Đừng lo ngại cuộc sống sẽ kết thúc, hãy lo ngại cuộc sống chẳng bao giờ bắt đầu.

Grace Hansen

 
 
 
 
 
Biên tập: Duy Vo
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3609 / 92
Cập nhật: 2015-07-15 23:34:21 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Giữa Đời Đem Bán Chiêm Bao
ột buổi sáng mai nọ, vào lúc chín giờ, trong khi chúng tôi đang ngồi dùng điểm tâm trên sân thượng của khách sạn Havana Riviera trong ánh nắng rực rỡ, một ngọn sóng khổng lồ cuốn tung lên mấy chiếc xe đang chạy trên đại lộ dọc theo bức tường chắn sóng hay đang đỗ lại trên vỉa hè và hất tung một chiếc về phía khách sạn. Như một tiếng nổ của quả mìn, điều đó tạo nên nỗi kinh hoàng suốt hai mươi tầng của tòa nhà và biến cánh cửa lớn vào đại sảnh của khách sạn thành cát bụi. Rất nhiều du khách đang ngồi nơi phòng đợi bị ném tung lên không cùng lúc với bàn ghế, đồ đạc và vài người còn bị cắt nát bởi các mảnh kiếng vỡ. Ngọn sóng hẳn là rất cuồng bạo vì đã tràn qua con phố rộng hai chiều giữa bức tường chắn sóng và khách sạn, và còn đủ mạnh để làm vỡ tung cánh cửa.
Các thanh niên chí nguyện nhiệt tình của Cuba, hiệp lực với phòng chữa cháy đã dọn dẹp các đống đổ nát trong vòng sáu tiếng đồng hồ và bít lối cổng đi ra biển, làm một cổng khác, và rồi mọi sự trở lại bình thường. Trong buổi sáng không còn ai bận tâm về chiếc xe hơi bị ghim dính vào tường vì mọi người nghĩ rằng đó là một trong những chiếc xe đã đỗ lại trên vỉa hè.
Nhưng khi chiếc xe cẩu câu chiếc xe đó ra khỏi chỗ, thi thể một người đàn bà hiện ra, còn dính vào tay lái nhờ sợi dây đai buộc vòng chỗ ngồi. Cú dập hẳn là thật tàn bạo đến nỗi không còn một mảnh xương nào của bà ta còn nguyên vẹn. Khuôn mặt bà ta bị hủy hoại, đôi ủng bị rách bươm, quần áo thành những mảnh vụn. Bà ta đeo một chiếc nhẫn vàng hình con rắn với đôi mắt ngọc bích. Cảnh sát truy ra bà ta là người quản gia của viên Đại sứ Bồ Đào Nha và phu nhân, vừa mới đến nhậm chức.
Bà ta đã đến Havana cùng với gia đình ngài Đại sứ hai tuần trước đây và sáng hôm đó bà đã lái một chiếc xe hơi mới để ra chợ. Tên của bà ta chẳng có ý nghĩa gì với tôi khi tôi đọc được nó trên báo, nhưng tôi lại vướng vất với chiếc nhẫn hình con rắn và đôi mắt ngọc bích. Tuy thế, tôi lại không thể biết được bà ta đã đeo chiếc nhẫn ở ngón tay nào.
Điều này hẳn là một thông tin rất trọng yếu, bởi vì tôi e rằng bà ta hẳn phải là người đàn bà không thể nào quên mà tôi chẳng bao giờ biết được tên thật vì người đàn bà đó cũng đeo một chiếc nhẫn giống như thế ở ngón trỏ tay phải, một điều mà thời ấy người ta còn coi là rất bình thường hơn là bây giờ. Tôi đã gặp bà ấy ba mươi bốn năm trước, tại Vienna (Kinh đô áo quốc), ăn xúc xích với khoai luộc và uống bia cốc, nơi cái quán bình dân mà đám sinh viên châu Mỹ La Tinh hay lui tới. Sáng hôm đó, tôi từ Rome đến và tôi còn nhớ ấn tượng đầu tiên nơi tôi đối với bộ ngực của một giọng nữ kim (soprano) tuyệt vời, những chùm lông đuôi chồn buông rũ nơi cổ áo khoác và chiếc nhẫn Ai Cập mang hình con rắn của nàng. Nàng nói một thứ tiếng Tây Ban Nha sơ cấp bằng giọng kim lảnh lót không hề ngừng để thở và tôi đã nghĩ nàng là người áo duy nhất ngồi ở cái bàn gỗ dài đó. Nhưng không phải, nàng sinh ra ở Colombia và đã đến nước áo trong khoảng thời gian giữa hai cuộc thế chiến, khi còn bé tí xíu, để học cầm nhạc và thanh nhạc. Nàng khoảng ba mươi tuổi nhưng trông không hợp với số tuổi của mình, bởi vì nàng chưa bao giờ xinh đẹp và đã bắt đầu già trước tuổi. Nhưng nàng là một con người có sức lôi cuốn và gợi lên lòng kính nể.
