Số lần đọc/download: 4219 / 54
Cập nhật: 2016-06-09 04:42:14 +0700
Chương 10: Chính Phủ Nguyễn Văn Tâm
C
hính phủ Trần Văn Hữu đã xong nhiệm kỳ lịch sử.
Thủ Tướng Trần Văn Hữu đã nhường ghế cho ông Nguyễn Văn Tâm.
Từ chính phủ Trung Ương Lâm Thời Nguyễn Văn Xuân đến Nội Các Trần Văn Hữu, Việt Nam Quốc Gia mới chỉ tiến bộ nhiều trên mặt thể thức. Đến nay cần phải có một chính phủ cương quyết hoạt động để mạnh tiến trên thực trạng.
Nhìn đúng nhịp đi của Quốc Gia Việt Nam, theo sát nhu cầu của tình thế, Quốc Trưởng Bảo Đại đã rất khôn khéo trong việc lựa chọn vị Nguyên Thủ mới. Quốc Trưởng đã chỉ định vị nguyên Tổng Trưởng Thủ Hiến Nguyễn Văn Tâm, người từng được mang danh là ‘’Cọp Cai Lậy’’.
Giữ trọng trách điều khiển vận mệnh nước nhà, Tân Thủ Tướng Nguyễn Văn Tâm đã đem ngay đến một nguồn sinh lực mới, một niềm tin tưởng mới cho đám dân chúng đang e dè, bỡ ngỡ trước hai đường: Cộng sản, quốc gia. Cho đến tận tháng 6.1952, hoạt động của Việt Minh vẫn còn reo rắc ý tưởng sô sệt trong dân chúng. Nào Cao-Bắc-Lạng, nào Hòa Bình, nào chính phủ Việt Minh, Nga Sô, một cường quốc ghê gớm và đáng sợ. Trong khu quốc gia còn phản phất không khí ám sát, khủng bố. Tất cả những sự lung lay và giao động đã không giúp sức mảy may cho lý tưởng quốc gia, trái lại còn làm lỏng lẻo Khối Quốc Gia Dân Chủ ở Việt Nam.
Nhìn rõ được tâm trạng của dân chúng, Tân Thủ Tướng đã ném luôn một trái bom vĩ đại, một lời nói bất hũ: Tôi đánh giặc.
Khẩu hiệu: ‘’Tôi đánh giặc’’ đã vạch rõ thái độ cương quyết của chính phủ Nguyễn Văn Tâm.
Muốn hưởng chế độ tự do dân chủ phải triệt để ủng hộ chính phủ quốc gia, phải theo chính phủ để cùng gọi đối phương là giặc, và phải đánh giặc. Lừng khừng là chết. Khẩu hiệu của vị Thủ Tướng chính phủ đã làm trỗi dậy hàng vạn con dân trên đường chống cộng.
Khẩu hiệu mạnh và ngắn của Tân Thủ Tướng đã tỏ rõ lập trường của chính phủ Liên Hiệp Quốc Gia, đã làm người Pháp phải nhìn Quốc Gia Việt Nam bằng cái nhìn mới mẻ, đồng thời Hoa Kỳ, cường quốc dân chủ bậc nhất cũng bắt đầu chú trọng nhiều hơn đến Quốc Gia Việt Nam dưới sự dìu dắt của Quốc Trưởng Bảo Đại và Thủ Tướng Nguyễn Văn Tâm.
Trong khi khẩu hiệu ‘’Tôi đánh giặc’’ ảnh hưởng có lợi rõ rệt đến thái độ của các cường quốc dân chủ Tây phương đối với Quốc Gia Việt Nam thì những ‘’cố gắng vượt bực’’ của Việt Minh vẫn chưa đem lại được tín nghiệm của Kremlin.
Cuối năm 1949, sau những cố gắng phi thường của toàn thể cán bộ Việt Minh trong 4 năm chiến tranh ròng dã, một lãnh tụ Việt Minh đã phải thốt ra câu: ‘’Thế giới chưa tin chúng ta (thế giới cộng sản) nhưng chúng ta cứ làm rồi họ sẽ phải biết đến’’.
Hội nghị đệ tam quốc tế (Kominform) họp tại Mạc-tư-khoa lần chót đã phê bình các lãnh tụ cộng sản Việt Nam: Ngoài ưu điểm về quân sự, chính phủ Dân Chủ Cộng Hòa đã có nhiều khuyết điểm lớn về ngoại giao và kinh tài. Khuyết điểm thứ nhất là sự hoạt động của chính phủ Dân Chủ Cộng Hòa chưa đem lại hoàn toàn tín nhiệm đối với các nước dân chủ (cộng sản) trong khi đối thủ (phe quốc gia) đã tiến bước mạnh hơn đối với thế giới tư bản. Lời nhận xét trên tố cáo tư tưởng lừng khừng của những người cộng sản Việt Nam, thái độ có vẻ nước đôi giữa hai trái cân Nga-Mỹ. Khuyết điểm thứ hai là chính phủ Dân Chủ Cộng Hòa để cho dân chúng càng ngày càng lâm vào cảnh đói khổ. Lời nhận xét này tố cáo rõ ràng sự bất lực của Việt Minh trong vòng vây của Liên Quân Việt-Pháp. Đúng như vậy, trước chiến dịch Cao-Bắc-Lạng, chính phủ Việt Minh như ở trong một cái túi: Mặt bể bị hạm đội Pháp bao vây, suốt dọc biên giới giáp Trung Hoa, quân đội Việt-Pháp chặn đóng trên Quốc Lộ số 4, miền Đồng Bằng quân đội Việt-Pháp cũng chiếm đóng và tảo thanh liên miên, mặt Tây-Bắc đồn binh Pháp rải rác theo dọc sông Đà và trên đường số 6. Việt Minh chỉ còn vỏn vẹn có khu rừng già nối liền Bắc Thái Nguyên, miền Nam Bắc Kạn và miền Đông Tuyên Quang để tập trung cơ quan chỉ đạo, đầu não của Việt Minh toàn quốc.
Từ 1950 trở đi, sau khi nhận lời phê bình cay chua gay gắt của Kremlin, các lãnh tụ Việt Minh mới tập trung tư tưởng về vấn đề cải tổ bộ máy chiến tranh cả về vật chất lẫn tinh thần. Và cũng từ năm ấy, người ta mới bắt đầu nghe thấy những lời hô ‘’Đồng chí Nguyễn ái Quốc muôn năm’’ vẳng lên trong rừng xanh núi đỏ. Việt Minh đã dứt khoát được thái độ của mình.
Trong ba ngày, Thủ Tướng Nguyễn Văn Tâm đã lập xong danh sách các vị Tổng Trưởng, Bộ Trưởng đệ lên Quốc Trưởng duyệt y.
Chính phủ Nguyễn Văn Tâm đã tập hợp được các phần tử yêu nước, đảng phái và không đảng phái, những người quốc gia thuần túy của dân tộc Việt Nam.
Danh sách các vị Nội Các gồm có:
• Thủ Tướng kiêm Nội Vụ: Nguyễn Văn Tâm.
• Pháo Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Bộ Cựu Chiến Binh: Ngô Thúc Định.
• Phó Thủ Tưởng kiêm Tổng Trưởng Thông Tin: Phan Văn Giáo.
• Tổng Trưởng Bộ Ngoại Giao: Trương Vĩnh Tống.
• Tổng Trưởng Bộ Canh Nông: Cung Đình Quý.
• Tổng Trưởng Bộ Quốc Phòng: Nghiêm Văn Tri.
• Tổng Trưởng Bộ Tư Pháp: Lê Tấn Nẩm.
• Tổng Trưởng Bộ Giao Thông Công Chính: Lê Quang Huy.
• Tổng Trưởng Bộ Tài Chính: Nguyễn Huy Lai.
• Tổng Trưởng Bộ Quốc Gia Giáo Dục: Nguyễn Thành Giung.
• Tổng Trưởng Bộ Y Tế: Lê Văn Hoạch.
• Tổng Trưởng Bộ Xã Hội Lao Động: Lê Thăng.
• Bộ Trưởng Bộ Thanh Niên Thể Thao: Vũ Hồng Khanh.
• Bộ Trưởng Bộ Nghiên Cứu Cải Cách: Trần Văn Quế.
• Bộ Trưởng Bộ Chiêu An Bình Định: Hoàng Nam Hùng.
Bắt tay vào công việc, Thủ Tướng đã trình bầy rất minh bạch những nét lớn trong chương trình xây dựng:
1.- Mối lo đầu tiên của chúng tôi là phát triển Quân Đội Quốc Gia, vì tương lai chúng ta, nằm trong tay quân đội.
Chúng tôi muốn dự một phần mới vào cuộc chiến tranh, nhận cho mình nhiều vùng chiến đấu mới. Thế nên chúng tôi đào luyện gấp các cán bộ nhất là các cán bộ cao cấp và các viên chuyên môn và cũng tăng gia sự tuyển chọn các viên chuyên môn trong các địa hạt khác. Vì hiện nay trong một xứ chiến tranh, không phải chỉ động viên quân đội, mà phải động viên toàn quốc.
Sự động viên ấy chúng tôi muốn nó sẽ là sự động viên của tấm lòng và ý chí. Bởi vì chính phủ phải phụng sự quốc gia, bởi vì cuộc chiến tranh hôm nay đã thành một cuộc chiến tranh của toàn quốc, bởi vì sự bình định chỉ phải là công cuộc của toàn dân. Chính phủ tôi sẽ kết hợp toàn xứ vào mọi cố gắng của mình. Nó sẽ kiếm và sẽ tìm ra hai nguồn hứng của nó trong tinh thần quốc gia đầy can đảm và lý trí, của dũng cảm, của lòng tin tưởng và chí hy sinh của toàn dân Việt Nam.
2.- Một Hội Đồng tuyển cử sẽ giúp dân tộc chúng ta có thể phát biểu được những nguyện vọng thiết tha của họ, từ những nơi đồng quê hẻo lánh, cho họ có thể hướng đạo và kiểm soát hành động của chúng ta là công cuộc của dân. Sự triệu tập một quốc hội lúc chiến tranh trong tình trạng bất an sẽ tỏ cho kẻ trung lập và cho đồng bào đang bị đè nặng dưới sự độc tài cộng sản, dầu là chế độ nhân dân chân chính.
Một Hội Đồng Quốc Gia Lâm Thời, đại diện tất cả địa phương và nghề nghiệp sẽ tổ chức một ngày gần đây, nó sẽ tiêu biểu ý chí thực hiện sự đại diện quốc gia của chúng ta cho đến ngày triệu tập quốc hội.
3.- Chúng tôi sẽ ưu đãi sự tổ chức nghiệp đoàn để giúp dân lao động ở thị thành có được phương thế binh vực quyền lợi và nâng cao mức sống của mình. Nhưng chúng tôi sẽ không quên rằng chỉ có thể thi hành một cuộc phân phát của cải lương thực là khi nào trong nước sức sản xuất được bành trướng và khối tài sản quốc gia được dồi dào, nhờ bởi sự đoàn kết của tất cả mọi người
4.- Chúng tôi sẽ cải cách chế độ điền địa để nâng cao sinh hoạt của nông dân, nhưng chúng tôi sẽ kính trọng quyền lợi hiện hữu của các điền chủ.
5.- Về phương diện cải cách cuộc cai trị, chúng tôi sẽ gắt gao như thế. Sự ban hành một quy chế công vụ sẽ đem lại cho giới công chức một bảo đảm chắc chắn, nhân đó, chính phủ sau khi đã chu đáo đến đời sống của họ, sẽ bắt buộc họ làm việc cho có hiệu quả, với một sự ngay thẳng tuyệt đối và phải có sáng kiến để đi đến chỗ thành công. Một chính phủ am hiểu trách nhiệm và nghĩa vụ của mình phải có một chính sách cai trị nới rộng quyền hành đối với các cơ quan hành chính địa phương. Như thế các cơ quan địa phương không còn lấy cớ không nhận được chỉ thị của thượng cấp hay là thiếu phương tiện hành động, để che chở cho những sự lỗi lầm của mình. Quan lại sẽ được đánh giá theo giá trị của việc làm của họ, họ sẽ được binh vực trong phạm vi thi hành chức vụ của họ cũng sẽ bị trừng phạt gắt gao về sự bất lực hay trốn tránh phận sự của họ.
Chính phủ Liên Hiệp Nguyễn Văn Tâm là một chính phủ hoạt động. Thủ Tướng chính phủ Liên Hiệp đã nói:
‘’…Dự một phần mới vào cuộc chiến tranh và nhận cho mình nhiều vùng chiến đấu mới…’’ Dự một phần mới vào cuộc chiến tranh và nhận cho mình nhiều vùng chiến đấu mới có nghĩa là Quốc Gia Việt Nam sẽ tỏ cho thế giới dân chủ biết lòng đứng đắn cùng tư tưởng chính đáng của mình: Dân tộc Việt Nam sẽ thẳng thắn tự nhận lấy phần trách nhiệm chính trong công cuộc tranh đấu bảo tồn lãnh thổ. Đấy là một lời nói chắc và mạnh. Lời nói ấy sẽ phá tan những thành kiến sai lầm của một số người trong nước cũng như ngoài nước vẫn thường không tin ở khả năng chiến đấu của các chiến sĩ quốc gia.
Muốn nhận phần thưởng xứng đáng: Độc Lập, Việt Nam không thể mãi mãi nhờ cậy các nước bạn mà cần phải phát triển bản thân lực lượng.
Bản thân lực lượng là một quân đội khỏe, một nền hành chính lành mạnh trong một đường lối dân chủ thực sự, bảo vệ tự do và quyền lợi cá nhân, tôn trọng nhân phẩm con người.
Trước kia Quân Đội Quốc Gia Việt Nam chỉ làm một nhiệm vụ nhũn nhặn là chiến đấu phụ vào quân đội Liên Hiệp Pháp.
Từ khi ông Nguyễn Văn Tâm lên ghế Thủ Tướng, Quân Đội Quốc Gia dần dần thay đổi hẳn bộ mặt.
Nếu các lãnh tụ Việt Minh thẳng bước đến cộng sản hóa dân tộc Việt Nam bằng cách coi việc chỉnh đảng và cải tạo tư tưởng là công tác căn bản tối quan trọng của họ thì trái lại, phe quốc gia cần phải đặt công tác quân sự lên hàng đầu trong công cuộc xây dựng nền độc lập Tổ Quốc. Thủ Tướng Nguyễn Văn Tâm nhấn mạnh rằng: ‘’Tương lai chúng ta nằm trong tay quân đội’’. Câu nói ấy có giá trị vô cùng trong thời gian và trong hoàn cảnh. Quân Đội ‘’mối lo đầu tiên’’ không những của Thủ Tướng Tâm mà cũng là của tất cả mọi người theo lý tưởng quốc gia trong thời đại. Muốn thắng cộng sản, muốn lý tưởng quốc gia tồn tại, phải mạnh. Khối cộng đồng phòng thủ Tây Âu, việc tái võ trang Tây Đức, tái võ trang Nhật Bản hay phát triển Quân Đội Quốc Gia Việt Nam, tất cả những công cuộc ấy đều nằm trong một quan niệm: Khỏe để đánh bại cộng sản. Không khỏe sẽ mất hết tự do và dân chủ.
Ngày Việt Minh cướp chính quyền (1945) lực lượng thuần túy quốc gia trên toàn lãnh thổ Việt Nam chỉ có hai tổ chức đáng kể: Tổ chức quân sự của Việt Nam Quốc Dân Đảng ở khu chiến Vĩnh Yên, Yên Bái và nhóm quân sự của Giáo Đạo Bùi Chu, Phát Diệm. Quân đội của Việt Nam Quốc Dân Đảng ra mặt chống Việt Minh để mong cứu vãn tình thế, duy trì một nền chính trị tự do dân chủ còn các chiến sĩ Công Giáo chỉ cầm súng để tự vệ, chỉ chống lại đối phương khi họ uy hiếp trực tiếp đến vùng tôn giáo của mình. Ngoài ra còn một số lác đác và ít ỏi những nhóm người cũng cầm súng chống Việt Minh đóng rải rác ở vùng Tiên Yên, Đầm Hà miền Duyên Hải Bắc Việt hoặc ở miền rừng núi Tây Bắc Việt v.v…Họ chạm súng với Việt Minh nhưng không có một quan niệm rõ rệt trong sự chiến đấu. Quan niệm của những nhóm lẻ tẻ ấy hoàn toàn có tính chất địa phương và cá nhân riêng biệt.
Sau ngày khói lửa bùng lan trên khắp giải đất Việt Nam (19.12.1946), mỗi địa phương Trung, Nam, Bắc dần dần thành tựu và kết hợp những tổ chức quân sự nhưng vẫn mang nhiều tính chất tự vệ hơn là chủ động xông pha tiền tuyến tìm diệt đối phương.
Trong thời gian Quốc Trưởng còn ở nơi Hải Ngoại, cho đến tận thời gian thành lập Nội Các Trần Văn Hữu, những tổ chức quân sự địa phương mọc lên nhan nhản.
Nhờ ở sức mạnh quân đội Pháp trực tiếp đương đầu với lực lượng đối phương, các bộ đội quốc gia có tính chất địa phương tự chau dồi tổ chức và tiến bộ. Từ hành động thiết lập một đại đội chính quy thời chính phủ Trung Ương Lâm Thời Nguyễn Văn Xuân đến sự động viên hàng năm sáu vạn người để xúc tiến việc xây dựng Quân Đội Quốc Gia Việt Nam dưới Nội Các Trần Văn Hữu, Quân Đội Việt Nam mới chỉ đáng gọi là tượng trưng hình bóng mặc dầu đã có rất nhiều cuộc chạm súng ở tiền tuyến với các lực lượng quân sự Việt Minh. Đối với một quốc gia đang tiến mạnh đến độc lập, đối với một chính phủ đang cố giành dật lại đất đai, những hoạt động của đám quân sĩ nhìn chung chưa song đối với tiến bộ về những thắng lợi chính trị và ngoại giao đã thu hoạch được.
Nhìn rõ sự chênh lệch ấy, Thủ Tướng Nguyễn Văn Tâm quyết tâm hướng dẫn Quân Đội Quốc Gia Việt Nam theo kịp với nhịp tiến triển về ngoại giao và chính trị.
Các đơn vị chính quy, từ con số 65.000 (cuối năm 1949) đã vọt lên sấp sỉ 200.000 (1953) và nhất định sẽ còn tăng tiến nữa. (Theo chương trình dự định, đến cuối năm 1954, Quân Đội Quốc Gia sẽ lên tới con số 300.000 người).
Dưới quyền điều khiển của Thiếu Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng Nguyễn Văn Hinh, lãnh thổ Việt Nam chia ra các Khu Quân Sự:
– Đệ Nhất Quân Khu: Nam Việt.
– Đệ Nhị Quân Khu. Trung Việt.
– Đệ Tam Quân Khu: Bắc Việt.
– Đệ Tứ Quân Khu: Cao Nguyên.
Mỗi Quân Khu có một Chỉ Huy Trưởng cấp Tướng hoặc cấp Tá phụ trách.
Đến cuối năm 1942, Quân Đội Quốc Gia đã có gần 5 Sư Đoàn gồm các Binh Chủng: Nhẩy Dù, Thiết Giáp, Pháo Binh, Công Binh, Không Quân, Thủy Quân, ngoài ra lại còn những Vệ Binh Thái, Vệ Binh Nùng, Vệ Binh Nam Việt v.v…
Quân Đội Quốc Gia Việt Nam có truyền thống tư tưởng chống cộng của các chiến sĩ cách mệnh quốc gia đã từng võ trang tranh đấu ngoài Bắc Việt của các chiến sĩ quốc gia với tư tưởng Bảo Hoàng miền Trung Việt, và của các chiến sĩ đạo giáo đã từng hy sinh trên khắp lãnh thổ Việt Nam. Dựa vào cái cốt tinh thần ấy Quân Đội Quốc Gia phát triển và động viên được đông đảo nhân dân ở các vùng rộng rãi đã thoát khỏi sự chi phối trực tiếp của nền hành chính Việt Minh, những vùng đã tránh được sự chỉ huy trực tiếp của các viên xã đội trưởng hay huyện đội trưởng cộng sản.
Như đã nói, chiến tranh ở Việt Nam có một trạng thái rất đặc biệt. Hàng ngàn thôn xóm thuộc hẳn trong hệ thống chính trị của Việt Minh và hàng ngàn thôn xóm do quân đội Liên Hiệp Pháp bảo vệ đã trực thuộc phạm vi kiểm soát của chính phủ quốc gia. Giữa hai địa phận đó còn lẫn lộn những khu rộng rãi chịu ảnh hưởng của cả hai bên thế lực. Vì thế nên vấn đề động viên của chính phủ quốc gia cũng như của Việt Minh đã là một cuộc tranh chấp dữ dội.
