Có người biết cách biến những trở ngại trong cuộc đời mình thành những bệ phóng, nhưng cũng không ít người lại biến chúng thành những viên đá chắn lối đi.

R. L Sharpe

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 61
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1965 / 44
Cập nhật: 2015-11-20 23:45:16 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 17
ột toán du kích Việt cộng từ phía những lùm dương lăm lăm AK- 47 trên tay tiến ra. Trung úy Huy đoán họ chỉ là du kích địa phương chứ không phải bộ đội chủ lực, vì cách ăn mặc cẩu thả và nét mặt đăm đăm làm ra vẻ sắt máu quá mức cần thiết của họ. Kinh nghiệm chiến trường cho ông biết rằng trên chiến trường, những du kích này không đáng ngại, nhưng khi thất thế rơi vào tay họ, họ nguy hiểm hơn lính bộ đội chủ lực từ Bắc vào.
Ông soát xét lại quần áo. Cái lon trung úy ông đã gỡ ra vất đi từ đêm trước, không phải vì tiên đoán sẽ bị địch bắt. Mà vì trong một lúc phẫn chí, ông cảm thấy thẹn với cái lon trung úy của mình.
Một du kích mặt mày non choẹt, có lẽ chưa tới 15 tuổi, đưa họng súng ra hiệu sai khiến trước khi cất giọng truyền lệnh:
- Sắp hàng một đi về tập trung phía trước. Tất cả giơ tay cao lên.
Lãng buột miệng nói lớn:
- Mình bị bắt làm tù binh chứ không phải đầu hàng. Giơ tay là đầu hàng. Không giơ tay!
Những người lính đang chán nản ủ dột tự nhiên lấy lại tự tín, nhiều người cùng la to:
- Không giơ tay. Tù binh chứ không phải hàng binh.
- Giơ tay đầu hàng là hèn nhát.
- Bị bắt thì chịu chứ không đầu hàng.
Chú du kích ngớ ra, không biết phản ứng làm sao trước thái độ bất ngờ của đám lính trước mặt, vội lùi vài bước nắm chặt lấy khẩu AK 47. Bốn người du kích khác cùng lo thủ thế như người bạn đồng đội. Cả năm đều lúng túng chưa biết phải làm gì. Mãi một lúc sau, khi những tiếng ồn ào phản đối thưa bớt, một du kích tuổi lớn nhất đám mới nói:
- Bị bắt còn ngoan cố. Không giơ tay, thôi cũng được, nhưng phải đi hàng một cho có trật tự.
Chú du kích lúc nãy cảm thấy bị mất mặt, hầm hầm nhìn về phía đám lính bại trận đang tiến lên hàng một, cố nói một câu vớt vát thể diện:
- Tụi bây lộn xộn tao bắn bỏ mẹ bây giờ. Liệu mà ngoan cố đi!
Nhiều tiếng chửi thề đáp lại. Chú du kích giả vờ như không nghe thấy gì, cầm khẩu AK đi theo hàng tù binh, mắt tránh nhìn về phía bờ biển.
Đột nhiên một người lính Thủy quân lục chiến từ trong hàng chạy nhanh tới chỗ chú du kích. Anh ta chạy nhanh quá, đến nỗi bốn người du kích kia chưa kịp phản ứng gì thì người lính mũ xanh đã phóng tới, ôm cứng lấy chú du kích hách dịch. Hai người ngã lăn xuống cát, và tiếp theo đó là một tiếng nổ. Cả hai chỉ còn là một đống máu thịt bầy nhầy.
Diễn tiến mọi chuyện xảy ra nhanh quá, làm cho mọi người sững sờ, không tin mắt mình nhìn đúng. Quả lựu đạn làm tung những mảnh thịt đi khắp nơi. Trên mặt cát, hai cái xác nằm lù lù, một xác mang đôi dép râu trên chân, một cái xác chân trần.
Tiếng nổ khiến cho nhiều toán du kích lẫn bộ đội khác từ trong làng ùa ra, họng súng chỉa thẳng vào đám tù binh sẵn sàng nhả đạn. Một người nét mặt khắc khổ tóc cắt ngắn có vẻ là cấp chỉ huy lớn nhất của phe thắng dõng dạc ra lệnh:
- Các anh tới nước này còn ngoan cố, giấu lựu đạn trong người. Cách mạng chỉ khoan hồng cho những ai biết ăn năn cải tạo. Tất cả phải cởi áo quần bỏ lại, chỉ được mặc quần áo lót thôi. Ai ngoan cố không tuân lệnh, sẽ bị xử lý ngay.
