nhìn xuống, Huế như một ốc đảo cô quạnh giữa một dải Trường Sơn đầy sỏi đá. Vài ngọn núi đất râát thấp và dải sông Hương trắng nước chảy lặng lờ. Nơi mấy trăm năm ngự trị của cả một triều đại với sự nghiệp không mấy lẫy lừng ở đó. Mang tiếng là kinh đô nhưng lại rất bất tiện về địa thế, khó khăn về giao thông. Tóm lại ngoài cái di tích của lịch sử thì đó là một thành phố không có tương lai, không có giá trị về chiến lược, không khả năng về kinh tế nhưng bởi nhiều tự ái người ta khoác thêm cho nó chiếc áo gấm văn hoá. Các đại học mọc lên như nấm, thành phố chỉ gồm những công chức và sinh viên. Số sinh viên gia tăng đông đảo và ứ đọng với sự học của họ ngay nơi quê nhà. Văn hoá là một trách nhiệm mỏi mệt và quá lâu dài trong khi chiến tranh làm họ hết kiên nhẫn. Từ văn hoá thầm lặng chuyển qua cách mạng sống động chỉ còn là một bước ngắn, những bước từ giảng đường trầm tĩnh xuống những con phố huyên náo để la hét với nhiều vẻ đấu tranh và ít phần trách nhiệm cũng từ đó.
Chiếc Cessna hạ êm ru trên một nửa phi đạo nhỏ hẹp. Che lấp ở phía xa ngăn cách với thành phố là bức tường thành phủ xám rêu phong. Xe đưa chúng tôi ra khỏi giới hạn khu quân sự, sau đó tôi tự đi bộ về khu sinh hoạt của thành phố. Sự vắng lặng thật sâu thẳm, ngào ngạt gió từ hồ đưa lên hương thơm của những bông sen, lẫn với mùi trầm hương của nơi am thanh cảnh vắng. Cũng như cái triết lý nhu hoà của đạo Phật, cái vắng lặng thâm u của Huế không phải là quê hương thích nghi của những quá khích tranh đấu. Hình như có một sự khác biệt rất xa giữa thực trạng ở đây và các tin tức thổi phồng trên báo chí. Qua những tuần gọi là tranh đấu, Huế vẫn có một khuôn mặt sinh hoạt bình thường ngoại trừ những biểu ngữ khẩu hiệu đã treo dán rải rác, các chữ bãi khoá bãi thị kẻ sơn còn lưu vết trên nền tường. Các cô nữ sinh Đồng Khánh đã lại tóc thề áo dài trắng tới trường đi học. Ở một ngã tư người cảnh sát chờ mong có xe cộ chạy qua để làm nhiệm vụ chỉ đường. Nơi bến Toà Khâm trước khu Đại học, các tàu há mồm của Mỹ đang đổ lên bến chồng chất những thực phẩm và đạn dược, đám trẻ con xúm quanh đùa giỡn với mấy anh lính Thuỷ quân Lục chiến Mỹ. Dấu vết của những ngày mà báo chí mệnh danh là máu lửa chỉ có vậy. Công việc đầu tiên của tôi là tới bưu điện gửi một điện tín về toà báo và tôi cũng gặp Vy ở đó. Một khuôn mặt cố hữu của các cuộc tranh đấu. Hắn gầy và xanh xao hơn xưa sau khi được thả ra. Vẫn cái khuôn mặt nhiều khổ sở, đôi mắt sáng và thoáng vẻ buồn rầu, hắn đón tôi với rất nhiều vồn vã. Vy đoán có lẽ tôi vừa ra với phái đoàn ông Tướng, tôi chỉ cười và hỏi thăm về Đại hội sẽ khai diễn vào ngày mai. Vy dạy học ở Khải Định cùng một lúc hắn vẫn kéo dài cuộc sống sinh viên với một luận án tiến sĩ về Hát Bội còn dở dang. Tuy rất ít làm thơ nhưng thực sự hắn là một thi sĩ. Một bài thơ của hắn đã được phổ thành một bản tâm ca với thật nhiều rung động. Bản chất ham tranh đấu với một tâm hồn lai láng nghệ sĩ nên hắn quan niệm cách mạng với nhiều vẻ lãng mạn tiền chiến hơn là khả năng thích nghi với thực tại.