Số thanh niên giữa hai khu vực ảnh hưởng vừa phải chịu thuế cho Việt Minh vừa phải chịu sự kiểm tra của chính phủ quốc gia. Họ không dám đi lính cho Việt Minh vì họ không thể chịu nổi sự quá khổ hạnh của chế độ chính trị một chiều. Nhưng với tâm lý sợ Việt Minh, khi nghe thấy lệnh động viên của chính phủ quốc gia, thoạt tiên họ cũng kinh hoàng. Rồi dần dần nhận định rõ chế độ tự do trong khu vực an ninh, họ đã hăng hái gia nhập quân đội. Do đó tổng số Quân Đội Quốc Gia tăng cường một cách mau chóng.
Chống lại tâm lý biến động của đám thanh niên đồng ruộng ấy, các cán bộ và nhân viên trong phòng tuyển mộ của Việt Minh ra sức len lõi hoạt động, tuyên truyền để cướp lại thanh niên, bổ xung quân số bị hao hụt trên trận địa.
Chính phủ quốc gia, nhờ những phương pháp mới mẻ, đã thu hút một cách dễ dàng những thanh niên lành mạnh để xây dựng Quân Đội Quốc Gia.
Quân số tăng cường bao nhiêu, vấn đề cán bộ chỉ huy càng thêm cấp bách bấy nhiêu.
Đối phó với vấn đề thiếu sĩ quan các Trường Võ Bị ra công đào tạo.
TRƯỜNG LIÊN QUÂN ĐÀ LẠT
Niên khóa 1948-1949: 53 Sĩ Quan tốt nghiệp.
Niên khóa 1949-1950: 120 Sĩ Quan tốt nghiệp.
Niên khóa 1950-1951: 227 Sĩ Quan tốt nghiệp.
Niên khóa 1951-1952: 402 Sĩ Quan tốt nghiệp.
Niên khóa 1952-1953: 541 Sĩ Quan tốt nghiệp.
Các Sinh Viên Sĩ Quan được huấn luyện mỗi tuần:
– 6 buổi học về kỹ thuật tác chiến hoặc động tác cơ bản.
– 5 buổi học về kỹ thuật sử dụng vũ khí, địa hình địa vật, cơ giới, truyền tin…
– 1 buổi học về lý thuyết quân sự.
TRƯỜNG THỦ ĐỨC
Thành lập từ năm 1951, Trường Thủ Đức đã đào tạo được hơn 2000 Sĩ Quan Trừ Bị.
Khóa thứ 4 (11.1953) có thêm 1.200 Sinh Viên.
Chương trình học 6 tháng, chia làm 3 giai đoạn:
– Huấn luyện chung.
– Huấn luyện chuyên môn.
– Thực hành tập sự.
TRƯỜNG BIÊN HÒA
Trường Biên Hòa chuyên đào tạo các Sĩ Quan Chỉ Huy Phụ Lực Quân Nam Việt.
Đã có 2.300 Sĩ Quan tốt nghiệp.
TRƯỜNG QUẢNG YÊN
Trường Quảng Yên chuyên đào tạo Cán Bộ Chỉ Huy cho các đơn vị Khinh Quân.
Trong năm 1953, 2.200 Hạ Sĩ Quan đã tốt nghiệp (Chuẩn Úy, Thượng Sĩ, Trung Sĩ).
Và còn rải rác tại các Trường Quân Sự bên Pháp, 182 Sinh Viên Sĩ Quan Việt Nam đang được bổ túc thêm về: Bộ Binh, Pháo Binh, Công Binh, Không Quân, Thủy Quân v.v…
Vấn đề tuyển mộ Sinh Viên Sĩ Quan được chính phủ phân chia theo một tỷ lệ rất công bằng để tránh sự tiến triển lệch lạc hoặc ngừng trệ trong các ngành hoạt động xã hội, kinh tế:
Tuyển Mộ Sinh Viên Sĩ Quan năm 1951
Công Chức: 18%
Sinh Viên: 11%
Học Sinh Trung Học: 18%
Tư Chức: 52%
Võ Nghệ & Linh Tinh: 1%
Tuyển Mộ Sinh Viên Sĩ Quan năm 1952
Công Chức: 42%
Sinh Viên: 29%
Học Sinh Trung Học: 7%
Tư Chức: 16%
Võ Nghệ & Linh Tinh: 6%
Tuyển Mộ Sinh Viên Sĩ Quan năm 1952
Công Chức: 57%
Sinh Viên: 18%
Học Sinh Trung Học: 2%
Tư Chức: 16%
Võ Nghệ & Linh Tinh: 7%
Sĩ quan trong Quân Đội Quốc Gia Việt Nam là những thanh niên đầy hăng hái, quả cảm đầy lòng yêu nước thương nòi, đã từng có một căn bản văn hóa khá vững chắc để có thể tiến tới nắm vững kỹ thuật của cuộc chiến tranh tối tân.
Chính phủ còn mở mang rất nhiều Trường Võ Bị địa phương chuyên việc huấn luyện Hạ Sĩ Quan và Chuẩn Úy như Trường Võ Bị Trung Chánh ở Nam Việt, Trường An Cựu ở Trung Việt, Trường Ban Mê Thuột ở Cao Nguyên, Trường Binh Động ở Bắc Việt.
Quân Đội Quốc Gia Việt Nam rập theo khuôn mẫu quân đội Pháp. Tổ chức nhằm tiến tới tối tân. Ngoài những đơn vị lục quân, tất cả các Binh Chủng khác cũng đồng thời được nghiên cứu huấn luyện và thiết lập.
Về Không Quân, chính phủ mở mang phi trường huấn luyện ở Nha Trang và gửi nhiều sinh viên đi theo học tại các Phi Trường Marrakech, Fez v.v…
Nhờ những phi cơ kiểu Becchcrft một phi đội liên lạc đầu tiên đã được thành lập. Trong các cuộc hành quân, sĩ quan Không Quân Việt Nam đã chỉ huy đoàn phi cơ trinh sát, thám thính trên chiến trường.
Về Thủy Quân, từ tháng chạp 1951. Chính phủ Trần Văn Hữu đã đặt viên đá đầu tiên xây dựng Trung Tâm Huấn Luyện và đến chính phủ Nguyễn Văn Tâm, ngành đó thêm phần tiến triển mạnh mẽ.
Nhờ Thủy Quân Pháp cho mượn chiếc pháo thuyền Digitale, những học sinh có thể học từng đợt chừng 30 người một và mỗi năm từ 250 đến 300 thủy binh.
– Bổ túc Sinh Viên Sĩ Quan.
– Đào tạo Sĩ Quan Hải Quân.
– Huấn luyện thủy binh chuyên môn.
Vì tình thế cấp bách phải cần ngay một số thủy binh để sử dụng những giang thuyền tuần thám trên sông và ven bể, Trung Tâm Huấn Luyện Nha Trang đã tổ chức những buổi học tập sự trên chiếm hạm lớn như Mẫu Hạm Arrorgnon de Brazza…Sau đó các học sinh được qua một kỳ thi để có thể trở nên Chuẩn Úy hoặc Thiếu Úy Thủy Quân.
Ngành Hải Quân rất khó khăn và đòi hỏi nhiều khả năng căn bản của học sinh cho nên, ngoài lối huấn luyện cấp tốc. Chính phủ còn mở thêm những kỳ thị để tuyển sinh viên theo học các Trường Sĩ Quan Hải Quân ở Pháp.
Tương lai Hải Quân Việt Nam có nhiều hứa hẹn tốt đẹp. Chính phủ đang trù tính, thành lập 2 Đoàn Thủy Binh Xung Phong (Dinassaut) một Đội Pháo Thuyền bình trị, tuần thám.
Hiện nay, nhiệm vụ của Hải Quân Việt Nam còn nhỏ hẹp theo hoàn cảnh chiến trường nhưng không vì thế mà kém phát triển để theo kịp với nhịp tiến của các Binh Chủng khác.
Quân Đội Quốc Gia còn có thêm những đơn vị phụ thuộc như:
– Giao thông liên lạc.
– Truyền tin.
– Vận tải.
– Quân y và Nữ phụ tá quân đội v.v…
Các Binh Chủng Pháo Binh, Công Binh, Nhảy Dù đều được tăng cường.
Cũng là lần đầu tiên Việt Nam phát triển tổ chức quân đội nhảy dù. Trên những cơ sở ít ỏi và lẫn lộn trong quân đội Liên Hiệp Pháp, đơn vị Nhảy Dù Việt Nam đã lớn mạnh và dần dần có kinh nghiệm trong các cuộc hành quân liên tiếp, nhất là ở Bắc Việt. Đã có những trận nhảy dù đại quy mô đa số do binh lính Việt Nam tham dự như trận Lạng Sơn, Lào Kay (1953)…
Ngành Quân Y tương đối khá so với khu vực Việt Minh. Nhờ có đủ dụng cụ khoa học, đủ phương tiện tối tân, các Sĩ Quan Quân Y có thể dễ dàng làm trọn nhiệm vụ ở tiền tuyến cũng như ở hậu tuyến. Nhà thương riêng của quân đội được mở mang rộng rãi như nhà thương Võ Tánh ở Hà Nội và nhiều nhà thương chung cho tất cả các quân đội dự chiến trên chiến trường Việt Nam.
Đối với thương binh, chính phủ rất chú trọng săn sóc. Họ là những người đã hiến xương máu một cách cụ thể để đem lại an ninh cho quốc gia và họ đáng được ưu đãi. Không những cá nhân thương binh được nuôi dưỡng tử tế, chính phủ còn nghĩ đến cả gia đình của họ. Chính phủ dành quyền ưu tiên nâng đỡ công ăn việc làm cho vợ con các chiến sĩ đã bỏ mình trên chiến địa. Bộ Quốc Phòng còn thiết lập Trường Thiếu Sinh Quân thu nhận những con cái của các quân nhân để dậy dỗ và huấn luyện những thiếu nhi đó sau này trở nên những người lính hoàn toàn.
Trong khi những thương binh của Quân Đội Quốc Gia được chăm nom chu đáo tại các nhà thương rộng thoáng, vệ sinh thì các an dưỡng đường của cục quân y Việt Minh bẩn thỉu và chui rúc trong các xó rừng sâu thẳm, thiếu thuốc men, thiếu dụng cụ tối tân và thiếu cả cán bộ quân y coi sóc.
Trong khi thương binh vùng quốc gia được nuôi dưỡng và theo dõi đến cả đời sống sau lúc đã rời khỏi dưỡng đường thì thương binh trong vùng Việt Minh phải lê tấm thân tàn phế vất vưởng tìm kế sinh nhai, sống không bảo đảm. Họ phải tìm sinh sống bằng cách gia nhập các trại thương binh, ở đó họ phải xuất tàn lực ra làm công việc tăng gia sản xuất để tự cung tự cấp hoặc làm các công việc đan rổ, đan rá bán cho dân chúng. Nếu không, họ sẽ bị trả về cho dân chúng và tự dân chúng phải tổ chức giúp đỡ họ trong chuỗi ngày xót lại đầy đau khổ. Những sự săn sóc của Việt Minh đối với họ thật đã không xứng đáng với tinh thần hy sinh của họ trên chiến địa.
Tháng 2 năm 1953 tại Hội Nghị Quân Sự Tối Cao họp tại Đà Lạt, phái đoàn Pháp đã đồng ý sẽ chuyển giao lại bất cứ một khu vực nào cho Quân Đội Việt Nam khi Việt Nam yêu cầu. Bởi vậy, trong mùa Hạ năm 1953, các Phân Khu Mỹ Tho, Vĩnh Long, Trà Vinh được giao lại cho Quân Đội Việt Nam đã trưởng thành và còn thêm nhiều khu vực khác ở Trung Việt và Bắc Việt.
Những đơn vị đặc biệt cũng được dần dần chuyển qua sự chỉ huy của Sĩ Quan Việt Nam như đơn vị Lưu Động tại Na Sản.
Điểm đáng nhấn mạnh hơn cả là sự thành lập các Tiểu Đoàn Khinh Quân Việt Nam.
Kể đến tháng 6 năm 1953, Việt Nam đã có 9 Tiểu Đoàn Kinh Quân đang được huấn luyện. Chính phủ dự định trong năm 1953 phải có 54 Tiểu Đoàn Khinh Quân.
Tiểu Đoàn Khinh Quân là những đơn vị nhẹ có thể dễ dàng theo dõi Việt Minh khắp nơi thôn xóm rừng hoang mà không sợ vướng víu bận rộn vì những vũ khí nặng nề cồng kền. Các đơn vị Khinh Quân Việt Nam đã làm cho đối phương phải chú ý, e ngại. Sự thật, riêng Kinh Quân cũng chưa đủ để đối chọi với các binh đoàn mạnh của Việt Minh nhưng sự tiến bộ không ngừng của nó cả về phẩm lẫn lượng đã làm cho Việt Minh phải lo đến số phận tương lai.
Số lượng các đơn vị Khinh Quân có thể một ngày gần đây lên tới hàng 100 Tiểu Đoàn và sẽ được chia đi lưu động chiến đấu khắp nơi trên đất Việt.
Qua một thời gian 6 tháng, đến tháng Giêng năm 1953 chính phủ Nguyễn Văn Tâm cải tổ.
Nội Các mới gồm những vị:
• Nguyễn Văn Tâm: Thủ Tướng chính phủ
• Lê Văn Hoạch: Phó Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Bộ Thông Tin Tuyên Truyền.
• Nguyễn Huy Lai: Phó Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Tài Chính-Kế Hoạch-Kiến Thiết.
• Trương Vĩnh Tống: Tổng Trưởng Bộ Ngoại Giao.
• Nguyễn Văn Nhung: Tổng Trưởng Bộ Kinh Tế.
• Phan Văn Hy: Tổng Trưởng Bộ Cựu Chiến Binh và Phế Binh.
• Lê Quang Huy: Tổng Trưởng Bộ Giao Thông Công Chính Bưu Điện. Quyền Tổng Trưởng Bộ Quốc Phòng.
Tháng 6 năm 1953 Thủ Tướng ủy nhiệm:
• Bác Sĩ Phan Huy Quát giữ chức Tổng Trưởng Bộ Quốc Phòng.
• Lê Văn Nẩm: Tổng Trưởng Bộ Tư Pháp.
• Cung Đình Quỳ: Tổng Trưởng Bộ Canh Nông.
• Nguyễn Thành Giung: Tổng Trưởng Bộ Giáo Dục.
• Tấn Hàm Nghiệp: Tổng Trưởng Bộ Y Tế.
• Lê Thăng: Tổng Trưởng Bộ Xã Hội Lao Động.
• Lê Quang Hộ: Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ.
• Vũ Hồng Khanh: Bộ Trưởng Bộ Thanh Niên và Thể Thao.
• Đào Đăng Vỹ: Bộ Trưởng Dinh Thủ Tướng.
Nội Các mới thêm sinh lực mới trong công cuộc tiễu trừ cộng sản trên toàn diện.
Trước hết chính phủ tiếp tục tăng cường Quân Lực Quốc Gia.
Chiến đấu bên cạnh quân đội Liên Hiệp Pháp, Quân Đội Quốc Gia Việt Nam trưởng thành. Trong tất cả mọi cuộc hành quân có người lính Việt Nam tham dự, những vị Tướng, Tá Pháp về hình thức đã phải thành thực khâm phục lòng dũng cảm và sự tiến bộ của người lính Quốc Gia Việt Nam.
Sự tiến triển của Quân Đội Quốc Gia vấp phải hai trở lực khó khăn nhất: Khó khăn về vấn đề chi tiêu quân sự và vấn đề sĩ quan.
Chính phủ Quốc Gia Liên Hiệp đã cố hết sức giành phần lớn ngân quỹ dùng về quân sự. Năm 1951, 15% ngân sách quốc gia được dùng để tổ chức bộ đội. Dự án năm 1952 là 800 triệu đồng nhưng thực sự đã lên đến 1.750.000.000 đồng, 58% ngân sách. Năm 1953, chính phủ dành riêng cho việc tổ chức quốc phòng số tiền sấp sỉ 3.000.000.000 đồng, 70% ngân sách. Số tiền khổng lồ đó đủ chứng tỏ sự lớn mạnh của toàn thể Quân Đội Quốc Gia trong năm 1953.
Còn vấn đề sĩ quan, một vấn đề không kém phần quan trọng.
Số lượng quân lính nhiều bao nhiêu, sĩ quan và hạ sĩ quan phải nhiều lên bấy nhiêu. Quân Đội càng tăng, đơn vị càng phải lớn và quan trọng. Ngoài những sĩ quan hàng Úy, chỉ huy các đại đội, cần phải huấn luyện gấp rút số sĩ quan hàng Tá, sĩ quan hàng Tướng và sĩ quan Tham Mưu.
Vấn đề chỉ huy là một việc trọng đại khi phải sử dụng hàng vài sư đoàn trên chiến trường rộng lớn, người chỉ huy trưởng, ngoài đức dũng cảm và trí kiên quyết thường xuyên của một chiến sĩ, lại còn phải là một nhà bác học về khoa quân sự. Nào lục quân, nào không quân, thủy quân, nào pháo binh, trinh sát, giao thông liên lạc, rồi chiến thuật tác chiến, rồi kỹ thuật sử dụng vũ khí, sử dụng binh lính v.v…tất cả tập trung dưới quyết định hết sức nhanh chóng của một người. Do đó sĩ quan cao cấp không thể đào tạo dễ dàng trong một khoảng thời gian ngắn ngủi được. Cần phải có những phần tử thật ưu tú để đảm đương trọng trách trên những chiến trường mỗi ngày mỗi rộng. Vấn đề cấp bách này đã được Bộ Quốc Phòng nghiên cứu cẩn thận trong chính sách huấn luyện các cấp chỉ huy tương lai.
Tháng 6.1953, Quốc Trưởng ký một Đạo Dụ về vấn đề quân dịch, quy định nhiệm vụ của người dân Việt Nam trong thời chiến đối với công việc tham gia quân đội. Tất cả công dân Việt Nam (nam giới) từ 20 tuổi trở lên đều phải qua một thời kỳ quân dịch trừ khi được chính thức công nhận là không có đủ sức khỏe. Quân dịch là một vấn đề phải có trong mọi thời kỳ quân dịch trừ khi được chính thức công nhận là không có đủ sức khỏe. Quân dịch là một vấn đề phải có trong mọi quốc gia tự do, độc lập. Công dân Việt tới 19 tuổi đều phải trình diện tại Hội Đồng Kiểm Tra Trưng Binh để xét sức khỏe.
Mỗi năm lại có sự kiểm tra trưng binh những thanh niên đã được kiểm tra trong vòng năm trước. Hội Đồng Kiểm Tra Trưng Binh có nhiệm vụ kiểm soát lại sổ kiểm tra, sửa đổi khi có sự sai lầm hay không hợp thời, định đoạt trong mọi trường hợp tranh tụng về những thanh niên và hộ tịch có sự đáng ngờ định đoạt về năng lực thể chất của từng người để thi hành nhiệm vụ, biên dịch, sưu tầm theo huấn lệnh chính phủ, các tài liệu về thống kê hoặc về dân số học nhân loại trác định pháp hoặc về sức khỏe công cộng. Mỗi tỉnh, mỗi thị xã sẽ có một Hội Đồng Kiểm Tra Trưng Binh.
Đồng thời với công việc Kiểm Tra Trưng Binh toàn quốc, chính phủ đã liên tục đào tạo hàng ngàn hạ sĩ quan trừ bị tại các trung tâm huấn luyện kỹ thuật địa phương và thiết lập Trường Cao Đẳng Võ Bị.
Tháng 10 năm 1953, Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng Phan Huy Quát đã cho biết những phương pháp mới mẻ sẽ được áp dụng trong công việc đào tạo sĩ quan như dưới đây:
‘’Theo các nhà chuyên môn về quân sự thấu hiểu vấn đề hiện tại, nước Việt Nam có thể có đủ sĩ quan có tài năng để đảm nhiệm việc chỉ huy bộ đội trong đủ mọi cấp. Việc khẩn yếu là kiểm tra các phần tử có tài năng và huấn luyện cho họ thành các sĩ quan có đủ năng lực và điều kiện chuyên môn. Điều kiện cốt yếu sẽ không phải là cấp bực trong quân đội, tuổi nhiều hay ít và học lực nhưng là năng lực chỉ huy.
Nước Việt Nam đang đứng trong một tình trạng khẩn yếu và đặc biệt, vì vậy chính sách huấn luyện cán bộ Quân Đội Quốc Gia cũng phải dùng những phương pháp đặc biệt ngoài những phương pháp thường xuyên.
