Nguyên tác: Brave New World
Số lần đọc/download: 0 / 157
Cập nhật: 2023-07-16 17:10:04 +0700
Chương 16
C
ăn phòng mà ba người được dẫn vào là phòng làm việc của Ngài Kiểm soát.
“Đức Ngài sẽ xuống trong ít phút nữa”. Tên quản gia Gamma để họ lại với nhau.
Helmholtz cười to.
“Giống một bữa tiệc dung dịch caffein hơn là một phiên tòa” – anh nói và thả mình xuống một trong những ghế bành hơi sang trọng nhất. “Vui lên, Bernard” – anh nói thêm, khi bắt gặp cái nhìn từ khuôn mặt xanh lét buồn bã của bạn. Nhưng Bernard không thể vui lên được, không trả lời, thậm chí không nhìn Helmholtz, gã đến ngồi xuống một chiếc ghế không thoải mái nhất trong phòng, được chọn một cách cẩn thận trong một hy vọng tối tăm làm sao tránh được cơn thịnh nộ của các đấng quyền thế cao cả.
Trong khi đó người Hoang dã lượn quanh phòng không ngưng nghỉ, ngó một cách tò mò lơ đãng thờ ơ vào những cuốn sách trên giá, vào những cuộn băng ghi âm và những cuộn của máy đọc trong những ngăn kéo. Trên chiếc bàn dưới cửa sổ là một tập sách đồ sộ đóng bìa giả da đen mềm nhẽo, và đóng những dấu chữ T lớn màu vàng. Anh cầm lên và mở ra. ĐỜI TÔI VÀ CÔNG VIỆC, VIẾT BỞI FORD CỦA CHÚNG TA. Cuốn sách được in ở Detroit bởi Hội Truyền bá Kiến thức Ford học. Anh lơ đãng lật trang, đọc chỗ này một câu, chỗ khác một đoạn, và vừa mới đi đến kết luận rằng quyển sách làm anh thích thú, thì cửa mở, và ngài Công sứ Kiểm soát Thế giới của Khối Tây Âu lanh lẹn bước vào phòng.
Mustapha Mond bắt tay cả ba người; nhưng chỉ chú tâm nhất đến người Hoang dã. “Thế là anh chưa thích văn minh hóa cho lắm, người Hoang dã ạ” – ngài nói.
Người Hoang dã nhìn ngài. Anh đã chuẩn bị để nói dối, để khoe khoang ầm ĩ, để giữ bộ mặt sưng sỉa không trả lời, nhưng được sự bảo đảm bởi trí thông minh hài hước của khuôn mặt ngài Kiểm soát, anh quyết định nói thật, nói toét hết ra. “Không”. Anh lắc đầu.
Bernard giật mình và trông hoảng hốt. Ngài Kiểm soát có thể nghĩ gì? Được coi là bạn của một người nói rằng không thích văn minh, nói công khai mà lại nói với ngài Kiểm soát, thì thật là kinh khủng. “Nhưng, John”, gã bắt đầu. Một cái nhìn từ Mustapha Mond bắt gã phải im miệng một cách hèn mọn.
“Tất nhiên, ở đây có một số thứ rất tuyệt” – người Hoang dã tiếp tục thừa nhận – “Chẳng hạn, những âm nhạc trong không khí ấy...”
“Đôi khi, một nghìn nhạc cụ tưng tưng ấy cứ ù ù trong tai tôi và đôi khi các giọng nói.” 1
Khuôn mặt người Hoang dã sáng lên vì một thích thú bất ngờ. “Ngài cũng đã đọc nó rồi à?” – anh hỏi. “Tôi nghĩ không có ai biết về cuốn sách đó ở đây, ở nước Anh này.”
“Hầu như không có ai. Tôi là một trong số rất ít người. Nó bị cấm, anh thấy đấy. Nhưng vì ở đây tôi là người làm ra luật, tôi cũng có thể phá vỡ luật. Mà được miễn phạt, Mr. Marx ạ” – ông quay về phía Bernard nói thêm – “Đó là điều tôi sợ anh không làm được”.
Bernard rơi vào sự khốn khổ còn vô vọng hơn nữa.
“Nhưng tại sao nó bị cấm?” – người Hoang dã hỏi. Trong niềm phấn khích vì được gặp một người đã đọc Shakespeare, anh bỗng chốc quên hết mọi chuyện khác.
