To read a book for the first time is to make an acquaintance with a new friend; to read it for a second time is to meet an old one.

Chinese Saying

 
 
 
 
 
Tác giả: Paul Theroux
Thể loại: Hồi Ký
Dịch giả: Trần Xuân Thủy
Biên tập: Little Rain
Upload bìa: Little rain
Số chương: 32
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4218 / 131
Cập nhật: 2014-12-07 18:27:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 16: Tàu Thư Vận Howrah
ôi thấy anh ta ở nhà ga Trung tâm Madras, gần tàu thư vận Howrah và với cái dáng đứng lưỡng lự, dường như anh ta đang lấy can đảm để lên tàu. Trong cái nóng, mái tóc dài của anh ta rủ xuống như mớ giẻ, quần áo của anh ta đã bị giặt đi giặt lại quá nhiều lần trở nên bạc phếch. Cái va li bằng vải bạt, cũng giống như quần áo của anh ta, mép khâu đã sờn. Có lẽ anh ta là người Anh, khoảng ngoài ba mươi tuổi; mà tôi đoán là với những người như thế này, thì việc du ngoạn trở thành một thông lệ mệt mỏi; việc du ngoạn có thể trở thành một thói nghiện ngập và thay đổi thể chất con người ta, giống như ma túy, khiến người ta trở nên gầy còm xác xơ. Một người ăn mày cúi gập ho hắng bên cạnh anh ta. Chàng trai trẻ không để tâm đến bàn tay đang chìa ra, tiếp tục chăm chú nhìn đoàn tàu. Tôi tránh xa anh ta. Chuyến đi đến Calcutta còn rất dài, không cần phải làm quen quá sớm. Tôi để ý thấy khi nhấc chiếc túi để lên tàu, anh ta đưa một đồng xu cho người ăn mày. Anh ta làm vậy dù không nhìn người ăn xin đang ho, với một sự tuân thủ đầy ngượng ngùng, giống như thể anh ta đang phải trả một khoản tiền qua cửa nho nhỏ.
Bác tài xế taxi giúp đỡ tôi nhiệt tình. Bác xách hộ cái túi, tìm bộ chăn gối cho tôi, xác định giường nằm cho tôi và bố trí để tôi có được một cái thìa kèm vào các suất ăn trên tàu. Bác chuẩn bị đi. Tôi đưa bác năm ru pi – thế là quá nhiều. Bác quyết định ở lại, giống như một cửu vạn nhiệt tình nhưng lại không phải khuân vác cái gì.
“Ngài có tiền chứ ạ?”
Tôi nói với bác là tôi có.
“Xin ngài cẩn thận,” bác nói. “Người Ấn Độ không tốt đâu. Họ sẽ móc ví của ngài đấy.”
Bác chỉ cho tôi làm thế nào để khóa khoang lại. Bác nhìn quanh, quắc mắt với những người Ấn Độ đi ngang qua hành lanh.
Bác cứ nhắc đi nhắc lại với tôi rằng phải cẩn thận, và tiếp tục cảnh báo kiểu đó nhiều tới mức đến tôi cũng bắt đầu tin rắng chuyến đi lên tới nút thắt cổ chai ở bang Andhra Parades, qua Orissa tới Bengal chất chứa bao nguy hiểm. Có lẽ những người dân Madras này, những người có đôi chân vòng kiềng đang nhổ nước trầu qua cửa sổ, đang chỉ chực chờ bác tài xế đi mất là nhảy bổ vào tôi. Và khi bác tài xế thực sự đi, tôi cảm thấy mình trơ trọi khác thường và dễ bị tấn công. Thường thì lúc nào tôi cũng cảm thấy hạnh phúc khi ngồi một mình trong góc, nhưng chỉ vào những khoảnh khắc như thế này, khi một người tình cờ gặp tôi, giúp đỡ tôi rồi đi mất, tôi mới cảm thấy thiếu thốn sự quan tâm của họ. Người đàn ông xa lạ nhiệt tâm ở Ấn Độ chỉ làm tôi mất chủ động: sự hiện diện của ông khiến tôi trở thành một quý ngài châu Âu trên đất Ấn, sự hiện diện của ông biến tôi thành một đứa trẻ.