“Anh nghĩ sao về ông tướng Thuyết?”
Vy bất chợt hỏi tôi và đó cũng là câu hỏi mà tôi muốn được biết từ phía những người tranh đấu. Không rõ hắn dò hỏi tôi với một đích nào, tôi chỉ trả lời một nửa câu hỏi và phần sau thì đưa tới một nghi vấn khác:
“Tôi cũng chỉ biết ít về tướng Thuyết khi ông còn tại chức trên cao nguyên, về quân sự có lẽ ông là một vị tướng tài ba nhưng còn ở địa hạt khác thì tôi không rõ lắm. Cứ như lối giải quyết vấn đề các sắc dân Thượng và người Mỹ thì ông có vẻ là tay cứng rắn và hơi thiếu chánh trị. Nhưng sau này tôi nghe nói ông Tướng đã có thêm nhiều cố vấn?”
Vy như tán đồng một phần ý kiến của tôi nhưng hắn vẫn đưa ra những nghi vấn mâu thuẫn về tướng Thuyết:
“Khá hơn bọn kia là ổng có vẻ có tinh thần quốc gia yêu nước biết yêu thích cách mạng, dân chúng và cả các thầy ở đây chập nhận ông một phần cũng vì lẽ đó. Phải cái ông Tướng còn quá nhiều do dự lừng khừng đối với bọn trung ương, cái dè dặt phải có của chúng tôi cũng vì vậy. Hiện thời đám sinh viên cũng có rất nhiều cảm tình với ông Tướng và chắc anh cũng đã biết ngày mai tướng Thuyết được mời đọc diễn văn trước Đại hội.”
Trên đường đi tới đài phát thanh, Vy đã một lần chắp tay kính cẩn cúi rạp người thi lễ với một nhà sư già ngồi trên một xích lô đi qua. Tôi quay ra hỏi Vy về nhà sư Pháp Viên:
“Về thượng toạ Pháp Viên, có đúng phần nào không những dư luận nói về ông qua báo chí?”
“Cũng không hẳn là sai, mỗi người chỉ bắt được một hai chi tiết rồi cố gắng thổi phồng lên, coi đó như là cá tính của thầy. Sự thật thầy vẫn chỉ là một thiền sư với một tâm hồn lai láng nghệ sĩ.”
Vy có những nhận định riêng về nhà sư. Ông có sức mạnh trong quần chúng nhưng lại từ chối đám đông và ưa một nếp sống cô đơn trầm tĩnh. Rất giỏi về thần học và cổ ngữ nhưng ông cũng lại ham mê đánh cờ hoặc ngồi thảo những nét bút tự tuyệt tác. Xuất thân tu hành nhưng ông lại quá thiết tha với đời, ông có những nhận định sắc bén về thời cuộc và ý kiến của ông thường có ảnh hưởng tới chánh giới nhất là với phe tranh đấu.
“Đủ hạng người, kể cả ông Tướng đều mong gặp thầy để xin được hậu thuẫn nhưng ít khi có ai được toại nguyện, bản chất thầy vốn phóng khoáng và không ưa như vậy.”
Vy dẫn tôi vào phía trong Đài phát thanh. Đủ các lãnh tụ sinh viên và thành phần Ủy ban tranh đấu đang làm việc rộn rịp ở đó. Trên một chiếc bàn vuông dài, bừa bãi những tài liệu và báo chí. Mọi tư tưởng được tự do phóng thả: Tư bản luận, chủ nghĩa Mác, tinh thần quốc gia dân tộc, triết lý Phật giáo. Những điều vừa tìm thấy ở sách vở, cả những suy tư và khám phá mới đều được nói ra. Đài phát thanh bấy lâu vẫn bị chủ lực sinh viên chi phối nắm giữ. Không khí làm việc thật hứng khởi và đầy vẻ cách mạng. Những bài viết ra đều rất ít sửa chữa và đem phát thanh ngay: những ý kiến trái ngược nhau trên cùng một quan điểm cũng bởi tại chỗ đó. Làm sao Sài Gòn có thể phán quyết về họ khi không cùng ở trong những điều kiện sinh hoạt như thế. Và đây cũng là một trường hợp trong rất nhiều trường hợp khó xử của tướng Thuyết. Tôi đặt vấn đề đó ra với Vy, có lẽ hắn cũng ý thức được những khó khăn, hắn đưa ra một quan điểm chiết trung:
“Vấn đề cho cả hai phía là đừng bao giờ đẩy nhau vào sát chân tường, chính tôi cũng đã nói với các anh em trong Ủy ban nhưng phần lớn họ thì quá trẻ và quá nhiều hăng hái, thật khó mà bảo họ đừng tiến tới.”
