Số lần đọc/download: 1896 / 73
Cập nhật: 2015-10-21 07:44:18 +0700
Thủ Đoạn
a) Bầu chủ tịch Hội.
b) Thảo luận về vụ mùng hai tháng Mười.
c) Bản tường trình giản lược của hội viên chính thức đốc tờ M. N. Phôn Brôn.
d) Những việc thường lệ của Hội.
Đốc tờ Sêlextốp, người gây ra vụ mùng hai tháng Mười đang sửa soạn đi họp Hội; ông đã đứng trước gương khá lâu và đang cố tạo cho bộ mặt mình có một vẻ mệt mỏi. Nếu bây giờ ông xuất hiện trong cuộc họp với vẻ mặt xúc động, căng thẳng, đỏ bừng hay tái mét, thì những địch thủ của ông có thể cho rằng ông đã đánh giá quá cao tác động do những thủ đoạn xấu xa của họ đem lại; còn nếu vẻ mặt ông sẽ lạnh lùng, dửng dưng như ngái ngủ, một vẻ mặt thường thấy ở những người đứng cao hơn hết thảy và bị cuộc đời làm cho mệt nhọc, thì khi nhìn thấy ông cả bọn địch thủ sẽ thầm kính phục ông và nghĩ:
Bia kỷ niệm Puskin bất khuất
Cao hơn bia kỷ niệm Napôlêông!1
Như một người không thèm để ý gì đến những địch thủ và những trò nhỏ nhen của họ, ông sẽ đến họp muộn hơn tất cả. Ông sẽ lẳng lặng đi vào phòng họp, uể oải đưa tay lên vuốt mái tóc và, không thèm nhìn ai cả, ông sẽ ngồi xuống chỗ bên mép bàn ngoài cùng. Chọn một tư thế của một người ngồi nghe chán ngán, ông sẽ ngáp dài một cách lộ liễu, với tay lấy một tờ báo nào đó rồi bắt đầu đọc… Tất cả sẽ nói chuyện, cãi vã ầm ĩ, huyên náo, hô hào nhau giữ trật tự, thì ông vẫn ngồi yên và nhìn vào tờ báo. Nhưng rồi cuối cùng, khi người ta nhắc đến tên ông mỗi lúc một nhiều hơn, và khi mà cái vấn đề cấp bách ấy đã được bàn cãi đến độ căng thẳng nhất thì ông sẽ ngẩng đầu lên, đưa cặp mắt chán chường, mệt mỏi nhìn các bạn đồng nghiệp rồi miễn cưỡng nói:
– Tôi buộc phải nói… Thưa các ngài, tôi không chuẩn bị gì, vì vậy, quý vị thứ lỗi cho, ý kiến phát biểu của tôi sẽ không được lưu loát lắm. Xin bắt đầu từ ab ovo2… Trong cuộc họp lần trước, một số quý vị đã nói rằng trong các buổi hội chẩn tôi đã xử sự không giống như ý muốn của họ và họ yêu cầu tôi phải giải thích rõ ràng. Cho rằng giải thích là thừa và sự buộc tội là không trung thực, tôi đã đề nghị khai trừ tôi ra khỏi số hội viên của Hội và rời khỏi chỗ này. Nhưng bây giờ khi mà những lời buộc tội mới lại trút lên đầu tôi, tôi đành buồn rầu mà nhận thấy rằng tôi không thể không giải thích thái độ của tôi. Xin lỗi quý vị, tôi sẽ trình bày cụ thể.
Tiếp đó, vừa ngạo mạn mân mê cây bút chì hay chiếc dây đồng hồ, ông sẽ nói rằng đúng là trong những hội chẩn thỉnh thoảng ông cũng có cao giọng gắt gỏng và ngắt lời đồng nghiệp, không nể nang gì những người lạ; đúng là có lần trong một buổi hội chẩn, khi có mặt nhiều bác sĩ và gia đình bệnh nhân, ông đã hỏi người bệnh: “Kẻ ngu xuẩn nào đã kê đơn thuốc phiện cho anh?” Hiếm có buổi hội chẩn nào mà không to tiếng cãi nhau… Nhưng vì sao vậy? Rất đơn giản thôi. Trong các buổi hội chẩn ấy, lần nào ông cũng cảm thấy kinh ngạc trước trình độ hiểu biết quá thấp của các vị đồng nghiệp. Trong thành phố có ba mươi hai bác sĩ, nhưng phần lớn có vốn hiểu biết ít ỏi hơn bất kỳ sinh viên năm thứ nhất nào. Sự dẫn chứng cũng đủ rồi. Tất nhiên là nomina sunt odiosa3, nhưng trong cuộc họp toàn là những người quen biết nhau cả, và hơn nữa, để khỏi mang tiếng là thiếu chứng cớ, cũng có thể phải nói rõ tên ra. Chẳng hạn ai cũng biết chuyện ông bạn đồng nghiệp đáng kính Phôn Brôn khi dùng cái thông khám bệnh đã làm thủng thực quản của bà Xêriôgiơkina, vợ một viên công chức…
Đến lúc đó thì Phôn Brôn sẽ chồm lên, vỗ vỗ tay và gào:
– Này, chính ông đã chọc thủng chứ không phải tôi! Chính ông! Tôi sẽ chứng minh điều này cho ông!