Nhưng tôi vui vẻ lên đường. Đó là cảm giác tôi từng có trên tàu tốc hành Phương Đông trực tuyến, trên tàu thư vận Frontier, tàu tốc hành Grand Trunk: kích cỡ, chiều dài tít tắp của con tàu mang lại một sự thoải mái. Tàu càng to, chuyến đi càng dài, thì tôi càng thấy vui sướng – bất chấp niềm vui đó có bị tạm thời gián đoạn bởi cảm giác khó chịu mỗi khoảng thời gian tạm dừng của các tàu địa phương. Trên những chuyến đi dài, tôi hiếm khi nhìn xem mình đi qua những ga nào – tôi không quan tâm lắm đến tiến độ hành trình của tàu. Tôi đã học để trở thành một cư dân trên tàu tốc hành, tôi thích đi từ hai đến ba ngày, đọc sách, ăn uống trong toa ăn, ngủ sau bữa trưa, cập nhật nhật ký vào đầu giờ tối trước khi uống lượt rượu đầu tiên, rồi xem xem chúng tôi đang ở đâu trên bản đồ. Việc đi tàu đã kích thích trí tưởng tượng của tôi và thường mang lại cho tôi sự tĩnh mịch để sắp xếp và viết ra những suy nghĩ của mình: tôi có thể dễ dàng di chuyển trên hai hướng, dọc theo những đường ray đồng mức khi những hình ảnh của châu Á liên tục lóe lên và chuyển động trên ô cửa sổ, và bên trong thế giới trí nhớ và ngôn ngữ của riêng tôi. Tôi không thể tưởng tượng ra một sự kết hợp chuyển động nào tuyệt vời hơn.
Trong lúc đi ra toa ăn, tôi thấy chàng trai trẻ khom người bên cửa sổ, cạnh lối đi ngoài khoang của anh ta, hít thở thứ không khí tối tăm nóng bỏng. “Ông sẽ không tìm được gì nhiều ở đằng đó đâu,” anh ta nói khi tôi chen qua. Tôi gật đầu và chúng tôi trao cho nhau cái nhìn cảm thông, vốn là một điểm chung giữa nhìn người đi một mình trên những chuyến tàu dài. Tôi ăn tối – một thực đơn chay đặc biệt mà tôi đã bắt mình phải quen – và khi quay lại tôi thấy gã trai lại vẫn đứng ở chỗ cũ. Lần này, dường như anh ta đang đợi tôi. Anh ta không cố gắng có bất cứ cử động nào, dù là nhỏ nhất. Anh ta nói “Nó thế nào?”
“Bình thường. Tôi chẳng để ý – tôi ăn chay mà.”
“Không phải chuyện đó. Cái cách họ ăn cơ. Thức ăn đầy cánh tay họ. Làm tôi chẳng muốn ăn nữa. Ông đã thấy họ chuẩn bị thức ăn chưa? Họ đá vào thực phẩm khắp mọi chỗ, giẫm lên và ho vào thực phẩm. Nhưng tất nhiên, có thể ông vẫn còn may mắn.”
Chúng tôi nói chuyện về đồ ăn; anh ta có mang theo đồ ăn riêng. Rồi anh ta nói: “Tôi thấy ông ở Madras, cùng với người phu khuân vác đó. Thật là một nơi tồi tàn. Mà Calcutta còn tệ hơn. Ông đã tới đó bao giờ chưa?”
Tôi đáp rằng chưa.
“Có thể ông thích thứ như thế. Còn tôi nghĩ đó là một nơi kinh tởm.”
Anh ta rít nốt hơi cuối rồi vứt điếu thuốc ra ngoài cửa sổ, tàn lửa bắn tung tóe trong bóng tối. “Bất cứ nơi đâu ông nhìn. Thật kinh khủng.”
Một cô gái Ấn Độ đi về phía chúng tôi. Lẽ ra tôi có thể tranh thủ việc cô ấy bước tới để đi tiếp, nhưng tôi đợi, cả hai chúng tôi dạt sang một bên để cô đi qua. Cô cụp mắt xuống và lướt qua. Cô có đôi bờ vai thanh tú, đôi má khô phấn và mái tóc óng mượt, người cô tỏa ra một mùi hương ngọt nhẹ như một cánh hoa sắp tàn.
“Cô ấy xinh đẹp đấy.”
“Họ làm tôi chết mất,” anh ta nói. “Anh không tin tôi đâu.”
“Nếu anh cho là thế.”