Một anh lính nào đó đột nhiên hỏi lớn:
- Cởi quần áo có bị coi là hàng binh hay không?
Câu hỏi trái ngoe giữa không khí căng thẳng nghiêm trọng làm cho mọi người, cả phe thắng lẫn phe bại trận, nổi lên cười xòa. Từ đó mọi việc không còn gì quan trọng nữa. Những bộ đồ trận bị cởi ra vất lên cát, đám tù binh người mặc đủ quần đùi áo lót, người chỉ có cái quần đùi nhàu nhò. Gió sớm còn lạnh, nên từng người vừa đi tới chỗ tập trung vừa run lập cập.
Lãng vẫn đi đằng sau Trung úy Huy. Gần tới chỗ có nhiều toán lính đã ngồi bó gối xếp hàng lưng quay ra biển, Lãng nhắc nhỏ viên trung úy:
- Ông thầy nhớ đừng khai là sĩ quan nghe!
Trung úy Huy cáu kỉnh hỏi:
- Sao vậy? Việc gì phải sợ.
- Em muốn ở bên Trung úy để săn sóc. Em giỏi chịu đựng hơn Trung úy.
Trung úy Huy cảm động nhìn Lãng đáp nhỏ:
- Để rồi tính. Tụi tới trước không bị bắt cởi quần áo. Tội nghiệp cái thằng rán gỡ thể diện chung cho tụi mình vào phút chót.
° ° °
Có lệnh tất cả sĩ quan phải tách riêng đến tập trung ở trước trụ sở ấp. Lãng vỗ nhẹ vào lưng áo mai-dô của Trung úy Huy, nhắc nhỏ:
- Đừng đi, ông thầy.
Viên trung úy quay lại nói:
- Không đi không được. Lính Tiểu đoàn mình ở đây còn nhiều. Thế nào trước sau gì chúng nó cũng biết.
Trung úy Huy nhổm đứng dậy khi thấy một số người đã tách hàng đi về phía cổng ấp. Lãng nhét vào tay viên trung úy một nắm giấy, nói nhỏ:
- Ông thầy giấu cái này, thế nào cũng cần.
Viên trung úy vội nhét nắm giấy vo tròn vào lưng quần, đứng hẳn dậy đi về chỗ tập trung.
Số sĩ quan tới cổng ấp ngày càng đông, tổng số tới hơn trăm người. Nhìn trở lại bãi cát, số lính bại trận ngồi đen nghẹt cả một góc biển. Lần đầu tiên nhìn bao quát được cả toàn thể, Trung úy Huy mới cảm thấy tủi nhục xấu hổ. Cả một lữ đoàn đông đảo chưa kể lính các binh chủng khác bị đưa đẩy tới chỗ tuyệt lộ này, như một con mãnh hổ sa lưới, trong khi địch quân không hơn một đại đội. Một đại đội du kích Việt cộng bắt sống được cả một lữ đoàn lính thiện chiến nhất của miền Nam. Ông muốn ngộp thở vì giận dữ và xấu hổ.
Chung quanh ông, các sĩ quan bị bắt lợi dụng lúc kiềm kẹp còn lỏng để hỏi han tin tức nhau. Phần lớn các sĩ quan bị tập trung trước cổng ấp đều thuộc cấp úy. Họ mừng rỡ vì còn sống sót để còn gặp nhau ở đây, và câu chuyện xung quanh tin tức số phận những người quen không có mặt.
Trung úy Huy nghe một người ngồi sau lưng ông nói:
- Chết như Thiếu tá Thành mới xứng danh Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 4. Ông lái GMC đi tìm đạn, bị tụi nó vây, ông nhấn ga cán bừa lên cả lũ khốn nạn rồi mới chịu chết.
Trung úy Huy mỉm cười không muốn cải chính. Kể ra Thiếu tá Thành cũng xứng đáng để bạn bè của ông chắp thêm đôi cánh cho ông bay lên cao, thành huyền thoại. Viên trung úy nghĩ có lẽ đấy là “tác phẩm” của anh tài xế, hoặc là “sáng tác mới” của người kể chuyện.