Ngài Kiểm soát nhún vai. “Bởi vì nó cũ rồi; đó là lý do chính. Chúng ta không có quyền dùng những thứ cũ kĩ ở đây.”
“Ngay cả khi chúng đẹp?”
“Đặc biệt khi chúng đẹp. Cái đẹp thì hấp dẫn, mà chúng ta không muốn mọi người bị hấp dẫn bởi những thứ cũ kĩ. Chúng ta muốn họ thích những thứ mới.”
“Nhưng những thứ mới thì quá ngu xuẩn và khủng khiếp. Những vở kịch ấy, trong đó không có gì ngoài những trực thăng bay loanh quanh và cảm thấy người ta hôn nhau”. Anh nhăn mặt. “Toàn đồ dê và khỉ!” 2 Chỉ có trong Othello anh mới có thể tìm thấy những cách thể hiện sự khinh bỉ và căm tức của anh.
“Dù sao cũng là những con vật được thuần hóa dễ thương” – ngài Kiểm soát lầm rầm xen vào.
“Sao ngài không cho họ xem Othello thay vào?”
“Ta đã nói với anh: nó cũ rồi. Ngoài ra, họ không thể hiểu nó.”
Đúng, điều ấy đúng. Anh nhớ lại Helmholtz đã cười Romeo và Juliet như thế nào. “Vậy thì” – anh nói, sau một hồi im lặng – “một cái gì mới, giống Othello, và họ có thể hiểu được”.
“Đó là cái mà tất cả chúng tôi từ lâu vẫn muốn viết” – Helmholtz nói, phá vỡ một khoảng lặng khá dài.
“Và đó là cái mà các anh sẽ không bao giờ viết” – ngài Kiểm soát nói – “Bởi vì, nếu nó thật sự giống Othello, thì không ai có thể hiểu nó, dù nó có thể mới như thế nào. Và nếu nó mới, nó không thể nào giống Othello”.
“Tại sao?”
“Vâng, tại sao?” – Helmholtz lặp lại. Cả anh cũng quên mất cái thực tế đáng ngại của hoàn cảnh. Xanh mét vì lo âu và e sợ, chỉ có Bernard là nhớ đến nó; những người khác không để ý đến gã. “Tại sao?”
“Bởi vì thế giới của chúng ta không phải là cùng cái thế giới của Othello. Các anh không thể làm những chiếc xe rẻ tiền không dùng thép, và các anh không thể làm những bi kịch mà không có bất ổn xã hội. Thế giới ngày nay đang ổn định. Nhân dân đang hạnh phúc; họ có những gì họ muốn, và họ không bao giờ muốn những thứ họ không thể có. Họ đang sung sướng; họ đang an toàn; họ không bao giờ ốm; họ không sợ chết; họ hạnh phúc vì không biết gì về đam mê và tuổi già; họ không bị ông bố bà mẹ nào quấy rầy; họ không có vợ, hoặc con, hoặc người yêu để phải cảm thấy yêu thương mãnh liệt; họ được đào luyện như thế và không thể không hành xử như họ nên hành xử.
“Và nếu có chuyện gì không hay, thì đã có soma. Cái thứ mà anh đến và ném qua cửa sổ, nhân danh tự do ấy, anh Hoang dã ạ. Tự do!” Ông ta cười. “Hy vọng lũ Delta biết tự do là cái gì! Và bây giờ hy vọng chúng hiểu Othello! Ôi cậu bé!”
Người Hoang dã im lặng một lúc. “Dù sao” – anh khăng khăng một cách bướng bỉnh – “Othello là tốt, Othello tốt hơn những phim gợi tình ấy”.
“Tất nhiên là tốt” – ngài Kiểm soát đồng ý – “Nhưng đó là cái giá chúng ta phải trả cho ổn định. Anh phải chọn giữa hạnh phúc và cái mà người ta thường gọi là nghệ thuật cao cấp. Chúng ta đã hy sinh nghệ thuật cao cấp. Thay vào đó chúng ta có phim gợi tình và đàn organ-mùi”.
“Nhưng chúng chẳng có nghĩa gì cả.”
“Chúng có nghĩa tự bản thân chúng; chúng có nghĩa là nhiều cảm giác dễ chịu cho khán giả.”
“Nhưng chúng... chúng được kể bởi một thằng ngu.” 3
Ngài Kiểm soát cười. “Anh đang thiếu lễ phép với bạn anh, Mr. Watson. Một trong những Kỹ sư Cảm xúc xuất sắc nhất của chúng tôi...”
“Nhưng cậu ấy nói đúng” – Helmholtz buồn bã nói – “Vì nó là ngu xuẩn. Viết khi không có gì để nói...”
“Chính xác. Nhưng cái đó đòi hỏi một tài khéo cực lớn. Anh đang làm những xe hơi với lượng sắt thép cực kỳ tối thiểu – những tác phẩm nghệ thuật thực ra không có gì ngoài cảm giác thuần túy.”
Người Hoang dã lắc đầu. “Đối với tôi tất cả những cái đó vô cùng khủng khiếp.”
“Tất nhiên là khủng khiếp. Hạnh phúc thực sự luôn luôn có vẻ dơ dáy so với những đền bù quá đáng cho cảnh khốn cùng. Và, tất nhiên, ổn định không gần ngoạn mục như bất ổn. Và hài lòng không có sức mê hoặc như một cuộc đấu tranh tốt đẹp chống bất hạnh, không có cái huy hoàng của cuộc chiến đấu chống lại sự cám dỗ, hay một cuộc lật đổ ác hại của dục vọng hay nghi ngờ. Hạnh phúc không bao giờ là hùng vĩ.”
“Tôi nghĩ rằng không” – người Hoang dã nói sau một hồi im lặng. “Nhưng có cần thiết phải cực kỳ ghê tởm như những kẻ đồng sinh ấy?” Anh phẩy tay qua mắt như thể cố xua đi những hình ảnh nhớ lại những hàng dài những sinh thể nhỏ xíu giống nhau như lột cạnh những chiếc bàn tập hợp, những bầy đồng sinh xếp hàng ở cổng vào nhà ga xe điện một ray Brentford, những con giòi người bu quanh giường hấp hối của Linda, những khuôn mặt lặp lại vô tận của những kẻ tấn công anh. Anh nhìn vào bàn tay trái quấn băng và rùng mình. “Kinh tởm!”
“Nhưng nó thật có lợi. Tôi thấy anh không thích các Nhóm Bokanovsky của chúng tôi, nhưng, tôi đảm bảo với anh, chúng là cái nền mà mọi thứ khác được xây trên đó. Chúng là con quay hồi chuyển (gyroscope) làm ổn định máy bay phản lực trên hành trình kiên định của nó”. Giọng nói trầm sâu rung lên sởn gáy, bàn tay hoa lên ám chỉ mọi không gian và chuyển động phăng phăng của chiếc máy không gì cưỡng nổi.
Tài hùng biện của Mustapha Mond gần như đạt tới tiêu chuẩn của giọng nói tổng hợp 4.
“Tôi đang tự hỏi, tại sao các ngài lại có chúng – một khi các ngài có thể có bất cứ thứ gì các ngài muốn, từ những chiếc chai đó. Sao các ngài không làm cho mọi người thành Alpha hai cộng cả trong khi các ngài có thể làm chuyện đó?”
Mustapha Mond cười. “Bởi vì chúng tôi không có mong muốn cổ họng chúng tôi bị cắt” – ông ta trả lời. “Chúng tôi tin vào hạnh phúc và ổn định. Một xã hội Alpha không thể thiếu bất ổn và khổ cực. Hãy tưởng tượng một nhà máy mà nhân viên toàn Alpha, tức là toàn những cá nhân tách biệt không có liên hệ với nhau, có bộ gene tốt và được đào luyện tốt sao cho có thể (trong những giới hạn), làm một lựa chọn tự do và đảm đương những trách nhiệm. Hãy tưởng tượng điều đó!” – ông nhắc lại.
Người Hoang dã cố gắng tưởng tượng, nhưng không thành công lắm.
“Đó là một sự phi lý. Một người là Alpha được gạn, Alpha được đào luyện sẽ phát điên nếu hắn phải làm công việc của Epsilon Nửa-thoái hóa – phát điên hoặc bắt đầu đập tan mọi thứ. Các Alpha có thể hoàn toàn được xã hội hóa – nhưng chỉ với điều kiện cho họ làm những công việc của Alpha. Chỉ có thể mong đợi một Epsilon thực hiện những hy sinh của Epsilon, vì lý do chính đáng rằng đối với hắn, chúng không phải là những hy sinh; chúng thuộc dòng ít phản kháng nhất. Sự đào luyện của một Epsilon để lại những hàng rào mà hắn sẽ chạy trong đó. Hắn không thể tự cứu mình, số phận của hắn đã được định đoạt. Thậm chí sau khi được gạn, hắn vẫn nằm trong chai, một cái chai vô hình của sự cố định phôi và tuổi ấu trĩ. Mỗi người trong chúng ta, tất nhiên” – ngài Kiểm soát trầm ngâm tiếp tục – “đi qua sự sống bên trong một cái chai. Nhưng nếu chúng ta là những Alpha, những chiếc chai của chúng ta, nói một cách tương đối, là khổng lồ. Chúng ta sẽ chịu đau khổ sâu sắc nếu chúng ta bị hạn chế trong một không gian chật hẹp. Anh không thể rót giả-sâm-banh của đẳng cấp cao hơn vào chai của đẳng cấp thấp hơn. Điều này rõ ràng về mặt lý thuyết. Nhưng nó cũng đã được chứng minh trong thực tế. Kết quả của thí nghiệm Cyprus rất thuyết phục”.
“Đó là cái gì?” – người Hoang dã hỏi.
Mustapha Mond mỉm cười. “À, anh có thể gọi nó là một thí nghiệm về đóng chai lại nếu anh muốn. Nó xảy ra năm 473 A.F. Các vị Kiểm soát cho dọn sạch khỏi đảo Cyprus tất cả những cư dân đang có trên đó, và di đến đó một mẻ hai mươi hai ngàn Alpha được chuẩn bị cẩn thận. Tất cả các trang thiết bị nông nghiệp và công nghiệp được trao cho họ và họ được bỏ lại để tự xoay sở với công việc của mình. Kết quả thỏa mãn một cách chính xác tất cả những dự đoán lý thuyết. Đất không được làm đúng, có bãi công trong tất cả các nhà máy, các đạo luật bị vô hiệu hóa, trật tự không được tuân thủ, tất cả những người được cắt cử đến phiên làm những công việc hạ cấp không ngừng vận động để có công việc cao cấp hơn, và tất cả những người có công việc cao hơn đều xoay sở đủ cách để giữ lại công việc của mình bằng mọi giá. Trong vòng sáu năm, họ đã có một cuộc nội chiến cấp một. Khi mười chín trong số hai mươi hai ngàn bị giết, những người sống sót đồng lòng gửi thỉnh nguyện thư lên các vị Kiểm soát thế giới yêu cầu lập lại điều hành hòn đảo. Và họ đã làm. Đó là kết cục của một xã hội duy nhất toàn Alpha mà thế giới từng chứng kiến.”
Người Hoang dã thở dài, sâu xa.
“Cư dân tối ưu” – Mustapha Mond nói – “được thiết kế trên tảng băng trôi, tám phần chín dưới mớn nước, một phần chín ở trên”.
“Và họ hạnh phúc dưới mớn nước?”
“Hạnh phúc hơn ở trên. Hạnh phúc hơn bạn anh ở đây, chẳng hạn”. Ông chỉ.
“Bất kể công việc tồi tệ đó?”