Tôi ở lại nói chuyện với bọn họ đến xế chiều, sau đó Vy rủ tôi xuống tắm dưới sông Hương. Buổi tối về nhà Vy, cùng với tôi có một nhạc sĩ nổi danh về dân ca. Căn nhà cổ xưa ba gian nhoi giữa một vườn cỏ hoang mọc tới gối. Trong nhà đã tối thui ngay từ chạng vạng, không có điện không có những tiện nghi tối thiểu của một xã hội văn minh. Ngoài những sách vở, Vy như đã không sống trong cái thời đại của mình. Tôi không thể hiểu được cái mức độ ẩn nhẫn để hắn có thể sống trong cái tịch mịch của côn trùng và cỏ cây bên một dòng sông phẳng lặng như tờ. Mới chín giờ mà tưởng như đã rất khuya, hai chúng tôi nói chuyện tới gần bốn giờ rưỡi sáng. Ở phần của giấc ngủ còn lại tôi nghe xa gần như trong giấc mơ tiếng ếch nhái và những cơn sóng nhỏ do một chiếc thuyền nào đó vừa đi qua vỗ róc rách vào những tảng đá trong bờ.
Buổi sáng hôm sau tại đại hí viện, tướng Thuyết đã đọc một bài diễn văn tuyệt tác trước một đại hội đông đảo sinh viên. Bài diễn văn đã phải ngắt đi nhiều lần bằng những tràng pháo tay rung chuyển cả nhà hát lớn. Với đề tài triết lý hai cuộc cách mạng, ông Tướng đã thành công trong mục đích khích động máu nóng của tuổi trẻ và giải quyết được những mâu thuẫn nội tại giữa những khó khăn éo le của thực tế. Sự xuất hiện của ông Tướng sẽ thật hoàn hảo đúng như dự liệu của nhà văn nếu không có những bộ sắc phục của đám Cảnh sát Dã chiến bố trí quanh nhà hát lớn. Đang từ những phút cảm tình hoan hô chuyển ngay sang cái không khí công kích căng thẳng là điều không ai có thể ngờ. Ông Tướng giận dữ, đám sinh viên phẫn uất, cả hai bên đều bị tự ái tổn thương khó mà cứu vãn và ngay sau đó Đại hội bị giải tán trước con mắt buồn rầu của nhà văn và nhất là ông Giáo sư. Ông Tướng thì lên trực thăng bỏ ngay vào Đà Nẵng, không biết những ngày sắp tới sẽ thế nào. Tôi gặp lại ông Hoàng Thái Trung ở đó. Như một con thoi ông phải dạy cùng một lúc cả ba đại học, hiện tại thì ông đang ở tuần lễ thứ hai ngoài Huế. Khi nhắc tới bàn diễn văn của ông Tướng, ông Trung bày tỏ sự khâm phục đối với ngòi bút đượm sinh khí và đầy lửa của nhà văn và cũng lại tỏ ý hoài nghi về vai trò chánh trị tương lai của tướng Thuyết:
“Làm sao anh biết bài diễn văn là của nhà văn?”
“Có bài diễn văn nào ông Tướng đọc mà không phải của ông ta, vả lại văn là người, cái bút pháp đặc nhựa lôi cuốn ấy chẳng thể không phải của nhà văn.”
Ông Trung hỏi tôi về những cuộc biểu tình ở Sài Gòn. Ông cũng hỏi thăm về tình trạng của nhà sư Pháp Viên với nhiều nỗi lo ngại. Tôi bảo đó cũng là mối quan tâm lớn của tướng Thuyết, đang có vận động cho nhà sư được thả ra và không biết là ngày nào. Ông Trung nhắc tới dự định làm báo ở Huế và hỏi tôi:
“Khi nào anh mới định ra nhận dạy ngoài này? Có lẽ anh em mình tính chuyện ra lại một tờ báo.”