- Này, các cậu có biết Thiếu tá Cang chết ra sao không? Chính mắt một thằng đệ tử của tôi thấy ổng kê súng vào đầu tự sát.
- Thằng bạn tao kể chính mắt thằng truyền tin của nó thấy Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 5 mở chốt lựu đạn tự tử với bốn em út của ổng…
Tất cả những lời kể đều bắt đầu bằng “chính mắt”, “chính tai”, dù không phải chính người kể chứng kiến tận mắt tận tai. Người kể hăng hái kể, người nghe hăng hái nghe, họ được sống đôi phút với giấc mộng hào hùng và chính trực giữa hoàn cảnh thua trận ê chề. Nhờ thế, họ tạm quên được nỗi lo sắp bị đem ra thanh toán, và cái nhục bị cột xâu chùm với nhau bằng dây điện thoại.
Đám sĩ quan bị cột trói ké hai tay ra sau lưng ngồi một góc trong khuôn viên trụ sở ấp, số lính bị bắt thì cũng bị lùa vào trong hàng rào kẽm gai của trụ sở, nhưng họ không bị trói. Du kích địa phương, và cả bộ đội Bắc Việt cầm súng canh chừng không cho ai tới gần chỗ đám sĩ quan ngồi. Dân làng bu đến quanh hàng rào kẽm gai, nhiều người mang khoai, chuối luộc đến bán cho đám lính thiếu ăn thiếu ngủ từ hai ngày qua. Cuộc mua bán rộn rịp huyên náo, đám bộ đội du kích muốn ngăn chận nhưng biết có ngăn cũng không được nên làm ngơ.
Tiếng rao hàng mời chào từ bên ngoài vòng rào ngày càng huyên náo. Số lính bị bắt dạn dĩ dần, có người mua khoai luộc đến đút cho sĩ quan chỉ huy của mình. Người đầu tiên làm mà không bị ngăn cản, nhiều người khác bắt chước. Nơi đám sĩ quan bị cột tay ngồi trên nền đất trụ sở không còn cách biệt nữa. Lãng nhân cơ hội tốt tới chỗ Trung úy Huy ngồi, nói nhỏ:
- Tiền hồi nãy em đưa, ông thầy đưa em mua khoai.
Viên trung úy liếc về phía lưng quần đùi. Lãng liếc nhìn dè chừng tên du kích, móc mấy tờ giấy bạc chạy đi mua khoai luộc. Trong khi chờ Lãng trở lại, Trung úy Huy nói với mấy sĩ quan ngồi cạnh:
- Phải nhân dịp lộn xộn này nhờ tụi em út chúng nó nới dây trói cho mình. Nếu tụi nó dẫn tụi mình ra bờ biển để bắn bỏ, thì phải cướp súng liều mạng hạ vài thằng cái đã. Không lẽ cúi đầu chịu chết.
Tiếng bàn cãi nho nhỏ lan khắp đám sĩ quan bị trói. Ai cũng thuận. Lãng trở lại đút khoai cho Trung úy Huy, lấy lưng che tầm mắt tên du kích nới bớt dây trói cho xếp.
Cảnh ăn uống lộn xộn cuối cùng cũng chấm dứt. Số du kích canh tù nạt nộ đuổi đám lính ra xa khỏi nhóm sĩ quan, nhưng cuộc mua bán vẫn tiếp tục huyên náo ở chỗ sát hàng rào ấp.
° ° °
Mặt trời đã lên cao. Trong khuôn viên ấp, những bước chân đi lại làm tung bụi lên mù mịt, mùi bụi khét nắng và pha mùi mồ hôi. Khoảng chín giờ, đám du kích ra lệnh cho các sĩ quan tù binh đứng dậy, rồi dẫn đi hàng một ra khỏi trụ sở ấp. Những sĩ quan nhìn nhau, lặng lẽ chia nhau nỗi lo chung. Đã tới lúc họ bị đem đi hạ sát tập thể chưa? Từng người thử soát lại vòng dây trói đã được nới lỏng để chuẩn bị hành động.