Các phương pháp thường xuyên vẫn áp dụng từ trước đến nay cũng cần phải được sửa đổi.
Điều đầu tiên là tất cả sĩ quan hiện tòng sự trong các Bộ Tham Mưu, các Nha, các Sở, các phòng giấy và giữ một nhiệm vụ có thể do công chức thường đã quá tuổi động viên thay thế được sẽ hoặc ra chỉ huy bộ đội ở tiền tuyến hoặc đi theo lớp huấn luyện cao cấp hơn.
Điều thứ hai là các lớp huấn luyện sĩ quan cấp Úy và hạ sĩ quan sẽ dần dần hoàn toàn dậy bằng tiếng Việt.
Từ trước đến nay, chính phủ gọi nhập ngũ các thanh niên có bằng cấp Đại Học, Trung Học hay Cao Đẳng Tiểu Học hay có học lực tương đương.
Nhưng số gọi thanh niên nhập ngũ nhiều hơn gấp bội số thanh niên học sinh nên không bao lâu nữa có lớp dậy quân sự bằng tiếng Pháp sẽ không có học trò nữa. Ngoài ra ta cũng có một số thanh niên có học lực tương đương, có bằng cấp Trung Học hay Cao Đẳng Tiểu Học nhưng học ở các Trường Trung Học quốc gia hay ở hậu phương nên không có học lực sinh ngữ Pháp đủ để theo các lớp huấn luyện quân sự dậy bằng tiếng Pháp. Vì vậy việc dậy bằng tiếng Việt là một sự cần thiết nếu ta muốn các lớp huấn luyện sĩ quan có nhiều học sinh.
Điều thứ ba của phương pháp thường xuyên là sẽ có các lớp huấn luyện cấp tốc riêng cho các sĩ quan, hạ sĩ quan có năng lực chỉ huy và có kinh nghiệm chiến tranh để có thể không kể tuổi, học lực hoặc cấp bậc trong quân đội, bổ nhiệm tạm thời ngay vào các cấp chỉ huy cao hơn. Nếu trong một thời gian ngắn, các phần tử đó tỏ ra có đủ năng lực để chỉ huy, thì sẽ được bổ nhiệm thực thụ vào cấp chỉ huy tương đương.
Bộ Quốc Phòng mới tổ chức tại Hà Nội một ‘’Trung tâm nghiên cứu quân sự’’ để huấn luyện các Đại Úy và các sĩ quan cấp Tá. Ngoài ra lại còn đang trù liệu để tổ chức một Trường Cao Đẳng chiến tranh có mục đích huấn luyện các sĩ quan chỉ huy cao cấp các đơn vị quan trọng và các sĩ quan chỉ huy các Bộ Tham Mưu.
Các trường huấn luyện quân sự hiện có hoặc sắp được tổ chức sẽ cố gắng hoạt động để các học sinh được đông đảo hơn và thời hạn huấn luyện được nhanh chóng hơn ngõ hầu bộ đội có đủ cán bộ chỉ huy.’’
Nói đến phương pháp đặc biệt, ông Tổng Trưởng Quốc Phòng cho biết:
‘’Cần phải áp dụng các phương pháp đặc biệt để đối phó với tình thế đặc biệt và với nhu cầu đặc biệt và khẩn cấp về các cấp chỉ huy quân đội. Những phương pháp này chỉ sẽ dùng trong tình thế chiến tranh hiện tại.
Phương pháp đặc biệt đầu tiên được trù liệu là việc dùng các công chức hay thường dân đã quá tuổi động viên và có đủ năng lực để thay thế các sĩ quan trong các việc thường xuyên ở các Bộ Tham Mưu, các Nha, Các Sở và các Phòng giấy.
Các nhân viên này sẽ phải được tập sự trong một ít lâu và sẽ thay thế hẳn các sĩ quan hiện dịch và các sĩ quan trừ bị để cho các phần tử này ra tiền tuyến hay theo học các lớp huấn luyện quân sự cao cấp.
Phương pháp thứ hai là kiểm tra các phần tử, vì tình thế chiến tranh hiện tại, có kinh nghiệm về việc chỉ huy quân đội và tỏ ra có năng lực thật sự. Đối với các phần tử này Bộ Quốc Phòng sẽ mở lớp huấn luyện riêng rồi tùy theo năng lực sẽ bổ nhiệm tạm thời ra chỉ huy bộ đội tại mặt trận hay tòng sự tại các Bộ Tham Mưu tác chiến. Nếu các sĩ quan này tỏ ra xứng đáng để chỉ huy một đơn vị nào thì sẽ được bổ nhiệm thực thụ vào cấp bực đó.
Phương pháp đặc biệt thứ ba là kiểm điểm các hạ sĩ quan có kinh nghiệm chỉ huy và tỏ ra có can đảm và năng lực ở tiền tuyến để bổ nhiệm họ lên cấp sĩ quan với tính cách tạp thời và cũng như tôi đã nói trên, nếu họ tỏ ra xứng đáng với chức vụ mới thì sẽ được thực thụ bổ nhiệm. Phương pháp này sẽ khuyến khích toàn thể các phần tử Quân Đội Quốc Gia và cho họ có dịp để biểu lộ tài năng.
Phương pháp đặc biệt thứ tư là chọn các thanh niên có đủ học lực để huấn luyện họ thẳng làm sĩ quan chuyên môn như ngành cơ giới, pháo binh, công binh v.v…
Nói tóm lại chính sách huấn luyện cán bộ quân sự dùng đủ mọi phương pháp kể cả phương pháp cách mạng, mục tiêu cốt để tìm kiếm và huấn luyện trong một thời gian ngắn nhất các sĩ quan đủ các cấp có năng lực và kinh nghiệm để chỉ huy Quân Đội Quốc Gia và để đối phó với mọi biến chuyển của thời thế’’.
Từ trước, Quân Đội Quốc Gia mới chỉ được nhào nặn trong những hệ thống làm việc cố định và do những phương pháp cổ điển, cứng nhắc, không hợp với tình thế và hoàn cảnh của Việt Nam. Nếu những phương pháp mới mẻ và hợp thời hiện nay của Bộ Quốc Phòng khai thác được hết khả năng quân sự của tất cả các người hoặc có khiếu về quân sự hoặc kinh nghiệm bản thân trong sự chiến đấu trên chiến trường thì nhất định Quân Đội Quốc Gia Việt Nam sẽ có dịp tiến bộ và tiến một cách vượt bực.
Nhiệm vụ Quân Đội Quốc Gia rất nặng. Thế giới tự do đã chú mục đến những người lính Việt Nam trên đồng ruộng Việt Nam.
Quân Đội Quốc Gia không còn chiến đấu lẻ biệt để riêng phụng sự cho nước Việt Nam nhỏ bé mà đã có nhiệm vụ tiên phong trong cuộc chiến đấu chống chủ nghĩa cộng sản của toàn thể thế giới tự do dưới sự lãnh đạo chiến lược đại cường quốc dân chủ Hoa Kỳ.
Sức chiến đấu của người lính quốc gia tuy chưa hẳn là cốt cán trong quân lực nói chung trên chiến trường Việt Nam nhưng không vì thế mà kém phần anh dũng.
Trong năm 1953, chính phủ đã tuyên dương công trạng cho biết bao nhiêu anh hùng chiến sĩ hoặc còn sống hoặc đã bỏ mình trên chiến địa. Những chiến sĩ ấy tỏ ra can đảm phi thường khi xông pha ngoài chiến trường.
Đó là những anh hùng quân đội của chính nghĩa quốc gia, những người Binh Nhì như Châu Dum, anh hùng bắn súng máy ở Đèo Hải Vân trong Đệ Nhất Tiểu Đoàn Nhẩy Dù Việt Nam, Binh Nhì Đoàn Ngọc Chiêm, Trần Ngọc Dinh, anh hùng trong Đệ Tam Tiểu Đoàn Nhẩy Dù vùng Hải Dương Bắc Việt, Hạ Sĩ Phùng Minh Xuân nổi danh trong cuộc hành binh ở Da Ban, Trung Việt, Trung Sĩ Vương Hữu Hào, Trần Quang Vinh, anh hùng của tháp canh TRV-993 Biên Hòa v.v…Tất cả còn nhiều không thể kể xiết, đã ngã trong danh dự.
Dưới danh từ ‘’lực lượng’’ trong vùng quốc gia, ngoài quân đội chính quy trực thuộc hẳn hoi trong hệ thống nhất định của chính phủ Quốc Gia Liên Hiệp, mỗi địa phương Trung-Nam-Bắc còn có những tổ chức quân sự riêng biệt hoặc hoạt động dưới quyền Thủ Hiến Phủ do ngân sách địa phương đài thọ, hoặc hoạt động dưới sự chỉ đạo của các nhóm tôn giáo, chính trị.
Ở Bắc Việt, không kể Bảo Chính Đoàn nguyên Thủ Hiến Phạm Văn Bình đã khởi xướng việc thành lập quân thứ lưu động và hiện kim Thủ Hiến Nguyễn Hữu Tri còn thành lập và phát triển Địa Phương Quân. Địa Phương Quân là những chiến sĩ áo nâu, chiến sĩ nơi đồng ruộng có nhiệm vụ giữ làng giữ xóm trực tiếp đối đầu với lực lượng du kích của đối phương. Họ là những ‘’du kích thoát ly sinh sản, Việt Minh có hai loại du kích, một là du kích thoát ly sinh sản hai là hạng dân quân du kích tự cung, tự túc. Hạng trên được tập hợp có hệ thống và biên chế rõ rệt được địa phương đài thọ, họ chiến đấu và tiến dần thành bộ đội địa phương, thường gọi là chủ lực địa phương. Trái lại, hạng dưới chỉ là thường dân, khi hết nhiệm vụ sản xuất ở đồng ruộng lại đóng vai canh gác, tuần thám như tài liệu chính trị, tin tức, sách báo…’’
Ở Bắc Việt còn có một lực lượng địa phương khá hùng hậu và đầy đủ tinh thần chiến đấu, đó là những lực lượng Công Giáo vùng Bùi Chu-Phát Diệm. Họ tuy không thuộc hạng lính chuyên việc ‘’tấn công địch’’ nhưng vì vùng Công Giáo là chiến trường gay gắt và dai dẳng nhất Bắc Việt nên vô hình chung họ đã trở thành những người lính chiến kiên nhẫn và mạnh dạn cố thủ giữ quê hương.
Tại miền Trung, Thủ Hiến Phan Văn Giáo thành lập Nghĩa Dũng Đoàn để bảo vệ tài sản và sinh mệnh của dân chúng. Nói đến Nghĩa Dũng Đoàn ở Trung Việt ngày nay tất phải nhớ đến truyền thống khá oanh liệt của Việt Binh Đoàn mà tiền thân là Bảo Vệ Quân do Hội Đồng Chấp Chánh tổ chức ra 7, 8 năm về trước. Tất cả những kinh nghiệm và tinh thần chiến đấu của Việt Binh Đoàn ngày nay Nghĩa Dũng Đoàn tất nhiên mặc hưởng và phát triển trong sứ mạng bình định miền Trung nước Việt.
Nói đến miền Nam, những tổ chức quân sự riêng lẻ thật là dồi dào. Quân đội Bình Xuyên, quân đội Hòa Hảo, quân đội Cao Đài. Những đoàn quân riêng biệt ấy không trực thuộc trong hệ thống Quân Đội Quốc Gia, cũng không trực thuộc dưới quyền Thủ Hiến Phủ Nam Việt. Những nhóm quân sự hùng mạnh đó chịu dưới quyền đặc biệt của các Tướng lĩnh địa phương (Bình Xuyên) hoặc của các lãnh tụ tôn giáo (Cao Đài, Hòa Hảo).
Riêng về vấn đề quân sự, sau hơn một năm hoạt động, chính phủ Nguyễn Văn Tâm đã cố gắng thực hiện công cuộc phát triển Quân Lực Quốc Gia, số lượng mới đây hàng vạn đã lên đến hàng chục vạn. Đó là một thành tích rất đáng kể. Tuy nhiên muốn được thập phần hoàn hảo, cần phải cương quyết vượt qua nhiều nhược điểm và sửa chữa nhiều khuyết điểm như vấn đề chưa thống nhất, đoàn kết được tất cả các lực lượng quân sự dưới hẳn một hệ thống tổ chức nhất định để cùng hành động trong một chiến lược chung, hai là vấn đề tư trưởng phục vụ nhân dân trong quân đội chưa được chỉnh bị khiến cho thường khi có những việc làm tắc trách trong công cuộc bình trị, vấn đề thứ ba là tư tưởng chính trị chưa được hoàn toàn phổ biến, còn cần phải làm thế nào cho quân sĩ quan niệm thật rõ rệt và vững chắc ý nghĩa về sự chiến đấu của họ.
Chừng nào câu nói ‘’Nhận cho mình nhiều vùng chiến đấu mới’’ được kết quả hoàn toàn cả bề sâu lẫn bề rộng, chừng đó Quốc Gia Việt Nam mới có thể hãnh diện vì những vượt bực cố gắng của mình, Quân Đội Việt Nam sẽ kiêu hãnh vì thành tích oanh liệt vẻ vang của mình.
Quân Lực Việt Nam bành trướng, vùng quốc gia sẽ càng ngày càng mở rộng và dân chúng sẽ theo chính phủ quốc gia nhiều hơn nữa. Mất dân chúng, Việt Minh sẽ mất hẳn yếu tố quyết định sự sống còn của họ.
Trong phạm vi Kinh Tế, Nội Các Nguyễn Văn Tâm đã thu hoạch được nhiều kết quả đẹp mặc dầu đang phải chuyên chú đến vấn đề xây dựng Quân Đội Quốc Gia, mặc dầu tình thế còn phô bầy một thực trạng đáng lo ngại.
Vì chiến tranh. nhất là chiến tranh du kích và chính sách vườn không nhà trống, nước Việt Nam đã nghèo nay lại sơ xác thêm. Muốn thực hiện một nền kinh tế khả dĩ có thể tự túc, trước hết phải lo giải quyết vấn đề nhân khẩu mà đại đa số là nạn nhân chiến tranh, mất hết sản nghiệp, đang bị nạn đói, rét đe dọa. Chính phủ giải quyết ngay vấn đề đó rồi mới mong tính đến khai thác được sức lao động của nhân dân, phục vụ nền kinh tế quốc gia non yếu.
Đất Bắc là nơi chiến tranh tàn khốc nhất. Theo kế hoạch ngăn chặn nguồn tiếp tế của Việt Minh, Liên Quân Việt-Pháp đã chẳng nề hà phá tan các kho dự trữ lương thực của địch ở khắp nơi, trái lại để tăng cường số lượng dự trữ của mình, Việt Minh đã đánh ập vào các vùng đồng ruộng phì nhiêu cướp thóc lúa trong mùa gặt hái, đồng thời bao vây cấm ngặt việc chuyển gạo vào các thị thành. Do đó, Bắc Việt đã trải qua nhiều lần gạo cao giá. Nhờ khả năng sản xuất gạo ở Nam Việt, nhờ phương tiện giao thông dễ dàng, mau chóng. Tổng Trưởng Kinh Tế Nguyễn Văn Nhung đã ban hành những biện pháp thích ứng, nhờ lòng tận tâm của các đương cục hữu trách, Bắc Việt đã tránh được những cuộc khủng hoảng gạo.
Dưới Nội Các Nguyễn Văn Tâm, vấn đề gạo nuôi sống nhân dân tương đối được thăng bằng, tất cả các ngành kinh tế khác nhờ đó đã tiến triển tuy chưa vượt mức nhưng cũng khá quan trọng.
Về Kinh Tế Nông Nghiệp, chính phủ hết sức giúp đỡ tài chính và hướng dẫn nhà nông tăng gia theo các phương pháp khoa học nên đã có những tiến bộ cụ thể.
Trước hết, trên tư tưởng, chính phủ đã dung hòa được quyền lợi các giai cấp trong đám nông dân: Phú nông, trung nông, tiểu nông và bần cố nông và ngược lại hạng bần cố nông trong khi tiến tới hưởng quyền sở hữu chủ ruộng đất bằng cách tự xuất sức lao động, đã không quá trớn thủ tiêu quyền lợi cố hữu của giai cấp điền chủ.
Trên địa hạt sản xuất, phát triển nông nghiệp, nhất là sản xuất thóc lúa, chính phủ đã đạt được những mục tiêu đáng kể.
Nếu kinh tế nông nghiệp, chia ra nhiều khu vực:
– Canh tác về thóc lúa.
– Thủy nông.
– Trồng trọt thực phẩm.
– Chăn nuôi.
– Khai thác lâm sản.
– Hầm mỏ.
– Ruộng muối.
– Thóc lúa được đặt lên hàng đầu trong nền kinh tế nông nghiệp. Đối với đông đảo nhân dân ở Á Đông, hạt thóc đã được gọi là ‘’ngọc thực’’. Trận chiến tranh giữa Việt Minh và Liên Quân Việt-Pháp đôi khi đã có những chiến dịch mệnh danh là chiến dịch thóc lúa. Đối với Việt Minh, hạt thóc quyết định chiến trường. Trong vùng quốc gia cũng vậy, hạt thóc quyết định tất cả, mọi hoạt động đều phải chịu ảnh hưởng ở vấn đề thóc gạo.
Từ ngày xảy ra chiến tranh, ruộng đất bỏ hoang kể hàng vạn mẫu tây trong toàn quốc. Bộ Canh Nông dưới quyền Tổng Trưởng Cung Đình Quý đã cố gắng thực hiện việc canh tác trên những thủa ruộng hoang. Mỗi năm số diện tích những đồng ruộng được cầy cấy lại, được tăng một cách khả quan. Trong năm 1952, tổng số tính theo mẫu tây tăng được 8.710 và cuối năm 1953, tại khắp lãnh thổ Việt Nam, nhà nông đã cầy cấy trong khu vực quốc gia năm 1953, lên tới 2.016.850 mẫu tây.
Với những phương pháp tinh xảo và được giúp đỡ thóc giống, phân bón hóa học, nhà nông Việt Nam, đã sản xuất trong năm 1952 trên hai triệu rưỡi tấn gạo trong năm 1953, 2.763.300 tấn gạo.
Sở dĩ tiến bộ được như thế vì quần chúng nông gia sống tương đối yên ổn trong khu vực quốc gia kiểm soát đã tích cực cố gắng đổ mồ hôi trên đồng ruộng và cũng nhờ ở chính phủ đã dành riêng một số tiền cho kế hoạch canh tác.
Từ 713.750 đồng năm 1951 dưới Nội Các Trần Văn Hữu, vốn xuất trong năm 1952 đã lên tới 6.279.000 đồng và năm 1953 cũng 6 triệu đồng.
Chính phủ Nguyễn Văn Tâm còn dành riêng một ngân khoản 10.000.000 trong số tiền viện trợ Mỹ, hợp với 5.000.000 đồng của Sở Quốc Gia Tín Dụng Hợp Tác Canh Nông và Tiểu Công Nghệ dùng trong chương trình vay mượn ngắn hạn cho các tá điền và tiểu điền chủ. Tuy chương trình này mới chỉ áp dụng với nông dân các miền Chợ Lớn, Gia Định, Mỹ Tho, Tân An, Gò Công ở Nam Việt nhưng rồi đây nông dân toàn quốc cũng sẽ phải được hưởng theo.
Nếu trong vùng Việt Minh hạt thóc đã gây bao khốn cực cho đời sống bình nhật của nông dân thì ở vùng quốc gia, dưới chính phủ Nguyễn Văn Tâm và dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tổng Trưởng Canh Nông Cung Đình Quý, nhà nông đã tạm đủ thóc lúa tự túc, thị thành thoát khỏi nạn khan gạo, một điều đáng lo sợ cho tất cả mọi người.
– Số lượng thóc lúa tăng tiến một phần cũng do công cuộc thủy nông được mở mang.
Gạo Nam Việt nhiều hơn ở Bắc và Trung vì không những ở Nam đồng ruộng nhiều hơn lại còn được hưởng đầy đủ số nước cần thiết cho cây lúa do công cuộc thủy lợi và do mưa gió điều hòa hơn ở Trung Bắc. Tại Bắc Việt, một vài nơi như Thanh Hóa, Sơn Tây, Bắc Giang có những ‘’nông giang’’ luôn luôn tưới nước mát cho đất mầu nhưng phần lớn đồng ruộng những tỉnh ấy đều dưới quyền kiểm soát của Việt Minh.
Chính phủ đã xúc tiến công việc sửa chữa sông đào sửa chữa đê điều trị thủy và tu bổ các cống nước, đập nước tiện cho nông gia sử dụng. Riêng với công việc thủy lợi chính phủ đã phải tiêu tốn hàng chục triệu (năm 1952 hết 12.747.000 đồng và năm 1953 hết 20 triệu đồng).
