Bất hạnh là liều thuốc thử phẩm chất của con người.

Seneca

 
 
 
 
 
Tác giả: Jorge Luis Borges
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Duy Vo
Upload bìa: Duy Vo
Số chương: 40
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4111 / 147
Cập nhật: 2015-07-04 22:49:15 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Những Cuộc Đối Thoại Giữa Tu Sĩ Khổ Hạnh Và Nhà Vua
uy Đoàn chuyển ngữ từ bản tiếng Anh của Eliot Weinberger
Vua thì sung túc, tu sĩ khổ hạnh là hư không hoặc muốn trở thành hư không, thế là người đời thích hình dung nên cuộc đối thoại giữa hai nguyên mẫu này. Đây là một vài ví dụ, từ Đông sang Tây:
Từ Diogenes Laërtius mà truyền thống xưa nay cho rằng Darius đã mời triết gia Heraclitus tới cung điện. Heraclitus từ chối bằng những lời này: “Heraclitus cư dân thành Ephesus gửi tới Vua Darius, con trai của Hystapes: lời chào thân ái! Toàn thể loài người giờ đây bị cách li ra khỏi chân lí và tìm kiếm hư vinh. Về phần mình, tôi đã tháo chạy ra khỏi sự hư ảo ở chốn lâu đài và sẽ không tới Ba-tư, tự hài lòng về tính tầm thường nơi tôi, mà bản thân thấy thế cũng đủ rồi.”
Lá thư này – vốn đáng ngờ do cách biệt tám thế kỉ giữa sử gia và triết gia – thoạt nhìn không có gì khác hơn tính độc lập hay tư tưởng yếm thế của Heraclitus; niềm khoái cảm phẫn uất của việc hắt hủi lời mời từ nhà vua, hơn nữa là của một vị vua ngoại quốc. Nhưng bên dưới bề mặt tầm thường đó bắt gặp được sự đối lập mơ hồ giữa hai biểu tượng, một nét huyền ảo trong đó con số không, vị tu sĩ khổ hạnh, ở chừng mực nào đó có thể tương đương hoặc vượt trội cả vị vua vô hạn.
Câu chuyện nằm trong quyển thứ chín bộ sách Cuộc đời của các triết gia (Lives of the Philosophers) của Diogenes Laërtius. Quyển thứ sáu có phiên bản khác, không rõ nguồn lấy từ đâu, với nhân vật chính là Alexander và Diogenes phái Cynic. Alexander đến Corinth trong lúc dẫn quân đi chiến đấu chống lại Ba-tư, và mọi người đều ra đón chào ông ta.
Diogenes không chịu ra khỏi nhà, và sáng nọ Alexander tìm đến ông, lúc đó ông đang sưởi nắng. “Hãy yêu cầu ta bất kì thứ gì nhà ngươi thích,” Alexander bảo thế, và Diogenes lúc ấy nằm dưới đất, đã yêu cầu vị vua nhích ra một tí, để không chặn ánh nắng chiếu vào. Giai thoại này (được Plutarch lặp lại) đặt hai kẻ đối thoại ở vị trí đối lập nhau; có gợi ý về sự liên hệ họ hàng ở những giai thoại khác. Alexander nói với cận thần là nếu không trở thành Alexander thì ông muốn trở thành Diogenes; và ngày nọ một người chết ở Babylonia, còn người kia chết ở Corinth.
Phiên bản thứ ba của cuộc đối thoại bất diệt này là câu chuyện dài nhất: nó chiếm tới hai tập trong bộ Thánh điển của phương Đông (Sacred Books of the East) do Max Müller biên tập tại Oxford. Nó nằm trong cuốn Milinda Pañha (The Questions of Milinda), cuốn tiểu thuyết với dụng ý truyền tải học thuyết, được sáng tác ở miền bắc Ấn-độ vào thời kì đầu của kỉ nguyên chúng ta. Bản gốc tiếng Phạn đã thất lạc, và Rhys Davis dịch từ tiếng Pali sang tiếng Anh. Milinda, cái tên này được cách phát âm Đông phương làm cho dịu dàng hẳn, chính là Menander, vị vua Hi-lạp của Bactriana, sau khi Alexander xứ Macedonia chết được một trăm năm thì ông này đã mang quân đến tận cửa sông Indus. Theo Plutarch, ông là người cai trị khôn ngoan, và khi chết thì tro tàn của ông được rải đi khắp các thành phố trong vương quốc [1]. Các di chỉ quyền lực ông có được, những kệ tiền đúc mà giờ đây chứa hơn hai mươi loại tiền xu bằng vàng và bằng đồng. Trên một số đồng xu là hình ảnh một người thanh niên, mấy đồng khác thì có hình ảnh một ông già, và ta có thể suy ra thời gian ông trị vì kéo dài rất nhiều năm. Dòng chữ khắc ghi “Menander vị vua công bằng”, và ở mặt trước của đồng xu người ta tìm thấy hình ảnh một Minerva, một con ngựa, một cái đầu bò, một con cá heo, một con lợn lòi, một con voi, một cành cọ, một cái bánh xe. Ba hình tượng sau cùng có lẽ thuộc về đạo Phật.
