Thất bại lớn nhất của một người là anh ta không bao giờ chịu thừa nhận mình có thể bị thất bại.

Gerald N. Weiskott

 
 
 
 
 
Tác giả: Orhan Pamuk
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Lê Quang
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Bach Ly Bang
Số chương: 46
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2494 / 48
Cập nhật: 2015-08-04 21:17:31 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 16: Nơi Không Có Allah
hung cảnh trước mắt Necip và bài thơ của Ka
Hai mươi phút sau, Ka ra nhà vệ sinh phía cuối hành lang lạnh ngắt và thấy ngay Necip đã đứng ở chỗ những người đi tiểu. Họ đứng đợi trước những ngăn đóng cửa phía cuối phòng một hồi lâu như không hề quen nhau. Ka tranh thủ ngắm nhìn hình bông hồng và lá đắp nổi trên trần phòng vệ sinh.
Khi có một ngăn trống, cả hai cùng đi vào. Ka nhận ra một ông già mồm móm nhìn theo họ. Sau khi cài then bên trong cửa, Necip nói: "Người ta không thấy mình đâu." Cậu vui sướng ôm Ka rồi khéo léo đặt mũi giày thể thao lên gờ tường, nhún người lên vươn tay lấy mấy phong bì trên bồn nước. Cậu đứng lại xuống sàn, thổi bụi và lau sạch phong bì rất kỹ.
"Tôi muốn ông giải thích cho Kadife rõ một điều khi trao cho cô ấy những bức thư này," cậu nói. "Tôi đã suy nghĩ rất lâu.Từ lúc cô bắt đầu đọc là tôi không còn hy vọng hay mong đợi gì ở cô trong cuộc đời này nữa. Tôi muốn ông nói điều đó thật rõ ràng cho Kadife hay."
"Nếu ngay khi biết đến tình yêu của cậu cô ấy cũng phải nghe nói là cậu không có hy vọng gì nữa thì cậu báo tin cho cô ấy làm gì?"
"Tôi không sợ cuộc đời và những đam mê của mình như ông đâu." Necip nói. Rồi sợ làm Ka buồn bực cậu thêm: "Những lá thư này là giải pháp duy nhất tôi có trong tay: tôi không thể sống mà không mê say một người hay một vật đẹp đẽ nào. Để có hạnh phúc, tôi sẽ phải yêu một thứ khác. Nhưng trước tiên tôi phải đẩy Kadife khỏi tâm trí mình đã. Ông có biết sau Kadife tôi sẽ hiến dâng toàn bộ tình yêu của mình cho đam mê nào không?" Cậu trao cho Ka mấy lá thư.
"Cậu sẽ yêu ai?" Ka hỏi và đút thư vào túi áo choàng.
"Allah."
"Kể cho tôi nghe về khung cảnh cậu đã thấy trước mắt đi!"
"Phải mở cửa sổ ra đã, ở đây hôi quá."
Ka lay lay cái then han gỉ và mở cửa sổ con của nhà vệ sinh.Họ ngạc nhiên nhìn những bông tuyết rơi chầm chậm và lặng lẽ ngoài trời tối như ngắm một điều thần kỳ.
"Thế gian đẹp xiết bao." Necip thì thầm.
Ka hỏi: "Theo cậu, cái gì đẹp nhất trong đời?"
Họ im lặng, rồi Necip nói như tiết lộ một bí mật: "Tất cả."
"Nhưng chẳng phải cuộc đời làm ta bất hạnh hay sao?"
"Đúng vậy, nhưng đó là lỗi của chúng ta, không phải lỗi của thế gian hay Đấng tạo hóa."
"Kể cho tôi nghe về khung cảnh cậu đã thấy trước mắt đi!"
"Ông hãy để tay lên trán tôi và nói ra hậu vận của tôi đã," Necip nài. Cậu mở thật to đôi mắt mà hai mươi sáu phút sau một con mắt sẽ bị một viên đạn xé nát cùng óc cậu. "Tôi muốn sống thật lâu và thật mãnh liệt, và tôi cũng biết rằng mình sẽ có nhiều trải nghiệm tuyệt vời. Nhưng tôi không rõ hai mươi năm nữa anh sẽ nghĩ gì, đó là cái tôi rất muốn biết."
Ka đặt bàn tay phải của mình lên lớp da mỏng trên trán Necip. "Trời ơi!"Ông giật tay ra trước khi chạm vào thái dương, tựa như phải bỏng. "Nhiều chuyện xảy ra lắm."