– Ngành trồng trọn hoa mầu khác ngoài thóc lúa của được Bộ Canh Nông rất chú trọng. Tại các vùng đất đai chỉ có thể sản xuất được ngô, khoai, sắn hoặc các thứ thực phẩm như dưa, cà, bí, đỗ, lạc v.v…nông gia được hưởng và sử dung một ngân khoản riêng dành cho họ. Nhờ sự nâng đỡ đó các nhà nông trồng trọn hoa mầu thực phẩm đã sản xuất được nhiều và tăng tiến công việc đồng áng của họ.
– Về chăn nuôi, chính phủ bỏ ra một số tiền là 20 triệu đồng năm 1952 và 22 triệu trong năm 1953. Với tiền giúp đỡ, đồng bào thôn quê tránh được nạn thiếu trâu bò cầy cấy và có thể khẩn trương công việc chăn nuôi gia súc.
Nếu dân chúng sống trong vùng Việt Minh bắt buộc phải hạn chế sát sinh trâu bò thì ở vùng quốc gia, dân chúng đã được hưởng thụ đầy đủ những thức ăn cần thiết.
Ngành lâm sản cũng có riêng một ngân khoản quan trọng 122.000.000 đồng trong năm 1952 và 146.500.000 trong 1953.
Số gỗ dùng vào công việc xây dựng mỗi năm hàng hai chục vạn thước khối mặc dầu phần lớn rừng núi vẫn thuộc vùng của Việt Minh đóng giữ.
Củi đun mỗi năm tiêu thụ chừng năm chục vạn tạ và than gỗ có thể sản xuất được hàng vạn tấn.
Công tác sản xuất nhựa thông ở vùng Cao Nguyên cũng được nghiên cứu và cải cách phương pháp lấy nhựa.
Các đồn điền cao xu lại được khai thác sau khi đã diệt trừ được những sự len lõi phá phách của du kích Việt Minh. Số lượng sản xuất mỗi ngày mỗi tăng. Năm 1951, Việt Nam đã sản xuất được 37.278 tấn nhựa cao xu năm 1952, số tấn lên đến 45.062.
– Nói đến hầm mỏ, nhất là ở Bắc Việt, các Công Ty đã rất tiến bộ từ khi chính phủ Quốc Gia Liên Hiệp bắt tay vào việc. Đặc biệt nhờ sự săn sóc của Mỹ trong phạm vi máy móc và kỹ thuật khai thác, các công ty mỏ than đã nỗ lực không ngừng phát triển.
Mức sản xuất tăng rất đều. Từ hơn 6 chục vạn tấn than đá năm 1951 đã lên đến 9 chục vạn tấn năm 1952. Những năm tới số lượng sản xuất than đá sẽ phải tăng vượt mức vì lý do an ninh đã gần hoàn toàn trở lại trong khu vực hầm mỏ và nhờ ở sự hỗ trợ của chính phủ Việt Nam, nhờ cố gắng của nhà chuyên môn kỹ thuật.
– Muối là món thực phẩm quan trọng chẳng kém gì thóc gạo nên kỹ thuật sản xuất muối biển được cải tiến. Năm 1952, số lượng sản xuất muối là 143.200 tấn và năm 1953, sẽ có thể hơn nữa, không những đủ dùng trong dân chúng mà còn thừa để xuất cảng.
Vấn đề Công Kỹ Nghệ nói chung vẫn chậm tiến. Kỹ nghệ nặng chưa được xây dựng vì thế phần lớn những nhu cầu cần thiết cho Quốc Phòng phải trông mong vào viện trợ của Hoa Kỳ và Pháp. Tiểu công nghệ như nghề làm dầu nhớt, xà phòng hay việc sản xuất bông, tơ…chưa được khả quan vì lẽ thiếu nhiều nguyên liệu và máy móc cần dùng.
– Về ngành Giao Thông Công Chính, chính phủ đặt một chương trình hoạt động trường kỳ và khoa học. So với ngành giao thông kém cõi lạc hậu của Việt Minh phương tiện giao thông trong vùng quốc gia đã hơn hẳn, vừa đầy đủ phương tiện, vừa nhanh chóng dễ dàng.
Bộ Giao Thông Công Chính đã tích cực trong công cuộc sửa sang các hải cảng và các đường giao thông mặt thủy như vét bùn ở bến tầu, các kho hàng ở bến, khơi sông v.v…Dân chúng đã có thể dùng đường thủy để thông thương vừa tiện lợi vừa rẻ tiền. Quốc Gia Việt Nam đã có nhiều tầu thủy kiểu LCT như tầu Bạch Đằng Giang, tầu Hàm Tử Quan, tầu Chương Dương Độ.
Việc giao thông trên đường bộ đã gặp nhiều trở lực rất gay go vì chiến thuật phá đường của Việt Minh. Đã có rất nhiều chiến sĩ ngành Công Chính phải bỏ mình trong khi thi hành nhiệm vụ sửa chữa và giữ gìn đường xá. Nhờ những hy sinh đó mà hệ thống giao thông trên bộ được mở mang.
Số xe cộ đi lại trên đường bộ ngày một nhiều hơn trước, nhất là tại các thành phố lớn trên khắp lãnh thổ Việt Nam.
Những khoản chi tiêu về giao thông công chính đã tăng từ 113 triệu bạc (1951) lên đến 323 triệu bạc năm 1953 đủ chứng tỏ nỗ lực của chính phủ quốc gia về phương diện xây đắp đường giao thông.
Ngoài đường thủy và đường bộ, chính phủ mở mang thêm đường không vận bằng cách gián tiếp quan quản Công Ty Hàng Không Việt Nam, thỏa thuận cho những tư nhân ngoại quốc và Việt Nam được thành lập các Công Ty Không Vận trên hệ thống giao thông quốc tế.
Để thúc đẩy và phục hưng nền kinh tế trong nước, tháng 6 năm 1953, chính phủ thành lập một Hội Đồng Quốc Gia Kế Hoạch đặt dưới quyền trực tiếp của Thủ Tướng chính phủ hay một vị được Thủ Tướng ủy quyền có sự phụ tá hoặc của Phó Thủ Tướng Tổng Trưởng Tài Chánh Kế Hoạch và Kiến Thiết hoặc một vị được Phó Thủ Tướng ủy quyền.
Hội Đồng Quốc Gia Kế Hoạch gồm những nhân vật như sau:
Hội Viên Chính Thức:
• Quốc Vụ Khanh, Đổng Lý Văn Võ Phòng Đức Quốc Trưởng (hay vị đại diện)
• Tổng Trưởng Bộ Quốc Phòng (hay vị đại diện)
• Tổng Trưởng Bộ Kinh Tế (hay vị đại diện)
• Tổng Trưởng Bộ Quốc Gia Giáo Dục (hay vị đại diện)
• Tổng Trưởng Bộ Giao Thông Công Chính Bưu Diện (hay vị đại diện)
• Tổng Trưởng Bộ Y Tế (hay vị đại diện)
• Tổng Trưởng Bộ Canh Nông (hay vị đại diện)
• Tổng Trưởng Bộ Xã Lao (hay vị đại diện)
• Thủ Hiến các Phần (hay vị đại diện)
Hội Viên Thường do Thủ Tướng bổ nhiệm:
• 1 Đại diện Canh Nông
• 1 Đại diện Kỹ Nghệ
• 1 Đại diện Thương Mại
• 1 Đại diện Ngân Hàng
• 1 Cố vấn kỹ thuật.
Hội Đồng Quốc Gia Kế Hoạch có nhiệm vụ đề nghị lên chính phủ mọi biện pháp nhằm mục đích tăng gia, điều hòa sự sản xuất mậu dịch trong khuôn khổ chính sách tổng quát của chính phủ là phục hưng kinh tế, nâng cao tình trạng xã hội trong nước và đề nghị những phương pháp để thi hành kế hoạch làm việc.
Sắc lệnh thiết lập Hội Đồng Quốc Gia Kế Hoạch ra đời sau vụ phá giá đồng bạc Đông Dương đã là một điểm báo trước những cố gắng tiến triển tương lai của nền kinh tế quốc gia độc lập.
Vụ phá giá đồng bạc Đông Dương do quyết định độc đoán của chính phủ Pháp (Mayer) đã làm nghiêng ngửa những cố gắng của chính phủ Việt Nam trên mọi phạm vi đến Hiệp Ước 8 tháng 3 năm 1949 ký kết giữa hai nước.
Quyết định bất ngờ ấy làm cho ngân sách Quốc Gia Việt Nam lung lay, khiến toàn thể dân chúng Việt Nam kém tin cậy lòng ngay thẳng của chính phủ Pháp.
Báo chí Việt Nam đồng thanh chỉ trích phê bình, lên án quyết định đó, cho đó là một sự vi phạm nặng nề đến chủ quyền của Việt Nam, một lầm lỗi không thể làm ngơ bỏ qua được.
Giáo Sư Kinh Tế Âu Trường Thạch tại Sài Gòn đã nhấn mạnh việc sụt giá của đồng bạc Đông Dương là một bài học cho toàn thể dân Việt Nam cần ghi nhớ. Nhà Kinh Tế Học nói:
‘’Phản đối là một việc về hình thức và có ý nghĩa tượng trưng. Nguy cơ căn bản là chúng ta sống trên một nền kinh tế lệ thuộc’’.
Đứng hẳn về phương diện chuyên môn, Giáo Sư Âu Trường Thạch vạch rõ những điểm đặc biệt:
‘’Điều tủi nhục hơn hết là từ Nam chí Bắc có rất nhiều ngân hàng và Phòng Thương Mại của ngoại kiều, người Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam chẳng có lấy một Phòng Thương Mại hay một Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam. Mấy năm nay, dân Việt Nam sống xa hoa xa xỉ trong cảnh phồn thịnh. Sự phồn thịnh ấy chỉ là bề ngoài nhờ ở 200.000 người trong đạo binh Viễn Chính Pháp cũng như Việt Nam tiếp nhận 200.000 khách du lịch đem tiền đến ăn tiêu trên lãnh thổ của mình. Việt Nam chưa có một nền kinh tế độc lập tiềm tàng khả năng tăng gia sản xuất.’’
Kết luận, Giáo Sư họ Âu cho rằng: ‘’Phá giá đồng bạc là bài học cho dân Việt Nam.’’
Để tránh sự hỗn loạn, mất thăng bằng trong đời sống của nhân dân, chính phủ đã phải thi hành ngay những biện pháp cần thiết, ấn định giá cả và thể thức kê khai hàng hóa, kiểm soát sự buôn bán, tăng thuế nhập cảng v.v…
Vấn đề ngoại thương cũng được cụ thể hóa bằng các thương ước ký kết với các quốc gia phương Tây như Bỉ, Lục và gần đây với Ý, Tây Đức, Hòa Lan. Đã có sự tiếp xúc giữa các phái đoàn kinh tế của những quốc gia đó với phái đoàn kinh tế của Việt Nam.
Trong Hội Nghị Colombo họp tại Ấn Độ tháng 10 năm 1953 phái đoàn kinh tế Việt Nam do Tổng Trưởng Cung Đình Quý hướng dẫn đã nhận được những hứa hẹn của các quốc gia miền Đông Nam Á. Và cũng là lần đầu tiên một phái đoàn Việt Nam được Thủ Tướng Ấn Độ Nehru đích thân tiếp đón.
Tại miền Nam Cao Nguyên (Hoàng Triều Cương Thổ) dưới sự hướng dẫn trực tiếp của Quốc Trưởng Bảo Đại và ông Đổng Lý Văn Võ Phòng Quốc Trưởng Nguyễn Đệ, một kế hoạch kinh tế riêng biệt đã được thành hình.
Miền Nam Cao Nguyên là một khu rừng núi rộng lớn gồm đất đai của những Tỉnh như Pleiku, Komtum, vùng Darlac, Lang Bian, Djiring. Có những 5 chục vạn dân thiểu số Sedang, Banhar, Djarais, Rhade, Maa, Sré, Noang v.v…ở rải rác trong rừng và chừng 3 vạn dân Việt sống tập trung ở các Thị Xã Kontum, Pleiku, Banmethuot, Đà Lạt, Djiring, Blao, Dran.
Dân chúng Cao Nguyên từ xưa vẫn sống bằng nông nghiệp tối lạc hậu về nghề săn bắn. Họ thường làm rẫy để reo hạt hoặc thóc hoặc ngô. Làm rẫy là một lối canh tác đặc biệt của tất cả các dân tộc thiểu số trên Cao Nguyên. Họ chọn và đốt những ngọn đồi có khi rất cao và rất dốc nhưng miễn là đất còn mới chưa ai cầy cấy. Sau vài ngày, lửa đốt cháy trụi hết cả cây cỏ chỉ còn lại những gốc cây to. Trên làn tro xám, dân chúng có thể reo vừng, trồng ngô, trồng lúa. Họ chỉ còn có việc canh giữ không cho các muôn thú đến phá hoại và chờ ngày gặt hái. Mỗi rẫy họ trồng trọt có một lần.
Dân thiểu số rất thạo nghề săn bắn, chuyên dùng cung nỏ kiếm thức ăn. Họ sống trong những nơi xa thẳm miền rừng núi, nhà kín mít, tối tăm quanh năm thiếu ánh sáng và ám khói, ấy là chưa nói đến ở góc nhà còn xếp lủng củng những lọ đựng hài cốt của tổ tiên.
Vì các dân tộc thiểu số sống ở miền Nam Cao Nguyên còn tối lạc hậu như thế nên kế hoạch kinh tế Nguyễn Đệ đã phải nhằm những mục tiêu cần thiết:
– Nâng cao mực sinh hoạt dân chúng.
– Làm tan biến những kiểu sống quá lạc hậu.
– Nâng cao và điều hòa trình độ văn hóa chung cho các bộ lạc.
– Tập hợp những làng mạc tản mác thành từng khối để dễ dàng hướng dẫn giáo dục, phát triển nông nghiệp, dìu dắt dân tộc thiểu số bước kịp đà tiến của dân tộc Việt Nam.
Nói tóm lại, chính phủ đã hết sức cố gắng để mở mang nền kinh tế quốc gia. Nhưng nhìn tổng quát vào chính sách hoạt động, còn khá nhiều điểm cần phải nghiên cứu tu bổ thêm.
Điểm thứ nhất là dân Việt Nam hơn 90% sống nhờ nghề nông. Đáng lẽ kinh tế nông nghiệp phải được chú trọng trên hết và phải được chú trọng trên hết và phải được nâng đỡ nhiều hơn cả thì trái lại, ngân khoản dành cho căn nông trong số tiền chi dụng chung cho kế hoạch phục vụ kinh tế quốc gia rất ít ỏi. Đã thế, phân khoản ấy lại dùng cả cho công cuộc phát triển các đồn điền cao xu mà phần lớn đều do các công ty ngoại quốc nắm giữ. Đứng về phương diện tăng gia sản xuất như vậy có thể là lệch hướng. Đứng về phương diện đấu tranh chính trị với Việt Minh, tất nhiên khó đem lại thắng điểm cho biện pháp quốc gia, Việt Minh dễ lợi dụng con số quá thấp kém nói trên để tuyên truyền lung lạc nông dân.
Điểm thứ hai là trong khi các quốc gia trên thế giới hoặc đang nghiên cứu hoặc đã thực hiện công cuộc điện khí hóa thôn quê thì ở Việt Nam ngay tại các thành phố lớn, sự phân chia điện còn kẽm cõi. Thiếu điện lực, dân chúng không còn hy vọng gì nghĩ đến việc mở mang kỹ nghệ, nhất là những nhà máy phát điện ở trong tay các hãng độc quyền nắm giữ.
Chính phủ chưa chú ý đến việc dùng thác nước để đem lại cho dân chúng một nguồn sinh sống tân tiến.
Điểm thứ ba, sự nỗ lực phát triển khai thác tại các hầm mỏ đã tiến bộ trong khi nền kỹ nghệ nặng quốc gia chưa được xây dựng tý gì. Như vậy, kết quả của công việc khai thác chỉ là kết quả của những hành động thuộc loại thương mại, không có một chút ý nghĩa nào về phương diện xây dựng kỹ nghệ quốc gia.
Đối với Việt Nam hiện nay, nỗ lực khai thác hầm mỏ phải đi đôi với nỗ lực mở mang kỹ nghệ và hai việc đó phải liên hệ ràng buộc với nhau, phải cần có những tương quan chặt chẽ.
Bước sang công cuộc Kiến Thiết chính phủ Nguyễn Văn Tâm tiếp tục thi hành chính sách Bồi Thổ của Quốc Trưởng Bảo Đại đề ra từ ngày mới trở về lãnh đạo việc nước.
Chính phủ cho các tư nhân vay tiền làm nhà ở và xây dựng những khu nhà rẻ tiền cho các tiểu công chức và công nhân thuê hoặc tậu hẳn bằng cách trả tiền dài hạn.
Trong năm 1952, tiền dùng để xây dựng nhà cửa do Quỹ Tự Trị của Kiến Ốc Cục cho vay là 8 triệu rưỡi, đã lên đến con số 12 triệu 4 trăm ngàn bạc trong năm 1953.
Chính phủ cũng xuất ra những số tiền lớn (30 triệu) để xây dựng các khu nhà rẻ tiền cho quần chúng lao động có nơi trú ngụ.
Cương quyết đối phó với nạn thiếu nhà ở, chính phủ đã thành lập các làng mới như làng Phước Hiệp, làng Thắng Nhất làng Đông Hoa ở Gia Định, Ô Cấp (Nam Việt), làng Chánh Hòa ở Quảng Bình (Trung Việt) để tập trung số dân hồi cư tỵ nạn.
Ngoài Bắc Việt, Thủ Hiến Nguyễn Hữu Tri thí nghiệm xây dựng Đại Xã Đồng Quan. Công việc tiến hành rất đều đặn, được chú ý cả từ vấn đề giáo dục, thủ công nghiệp đến phương diện đào giếng hợp vệ sinh, chăn nuôi gia súc. Dân chúng ở Đại Xã được giúp đỡ những vịt giống, cá giống, hạt giống v.v…
Những hoạt động của các Sở Cứu Tế Xã Hội thực ra chưa có gì đáng kể ít nhiều việc đi phân phát lương thực vải, chăn, quần áo cho những nơi mới được bình định, tổ chức giúp nạn nhân các vùng bão lụt v.v…
Phần lớn hoạt động xã hội mới chỉ quy tụ trong việc mở mang và thực hiện chương trình Y Tế.
Nói đến hoạt động y tế tức là nói đến những sự cố gắng của tất cả các bác sĩ trong vùng quốc gia, cố gắng trong sự tìm tòi trị bệnh cho dân chúng.
Những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như thổ tả, dịch hạch, đậu mùa rất ít khi xẩy ra. Nhờ có bột trừ muỗi, rệp DDT và các thứ thuốc sốt rét mới và mạnh, số bệnh nhân mắc bệnh sốt rét đã rút, có nơi từ 80% xuống 5%.
Bệnh đau mắt hột ở Việt Nam trước kia rất bành trướng. Gần đây nhờ những tổ chức y tế lưu động đến tận các làng mạc để phát thuốc và chữa bệnh ngay tại chỗ, nạn đó đã giảm dần.
Ở Hà Nội nhà thương chữa mắt dưới sự trông nom của Bác Sĩ Phạm Văn Tiến đã giúp đỡ đồng bào thôn quê rất nhiều. Nông dân từ xưa đến nay đại đa số bị đau mắt hột, bị toét mắt, lông quặm và đã có những người bị lòa vì phải sống trong tối tăm, ẩm thấp, thiếu vệ sinh, phải phơi mình suốt ngày làm việc dưới nắng trang trang ngoài đồng ruộng. Nay nhờ sự tận tâm săn sóc của các bác sĩ lành nghề, các nhân viên y tế lưu động, nhiều đồng bào đã thoát được nạn hỏng mắt.
Chiến tranh càng dai dẳng số người bị bệnh lao càng nhiều. Ngoại số dân chúng được sống đầy đủ ở thành thị còn đã số dân chúng, nhất là ở vùng tiền tuyến đã sống trong cảnh thiếu ăn thiếu mặc và ngày đêm luôn luôn bị súng đạn khủng bố tinh thần. Do đó bệnh lao được thể hoành hành trong đám người cơ cực ấy. Một ít người may mắn có hoàn cảnh và điều kiện đã lên được các thành phố lớn để theo đuổi thuốc men. Tại những nước tân tiến, các dưỡng đường trị lao thường được thiết lập ở những vùng thoáng rộng, trái lại ở Việt Nam bệnh nhân bắt buộc từ giã nơi thoáng khí để đi sâu vào phố phường tĩnh dưỡng. Hoàn cảnh chiến tranh và sự thiếu thốn nói chung của cả dân chúng lẫn chính phủ đã khiến các bác sĩ chuyên môn về lao đành cứ theo đuổi chính sách trị bệnh một cách chua chát trong các dưỡng đường ở giữa đô thị đầy bụi bặm, nhất là ở Bắc Việt.