Trong cuốn Milinda Pañha ta đọc thấy rằng cũng như con sông Ganges sâu thẳm tìm đến đại dương sâu thẳm hơn, thì vua Milinda tìm đến Nāgasena, người nắm giữ ngọn đuốc chân lí. Năm trăm lính Hi-lạp bảo vệ nhà vua, và nhờ vẻ an nhiên tựa sư tử (“a guisa di leon quando si posa”) của Nāgasena mà nhà vua nhận ra được ông trong đám đông tu sĩ khổ hạnh. Nhà vua hỏi danh tính ông. Nāgasena đáp lại danh tính chỉ là những qui tắc, không định nghĩa được các đối tượng vĩnh cửu. Ông giải thích, cũng như cỗ xe ngựa của nhà vua không phải là bánh xe cũng không phải khung xe, không phải trục xe, càng xe cũng không phải ách xe, do đó con người không phải là vật chất, hình thức, tri giác, ý tưởng, bản năng hoặc ý thức. Con người không phải là sự kết hợp của các phần đó lại và cũng không thể tồn tại mà thiếu chúng được… rồi ông so sánh với ngọn lửa trong cây đèn thắp sáng hàng đêm, ngọn lửa ấy tồn tại lẫn ngừng tồn tại. Ông nói đến đầu thai, đến đức tin, đến nghiệp và niết-bàn, và sau hai ngày luận đàm, hoặc có thể gọi là vấn đáp, thì ông đã cải đạo được nhà vua, lúc này đây khoác lên mình bộ hoàng y của thầy tu. Đây là cốt chuyện tổng quát của Milinda Pañha, trong đó Albrecht Weber chú ý đến việc cố tình bắt chước theo kiểu Platon, luận thuyết này bị Winternitz bác bỏ khi ông này nhận xét phương thức đối thoại kiểu này thuộc về truyền thống trong văn tự Ấn-độ, và trong cuốn Milinda Pañha không có một chút vết tích gì thuộc nền văn hoá Hi-lạp cổ (Hellenic).
Ăn vận như một tu sĩ khổ hạnh, nhà vua trở thành một trong số họ, và vị vua này gợi nhớ đến một vị vua khác ở thời kì còn dùng tiếng Phạn, cũng bỏ cung điện đi khất thực ngoài phố và nói những lời làm người ta choáng váng: “Kể từ bây giờ ta không có vương quốc nào hết hoặc là ta có một vương quốc bất tận; kể từ bây giờ thân xác ta không thuộc về ta hoặc là cả nhân gian này đều thuộc về ta.”
Năm trăm năm trôi qua, và loài người tạo ra một phiên bản đối thoại bất diệt khác, lần này không ở Ấn-độ mà ở Trung-quốc [3]. Hoàng đế vương triều nhà Hán mơ thấy một người thân bằng vàng ròng bay vào phòng mình, và quần thần của ông cho rằng đó chỉ có thể là Phật, vốn là người đã tu hành đắc đạo bên Thiên-trúc. Một vị hoàng đế triều đại nhà Lương đã bảo vệ kẻ dã man đó và đức tin của mình, lập ra đền miếu và các tu viện. Giáo sĩ Bà-la-môn Bồ-đề-đạt-ma, tổ thứ hai mươi tám của Phật giáo Ấn-độ, trước đó đã tới cung vua ở Nam-kinh (họ bảo là sau ba năm thong dong đi bộ), ở phía nam Trung-quốc. Vị hoàng đế liệt kê toàn bộ các công trình linh thiêng thực hiện được. Bồ-đề-đạt-ma lắng nghe chăm chú, rồi bảo nhà vua rằng toàn bộ các tu viện, đền miếu và bản sao của thánh điển là những thứ thuộc về thế giới hình tướng bên ngoài, vốn là một giấc mộng dài, do vậy không có nghĩa lí gì cả. Ông nói, các việc làm tốt có thể dẫn tới đền đáp tốt đẹp, nhưng không bao giờ dẫn tới niết-bàn, là nơi tuyệt đối không tồn tại ý chí, cũng như không hề tồn tại hậu quả của hành vi ta thực hiện. Không tồn tại học thuyết linh thiêng nào cả, bởi vì trong cõi nhân gian hão huyền không có gì linh thiêng hoặc nền tảng. Vạn pháp và vạn vật đều vô thường, và chúng ta không thể bảo rằng chúng tồn tại hay không tồn tại.