Sêlextốp sẽ không thèm để ý đến Phôn Brôn và sẽ tiếp tục nói:
– Tất cả cũng biết rằng ông bạn đồng nghiệp đáng kính Gila khi khám cho nữ nghệ sĩ Xêmiramiđina bị bệnh sa thận lại chẩn đoán nhầm là áp-xe thận, và rồi đã thử chọc vào, kết quả là không lâu sau exitus letalis4.
Ông bạn đáng kính Bextơrunkô thì đáng lẽ phải nhổ móng ở ngón chân trái thì lại nhổ móng lành lặn bên chân phải. Tôi không thể không nhắc quý vị nhớ lại trường hợp khi ông bạn đáng kính Terkharianxơ đã thông ống épxtắc trong tai của anh lính Ivanốp đến nỗi bị thủng màng nhĩ ở cả hai tai. Xin nhắc thêm rằng cũng vị này khi nhổ răng cho một người, đã làm sái cả hàm dưới của bệnh nhân rồi không chịu nắn lại chừng nào bệnh nhân chưa đồng ý trả thêm năm rúp. Ông bạn đáng kính Kurixưn thì lấy cháu gái ông bán thuốc Grummer và cùng với ông ta có chuyện thông đồng ám muội. Mọi người đều cũng biết rằng viên thư ký Hội chúng ta, ông bạn trẻ Xkôrơpalitennưi, đã ăn nằm với phu nhân của vị chủ tịch rất đáng kính nể của chúng ta là ngài Guxtáp Guxtavôvíts Prêkhơten… Tôi đã bất giác chuyển từ vấn đề trình độ học thức thấp kém sang những lỗi lầm có tính chất luân lý. Như vậy tốt hơn. Luân lý là chỗ yếu của chúng ta, thưa các vị, và để khỏi gây ấn tượng là nói không có bằng chứng, tôi xin nêu tên ông bạn đáng kính Pudưrơkốp, người mà trong ngày lễ thánh trùng tên của bà đại tá phu nhân Tơrêsinxki, đã kể rằng không phải Xkôrôpalitennưi chung chạ với phu nhân vị chủ tịch Hội chúng ta mà chính là tôi! Dám nói điều này chính là ngài Pudưrơkốp mà năm ngoái tôi đã bắt gặp cùng với phu nhân của ông bạn đáng kính Dơnôbis… Nhân thể, xin nói về ông đốc tờ Dơnôbis… Vị nào có tiếng là một bác sĩ mà các bệnh nhân nữ đến chữa không phải là hoàn toàn không nguy hiểm? Chính là Dơnôbis… Người nào lấy con gái nhà buôn chỉ có mục đích làm giàu, chính là Dơnôbis! Còn về vị chủ tịch tất cả đều kính trọng của chúng ta thì xin nói rằng ông đang bí mật chữa bệnh theo liệu pháp vi lượng đồng căn và nhận tiền của bọn Phổ về việc làm gián điệp. Làm gián điệp cho bọn Phổ – điều này là ultima ratio5.
Các vị đốc tờ, khi muốn tỏ ra là thông minh và biết cách nói, đều sử dụng hai câu tiếng La tinh: nomina sunt odiosa và ultima ratio. Sêlextốp thì sẽ không chỉ dùng tiếng La tinh mà còn dùng cả tiếng Pháp và tiếng Đức – tùy thích! Ông sẽ phơi bày tất cả sự thật, ông sẽ lật mặt nạ của những tên có mưu đồ xấu xa; vị chủ tọa sẽ mỏi tay mà rung chuông, các ông bạn đáng kính sẽ chồm ra khỏi chỗ mình ngồi, gào thét, tay vung lên… Mấy ông bạn theo đạo Do Thái thì sẽ túm tụm vào một góc mà la ầm lên:
– Ô-ô-ô-ô-ô!…
Còn Sêlextốp thì, không thèm nhìn một ai, sẽ tiếp tục nói:
– Về vấn đề liên quan đến cả Hội nếu cứ với thành phần và trật tự như thế này, thì nhất định thế nào nó cũng tiêu vong. Mọi thứ ở cái Hội này đều hoàn toàn được dựng lên bằng những thủ đoạn. Thủ đoạn, thủ đoạn và thủ đoạn! Với tư cách là một nạn nhân của mọi thứ thủ đoạn quỷ quyệt hoàn chỉnh này, tôi tự thấy có trách nhiệm phải trình bày điều sau đây…
Ông sẽ trình bày, và bè cánh của ông sẽ vỗ tay tán thưởng và đắc thắng xoa xoa tay. Trong bầu không khí hết sức ồn ào cuộc bầu cử chủ tịch Hội bắt đầu. Ngài Phôn Brôn và đồng bọn ra sức ủng hộ Prêkhơten, nhưng những người dự họp cùng các bác sĩ chân chính thì đều suỵt và gào:
– Đả đảo Prêkhơten! Ủng hộ Sêlextốp! Yêu cầu Sêlextốp nhận chức đó!