“Tôi có một cô bạn gái người Ấn Độ - xinh hơn cô này. Đó là lý do vì sao tôi phải đi Calcutta.”
“Cô ấy ở đó à?”
“Cô ấy ở Bangalore. Ông đã bao giờ tới đó chưa? Cũng không quá tệ đâu, nhưng tôi vui sướng vì được xa nó – ý tôi là xa cô ta. Mà tôi có giữ chân ông quá lâu không nhỉ?”
“Vẫn còn sớm mà.” Thì ra là anh ta đang chạy trốn khỏi cô gái đó. Tôi băn khoăn không biết tại sao, nhưng tôi muốn có một câu trả lời đơn giản. Anh ta mời tôi vào khoang để kể tiếp cho tôi nghe. Trong khoang chủ yếu là đàn ông, cô đơn, thức khuya và than vãn về việc không có đàn bà. Anh đưa tôi một ly rượu gin Ấn Độ. Ly rượi làm bỏng môi tôi nhưng vị thì không ra làm sao.
Anh ta kể: “Cô ấy là con gái của một người mà tôi phải tới thăm. Tôi không biết ông thế nào, chứ lần đầu tiên tôi đến Ấn Độ, ít nhiều tôi cũng phớt lờ gái Ấn. Vâng, tôi thấy họ xinh đẹp đấy, nhưng điều trớ trêu về vẻ đẹp phụ nữ là nếu ta hoàn toàn chắc chắn rằng ta không lên giường với nàng thì ta sẽ bắt đầu cân đo vẻ đẹp của nàng. Ý tôi là, vẻ đẹp của nàng sẽ trở nên vô tác dụng. Nàng sẽ kém ưa nhìn hơn và trở nên nhàm chán cho tới khi ta thấy nàng vô hình. Nếu nàng có thân hình đẹp, ta sẽ thấy nàng như một thứ xấu xa, chứ không chỉ là kém ưa nhìn, nàng đợi ta có hành động là sẽ đưa ta vào nhà giam ngay. Ta có thể dần dần thực sự căm ghét những cô gái Ấn với ngoại hình đẹp và thứ đức hạnh chẳng để làm gì của họ. Đó là lý do tại sao tôi thích các nước Hồi giáo hơn. Họ che đậy phụ nữ của mình và chẳng bao giờ tranh cãi về điều đó. Chắng ai ngu ngốc đến mức dây dưa với một phụ nữ đeo những cái mạng đó. Không thể tưởng tượng được điều đó nữa là. Ý tôi là, họ thậm chí trông còn chẳng giống phụ nữ - họ trông giống đồ đạc trong nhà được che bạt lên để tránh bụi phủi. Người ta cho mạng che là quyến rũ. Mạng che chẳng quyến rũ tí nào – quyến rũ gì cái thứ cao mét tư và có phủ bạt lên trên cơ chứ?
“Tôi cảm thấy như vậy về con gái Ấn đấy. Chẳng tiếp cận được họ, lẽ ra họ cũng nên trùm bạt lên đầu. Họ càng xinh đẹp thì tôi càng cố gắng tránh xa. Tôi không quan tâm vì tôi biết họ cũng chẳng quan tâm. Anh hiểu ý tôi chứ? Tôi không để ý đến họ nữa. Tôi chỉ để ý đến cô con gái của người đàn ông tôi phải tới thăm. Cô ấy nhẹ nhàng bước tới và lui, tiếp thức ăn, tiếp trà, mang album ảnh gia đình ra, làm những việc đặc trưng của dân Ấn. Gia đình này có họ Bapna và khi ông già rời khỏi phòng thì cô gái mới mở miệng lần đầu tiên, hỏi rằng tôi ở đâu. Tôi kể cho cô ấy.
“Lúc ấy là vào khoảng ba giờ rưỡi chiều. Ông già quay lại. Ông ấy có vẻ hơi bồn chồn, nhưng rồi cũng nói được ý chính. Ông nói rằng nếu tôi định quay lại khách sạn thì tôi có vui lòng cho Primila và bạn của cô ấy đi nhờ không? Họ đang định đi xem phim, nhưng xe buýt lại mất thời gian và có thể họ không đến kịp.