"Ông nói đi!"
"Hai mươi năm nữa, nghĩa là ở tuổi ba mươi bảy, rốt cuộc thì cậu sẽ nhận ra rằng mọi xấu xa trên thế giới này, nghĩa là người nghèo thì nghèo và dốt nát, người giàu thì giàu và xảo quyệt. Mọi hung tàn, bạo lực và dã man, nghĩa là tất cả những gì khiến trong cậu nảy sinh khát vọng muốn chết và mặc cảm tội lỗi đều sinh ra từ lý do là ai cũng tư duy giống nhau. Vì vậy cậu sẽ thấy ởmột nơi mà ai ai cũng có vẻ đạo đức nhưng kỳ thực chết trong ngu muội cậu vẫn có thể làm một người tốt dù bề ngoài cậu xấu xa vô đạo đức. Nhưng cậu cũng sẽ hiểu là chuyện đó có hậu quả đáng sợ. Hậu quả ấy đang hiện lên dưới bàn tay run rẩy của tôi..."
"Hậu quả gì cơ?"
"Cậu thông minh khác thường và đã biết nó ngay từ hôm nay rồi. Vì vậy tôi muốn chính cậu nói ra trước."
"Nói gì ạ?"
"Tôi cũng biết cậu hiểu rõ lý do khiến cậu cảm thấy tội lỗi khi thấy tình cảnh thảm thương khổ sở của người nghèo."
"Lạy trời, ý ông là tôi sẽ không tin Thượng đế nữa ư?" Necip hỏi. "Thế thì thà chết còn hơn."
"Chuyện đó không diễn ra trong vòng một đêm như với ông hiệu trưởng tội nghiệp trong thang máy, mà rất từ từ, chính cậu sẽ không để ý. Như một người sáng dậy sau khi uống quá nhiều Raki và nhận ra mình đã chết, vì anh ta chết một cách chậm chạp và đã ở thế giới bên kia quá lâu trước đó rồi."
"Người đó là ông chứ gì?"
Ka rút tay khỏi trán Necip. "Ngược lại. Rõ ràng là từ nhiều năm nay tôi đã dần dần bắt đầu tin vào Allah. Chuyện này diễn ra chậm chạp đến nỗi khi đến Kars tôi mới hiểu ra. Vì vậy ở đây tôi hạnh phúc và viết được thơ."
"Tôi thấy ông có vẻ hạnh phúc và thông thái," Necip nói. "để tôi hỏi ông một câu: con người có thực sự nhìn trước được tương lai không? Nếu không biết trước tương lai, liệu con người vẫn có thể tin rằng họ sẽ biết và nhờ thế tìm được bình yên? Tôi muốn đưa ý đó vào tiểu thuyết khoa học giả tưởng đầu tay của mình."
"Một số người làm được việc đó..." Ka đáp. "Ông Serdar Bey chủ báo Thành phố biên giới chẳng hạn, ông ấy đã viết lên báo từ lâu những gì tối nay sẽ xảy ra." Họ cùng nhìn vào tờ báo Ka rút trong túi áo ra: "... tiết mục bị ngắt quãng liên tục bới những tràng pháo tay phấn khích."
"Đó chính là cái người ta gọi là hạnh phúc," Necip nhận xét.
"Chúng ta sẽ là thi sĩ của riêng đời mình khi biết được những gì sẽ xảy ra với mình, rồi sau đó mục kích những điều diệu kỳ mình đã miêu tả trước đó. Trên báo nói là ông sẽ trình bày bài thơ mới nhất của mình. Bài nào vậy?" Có ai đó gõ cửa.
"Cậu kể ngay cho tôi về khung cảnh ấy đi," Ka khẩn khoản.
"Tôi sẽ kể đây," Necip nói. "Nhưng ông không được cho ai biết là tôi kể cho ông. Người ta không muốn tôi thân với ông đến thế."
"Tôi sẽ không cho ai biết cả," Ka nói. "Giờ thì kể đi!"
"Tôi rất kính yêu Thượng đế," Necip xúc động bắt đầu. "Đôi khi tôi bất chợttự hỏi, chuyện gì xảy ra nếu giả sử - xin Thượng đế tha tội - không có Allah, lúc đó trước mắt tôi hiện lên hình ảnh làm tôi kinh sợ."
"Sao nữa?"