Sêlextốp đồng ý nhận chức chủ tịch nhưng với điều kiện là Prêkhơten và Phôn Brôn sẽ phải xin lỗi ông về vụ mùng hai tháng Mười. Tiếng hô la huyên náo lại nổi lên, và các ông bạn đồng nghiệp đáng kính theo đạo Do Thái lại họp và gào – “ô-ô-ô-ô.” Prêkhơten và Phôn Brôn nổi giận bừng bừng, chấm dứt mọi chuyện bằng việc yêu cầu từ nay không coi họ là hội viên của Hội nữa. Thế thì hay quá!
Vậy là Sêlextốp thành chủ tịch. Trước tiên ông lập lại trật tự trong Hội này. Xin mời ngài Dơnôbis cuốn gói ngay cho! Ngài Terkharianxơ cũng cuốn gói ngay! Xin cút bằng hết những người bạn kính mến của bọn phản bội! Với bè cánh của mình, ông sẽ làm cho đến trước tháng Giêng sẽ không còn một tên mưu đồ xấu xa nào. Tại nhà thương của Hội trước tiên ông sẽ cho quét vôi tường phòng khám bệnh và cho treo biển: “Tuyệt đối cấm hút thuốc”; sau đó ông sẽ thải cả viên y tá và mụ hộ lý, thuốc thì sẽ không lấy ở chỗ Grummer nữa mà ở Khơriasiambgixki, các bác sĩ sẽ được đề nghị không tiến hành một ca mổ nào nếu không có sự theo dõi của ông v.v… Và điều chủ yếu là trên những tấm danh thiếp của mình ông sẽ cho in dòng chữ: “Chủ tịch Hội các bác sĩ thành phố N.”.
Sêlextốp đã mơ tưởng như vậy, khi đứng trước gương ở nhà. Nhưng rồi đồng hồ điểm bảy tiếng nhắc ông rằng đã đến giờ phải đi họp. Ông bừng tỉnh khỏi giấc mộng êm đềm và vội vàng làm cho mặt mình có vẻ mệt mỏi nhưng tiếc thay, ông muốn làm cho mặt mình có vẻ mệt mỏi và hấp dẫn, thì bộ mặt ông lại ngang ngạnh không tuân theo và trở nên cau có, đần độn như một con chó con giữ nhà xấu xí, bị rét cóng; ông muốn làm cho mặt mình có vẻ oai vệ đường bệ thì nó lại cứ dài thuỗn ra và lộ vẻ ngô nghê, bây giờ thì ông cảm thấy rằng mình không giống con chó con nữa mà giống một con ngỗng đực. Ông khép hàng mi xuống, nheo nheo mắt lại, phồng phồng má lên, nhăn nhăn trán, nhưng dầu thế nào mặc lòng, vẻ mặt ông vẫn không thành như mong muốn. Chắc đó là những đặc tính bẩm sinh của khuôn mặt ấy rồi, không thể làm gì được. Cái trán thấp lè tè, đôi mắt ti hí liếc ngang liếc dọc rất nhanh như mắt bọn con buôn ranh mãnh, chiếc hàm dưới nhô ra phía trước một cách đần độn, kỳ quặc, còn đôi má và mái tóc thì có vẻ như là một “ông bạn đáng kính” phút trước vừa mới bị đuổi ra khỏi phòng chơi bi-a.
Sêlextốp cáu kỉnh nhìn lên khuôn mặt đó, ông bắt đầu cảm thấy rằng chính khuôn mặt này cũng đang giở thủ đoạn chống lại ông. Ông đi ra ngoài hành lang, mặc áo ấm vào, và ông cảm thấy rằng cả cái áo lông, cả đôi ủng cao su cùng chiếc mũ đều giở thủ đoạn gì đó.
– Ê, xà ích, cho đánh xe đến nhà thương! – ông gọi to.
Ông trả hai mươi kôpếch thì bọn xà ích đầy thủ đoạn lại đòi những hai nhăm kôpếch… Ông ngồi lên chiếc xe bốn bánh không mui; xe chạy, gió lạnh phả vào mặt, tuyết ẩm ướt che cả mắt, con ngựa mệt nhọc chạy chậm rì rì. Tất cả đều đồng lõa với nhau, tất cả đều giở thủ đoạn xấu xa… Ôi, thủ đoạn, thủ đoạn và thủ đoạn!
Chú thích
1. Trích bài thơ “Bia kỷ niệm” của A.X. Puskin trong bản in lưu hành trước cách mạng thường bị in nhầm như vậy. Ở bài thơ của A.X. Puskin là: “bia kỷ niệm của Alếchxanđrơ”.
2. Từ chỗ trước tiên nhất (tiếng La Tinh).
3. Sẽ không gọi tên ra (tiếng La Tinh).
4. Trường hợp tử vong (tiếng La Tinh).
5. Luận cứ cuối cùng (tiếng La Tinh).