Reading well is one of the great pleasures that solitude can afford you.

Harold Bloom

 
 
 
 
 
Tác giả: Duyên Anh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 27
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4352 / 182
Cập nhật: 2016-06-18 07:55:12 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 17
huyện nghe kể về một trại cải tạo.
Trại ấy tên là An Hòa, cách thị xã Đà Nẵng 60 cây số về phía Tây, gần biên giới Ai Lao. Chúng ta đều biết rằng, cộng sản chiếm Quảng Trị, Thừa Thiên, Đà Nẵng rồi mới thừa thắng tràn xuống phía Nam. Tổng Y viện Duy Tân của Quân Đoàn 1, Vùng 1 chiến thuật nằm ở thị xã Đà Nẵng. Khi cộng sản băng qua đèo Hải Vân vào Đà Nẵng, Tổng Y viện Duy Tân còn khá đông y sĩ ở lại với thương bệnh binh. Lương tâm thầy thuốc không cho phép họ đào tẩu. Cộng sản tiếp thư Tổng Y viện Duy Tân, chỉ định bác sĩ Phạm văn Lương làm chỉ huy trưởng lâm thời Tổng Y viện này.
Bác sĩ Phạm văn Lương, người hùng đảo chính Trường Y khoa quân đội năm 1963 (*), hồi còn là sinh viên. Là bạn thân của Hà Thúc Nhơn, người hùng chống tham nhũng ở Quân Y viện Nguyễn Huệ, Nha Trang, bị thảm sát bởi tập đoàn Ngô Du, Vũ Ngọc Hoàn, Huỳnh Bá Phẩm, ông thực sự nổi tiếng khi ôm lựu đạn ngồi trước cửa Hạ Viện bầy tỏ thái độ chống tham nhũng, thối nát của ông. Phải nói, ông là biểu tượng của sĩ khí còn lại sau cơn lốc đô la. Một mình một ngựa, người tuổi trẻ Phạm văn Lương xông xáo vào trận tuyến làm đẹp đất nước. « Một người còn có một tin tưởng vào một số tín điều nào đó, tất nhiên phải nhìn những biến thiên của xã hội hôm nay bằng một con mắt nghiêm khắc, nếu không muốn nói là thù hận. Sự tin tưởng sâu xa và sự cuồng tín chỉ là hai mặt của một vấn đề »(**). Phạm văn Lương là con người đó. Sự cuồng tín của ông ta đã đưa ông ta vào cô đơn. Và ông đã dẫy dụa trong lưới ngộ nhận cố tình của bọn thống trị độc ác. Phạm văn Lương giáo dục con cái nghiêm khắc như ông nhìn xã hội vậy. Ông chính là con gọng vó bơi ngược dòng nghịch lũ. Cuối cùng, ông thả dài mộng ước hư hao ở tổng y viện.
Tháng 6-1975, như tất cả sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hòa, các y sĩ quân đội phải đi trình diện học tập cải tạo. Y sĩ Tổng y viện Duy Tân trình diện tại chỗ và được đưa vào trại cải tạo An Hòa cùng một số lớn thuốc và dụng cụ Y khoa. Trại An Hòa được kể là trại lao cải lớn của Vùng 1. Sĩ quan của Sư đoàn 1 bộ binh, các viên chức cao cấp của chế độ cũ, nhất là những người gốc gác Thừa Thiên, đều đã chạy cả vào Đà Nẵng rồi trình diện ở Đà Nẵng và vô An Hòa. Huế vốn lừng danh sắt máu. Huế của Tố Hữu 1945 xử tử Phạm Quỳnh. Huế của Mậu Thân 1968, của Hoàng Phủ Ngọc Tường tàn sát, chôn sống tập thể. Huế của 1975, của Tống Nhạn sẽ tái diễn Huế 1968. Người ta sợ hãi « biển máu » ở Huế và người ta chạy tuốt vào Sài gòn hay tạm dừng ở Đà Nẵng.