"Trong đêm đen, tôi quan sát khung cảnh ấy từ một ô cửa sổ. Bên ngoài là hai bức tường trắng cao ngất không có cửa. Như hai bức tường thành, như hai thành lũy đối diện nhau. Tôi sợ hãi nhìn theo lối đi hun hút giữa hai bức tường đó, chạy dài ra xa như một con đường. Giống như Kars, con đường ở nơi không có Allah cũng phủ tuyết và lầy lội, nhưng lại có màu tím. Ở giữa con đường có gì đó nói 'Dừng lại!' nhưng tôi đánh bạo nhìn đến tận cuối đường, nơi tận cùng thế giới. Ở đó là một cây đơn độc, trơ trụi không lá. Khi tôi nhìn nó chợt đỏ dần lên và bốc lửa. Trong tôi trào lên cảm giác tội lỗi vì đã tò mò nhìn tới một nơi không có Allah. Ngay lúc đó, cái cây đỏ trở lại màu sẫm như cũ. Mặc dù quyết tâm không nhìn nó lần nữa, tôi vẫn lặp lại hành động ấy, và cái cây nơi tận cùng thế giới lại đỏ lên và bốc cháy. Cứ thế lặp đi lặp lại đến sáng."
"Tại sao cảnh ấy làm cậu kinh sợ đến thế?"
"Vì thỉnh thoảng tôi nghĩ, như thể qua lời thì thầm của Quỷ vương, rằng cái cây ấy có thể thuộc vào thế giới bên này.Song hình ảnh hiện ra trước mắt tôi nhất định phải là do tôi tưởng tượng ra. Vì nếu trong vũ trụ này có một nơi như tôi đã miêu tả, thì điều đó có nghĩa là - xin Thượng đế tha tội - không có Allah.Do chuyện đó không thể xảy ra nên khả năng duy nhất còn lại là tôi không tin vào Thượng đế. Thế thì tệ hơn cả cái chết."
"Tôi hiểu," Ka nói.
"Tôi đã tra trong từ điển. Khái niệm 'Người vô thần' có gốc Hy Lạp là từ 'Athos', nhưng nó không chỉ một người không tin vào Thượng đế, mà là một người cô đơn vì bị các thánh thần rời bỏ. Điều đó cho ta thấy người ở Kars không thể là người vô thần được vì Allah không rời bỏ chúng ta ở đây, ngay cả khi chúng ta muốn thế đi nữa. Trước tiên phải là một người phương Tây rồi mới thành một người vô thần được."
"Ước gì tôi là một người phương Tây và vẫn có được đức tin," Ka nói.
"Con người bị Allah rời bỏ, kể cả khi tối nào cũng ngồi quán cà phê, kể chuyện tiếu lâm với bạn bè và chơi bài, ngày nào cũng đùa nghịch với mọi người trong lớp và cả ngày trò chuyện với bạn bầu thân thiết, vẫn là một người trơ trọi."
"Tuy vậy, tình yêu thực sự có thể an ủi ta." Ka nói.
"Nhưng người đó cũng phải yêu mình như mình yêu người đó chứ."
Lại có tiếng gõ cửa. Necip ôm Ka, hôn lên má ông như một đứa trẻ rồi đi ra. Ka thấy người vừa đứng đợi bên ngoài đã chạy vội vào ngăn bên cạnh, nên ông đẩy then khóa cửa lại và hút một điếu thuốc trong khi nhìn ra tuyết rơi như trong cổ tích. Ông cảm thấy mình đã ghi hình ảnh mà Necip thuật lại như một bài thơ được khắc từng chữ vào trí nhớ, và ông có thể chép vào cuốn thơ của mình, nếu không có ai từ Porlock đến.
Người từ Porlock đến! Đó là một đề tài mà chúng tôi thực sự say mê hồi những năm cuối phổ thông, khi Ka và tôi thường tranh luận về văn chương đến nửa đêm. Ai thạo đôi chút văn học Anh cũng biết là trong phần đầu bài thơ "Hốt Tất Liệt" với tiêu đề phụ "Một ảo mộng, một bài thơ viết dở", Coleridge đã tả việc tranh ngủ thiếp đi vì uống một loại thuốc trị bệnh ra sao (thực ra ông ta dùng thuốc phiện giải trí). Những dòng chữ trong cuốn sách mà ông đọc trước khi ngủ gần như đã hiện hình trong một giấc mộng sâu tuyệt đẹp và biến thành một bài thơ. Một bài thơ kiệt xuất, có thể nói đã ra đời không cần chút khổ công nào của người nghệ sĩ.
Hơn thế nữa, khi tỉnh dậy Coleridge nhớ rõ từng chữ trong bài thơ ấy. Ông lấy giấy, bút và mực ra, vội vã chép lại từng vần thơ.