“Tồi tệ? Họ không thấy thế. Trái lại, họ thích nó. Nó nhẹ, nó đơn giản như trẻ con. Không căng thẳng trí óc hay cơ bắp. Bảy giờ rưỡi lao động nhẹ nhàng, không kiệt sức, rồi sau đó là khẩu phần soma, và các trò chơi, và giao hợp không hạn chế và phim gợi dục Fili. Họ còn đòi hỏi gì hơn nữa? Đúng ra” – ông nói thêm – “họ có thể yêu cầu giờ làm việc ngắn hơn. Và tất nhiên chúng ta có thể cho họ giờ làm việc ngắn hơn. Về mặt kỹ thuật, hoàn toàn đơn giản có thể giảm thời gian làm việc của tất cả đẳng cấp thấp xuống ba hoặc bốn giờ một ngày. Nhưng liệu như thế họ có hạnh phúc hơn không? Không, họ không hạnh phúc. Các thí nghiệm đã thử, cách nay hơn một thế kỷ rưỡi. Toàn thể Ireland được đưa vào chế độ làm việc bốn giờ một ngày. Kết quả thế nào? Náo động và tăng tiêu thụ soma lên rất nhiều, tất cả chỉ có thế. Ba giờ rưỡi nhàn rỗi thêm vào đó còn lâu mới là nguồn hạnh phúc, đến nỗi người ta cảm thấy phải miễn cưỡng nhận một ngày nghỉ. Cục Sáng chế chất đầy những bản kế hoạch để xử lí tiết kiệm lao động. Hàng ngàn bản”. Mustapha Mond làm một điệu bộ rộng rãi. “Và tại sao chúng tôi không đưa chúng vào thực hiện? Vì những người lao động; vì đúng là độc ác nếu bắt họ chịu đau khổ vì quá nhàn rỗi. Cũng giống như với nông nghiệp. Chúng ta có thế tổng hợp mọi mẩu lương thực, nếu chúng ta muốn. Nhưng chúng ta không muốn. Chúng ta thích giữ lại một phần ba dân số trên mặt đất. Vì chính bản thân họ – bởi vì làm ra lương thực từ đất lâu hơn nhiều so với làm ra từ nhà máy. Ngoài ra, chúng ta còn phải nghĩ đến sự ổn định của chúng ta. Chúng ta không muốn thay đổi. Mọi thay đổi đe dọa sự ổn định của chúng ta. Đó là một lý do khác nữa tại sao chúng tôi rất dè dặt trong việc áp dụng những phát minh sáng chế mới. Mọi phát minh trong khoa học thuần túy đều có tiềm năng lật đổ, thậm chí đôi khi khoa học phải bị xử lí như kẻ thù tiềm năng. Vâng, ngay cả khoa học.”
Khoa học ư? Người Hoang dã cau mày. Anh biết từ này. Nhưng anh không biết ý nghĩa chính xác của nó là gì. Shakespeare và những người già của bản chưa bao giờ nhắc đến khoa học, và từ Linda, anh chỉ thu thập được những gợi ý mơ hồ: Khoa học là cái gì đó mà với nó anh làm ra trực thăng, một cái gì khiến anh cười những Điệu nhảy Ngô khoai, một cái gì đó phòng ngừa cho anh khỏi bị nhăn và rụng răng. Anh cố gắng vô vọng để nắm bắt ý nghĩa của ngài Kiểm soát.
“Vâng” – Mustapha Mond nói – “đó là một hạng mục khác trong cái giá của sự ổn định. Không chỉ nghệ thuật không thích hợp với hạnh phúc, mà cả khoa học. Khoa học là nguy hiểm, chúng ta phải giữ nó bị khóa chân tay khóa miệng lại một cách cẩn thận nhất”.
“Cái gì?” – Helmholtz kinh ngạc – “Nhưng chúng ta luôn luôn nói khoa học là tất cả. Nó được dạy đến nhàm đi trong giấc ngủ”.
“Ba lần một tuần giữa mười ba và mười bảy” – Bernard chen vào.
“Và tất cả tuyên truyền khoa học chúng tôi làm ở Đại học...”
“Đúng, nhưng loại khoa học nào?” – Mustapha Mond hỏi một cách châm biếm – “Các anh không được đào tạo về khoa học, nên các anh không thể phán xét. Tôi là một nhà vật lý giỏi trong thời của tôi. Quá giỏi, đủ giỏi để nhận ra rằng tất cả khoa học của chúng ta chỉ là một cuốn sách dạy nấu ăn, với một lý thuyết chính thống về nấu ăn mà không ai được phép đặt câu hỏi và một danh mục các công thức không được phép bổ sung nếu không có giấy phép của bếp trưởng. Bây giờ tôi là bếp trưởng. Nhưng đã có thời tôi là một phụ bếp trẻ tò mò. Tôi bắt đầu tự chế riêng một số món. Những món ăn không chính thống, không được phép. Đúng ra nó là một chút khoa học thật sự”. Ông im lặng.
“Chuyện gì đã xảy ra?”
Ngài Kiểm soát thở dài. “Rất gần với điều sắp xảy ra cho những người trẻ tuổi các anh. Tôi đã suýt bị đưa ra đảo.”
Những lời này như điện giật khiến Bernard rơi vào một hành động hung hãn và hỗn láo. “Đẩy tôi ra đảo à?” Gã nhảy dựng lên, chạy băng qua phòng và đứng khoa chân múa tay trước ngài Kiểm soát. “Ngài không thể đẩy tôi ra đó. Tôi không làm gì cả. Đó là những người khác. Tôi thề đó là những người khác làm”. Gã chỉ vào Helmholtz và người Hoang dã, tố cáo. “Ôi, làm ơn đừng đẩy tôi ra đảo. Tôi xin hứa tôi sẽ làm tất cả những gì tôi phải làm. Hãy cho tôi một cơ hội. Làm ơn cho tôi một cơ hội khác”. Nước mắt bắt đầu tràn ra. “Xin nói với ngài, đó là lỗi của họ” – gã nức nở – “Và đừng đưa ra đảo. Ôi làm ơn, ngài Ford tái thế, xin làm ơn...” Và trong cơn kịch phát của sự đê tiện, gã quỳ sụp xuống trước ngài Kiểm soát. Mustapha Mond cố làm cho gã đứng lên, nhưng Bernard vẫn khăng khăng bền bỉ với tư thế quỵ lụy của gã, từng luồng lời lẽ tuôn ra không mệt mỏi. Cuối cùng ngài Kiểm soát phải rung chuông gọi viên thư ký thứ tư của ngài.
“Đưa đến đây ba người” – ông ta ra lệnh – “và đưa ông Marx vào một buồng ngủ. Cho ông ta hơi xịt soma rồi đưa ông ấy lên giường và bỏ đó”.
Người thư ký thứ tư đi ra và quay vào với ba người hầu đồng sinh trong những bộ đồng phục xanh lá cây. Vẫn còn la hét và nức nở, Bernard được mang đi.
“Làm người ta tưởng như anh ta đang bị cắt cổ” – ngài Kiểm soát nói khi cửa đóng lại – “Trong khi, nếu chỉ cần có chút thông minh, anh ta phải hiểu rằng hình phạt của anh ta thực ra là một phần thưởng. Anh ta được đưa ra đảo. Tức là, anh ta được đưa đến một nơi anh ta sẽ gặp đám người thú vị toàn những đàn ông đàn bà có thể thấy ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Tất cả những người mà, vì một lý do gì đó, họ tự ý thức về cá nhân quá mạnh đến không thích hợp với đời sống cộng đồng. Tất cả những kẻ bất mãn với chính thống, những kẻ có tư duy độc lập của riêng mình. Tóm lại, tất cả những người là một ai đó. Tôi gần như ghen tị với anh, anh Watson ạ”.
Helmholtz cười. “Vậy sao ngài không ra sống trên đảo?”
“Bởi vì, cuối cùng, tôi thích thế này hơn” – ngài Kiểm soát trả lời – “Tôi được lựa chọn, được đưa ra một hòn đảo, nơi tôi có thể được làm khoa học thuần túy của mình, hay được đưa vào Hội đồng Kiểm soát với triển vọng thành công trong thời hạn thích hợp thành một nhà Kiểm soát thực thụ. Tôi chọn cái này và buông khoa học ra”. Sau một chút im lặng, “đôi khi”, ông nói, “tôi hơi tiếc khoa học. Hạnh phúc là một vấn đề khó khăn, đặc biệt là hạnh phúc của người khác. Một vấn đề khó khăn hơn sự thật, nếu người ta không được đào luyện để chấp nhận nó mà không đặt câu hỏi”. Ông thở dài, lại im lặng, rồi tiếp tục với một giọng hoạt bát hơn. “Ờ, nghĩa vụ của nghĩa vụ. Người ta không thể tham vấn sở thích riêng của mình. Tôi quan tâm đến sự thật, tôi thích khoa học. Nhưng chân lý là một mối đe dọa, khoa học là một nguy cơ công khai. Nguy hiểm ngang lợi ích. Nó đã cho chúng ta sự cân bằng ổn định nhất trong lịch sử. Trung Hoa mất an toàn đến vô vọng theo so sánh, thậm chí những bà chúa thời mẫu hệ cũng không vững vàng bằng chúng ta. Tôi nhắc lại, đó là nhờ khoa học. Nhưng chúng ta không thể cho phép khoa học xóa bỏ đi những tác động tốt của chính nó. Đó là lý do tại sao chúng tôi hạn chế cẩn thận phạm vi nghiên cứu của nó, đó là lý do tôi suýt bị đẩy ra đảo. Chúng tôi không cho phép nó xử lí vấn đề nào khác ngoài những vấn đề trước mắt của thời điểm này. Tất cả những thắc mắc tìm hiểu khác hầu như đều bị ngăn chặn một cách ráo riết”. Sau một lúc ngưng, ông nói tiếp. “Thật lạ lùng khi đọc những gì người ta, trong thời đại Ford của chúng ta, thường viết về tiến bộ khoa học. Dường như họ đã tưởng tượng rằng nó có thể được phép tiếp tục vô hạn, bất kể mọi thứ khác. Kiến thức là hàng hóa cao nhất, sự thật là giá trị tối thượng; tất cả những thứ còn lại là hạng nhì và thứ yếu. Đúng, những tư tưởng bắt đầu thay đổi thậm chí từ lúc đó. Bản thân Ford của chúng ta đã làm rất nhiều để chuyển tầm quan trọng từ sự thật và cái đẹp sang tiện nghi và hạnh phúc. Sản xuất hàng loạt đòi hỏi sự chuyển đổi này. Hạnh phúc phổ biến giữ cho các bánh xe quay đều, sự thật và cái đẹp không làm được. Và, tất nhiên, khi nào quần chúng cướp được quyền lực chính trị, thì chính hạnh phúc mới quan trọng chứ không phải sự thật và cái đẹp. Hơn nữa, bất chấp mọi chuyện, nghiên cứu khoa học không giới hạn vẫn còn được phép. Người ta vẫn tiếp tục nói về sự thật và cái đẹp như thể chúng là những hàng hóa tối cao. Cho mãi đến cuộc Chiến tranh Chín năm. Nó làm cho họ đổi giọng hoàn toàn. Sự thật hay cái đẹp hay kiến thức có ý nghĩa gì khi những quả bom vi trùng nổ xung quanh anh? Đó là lần đầu tiên khoa học bị kiểm soát – sau Chiến tranh Chín năm. Nhân dân sẵn sàng để cho kiểm soát cả khẩu vị của họ. Bất cứ cái gì cho một cuộc sống yên bình. Chúng ta đã tiếp tục kiểm soát từ lúc đó. Nó đã không tốt lắm cho sự thật, tất nhiên. Nhưng nó rất tốt cho hạnh phúc. Người ta không thể có được cái gì đó mà không mất gì. Hạnh phúc phải được trả giá. Các anh đang trả giá cho nó đấy, Mr. Watson ạ, trả giá bởi vì chẳng may anh lại quá quan tâm đến cái đẹp. Tôi thì quá quan tâm đến sự thật: tôi cũng phải trả giá.”
“Nhưng ngài không phải ra đảo” – người Hoang dã nói, phá vỡ khoảng im lặng dài.
Ngài Kiểm soát mỉm cười. “Đó là cách tôi trả giá. Bằng cách chọn phục vụ cho hạnh phúc. Hạnh phúc của người khác – không phải của tôi. Thật may mắn” – ông nói thêm, sau một quãng ngừng – “là trên thế giới có nhiều đảo đến thế. Tôi không biết chúng tôi sẽ làm gì nếu không có chúng. Tôi nghĩ chắc phải tống tất cả các anh vào phòng hơi độc mất. Nhân thể, Mr. Watson, anh có thích khí hậu nhiệt đới không? Marquesas chẳng hạn, hay Samoa? Hay nơi nào đó lành mạnh hơn?”
Helmholtz đứng lên khỏi ghế đệm hơi. “Tôi thích một nơi khí hậu cực xấu” – anh trả lời – “Tôi tin rằng người ta có thể viết tốt hơn nếu khí hậu thật xấu. Nếu có nhiều gió bão, chẳng hạn...”
Ngài Kiểm soát gật đầu chấp thuận. “Tôi thích tinh thần của anh, Mr. Watson. Tôi thích lắm, thật đấy. Thích như tôi chính thức phản đối nó”. Ông mỉm cười. “Đảo Falkland được không?”
“Vâng, tôi nghĩ được đấy” – Helmholtz trả lời – “Và bây giờ, nếu ngài không phiền, tôi vào xem anh bạn Bernard tội nghiệp sao rồi”.
--------------------------------
1 William Shakespeare, Bão tố. (ND)
2 William Shakespeare, Othello. (ND)
3 William Shakespeare, Macbeth. (ND)
4 Tức là giả tạo. (ND)