Họ bị dẫn đi ngang qua một ngôi chùa nhỏ gần đó, rồi lại được lệnh ngồi xếp hàng ở khu đất trống canh chùa chờ đợi. Số sĩ quan chỉ mặc đồ lót chiếm quá nửa tổng số sĩ quan đang ngồi chờ dưới nắng, chờ cái gì, chưa ai đoán ra.
Đột nhiên giữa cái im lặng căng thẳng, một người ngồi trong hàng nói lớn:
- Yêu cầu trả quần áo cho chúng tôi.
Câu nói dõng dạc bất ngờ làm cho cả toán du kích canh phòng lẫn đám sĩ quan tù binh ngơ ngẩn một chút, sau đó, có nhiều tiếng lao nhao phụ họa:
- Trả quần áo cho chúng tôi.
- Phải tôn trọng sĩ quan dù chúng tôi bị các ông bắt.
- Quần áo của chúng tôi đâu, phải trả lại chúng tôi.
Mấy người du kích lúng túng không biết phải đối phó cách nào. Một du kích trẻ mặc bộ đồ bà ba nâu cầm súng đứng cách Trung úy Huy vài thước quắc mắt nạt lớn:
- Câm mồm lại đi! Quần áo gì của chúng mày! Quần áo là của nhân dân, không phải của chúng mày. Chúng mày không có quyền đòi hỏi cái gì hết.
Nhiều tiếng cười chế nhạo đồng loạt nổi lên. Ỷ thế đông, không còn ai biết sợ nữa. Mỗi người nói một câu cho hả tức. Đề phòng phản ứng tức giận của đám du kích, người nào cũng cúi mặt xuống, hoặc núp sau lưng người ngồi trước để đám du kích canh tù khỏi nhận diện được người nói. Trung úy Huy cũng cúi đầu la to:
- Quần áo của nhân dân. Trời! Té ra nhân dân ai cũng là Thủy quân lục chiến hết sao!
Không ngờ câu nói mỉa làm cho mấy người du kích giận sôi lên. Hai người du kích đứng gần nhất hét lên, mũi súng AK hướng về phía đám tù binh:
- Thằng nào nói đó? Thằng nào?
- Đến nước này mà chúng mày còn đem Thủy quân lục chiến ra dọa tụi tao hả? Liệu hồn, tụi tao cho một tràng bây giờ!
Đám tù bình ồn lên mỗi người một câu. Nhiều tiếng thách thức:
- Bắn đi! Có giỏi cứ bắn đi!
Mấy người du kích bắt đầu lo sợ. Họ lùi xa khỏi đám tù binh, súng lăm lăm nhưng rõ ràng không dám bắn ẩu. Được thế, đám tù binh càng la ó huyên náo thêm. Một người mặc đồ bộ đội từ trong chùa chạy ra, hỏi lớn:
- Cái gì mà ồn ào vậy?
- Chúng nó làm loạn. Chúng nó làm loạn.
Người bộ đội chỉ huy quen với những tình huống khó khăn hơn đám du kích trẻ, đưa mắt bình tĩnh nhìn qua một lượt đám tù binh, rồi chậm rãi lớn tiếng hỏi:
- Anh em cần cái gì? Cần cái gì hãy bình tĩnh cho tôi biết để giải quyết cho anh em. Nhưng trước hết anh em phải giữ trật tự. Chỉ một người đại diện nói cũng đủ.
Một sĩ quan vuột miệng nói ngay, không cần chờ ai ủy nhiệm đại diện:
- Yêu cầu trả lại quần áo cho chúng tôi.
Người chỉ huy cười tươi, trả lời thoải mái:
- Tưởng gì khó. Dễ thôi. Anh em sẽ được trả quần áo lại. Anh em ngồi yên chờ chúng tôi đi lấy quần áo về.
Người chỉ huy trở qua chùa. Một đám du kích lẫn bộ đội từ sau chùa được lệnh qua tăng cường canh gác đám sĩ quan tù binh. Độ hai mươi phút sau, nhiều dân làng được trưng dụng đi thu nhặt quần áo lính mũ xanh ôm về vất từng đống trước đám tù. Người bộ đội chỉ huy đã trở lại, nhắc hai du kích đứng cạnh:
- Kiểm soát coi còn vũ khí trong quần áo không?