Chính phủ đã tổ chức những phòng tiêm BCC cho các trẻ em để ngăn ngừa bệnh lao, nhưng chưa được phổ cập nhiều.
Công cuộc ngăn ngừa bệnh hoa liễu rất được chú ý. Bệnh hoa liễu lan tràn nhiều nhất trong khoảng 1947-1948-1949. nhưng từ 1950 đến nay bệnh đó đã lui dần nhờ thuốc Penicilline, Bi-Penicilline nhờ những hoạt động của nhà thương bài trừ hoa liễu và những tổ chức kiểm soát khám bệnh cho gái điếm.
Để chữa bệnh ung thư, hai Viện Ung Thư, một ở Hà Nội có 717 gam radium, một ở Sài Gòn có 345 gam, đã hoạt động ráo riết.
Chống với nạn đầu độc do thuốc phiện gây ra, chính phủ đã dự định bắt đầu từ 1954 sẽ cấm hẳn sự buôn bán ma túy trong dân chúng. Số người nghiện, một ngày kia hy vọng sẽ không còn.
Riêng về bệnh hủi, phần lớn những trại hủi đã bị tàn phá từ 1945. Các bệnh nhân bị phân tán reo rắc căn bệnh nguy hiểm trong dân chúng. Từ 1952, nhờ số tiền của Viện Trợ Mỹ, Bộ Y Tế đã thành lập được ở vùng Nam Cao Nguyên (Kontum) một trại hủi và số người hủi đang được chạy chữa đó đã có tới 5.000.
Trên đây là kể đến những công cuộc ý tế trên thực tại, những công cuộc đã cứu hàng ngàn vạn người dân Việt Nam giữa lúc chiến tranh ra công reo rắc đau thương và bệnh hoạn.
Chương trình y tế nhằm những mục tiêu chính:
– Bài trừ bệnh sốt rét tàn hại dân chúng ở các miền sơn cước.
– Bài trừ bệnh đau mắt hột hoành hành ở các thôn quê.
– Giáo dục vệ sinh ở thôn quê.
Các ngân khoản dành riêng cho Ngành Y Tế:
– Năm 1952: 204.300.000 đồng.
– Năm 1953: 220.000.000 đồng.
Viện trợ kinh tế Mỹ đã góp vào đó mỗi năm chừng 25%.
Hoạt động Y Tế ở Việt Nam lâm vào hai tình trạng:
– Thiếu nhà thương chữa bệnh: Trong một cuộc đi thăm các nhà thương ở Bắc Việt tháng 11 năm 1953, dưới sự hướng dẫn của Bác Sĩ Giám Đốc Y Tế Bắc Việt Lê Văn Khải, những người hằng tâm đến sức khỏe của đồng bào đã bùi ngùi khi nghe lời tuyên bố của Bác Sĩ Phạm Biểu Tám, Giám Đốc Bệnh Viện Phủ Doãn: ‘’Chúng tôi không thể từ chối một vết thương nào. Người dân nào cũng có quyền được nằm điều trị. Nhưng trong hoàn cảnh thiếu thốn lúc này chúng tôi không thể làm hơn được. Nguyên nhân không phải là thiếu giường, chính là thiếu nhà nằm’’. Người ta đã thấy các bệnh nhân ba bốn người nằm chen chúc một giường hoặc phải nằm cả xuống đất, ngổn ngang trong những căn buồng hẹp, lạnh lẽo.
– Thiếu thầy thuốc chữa bệnh: Chính ông Tổng Trưởng Bộ Y Tế Tân Hàm Nghiệp đã phải nói trong một buổi họp mới của Hội Rotary Club ở Sài Gòn rằng: ‘’Dân chúng Việt Nam bị khốn đốn vì tình trạng thiếu nhà thương và thiếu cả thầy thuốc’’.
Vấn đề thầy thuốc ở Việt Nam từ xưa vẫn là một việc nam giải. Chỉ có các nhà giầu mới đủ tiền cho con cái theo đuổi Đại Học nhất là học môn thuốc, những món tiền chi phí cần phải đủ trong 6, 7 năm ròng.
Chính phủ chưa tích cực đề cập vấn đề đào tạo bác sĩ dân y. Lại thêm nhu cầu tối khẩn của quân đội, một số lớn bác sĩ, sinh viên y học đã phải đầu quân, do đó dân chúng đã bị thiệt thòi không ít về phương diện chữa bệnh.
Những công cuộc mà chính phủ đã thực hiện về mặt xã hội hoặc như cứu tế mùa Đông, cấp cứu nạn nhân ở các vùng bị bão lụt, bị cháy chỉ là những việc làm đặc biệt và mặc nhiên phải có trong khi quốc gia bất thần bị thiên tai xẩy đến.
Nước Việt Nam đang bị chiến tranh tàn phá, dân Việt Nam sẽ còn phải chịu đựng nhiều đau khổ nữa chưa biết đến bao giờ, tất nhiên muốn triệt để thực hiện chính sách Bồi Thổ. chính phủ còn phải để tâm thêm nhiều đến việc nghiên cứu và thi hành mọi phương pháp làm dịu nỗi đau thương đang đầy rẫy trong xã hội Việt Nam.
Với chính phủ Nguyễn Văn Tâm vấn đề giáo dục thanh niên đã thêm nhiều tiến bộ.
Dưới quyết tâm cố gắng của Bộ Trưởng Vũ Hồng Khanh. Số thanh niên sang học hỏi ở ngoại quốc mỗi ngày một nhiều, chính phủ luôn luôn mở những kỳ thi cấp học bổng cho những sinh viên du học.
Trong nước, những trường công bậc Tiểu Học và Trung Học đã được mở mang nhưng vì số học sinh ngày càng nhiều nên nhiều trường tư thục đã được phép dễ dàng thành lập.
Ngoài việc chau dồi văn học, thanh niên Việt Nam như đã trỗi dậy về phương diện thể dục, thể thao.
Những hội thể thao hoạt động rất náo nhiệt, tổ chức các cuộc đua bơi, đua xe đạp, bóng tròn. Nhiều đội bạn ngoại quốc đã tới thăm Việt Nam.
Trong năm 1952, Việt Nam cử đại biểu đi dự Thế Vận Hội Helsinki (Phần Lan). Lần đầu tiên Quốc Gia Việt Nam góp mặt với nền thể thao quốc tế.
Về bóng bàn, những cây vợt vô địch Mai Văn Hòa, Trần Văn Đức. Những thanh niên thể thao này thật đã mang lại hãnh diện cho xứ sở và khiến thanh niên nước nhà thêm tin tưởng vào tương lai.
Phong trào Nhu Đạo cũng bành trướng mạnh mẽ. Thanh niên ưa nói đến môn võ thuật mới mẻ này. Ngoài nước, Giáo Sư Nhu Đạo Phạm Lợi đã tự tạo được một tài năng xuất chúng và được liệt vào hạng Huấn Luyện Viên cao cấp về Nhu Đạo quốc tế. Đó là một danh dự chung cho thanh niên Việt Nam.
Nhờ được nâng đỡ của chính phủ, thể thao và thể dục được bành trướng ở Việt Nam song song với sự tiến bộ văn học.
Bước sang địa hạt tinh thần và tư tưởng của thanh niên, nhất là trong giới học sinh, cần phải xem xét để có thể nêu lên được khuyết điểm và nhược điểm của những giai đoạn giáo dục trước.
Thanh niên trong vùng quốc gia đã bị xáo lộn qua nhiều giai đoạn tinh thần từ đầu 1947.
– Giai đoạn trụy lạc.
– Giai đoạn liều lĩnh.
– Giai đoạn học hỏi.
– Giai đoạn đấu tranh.
Giai đoạn trụy lạc: Sau biến cố lớn lao xẩy đến với toàn thể dân tộc, tất cả những khủng bố từ mọi hướng đã đặt thanh niên vào một trạng thái tinh thần hoang mang, khiếp sợ. Thanh niên trở thành yếm thế và lãnh nhiệm vụ trước thời cuộc, lao mình vào một cuộc điếm đàng hỗn loạn. Họ sống bừa bãi, vô tổ chức, trong thâm tâm như chờ đợi một cuộc biến chuyển tình thế có ảnh hưởng đến bản thân họ.
Giai đoạn liều lĩnh: Hoàn cảnh chính trị trong vùng quốc gia còn phức tạp nên các nhà đương cục đã sao lãng việc dìu dắt thanh niên theo một hướng lợi ích duy nhất. Nhằm sự sơ xuất đó, Việt Minh đã nắm đúng thời cơ và bắt mạch đúng tâm trạng thanh niên trong vùng quốc gia để gây một sự hỗn loạn và liều lĩnh, vụ học sinh Trần Văn Ơn ở Nam Việt, những vụ bãi khóa liên tiếp trong toàn cõi, biểu tình ám sát.
Giai đoạn học hỏi: Một phần do những biện pháp quả quyết và cứng rắn của các cơ quan an ninh quốc gia đã tích cực thi hành đối phó với những kẻ làm rối trật tự, một phần do Việt Minh đã thay đổi chính sách hoạt động trong vùng quốc gia, thanh niên học sinh trở lại mực trầm tĩnh và bình thường
Tự chán chường với thái độ hỗn loạn, vô lý nghĩa và vô kết quả của mình, thanh niên học sinh nói chung quay đầu chăm chú vào việc học. Theo họ chỉ có học là an ninh nhất, lại có lợi cho chính bản thân. Nhưng học rồi để làm gì? Họ chưa tìm được câu trả lời.
Giai đoạn đấu tranh: Chính phủ Quốc Gia Liên Hiệp đã thực hiện một việc quan trọng. Ổn định tinh thần thanh niên, Thủ Tướng đã vạch cho thanh niên một đường lối rõ rệt: Gia nhập quân đội phục vụ nhân dân đấu tranh với cộng sản. Số lớn các thanh niên có văn bằng phải theo học các lớp sĩ quan, những thanh niên trong hạn tuổi động viên phải nhập ngũ.
Quân ngũ và chiến trường đã giáo dục thanh niên hiểu biết nhiệm vụ của mình.
Số lớn thanh niên trưởng thành đã phải động viên còn lại trên ghế nhà trường học sinh trẻ tuổi. Họ là những người hăng hái nhất, phần đông chưa hề có ý niệm gì về chính trị, mới lớn lên trong vùng quốc gia kiểm soát. Hiểu rõ tư tưởng tinh khiết, thuần túy trong đám người trẻ tuổi ấy, chính phủ đã luôn theo dõi nâng đỡ và dìu dắt họ.
Tiếp với tổ chức Đại Hội Thanh Niên ở Nam Việt do Bộ Thanh Niên của Vũ Hồng Khanh tổ chức, Nha Học Chính và Nha Thanh Niên ngoài Bắc Việt cũng tổ chức ngày Đại Hội Thanh Niên Học Sinh ở Hà Nội với mục đích phát động phong trào học tập ‘’và tái võ trang tinh thần thanh niên’’.
Ngay khi Thủ Tướng Nguyễn Văn Tâm mới lên nắm chính quyền cũng đã nhìn về phía thanh niên và hiểu rõ rằng tương lai quốc gia là ở thanh niên.
Tháng 7 năm 1952, khi Tân Thủ Tướng ra kinh lý Bắc Việt, ngót một nghìn thanh niên, đại biểu các giới, đã tự động tập hợp tại Dinh Thủ Tướng để trình bày nguyện vọng phụng sự quốc gia của thanh niên và mong đợi sự hiểu biết nâng đỡ dìu dắt của chính phủ. Nhân dịp tiếp xúc đó, Thủ Tướng đã tuyên bố: ‘’Để thanh niên lạc lõng là lỗi tại những nhà lãnh đạo đã không biết cách dìu dắt họ đi vào con đường chính’’.
Phụ nữ trong vùng quốc gia cũng đã tiến bộ nhiều. Phụ nữ đã ganh đua với nam thanh niên về phương diện học tập. Nhiều nữ sinh viên đã đi du học ngoại quốc. Phụ nữ đã tham gia hoạt động trong mọi ngành: Chính trị, quân đội, xã hội v.v…
Có những Hội như Phụ Nữ Toàn Quốc, Phụ Nữ Tương Tế, Bảo Trợ Phụ Nữ đã mạnh mẽ tranh đấu dành quyền lợi cho phái nữ.
Phụ nữ đã phụng sự chiến trường bằng cách tham gia Ngành Nữ Phụ Tá Quân Đội.
Chính phủ đã thành lập trường đào tạo cán bộ thể dục riêng cho phụ nữ (Do Bộ Thanh Niên phụ trách)
Nhiều phụ nữ trẻ đã thành thạo trong các nghề nghiệp có thể tự túc, tránh khỏi cảnh sống bám nhờ gia đình.
Nói chung thanh niên và phụ nữ Việt Nam đã tiến nhưng còn cần phải cố gắng thêm nữa để diệt trừ đầu óc chia rẽ, lưng chừng vương sót lại và phải bỏ hẳn tính thích xa hoa, ăn chơi phù phiếm để chuyên tâm nghĩ tới việc phụng sự quốc gia, dân tộc.
Trên phạm vi Chính Trị, chính phủ Liên Hiệp Nguyễn Văn Tâm đã liên kết được, nếu không nhiều về bề sâu cũng đã lạc quan về bề rộng, những nhóm chính trị và những nhân tài chuyên môn.
Dưới mục tiêu tranh đấu cho Chính Nghĩa Quốc Gia, Quốc Trưởng và chính phủ đã hướng dẫn các đảng phái hoạt động trong vòng kỷ luật với một ý thức xây dựng.
Tuy sống ở trong vùng tương đối được tự do để nẩy nở, một số các đoàn thể chính trị cũng đã đi dần đến chỗ rã rời hoặc không hành động gì cả chỉ còn lại một vài phái đảng có ít nhiều lực lượng và một vài nhóm tôn giáo chính trị.
Trong số lãnh tụ của các nhóm đảng trên đã có nhiều người tham gia hoạt động trong chính phủ.
Hai tôn giáo lớn nhất của Quốc Gia Việt Nam là Đạo Phật và Đạo Thiên Chúa cũng có những đại biểu trên trường chính trị, nhất là Công Giáo. Sở dĩ những đại biểu Công Giáo tích cực hoạt động vì, nếu cộng sản Việt Minh thắng lợi, họ sẽ diệt trừ thẳng tay mọi tư tưởng hữu thần mà Công Giáo là đại diện số một. Trên địa hạt hoạt động, Việt Minh đã tấn công thẳng vào vùng giáo đạo Bùi Chu càng ngày càng dữ dội. Tất cả những vụ bắt bớ Cha Cố ở Trung Cộng, những vụ giam hãm, đầy ải Cha Cố ở khu Việt Minh và sự tăng áp lực ở khu giáo đạo của quân đội Võ nguyên Giáp đã khiến những người lãnh tụ Công Giáo Việt Nam phải chuẩn bị đề phòng và tích cực tranh đấu. Các chiến sĩ đạo giáo trong khi cầm súng bảo vệ Thánh Đường đã biến thành những người lính Quốc Gia dũng cảm.
Năm 1953, có vài biến cố lớn lao đã ảnh hưởng đến cục diện chính trị ở Việt Nam:
– Việt Minh tiến đánh xứ Lào.
– Vụ phá giá đồng bạc Đông Dương của chính phủ Pháp.
– Việc ký kết đình chiến ở Cao Ly.
– Hành động đặc biệt của Mên Hoàng Sihanouk.
Vụ tấn công xứ Lào của Việt Minh đầu Hạ năm 1953 khiến toàn thể thế giới phải chăm chú theo dõi. Tước bỏ những vấn đề hoàn toàn có tính chất quân sự của trận đánh xứ Lào, Việt Minh đã thực hiện xong một kế hoạch trên phạm vi chính trị là đi theo quân đội Việt Minh có những cán bộ chính trị trong chính phủ Pathet Lào. Những cán bộ chính trị ấy sẽ là mầm mống làm lung lay nước Vạn Tượng của Quốc Vương Ai Lao Siravang Vong.
Vụ phá giá đồng bạc Đông Dương trong tháng 5 đã khiến cho Việt Nam ít tin tưởng ở thái độ của nước Pháp. Quyết định độc đoán của chính phủ Mayer ảnh hưởng nhiều đến đời sống của dân Việt Nam và là một trong những bó đuốc dẫn đường cho đường lối chính trị mới.
Việc thứ ba có ảnh hưởng đền đường lối chính trị ở Việt Nam là thỏa hiệp ngừng bắn tại Cao Ly ngày 27 tháng 7.1953. Từ khi có cuộc nghiên cứu thảo luận đình chiến ở Bàn Môn Điếm, rất nhiều người trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã nghĩ lại một cuộc thương thuyết có thể sẽ được tiếp theo để mang đến hòa bình ở Việt Nam. Cuối tháng 6 năm dương lịch, chính phủ Laniel đã bộc lộ một tư tưởng muốn hòa bình trong bài diễn văn nói về chính sách của Pháp đối với Việt Nam: ‘’Cuộc đổ máu ấy (ở Đông Dương) cần phải được nỗ lực chấm dứt nếu có thể làm được như vậy. Chính phủ tôi luôn luôn nghiên cứu tới ‘’sự có thể’’ dù bằng phương tiện thương thuyết sau khi Cao Ly đình chiến hay là bằng mọi thương thuyết thỏa hiệp với các chính phủ các Quốc Gia Liên Kết’’.Một mặt hy vọng làn gió hòa bình ở Cao Ly có thể thổi lan sang Việt Nam, mặt khác lo sợ những áp lực quân sự cộng sản rảnh tay ở Cao Ly sẽ lại quay sang biên giới Bắc Việt uy hiếp vùng Đông Nam Á. Do đó, đối với mong muốn trên, người ta đã hy vọng đem vấn đề Việt Nam ra hội nghị chính trị thứ hai, một hội nghị ‘’tưởng tượng’’ có thể sau hội nghị chính trị Cao Ly (sẽ họp). Đối với lo sợ áp lực mới ở vùng Đông Nam Á, thế giới tự do đã tỏ ý cảnh cáo trước rằng: ‘’Những hành vi xâm lược đối với Việt Nam hay là một nước nào vùng Đông Nam Á sẽ bị coi là phá hoại Hiệp Ước Đình Chiến Cao Ly’’. Nhưng dù cảnh cáo cộng sản mong muốn hay thương thuyết hòa bình, chính phủ Pháp cũng phải có một chính sách mới ở Việt Nam.
Ảnh hưởng thứ 4 là hành động của Mên Hoàng Sihanouk ngày 14 tháng 6. Mên Hoàng bất thần sang lánh bên đất Thái Lan tỏ thái độ đe dọa Pháp nếu Pháp không thực tâm trao trả lại chủ quyền Quốc Gia Cao Mên.
Hành động đột biến của Mên Hoàng, trên phương diện ngoại giao dẫu có kém lịch sự nhưng trên phương diện chính trị ít nhất bề ngoài cũng đã làm Pháp phải sững sờ và điểm lại thái độ của mình.
Pháp đã đến lúc phải hoàn bị nền độc lập của các Quốc Gia Liên Kết. Những Thỏa Ước 1949-1950 đã trở nên lạc hậu không hợp với tình thế mới.
Giữa lúc nhốn nháo về chính trị tại các Quốc Gia Liên Kết, chính phủ Pháp với Tân Thủ Tướng Laniel đã họp phiên đầu tiên ngày 1.7.1953 tại Điện Élysée và trao đổi quan điểm về vấn đề Đông Dương. Một loạt biện pháp được đem ra thảo luận.
Thứ Nhất: Hoàn bị nền Độc Lập cho các Quốc Gia Liên Kết về phương diện chính trị, kinh tế, tư pháp và có thể cả về phương diện quân sự. Sự hoàn bị đó không thể trở ngại đến việc các Quốc Gia Liên Kết nằm trong hệ thống của Liên Hiệp Pháp, của khối đồng Phật Lăng, nó cũng sẽ không trở ngại gì đến những cấp bách cần thiết trong phạm vi chiến lược. Biện pháp thứ hai là bổ khuyết những thiếu sót bên ngoài của Đông Dương với nền Độc Lập.
Chính sách mới của Pháp sẽ nhằm một đường lối tiếp tục công cuộc của Pháp đã thực hiện ở Đông Dương.
Mùng 3 tháng 7, Nội Các Laniel cho ra đời một Bản Tuyên Ngôn như sau:
‘’Chính phủ Cộng Hòa Pháp họp Hội Đồng Tổng Trưởng đã xét đến các mối giao dịch giữa nước Pháp với các Quốc Gia Liên Kết Đông Dương, chính phủ Pháp cho rằng đã đến lúc nên ứng hợp các thỏa hiệp mà các nước này đã ký kết với nước Pháp, vào các địa vị mà với sự ủng hộ hoàn toàn của nước Pháp, họ đã đạt được trong đại gia đình các dân tộc tự do.
Với một lòng tôn kính phong tục riêng của các nước và các quyền tự do của con người nước Pháp, trong một cuộc hợp tác lâu ngót thế kỷ nay, đã đưa các dân tộc Mên, Lào, Việt đến chỗ mở mang mỹ mãn của cá tính và duy trì thống nhất quốc gia của họ.
Với các thỏa hiệp đã ký kết, nước Pháp đã công nhận nền độc lập của họ và các nước này đã thỏa thuận liên kết với nước Pháp trong khối Liên Hiệp Pháp.
Ngày nay chính phủ Cộng Hòa Pháp muốn có một lời tuyên bố long trọng. Trong thời gian bốn năm vừa qua sau khi ký kết các thỏa ước, tình đồng ngũ tương thân tương trợ đã hiện ra rõ ràng hơn giữa các Quân Đội Quốc Gia này mỗi ngày tham dự một phần quan trọng hơn vào công cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung.
Trong cũng thời gian ấy, các cơ cấu cai trị của ba nước đã đủ sức để cùng nhau đảm đương được các trách vụ của mọi quốc gia tâm thức, mà sự giao thiệp quốc tế của các chính phủ họ cũng đã lan ra số lớn các nước hợp thành tổ chức Liên Hiệp Quốc.
Trong trường hợp này, nước Pháp xét đã đến lúc nên hoàn thành nền độc lập và chủ quyền quốc gia của các nước liên kết Đông Dương bằng cách lo liệu với sự đồng ý của mọi chính phủ ba nước nói đây, việc chuyển giao các quyền hành mà nước Pháp còn giữ lại vì chính sự lợi ích cho các nước liên kết trong những trường hợp hiểm nghèo do chiến tranh gây ra.
Chính phủ Pháp đã định mời riêng mỗi chính phủ của ba nước hãy thỏa ý với mình về việc thanh toán các vấn đề mà mỗi chính phủ ấy sẽ xét thấy cần phải nên ra về các phương diện kinh tế, tài chính, tư pháp, quân sự và chính trị, sao cho các quyền lợi chính đáng của đôi bên đều được tôn trọng và bảo toàn.
Chính phủ Cộng Hòa Pháp ước ao rằng một thỏa hiệp về các điểm khác nhau này sẽ xiết chặt thêm tình thân hữu giàng buộc nước Pháp với các Quốc Gia Liên Kết trong Khối Liên Hiệp Pháp’’.
Chính phủ Pháp đã không quên nhấn mạnh đến cuộc sống thâm niên chung đụng giữa Pháp và ba Quốc Gia Việt, Mên, Lào, một cuộc sống mà nước Pháp đã hết sức hy sinh để tôn trọng phong tục riêng của từng xứ sở, tôn trọng quyền tự do của con người, trong sự nghiệp hướng dẫn các dân tộc ở Đông Dương. Nay vì nhận thấy quân đội của các quốc gia liên kết khả dĩ đã bành trướng quan trọng, nhận thấy nền hành chính và các ngành khác cũng đã thiết lập đầy đủ vững chắc nên chính phủ Pháp đã quyết định thắt chặt tình hữu nghị Pháp-Việt, Mên-Lào bằng cách mới riêng từng chính phủ của ba nước để ‘’giải quyết một cách thỏa đáng’’ những vấn đề kinh tế, tài chính, tư pháp, quân sự và chính trị. Nói tóm lại, chính phủ Pháp muốn hoàn bị nền Độc Lập của các Quốc Gia Liên Kết.
Bản Tuyên Cáo của chính phủ Pháp đã được long trọng công bố và thế giới đã hoan nghênh ca ngợi. Hoa Kỳ tuyên bố sẽ ủng hộ Pháp trong những cố gắng của chính phủ Pháp nếu Pháp theo đúng hướng đi mới mà Pháp đã vạch ra, Hoa Kỳ tin chắc rằng sự liên minh mới mẻ sẽ không thỏa mãn nguyện vọng của các dân tộc đang khao khát Độc Lập mà lại còn làm cho nước Pháp và các lực lượng đang chống cộng mạnh thêm. Các nước Ấn Độ. Diến Điện, Nam Cao, Anh…tuy còn hơi dè dặt nhưng cũng đã tỏ thiện cảm với đường lối mới của chính phủ Pháp ở Đông Dương.
Để giải thích rõ hơn nữa, Phó Thủ Tướng Pháp, ông Reynaud đã tuyên bố tại Dunkerque:
‘’Hành động đầu tiên của chính phủ Joseph Laniel làm hả lòng những người đối lập với chủ nghĩa bất động. Đó là một hành động táo bạo phù hợp cả với những cổ truyền của Pháp và những thực tại của tình hình ở Đông Dương. Thật vậy, khó mà để cho một dân tộc chủ tâm chiến đấu nếu không được phấn khởi bởi một sự thần bí.
Người ta không thể nào chiến đấu chống cộng sản nếu người ta xung đột với lý tưởng của những người quốc gia. Lời tuyên bố của chính phủ đã được tất cả thế giới tự do tán đồng. Lời tuyên bố đó đã được mạnh thêm bởi những hành động như sự bổ nhiệm một vị Đại Sứ làm Tổng Ủy Viên ở Đông Dương.
Sẽ có những hành động khác tiếp theo, nhưng vấn đề chiến tranh ở Đông Dương phải được giải quyết vì thế, nó liên quan đến tất cả các quốc gia tự do. Nó sẽ được đặt ra cho các bạn đồng minh của chúng ta’’.
Sau Bản Tuyên Cáo 3.7.53 của chính phủ Pháp, các chính phủ Quốc Gia Việt, Mên, Lào đã tỏ thái độ. Hoàng Thân Souvanna Phouma, Thủ Tướng Ai Lao tuyên bố ngày 6 tháng 7:
‘’Chính phủ Hoàng Gia Lào hoan hỉ về lời tuyên bố của chính phủ Pháp nhận rõ một cách rành mạch lập trường mới của Pháp trong việc liên lạc với các Quốc Gia Liên Kết. Chính phủ Hoàng Gia Lào đặc biệt tán thành quyết định cổ xúy những cuộc thương thảo tay đôi để giải quyết các vấn đề chính trị, quân sự, tài chính kinh tế và tư pháp hãy còn bỏ giở.
Khi được biết Bản Tuyên Cáo của Pháp, Thủ Tướng Lào, hiện đang công cán ở Ba Lê, đã quyết định triệu tới Pháp những người cộng sự chính để mở cuộc tiếp xúc nhanh chóng với các đại diện chính phủ Pháp.
‘’Tình thân thiện Pháp-Lào lúc nào cũng tin tưởng và quý mến nước Pháp. Chúng tôi hy vọng rằng những cuộc bang giao sau này đặt dưới những luật lệ ngoại giao sẽ là kết quả của sự xiết chặt những giây liên lạc tự do thỏa thuận với nhau, những liên lạc trong khối Liên Hiệp Pháp’’.
Với Cao Mên, Bản Tuyên Cáo của Pháp ra đời giữa lúc Quốc Vương Sihanouk vừa rời khỏi Battambang cùng văn võ tùy tùng về Siem-Réap, chuẩn bị một thái độ mới đối với Pháp.
Cao Mên đang cương quyết yêu sách Pháp và tỏ rõ lập trường cứng rắn của mình trong việc đòi hoàn bị nền Độc Lập.
Đồng thời với việc đích thân khai mạc Hội Nghị thảo luận kế hoạch động viên toàn quốc, Mên Hoàng đã thận trọng trong sự tiếp đón Bản Thông Điệp mùng 3 tháng 7. Theo Thủ Tướng Cao Mên Penn Outh thì mặc dầu bức Thông Điệp đã làm dễ dàng cuộc thương thuyết Pháp-Mên nhưng cũng chưa thể làm thỏa mãn hoàn toàn những nguyện vọng của Cao Mên được. Theo Cao Mên Quốc Vương Sihanouk, chỉ cần có hai chữ minh bạch và giản dị: Độc Lập.
Đối với Việt Nam, sau khi nghiên cứu Thông Điệp 3 tháng 7, Quốc Trưởng và chính phủ nhận thấy chính phủ Pháp đã bộc lộ một thiện chí xây dựng và nguyện vọng sâu xa nhất của dân tộc Việt Nam do đó sẽ có thể được thỏa mãn. Chừng nào sự thực hiện nền Độc Lập do việc chuyển giao tất cả những quyền hành mà Pháp còn giữ chừng đó Quốc Gia Việt Nam sẽ tìm thấy những sáng kiến mới để tự do thắt chặt mối giây liên lạc Pháp-Việt.
Văn kiện ngày 3 tháng 7 đã là một văn kiện quan trọng nhất từ năm 1949 trong chính sách của Pháp ở Đông Dương. Bài văn kiện đã chứa đựng một hình thức mới mẻ, ấn định sự liên hệ giữa Pháp và Việt, Mên, Lào bằng những quy ước tay đôi. Như vậy, mối giao thiệp sẽ có thể, tùy theo nhu cầu tình thế hay cần thiết trong hoàn cảnh, trong thời gian, không gian, mà được quy định. Hơn nữa, chính phủ Pháp đã khôn khéo áo dụng một cách thức mới để trao văn kiện. Thông Điệp mùng 3 tháng 7 được chính phủ Pháp chuyển thẳng tới tay các Đại Diện Việt, Mên, Lào tại Ba Lê. Đó là một hình thức ngoại giao, bằng chứng đầu tiên của Pháp muốn cam kết chắc chắn nền Độc Lập của Việt Nam và của Cao Mên, Ai Lao.
Cùng với thời gian công bố Bản Tuyên Cáo, chính phủ Pháp đã chọn ông Maurice Dejean, Đại Sứ Pháp ở Nhật Bản làm Tổng Ủy Viên liên lạc với ba Quốc Gia Liên Kết.
Ngoài hai hành động kể trên báo hiệu thái độ mới mẻ của Pháp trong cuộc bang giao với ba Quốc Gia Liên Kết ở Đông Dương, ông Gautier, Cao Ủy Pháp ở Việt Nam đã nhấn mạnh thêm:
‘’Lập trường của chính phủ Pháp được ấn định sau khi đã xem xét đầy đủ cuộc biến chuyển ấy biểu lộ trong việc thiết lập hoàn thành tất cả các cơ quan công quyền của một nước tân tiến cùng với việc thành lập một Quân Đội Quốc Gia, Quân Đội này từ nhiều tháng nay đã đảm nhiệm một gánh nặng ngày càng quan trọng hơn cuộc chiến đấu chung.
Cuộc biến chuyển này đã được nhìn nhận. Trên lập trường quốc tế, nước Việt Nam đã có địa vị và làm cho người ta nghe tiếng nói của mình trong phần nhiều các tổ chức quốc tế. Vậy là rõ rệt các Hiệp Định Pháp-Việt đã quá thời và phải có một giải pháp mới, chính phủ Pháp vừa cam kết thực hiện giải pháp ấy.
Để cho lời cam kết ấy được toàn lực và phát biểu được mọi ảnh hưởng của nó, chính phủ Pháp đã thông báo lập trường của mình cho chính phủ Việt Nam một cách long trọng.
Vậy Bản Tuyên Ngôn ngày 3 tháng 7 vừa qua là một hành động đưa tới sự canh tân các liên lạc Việt-Pháp.
Trước hết, chính phủ Pháp đã quả quyết ý muốn thi hành việc chuyển giao những thẩm quyền mà nước Pháp hãy còn nắm giữ, để cho nền Độc Lập của Việt Nam được kiện toàn.
Kế đó, căn cứ trên sự liên kết buộc chặt nước Pháp với nước Việt trong khuôn khổ Liên Hiệp Pháp, chính phủ Cộng Hòa Pháp thỉnh cầu chính phủ Việt Nam thỏa hiệp với mình về những mối quan hệ tương lai Việt-Pháp.
Những mối quan hệ này do nơi Bản Hiệp Ước mới mà hai chính phủ sẽ thương thuyết với nhau trên một lập trường hoàn toàn bình đẳng’’.
Ngày 28 tháng 7, khi tới Sài Gòn, Tổng Ủy Viên Pháp ở Đông Dương, Ông Maurice Dejean đã tuyên bố rõ ràng về nhiệm vụ của ông là:
‘’Việc hoàn bị nền độc lập của các Quốc Gia Liên Kết theo như Bản Tuyên Ngôn lịch sử mà chính phủ Pháp đã long trọng công bố ngày 3 tháng 7.1953. Tôi sẽ lập tức cùng các chính phủ Việt, Mên, Lào và các vị Cao Ủy, nghiên cứu những biện pháp cần áp dụng để việc chuyển giao những thẩm quyền còn ở trong tay nước Pháp tiến hành một cách nhanh chóng thích hợp với các nhà chuyên môn và để cho nền Độc Lập Cao Mên, Ai Lao và Việt Nam được hoàn toàn đầy đủ.
Sau hết nhiệm vụ của tôi là cùng với các vị Quốc Trưởng và các chính phủ của các vị đó nghiên cứu và thảo luận về hình thức và nội dung những thỏa hiệp mới để ấn định, trong khuôn khổ Liên Hiệp Pháp, mối bang giao giữa nước Pháp và ba nước độc lập Cao Mên, Ai Lao và Việt Nam. Nói một cách khác, nhiệm vụ đó là sửa soạn, bằng cách trao đổi quan điểm, những cuộc thường thuyết theo Bản Tuyên Cáo của chính phủ Pháp ngày 3.7.53. Trong những cuộc thương thuyết đó, các nước sẽ tham dự trên lập trường hoàn toàn tự do và bình đẳng tuyệt đối, để cùng nhau đặt nền tảng cho một sự liên kết trường cửu giữa nước Pháp và mọi Quốc Gia Việt, Mên, Lào.
Về phía Pháp, chính phủ Cộng Hòa đã tỏ ra lập trường trong Thông Điệp ngày 3.7.53. Lập trường đó dược các người đại diện chính phủ Pháp ở Đông Dương và Việt Nam trực tiếp giải thích rõ ràng trước dân chúng Việt Nam.
Về phía Việt Nam, không khí hưởng ứng rất sôi nổi. Báo chí ngày nào cũng nhắc tới việc chuẩn bị tổng tuyển cử vào quốc hội. Chính phủ luôn luôn họp để nghiên cứu Bản Giác Thư, nghiên cứu tình hình chính trị. Trong hai ngày 19 và 20 tháng 7, Quốc Trưởng đã từ Banmêthuột tới Sài Gòn hội đàm cùng Thủ Tướng chính phủ và các vị Tổng Trưởng để cùng nhận định nghiên cứu về Thông Điệp của chính phủ Pháp.
Ngày 1 tháng 8, Quốc Trưởng từ giã Việt Nam đi Pháp. Trước khi lên đường tiếp xúc với chính khách Pháp để chuẩn bị cuộc thương thuyết Pháp-Việt, Quốc Trưởng Bảo Đại đã hiệu triệu quốc dân, tuyên bố về lý do cuộc hành trình:
‘’Đồng bào thân mến!
Trước khi lên đường sang Pháp tôi cần phải tuyên bố cùng quốc dân, những lý do cuộc hành trình của tôi.
Năm 1948, thể theo lời yêu cầu các nhà đại diện chính đảng của đồng bào, tôi đã nhận làm phát ngôn nhân cho dân tộc. Khi đó, vì tình thế trong nước chưa ổn định, nên tôi không thể trưng cầu dân ý được hết thẩy các gia đình tinh thần và các chính đảng toàn quốc.
Sự tiến triển trên đường dân chủ hóa của các cơ quan chính quyền quốc gia, trong khoản mấy năm nay, khiến nên bây giờ tôi có thể bổ khuyết được chuyện ấy. Bởi vậy trong mấy tuần lễ vừa rồi, tôi đã mở một cuộc thăm dò rộng rãi về phương diện chính trị. Để hướng dẫn hành động của tôi, tôi đã hỏi ý kiến hết thẩy những người khả dĩ phát biểu được nguyện vọng của dân chúng. Và đây, tôi đã thâu góp được tài liệu đầy đủ và nhờ sự thống nhất ý chí biểu quyết mạnh mẽ của đồng bào, tôi có thể nhân danh dân tộc Việt Nam mà lên tiếng. Tôi sẽ tỏ bầy cùng người Pháp sự cố gắng, những nỗi khó khăn, những sự hy sinh của chúng ta, tôi sẽ làm cho người Pháp biết: Quân Đội Quốc Gia Việt Nam thành lập với một tin tưởng cao siêu nhường nào. Lực lượng do gốc tích ở đất nước, cội rễ ở dân tộc và do đức tính cổ truyền của chúng ta đào tạo, ngày nay đang dự bị đảm nhận những chức vụ cực kỳ khó khăn, đó là một điểm tôi cũng cần làm cho người Pháp nhận định.
Ngoài ra, tôi cũng sẽ tỏ rằng, chúng ta đã hiểu những nỗi khó khăn của nước đại cường quốc thân hữu của chúng ta.
Để đáp lại lời mời ngày 3.7.53 của chính phủ Pháp, tôi sẽ giải bầy những nguyện vọng của dân tộc Việt Nam mà đòi hỏi độc lập hoàn toàn và đồng thời cũng mong ước tự do gia nhập trong khối Liên Hiệp Pháp do mấy quốc gia chủ quyền đầy đủ và thân hữu kết liên với nhau.
Nhưng điều cốt yếu là đồng bào hãy tin chắc rằng sẽ không có quyết định nào mà đồng bào không dự phần. Từ hơn bốn năm nay, tôi hằng vẫn theo đuổi mục đích làm cho toàn dân ngày một tham gia vào công việc điều khiển việc nước. Thì giờ này đây, là giờ phút định đoạt vận mệnh quốc gia, định đoạn nền độc lập, hòa bình và an ninh của xứ sở, là giờ phút liên can tới danh dự tổ quốc và cuộc sống còn của nhân dân, có lẽ nào tôi lại không để đồng bào hoàn toàn hưởng quyền lợi căn bản thiêng liêng và bất khả xâm phạm là quyền chọn lựa số phận mình. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi, tôi xin nhắn nhủ quốc dân hãy xiết chặt lại hàng ngũ vì còn nhiều công cuộc cần phải được quốc dân chú ý và gắng công.
Trong các hội đồng và các hội nghị chân chính dân chủ của nước nhà hiện thời, các từng lớp chính trị ưu tú hãy tự đào tạo cho mình. Các sĩ quan hãy gắng công rèn luyện Quân Đội Quốc Gia, để gây thêm lực lượng cho Quân Đội đó là nguồn hy vọng của đất nước.
Hết thẩy đồng bào bất cứ ở địa vị nào hãy góp phần vào công cuộc khuếch trương những tài sản của nước nhà. Do đó, do sự gắng sức của mọi người, sức mạnh của quốc gia sẽ nẩy nở và ta sẽ đoạt được hòa bình trong khi ta chăm lo hướng dẫn vận mệnh tổ quốc.
Tôi tuyên bố cùng đồng bào, sự tin tưởng của tôi vào tương lai và đồng bào tin rằng ý nghĩ của tôi sẽ không xa đồng bào bao giờ’’.
Chương trình viễn du của Quốc Trưởng kỳ này được sửa soạn kỹ càng với sự tham gia ý kiến của tất cả mọi người, khả dĩ có thể phát biểu được những mong muốn chính đáng của dân chúng Việt Nam. Quốc Trưởng đã đầy đủ tài liệu để có thể nhân danh dân tộc Việt Nam trình bầy tất cả những hy sinh, cố gắng của dân tộc Việt.
Ở Pháp, Quốc Trưởng đã tiếp xúc với Bộ Trưởng Jacquet và ngày 27 tháng 8, đã hội đàm với Tổng Thống Pháp Vincent Auriol để trao đổi quan điểm về các vấn đề đã nêu lên giữa hai nước do Bản Tuyên Ngôn Pháp ngày 3 tháng 7.1953.
Quốc Trưởng Việt Nam nhắc tới việc Việt Nam sẽ tự do gia nhập Liên Hiệp Pháp và đối lại, ông Tổng Trưởng Ngoại Giao Bidault, nhân danh chính phủ Pháp, cũng cam kết rằng dù thế nào mặc lòng chính phủ Pháp không có thể làm gì trước nếu không có cuộc thăm dò ý kiến của các quốc gia liên kết ở Đông Dương và nếu không có sự thỏa thuận của các nước đó.
Trong khi ở Pháp, Quốc Trưởng Bảo Đại chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ mới của dân tộc giao phó thì ở Việt Nam, chính phủ và dân chúng tích cực gây hậu thuẫn và cơ sở cho những cuộc thương thuyết sắp tới giữa Pháp và Việt.
Thủ Tướng Nguyễn Văn Tâm nhân danh chính phủ Việt Nam yêu cầu nhà cầm quyền Pháp chuyển giao nốt ngay những cơ sở còn ở trong tay người Pháp. Theo Việt Nam, đó là một sự kiện rất hợp lý sau khi Bản Giác Thư ngày 3 tháng 7 ra đời.
Những yêu cầu của chính phủ Việt Nam gồm 4 bản danh sách.
Yêu cầu thứ nhất là chuyển giao một cách nhanh chóng những cơ sở:
• Hàng không dân sự.
• Cơ sở hạ từng về phi cơ.
• Sở Khí Tượng.
• Các đèn pha ngoài biển và hải tiêu.
• Thương Cảng Sài Gòn.
• Ban kiểm soát các cơ sở phát điện lực do chính phủ nhượng lại.
• Cảnh Vụ Thương Cảng Sài Gòn.
• Tất cả các Sở An Ninh, trừ các Sở An Ninh Quân Sự và của đoàn quân viễn chinh.
Yêu cầu thứ hai là chuyển giao những thẩm quyền còn do các nhà chức trách Pháp thi hành:
• Sở trưng dụng nhà cửa.
• Ty nguyên liệu lỏng và dầu mỡ.
• Ban kiểm soát kinh thác con đường Hỏa Xa Vân Nam.
Yêu cầu thứ ba là trao trả hẳn cho Việt Nam những cơ sở Pháp-Việt còn chia đôi thẩm quyền:
• Ban kiểm tra lý lịch về tư pháp.
• Ban cảnh binh hành chính và di trú ngoại kiều (Sở Tân Đốc)
• – Ty coi về kiểm soát kỹ thuật.
• – Nha cảnh binh tư pháp hỗn hợp.
• – Tất cả các sở thuộc về các tòa án hỗn hợp.
• – Ty trang bị và phân phối điện lực.
• – Ban điều hành giao thông Bộ và Thủy.
Bản danh sách thứ tư yêu cầu sửa đổi lại những thỏa hiệp trước nghĩa là hầu hết những thỏa hiệp minh xác sự giao thiệp Pháp-Việt, nhất là thỏa hiệp ngày 9.3.1949 và các quy ước áp dụng những thỏa hiệp đó về vấn đề ngoại giao, tư pháp, văn hóa và đại học v.v…
Nội Các Nguyễn Văn Tâm muốn nhằm mục đích gạt bỏ phần trở ngại trước không Việt-Pháp mở cuộc đàm phán chính thức. Phần trở ngại đó là những sự hạn chế đã làm cho Quốc Gia Việt Nam như chịu đựng một ‘’cộng đồng chủ quyền’’.
Hội Đồng Nội Các còn gửi một bản kiến nghị tỏ lòng tận tâm, tín nhiệm vào Quốc Trưởng trong công cuộc thực hiện các nguyện vọng quốc gia.
Ngoài những bức điện văn của các cơ quan chính quyền, dân chúng ở khắp ba phần đều tổ chức những cuộc mít tin, biểu tình rất rầm rộ tỏ ý hoàn toàn ủng hộ Quốc Trưởng trong cuộc đàm phán tương lai.
Ngày 11.8 ở Huế, các đại biểu của những toàn thể tôn giáo, chính trị, thanh niên, phụ nữ đã tụ họp đồng hằng chục vạn để xác nhận sự ủng hộ của dân chúng Trung Việt.
Ở Bắc Việt, ngày 4 tháng 9, một cuộc biểu tình đông đảo cũng được tổ chức, do các đoàn thể hướng dẫn, dân chúng nhộn nhịp hàng chục vạn người đã hội họp tại công trường Nhà Hát Lớn Hà Nội. Máy phóng thanh đặt khắp ngả đường để dân chúng có thể dễ dàng nghe những diễn giả đại diện các giới phát biểu ý kiến.
Ở Nam Việt, các ông Phạm Công Tắc, đại diện Cao Đài, Lê Văn Viễn đại diện Bình Xuyên, Lương Trọng Tường đại diện Hòa Hảo gửi điện sang Cao Ủy Phủ Việt Nam tại Ba Lê tỏ lòng tin cậy và triệt để ủng hộ Quốc Trưởng.
Ngày 4 tháng 9, một Hội Nghị Đoàn Kết được triệu tập tại Nam Việt do một số người nhân danh đại diện tôn giáo và nhân sĩ như Giám Mục Ngô Đình Thục, Hòa Thượng Tuệ Tăng, Giáo Chủ Huỳnh Công Bộ, Hộ Pháp Phạm Công Tắc và Y Sĩ Nguyễn Xuân Chữ. Các nhà đại diện trên đây đã tung ra một Bản Hiệu Triệu dân chúng kêu gọi tiến tới thành lập một Khối Đoàn Kết Quốc Gia.
Một phong trào Liên Hiệp Ái Quốc cũng được nêu lên và thiết lập dưới quyền chủ tọa của Giáo Chủ Phạm Công Tắc. Cuộc hội họp diễn ra trong khu vực Bình Xuyên và công bố một Bản Tuyên Ngôn của phong trào đại ý nói các chiến sĩ quốc gia ở Việt Nam đã tốn bao xương máu mà vẫn chưa thực hiện được nền Độc Lập cho nước nhà. Các chiến sĩ quốc gia luôn luôn bị những mưu mô chia rẽ, phá hoại, ngày nay, nhờ hoàn cảnh thuận tiện đã cố gắng hợp nhất, kiến tạo một phong trào đoàn kết sâu rộng mục đích dễ dàng tranh đấu cho nền Độc Lập Tổ Quốc.
Về mặt chính quyền, Thủ Tướng Nguyễn Văn Tâm rời Sài Gòn ngày 3 tháng 9 đi Pháp. Thủ Tướng sang yết kiến Quốc Trưởng để thảo luận về vấn đề xây dựng thành phần các đại biểu tương lai đi dự cuộc đàm phán với Pháp. Thủ Tướng đã gặp nhiều chính khách Pháp như ông Reynaud, Phó Thủ Tướng. Ông Laniel, Thủ Tướng. Ông Letourncau, nguyên Tổng Trưởng Bộ Liên Quốc, Thủ Tướng Nguyễn Văn Tâm quay trở lại Việt Nam sau một tuần lễ ở Pháp, mang theo những huấn lệnh mới của Quốc Trưởng Bảo Đại.
Quốc Trưởng có một mong muốn rất rõ rệt Quốc Trưởng muốn dân chúng phải được tham gia ý kiến, gom góp sáng kiến vào cuộc đàm phán có ảnh hưởng đến vận mệnh của quốc gia và của toàn thể dân tộc.
Quốc Trưởng còn muốn tỏ cho mọi người hiểu rằng hoạt động của chính phủ và các người lãnh đạo chính phủ quốc gia phải bắt nguồn từ những mong muốn của dân chúng.
Quốc hội Việt Nam chưa thành lập được và vì lẽ đó, Quốc Trưởng đã nghĩ tới cách thu thập ý chí, nguyện vọng, sáng kiến của quốc dân bằng triệu tập một Đại Hội Nghị Toàn Quốc. Tham dự Đại Hội sẽ có đủ mọi các nhóm, đảng chính trị, tôn giáo, đại biểu các nghề nghiệp, dân chúng.
Quốc Trưởng đã ký một Sắc Lệnh ngày 10 tháng 9 về việc thiết lập một Hội Nghị Toàn Quốc, nội dung như sau:
Khoản nhất: Nay thiết lập một Hội Nghị Toàn Quốc để quốc dân tỏ bày ý định tiếp theo Bản Tuyên Ngôn của chính phủ Pháp ngày mồng 3 tháng 7 năm 1953.
Khoản hai: Hội Nghị Toàn Quốc gồm có 200 nhân viên tuyển lựa trong các đoàn thể chính trị, tôn giáo, kinh tế, chuyên nghiệp và trong các Hội Nghị và Hội Đồng Dân Cử.
Số các nhân viên được tuyển lựa tùy theo tổng số nhân viên các đoàn thể, hội nghị và hội đồng chỉ định trên đây.
Trong trường hợp không thể ấn định tổng số nhân viên của mỗi đoàn thể, sự tuyển lựa số đại biểu sẽ do Ủy Ban Tổ Chức Hội Nghị Toàn Quốc ấn định chiếu theo khoản thế 8.
Khoản Ba: Lĩnh trách nhiệm phát biểu một cách hết sức rộng rãi dư luận toàn dân, trong tình trạng hiện tại. Hội Nghị Toàn Quốc sẽ tỏ bầy ý kiến về những vấn đề sau đây:
1.- Định rõ phạm vi và giới hạn chủ quyền quốc gia để được công nhận trong cuộc thương thuyết với nước Pháp.
2.- Định rõ những thể thức của sự liên kết giữa nước Việt Nam và Pháp.
Ngoài ra, Hội Nghị Toàn Quốc sẽ đệ trình Quốc Trưởng một danh sách hai mươi nhân sĩ trong số ấy Quốc Trưởng sẽ tuyển lựa những đại biểu được ủy nhiệm thương thuyết với nước Pháp.
Khoản tư: Hội Nghị Toàn Quốc sẽ nhóm họp trong hai ngày và giải tán ngay sau thời hạn ấy.
Khoản năm: Hội Nghị Toàn Quốc họp tại Sài Gòn.
Khoản sáu: Chủ Tịch và Ban Chấp Hành Hội Nghị Toàn Quốc sẽ được bầu cử trong số những nhân viên của Hội Nghị bằng cách bỏ phiếu kín và theo đa số tuyệt đối.
Hội Nghị Toàn Quốc có trọn quyền ấn định nội dung quy trình.
Khoản bẩy: Ngày triệu tập Hội Nghị Toàn Quốc sẽ do Nghị Định Thủ Tướng chính phủ và các Tổng Trưởng hữu trách sẽ áp dụng những biện pháp cần thiết, như về phương diện trật tự, để Hội Nghị Toàn Quốc tự do thi hành nhiệm vụ ấn định ở khoản thứ ba.
Khoản 8: Để triệu tập Hội Nghị Toàn Quốc theo các điều kiện ấn định ở những khoản trên, nay thiết lập một Ủy Ban Tổ Chức Hội Nghị Toàn Quốc.
Ủy Ban này sẽ gồm có chín nhân viên tuyển lựa trong những nhân sĩ có tư cách đại diện hơn hết cho các đoàn thể, hội nghị và hội đồng chỉ định ở khoản thứ hai.
Ủy Ban ấy sẽ liên lạc với chính phủ để tổ chức Hội Nghị Toàn Quốc và chính phủ sẽ giúp Ủy Ban thi hành nhiệm vụ trong phạm vi những sắc lệnh và nghị định hiện hành.
Ủy Ban Tổ Chức sẽ giải tán ngay sau khi Hội Nghị Toàn Quốc đã bầu Ban Chấp Hành chỉ định ở khoản thứ sáu.
Ngày 15 tháng 9, Quốc Trưởng ủy nhiệm Cao Ủy Bửu Lộc lĩnh sứ mạng về Việt Nam để triệu tập và khai mạc Hội Nghị Toàn Quốc.
Hoàng Thân Bửu Lộc về nước với lời Hiệu Triệu của Quốc Trưởng:
‘’Đồng bào thân mến!
Ngày 31 tháng 7 dương lịch vừa qua, trước khi lên đường sang Pháp, tôi đã nói để đồng bào biết rằng tôi sẽ giải thích cùng dân tộc Pháp và chính phủ Pháp, những nguyện vọng của dân tộc Việt Nam: Đòi hỏi độc lập hoàn toàn và đồng thời cũng mong ước tự do gia nhập trong khối Liên Hiệp Pháp, gồm những quốc gia chủ quyền đầy đủ và thân hữu liên kết với nhau.
Hôm nay chủ định của tôi là tin để đồng bào biết rằng: Dân tộc và chính phủ Pháp đã nhận định lập trường do tôi tuyên bố trên đây.
Tôi đã nhận thấy ở Pháp, một sự hiểu biết thành thực và nhiều bằng chứng của một tình thân hữu, mà từ lâu chúng ta vốn biết rằng có thể chắc chắn tin cậy.
Ngay từ bây giờ chính phủ Pháp quả quyết thi hành những điều cam kết trong Bản Tuyên Ngôn long trọng về nền Độc Lập Việt Nam ngày 3 tháng 7 vừa rồi. Nước Pháp hết lòng mong mỏi Tổ Quốc chúng ta toàn thắng trong cuộc chiến đấu hiện tại. Nước Pháp muốn giúp chúng ta, để chúng ta dành lại quyền tự do và chiếm lấy, trong đại gia đình các quốc gia tự do, một địa vị xứng đáng, với nền quá khứ vinh quang của dân tộc, xứng đáng với hy sinh cao cả của con dân đất nước, một địa vị mà chúng ta có quyền được hưởng vì lòng tha thiết đối với những lý tưởng văn minh.
Cứ tình thế nói trên, tôi đã có thể ngay từ bây giờ, thể theo lời mời của chính phủ Pháp, bắt đầu mở với các nhà cầm quyền Pháp những cuộc thương thảo mà tôi biết chắc rằng sẽ đưa đến một bản hiệp ước, ký kết trên một nền tảng hoàn toàn bình đẳng về quyền lợi và chủ quyền.
Nhưng cũng hôm 31 tháng 7 vừa đây, tôi đã tuyên bố rằng sẽ không có một quyết định nào mà đồng bào không dự phần. Bởi vậy, tôi muốn rằng quốc dân Việt Nam phải được hỏi ý kiến như lời tôi đã hứa.
Tôi đã thực hiện lời hứa hẹn này, trong khi tôi tỏ cho chính phủ Pháp biết rằng, trước khi mở đầu cho mọi cuộc thương thuyết, tôi muốn triệu tập một cuộc Hội Nghị Toàn Quốc, có nhiệm vụ bày tỏ những nguyện vọng của toàn dân và đề cử những phát ngôn nhân của nước Việt Nam trong các cuộc đàm phán ở Ba Lê.
Cuộc Hội Nghị Toàn Quốc đó sẽ gồm những đoàn thể chính trị và tinh thần của Quốc Gia Việt Nam dưới chính thể hợp pháp. Những đoàn thể này tiêu biểu cho các từng lớp nhân dân, gồm những người có thiện chí và chân chính lo cho tiền đồ Tổ Quốc.
Tất cả đồng bào sẽ có quyền lên tiếng trong cuộc hội nghị đó. Giờ này đây, tôi thấy kêu gọi và thúc dục những ai từ trước đến nay, vì không muốn ấn định thái độ, nên đã từ chối không chịu tham dự công cuộc chung. Ngày nay, họ không thể viện lẽ gì mà do dự hoặc nghi ngờ được nữa. Sự tham dự của mọi người trong lúc này sẽ chứng tỏ ý chí của toàn thể quốc dân.
Vốn tôn trọng những quyền tự do, căn bản của nền dân chủ, tôi sẽ để các vị đại diện của đồng bào toàn quyền chuyển đạt cho tôi ý chí đó của dân chúng. Các vị đại diện của đồng bào sẽ có nhiệm vụ thiết lập danh sách những người xứng đáng và đủ năng lực hơn hết, trong số đó tôi sẽ cử những vị đại biểu Quốc Gia, mà rồi đây sẽ lãnh nhiệm vụ thương thuyết với nước Pháp. Do đó, chính là một Quốc Gia ủy nhiệm mà các vị đại diện của đồng bào sẽ nhận lãnh.
Tin tưởng ở lòng ái quốc của đồng bào, riêng tôi, tôi đã quyết đứng ra ngoài cuộc trưng cầu dân ý này. Những đại diện hữu quyền của tôi sẽ loan báo Bản Hiệu Triệu này với quốc dân.
Trong khi vững lòng chờ đợi đồng bào trả lời, tôi sẽ mang hết cố gắng thực hiện trong cuộc cần thiết nhất thuộc nhiệm vụ của tôi tức là sự thành lập Quân Đội Quốc Gia, tượng trưng cho nền thống nhất và độc lập tổ quốc, và cũng đồng thời bảo đảm cho nền hòa bình xứ sở, mục đích tối cao của chúng ta.
Đối với thế giới đang quan sát chúng ta, dân tộc ta sẽ tỏ rõ tinh thần dân chủ của mình, nhờ tinh thần ấy mà ý chí dành độc lập, tự do liên kết với nước Pháp, trở nên hợp lý. Thế giới sẽ cân nhắc và sẽ nhận định nơi nào là địa hạt của tinh thần Quốc Gia chân chính, nẩy nở và tốt tươi trên nền tảng tự do.
Hỡi đồng bào thân mến, nhiệm vụ chứng minh tinh thần của dân tộc với thế giới nay ở trong tay đồng bào. Với đức tính tôn trọng kỷ luật công dân, với sự lựa chọn sáng suốt của đồng bào, tôi chắc đồng bào sẽ chẳng phụ lòng tin tưởng của tôi’’.
Hoàng Thân Bửu Lộc, sau khi đặt chân lên Sài Gòn, Huế, Hà Nội, đã gặp gỡ, nhận định, tiếp xúc, hội đàm với nhiều yếu nhân trong chính quyền, trong các đoàn thể, các nhóm chính trị tôn giáo, giải bầy với nhân dân quyền hạn của Ủy Ban Tổ Chức Hội Nghị, nhiệm vụ và thời hạn của Hội Nghị Toàn Quốc.
Thành phần Hội Nghị được chia theo tỷ lệ các Hội Đồng Dân Cử, các nhóm chính trị, tôn giáo, kinh tế, văn hóa với mục đích làm phấn khởi tinh thần thống nhất của toàn dân.
Số ghế ở Hội Nghị chia ra như sau:
– Hội viên hàng xã: 50 ghế.
– Hội viên hàng tỉnh: 19 ghế.
– Đoàn thể chính trị: 25 ghế.<
– Cao Đài: 17 ghế.
– Công Giáo: 15 ghế.
– Hòa Hảo: 15 ghế.
– Bình Xuyên: 9 ghế.
– Nghiệp đoàn: 8 ghế.
– Công nhân: 6 ghế.
– Thương mại: 6 ghế.
– Phật Giáo: 5 ghế.
– Sơn cước: 5 ghế.
– Kỹ nghệ: 4 ghế.
– Văn hóa: 3 ghế.
– Báo giới: 3 ghế.
Và 3 ghế dành thêm cho đồng bào hải ngoại:
– Pháp: 1 ghế.
– Xiêm: 1 ghế.
– Mên: 1 ghế.
Hội Nghị đã bầu một Chủ Tịch Đoàn và một Ban Tổng Thư ký.
Chủ Tịch Đoàn:
• Trần Trọng Kim: 153 phiếu.
• Đặng Văn Sung: 136 phiếu.
• Nguyễn Hữu Thuần: 117 phiếu.
• Vũ Ngọc Trản: 109 phiếu.
• Lê Thiện Phước: 108 phiếu.
• Phan Hà: 102 phiếu.
Ban Tổng Thư Ký:
• Trần Văn Ân: Tổng Thư Ký
• Trần Văn Tuyên: Phó
• Thanh Nam: Phó
• Nguyễn Duy Quang: Phó
• Lê Thành Trường: Phó
• Nguyễn Phú Đốc: Phó.
Tại Tòa Thị Chính Sài Gòn, Hội Nghị Toàn Quốc đã khi mạc ngày 12 tháng 10 và thành lập ra ba Tiểu Ban.
1.- Tiểu Ban Nghiên Cứu vấn đề Độc Lập:
• Nguyễn Phan Long: Chủ Tịch.
• Phan Khắc Sửu: Phó Chủ Tịch.
• Đỗ Mạnh Quát: Phúc Trình Viên.
• Phan Huy Đức: Thư Ký.
• Đỗ Đình Quế: Hội Viên.
• Nguyễn Hữu Dương: Hội Viên.
• Phan Huy Anh: Hội Viên.
• Nguyễn Bỉnh Tuyên: Hội Viên.
• Trần Ngọc Ban: Hội Viên.
• Trương Ngọc Nhu: Hội Viên.
• Trịnh Thế: Hội Viên.
• Lê Đình Cự: Hội Viên.
2.- Tiểu Ban nghiên cứu vấn đề liên kết với Pháp:
• Trần Văn Quế: Chủ Tịch.
• Đỗ Đình Đạo: Phó Chủ Tịch kiêm Phúc Trình Viên.
• Nguyễn Hữu Pha: Thư Ký.
• Nguyễn Công Triệu: Nhân Viên.
• Vĩnh Cơ: Nhân Viên.
• Vũ Văn Dung: Nhân Viên.
• Lê Đình Duyên: Nhân Viên.
• Bùi Quang Tời: Nhân Viên.
• Vũ Ngọc Tiến. Nhân Viên.
• Phan Khoan: Nhân Viên.
• Mai Ngọc Thiệu. Nhân Viên.
3.- Tiểu Ban nghiên cứu nhiệm vụ của phái đoàn thương thuyết:
• Phạm Hữu Chương: Chủ Tịch.
• Chế Công Triệu: Phúc Trình Viên.
• Phạm Văn Thụ: Nhân Viên.
• Nguyễn Văn Mai: Nhân Viên.
• Nguyễn Nhân Ứng: Nhân Viên.
• Bùi Xuân Tuy: Nhân Viên.
• Hồ Văn Hải: Nhân Viên.
• Đỗ Cường Duy: Nhân Viên.
• Lưu Đức Trung: Nhân Viên.
• Ứng Thi: Nhân Viên.
• Phạm Thế Tường: Nhân Viên.
• Vũ Văn Huyên: Nhân Viên.
• Thái Văn Châu: Nhân Viên.
Hội Nghị Toàn Quốc làm trong một bầu không khí rất hăng hái, sôi nổi và bế mạc, ngày 17 tháng 10 bằng một Bản Kiến Nghị Tổng Quát đệ lên Quốc Trưởng.
‘’Hội Nghị Toàn Quốc đặt tín nghiệm hoàn toàn vào Đức Quốc Trưởng trong công việc điều đình sắp tới để hoàn thành nền Độc Lập nước Việt Nam và kiến thiết cùng nước Pháp một khối liên minh căn bản trên sự tự do thỏa thuận đôi bên, trên sự tôn trọng chủ quyền và sự hỗ tương quyền lợi và nhiệm vụ của hai dân tộc.
Hội Nghị Toàn Quốc ngỏ lời cảm ơn nước Pháp và nước Mỹ đã ủng hộ và viện trợ Việt Nam để củng cố nền Độc Lập’’.
Sau mấy ngày hội họp tranh luận, các đài biểu của Hội Nghị đã bỏ phiếu chấp nhận 3 bản quyết nghị như sau:
1.- Quyết Nghị về vấn đề Độc Lập.
Xét rằng chỉ độc lập hoàn toàn mới làm thỏa mãn nguyện vọng tối thiêng liêng từ ngàn xưa của toàn thể dân tộc Việt Nam.
Xét rằng độc lập hoàn toàn là điều kiện phải có trước tiên đề đặt nền tảng bang giao Việt-Pháp trên lập trường hai nước, độc lập như nhau.
Xét rằng độc lập hoàn toàn là điều kiện duy nhất chấm dứt chiến tranh hiện tại và vãn hồi hòa bình ở Việt Nam.
Toàn thể Hội Nghị Toàn Quốc đại diện các từng lớp dân chúng Việt Nam.
Quyết Nghị:
Việt Nam phải là một nước hoàn toàn độc lập nghĩa là phải đầy đủ chủ quyền đối nội và đối ngoại như bất cứ một quốc gia độc lập nào khác trên thế giới theo quốc tế công pháp.
Thủ tiêu tất cả hiệp ước ký kết giữa Pháp với Việt Nam từ xưa đến nay và chế độ Hoàng Triều Cương Thổ.
2.- Quyết Nghị về vấn đề liên kết:
Xét vì trong giai đoạn lịch sử hiện tại, các nước đều có khuynh hướng liên kết chặt chẽ với nhau để duy trì độc lập và tự do cùng nhau xây dựng hòa bình thế giới.
Xét vì cuộc liên kết giữa các dân tộc chỉ có thể bền vững và có ích nếu hai nước cộng tác trên lập trường hoàn toàn tự do bình đẳng và tôn trọng quyền lợi lẫn nhau.
Xét vì Tổ Chức Liên Hiệp Pháp xây dựng trên Hiến Pháp nước Pháp năm 1946 trái hẳn với chủ quyền một quốc gia độc lập.
Xét vì quyền lợi thứ nhất của một dân tộc là tự mình quyết định những việc có liên quan với dân tộc mình.
Quyết Nghị:
Nước Việt Nam độc lập không gia nhập Liên Hiệp Pháp dưới hình thức hiện tại.
Sau khi thâu hồi tất cả các chủ quyền mà nước Pháp còn giữ lại, sau khi thanh toán xong việc phát hành Đông Dương tức Ngân Hàng Đông Dương cũ, nước Việt Nam sẽ ký với Pháp những Hiệp Ước liên minh trên lập trường bình đẳng tùy theo nhu cầu của Việt Nam và Pháp trong những thời hạn và trường hợp ấn định rõ ràng.
Hết thẩy mọi sáng kiến, thương thảo, đề nghị quốc tế có liên quan với Việt Nam đều phải do chính phủ Quốc Gia Việt Nam dưới quyền lãnh đạo của Đức Quốc Trưởng định đoạt.
Tất cả các Hiệu Ước trên đây sẽ do quốc hội Việt Nam do cuộc phổ thông đầu phiếu bầu lên duyệt y mới được thi hành.
3.- Quyết Nghị về vấn đề cử người đi thương thuyết:
Hội Nghị quyết định để tùy Đức Quốc Trưởng lựa chọn, trong số 211 đại biểu dự Hội Nghị hoặc cả trong số các nhân vật ngoài Hội Nghị Toàn Quốc, những đại biểu tham dự phái đoàn đi thương thuyết với Pháp.
Kết quả công việc Hội Nghị của Toàn Quốc đã làm Quốc Trưởng và nhân viên Việt Nam hài lòng.
Hội Nghị đã bầy tỏ được nguyện vọng tha thiết của dân chúng Việt Nam mong mỏi một nền độc lập hoàn toàn.
Hội Nghị đã nêu rõ được mong muốn của nhân dân Việt Nam trong một xây dựng một tình thân giao tự do, một sự liên hiệp Việt-Pháp trên lập trường bình đẳng và cương quyết xóa bỏ những vết tích của một chế độ bất hợp thời.
Hội Nghị đã tỏ lòng tín nghiệm hoàn toàn vào Quốc Trưởng Bảo Đại trong cuộc thương thuyết sắp tới với nước Pháp.
Giá trị tuyệt đối của Hội Nghị Toàn Quốc là ở lòng sốt sắng, nhiệt thành, bộc lộ một tinh thần quốc gia mạnh mẽ của các đại biểu.
Một số người, nhất là người ngoại quốc đã nhắc nhiều tới hình thức và phương pháp làm việc của Hội Nghị để phê bình chỉ trích một cách gay gắt.
Phần vì muốn chia rẻ xuyên tạc, phần vì nhận xét quá nông nỗi, vội vàng, chỉ chú trọng đến từ chương, họ đã không để ý tới nội dung, không chịu tìm hiểu những ý nghĩa xâu xa và thành thực về những quyết nghị của Đại Hội.
Một số dư luận ở Pháp đã tỏ vẻ không ưa lề lối bầu cử trong Hội Nghị. Họ chỉ trích kiểu bầu Chủ Tịch Đoàn là một kiểu của cộng sản.
Do thời gian làm việc quá cấp tốc ảnh hưởng tới các hành văn không được khôn khéo của một bản quyết nghị và cũng do sự truyền tin quá hấp tấp của một số phóng viên các báo, cho nên Hội Nghị Toàn Quốc vô tình đã gây ra một thắc mắc lớn cho Pháp trong ít ngày.
Nguyên ngày 15.10, Đại Hội đã quyết nghị về vấn đề liên kết với Pháp trong có câu: ‘’Nước Việt Nam độc lập không gia nhập Liên Hiệp Pháp’’. Sợ thiên hạ có thể hiểu nhầm tinh thần Bản Kiến Nghị, ngay hôm sau, Đại Hội đã bỏ phiếu thuận sửa đổi và chú thích thêm vào câu trên mấy chữ ‘’dưới hình thức hiện tại’’ để được rõ nghĩa nhưng cũng gây cho giới chính trị Pháp một mối xúc cảm mạnh.
Vì thế, ngày 21 tháng 10, Hội Đồng Tổng Trưởng Pháp đã phải họp dưới quyền chủ tọa của Tổng Thống Auriel để bàn về Việt Nam. Chính phủ Pháp đã chuyển tới cho Đại Sứ Việt Nam, Hoàng Thân Bửu Lộc một bức thông điệp nhắc lại lập trường của Pháp về vấn đề Liên Hiệp Pháp và yêu cầu Quốc Trưởng và chính phủ Việt Nam cho biết rõ lập trường của Việt Nam.
Ngày 26 tháng 10, trước khi lên máy bay về nước, Quốc Trưởng Bảo Đại tuyên bố:
‘’Mặc dầu có sự hiểu lầm nhất thời, tình hữu nghị cổ truyền Pháp-Việt vẫn nguyên vẹn. Riêng tôi, tôi tin rằng tình hữu nghị này sẽ bành trướng một cách êm đẹp trên căn bản bình đẳng trong khuôn khổ Liên Hiệp Pháp.
Điều đó đã là và sẽ vẫn là nguyên tắc căn bản trong chính sách của Việt Nam đối với Pháp’’.
Lời tuyên bố của Quốc Trưởng đã làm dịu hẳn dư luận Pháp.
Đường lối của Quốc Trưởng rất rõ rệt.
Việt Nam cần phải được độc lập hoàn toàn, dân Việt Nam chỉ muốn thương thuyết với Pháp trên lập trường tự do và bình đẳng. Nền độc lập Việt Nam đã tiến triển chậm chạp từ cuộc thương thuyết tại Vịnh Hạ Long nay đến chỗ bội tiến của nó và được đánh dấu bằng Bản Tuyên Cáo long trọng ngày 3 tháng 7.1953 của chính phủ Pháp.
Hội Nghị Toàn Quốc đã bộc lộ ý chí giản dị và minh bạch của dân tộc Việt Nam. Toàn dân đã ủy nhiệm Quốc Trưởng để cố gắng cụ thể ý chí của mình trong cuộc đàm phán với Pháp và hoàn toàn siết chặt hàng ngũ làm hậu thuẫn.
Những người quen dùng chữ trong các văn kiện ngoại giao hoặc với mục đích ru ngủ, hoặc với mục đích lừa lọc dân chúng, đã nhăn mặt khi nhìn cách hành văn trong Bản Kiến Nghị của Đại Hội Toàn Quốc. Thực ra, dân tộc Việt Nam, khi đến tuổi trưởng thành về chính trị đã chỉ tỏ ra luôn luôn thành thực và không hề muốn lắt léo trình bầy văn kiện lịch sử. Dân Việt Nam rất mong mọi người thâm hiểu những ý nghĩ sâu xa và chính đảng đã phô bầy một cách thường xuyên trong mọi vấn đề.
Nhân dân Việt Nam lúc nào cũng muốn kết bạn với nhân dân Pháp, cũng như với nhân dân của các nước khác trên thế giới, một lập trường hoàn toàn bình đẳng. Nhưng nếu cơ quan Liên Hiệp Pháp lại do những ý thức lạc hậu và ngoan cố hướng dẫn với mục đích gò buộc dân tộc Việt Nam thì không những dân tộc Việt Nam tất phải vùng dậy tranh đấu mà chính nhân dân Pháp cũng sẽ phải bất bình, sẽ ủng hộ giúp đỡ Việt Nam để thủ tiêu mọi sự bất công đã lỗi thời.
Quốc Trưởng Việt Nam cũng đã nhấn mạnh rằng:
‘’Nếu Liên Hiệp Pháp là một chính thể thuộc địa trá hình thì nó không thể nào tồn tại được. Mối giây ràng buộc các phần tử của đế quốc thuộc địa cũ thế nào cũng phải cởi ra, và với Việt Nam thì các giây ấy phải cắt đứt hẳn. Nếu ai cố tâm đi ngược lại với trào lưu lịch sử thì đấy chẳng qua chỉ là một nước cờ thủ thế và chẳng chóng thì chầy sẽ phải thất bại’’.
Nhân dân Việt Nam và cả nhân dân Pháp cũng cùng một ý nghĩ như vị Quốc Trưởng Việt Nam.
Ngày 28 tháng 10, Quốc Trưởng Bảo Đại đã về đến Sài Gòn và một Bản Hiệu Triệu được công bố cho toàn thể nhân dân Việt Nam:
‘’Đồng bào thân mến,
Sau ba tháng trời vắng mặt, tôi trở về nước nhà cốt để hội kiến cùng đồng bào trước ngày khởi cuộc thương thảo Việt-Pháp.
Tuy xa xứ sở, tôi vẫn không khỏi nóng lòng muốn được thăm viếng các chiến sĩ thân mến của Quân Đội Quốc Gia và của Liên Hiệp Pháp đang chiến đấu anh dũng để bảo vệ nền độc lập nước nhà, ở khắp các mặt trận từ Nam chí Bắc, tôi cũng nóng lòng muốn được an ủi các đồng bào Trung-Việt vừa mới bị đau khổ bởi thiên tai bất ngờ.
Lúc tôi quyết định trở về thì một phần dư luận báo chí và một số chính đảng Pháp xôn xao vì các kiến nghị của Hội Nghị Toàn Quốc, khiến chính phủ Pháp phải gửi một bức Thông Điệp yêu cầu ‘’chính phủ Việt Nam xác định ý muốn của mình đối với tổ chức Liên Hiệp Pháp’’.
Luận điệu của một vài tờ báo Pháp, trong khi đăng tin tức về bức thông điệp ấy, đã làm sai lạc chủ ý của chính phủ Pháp. Vì theo nguyên văn bức thông điệp này, thì chính phủ Pháp bao giờ cũng mong muốn giữ mối tình thân hữu giữa hai nước Pháp-Việt.
Bởi vậy trong khi chờ chính phủ và quốc dân phúc đáp bức thông điệp ấy, tôi căn cứ vào tinh thần cộng tác thân mật đã bồi đắp trên sự hy sinh của hai dân tộc từ bấy lâu nay mà giải thích cho chính phủ Pháp thấy rõ ý nghĩa Bản Kiến Nghị của Hội Nghị Toàn Quốc ngày 17 tháng 10.
Bản Kiến Nghị này, thực ra, chỉ có ý nghĩa là muốn đặt cuộc bang giao Việt-Pháp trên một cơ sở pháp lý bình đẳng thích hợp với những nguyện vọng quốc dân Việt Nam mà chính nước Pháp đã hứa hẹn quả quyết sẽ làm cho được thỏa mãn hoàn toàn.
Tôi đã chỉ ra chỉ thị cho Cao Ủy Việt Nam tại Pháp Quốc, để giải thích cùng chính phủ Pháp.
Vì thế, hiện nay sự hiểu lầm có thể gọi là đã tiêu tan. Hơn nữa, phiên họp Hội Đồng Tối Cao Liên Hiệp Pháp khai mạc trong khoảng tháng 11 sắp tới, sẽ tỏ rõ rằng sự hợp tác chặt chẽ từ trước tới nay vẫn tiếp tục.
Công việc thu xếp ổn thỏa, nên hôm nay, đáp lại lòng tin tưởng của toàn thể Nghị Sĩ Hội Nghị Toàn Quốc, tôi trở về nước đề cử các vị đại diện lãnh trọng trách thương thuyết với nước Pháp.
Tin tưởng vào lòng yêu nước nồng nhiệt và tinh thần công dân đã biểu lộ trong dịp Hội Nghị Toàn Quốc, tôi chắc rằng sau khi Hội Nghị đã biểu quyết những kiến nghị kia, thì chúng ta sẽ đủ người có thiện chí sốt sắng cùng tôi thương thảo với Pháp để ký kết một hiệp ước bình đẳng và công bằng mà vẫn không sao nhãng những điều kiện thực tế bảo đảm cho nền độc lập thực sự cho nước nhà.
Như vậy, với tình giao hữu và sự giúp đỡ của nước Pháp, đại cuộc của chúng ta sẽ thành tựu và dân tộc Việt Nam sẽ được mãn nguyện.
Đồng bào thân mến,
Những ngày sắp tới quan trọng đặc biệt đối với công cuộc kiến quốc. Chẳng cần phải nhắc lại, đồng bào cũng hiểu rằng nếu không có một sự sắp đặt chu đáo và một chí cương quyết bền bỉ, thì không bao giờ nêu được sự nghiệp lớn lao. Trái lại cương quyết và sáng suốt là những yếu tố thành công.
Bởi vậy, một lần nữa, tôi yêu cầu đồng bào xiết chặt hàng ngũ và tận tâm phụ lực vào các cố gắng của tôi.
Chủ quyền đất nước và quyền tự do cá nhân của chúng ta, sẽ được bảo vệ đầy đủ hay không là tùy nơi nhiệt tâm ủng hộ của quốc dân đồng bào đối với các vị đại biểu lãnh trách nhiệm khó khăn đi đàm phán để hoàn thành nền độc lập.
Mặc dầu chúng ta còn phải gặp nhiều trở ngại, tôi nhắn gửi quốc dân đồng bào lời kêu gọi này với một niềm tin tưởng vì tiền đồ nước Việt Nam liên quan mật thiết đến tương lai của hết thẩy các quốc gia cùng một lý tưởng tự quyền, công bằng và bác ái.
Vinh dự tổ quốc chúng ta ở đó.
Trong đại gia đình các nước dân chủ, tổ hợp trên nguyên tắc bình đẳng, nước Việt Nam tự do liên kết với nước Pháp, thể theo ý niệm Liên Hiệp Pháp, phải có địa vị thích nghi đầy đủ mới thi hành được nhiệm vụ mà thế giới tự do đã ủy thác cho’’.
Quốc Trưởng Việt Nam về nước để tiếp xúc và lựa chọn những nhân viên đi dự cuộc đàm phán Pháp-Việt.
Quốc Trưởng về nước đúng lúc cuộc bầu cử Hội Đồng hàng tỉnh vừa kết thúc với kết quả mỹ mãn.
Cuộc tuyển cử hàng tỉnh ngày 25 tháng 10 là một thực hiện đẹp đẽ, một thành công nhằm mục đích dân chủ hóa Quốc Gia Việt Nam trong chương trình chính trị của Quốc Trưởng và chính phủ.
Để đánh dấu một giai đoạn trên đường tiến tới dân chủ thực sự, Quốc Trưởng không ngần ngại vì những lý do hòa bình chưa tái tạo, độc lập chưa hoàn bị, đã nhất định xúc tiến xây dựng chủ quyền với sự tham dự của quốc dân.
Quốc Trưởng về nước vừa đúng dịp qua thăm Việt Nam của Phó Tổng Thống Mỹ Richard Nixon rồi tiếp đến ông Tổng Trưởng Pháp Marc Jaequet, phụ trách việc liên lạc với ba quốc gia liên kết cũng tới Việt Nam, trung tuần tháng 11.
Ông Tổng Trưởng Marc Jacquet, sau khi tiếp xúc với nhân dân Việt Nam qua những cuộc hội đàm với nhiều yếu nhân chính trị trong khu vực quốc gia đã phải xác nhận rằng tất cả các khuynh hướng chính trị Việt Nam đều tỏ lòng tin tưởng vào Quốc Trưởng Bảo Đại.
Đó là sự thật, vì tất cả những người Việt Nam ghét cộng sản đều nghe theo lời Hiệu Triệu của Quốc Trưởng để xiết chặt hàng ngũ ủng hộ Quốc Trưởng trong công cuộc tranh đấu giành hoàn toàn Độc Lập và dân chủ hóa Tổ Quốc Việt Nam.
Ngày 23 tháng 11, Thủ Tướng Nguyễn Văn Tâm đáp phi cơ đi Pháp cùng với ông Tổng Trưởng Marc Jacquet và phái đoàn Lào. Thủ Tướng Việt Nam đi dự khóa họp của Thượng Hội Đồng Liên Hiệp Pháp. Nhân viên phái đoàn Việt Nam cùng đi với Thủ Tướng gồm các ông: Trương Vĩnh Tống, Tổng Trưởng Ngoại Giao. Phan Huy Quát, Tổng Trưởng Quốc Phòng. Lê Tấn Nẩm, Tổng Trưởng Tư Pháp. Nguyễn Văn Nhung, Tổng Trưởng Kinh Tế. Nguyễn Thành Giung, Tổng Trưởng Giáo Dục. Nguyễn Huy Lai, Phó Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Tài Chính Kế Hoạch Kiến Thiết. Bửu Kinh, Huỳnh Văn Chia.
Sứ mạng của phái đoàn Nguyễn Văn Tâm trong việc đi dự đám phán Pháp-Việt định đoạt mối bang giao giữa hai nước. Mối bang giao tương lai ấy phải thân mật, bình đẳng và chặt chẽ theo đúng nguyện vọng của nhân dân Việt Nam cũng như mong muốn của nhân dân Pháp.