Vị hoàng đế sau đó cất tiếng hỏi người có lối nói như thế là ai, và Bồ-đề-đạt-ma vẫn trung thành với thuyết hư vô, đã đáp lại:
“Ta cũng không biết mình là ai.”
Những lời đó vang vọng trong kí ức dân tộc Trung-hoa suốt một thời gian dài. Ra đời giữa thế kỉ mười tám, cuốn tiểu thuyết Hồng Lâu Mộng có đoạn văn kì dị thế này:
Anh mơ rồi lại thức. Anh thấy mình trong ngôi miếu đổ. Bên cạnh ngôi miếu có gã ăn mày vận tấm áo như đạo sĩ. Vị đạo sĩ này chân đi khập khiễng và đang bắt rận. Tương Liên lên tiếng hỏi ông là ai và nơi đây là đâu. Đạo sĩ trả lời:
“Ta không biết mình là ai, và cũng không biết đây là đâu. Ta chỉ biết đường đi hãy còn dài lắm.”
Tương Liên ngộ ra. Anh dùng kiếm cắt phăng đi mái tóc rồi theo vị đạo sĩ lạ mặt ấy.
Trong mấy câu chuyện tôi vừa đề cập đến, vị tu sĩ khổ hạnh và nhà vua biểu trưng cho cái hư không và sự sung túc, con số không và vô cực. Những biểu trưng cực độ hơn nữa về sự tương phản này bao gồm thần linh và người chết, và sự hợp nhất giữa hai hình tượng đó ắt sẽ hữu hiệu hơn: thần linh là kẻ chết. Adonis bị con lợn lòi của nữ thần mặt trăng gây thương tích, Osiris bị Set ném vào dòng nước sông Nile, Tammuz bị lôi tới một vùng đất mà không thể quay trở về, tất cả đều là những ví dụ nổi tiếng về sự hợp nhất này. Không kém phần thấm thía là câu chuyện này, kể về sự cáo chung khiêm nhường của một vị thần:
Ở cung điện của Olaf Tryggvason, người trước đây ở Anh đã bị cải đạo theo đức tin Kitô, đêm nọ có một ông già xuất hiện, khoác trên người miếng vải choàng tối tăm và vành mũ che ngang mắt. Nhà vua hỏi ông có biết làm gì không, người đàn ông lạ mặt đáp ông biết chơi hạc cầm và biết kể chuyện. Ông hát vài điệu cổ xưa, kể về Gudrun và Gunnar, rồi nói đến sự ra đời của Odin. Ông nói có ba nữ thần Định mệnh xuất hiện, hai người đầu hứa hẹn nhiều điều hạnh phúc, nhưng người thứ ba, trong cơn thịnh nộ, nói rằng, “Ngươi sẽ không sống lâu hơn ngọn nến đang cháy bên cạnh”. Cha mẹ ông ta dập tắt nến đi để Odin không chết theo nó. Olaf Tryggvason không tin câu chuyện; người đàn ông lạ mặt, vẫn khẳng định đó là sự thật, lấy ra ngọn nến và thắp nó lên. Khi người ta quan sát ngọn nến cháy lên thì ông bảo đã trễ rồi và mình phải rời khỏi đây. Khi ngọn nến cháy hết, người ta kéo nhau đi tìm người đàn ông kia. Cách tư thất của nhà vua vài bước chân, Odin nằm chết tại đó.
Ngoài chuyện chứa đựng ít nhiều những phẩm tính cao quí, thì những văn bản đó, vốn rải rác theo thời gian và không gian, đã đề xuất tính khả dĩ về một dạng hình thái học (theo từ của Goethe) hoặc về hệ thống kiến thức các thể nền tảng trong văn chương. Ở những trang viết như thế này, đôi khi tôi suy đoán rằng toàn thể các ẩn dụ chỉ là những biến thể từ một số ít các nguyên mẫu mà thôi; có lẽ định đề này cũng thích hợp với cả truyện ngụ ngôn.
Tuyển Tập Tác Phẩm Tuyển Tập Tác Phẩm - Jorge Luis Borges Tuyển Tập Tác Phẩm