Tất cả các trại tập trung cải tạo « ngụy quân, ngụy quyền » từ tháng 6-1975 đến cuối năm 1978 đều do quân đội nhân dân quản lý. Nói rõ rệt, Bộ quốc phòng quản lý. Khi ổn định tình hình Huế, chính quyền cách mạng của Huế mới nghĩ chuyện trả thù những kẻ « có nợ máu » với nhân dân. Họ lập một danh sách những tù nhân cần thiết phải đem về địa phương để xử tử. Và danh sách đó gửi tới An Hòa. Ban giám thị trại An Hòa không trả lời. Huế cử một phái đoàn vào An Hòa lãnh tù nhân sinh trưởng tại Huế về « cải tạo ». Ban giám thị trại An Hòa từ chối. Huế làm dữ. Mỗi ngày một phái đoàn vào An Hòa. Ban giám thị phải hỏi ý kiến Bộ quốc phòng. Bộ quốc phòng hỏi ý kiến Bộ chính trị trung ương Đảng. Quân ủy và Đảng ủy họp. Hai vấn đề được đặt ra:
Giao tù nhân cho địa phương là sai nguyên tắc, sai chính sách học tập cải tạo.
Tù nhân sẽ nổi loạn nếu biết địa phương đem về xử tử.
Đặt vấn đề xong là giải quyết ngay: Thủ tiêu các tù nhân cải tạo gốc Huế mà Huế đòi hỏi trong danh sách. Các y sĩ của Tổng y viện Duy Tân còn sót lại và đi trình diện học tập cải tạo bị chỉ định công tác sát nhân này. Có 2 lý do khiến họ phải cất lương tâm một chỗ thật kín.
Bị đe dọa nếu không thi hành công tác, vợ con sẽ bị tàn sát.
Bị đe dọa sẽ chết thảm nếu không thi hành công tác.
Họ cần sống, họ sợ chết đau đớn, chết kiểu chôn sống. Và họ đã giết mỗi ngày vài tù nhân gốc Huế cho đến khi danh sách những kẻ « nợ máu » của nhân dân Huế không còn ai. Huế đến đòi. Anh Hòa báo cáo tù nhân đã chết bệnh, có biên bản và y chứng. Nhưng Huế biết tù nhân « nợ máu » bị thủ tiêu cả. Sau hai năm sống với nỗi ray rứt lương tâm, ám ảnh tội ác, các y sĩ của Tổng y viện Duy Tân cải tạo ở trại An Hòa đã lần lượt tự sát. Chính xác tên tuổi và ngày tháng tự sát là bác sĩ Vũ Đức Giang. Bác sĩ Giang tự sát ngày 30 tháng Chạp năm Tị, 1977. Ông đã chọn một ngày cuối năm cho một ngày cuối đời. Bác sĩ Giang còn rất trẻ. Người yêu ông vượt biển sang Gia nã đại. Nàng chỉ yêu ông. Và nàng trở nên lạnh lùng với tình ái khi hay tin ông tự sát. Nàng đã bị kẻ yêu nàng mà không được nàng yêu hạ sát. Bác sĩ Giang tự tử đúng ngày sinh của ông. Người y sĩ cuối cùng tự sát là Phạm văn Lương.
- Các y sĩ thủ tiêu tù nhân bằng thuốc gì?
- Thiếu gì thuốc. Nhưng việt cộng có một thứ thuốc thủ tiêu rất êm.
- Thuốc gì?
- 20 xen ti mét khối không khí vào mạch máu!
- Các y sĩ cũng chết bằng cách đó?
- Có lẽ.
Bài thơ về một người tù
Em bé Việt Nam
Sinh tháng 8-1975
Năm 79 chưa đầy bốn tuổi
Theo mẹ vượt biên tìm cha trốn khỏi quê hương
Chẳng may bị bắt giữa đường
Em bé đến trường cải tạo
Chế độ khoan hồng nhân đạo
Nhốt em với mẹ chung phòng
Em có hồ sơ riêng
Được đối xử công bằng
Do xã hội ưu việt
Do giáo điều tinh khiết
Do luật pháp quang minh
Do lãnh tụ tài tình
Em can tội khước từ chủ nghĩa
Em can tội chống ý thức hệ
Em bé mút ngón tay học tập làm người
Khi em trở lại cuộc đời
Cầm tấm giấy ra tù
Vẫn chưa biết mình là thần đồng phản động.