Khi viết đến câu cuối trong bài thơ còn lại với chúng ta hôm nay thì có tiếng gõ cửa. Ông đứng dậy mở cửa: một người từ thị trấn Porlock gần đó tới xin vay tiền. Sau khi đuổi anh ta đi và quay lại bàn, Coleridge nhận ra rằng ông đã quên phần cuối bài thơ, chỉ còn sót lại tâm trạng và vài thứ lẻ tẻ.
Do không có ai từ Porlock đến phá vỡ sự tập trung của ông, Ka vẫn nhớ hết bài thơ của mình khi được gọi lên sân khấu. Ông cao lớn hơn tất cả, chiếc áo choàng xám tro mua ở Đức làm ông nổi bật giữa đám người trên sân khấu.
Tiếng ồn ào trong khán phòng chợt lặng đi. Đám sinh viên, những người thất nghiệp và người không có vị trí nào trong xã hội cũng như dân Hồi giáo phản đối đang sôi sục bỗng im bặt, vì họ không biết bây giờ nên cười nhạo hay phản kháng chuyện gì Các công chức cao cấp, đám cảnh sát cả ngày theo dõi Ka, ông phó thống sứ, ông phó giám đốc Sở cảnh sát và các giáo viên ngồi hàng đầu đều biết Ka là thi sĩ. Người giới thiệu chương trình gầy nhom giật mình khi thấy yên lặng quá. Anh ta hỏi Ka một câu lấy từ chương trình văn hóa của ti vi: "Ông là nhà thơ, ông viết thơ, sáng tác thơ có khó không ạ?" Cuối đoạn đối thoại ngắn và gượng gạo mà tôi chỉ muốn quên ngay mỗi khi xem lại băng video, khán giả cũng chẳng biết làm thơ khó hay dễ, chỉ biết là Ka từ Đức về.
Người dẫn chương trình hỏi tiếp: "Ông thấy thành phố Kars xinh đẹp này ra sao?"
Sau một lát ngập ngừng Ka đáp: "Rất đẹp, rất nghèo, rất buồn."
Hai học sinh trường tôn giáo ở phía hàng ghế cuối cười phá lên. Một người khác kêu: "Tâm hồn ông nghèo thì có!" Sáu, bảy người khác được khích lệ liền nhảy lên hò hét. Nửa số khán giả chế nhạo Ka, nửa kia nói gì không ai hiểu. Sau này khi về Kars tôi có nghe Turgut Bey kể rằng Hande đã khóc khi nghe Ka nói mấy câu ấy. Người dẫn chương trình nói: "Ông đại diện cho văn chương Thổ Nhĩ Kỳ ở Đức!"
"Nói thử xem ông vì sao đến đây thì hơn" một người đế ngang vào.
"Tôi đến đây vì tôi rất bất hạnh." Ka nói. "Ở đây tôi hạnh phúc hơn. Bây giờ xin quý vị lắng nghe tôi đọc bài thơ."
Sau một thoáng chuệch choạc và ồn ào trong phòng, Ka bắt đầu đọc thơ. Nhiều năm sau, khi nhận được cuốn băng video tôi đã quan sát bạn tôi đầy cảm phục và trìu mến. Lần đầu tiên tôi thấy ông đọc thơ trước đám đông. Ông thúc đẩy tiến trình rất có suy nghĩ, như một người chăm chú và khoan thai đi từng bước, không mảy may khiên cưỡng. Ngoài hai lần vấp, ông đọc bài thơ một mạch không nghỉ.
Necip nhận ra tức khắc bài thơ "Nơi không có Allah" khớp từng chữ một với lời cậu mô tả ban nãy về "khung cảnh" trước mắt mình. Cậu nhổm dậy khỏi ghế như bị bùa mê, nhưng không hề ngắt lời, trong lúc Ka tiếp tục những câu mô tả tuyết rơi. Nghe có tiếng vỗ tay từ một, hai chỗ ngồi. Một người ngồi hàng phía sau đứng dậy và hô to gì đó, mấy người khác làm theo.Không rõ họ định đáp lại các vần thơ hay chỉ làm ầm lên cho đỡ buồn chán.
Nếu không tính đến cái bóng của Ka trên nền xanh lá cây chốc lát sau, thì đó là những hình ảnh cuối cùng tôi nhìn thấy về bạn tôi, người tôi quen từ hai mươi bảy năm rồi.
Tuyết Tuyết - Orhan Pamuk Tuyết