Hai du kích ngần ngại nhìn đống quần áo cao nghều nghệu trước mặt. Một người lanh trí sai hai người đàn ông dân làng vừa mang quần áo tới:
- Hai anh soát lại coi có súng đạn gì trong quần áo tụi nó không. Hai chị kia, vào phụ một tay cho mau xong công tác. Khẩn trương lên.
Trong lúc chờ phát quần áo, trong hàng lại có người la lớn:
- Yêu cầu cởi trói cho chúng tôi mặc quần áo.
Mấy du kích quắc mắt nhìn về phía đám tù.
- Chúng mày lại tìm cớ làm loạn nữa hả?
- Không cởi trói làm sao mặc quần áo? Cởi trói đi?
- Cởi trói đi!
Người du kích đứng cạnh đống quần áo quay họng súng về phía tù, quát lên giận dữ:
- Cởi trói cho chúng mày làm loạn à? Mặc được hay không thây kệ chúng mày.
Đám sĩ quan tù binh tức giận nổi lên la ó, cười cợt trêu chọc mấy du kích. Người bộ đội chỉ huy lại chạy qua can thiệp:
- Lại ồn ào cái gì nữa?
- Cởi trói cho chúng tôi mặc quần áo. Người chỉ huy nhìn bao quát một lượt hơn một trăm tù binh để đo lường mức nguy hiểm, suy nghĩ một lúc, rồi nói:
- Thôi được. Các anh sẽ được cởi trói để mặc quần áo vào.
Nghe như vậy, mọi người bắt đầu lo, chỉ sợ đám du kích khám phá thấy dây trói đã bị nới lỏng. Cũng may họ chỉ cởi trói cho người ngồi ngoài cùng, tay bị cột vào đầu mối dây điện thoại, sau đó đám tù lần lượt cởi trói cho nhau.
Hai tù binh bị gọi ra phụ với hai người đàn ông dân làng đem quần áo lính phát lại cho những người ở trần hay chỉ mặc đồ lót. Người nào được phát thứ gì cứ mặc thứ đó. Người mập cao như con voi vớ phải bộ đồ rằn ri của người lính lùn. Người thấp lại mặc bộ quần phục rộng thùng thình của một chiến hữu nào đó. Phù hiệu của tiểu đoàn cũng lẫn lộn lung tung. Người thuộc Tiểu đoàn 2 lại mặc quần áo của người ở Tiểu đoàn 4. Trung úy Huy thuộc Tiểu đoàn 4 lại mặc áo của một người lính mũ xanh thuộc Tiểu đoàn 7.
° ° °
Bên trụ sở ấp, những lính Thủy quân lục chiến bị buộc cởi bỏ quần áo trên bờ biển cũng được trả quần áo lại.
Bộ quần áo người ta phát cho Lãng của một người lính mũ xanh nào đó thuộc Tiểu đoàn 5. Chủ cũ bộ quần áo có lẽ bị một vết thương nhẹ nơi cánh tay trái, vì ở cánh tay áo bên đó còn nguyên dấu đạn và vết máu khô. Nói cho đúng hơn, Lãng chỉ đoán được xuất xứ của cái áo, còn cái quần lính rằn ri lại của một người khác nữa, có thân thể cao lớn hơn Lãng. Cái áo hơi chật đối với tầm vóc trung bình của Lãng, ngược lại cái quần lại quá rộng, chu vi lưng quần dư đến cả gang tay. Lãng phải tìm một sợi dây giày làm dây buộc cho cái quần khỏi tuột xuống đầu gối.
Khoảng hai giờ chiều, sau nắm cơm cá khô do dân làng mang tới phát, đám tù binh được lệnh xếp hàng dọc di chuyển ra phá Tam giang. Lãng thấy bên kia chùa, toán du kích địa phương, được đông đảo bộ đội chủ lực tăng cường, bắt đầu áp tải số sĩ quan đi trước, rồi mới tới lượt các tù binh cấp hạ sĩ quan và lính như Lãng.