Và một bài thơ có nhan đề Cổ tích
Có một đàn kiến lửa
rủ nhau vào cachot
thấy nằm đó gã tù
tay còng chân đeo xích
Tù nhân không nhúc nhích
Kiến chúa nhớ thù người
Vuốt râu nhếch mép cười
Đã đúng giờ tuyết hận
Ôi con người khốn nạn
Sát hại kiến dài dài
Gót giầy dẫm cả bầy
chẳng mảy may thương xót
Kiến dậy lòng căm tức
định hành hạ tù nhân
Một giây sáng lương tâm
chê con người bần tiện
thiếu linh hồn loài kiến
ghét nhau bắt nhốt nhau
đầy đọa nhau thảm sầu
nhục nhằn rồi chết rũ
Kiến quên nhanh thù cũ
phun lửa chảy xích còng
Tù nhân khóc rưng rưng
Con người thua con kiến
Cuối tháng 12-1980, khu A biên chế các đội lung tung, xào xáo. Nguyễn văn Hải và tôi bị biên chế vào đội linh tinh và tách ra tổ vệ sinh khu A. Tất cả các đội khu A dọn sang khu B, xóm nhà lá. Riêng đội xây cất, đội mà danh ca Duy Trác đã ở, còn được cư ngụ tại nhà gạch khu A. Ông già Tới cầm Giấy ra trại. Thiếu tá nhảy dù Phạm Đình Cung, hỗn danh Cung củ đậu (***) nhậm chức trật tự viên, thay thế ông già Tới. Cung củ đậu quen biết tôi ngoài đời, hồi Phạm Huy Sảnh còn làm chỉ huy trưởng Cảnh sát dã chiến Biệt đoàn Con nhện 222 và Nguyên Duy Am, chỉ huy phó. Anh ta có máu lai Chà và, bụng to, thân xác to nhưng óc nhỏ. Tôi không hiểu tại sao Z30 D lại tin tưởng sĩ quan nhảy dù. Cung củ đậu sang làm trật tự khu A một tuần lễ thì tổ vệ sinh của chúng tôi nhận chỉ thị cọ rửa sạch các hồ nước và bơm đầy nước vào hồ. Rồi các nhà trống cũng được quét dọn, lau rửa sạch sẽ. Có biến cố gì chăng?
Tôi đã sống ở Sa Ác ngót hai năm và đã hiểu cung cách quản lý tù nhân. Cứ ba bốn tháng, các đội lại bị biên chế. Người ta không muốn tù nhân sống chung lâu với nhau cùng đội, cùng nhà. Tôi đã tưởng các đội khu B sang khu A. Không, bạn tù lâu năm của Z30 D bảo không hề có đón tiếp nồng hậu thế. Vậy đón ai? Khoảng 20 tháng 1-1981 tôi có câu trả lời. Tù nhân sĩ quan cải tạo từ trại Hà Nam Ninh (trại Đầm Đùn) từ Bắc về Nam. Z30 D tiếp nhận 500 tù nhân đặc biệt này. Họ về với cả chổi cùn dế rách, lồng chim, lồng gà. Chim chào mào đít đỏ và gà vẫn sống nhăn răng sau cuộc hành trình đường sắt. Họ xuống ga Phan Thiết. Từ ga Phan thiết, họ bị dồn lên xe tải, hai người một còng số 8, về Z30 D. Hành lý chở riêng mấy xe đầy nhóc. Hành lý đến trước người. Chúng tôi, tổ vệ sinh, vác hành lý để một góc sân xếp riêng một chỗ theo tên tù nhân viết ngoài bao bố, ba lô, túi vải, bị cói. Công việc vừa xong thì xe chở tù nhân tới. Còng tay được mở ngay lúc họ xuống xe. Hàng đôi, họ vô trại. Vệ binh bố trí quanh trại. Đại liên, trung liên nạp đạn sẵn sàng. Thủ tục nhập trại của họ rất khẩn trương. Trước hết, họ nhận hành lý. Rồi theo dõi tên đọc trong danh sách, khuân hành lý xếp hàng trật tự. Họ được biên chế đúng 10 đội, đủ 10 căn nhà. Đội xây cất lại dọn sang khu B. Tổ vệ sinh tạm trú ở phòng ăn Nhà 1. Mỗi đội khuân hành lý, theo quản giáo và vệ binh nhận nhà. Hành lý của họ được kiểm tra thật nhanh. Không món nào bị tịch thu cả.