“Tôi nói là tôi rất sẵn lòng. Thằng nhỏ giúp việc trong nhà chạy đi gọi được một cái taxi. Khi chúng tôi đang đi vào thành phố, Primila và bạn cô ấy nói chuyện với bác tài, chỉ đường cho bác ấy và đại loại là tranh cãi với bác về đường nào đi tốt nhất. Tôi hỏi: ‘Các em là bạn chung phòng ở trường à?’ Câu hỏi làm các cô cười khúc khích kéo tấm áo xa ri lên che miệng. Các cô đều đã hai mươi hai tuổi và cảm thấy xấu hổ khi bị nhầm là nữ sinh.
“Rồi xe taxi dừng lại. Cô bạn xuống xe còn Primila và tôi tiếp tục đi. Tôi hỏi ‘Phim của em chiếu ở đâu?’ Cô ấy trả lời là gần khách sạn của tôi. Tôi hỏi mấy giờ thì bắt đầu chiếu. Cô ấy trả lời ‘Phim chiếu cả ngày.’
“Tôi cứ nói chuyện mải miết và sau vài phút tôi nhận ra mình đang nói về một bức tranh mua của một nhà buôn ngày hôm trước, một bức tranh khá đẹp, nữ thần Lakshmi và nam thần Vishnu quyện vào nhau trên một bông sen đang nở. Primila cứ im lặng còn tôi cứ ba hoa. Điều này vẫn xảy ra – sự dè dặt của một ai đó lại khiến tôi nói nhiều khủng khiếp, cứ như thể nói bù cho người ta.
“Tới khách sạn tôi bảo ‘Tôi hy vọng em không phải đi bộ quá xa.’ Cô ấy nói rằng rạp chiếu phim ở ngay góc phố đó thôi. Tôi hỏi cô ấy đã bao giờ vào khách sạn chưa và khi cô ấy nói chưa thì tôi thấy tiếc cho cô ấy, như thể cô bị cấm cửa khỏi một nơi chỉ vì cô ấy không có tiền. Tôi hỏi ‘Em có muốn xem qua không?’ Cô ấy nói có. Chúng tôi đi vào trong. Tôi chỉ cho cô ấy xem nhà hàng và các quán bar, quầy bán báo, cửa hàng đồ cổ nơi tôi mua bức tranh. Cô ấy rất hứng thú, đi bên cạnh tôi, ghi nhận mọi thứ cứ như một người thăm bảo tàng.
“Có một điều tôi nghĩ phải nói với ông trước tiên là cách đây sáu tháng tôi ở Madras. Một buổi chiều có chút thời gian rảnh, tôi tới gặp một người xem tướng tay, Swasi Sundram. Đó là một ông già sống dai, căn nhà của ông ở Mylapore không treo bản đồ cũng như các tranh ảnh tôn giáo, thậm chí cũng chẳng có nhiều đệm. Ông ta ngồi trên cái bàn có nắp cuộn, cầm chiếc bút chì và mẩu giấy, trong một cái gọi là thư phòng đầy những cuốn sách mốc meo. Ông ta nhìn kỹ lòng bàn tay tôi, xem từng đường chỉ tay, rồi vẽ ra một biểu đồ trên giấy, viết ghi chú, đánh dấu khuyên và gạch chân chúng trong khi xem. Ông ta không nói câu nào trong khoảng mười phút gì đó, dù đôi lúc ông ta dừng lại khi đang viết rồi bóp trán, giống như một người đang cố gắng nhớ ra một thứ gì đó.
“Cuối cùng ông ta nói, ‘Cậu từng bị ốm nặng, đau ở bụng, đau cơ và bị khó cử động.’ Tôi gần như bật cười – ý tôi là người ta không cần phải là một nhà xem tướng tay để có thể nói với ai đó ở Ấn Độ rằng anh ta bị đau bụng. Ông ta nói với tôi một hai điều nữa, nhưng tôi nói ‘Ông nghe này, tôi biết điều gì đã xảy ra với mình – điều tôi muốn biết là cái gì sẽ xảy ra.’
“Ông ta nói, ‘Tôi thấy một cô gái người Ấn. Gương mặt cổ điển, có thể là một vũ nữ. Cậu ở một mình với cô ta.’
“ ‘Thế thôi sao,’ tôi nói.
“ ‘Không chỉ có vậy,’ ông ta trả lời, ‘Tôi thấy cậu khiêu vũ với cô ta.’
