Let us always meet each other with smile, for the smile is the beginning of love.

Mother Teresa

 
 
 
 
 
Tác giả: Sưu Tầm
Thể loại: Trung Hoa
Dịch giả: Nhược Thủy
Biên tập: nguyen trieu
Upload bìa: Hoàng Huyền
Số chương: 20
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 897 / 39
Cập nhật: 2020-03-12 22:18:07 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Thiên Hậu Nương Nương
hiên Hậu Nương Nương
Ở trong biển Đông Nam (Hải) có dãy đảo đá nhỏ tên là My Châu, thuộc huyện Bồ Điền, phủ Hưng Hóa, tỉnh Phước Kiến. Núi thành vòng bao quanh biển, phong cảnh vô cùng mỹ lệ. Dân sống trên đảo không nhiều, hầu hết đều hành nghề đánh bắt cá. Người dân thật thà chất phác siêng năng.
Vào thời Ngũ Đại thập quốc (khoảng năm 943), có Ông Lâm Nguyện làm chức Đô Tuần Kiểm, là thuộc hạ của Mân Vương Vương Đình Chính. Tổ tiên đời đời lám quan, cưới vợ dòng dõi hoàng tộc. Lâm Nguyện đến tuổi già về hưu trí tại làng Hồng Loa đảo My Châu phủ Bồ Điền Phước Kiến. Do vì ông bà thường làm công việc từ thiện bố thí, nên dân chúng gọi là “Lâm thiện nhân”. Hai ông bà ăn ở với nhau hạ sanh được sáu người con, một trai năm gái. Con trai tên Lâm Hồng Nghị thì thân thể bạc nhược yếu ớt đau ốm hoài. Ông bà tự nghĩ chắc mình kém phước đức nên chay lạt hằng ngày, luôn hướng về Bồ Tát Quan Thế Âm để cầu nguyện van vái cho được đứa con trai khác khỏe mạnh. Một đêm nọ, bà Lâm đang ngon giấc, mộng thấy đức Quan Âm mang đến cho bà một hoàn thuốc bảo bà hãy uống. Bà vâng lời uống hoàn thuốc nầy thì giựt mình tỉnh dậy. Ít lâu sau, bà biết mình có thai.
*Năm Kiến Long thứ nhất (năm 960) đời vua Bắc Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận, ngày 23 tháng ba vào lúc hoàng hôn, trên thiên không có mây trời năm sắc, từ hướng Tây bắc có một đạo hào quang bay thẳng vào phòng của Bà Lâm làm sáng rực cả nhà, trong nhà có mùi hương lạ tỏa lan khắp nơi. Lúc ấy, bà Lâm cảm thấy đau bụng và nhẹ nhàng sanh ra đứa con thứ bảy.
Ông bà nhìn thấy đứa trẻ sanh ra lại là con gái thì hơi thất vọng, nhưng quan sát kỹ thì đứa nhỏ nầy không giống như những trẻ mới sanh khác, vả lại, đây là đứa trẻ do Quan Âm Bồ Tát ban cho, nên đổi buồn làm vui. Đặc biệt nhất là khi sanh ra, đứa bé chẳng những không khóc mà lại nhoẻn miệng cười. Ông bà đặt tên cho trẻ là Lâm Mặc Nương.
* Khi Lâm Mặc Nương được bốn, năm tuổi, có lần đi theo cha đến núi Phổ Đà ở Định Hải, Chiết Giang để du ngoạn. Khi Lâm Mặc Nương nhìn thấy tượng Bồ Tát Quan Thế Âm, thì cô nhìn không chớp mắt. Mãi thật lâu, hình như có một sự cảm ứng kỳ diệu từ Bồ Tát thấm vào cô Lâm. Từ đó, cô bổng nhiên có được khả năng lạ lùng là biết trước những điều cát hung họa phước của người khác, giúp cho họ tránh được tại nạn hung hiểm.