Vienne vẫn còn là một đế đô cổ kính, với vị trí địa lý ở giữa hai thế giới không thể hòa giải từ cuộc thế chiến thứ nhì để lại đã biến nơi đó thành thiên đường của buôn bán chợ đen và gián điệp quốc tế. Tôi không thể tưởng tượng một nơi nào phù hợp hơn cho người đồng hương lưu vong của tôi; nàng vẫn còn đến ăn ở quán bình dân nơi góc phố chỉ vì muốn trung thành với nguồn gốc của mình, bởi lẽ nàng đã thừa đủ tiền để bao ăn cho tất cả các bạn cùng bàn. Nàng chẳng hề cho biết tên thật của mình và chúng tôi luôn biết về nàng qua cái tên đặc vẻ Đức mà bọn sinh viên châu Mỹ La Tinh chúng tôi ở Vienne đã phát minh và gán cho nàng: Frau Frieda. Lúc ấy, tôi vừa mới được giới thiệu với nàng khi tôi phạm phải một cái lỗi lếu láo, nhưng cũng may mắn, là hỏi bằng cách nào mà nàng sống được nơi một thế giới quá xa cách và quá khác biệt với những mỏm đá lộng gió của xứ Quindio đến như thế, nàng đã trả lời bằng câu thật mãnh liệt:
"Tôi rao bán những điềm mộng" Thực tế, đó là nghề duy nhất của nàng. Nàng là con thứ ba trong số mười một người con của một chủ tiệm tạp hóa ăn nên làm ra ở xứ Caldas, và lúc nàng vừa mới biết nói, nàng đã tạo nên một tập quán ngồ ngộ cho gia đình là kể lại các giấc mơ trước mỗi bữa điểm tâm, khoảng thời gian mà tính cách sấm truyền của các giấc chiêm bao còn được giữ ở trạng thái thuần khiết nhất. Khi nàng lên bảy tuổi, nàng nằm mộng thấy một trong các anh em trai bị nước lũ cuốn trôi. Mẹ nàng, một người vừa mê tín vừa rất sùng đạo, đã cấm cậu con trai bơi lội nơi khe lạch, một thú vui thích nhất của cậu ta. Nhưng cô Frieda luôn sẵn có một hệ thống tiên đoán riêng của cô.
"Điều giấc mộng đó tiên báo", cô nói, "Không có nghĩa là thằng bé đó sắp chết đuối, mà là thằng bé không nên ăn kẹo".
Lối giải đoán của cô hình như là một điều sỉ nhục đối với cậu bé năm tuổi, cảm thấy không sống được nếu thiếu những mẩu bánh kẹo vào ngày chủ nhật. Bà mẹ, rất tin vào tài năng tiên đoán của cô con gái, đã tăng cường lời khuyến cáo với một bàn tay sắt. Nhưng chỉ một lần bất cẩn của bà mẹ, cậu con trai đã bị hóc vì miếng kẹo caramel mà cậu đang ăn vụng và thế là không còn gì cứu nổi cậu ta.
Cô Frieda chưa hề nghĩ là mình có thể kiếm sống bằng tài tiên tri của mình cho đến khi đời sống siết cổ cô trong những mùa đông khắc nghiệt ở Vienne. Lúc đó cô đang kiếm việc làm ở bất kỳ căn nhà nào cô có thể sống được và khi người ta hỏi cô có thể làm được việc gì, cô đã nói sự thật "Tôi chỉ biết nằm mộng". Cô chỉ cần giải thích và vắn tắt với bà chủ nhà và cô đã được thuê mướn với đồng lương vừa đủ cho những chi tiêu tằn tiện của cô, nhưng cô được ở một căn phòng xinh xắn và được ba bữa ăn mỗi ngày - đặc biệt là bữa điểm tâm khi cả gia đình ngồi xuống để được biết tương lai gần gũi của mỗi thành viên trong gia đình: ông bố, một nhà tài chánh lịch lãm; bà mẹ: một người đàn bà vui tính, say mê nhạc thính phòng lãng mạn; và hai đứa con, mười một và chín tuổi. Họ đều sùng đạo và do đó hướng về những niềm mê tín cổ xưa, và họ vui sướng vì đã có được cô Frieda, với nghĩa vụ duy nhất là phải đoán số mệnh hằng ngày của gia đình qua các giấc mộng của cô.
Cô làm việc đó khá thành công qua một thời gian dài, nhất là trong những năm chiến tranh, khi cuộc sống thực tại còn bi thảm hơn cả nhưng cơn ác mộng. Chỉ có cô có thể quyết định, vào bữa điểm tâm, mỗi người nên làm cái gì trong ngày đó, và điều đó nên được thực hiện như thế nào, đến nỗi những lời tiên đoán của cô đã trở thành uy quyền nhất trong nhà. Sự kiểm soát của cô đối với gia đình trở thành tuyệt đối: Ngay cả tiếng thở dài nhẹ cũng phải theo lệnh của cô. Ông chủ nhà chết vào khoảng thời gian tôi ở Vienna và đã lịch sự di tặng lại cô một phần tài sản với điều kiện là cô tiếp tục nằm mộng cho gia đình ông cho đến khi nào cô thôi không nằm mộng nữa.
Tôi sống ở Vienne hơn một tháng, chia sẻ hoàn cảnh thiếu thốn với các sinh viên khác, trong khi tôi chờ tiền gửi chẳng bao giờ đến. Những lần đến thăm bất ngờ và độ lượng của cô Frieda tại quán bình dân giống như những buổi yến tiệc đối với cái chế độ ăn uống kham khổ của chúng tôi. Một đêm, trong buổi chè chén với bia bọt, cô đã thì thầm bên tai tôi với sự xác tín không cho phép chậm trễ:
"Tôi chỉ đến đây để bảo với bạn là tôi đã nằm mộng về bạn tối qua", cô nói, "Bạn phải rời xa nơi đây và đừng trở lại Vienne trong vòng năm năm tới" Sự xác tín của cô đầy tính hiện thực và thuyết phục đến nỗi tôi đã vội nhảy vọt lên chuyến xe cuối cùng đến Rome ngay trong đêm hôm đó. Về phần tôi, tôi bị ảnh hưởng bởi điều cô nói đến nỗi từ dạo ấy trở đi, tôi đã tự coi mình là một người sống sót, thoát khỏi một tai ương ghê gớm nào đó mà tôi chưa từng trải qua. Tôi vẫn còn chưa dám trở lại Vienne.
Trước lúc xảy ra cơn tai biến ở Havana, tôi đã gặp cô Frieda ở Barcelona trong một tình huống thật bất ngờ và ngẫu nhiên, hầu như là một huyền nhiệm đối với tôi. Điều đó xảy ra vào đúng ngày nhà thơ Pablo Neruda bước chân lên đất Tây Ban Nha lần đầu tiên kể từ khi xảy ra cuộc Nội chiến, nhân một cuộc dừng chân tạm trong chuyến hải hành dài ngày đến Valparaiso. Ông qua một buổi sáng với chúng tôi để săn đuổi một trò chơi lớn trong những cửa hàng sách cũ và tại tiệm Porter ông đã mua được một cuốn sách cũ, lề cong, gáy rách mà ông đã phải trả với số tiền bằng cả hai tháng lương làm Lãnh sự ở Rangoon. Ông di chuyển băng qua đám đông giống như một con voi tật nguyền, với tính hiếu kỳ của một trẻ thơ nhìn vào những gì xảy ra bên trong của mỗi sự vật, bởi thế giới hiện tại với ông như một thứ đồ chơi vĩ đại, đầy khiêu khích, qua đó đời sống khải lộ tự thể lung linh của mình.
Tôi chưa từng thấy một người nào gần giống với ý tưởng mà ta nghĩ về một vị Giáo hoàng thời Phục Hưng đến thế: ông ta vừa phàm ăn lại vừa rất thanh tao. Dầu là trái ý với mình, ông ta lại luôn luôn chủ tọa bàn ăn. Vợ ông, bà Matilde, thường phải quàng quanh cổ ông một chiếc khăn giống như khi người ta ngồi ở tiệm hớt tóc hơn là ngồi ở bàn ăn, nhưng đó là cách duy nhất để ngăn ông không tắm trong món sauce. Ngày đó, ở Carvalleira thật điển hình. Ông ăn cả ba con tôm hùm, mổ xẻ chúng với sự khéo léo của một nhà phẫu thuật và đồng thời như muốn ngấu nghiến đĩa ăn của các thực khách khác bằng đôi mắt hau háu và thưởng thức mỗi đĩa một tí một cách khoái trá, khiến sự thèm ăn trở thành truyền nhiễm: món trai từ Galicia, món sò từ Cantabria, món tôm từ Alicante, món hải sâm từ Costa Brava. Trong thời gian đó, giống như người Pháp, ông không nói điều gì khác ngoài những khoái khẩu tinh tế trong nghệ thuật ẩm thực, đặc biệt là món sò thời tiền sử của xứ Chi Lê mà ông luôn canh cánh bên lòng. Bỗng dưng ông ngừng ăn, vân vê sợi râu con tôm hùm và nói với tôi bằng một giọng trầm tĩnh:
"Có người nào đó sau lưng tôi cứ nhìn chăm chăm vào tôi tự nãy giờ đấy" Tôi liếc nhìn qua vai ông và thấy quả đúng như thế. Cách chúng tôi ba bàn, một người đàn bà gan lì đang ngồi, đầu đội mũ kiểu xưa với một khăn quàng màu tím thẫm, đang chậm rãi ăn và nhìn trừng trừng vào ông. Tôi nhận ra bà ta ngay tức thời. Bà ta đã già và béo ra, nhưng chính là cô Frieda ngày xưa với chiếc nhẫn hình rắn trên ngón tay trỏ.
Bà đã du hành từ Naples trên cùng chuyến tàu với Neruda và bà vợ, nhưng họ không nhìn thấy nhau suốt chuyến đi đó.
Chúng tôi mời bà ta sang dùng cà phê ở bàn chúng tôi, và tôi khuyến khích bà nói về những giấc mộng của mình, với dụng ý gây ngạc nhiên cho nhà thơ. Ông ta chẳng hề chú tâm, vì ngay từ đầu, ông đã tuyên bố rằng ông chẳng hề tin ba cái chuyện đoán điềm giải mộng lăng nhăng tí nào.
"Chỉ có thi ca là minh thị" ông nói.
Sau buổi ăn trưa, trong khi đi dạo phố Ramblas, tôi chậm bước lại đằng sau với Frau Frieda để chúng tôi có thể cùng ôn lại những hoài niệm mà không sợ lọt tai người khác. Bà bảo tôi là bà đã bán điền sản ở Áo quốc và lui về ở Oporto, xứ Bồ Đào Nha, nơi bà sống trong một càn nhà mà bà mô tả như một lâu đài trên ngọn đồi, từ đó người ta có thể nhìn mọi hải trình xuyên đại dương để đến các nước Châu Mỹ. Dầu bà không nói thế, nhưng qua câu chuyện của bà biểu lộ rằng, qua từng giấc mộng, bà đã thu thập toàn bộ tài sản của những người chủ của bà ở Vienne. Điều đó cũng chẳng hề làm cho tôi ngạc nhiên, bởi vì tôi vẫn luôn luôn nghĩ rằng những chuyện đoán điềm giải mộng của bà chẳng qua chỉ là một kế mưu sinh thoát hiểm mà thôi. Và tôi đã bảo với bà ta như thế.
Bà ta cười với nụ cười không cưỡng lại được. "Anh vẫn cứ bố láo như thuở nào", bà nói. Rồi không nói gì nữa, bởi vì cả đám đã đứng lại chờ Neruda kết thúc cuộc nói chuyện bằng tiếng lóng xứ Chi Lê với những con vẹt, dọc theo phố Rambla delos Pajaros. Khi chúng tôi kết thúc cuộc đàm thoại, Frau Frieda đổi đề tài: "Nhân tiện, xin nói là giờ đây anh có thể trở lại Vienna".
Chỉ khi đó tôi mới chợt nhận ra rằng mười ba năm đã trôi qua kể từ lần dầu chúng tôi gặp nhau.
"Ngay cả nếu các giấc mộng của bà sai bét, thì tôi cũng sẽ chẳng bao giờ trở lại nơi đó", tôi bảo với bà "Chính thế đấy".
Vào lúc ba giờ chiều, chúng tôi từ biệt bà để đi theo Neruda vào giấc ngủ trưa thiêng liêng của ông, giấc ngủ trong một tiếng đồng hồ mà ông chuẩn bị rất trọng thể khiến ta liên tưởng đến một buổi trà đạo của người Nhật. Một vài cửa sổ cần được khép lại, vài cửa sổ khác cần được mở ra để tạo ra độ ấm toàn hảo và cần một loại ánh sáng nào đó, từ một hướng nào đó, trong sự yên lặng tuyệt đối, Neruda rơi ngay vào giấc ngủ, và thức giấc mười phút sau, giống như trẻ con, lúc chúng ta ít chờ đợi nhất. Ông xuất hiện nơi phòng khách, tươi tỉnh với dấu hằn của mép gối trên má.
"Tôi đã nằm mộng về người đàn bà chuyên nằm mộng đó" ông nói.
Bà Matilde muốn ông kể lại cho bà nghe giấc mộng của ông.
"Tôi mộng thấy bà ta đang nằm mộng về tôi" ông nói.
"Nghe đúng như trong truyện của Borgesl" tôi bảo.
Ông nhìn tôi với vẻ thất vọng.
"Ông ấy đã viết như thế thật à?".
"Nếu ông ấy chưa viết thì một lúc nào đó ông cũng sẽ viết", tôi nói "Đó sẽ là một trong những mê cung của ông ta".
Vừa lúc lên tàu vào sáu giờ chiều hôm ấy, Neruda cáo từ chúng tôi, ngồi xuống một cái bàn riêng và bắt đầu tuôn trào thi hứng qua dòng mực xanh mà ông thường dùng để vẽ hoa, cá và chim khi ông đề tặng các tác phẩm của mình. Khi nghe tiếng "Tất cả lên bờ", chúng tôi tìm Frau Frieda và cuối cùng thấy bà ở quầy du khách đúng lúc chúng tôi sắp xa nhau mà không nói lời từ biệt. Bà ta cũng đã đánh một giấc ngủ trưa.
"Tôi đã nằm mộng về nhà thơ" bà nói.
Ngạc nhiên, tôi yêu cầu bà kể cho tôi nghe về giấc mộng đó.
"Tôi nằm mộng thấy ông ta nằm mộng về tôi" bà nói, và cái nhìn ngạc nhiên của tôi làm bà sững sờ "Bạn chờ đợi điều gì? Nhiều khi với những giấc mộng của tôi, người ta trượt vào đó mà chẳng thấy có gì liên quan đến đời thực".
Từ lúc đó tôi chẳng hề gặp lại bà ta mà cũng chẳng bận tâm thắc mắc về bà cho đến khi tôi nghe về chiếc nhẫn hình rắn nơi người đàn bà chết trong vụ tai biến ở Havana Riviera. Và tôi đã không thể cưỡng lại sự cám dỗ muốn hỏi vị Đại sứ Bồ Dào Nha, khi chúng tôi tình cờ gặp nhau mấy tháng sau đó, trong một buổi tiếp tân ngoại giao. Vị Đại sứ nói về bà ta đầy sôi nổi và ngưỡng mộ "Bạn có thể tưởng tượng nổi bà ta phi thường đến thế nào", ông nói "Chắc bạn phải viết một truyện về bà ta".
Và ông ta nói tiếp bằng cùng giọng đó, với những tình tiết đáng ngạc nhiên, nhưng chẳng có manh mối nào có thể cho phép tôi đi đến một kết luận dứt khoát.
"Nói cách cụ thể" tôi hỏi "Bà ấy đã làm gì?"
"Chẳng làm gì cả" ông nói, với vẻ tỉnh mộng chán chường "Bà ấy chỉ nằm mộng"
Tháng ba, 1980
Truyện Ngắn Marquez Truyện Ngắn Marquez - Gabriel Garcia Márquez Truyện Ngắn Marquez