“Vâng, tất nhiên, khi ở trong khách sạn với Primila, tôi đã nghĩ về những điều mà Swadi Sundram nói. Tôi hỏi rằng cô ấy có phải một vũ nữ không và cô ấy nói rằng không phải. Và khi chúng tôi ra hiên thì cô ấy nói, ‘Em từng nhảy những điệu vũ truyền thống khi em còn bé, nếu đấy là điều anh muốn hỏi. Nhưng tất cả con gái Ấn đều làm thế mà.’ Tôi đề nghị uống trà. Cô ấy đồng ý. Tôi nói lẽ ra chúng tôi có thể uống một tí rượu cũng được. Cô ấy đáp ‘Tùy anh thôi.’ Tôi gọi rượu gin và tonic. Cô ấy nói là muốn rượu rum. Tôi không thể tin được. Tôi hỏi ‘Rượu rum thật à?’ Cô lại cười khúc khích, giống như trên taxi, nhưng không thay đổi ý định. Khi đồ uống được mang tới, chúng tôi cầm lấy cốc và cô ấy lại trở nên im lặng.
“Tôi cũng không có ý rõ ràng việc nói về bức tranh của mình, nhưng chẳng có điều gì nhiều để trò chuyện và tôi thấy mình có vấn đề trong việc miêu tả đồ vật. Vài lần tôi nói ‘Em nên xem nó.’ Cô ấy đáp ‘Vâng, em muốn xem,’ điều đó làm tôi thấy bực, vì thế có nghĩa là tôi phải lên trên lầu, tìm lôi nó ra và mang xuống. Bức tranh được bọc trong một gói dán kín để chống bụi. Tôi cảm thấy tiếc vì đã đề cập đến bức tranh – tôi chỉ định làm thế để tiếp tục câu chuyện. Lẽ ra tôi đã có thể uống một cách ngon lành một mình – để thư giãn. Tôi cần ở một mình sau khi gặp gỡ người khác, kiểu như là để cho tôi tự trở lại với bản thân mình. Ăn trưa với ông Bapna già đã làm cho tôi mệt lử. Tôi không nói gì thêm nữa.
“Cô ấy lại hỏi ‘Anh có bức tranh ở đây không?’ Tôi nói với cô ấy rằng nó ở trên lầu và tôi cảm thấy như thể bị dồn vào góc tường vì tôi sẽ không thể từ chối cho cô ấy xem. ‘Em có thích xem nó không?’ ‘Rất thích ạ,’ cô ấy nói. Tôi đáp được thôi, nhưng sẽ dễ hơn nhiều nếu như cô ấy lên trên lầu. Cô ấy đồng ý. Tôi nói ‘Để khi nào em uống xong đã.’ Nhưng cô ấy đã uống xong rồi. Tôi tợp nốt rượu rồi chúng tôi đi lên lầu. Vào trong phòng cô ấy nói ‘Em ghét máy điều hòa không khí’ Tôi đá cái máy một phát và nó im bặt.
“Chúng tôi ngắm bức tranh, ngồi trên giường – đó cũng là chỗ duy nhất có thể ngồi – và khi cô ấy phân tích bức tranh có gì hay, các đường nét được thể hiện tốt như thế nào, cô ấy vươn người qua nhấc bức tranh tôi đang đặt trong lòng. Đã bao giờ có một cô gái nhấc một thứ gì ra khỏi lòng anh chưa? Việc đó khiến tôi rùng mình – tôi thấy như từ tay cô ấy có dòng điện cường độ rất nhẹ bất chợt chạy qua háng mình.
“Cô ấy chỉ cho tôi xem chi tiết của bức tranh và khi nhìn bức tranh gần hơn thì tôi đã nắm tay cô ấy, từ cái cách cô ấy cho tôi nắm tay tôi biết mình có thể hôn cô ấy. Người ta không chiếu cảnh hôn nhau trên phim ảnh Ấn Độ. Tôi biết tại sao. Vì ở Ấn Độ, không có kiểu cử chỉ âu yếm nào như việc hôn hít mà lại không dẫn tới việc ân ái sau đó. Việc thể hiện tình cảm một tí xíu ở Ấn Độ đã là thể hiện sự đam mê rồi, nhưng điều làm tôi ngạc nhiên chính là sự việc hoàn toàn là ý tưởng của cô ấy, chứ không phải của tôi. Tôi còn phải đi ngược lại mong muốn của mình khi đưa cô ấy lên phòng!