* Đến tám tuổi, cô Lâm đã đọc được được nhiều sách kinh sử, lại còn giải nghĩa thông suốt đạo lý trong sách, khiến mọi người nễ phục. Sách nào chỉ cần xem qua liền nhớ đầy đủ, cô lại chăm chỉ vui vẻ thắp hương lễ Phật hàng ngày không trể nãi.
*Năm 13 tuổi, cô bái đạo sĩ Huyền Thông làm thầy để học pháp thuật và được truyền thụ “huyền vi bí pháp”, có thể trị bệnh cứu người.
*Đến 15 tuổi, lại được một vị tiên dạy cho “Đồng phù” và các pháp trừ tà trị bệnh, cứu giúp cho rất nhiều người mắc bệnh khó trị.
Thời gian ấy, cô lại tăng thêm những sức cảm ứng khác tăng thêm năng lực lớn mạnh, bệnh nhân gần xa trong ngoài thành trấn … đề kéo đến xin cô cứu chữa những bệnh ngặt nghèo đều lành, lại còn nói thêm cho biết những điều họa phước để họ tránh tai nạn và gia tăng lòng hướng thiện làm lành.
*Ngoài những tài năng chữa bệnh và dự đoán cát hung nói trên, cô Lâm còn một năng lực siêu phàm đặc biệt khác là “cứu người bị chìm”.
Những ngư dân khi đi ra biển không sao tránh khỏi giông bão, nhiều khi tàu thuyền còn bị nhận chìm, sự chết chóc xãy ra thường xuyên. Nhưng dạo ấy, những ngư dân trong vùng bị nạn chìm thuyền đều thoát nạn trở về nhà an toàn. Những người ấy kể lại rất giống nhau một sự kiện lạ lùng là:- “ khi tàu thuyền bị nhận chìm, người bị rơi xuống biển, bổng nhiên thấy một vị nữ nhân mình mặc áo đỏ, đứng trên một tấm chiếu bằng cỏ, từ xa lướt sóng tới, nắm tay kéo người bị nạn vào bờ an toàn. Sau đó thì không thấy vị hồng y đâu cả. Nhiều lần xãy ra như thế, những nạn nhân nầy bảo rằng, trong lúc nguy cấp, chợt nhớ tới và khấn vái Lâm Mặc Nương nên được cứu thoát nạn chết. Từ đó, người ta tôn xưng cô Lâm là “thần nữ” hoặc “long nữ”.
* Năm 16 tuổi, có một lần, cô Lâm bị té xuống giếng sâu, người nhà kinh hãi hô la cầu cứu. Khi đứ được cô lên, thì lạ lùng thay, mình mẫy của cô đã chẳng bị ướt chút nào, mà hai tay cô lại có cầm hai tấm “Đồng phù” (bùa vẽ trên miếng đồng). Từ khi cô được hai tấm bảo vật nầy, cô chăm chú rèn luyện theo đó. Chẳng bao lâu, cô trở nên thần thông quảng đại pháp lực vô biên, có thể trị lành muôn bệnh nan y. Cô xin đi vân du bốn phương để cứu đời. Thanh danh của cô ngày càng lừng lẫy, thiên hạ đều biết.
* Năm 17 tuổi, có lần chiếc tàu buôn đang vào cập bến cảng My Châu, thì chẳng may sóng to ập đến, làm chìm. Tiếng hô la cầu cứu inh ỏi. Cô Lâm xuất hiện, nhắm hương chiếc tàu ném ra một số cỏ, khi cỏ chạm nước bổng hóa thành những khúc cây to nổi trên mặt nước. Số thuyền nhân nhờ bám vào đó mà được cứu thoát chết, cảm tạ ân đức “Thánh Mẫu” khôn cùng.
* Năm 19 tuổi, một ngày nọ cô Lâm đang nằm ngủ trên ghế bố, mộng thấy cha và anh cô đi trên chiếc thuyền giữa biển cả, bị sóng to gió lớn đánh chìm. Cô phi thân bay đến chỗ nạn, miệng ngậm dây nịt của cha tay xách người anh bay vào bờ. Nhưng ngay lúc ấy có tiếng kêu của bà mẹ, cô hốt hoảng mở miệng và buông tay ra thì cha và anh cô bị rơi xuống biển. Tỉnh giấc, cô khóc lóc kể lại sự việc chẳng lành ấy cho mẹ nghe, nhưng bà mẹ cho rằng việc mộng mị không đáng tin. Không ngờ, chỉ mấy ngày sau là gia đình nhận được hung tín là cha và anh cô đã bị đắm tàu, đúng vào ngày giờ cô nằm mộng. Gia đình chỉ còn có cách đến chùa lễ Phật cầu siêu cho cha và anh cô thôi.
* Năm 20 tuổi, khu vực Bồ Điền lâm vào cảnh đại hạn, trải qua thời gian dài mà không có giọt mưa nào. Ao hồ giếng nước đều khô cạn, cây cối chết khô, người và súc vật cũng bị chết rất nhiều. Cô Lâm đến dinh quan huyện, đề nghị tổ chức lễ “cầu mưa” do cô chủ trì. Sau buổi lễ, quả nhiên có mưa rào đổ xuống, cứu cả vùng đất khô hạn thoát khỏi nạn tai. Người người đều không ngớt xúm đến bái tạ thâm ân của “Thánh Mẫu”.
* Năm 22 tuổi, ở phương tây bắc xuất hiện hai tên ác thần, tên là “Thiên lý nhãn” và “Thuận phong nhĩ”, làm hại rất nhiều dân chúng. Sau đó, hai tên nầy bị “Thánh Mẫu” thu phục tại núi Đào Hoa, cải tà qui chánh, thành ra hai tên cận vệ tả hữu của Thánh Mẫu. Từ đó, Ngài có thêm lực lượng hùng mạnh để cứu độ nhiều người. Hiện nay, chúng ta thấy trong các Miếu Thờ Thánh Mẫu đều có hai tượng đứng hai bên Thánh mẫu, đó chính là Kim Vương Thiên Lý Nhãn và Liễu Vương Thuận Phong Nhĩ đó vậy. Tượng Thiên Lý Nhãn mặt xanh có nanh vuốt ghê sợ, có năng lực nhìn xa ngàn dậm, thấy được người bị nạn để cứu. Còn Thuận Phong Nhĩ mặt đỏ, cũng có nanh vuốt, thì tai có thể nghe được ngàn dậm, nghe tiếng cầu cứu của nạn nhân. Hai vị nầy ở hai bên, giúp Thánh Mẫu thấy nghe chúng sanh bị nạn mà ứng hiện đến cứu giúp.
* Năm 26 tuổi, Phước Kiến bị mưa gió liên miên từ xuân sang hè, nước lũ tràn lan, cuốn trôi nhà cửa súc vật, tổn hại rất lớn. Còn dân chúng thì không còn gạo để ăn, không có nơi chốn để ở. Quan địa phương đến trình xin Thánh Mẫu cứu giúp. Mẫu bảo:- “Lành thay! Lành thay! Trời gieo rắc tai họa nầy là bởi do vì con người đã gây tạo ra quá nhiều tội ác. Nay ta phải thay dân mà chịu tội với Trời vậy!”. Nói rồi, bà lập đàn đốt hương cúng tế thiên địa, xin gánh lấy tất cả tội lỗi của người, miễn cho chúng sanh tai nạn thảm khốc nầy!”. Sau đó, quả nhiên có trận gió nổi lên thổi tan hết mây mù đen phủ bầu trời, mưa ngừng gió lặng. Chợt thấy có một con giao long từ dưới nước bay vọt lên trời biến mất. Dân chúng thoát khỏi nạn lớn, cúng tạ ân đức cao dày của Thánh Mẫu.