Du kích, bộ đội lăm lăm súng lên sẵn đạn đi hai bên hàng tù binh. Lãng đi qua một làng chài lưới nhà cửa nghèo nàn xơ xác cũng giống như cái làng ven biển nghèo đã gặp buổi sáng hai hôm trước. Từng ngôi nhà lá nằm núp dưới những cây dương liễu, trước nhà phơi những tấm lưới ni lông chưa kịp gỡ hết các nhánh rong biển. Dân làng, phần lớn là ông già bà cả và con nít tuy tò mò nhưng không dám ra ngay trước đường nhìn đoàn tù binh đi qua, chỉ lấp ló sau những phên cửa thấp.
Đi nửa giờ thì đến phá Tam giang. Đoàn tù được tập trung lại, ngồi theo hàng ngũ chờ gọ chở từng toán qua bên kia phá để vào đất liền. Tận dụng thời gian chờ đợi, một bộ đội lớn tuổi nói giọng Quảng bình khó nghe đứng ra thuyết một thôi một hồi về “chiến thắng lẫy lừng của quân đội nhân dân bách chiến bách thắng” và “chính sách khoan hồng của Cách mạng” đối với hàng binh và tù binh. Lãng lại nghe những câu quen thuộc hồi dự trận Cửa Việt. Ba năm đã qua, lời lẽ các chính trị viên ấy không khác trước bao nhiêu. Ban đầu đám tù binh còn chú ý lắng nghe để biết số phận mình ra sao. Nhưng càng về sau, họ càng lơ đễnh. Giọng Quảng bình vốn đã khó nghe, tiếng gió thổi qua các lùm dương liễu vi vu nhiều lúc át cả tiếng nói người bộ đội, chưa kể những người lính mũ xanh đã phải nghe mãi những lời lẽ này từ các loa phóng thanh bên kia sông Mỹ chánh, nghe đến hóa nhàm. Lãng giết thì giờ bằng cách chăm chú quan sát một con kiến đen đang bò trên mặt cát trước chỗ ngồi. Con kiến hơi ngạc nhiên không biết phải bò về lối nào trước những đống chướng ngại vật đột ngột hiện ra khắp chung quanh, hai sợi râu vểnh cao đưa qua đưa lại như hai cái cần ăng-ten dò tìm tần số thích hợp. Định hướng xong, con kiến chạy lùi lại, chui xuống dưới một cái lá khô cạnh bên chân trái của Lãng. Lãng đưa chân đẩy chiếc lá sang một bên. Con kiến do dự một lúc, rồi bò lên bàn chân Lãng, leo lên ống quần. Bấy giờ Lãng mới chú ý cái lai quần Lãng đang mặc bị sổ đường chỉ, sợi chỉ khaki màu xanh rêu còn bám lòng thòng ở mép vải.
Có tiếng ồn ào bên phía tù binh sĩ quan. Đã bắt đầu cho từng nhóm sĩ quan qua phá bằng gọ. Lãng cố tìm Trung úy Huy, nhưng viên trung úy ngồi khuất ở đâu Lãng không tìm ra.
Một giờ sau mới tới phiên tù binh cấp lính qua phá. Tuy không nhớ kỹ địa thế, nhưng Lãng lờ mờ nhận ra rằng mình bị dẫn trở lại con đường cũ hai hôm trước. Con đường đất quanh co hướng về phía quốc lội 1, khi thì băng qua những thửa ruộng khô, khi thì chui vào những khóm tre làng xác xơ.
Từ lúc đoàn tù qua khỏi cánh đồng trống bên kia phá, những loạt đạn AK đơn độc cũng bắt đầu nổi lên đó đây. Lãng không hiểu nổi, và những người lính Thủy quân lục chiến bị áp giải đi quanh Lãng cũng không ai hiểu. Đám bộ đội chủ lực có nhiệm vụ canh gác đoàn tù lâu lâu tụm thành nhóm hai ba người thì thào với nhau những gì không ai hiểu, sau đó họ đi nhanh rảo theo đoàn tù binh như tìm kiếm ai. Thế rồi một người bộ đội đột ngột chỉa súng AK vào một tù binh và bóp cò. Nạn nhân đổ xuống, chắc chắn trong cái tích tắc cuối cùng của cuộc đời không làm sao hiểu nổi vì sao mình bị giết. Đám tù khiếp hãi hoang mang nhưng vẫn phải tiếp tục lầm lũi bước tới. Rồi một bộ đội khác từ đằng sau tiến nhanh ra phía trước, dáo dác tìm kiếm ai, và một phát AK khác lại nổ. Đám tù càng hoang mang hơn, cố hiểu mà vẫn không hiểu được vì sao người này bị bắn mà không phải người kia, lúc này mình chưa bị giết nhưng lúc khác sẽ thoát được không. Một chú bộ đội nữa xách súng từ phía trước chạy lùi về phía sau. Mọi người cúi gằm mặt xuống tránh nhìn vào mắt tên sát nhân. Lãng nghe một câu tiếng Bắc: “Nó đây rồi”, và một tiếng nổ chát chúa. Lãng nghĩ thầm: “Tới phiên mình rồi sao?”. Không. Chưa tới phiên Lãng. Người tù binh đi trước Lãng ngã quị xuống, máu nạn nhân bắn tung lên cả ngực áo Lãng. Tên sát nhân nói với người bạn vừa từ phía sau đi tới:
- Trừng trị được hai tên Tiểu đoàn 2 rồi! Phần cậu tìm ra tụi Tiểu đoàn 3 chưa?
Bấy giờ mọi tù binh mới vỡ lẽ, hiểu nguyên nhân cuộc chém giết bất ngờ ấy. Các đơn vị bộ đội từng là nạn nhân của các tiểu đoàn Thủy quân lục chiến suốt ba năm chà xát nhau tại mặt trận cực bắc đã không bỏ lỡ cơ hội nghìn năm một thuở này để trả thù, trước khi phải giải giao cho những đơn vị khác. Mỗi bộ đội áp tải đi tìm những người lính mũ xanh mang bảng số tiểu đoàn họ thâm thù lâu nay, để thanh toán, không cần biết tù binh ấy có mặc đúng quân phục của mình hay không. Vì vậy người đi trước mặt Lãng không bị tên bộ đội trước hạ sát, nhưng lại bị tên sau ra tay. Hiểu được nguyên do, đám tù binh lấm lét nhìn bảng tên có thêu số trên ngực áo mình như nhìn bản án tử hình.
Lãng liếc nhanh về phía tên bộ đội đang lăm lăm khẩu súng phía bên phải, chờ hắn nhìn về phía khác là Lãng sẽ đưa tay lột nhanh bảng tên vứt đi. Nhưng hắn cứ nhìn đăm đăm về phía Lãng, đôi mắt xoi mói tìm kiếm. Người tù binh đi bên hông Lãng thì thào:
- Coi chừng thằng này. Không biết nó tìm tiểu đoàn nào.
Tên bộ đội đi sát hàng tù binh hơn. Lãng cúi gằm mặt xuống, nín thở hồi hộp chờ. Một tiếng nổ. Lãng cảm thấy có một sức mạnh khủng khiếp nào đó từ phía bên phải đẩy tạt vào người Lãng, và một bóng đen khổng lồ chụp phủ lên thân thể anh. Lãng ngã xuống, trời đất quay cuồng, trước khi Lãng nhắm mắt lại, trí Lãng chợt nghĩ: “Đã tới phiên mình. Thôi đành. Ba không cứu được con hở ba!”
Lúc Lãng tỉnh dậy, chung quanh không còn ai. Lãng nằm vất lên bờ mương cạn, giữa những bụi gai dại thưa lá. Lãng cảm thấy ngạt thở, có cái gì đè nặng lên ngực Lãng. Định thần nhìn kỹ hơn, thì đó là cái xác đẫm máu của người tù binh đi cạnh. Lãng thoát chết, mà cũng thoát được cảnh tù đày trong đường tơ kẽ tóc, giữa lúc những tù binh khác hoặc tiếp tục bị trả thù oan uổng hoặc được sống sót cho tới khi giải về căn cứ La sơn.
Trung úy Huy nghe tin Lãng bị giết lúc đoàn tù binh về tập trung tại La sơn. Ông khóc cho người lính ông thương yêu, mà cũng khóc cho thời mạt vận của đất nước. Từ La sơn, tù binh cấp sĩ quan bị đưa ra trại tập trung tạm thời ở cây số 23, còn cấp thấp thì bị đưa đi Nam đông, nên ông cứ in trí Lãng đã chết. Mãi mấy năm sau, ông mới biết tin ấy sai.
Tha Hương Tha Hương - Nguyễn Mộng Giác Tha Hương