“Tôi cũng chưa hứa chắc với bên Mỹ Thuật nhưng có thể là sau Tết.”
Tôi cũng thích được ra đây đổi một không khí yên tĩnh và hy vọng vẽ trở lại.
“Có lẽ tất cả phải đi lại từ bước đầu.”
Tôi nói với ông Trung về dự định viết một cuốn sách khảo cứu cao nguyên mà quan điểm đưa ra là người Thượng người Kinh có cùng một nguồn gốc. Đó là điều rất trái ý với ông mục sư. Ông Trung tỏ vẻ tán đồng và có những khuyến khích:
“Vấn đề này được tôi tham khảo với nhiều công phu tìm kiếm, khi phải giảng dạy cho sinh viên ở Văn khoa, tôi cố gắng đưa ra phổ biến những quan niệm mới như thế.”
Tôi lại nhắc tới đề nghị của một tờ báo sinh viên về việc thiết lập một viện nghiên cứu các sắc tộc và một phân khoa Nhân Chủng trực thuộc Viện Đại học. Tôi nói:
“Với sự hướng dẫn của giáo sư, sự góp công nghiên cứu của lớp người trẻ hăng hái ở đại học là điều quá cần thiết. Hy vọng năm mười năm sau khi cần tìm biết về vấn đề nhân chủng, khu đại học Nhân văn có thể cung cấp những cuốn sách giá trị do chính người Việt Nam viết.”
Ông Trung có vẻ rất quan tâm tới đề nghị này và cũng cho biết bao nhiêu khó khăn đặt ra sau đó. Sáng kiến không thể khởi đầu từ ông khi mà chánh quyền và cả những đồng nghiệp đã cô lập ông, coi ông như thành phần trí thức thiên tả và đối lập. Điều mà ông có thể làm là những cố gắng cá nhân vùng vẫy.
Buổi tối về nhà ông Trung và ở lại trong cư xá giáo sư đại học trên Bến Ngự. Từ một lầu ba căn phòng có một cửa trông ra sông. Bên kia cầu dốc Nam Giao như chìm sâu vào bóng đêm âm u. Tiếng côn trùng rên rỉ đều đều, tiếng cạp muỗi của những con ễnh ương dưới sông chỉ gợi nỗi nhớ của những trang lịch sử ảm đạm buồn rầu. Làm sao người ta có thể nung chí trong sự nẫu nà như vậy để mà trở thành phi thường như bộ óc của nhà sư Pháp Viên. Tôi cũng liên tưởng tới cái vẻ hứng chịu của những người đàn ông Huế qua lối nhìn cay đắng của Nguyện. Lúc này thì tôi đang nghĩ và nhớ tới Nguyện với thiết tha và hy vọng. Một mai tôi ra đây, ở một căn phòng như vậy, liệu con sơn ca có nghỉ cánh bay để sống những ngày giờ hạnh phúc. Trong óc tôi lại hiện rõ khuôn mặt rạng rỡ của Nguyện nổi bật trên một nền thật tăm tối. Với không khí này tôi hy vọng vẽ trở lại. Ở một căn phòng đầy sách báo bừa bãi tôi hỏi ông Trung:
“Sao anh không đem chị theo, có bàn tay người đàn bà đời sống cũng trở nên dễ chịu.”
“Thì dĩ nhiên rồi nhưng phải cái tôi dạy nhiều nơi, chỗ ở ngoài này cũng chưa nhất định, nhà tôi lại bận con nhỏ nên cũng muốn thu xếp ở luôn trong đó. Nếu đời sống có nhiều ân hận thì phải kể trong đó chuyện tôi lấy vợ sớm.”
Câu chuyện của ông Trung khiến tôi có cảm tưởng anh sống trong một cảnh gia đình không có hạnh phúc. Tôn trọng đời sống riêng tư của ông, tôi không nói ra những thắc mắc. Vừa rót dòng cà phê nóng vào từng chiếc ly sứ trắng, ông Trung nói:
“Trí tuệ tôi lúc này bị ngưng trệ, ngòi bút đuổi chạy một cách khó khăn. Nhìn lại những gì đã viết tôi chỉ thấy co quắp buồn chán, lẽ ra tôi phải biết sớm hơn để ngừng lại ở đó. Tất cả vấn đề phải duyệt xét lại, xét lại từ đầu để tìm ra những đường hướng mới.”