*Năm Ung Hy thứ tư đời vua Tống Thái Tông (năm 987), ngày mùng tám tháng 9, Lâm Mặc Nương nói với người nhà rằng:- “Ngày mai là Tiết Trùng Dương (9/9), ta sẽ “lên cao”, rời bỏ trần gian bụi bậm ồn ào nầy!”. Mọi người nghe nói, cứ nghĩ rằng, theo phong tục dân gian, ngày Trùng Cửu (9/9) người ta thường hay leo núi để du ngoạn, đó là chuyện thường tình, chẳng ai lưu ý.
Sáng sớm hôm ấy (9/9), Lâm Mặc Nương tắm gội sạch sẻ, mặc quần áo mới, đi ra ngoài. Khi leo lên đến đỉnh núi ở My Châu, bổng nhiên nàng đạp lên mây mà đi, giống như đi trên đất liền vậy. Lúc ấy, có mây năm sắc giăng đầy, hào quang sáng rực, một đôi Kim Đồng Ngọc Nữ hiện ra, nghênh tiếp Lâm Mặc Nương bay vào trời xanh mất dạng.
*
Người làng nhớ ơn Bà, xây dựng Miếu Thờ, tôn xưng Bà là “Thông Hiền Linh Nữ”.
Năm Tuyên Hòa thứ tư đời vua Tống Vi Tông, ông Doãn Địch phụng mệnh vua đi sứ sang nước Cao Ly (Triều Tiên). Ông bị sóng to gió lớn nổi lên suýt nhận chìm thuyền ngoài biển, may nhờ có Thánh Mẫu hiện ra bảo hộ mới thoát chết, hoàn thành nhiệm vụ trở về bình an. Do đó, Bà được triều đình sắc phong lần thứ nhất là Thần Nữ. Nhà vua lại truyền chỉ xây dựng ngôi Miếu Thờ và sắc ban cho tấm biển đề “Thuận Tế Cung”.
-Năm thứ năm Tống Tuyên Hòa phong làm “Nam hải Thần Nữ”.
-Đời Tống Cao Tông phong làm “Sùng Phước Phu Nhân”.
-Năm Thiệu Hưng thứ 29 đời Tống Cao Tông lại tái phong “Sùng Linh Huệ Chiêu Ứng Phu Nhân”
-Tống Quang Tông phong làm “Linh Huệ Phi”.
*Năm Chí Nguyên thứ 18 đời vua Nguyên Thế Tổ, Thánh Mẫu hộ độ cho đoàn thuyền vận lương bình an, nên nhà vua phong làm “Hộ Quốc Minh Trước Thiên Phi”.
* Năm Hồng Võ thứ nhất đời Minh Thái Tổ, Thánh Mẫu hộ độ cho đoàn thuyền chở đá xây cung điện được bình an, nên vua Minh Thái Tổ phong cho bà là “Thiệu Ưng Đức Chính Linh Ứng Tử--Tế Thánh Phi Nương Nương”.
*Đời Minh Thành Tổ gia phong “Hộ Quốc Tý Dân Phổ Tế Thiên Phi”.
*Triều đại nhà Minh, Thánh mẫu nhiều lần hiển linh cứu nạn vô số ngư dân vùng Thiệu Ưng. Năm Vĩnh lạc đời Minh thành Tổ, hiển linh cứu nạn cho Bá Hộ Hầu Quách Bảo. Năm Thành Hóa đời vua Minh Hiến Tông, hai lần hiển linh cứu nạn cho Cấp Sự Trung Trần Tuân đi sứ sang Nhật Bản. Năm Gia Tĩnh thứ 13 đời Minh Thế Tông hiển linh cứu nạn cho Cấp Sự Trung Tứ minh Trần Khản khi đi sứ sang đảo Lưu Cầu.
*Ngoài ra, nhiều đoàn tàu đánh cá vùng duyên hải Phước Kiến, được Thánh mẫu hiển linh cứu thoát hải nạn trở về, đều đóng góp trùng tu Miếu Thờ rất khang trang đẹp đẽ.
*Cuối đời Minh đầu nhà Thanh, Ông Trịnh Thành Công suất lãnh bộ hạ, quyết vượt biển Việt hải để thu phục Đài Loan. Khi đoàn thuyền đi đến Lộc Nhĩ Môn thuộc Đài Nam, chẳng may gặp lúc nước ròng bất ngờ, không thể tới lui được. Ông Trịnh khấn vái Thánh Mẫu thì được bà hộ độ cho nước triều dâng lên nhanh, ông mới đánh thắng giặc Hà Lan,chiếm lại được đảo Đài Loan. Vì thế, vào tháng chín năm Vĩnh Lịch thứ 16, ông huy động lực lượng xây dựng ngôi Miếu thờ Thánh Mẫu tại Lộc Nhĩ (đây là ngôi miếu thờ bà trước tiên ở vùng Đài Loan) để đáp tạ công đức cứu nạn khi trước.
*Năm Khang Hi thứ 19, phong bà là “Hộ Quốc Tý Dân Diệu Ứng Thiệu Ưng Hoằng Nhân Phổ Tế Thiên Phi”.
*Năm Khang Hi thứ 22, quan Tĩnh Hải hầu Thi Lang tướng quân khi tấn công Đài Bành, được Thánh Mẫu “thần linh hiển ứng” hộ trợ ông lập được kỳ tích, nên khi ban sư trở về triều, ông đã khải tấu cho vua sự việc đó. Do vậy, năm Khang Hi thứ 23, nhà vua sắc phong Lâm Mặc Nương làm “THIÊN HẬU”. Sau lại gia phong làm “THIÊN THƯỢNG THÁNH MẪU” và hạ chiếu cho các quan địa phương Mu Châu lo việc cúng tế hàng năm trọng thể, lại xuất công khố trùng tu Miếu Thờ.
*Đời Thanh Thánh Tổ, gia phong Ngài làm “THIÊN HẬU NGUYÊN QUÂN THÁNH MẪU NƯƠNG NƯƠNG”.
*Năm Ung Chính thứ tư đời nhà Thanh, lại xuất công khố trùng tu Miếu Thờ và phái sứ giả thay mặt cho vua đến My Châu cúng tế.
*Có vô số Thiên Hậu Cung ở khắp mọi nơi, nhưng đặc biệt về quy mô và tính lịch sử lâu đời thì chỉ có ngôi Miếu ở My Châu Bồ Điền Phước Kiến là to lớn và xưa nhất, được xây dựng từ năm Ung Hi thứ tư đời bắc Tống, đến nay đã trải qua hàng ngàn năm. Khi mới xây dựng, thì cũng nhỏ thôi, nhưng trải qua các triều đại Tống, Nguyên, Minh, Thanh nhiều lần trùng tân, nên trở thành vô cùng phú lệ đường hoàng. Tiếng tăm của nó đã lừng vang khắp nơi, xưa nay xa gần đều nghe đến đại danh của ngôi “danh lam thắng tích ở My Châu” nầy.
*Ngày thánh đản của Thánh Mẩu là ngày hai mươi ba tháng ba âm lịch. Vào ngày nầy, tất cả ngư dân khắp nơi đều tề tựu về My Châu để triều bái Thánh Mẫu. Riêng ở đảo Đài Loan từ xưa đã có thành lập một đoàn người đại diện đi cúng tế, lấy tên là “Đoàn hành hương cúng tế Thánh mẫu ở My Châu”, có năm lên đến cả ngàn người.
*Ngày nay, Đài Loan vẫn giữ phong tục thờ cúng Thánh Mẫu tổ chức hằng năm với “lễ rước tượng Bà đi vòng quanh đảo” vào ngày mười chín tháng ba âm lịch.
Thần Thánh Trung Hoa Thần Thánh Trung Hoa - Sưu Tầm Thần Thánh Trung Hoa