“Tôi hôn cô ấy và quá bất ngờ trước sự hào hứng của cô ấy tới mức bị choáng ngợp trong đê mê. Tôi đã thực sự hạnh phúc, và niềm hân hoan đó ngược với ham muốn tình dục, nhưng cái hân hoan thì ngắn ngủi hơn ham muốn, nên chỉ trong vòng một phút tôi đã ở trên cô ấy. Cô ấy ở lại với tôi trong vòng hai tiếng.
“Việc này gây ra tác động không thể tin nổi với tôi, cứ như một cuộc cải đạo. Mọi phụ nữ tôi thấy sau lần đó đều hấp dẫn và tôi thấy mỗi người đều có thể là một cô nàng dễ dãi. Họ thực sự làm tôi hứng khởi – và tôi không thể rời mắt khỏi họ. Tôi thấy họ là những thiên tài duyên dáng, thông minh về tình dục, họ đã ngụy trang một cách hiệu quả với vẻ bận rộn của người phụ nữ Ấn Độ. Tôi đã rất tin vào những điều tôi biết, không ngần ngại ve vãn bất cứ ai trong số họ. Nhưng trên hết tôi bắt đầu hiểu một số ý mà Swami Sundram đã nói: ‘Cô ấy sẽ nhảy vì cậu.’ Rõ ràng Primila là cô gái mà ông ta nói tới. Tôi gặp cô ấy một vài lần nữa và tôi thực sự yêu cô ấy – thậm chí tôi nghĩ bác Bapna già đã nghi ngờ điều gì đang diễn ra vì ông ấy hỏi tôi rất nhiều câu hỏi về gia đình tôi, tôi đang làm công việc gì và những dự định của tôi là gì? Primila nói rất nhiều về việc rời Ấn Độ và một ngày cô ấy sẽ diện áo cánh cùng quần Tây. Cô ấy trông có vẻ lấc cấc khi mặc Âu phục, nhưng, như tôi nói, tôi đang bắt đầu yêu cô ấy và tưởng tượng mình sẽ có một đám cưới tuyệt vời kiểu Ấn. Primila nói cô ấy luôn muốn đến Anh quốc – cô ấy đã đọc rất nhiều điều về điều này, kiểu như thế. Tôi có thể hiểu điều gì đang diễn ra.
“Swami Sundram đã tiên đoán việc này. Tôi đồ rằng như vậy, nên ngay khi có cơ hội tiếp theo, tôi đã đến Madras, để ông ta không nhận ra tôi, tôi cạo sạch râu và mặc quần áo khác. Lần này tôi phải đợi bên ngoài nhà cho tới khi ông ta xong việc với một khách hàng khác, và khi tôi bước vào, ông ta lại làm cái việc tương tự với những biểu đồ và ghi chú. Tôi không để lộ ra là tôi đã từng đến đây lần trước. Rồi ông ta nói ‘Đau trên đầu, đau rất nhiều, như là bệnh đau đầu.’ Tôi bảo ông ta cứ tiếp tục. ‘Cậu đang chờ một lá thư quan trọng,’ ông ta nói. Ông ta ấn vào cái đệm lò xo và phán, ‘Cậu sẽ nhận được thư này sớm thôi.’ Tôi hỏi như thế có phải mọi việc xong xuôi. ‘Không,’ ông ta nói, ‘Cậu có một nốt ruồi to trên dương vật.’ ‘Không, tôi làm gì có,’ tôi trả lời. Nhưng ông ta cứ bám vào câu chuyện của mình. Ông ta khẳng định, ‘Cậu chắc chắn có.’ Điều ngạc nhiên là ông ta cứ nhất quyết nói rằng tôi có nốt ruồi trên dương vật trong khi tôi đã phủ nhận điều đó và thậm chí có thể chứng minh cho ông ta thấy là ông ta sai thế nào. Ông ta dường như phát cáu lên bảo tôi không nên cãi lại ông ta. Tôi trả tiền cho ông ta rồi đi.
“Đó là ngày hôm qua. Tôi không quay lại Bangalore. Tôi mua một vé đến Calcutta. Tôi sẽ đi – sẽ bay tới Bangkok. Nếu tôi không gặp Swami có lẽ bây giờ tôi đã kết hôn, hoặc chí ít cũng đã hứa hôn – cũng thế cả mà. Cô ấy là một cô gái tốt, nhưng tôi hẳn là có nghiệp chướng và tôi không có nốt ruồi trên dương vật. Tôi xem rồi.”
