Số lần đọc/download: 202 / 19
Cập nhật: 2020-01-25 21:22:13 +0700
Chương 16 - Phía Sau Khung Tranh
B
à Rossella và ông Alberto Caller dẫn Julia và Rick tới trước một cái tủ ngăn kéo chật ních hình khảm, trên đó bày hai bức tượng nhỏ đời Minh từ Trung Quốc, một con dao Toledo và một chiếc hộp đựng trang sức Smirne.
“Cháu không thấy hộp nhạc nào cả.” Julia nói trong lúc hiếu kỳ nhìn quanh.
“Tất nhiên rồi. Bởi vì nó hơi đặc biệt một chút...” Ông Alberto làu bàu và lấy một chiếc ghế. Ông cởi giày rồi bước lên ghế, gỡ xuống một bức tranh treo tường nhỏ phía trên tủ ngăn kéo.
“Rick!” Julia thốt lên khi nhận ra ngôi nhà và khu vườn trong bức tranh. “Đó chẳng phải là Biệt thự Argo sao?”
“Cháu nói gì cơ?” Ông Alberto hỏi.
“Đó là ngôi nhà nơi tụi cháu sống!” Julia giải thích. “Đây là công viên, vách đá... và ở đây có cánh cổng.”
“Thật sao?” Bà Rossella nói. “Cho tụi nhỏ xem khung tranh đi anh Roberto!”
Ông quay bức tranh lại, cho bọn trẻ xem một cái tay quay gắn vào khung tranh vàng. Trên miếng trụ nhỏ bằng kim loại có khắc hình một con cú, biểu tượng của ông Peter. Miếng trụ nối với tay quay thông qua một bánh răng nhỏ và trên đó nhô lên những đầu kim loại bé tí ti.
“Bây giờ ta sẽ cho các cháu nghe...” Ông Alberto lẩm bẩm và quay tay quay.
Những đầu kim loại bắt đầu chạm vào một dãy thanh kim loại cũng bé tí ti, phát ra một giai điệu vô cùng ngọt ngào.
Lắng nghe những nốt nhạc đó, bỗng Rick thấy như mình được trở về tuổi thơ. Đó chính là điệu nhạc cậu từng được nghe vào một ngày nhiều năm về trước, ngày cha đưa cậu bước vào cửa hàng của ông Peter Dedalus để mua chiếc đồng hồ cho cậu. Không mảy may nghi ngờ gì, giai điệu đó đã khắc sâu vào trí nhớ cậu chẳng khác nào tên của bản thân mình.
“Cháu ổn chứ, cậu bé?” Bà Rossella hỏi cậu.
Rick đột nhiên bừng tỉnh khỏi miền ký ức, cậu nhận ra chiếc máy phát nhạc đã ngừng kêu còn Julia và ông bà Caller đang chăm chú nhìn mình.
“Sao cơ ạ...”
Mắt cậu cay xè và má ửng đỏ. Chuyện này vẫn thường xảy ra mỗi khi cậu nghĩ về cha mình.
“Rick... cậu ổn chứ?” Julia nắm lấy tay cậu.
“Là của ông ấy!” Cậu bé tóc đỏ chỉ vào cái máy hát và tuyên bố. “Là của ông Peter. Mình đã nhận ra nó.”
“Chắc chắn đó là một bí ẩn lớn.” Ông Alberto Caller nhận xét khi đặt bức tranh xuống đất. “Ta không biết phải bắt đầu từ đâu. Tìm người ở một thành phố như Venice thật không dễ dàng gì, vả lại, chúng ta có ít thông tin quá.”
“Các cháu đã thử nói chuyện với những chủ tiệm ở thương phố của thợ làm đồng hồ chưa?” Bà Rossella hỏi.
“Rồi ạ, nhưng không ai trong số họ biết cả.”
“Các cháu chắc chắn là ông Peter không có biệt danh, hay gì đó đại loại thế chứ?” Ông Alberto đặt ra giả thiết.
“Thực ra ông ấy có thể sử dụng một cái tên khác, để được yên thân...”
“Vậy là người đàn ông này không muốn bị tìm thấy sao?”
“Theo một nghĩa nào đó thì... ông ấy đã bỏ trốn ạ.” Julia thừa nhận.
“Ông ấy đã để lại cho bọn cháu một lời thú nhận, ông ấy xin lỗi vì một lỗi lầm mắc phải trong quá khứ và nói rằng sẽ xây dựng cuộc sống mới ở đây, rời xa tất cả mọi người.”
“Thế thì tại sao các cháu không tôn trọng mong muốn này của ông ấy?”
“Bởi vì bọn cháu tin rằng ông Peter đã mang theo mình một bí mật thuộc về ông Ulysses Moore. Và bọn cháu... muốn khám phá ra nó.”
“Thật là tuyệt vời, anh Alberto! Cứ như trò đi tìm kho báu vậy!”
“Tất cả những gì chúng ta có về ông ấy là cái máy phát nhạc này.” Ông Caller vuốt ria mép suy tư.
Rick im lặng một lát, sau đó cậu nói:
“Bọn cháu còn tìm được bàn cờ của ông ấy và... một tờ giấy, trên đó viết rằng, để liên lạc với ông ấy chúng ta phải sử dụng chiếc chìa khóa đúng và viết DEDA.”
“Đó là gì vậy, một loại câu đố à?” Ông Alberto hỏi.
“Vâng, nhưng hoàn toàn không thể hiểu nổi ạ. Hơn nữa, thông điệp này lại tới từ chính một phát minh của ông ấy.” Rick nói rõ hơn. “Một loại máy lưu trữ dữ liệu. Trong lúc bọn cháu tìm tên ông ấy thì câu đó hiện ra.”
“Kỳ quặc, đúng là kỳ quặc. Một nhà phát minh kiêm thợ kim hoàn ẩn dật ở Venice, đam mê chơi cờ và âm nhạc, để lại một thông điệp có vẻ vô nghĩa. Ta cho rằng chỉ có thể làm được một việc...”
“Chồng bác luôn có giải pháp cho mọi vấn đề!” Bà Rossella tán dương.
“Miễn là các cháu muốn cho bọn ta cùng tham gia vào cuộc tìm kiếm...” Ông Caller nói thêm.
“Đương nhiên rồi ạ, chúng cháu sẽ rất biết ơn hai bác!“ Julia thốt lên.
“Tốt. Thế thì... chúng ta hãy lấy áo choàng và sửa soạn để ra ngoài! Ta sẽ tìm cách gói bức tranh này lại và mang theo cùng.”
“Chúng ta đi đâu ạ?”
“Tới Bệnh viện Santa Maria della Pietà.” Ông Alberto Caller trả lời.
Nhóm người mau chóng rời khỏi nhà. Ông Caller đóng cổng bằng một chiếc chìa khóa lớn khá tinh xảo, sau đó ông đeo vào cổ để nó trượt vào dưới áo gi-lê rồi giao bức tranh cho vợ, còn ông cầm một món đồ khác được bọc kín trong một tấm vải.
Họ đi trên con đường dọc bờ kênh, sau đó băng qua kênh để tới phố Erbe. Trên đường đi, ông Caller giải thích về kế hoạch của mình.
“Ở gần Bệnh viện Santa Maria della Pietà có một trong bốn học viện âm nhạc lớn nhất thành phố,” ông nói. “Cho đến vài năm trước, Antonio Vivaldi vẫn dạy ở đó.”
“Người sáng tác bản Bốn Mùa ạ?” Julia hỏi.
“Chính là ông ấy.” Ông Alberto Caller xác nhận. “Nếu chiếc máy phát nhạc này là dấu vết duy nhất chúng ta có, thì ta tin rằng điều đầu tiên cần khám phá là nó chơi điệu nhạc nào. Và ai có thể cho chúng ta biết điều đó nếu không phải những giáo viên của trường nhạc bậc nhất thành phố?”
“Và hiển nhiên việc này chỉ hai chúng ta mới làm được thôi.” Bà Rossella nói với Julia.
“Tại sao ạ?”
“Ngôi trường này chỉ dành cho nữ sinh, lúc nào họ cũng giấu mình sau một tấm mạng che mặt trước con mắt của công chúng.”
“Đúng là một sự ám ảnh, việc phải giấu mình ấy ạ!” Rick lẩm bẩm. “Hết mạng che mặt, bí mật, đến mặt nạ! Không có việc gì mọi người có thể làm dưới ánh sáng mặt trời sao?”
Alberto Caller không trả lời ngay. Ông chỉnh lại ngay ngắn cái bọc nằm dưới cánh tay mà ông mang theo từ nhà, như thể sợ nó tuột mất.
“Thực tế là rất ít...” Alberto nói nhỏ.
“Ít ra hai bác không đi đi lại lại với mặt nạ như những người Venice khác.” Julia nhận xét.
“Mặt nạ chỉ che được khuôn mặt. Cần rất khéo léo mới che giấu được cảm xúc của trái tim.” Ông Alberto trầm ngâm nói. “Đến nơi rồi, hai người đi hỏi thăm xem có khám phá được điều gì về cái máy phát nhạc này không.”
Rick và ông Alberto ở bên ngoài. Trong lúc họ chờ đợi, một cậu bé bán báo dạo đứng dưới chân một bức tượng lớn hình ngựa bắt đầu rao:
“Những chuyện ngồi lê đôi mách của đàn bà đây! Tối nay mọi người hãy tới Rạp hát Thiên Thần để xem vở hài kịch của Goldoni! Những chuyện ngồi lê đôi mách của đàn bà đây!”
“Cuối cùng cũng có tin tốt.” Ông Alberto Caller mỉm cười. “Nó ắt phải rất buồn cười. Cháu đã bao giờ đến rạp hát chưa?”
Rick lắc đầu.
“Chúng ta có thể cùng tới đó, nếu các cháu thích. Các cháu định ở Venice bao lâu?”
Chỉ khi ấy Rick mới nhận ra thời gian đang trôi nhanh thế nào. Vậy mà chúng vẫn chưa khám phá được gì, mặt trời đã xuống tới đường chân trời và những đám mây đang ngả màu vàng óng. Ý tưởng tìm ông Peter chỉ trong một buổi chiều của chúng quả thực khá lạc quan.
“Cháu nghĩ chỉ hôm nay thôi ạ.” Cậu trả lời.
“Tiếc thật. Lẽ ra chúng ta sẽ được cùng cười với nhau.”
Rick nghĩ lại cuộc hẹn với Jason và cảm thấy ngạt thở. Không biết chuyện gì đang diễn ra ở Kilmore Cove và liệu chúng có thể quay về nhà được không... Cậu chờ Julia và bà Rossella trong hy vọng, nhưng nhìn vẻ mặt của họ khi bước ra khỏi trường nhạc cậu đã linh cảm họ không khám phá được thêm gì mới.
“Bí ẩn lắm.” Julia quay sang Rick kể lại. “Chẳng có giáo viên nào đã từng nghe nó. Mình chắc rằng nó là âm nhạc sau này.”
“Sau này?” Ông Alberto hỏi. “Nghĩa là sao?”
“Không có gì ạ... cháu chỉ nói vậy thôi...”
Nhưng Rick thì hiểu rất rõ rằng giai điệu của máy phát nhạc có lẽ được sáng tác sau thế kỷ 18.
“Vậy là chúng ta đã thất bại ư?” Ông Alberto thở dài.
“Chưa hẳn đâu.” Bà Rossella trả lời và chìa ra một tờ giấy. “Thầy dạy vĩ cầm đã cho bọn em địa chỉ của một người thợ làm khung tranh có thể đã đóng chiếc khung này và gắn thêm máy phát nhạc.”
“Chúng ta chẳng còn cách nào khác, đành thử vậy.” Ông Alberto nói.
Họ đi qua các con phố và ngõ hẻm chằng chịt để tới quảng trường San Marco lần thứ hai, nơi một vài quý bà mặc váy phồng rộng phải đến ba mét bắt đầu ra ngoài đi dạo.
Ông Alberto dẫn bọn trẻ tới một quán cà phê nằm dưới hàng cổng vòm bao quanh quảng trường.
“Mỗi lần đi qua đây,” ông giải thích, “hai bác đều thưởng thức một chiếc bánh sô-cô-la va-ni.”
Tấm biển của quán khắc dòng chữ: Vì Venice Chiến Thắng. Nhưng ông Alberto nói nhỏ với chúng rằng mọi người vẫn thường gọi quán này là Cà phê Florian, bởi lẽ quý ông với bộ ria mép lớn chuyên phục vụ món kem trứng nóng trong chiếc vạc đồng tên là Floreano.
Lựa chọn đồ uống ở đây thật đáng kinh ngạc: có nước thơm chiết xuất từ các loại hoa, nước chanh, kem tuyết mềm, kem cứng và, như đã đề cập, những chiếc bánh ngọt hương sô-cô-la va-ni. Ông Alberto trả tiền cho bốn chiếc bánh ngọt nóng hổi bọc trong gói giấy hình nón.
Vừa rời khỏi quán cà phê, gương mặt ông Caller đột nhiên tối sầm lại.
“Bá Tước Tro.” Ông lẩm bẩm, vẫn đứng ở cửa. Ông đưa ánh mắt lo lắng nhìn bà Rossella cũng đang sững sờ hệt như ông.
“Có lẽ hắn không nhìn thấy chúng ta đâu.” Bà nói.
Ông bà Caller quay phắt lại, hướng lưng về phía quảng trường và đối diện với hai đứa trẻ.
“Có chuyện gì vậy ạ?”
“Một cuộc chạm trán không mấy hay ho, ta e là vậy.” Ông Alberto bồn chồn vuốt ve cái bọc trong tay.
“Bác hãy đưa nó cho cháu.” Rick hiểu ra sự việc.
Ông Alberto nhìn bà Rossella, bà gật đầu.
“Cháu làm ơn giúp bác... Có vẻ nhân vật này... đang săn lùng ta.”
“Không vấn đề gì ạ.”
“Vậy thế này nhé, các cháu đi qua hàng cổng vòm và tiếp tục đi thẳng, tới một nhà thờ tên là San Moisè. Trong lúc đó bọn ta sẽ tìm cách thoát khỏi người đàn ông này và tới chỗ các cháu.”
Rick không để ông phải nhắc lại lần nữa. Cậu túm lấy cái bọc và thấy nó nhẹ hơn so với cậu tưởng. Sau đó, cùng với Julia chạy bên cạnh, cậu làm đúng theo những gì ông Alberto chỉ dặn.
Cậu va khuỷu tay vào mọi người đang đứng đầy quảng trường và lướt qua cơ man những chiếc mặt nạ sặc sỡ. Khi hàng mái vòm đã ở ngang tầm mắt, cậu dừng lại để nhìn về phía sau nhưng không còn nhận ra cả ông Alberto lẫn bà Rossella. Một chiếc mặt nạ tím đi sượt qua, một làn hương khiến cậu sững sờ.
“Rick? Cậu ổn chứ?” Julia đã đuổi kịp.
Cậu bé gật đầu. Trong một lát, mùi hương đó gợi cậu nhớ đến điều gì đó... nhưng rồi cậu lắc đầu và đi tiếp.
“Bá Tước Tro.” Oblivia Newton thì thầm với người đàn ông đeo mặt nạ xám trong khi đặt một tay lên vai ông ta.
Người canh gác đang đứng trước quán Cà phê Florian, bận rộn trò chuyện với hai người trạc tuổi trung niên mang dáng vẻ đầy lo lắng. Quý ông bồn chồn đảo đôi mắt tròn, còn quý bà đi cùng má ửng đỏ và cầm trên tay một bức tranh nhỏ thô kệch có khung mạ vàng. Oblivia ném ánh nhìn khinh miệt sang người phụ nữ mang đường nét cơ thể quá mũm mĩm đối với gu của ả.
Bá Tước Tro bất ngờ quay lại.
“Ồ, là cô.” Ông ta nói. “Tôi đang tán gẫu với hai người bạn yêu quý của mình... Ông bà Caller, bà Rossella và ông Alberto. Đây là quý bà...”
“Newton, giống tên một nhà khoa học.” Oblivia tự giới thiệu.
“Ông Caller từng là một học giả xuất sắc,” Bá Tước Tro nói tiếp, nhấn mạnh động từ ở thời quá khứ. “Trước khi chuyển tới nơi ở mới của mình.”
“Bà là người Venice sao, bà Newton?” Người phụ nữ xen ngang, hòng đổi chủ đề.
“Không hẳn như vậy.” Oblivia lạnh lùng đáp lời. “Nhưng tôi tin rằng ông Bá Tước đây có những thông tin cho phép tôi hiểu nhiều hơn về thành phố xinh đẹp này.”
“Thế thì thật tuyệt...” Ông Alberto Caller mỉm cười. “Chúng tôi cũng đang tạm biệt nhau. Ông Bá Tước, xin gửi tới ông lòng kính trọng và những lời chúc tốt lành nhất.”
Bằng động tác cúi chào nhanh và hôn tay, hai người rút khỏi đó.
“Cứ tiếp tục trò gian trá của ông đi...” Bá Tước Tro lẩm bẩm sau lưng ông Alberto. “Đằng nào thì đó cũng là trò cuối cùng ông làm.”
“Dù có hay không có mặt nạ thì tất cả mọi người trong thành phố đều nhận ra ông.” Oblivia nhận định.
“Chỉ những người sợ Hội đồng Thập viên.” Người canh gác trả lời sắc lẹm.
“Tại sao, hai người đó thì có gì để phải sợ?”
“Họ là những người theo chủ nghĩa khai sáng truyền bá sách cấm. Và trước sau gì tôi cũng bắt tận tay bọn họ.”
“Vậy thì tốt cho ông. Nhưng tôi tưởng cuộc gặp ngày hôm nay của chúng ta có mục đích khác chứ.”
Không đáp lời, Bá Tước Tro tiến thẳng vào quảng trường đông đúc.
“Ông đã tìm thấy người đàn ông của tôi chưa?” Oblivia bước phía sau ông ta.
“Còn cô có phần thưởng của tôi ở đó chứ?”
Người phụ nữ lắc cho mấy đồng xu dưới váy kêu leng keng và vị Bá Tước gật đầu.
Ông ta hộ tống cô ả đi dưới tháp đồng hồ, cho tới một cánh cửa nhỏ phía sau tòa nhà nhìn ra con ngõ cụt tối tăm.
“Thế nào?”
“Cô vội vã thế, cô Newton. Đó là một cuộc kiếm tìm dài và khó khăn. Những thông tin tôi có được thực sự ít. Rất ít. Nhưng... vì vận may của chúng ta...”
Từ dưới bộ trang phục của người đàn ông lóe lên ánh sáng của một vật bằng kim loại mà trong thoáng chốc Oblivia đã tưởng là một con dao. Nhưng nó là một vòng kim loại lớn với rất nhiều chìa khóa móc trên đó. Bá Tước Tro chọn lấy một cặp và mở cánh cửa nhỏ. Ông ta bước vào và ra hiệu cho Oblivia đi theo mình.
Họ ở trong một căn phòng bằng đá, với chiếc cầu thang gỗ dẫn lên gác xép.
“Tôi không hiểu.” Oblivia nói.
Bá Tước Tro chìa bàn tay ra.
“Tiền, thưa cô.”
“Trước hết hãy nói cho tôi biết về Peter. Ông có tìm thấy ông ấy không?”
Bá Tước Tro chỉ ngón trỏ lên trần nhà.
“Tất nhiên rồi. Ngay cả khi ông ta không còn dùng cái tên này nữa. Bây giờ ông ấy để người ta gọi mình là... Pietro l’Inglese, thợ đồng hồ.”
“Là ông ấy rồi!”
“Tôi hài lòng là như vậy. Bây giờ ông ấy đang ở cách đây hai tầng nữa, để sửa đồng hồ của ngọn tháp. Cô chỉ cần leo lên cầu thang này để gặp ông ta.”
Oblivia mỉm cười. Người canh gác thành phố chộp lấy túi đựng xu và giấu nó thật lẹ dưới tấm áo choàng.
“Chúc may mắn, cô Newton. Và nếu cô lại cần đến tôi thì cô biết phải tìm tôi ở đâu rồi đấy.”
“Mình chỉ ngó qua thôi.” Rick nói.
“Đừng!” Julia trả lời trong khi vuốt ve Diogo. “Rick, bác Caller chẳng phải đã nói rằng cậu không thể làm vậy sao...”
“Làm sao họ biết được?” Cậu phản pháo. “Mình mới chỉ vén tấm vải và ngó vào xem nó là cái gì...”
“Đừng!”
Hai đứa đang ngồi bệt dưới đất, bên cạnh lối vào một nhà thờ.
“Lúc nãy, nom mặt bác ấy thật căng thẳng!” Rick nói tiếp.
“Bác Rossella cũng vậy. Có lẽ họ thực sự hoảng sợ...”
“Vì thứ này chứ đâu!” Rick khẳng định và chỉ vào cái gói mà ông Alberto Caller giao cho mình. “Mình nhắc cậu nhớ là chúng ta chẳng biết gì về họ, ngoài việc họ sống trong nhà bà Penelope.”
“Việc mà ông Nestor chưa từng kể gì với bọn mình...”
“Có thể mọi việc không giống như những gì chúng ta nghĩ.”
“Hoặc có thể ông ấy cũng không biết điều này.” Julia thầm thì.
“Có lẽ vậy, nếu không ông ấy đã nói cho bọn mình rồi.”
“Còn một điều khác nữa mà mình chưa hiểu...” Julia tiếp tục.
“May cho cậu là chỉ có một điều thôi đấy.”
“Nếu thực sự bà Penelope đã từng sống ở Kilmore Cove... thế thì hẳn ai đó phải ở đây thay cho bà ấy, phải không? Nó cũng giống như những gì xảy ra với bọn mình và hai người ăn xin kia ngày hôm nay. Họ ở đó và bọn mình... ở đây.”
“Hy vọng là chỉ một lúc thôi.”
Trước ý nghĩ bị giam cầm ở Venice, Julia cảm thấy rùng mình.
“Nhân tiện, mấy giờ rồi nhỉ?”
“Theo mình, nó là một quyển sách.” Rick nói, cậu vén tấm vải bọc rồi nhìn vào vật vẫn được bọc kín.