Tất cả tù nhân từ một trại đến một trại đều nằm trong quy luật này: cửa nhà đóng chặt, khóa kỹ, chỉ mở lúc chia cơm nước. Ba ngày sau mới được đi tắm. Tù nhân Hà Nam Ninh đúng là “thượng khách” của Z30 D. Cửa mở tung, đi lại tự do. Nước đầy hồ, mặc sức tắm. Cạn thì bơm đầy. Họ ca cóng ngay. Chúng tôi phải kéo đẩy mấy chuyến xe cải tiến củi, cho họ mượn dao chẻ nhỏ mà nấu nướng. Trong số tù nhân Hà Nam Ninh, tôi quen biết vài người. Quân đội có Vũ Xuân Thông, trung tá, Lữ đoàn phó Biệt cách 81. Lữ đoàn trưởng còn kẹt lại Hà Nam Ninh A vân vân. Dân sự có Ruyện hay Ruyệt (tôi nhớ không rõ), Quốc gia hành chánh, cùng khóa Đỗ Tiến Đức, đã làm việc chung phòng với tôi ở Tổng nha thanh niên thời Cao Xuân Vỹ, phó tỉnh trưởng vân vân. Người đầu tiên nhận ra tôi và tìm gặp tôi là Vũ Xuân Thông, tài tử điện ảnh, vai chính của Người tình không chân dung. Vũ Xuân Thông và tôi là chỗ thân tình, kém tôi vài tuổi mà Thông cứ xưng em với tôi, ngoài đời như trong tù.
- Không ngờ gặp anh ở đây.
- Ông biết tôi bị bắt không?
- Biết. Em đã sống với anh Văn Quang. Anh Văn Quang chịu đựng nổi, anh cũng chịu đựng nổi.
Tôi kể chuyện Sở công an, đề lao Gia định, khám lớn Chí hòa, Sa Ác cho Thông nghe. Thông kể chuyện Lào Kay, vùng kinh tế núi Văn Bàng, Hoàng Liên Sơn, Yên Bái và bến đò Khô Lâu, Sơn La, ruồi vàng to bằng đốt ngón tay cắn chảy máu người, ăn bo bo đen, chịu sốt vàng da… Chúng tôi ôm nhau khóc. Và cười.
- Em vẫn mơ ngày vẽ bộ truyện tranh Dzũng Đa kao
- Chuyện ấy tính sau.
Vũ Xuân Thông kể chuyện Bầy sư tử lãng mạn (****) đánh thức Hà Nam Ninh B vùng dậy. Và kết quả là chuyển trại về Nam.
- Anh nghĩ gì?
- Nghĩ gì?
- Chuyện đưa anh em về đây.
- Tôi không hiểu, hoàn toàn không hiểu. Nó đã đón tiếp Hà Nam Ninh nồng hậu. Thanh Nghệ Tĩnh về đây âm thầm lắm. Có điều đừng suy diễn hoàn toàn lợi cho mình. Hay nhất là im lặng, wait and see. Ô kê?
- Đồng ý với anh. Nhưng anh em quá khích hơi đông. Đầu óc lại hơi ít.
- Ai là đầu óc lớn? Mà thôi, đừng tiết lộ.
- Tại sao, anh Duyên Anh?
- Tại tôi không thích biết quá nhiều nữa. Còn ông, lớn hay nhỏ?
- Không lớn vẫn bị tụi nó đánh dấu … Biệt cách 81.
- Bọn Z30 D nhận chỉ thị trực tiếp của bộ nội vụ. Chúng nó cáo lắm. Chân ướt chân ráo nên im lặng là tốt. Nó cũng đang chờ các ông tỏ thái độ đấy.
- Sao anh biết?