“Cho tôi xin cái chai,” anh ta nói. Anh ta làm một ngụm rồi lại nói, “Đừng bao giờ quay lại xem một thầy bói tay.”
Từ Berhampur và Khurda chúng tôi đến Cuttack, nơi có những đứa trẻ nhảy xuống sông, ngụp lặn xung quanh những con trâu đang ngâm mình đến tận lỗ mũi trên dòng Mahadani mênh mông. Đây là góc Đông Bắc Orrissa, thủ đô của bệnh đậu mùa trên thế giới – Balasore, chính cái tên này gọi đến một thứ bệnh dịch gây ngứa ngáy. Biển báo tại ga tàu giống như phụ đề thuyết minh những hình ảnh tôi thấy từ trên tàu: Tuleswar, một phụ nữ đội trên đầu một bình đất nung đựng nước, mang theo những dịch bệnh đến một ngôi làng xa; Duntan, một người Bengal đang ngồi phóng uế trong tư thế như bức tượng Người suy tưởng của Rodin; Kharagpur, một người đàn ông vặn đuôi con trâu để nó đi nhanh hơn; Panskura, một đám trẻ con mặc đồng phục chạy dọc đường ray về khu ổ chuột của chúng để ăn trưa; và tới những khoảng sân ga có tường bao chật ních ở Budge-Budge, hình ảnh thương tâm đầu tiên đập vào mắt tôi là một ông già dắt một cậu bé đi qua sân ga lổn nhổn đá vụn, ông già mù có khuôn mặt hiểm độc siết chặt tay một đứa trẻ sợ hãi đang dẫn đường cho ông ta.
Hành khách trên tàu thư vận Howrah có vẻ mặt nghiêm nghị đầy mệt mỏi. Họ không để ý chút nào tới đám bán rong xuất hiện ngày càng nhiều khi tới gần Calcutta, đám này lên tàu tại những ga ngoại ô, làm xiếc trên những toa tàu mở cửa. Một người đàn ông lên tàu với một ấm trà và giữ thăng bằng cho mớ chén gốm xếp trên cánh tay anh ta. Anh ta nói những lời đinh tai, mời mọc hành khách uống trà, đung đưa cái ấm trước mặt từng người, rồi lại phải xuống tàu: không bán được chút nào. Tiếp sau anh ta là một người đàn ông với một hũ kẹo và một cái thìa. Anh này lấy thìa gõ vào hũ kẹo và bắt đầu rao bằng một giọng đều đều. Cái hũ được chìa đến tận từng người, anh này vẫn tiếp tục nện cái thìa cứ thế cho đến cửa toa, khi một người khác tiến vào với một khay bút máy. Anh ta lảm nhảm, trong lúc đó thì biểu diễn cái nắp bút được vặn ra thế nào, cái ngòi được nhúng ra sao, cách ruột bút hoạt động thế nào; anh ta xoay cái bút và giữ nó cho mọi người xem; anh ta làm mọi thứ trừ việc dùng nó để viết và khi kết thúc anh ta lại bỏ đi, không bán được cái gì. Lại thêm những thứ nữa được rao trên tàu: bánh bao, lạc rang, lược nhựa, dây dù, những cuốn sách bẩn; chẳng ai bán được món nào.
Tại một số ga, người Ấn Độ trèo qua cửa sổ vào chỗ ngồi, nhưng khi chỗ ngồi đã hết thì họ lại dồn nhau ở cửa, chỉ có bám vào toa tàu một cách mong manh. Họ treo lủng lẳng trên trần với những sợi dây, dồn nhau vào thành toa như những đống củi, chen chúc nhau trên ghế, ép sát đầu gối vào nhau; và bên ngoài tàu thư vận Howrah, họ nhanh nhẹn bám vào thành toa tàu cứ như thể bị nam châm hút vào.