Dưới con mắt của đám sinh viên trẻ, ông Trung được coi như thần tượng, một trí thức dấn thân, chữ của ông Trung. Vậy mà ông cũng có những nỗi băn khoăn thất vọng. Ông Trung cô đơn trong sự yêu mến của nhiều người khác. Đôi mắt sáng và buồn của ông soi qua một làn kính trắng dày, trông ông Trung trơ trọi như một ảnh tượng đẫm nết bơ vơ trong một không gian bạc màu. Tôi muốn kéo ông ra khỏi cái vũng nhiều buồn thảm khi nói tới đám nhà báo sinh viên vẫn thường chỉ trích ông. Đi vào nhận định, ông Trung luôn luôn giữ nguyên phong độ sắc bén:
“Tôi đã nói là tất cả vấn đề phải duyệt xét lại, xét lại từ đầu. Tôi tự thấy có trách nhiệm là đã gây một sức đề kháng và chống đối tiêu cực trong quần chúng. Cái lối chống đối để khỏi phải xây dựng đó chính là một trở ngại cho những mục tiêu xây xựng quốc gia. Tôi đã tới thăm toà soạn của họ, biết rõ cái không khí sinh hoạt dân chủ phóng túng của những cây bút tài tử này và hiểu rõ họ có thể đi tới đâu. Tôi thì vẫn thích những tay nhà báo này, tôi có ý nghĩ họ như một chất men cho những sinh hoạt quốc gia.”
Ông Trung bảo:
"Nhận đối thoại với họ là không biết sẽ đưa mình tới đâu, nhiều khi tôi cũng thấy rát mạt vì họ chỉ trích nhưng tôi hiểu họ thêm hơn sau đó. Vả lại né tránh theo tôi cũng là một khuyết điểm lớn của giới đàn anh, như con đà điểu chúi đầu xuống cát nhưng rồi vẫn phải đối đầu với mọi sự thật."
Những giọt cà phê đã bắt đầu nguội lạnh và để lại một dư vị đắng trên đầu lưỡi. Giọng ông Trung lúc nào cũng giữ được vẻ tha thiết, ông nói với họ mà như độc thoại với nội tâm của chính mình và ông thì cũng đang tìm kiếm loay hoay như chính bọn nó. Lập trường của ông đã có những dấu hiệu thay đổi và nghiêng về một lựa chọn. Ông Trung có vẻ hết kiên nhẫn, sức mạnh ông là ở tư tưởng ngòi bút mà xem ra sau này ông lại tin vào hiệu quả của hành động. Cũng như Kux nhận định, sức mạnh Phật giáo không ở nơi khí giới bạo động mà xem ra đám môn đồ lại muốn đi tới cái đích đó.
Có vợ chồng ông giáo sư luật khoa sang chơi, tôi đã có lần gặp ông trong nhóm cố vấn ông Tướng. Chúng tôi nói đủ mọi chuyện đến thật khuya. Khi vào giường ngủ mỗi thớ thịt đều tê mỏi, tâm hồn cũng tê mỏi, tôi không còn muốn làm thêm một cử động nào nữa. Buổi sáng tôi trở dậy rất sớm khi bầu trời còn đầy sương. Lao xao những tiếng động trên mặt sông và dưới bến. Của những người đàn bà gồng gánh đi chợ, của những cô gái Huế xuống sông gánh nước. Từ cửa sổ nhìn xuống những lá cây ướt rũ sương, dưới bến những người con gái áo trắng đang ngồi giặt vui vẻ nói chuyện hay se sẽ cất lên tiếng hát. Phía Từ Đàm xa xa vẳng lại tiếng chuông chùa ru êm ả những đám mây và làm bặt cả những tiếng chim ca hót. Có lẽ Nguyện sẽ nghe tôi ra sống ở đây ít lâu, trong cái u tịch của thế giới lăng tẩm này để tìm lại không khí cho hội hoạ và hạnh phúc.
Vòng Đai Xanh Vòng Đai Xanh - Ngô Thế Vinh Vòng Đai Xanh