- Rồi ông xem. Nó đưa thằng Cung củ đậu làm trật tự trước khi các ông về. Nó đã đề phòng. Nó lấy độc trị độc.
- Em phải bàn với anh em.
Tôi nấu mì chiêu đãi Vũ Xuân Thông, người lính hào hùng, người tài tử đẹp trai của tôi. Tổ vệ sinh đã làm tất cả những gì có thể làm để giúp đỡ anh em Hà Nam Ninh. Đêm đầu tiên hoàn toàn im lặng. Vì mấy ngày đường mệt mỏi, anh em ngủ ngon lành. Hôm sau, anh em được viết thư báo tin cho gia đình. Trại hứa đem hết thư về Sài gòn và yêu cầu Bưu điện Sài gòn phát thư khẩn trương. « Đầu óc lớn » chưa làm việc. Tốt. « Mặt trận miền Tây vẫn yên lặng ». Một trung úy của Phủ đặc ủy trung ương tình báo, độc giả của tôi, tên Thọ, đến tìm tôi.
- Anh thân với anh Vũ Xuân Thông lắm, phải không?
- Thân.
- Anh Thông thật tốt, thật bao dung. Anh ấy chỉ là nghệ sĩ khoác áo lính, làm việc khác không được đâu. Anh ấy ba phải, bị thiên hạ dùng làm bia.
- Cậu nói gì tôi không hiểu. Nhưng đừng nên nói nữa. Anh em mình gặp nhau là vui. Chúng ta lại mới biết nhau. Đừng tâm sự thì khỏi ngờ vực, đề phòng. Kinh nghiệm ở tù dạy tôi từ chối nghe chuyện kín.
- Anh thủ đến thế ư?
- Tôi tránh phiền phức cho cậu. Sợ rằng thương tôi cậu mất công thanh minh cho tôi rồi sẽ mất cả bạn lẫn chiến hữu.
- Đã xảy cho anh chuyện đau lòng vậy à, anh?
- Sẽ, xẩy ra.
- Anh có gì khuyên em?
- Cậu thuộc bài Khóc Bằng Phi của Tự Đức chứ?
- Thuộc.
- Một câu trong đó là lời khuyên.
- Câu nào, thưa anh?
- Xếp tàn y lại để dành hơi.
- Cám ơn anh, em vẫn chủ trương thế. Anh Duyên Anh ạ?
- Gì?
- Nghề nghiệp của em dạy em biết đánh giá con người, sự việc và tin tức. Những người lãnh đạo vụ Hà Nam Ninh B đều bị ghim trong danh sách đỏ. Và hồ sơ theo tù nhân đến trại mới. Em nghĩ anh chẳng cần thủ.
- Ở tù, bất đồng quan điểm là một tội nặng, cậu hiểu chứ?
- Anh bất đồng quan điểm gì?
- Nhiều lắm.
- Thí dụ?
- Một số người mơ mộng dẹp tan cộng sản sẽ lên lon ầm ầm, sẽ lãnh vô kể tiền ráp pen, sẽ trở thành những cái rốn của tổ quốc. Tôi thì lại mong tất cả khởi sự từ zê rô.
- Gì nữa?
- Một số người lấy thành tích ngục tù là cái gì ghê gớm lắm, dân tộc phải biết ơn họ, ngưỡng mộ họ. Tôi thì cho chuyện ở tù là một vụ nghỉ hè dài trong đời sống.
- Gì nữa?
- Tôi quan niệm việc làm là việc làm, lớn hay nhỏ, tôi cố gắng làm đến nơi đến chốn. Tôi lao động đúng yêu cầu của cộng sản. Để biết sức của tôi và để tập hoàn thành một công việc bị cưỡng bức. Còn để chứng tỏ thái độ của nhà văn. Một số người cho rằng tôi sợ hãi, khiếp nhược. Họ muốn tôi phải là nhân vật người hùng của tiểu thuyết của tôi.
- Gì nữa?
- Tôi không thích thù hận bọn công an coi tù, nói chung, tôi không thích thù hận công cụ của chủ nghĩa cộng sản và lãnh tụ của nó. Tôi chỉ muốn hủy diệt chủ nghĩa cộng sản và lãnh tụ cộng sản. Người ta không thể giết chết con rắn độc bằng cách chỉ đập nát cái đuôi. Tôi bị coi là thân cộng sản, đầu hàng cộng sản.
- Tầm bậy. Em đồng ý với quan điểm của anh. Còn nổi loạn trong tù?
- Cộng sản sợ hãi sự im lặng.
- Nổi loạn vô ích?
- Thử nổi loạn đi, sẽ có kinh nghiệm lớn.
- Em vốn bất động từ vào tù. Em muốn có kinh nghiệm từ anh.
- Tôi chưa nổi loạn trong tù, không bao giờ nổi loạn trong tù. Tôi chống bạo lực bằng chữ nghĩa và tư tưởng. Nhà văn xử dụng võ khí của nhà văn. Tôi chưa hề xuống đường hoan hô, đả đảo. Cậu nên nhớ rằng, sĩ quan quân đội của ta không được coi như tù binh chiến tranh. Vậy không có Quy ước, Thỏa hiệp quốc tế nào bảo vệ. Với cộng sản, dẫu có, họ cũng dẫm lên những Quy ước – Thỏa hiệp bằng giép râu. Thí dụ sĩ quan quân đội của ta được coi là tù binh chiến tranh, thì Quy ước quốc tế về tù binh chiến tranh ký kết tại Geneve, hình như, năm 1951, cũng có điều khoản cấm tù binh nổi loạn trong các trại tù và cho phép những kẻ canh giữ tù binh đàn áp mọi nổi loạn trong trại tù. Còn có cả điều khoản tù binh chiến bại phải chào kính kẻ chiến thắng canh giữ, nếu kẻ chiến thắng yêu cầu. Nổi loạn trong tù là hạ sách, có lẽ, là chuyện phiêu lưu vô vọng. Vậy nằm tù cộng sản có hai thái độ chọn lựa. Một là, tuyệt vọng như con hổ trong chuồng sắt sở thú: Than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu! Hai là, suy tư một câu thơ của Tự Đức: Xếp tàn y lại để dành hơi. Tôi chọn thơ Tự Đức.
Trung úy Thọ, người bạn tuổi nhỏ của tôi, không hỏi thêm gì nữa. Anh ta hút thuốc lào rồi nói chuyện văn nghệ. Ngày thứ ba, anh ta lại tìm tôi. Và chúng tôi mạn đàm thân mật.
- Hỏng rồi, anh Duyên Anh ơi!
- Chuyện gì?
- Đàn anh qua khu B được các đàn em tâng bốc và đốc thúc « phải cho nổ », đừng để đàn em thất vọng như đã thất vọng Thanh Nghệ Tĩnh.
- Rồi sao?
- Các anh ấy họp.
- Đến đây thì tôi xin cậu ngưng lại.
Trung úy Thọ lắc đầu:
- Vâng, em nghe anh. Cho em phê bình một câu được không?
Tôi hỏi:
- Phê bình tôi?
Thọ đáp:
- Phê bình đàn anh của em.
- Thử phê bình xem sao.
- Quân đội không biết làm chính trị. Các anh lớn đánh giặc giỏi, khí khái, quả cảm nhưng thiếu thủ đoạn.
- Tại sao cậu không giúp?
- Em nhỏ và luôn luôn bị coi phá bĩnh.
- Mình nói chuyện khác, Thọ ạ!
Thọ ngồi chơi một lát rồi về. Vũ Xuân Thông tới, kể tiếp chuyện Văn Quang vồ ngóe nướng ăn và rình mò đập chết cả chim nữa. Tôi hỏi Thông:
- Đầu óc lớn đã có nhận xét chính xác về Z30 D chưa?
Thông cười rất tươi:
- Thuận lợi 100 phần 100.
- Dựa vào những sự kiện nào?
- Suy diễn.
- Ra sao?
- Cộng sản đưa một nửa trại Hà Nam Ninh B về Nam, chứng tỏ nó đã hết chịu nổi áp lực của Mỹ. Nó đối xử đẹp và nhún nhường chưa từng thấy từ trại này qua trại khác ở ngoài Bắc cũng như trong Nam. Chắc chắn sẽ có một biến cố.
- Đợi chờ biến cố xẩy ra chứ?
- Vâng.
- Nhưng do đâu biết tin Mỹ can thiệp cho tù nhân sĩ quan cải tạo?
- Anh em khu B nói.
Tôi vỗ vai Vũ Xuân Thông:
- Bạn ơi, ở Sa Ác, người ta đang chờ Mỹ đem trực thăng đến bốc sĩ quan cải tạo từ trại ra thẳng Hạm đội 7. Bạn ta biết tin từ đâu không?
- Không.
- Từ ban giám thị, từ cộng sản. Bạn ạ, ở tù cộng sản phương pháp 3 W chưa đủ, 4 W vẫn chưa đủ. Who, What, Where, When vất đi hết. Các bình luận gia lỗi lạc của thế giới đều đã trật lất khi suy đoán, tiên đoán về cộng sản. Với cộng sản, chỉ khi công khai hóa một vấn đề, cụ thể hóa một sự kiện, người ta mới ngã bổ chửng. Không ai đoán nổi, hiểu nổi cộng sản sắp làm gì, sẽ làm gì, mà chỉ vỡ lẽ cộng sản đã làm gì! Anh Nguyễn Mạnh Côn, tác giả Cộng sản là gì, người tự cho mình hiểu cộng sản hơn bất cứ người nào chống cộng sản, đã tưởng mình tuyệt thực dọa, cộng sản sẽ lạy mình ăn, sẽ đè ra chích nước biển và bồi dưỡng cả két sữa đặc như Như Phong, nhưng kết cuộc thấy mình lầm lớn, mình chưa hiểu nổi những giai đoạn, những đối tượng cộng sản cần đối phó. Bạn ta biết cộng sản mỉa mai ra sao không?
- Ra sao?
- Nó nhún vai: Trò rẻ tiền xuống đường, tự thiêu, tuyệt thực chỉ xẩy ra thời ngụy. Bây giờ là thời của xã hội chủ nghĩa. Thời này, kể tuyệt thực chết, tự thiêu chết, thắt cổ chết bị đánh thuế ngu. Thân nhân kẻ chết ngu phải nộp thuế ngu cho Nhà nước.
Vũ Xuân Thông bần thần suy nghĩ. Tôi nói:
- Bạn ta ơi, tôi chưa hề thấy người hùng của chiến trường miền Nam cũng là người hùng của chính trường miền Nam.
Và tiếp:
- Từ Trần Phú, Lê Hồng Phong đến Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Tố Hữu … vân vân đều đã như những con chó câm trong ngục tù thực dân hàng chục năm. Có đứa 20 năm. Cuối cùng, nhờ biết làm chó câm, chúng nó lần lượt trở thành vĩ đại. Những thằng sủa và bị hích sủa thì thành liệt sĩ ngu đần. Liệt sĩ Bế văn Đàn khom lưng cho đại liên kê lên vài bắn cháy mẹ nó da thịt, liệt sĩ Cù Chính Lan lao mình vào lỗ châu mai hứng đạn, thế giới đếch thèm biết tên mà chỉ biết Võ Nguyên Giáp, anh hùng, vĩ nhân Điện Biên Phủ. Vậy bạn ta muốn thay đổi vận mệnh dân tộc, muốn lật ngược thế thời hay chỉ muốn được đám tù nhân Z30 D ca ngợi?
Vũ Xuân Thông cầm tay tôi:
- Em sẽ đem tặng anh cái điếu cày em thửa ở Sơn La.
--------------------------------
1 Bác sĩ Hoàng văn Đức, chỉ huy trưởng Trường Quân y đến 11-1963.
2 Ký giả Lô Răng, Đọc Ngựa chứng trong sân trường, Tạp Ghi, báo Tiền Tuyến.
3 Khi tôi về, bạn tù về sau kể rằng, thiếu tá nhảy dù Đàng, tự Đàng sứt, Cò quận 4, từ Bắc vô nam đã làm tới chức Trưởng ban trật tự K1 Z30 D.
4 Nam Á, Paris, 1986.
Trại Tập Trung Trại Tập Trung - Duyên Anh Trại Tập Trung