Gần ga Howrah, những đám người Bihar từ những bậc bến nước nhảy xuống dòng sông Hooghly nhầy nhụa mà họ cho là linh thiêng. Lễ hội của họ, Chhat, làm Calcutta sôi động hẳn lên và đây là dịp để những người Bihar thể hiện sức mạnh của họ với những người Bengal. Trong khi đó người Bengal với lễ hội Kali riêng của họ đã làm chật kín nhiều con phố lẫn căn phòng khủng khiếp, tức là điện thờ Kali: một bức tượng nữ thần to gấp đôi người thường với đôi mắt trợn trừng, chuỗi đầu lâu ngưới quấn quanh cổ, lưỡi thè ra đỏ tươi như một que kem dâu và chân giẫm lên cái xác tả tơi thê thảm của chồng nữ thần. Đằng sau tượng Kali, các bức phù điêu thạch cao thể hiện bốn người đàn ông bị đọa đày, người đầu tiên bị đóng xuyên qua một ngọn giáo đầy máu me, người thứ hai bị một bộ xương siết cổ, người thứ ba bị một mụ phù thủy đánh nằm bẹp ra trong khi mụ này cũng đang chặt đầu người thứ tư. Đây là một thách thức đối với người Bihar, những đoàn diễu hành của họ có những kiệu thờ di động cao phủ vải vàng, những xe đẩy chở phụ nữ ngồi giữa một đống chuối cúng, trông rất ngoan đạo và vài nhóm nhỏ những người ăn mặc cải trang như người khác giới nhảy múa theo tiếng kèn trống.
“Những người Bihar đây rồi, họ đến để ném chuối xuống dòng Hooghly,” ông Chatterjee, người ngồi trên toa riêng nói. Là một người Bengal, ông Chatterjee không chắc lắm về mục đích của lễ hội Chhat, nhưng nghĩ có thể nó liên quan đến mùa màng. Tôi nói tôi không nghĩ rằng mùa vụ ở Calcutta là lớn lắm. Ông đồng ý, nhưng nói rằng những người Bihar tận hưởng cơ hội một năm mới có một lần để gầm ghè với việc làm ăn của người Bengal. Ở đầu tất cả các đoàn tàu diễu hành là một cậu bé đen nhẻm cười toe toét, ăn vận như con gái, cổ tay múa những động tác giật cục và “cái giống” của cậu ta trong cái váy sari đó cứ chỉa lên trời, vung qua vẩy lại. Hết lần này đến lần khác, các bé gái (có thể cũng là con trai) đằng sau cậu bé đi đầu phủ phục quỳ mọp xuống tận mặt phố ngập ngụa rác rưởi.
Đám đông cuồng tín, sự thiêng liêng mà nhặng xị, những tạp âm nhưng lại chính thống: mọi thứ ở trong cuộc sống ở Ấn Độ dường như vượt qua mọi quy chuẩn, thậm chí cả chính trị cũng có hơi hướng puja[1]. Trong khi các lễ hội tôn giáo này đi theo một cách thống thiết riêng, thì Trung tâm Đoàn kết Xã hội đã tổ chức một kỳ nghỉ làm – gọi là bundh – và các lần tập hợp của họ tại các khu đất trống – gọi là maidan – với cờ quạt và biểu ngữ, diễu hành và diễn văn, trên thực tế không thể phân biệt được hình ảnh của các cuộc họp đạo lớn trên những vỉa hè của Chowringhee, hay tại các bến nước đầy bùn đất. Khía cạnh này của Calcutta là những ấn tượng đầu tiên để lại cho du khách, nhưng ấn tượng lâu dài hơn là một bầu không khí náo động có tổ chức, mọi người đều bận rộn thực hiện một chương trình nào đó, nhiều tới mức người ta có thể thấy hàng nghìn người đồng loại ngồi hoặc đứng trên vỉa hè – gọi là đồng loạt vì không gian rất chật chội, đều có cái vẻ của những người biểu tình phi vũ lực đang tiến hành một buổi biểu tình kiên trì vì chân lý – gọi là satyagraha – suốt một buổi chiều dài. Tôi tưởng tượng ra một nhóm khác bằng những hình dung lờ mờ, khi tôi đọc trên một tờ báo của Calcutta rằng “Các nhà lãnh đạo cánh tả quyết định sử dụng biện pháp biểu tình ngồi tập thể...”
[1] Sử dụng bái theo kiểu Ấn.
Nhìn từ bên ngoài, nhà ga Howrah trông như một văn phòng, với các ngọn tháp không hoàn toàn vuông vắn, rất nhiều đồng hồ - mỗi cái theo một múi giờ khác nhau – và những bức tường gạch kín đáo. