Số lần đọc/download: 6677 / 315
Cập nhật: 2019-05-29 12:36:25 +0700
Chương 17: Điệp Với Thúy Liễu
V
ũ ngồi một mình ở buồng khách nhà bác sĩ Điệp, tay bóp trán suy nghĩ lại cái cảnh khốn nạn của cha, cái lòng bất nhân của mẹ, thì càng oán ông Phủ Long và Thuý Liễu.
Đến độ bảy giờ tổí, bỗng có tiếng còi bóp inh ỏi ở ngoài phố, người gác quen hiệu, chạy ra mở cổng. Hai cánh cửa sắt rít lên, khi chiếc xe hơi hòm kính nhẹ nhàng, nhảy chồm rồi tiến vào đến sân, thì Vũ đã đứng chờ ở đó.
Xe chưa tắt máy, Điệp đã gọi vang người nhà và hai thầy khán hộ. Vũ đoán hẳn có việc gì quan trọng chi đây, bèn chạy lại gần xe, để cùng mọi người chờ làm đỡ công việc.
Điệp thấy Vũ chào, mỉm cười gật đầu, nhưng nét mặt vẫn rất lo lắng, hấp tấp xuống xe, theo sau là một người trẻ tuổi. Điệp giới thiệu với Vũ:
- Đây là em Xuân, con cụ ân nhân của tôi.
Rồi ngoảnh lại bảo Xuân:
- Người mà anh mới nói chuyện cùng em buổi sáng.
Vũ và Xuân chào nhau, Điệp nói:
- Tôi bận, cậu Vũ chờ tôi sẽ nói chuyện nhé.
Vũ hỏi khẽ Xuân:
- Thưa ông, ông Đốc bận gì, sao trông mặt ngài có ý hốt hoảng vậy?
Xuân trỏ vào trong xe nói:
- Có người ốm nặng, chúng tôi đưa về đây.
Vũ nhìn Điệp, nhìn Xuân đứng lặng.
Trong bệnh viện, đèn bật sáng trưng, mọi người khiêng chiếc giường lên gác, và ôm chăn đệm, gốì, mới thay đi theo.
Điệp và Xuân vẫn đứng đấy. Vũ tò mò cố nhìn vào trong xe, thấy một người quấn chặt trong chiếc chăn nâu, trông như khúc gỗ, không rõ mặt mũi.
Khi giường ghế trên gác kê dọn đã xong, Điệp mở cửa xe, rồi cùng Xuân khênh bệnh nhân lên gác, Xuân bảo Vũ:
- Có cái hòm trong xe, cậu bưng hộ lên.
Vũ cúi vào trong xe, lôi cái hòm ra. Cái hòm ấy bằng gỗ tạp sơn đen, vuông chăn chắn, đằng sau có bản lề, đằng trước khóa, nhưng bản lề và khóa đều long cả. Vũ tưởng cái hòm nặng, cố hết sức khênh, thì trái lại, cái hòm nhẹ bổng lên, nghiêng đi, nắp bật ra, Vũ trông rõ trong có một ít quần áo bằng vải nâu. Vũ phân vân, không hiểu con bệnh là hạng người thế nào mà được biệt đãi như thế.
Đặt bệnh nhân lên giường, mọi người thay chăn và gối. Lần này thì Vũ nhìn rõ.
Người này hẳn là ốm nặng lắm. Mặt mũi đen đủi, xấu xí, hốc hác, lưỡng quyền và hàm răng vêu lên xám ngoẹt, mặt và hai tay gồ ghề những xương cùng gân, thân thể mềm lả như cái xác không hồn, bởi vì có con mắt có thể biểu hiện cho sự sống, thì đã lờ đờ hoặc nhắm mắt rồi. Trông bộ tóc dựng ngược như lông bàn chải. Vũ sực nhớ đến cái đầu của cha Vũ, thì đoán là một anh tù bị phát vãng trên mạn ngược mới về; thật, giá trên ngực, Vũ không trông rõ cái lần áo phập phồng lên xuống, thì đã tưởng là người chết rồi.
Vũ thấy Điệp có dáng rất lo lắng, ngại ngùng, cẩn thận. Tự tay Điệp đi sửa soạn các đồ tiêm. Vũ hỏi khẽ Xuân:
- Thưa ông, người ốm là ai?
- Chị tôi đó. Chị tôi ốm đã ba tháng nay ở chùa Phương Thành.
Vũ cảm động, trố mắt nhìn Lan một cách cung kính. Vậy là người có ảnh treo trong buồng ngủ của Điệp! Vậy là người Điệp yêu, Điệp quý, Điệp nhớ nhất đời!
Lan nằm trên giường bệnh, bất tỉnh nhân sự. Điệp cầm tay Lan, thất vọng lắc đầu, nói:
- Chậm quá rồi, khó lắm.
Một cái yên lặng man mác, mỗi người tâm sự một khác, đều cùng nhìn nhau thở dài.
Bỗng Vũ khẽ hỏi:
- Bà ấy phải bệnh gì? “
Điệp liếc mắt, Xuân hiểu ý, không muốn có tiếng nói xôn xao bên người ốm, bèn bấm Vũ, hai người rón rén ra buồng thuốc. Xuân nói:
- Chị tôi không rõ là mắc bệnh gì, bởi vì nhiều bệnh quá, những bệnh về tâm lý nó đã ăn sâu vào trong tâm hồn hàng mười lăm năm nay, bây giờ mới phát ra thì rất là khó chữa.
- Nhưng bác sĩ hết lòng, hẳn có hy vọng.
Xuân lắc đầu, cười một cách đau đớn:
- Mặc dầu. Vì hiện nay bác sĩ cũng chưa phân biệt được bệnh. Ấy thế mà anh tôi và tôi xin mãi sư cụ mới bằng lòng cho về đó. Sư cụ rất thương mến chị tôi, cứ nhất định không nghe, nói rằng không muốn phó thác tính mệnh cho ai cả; vì sư cụ coi chị tôi như con, năm nay người đã ngoại tám mươi tuổi. Chị tôi thì ốm nặng quá, mê mẩn không còn hiểu gì, đến nỗi chúng tôi mang về đây, cũng không biết.
- Nhưng nếu bà ấy biết rằng bác sĩ và ông trông nom săn sóc cho, thì hẳn bệnh mười phần phải giảm ngay năm sáu.
Xuân gật đầu:
- Có lẽ.
Bỗng Điệp lứng thững ra, vẫn thất vọng, lử thử nói:
- Anh phải mời vài ông bác sĩ nữa cùng hiệp lực để chữa mới được.
Xuân hỏi:
- Bây giờ chị em ra sao? Anh?
- Tiêm rồi, nhưng còn phải nghe từ giờ đến nửa đêm mới có thể yên tâm được.
Nói rồi, Điệp xuống nhà dưới.
Trên gác bệnh viện đêm hôm ấy tấp nập kẻ ra người vào, nhưng đều rất sẽ sàng, không có một tiếng động to.
Lan nằm lả trong chăn, lúc thì hổn hển thở, lúc thì ự ự cựa, cũng có lúc mở mắt ra, nhưng chỉ vài giây đồng hồ, rồi lại gà gà nhắm lại, rất mệt nhọc.
Ba bốn ông Đốc tờ và Điệp cùng nhau nghe bệnh và bàn bạc, nhưng ai cũng đều lắc đầu, Điệp càng lo.
Độ khoảng mười giờ, Điệp thấy Lan thở đều hơn trước và nằm im, Điệp mới khẽ ra, đóng cửa lại, đi ăn cơm.
Trong khi ngồi vào bàn, Điệp gọi Vũ đến cạnh nói chuyện. Vũ thấy Điệp hơi vững dạ, nói:
- Con chúc bà ấy sẽ chóng khỏi, để cùng ông trọn lời ước xưa.
Điệp đổi ngay ra nét mặt rầu rầu:
- Tôi nào dám mong nhiều quá thế, có phải một mình tôi quyết định được việc ấy đâu? Vả mong bà ấy khỏi được bệnh cũng đã khó lắm rồi. Thế nào? Cậu về đây, hẳn ý cậu muốn cho tôi biết rõ cậu đã được nghe và thấy những gì.
Vũ tái mét mặt, kể hết đầu đuôi câu chuyện Tư Kênh rồi khóc. Điệp và Xuân rất ngậm ngùi. Vũ kết cục:
- Con đến đây, chủ ý định thưa ông lại việc đó, rồi sáng mai, con xin phép ông con đi sớm.
- Cậu đi đâu? Cậu có thể ở đây với tôi, tôi sẽ cho cậu đi học tử tế, cậu đừng ngại.
Vũ bồi hồi đáp:
- Nếu con có phải nhờ đến ông, thì sau này kia, chứ bây giờ thì quyết con phải đi.
- Cậu về với ông bà Phủ?
Vũ cười:
- Thưa ông, đối với một người đã lập tâm giết con mấy lần, thì là kẻ thù, chứ là mẹ sao được.
Điệp an ủi nói:
- Đành vậy, nhưng bà Phủ có công mang nặng đẻ đau, ông Phủ có công nuôi nấng cậu từ thuở bé đến giờ, cậu nên nghĩ chỗ đó.
- Nhưng chẳng may cho mẹ con, là con không chiều được ý mẹ con mà chết ngay từ khi còn là cái thai, thì hẳn là lẽ tự nhiên, ông Phủ Long phải nuôi con. Ông Phủ Long và mẹ con coi con như kẻ thù, tất con không thể coi ông ấy và bà ấy là cha là mẹ nữa.
- Vậy thì cha cậu sẽ là ông Cách?
Vũ lắc đầu:
- Ông Cách! Nào ông ấy có định tâm có con đâu!… Con chỉ là cái kết quả của sự đùa bỡn của ông ấy và bà Thuý Liễu mà thôi.
- Cậu nghĩ thế không được. Người ta uống nước phải nhớ nguồn.
- Con là con của xã hội, chứ không là con riêng của một ai.
Rồi đau đớn, Vũ ngồi yên lặng một lát, trầm ngâm. Độ năm phút sau, Vũ lại nói:
- Con không muốn ai biết cỗi rễ của con. Con không muốn ngày sau hễ ai nói đến con, người ta lại thì thào rằng: Đó là con hoang của thằng lính tập. Nghĩa là con chỉ là một người con chịu trách nhiệm những công việc của cha hay mẹ.
Điệp đương lo lắng bỗng bật cười. Vũ lại nói:
- Chỉ có tay Thần Chết là có thể xóa được hết cả dấu vết ở đời.
Điệp lại cười:
- Chỉ có linh hồn cao thượng, đại lượng, cũng như chỉ có công việc bổn phận mới có thể làm quên được nỗi khổ thống ở đời. Tôi đây, nếu không cương quyết lấy công việc về bổn phận để phấn đấu với những nỗi đau đớn, thì những cái này nó đã sai khiến giầy vò tôi biết đến thế nào rồi. Ớ đời, ta phải sống cao thượng và làm việc.
Câu chuyện đang vui, bỗng Điệp nghe thấy tiếng Lan ự ự trong buồng, vội bỏ cả bát đũa vùng chạy vào.
Đêm hôm ấy, Điệp tuy nằm trên giường, nhưng không dám chợp hẳn mắt. Trong buồng Lan, tức là buồng Xuân học, chỉ thắp một đèn ngủ lờ mờ, còn thì tắt hết. Điệp vắt tay lên trán, vơ vẩn lo lắng về bệnh tình của Lan, lúc nào cũng lắng tai nghe ngóng. Hồ thấy một tiếng động là giật mình. Bên ngoài gió vi vút thổi, cái đêm chầy thăm thẳm, lạnh lùng, nó chứa bao nỗi kinh hùng, bí hiểm, lại càng dọa Điệp, làm cho Điệp hễ động thiu thiu mơ màng là đâ thấy những giấc chiêm bao sợ hãi.
Bỗng ngoài buồng thuốc, ngọn đèn điện bật sáng trưng. Điệp mở choàng mắt ra, khe khẽ lật chăn ngồi nhổm dậy. Rồi gượng lẹ. Điệp đứng lên rón rén đến sau cánh cửa kính có màn đăng ten dòm vào.
Điệp ngạc nhiên, sững hẳn người ra.
Vũ ngồi ở trên bàn, đang loay hoay với hai hộp kẹo.
Điệp lẳng lặng nhìn để dò xét xem Vũ định làm gì. Vì bàn kê ngay gần đấy, nên Điệp trông rõ lắm.
Vũ buộc dây chằng bốn bên hai cái hộp, rồi dán mảnh giấy đè lên nút buộc, và cầm bút. Chẳng mấy chổc trên mặt hộp. Điệp đã trông rõ mấy dòng chữ sâu này.
Bà Phủ Hoàng Xuân Long
Làng Yên Hạ
Lạc Quần
Viết xong, Vũ cầm cái hộp ngắm nghía, rồi chống tay lên bàn ra chiều nghĩ ngợi. Một lúc, Vũ gục hẳn mặt xuống, rồi bỗng ngẩng phắt đầu lên, cầm bút viết đề nốt cái hộp nữa:
Ông Hoàng Xuân Long
Tri Phủ
Ga Lai Khê
Viết xong, lại như bận trước, Vũ cầm cái hộp ngắm nghía, rồi như có điều gì hối hận không yên tâm.
Điệp cắn môi, cau đôi lông mi lại nghĩ, không hiểu Vũ có ý gì mà gửi hai hộp kẹo cho hai người ấy. Nhưng chắc rằng thế nào cũng là việc không hay. Điệp nhận kỹ nét mặt Vũ, bỗng đâm nghi, bèn trông bốn bên buồng thuốc. Điệp giật nẩy mình: lọ thuốc độc vẫn để kia, nhưng vợi đi hẳn một nửa.
Điệp hiểu ngay lập tức, run lên, lạnh toát cả người. Lúc bấy giờ, buồng ngoài, Điệp thấy Vũ vẫn ngồi thừ, tay cầm hai cái hộp giơ lên lại đặt xuống, mà ngắm nghía mấy dòng chữ. Chàng thở dài, lắc đầu.
Điệp mơ màng, đứng ngây như khúc gỗ, đến nỗi ngọn đèn điện tắt lúc nào cũng không để ý đến nữa.
Lúc bấy giờ đã bôn giờ rưỡi sáng. Hơi lạnh quanh mình làm cho Điệp như sực tỉnh giấc chiêm bao. Chàng bâng khuâng, đi lại giường, ngồi gục đầu, nhắm đôi mắt nghĩ ngợi. Hẳn là trong cái óc nhân đạo của chàng tưởng tượng ra bao nhiêu cái thảm trạng trong gia đình họ Hoàng.
Rồi tự nhiên chàng quả quyết đứng phắt dậy, đến mở tủ. Chàng bấm ngọn đèn pin soi vào trong ngăn, lấy ra ba tờ giấy bạc một trăm, gặp lại và bỏ vào trong chiếc phong bì danh thiếp và dán kín.
Rồi giữa cái lặng lẽ, trong trẻo, tôn nghiêm của buổi canh tàn, Điệp lẹ làng bước đi, mở cửa ra buồng ngoài, nín hơi, rón rén đến cạnh giường Vũ. Chàng đứng đằng đầu giường, lắng tai nghe, thấy Vũ đã ngáy, chàng bèn với tay lên đỉnh màn, nhấc lấy cái mũ của Vũ, bỏ phong bì vào vành mú da lần trong; rồi lại êm lặng để trả chỗ cũ. Điệp lại khe khẽ thò tay vào màn, rút dần dần lấy ra hai hộp kẹo, rồi rón rén về buồng mình.
Rất khéo léo, chàng bóc cái giấy để tên trên hộp, rồi lấy con dao cắt dây chằng bốn bên, nậy nắp, đổ hết kẹo ra, và soi đèn xét rất kỹ lưỡng. Một lúc lâu, chàng gói cả kẹo vào một cái gói riêng, và nhét vào hộp những mảnh sắt con con và chèn đầy giấy vụn xung quanh. Điệp đóng nắp hộp, lắc thử rồi buộc dây, dán giấy như cũ.
Làm cẩn thận xong. Điệp sẽ sàng, lắng tai từng tí, rồi cất trả hai cái hộp vào chỗ cũ cho Vũ.
Cất xong, Điệp đứng ngay ở đầu giường, hai mắt đăm đăm nhìn Vũ mà ngậm ngùi. Sau lượt màn thưa, Vũ nằm sóng sượt, dưới vầng tóc đen ngòm, lờ mờ có cái cánh tay vắt ngang qua mắt và trán; vậy mà Điệp cũng tưởng tượng thấy cái mặt nhăn nhó của thằng bé con mười lăm tuổi, đầy những vết thương về vật chất, và về tinh thần!
Rồi trên bộ mặt sắt đá của Điệp mà người xưa vẫn cho là bạc, từ từ chảy ra hai dòng lệ long lanh!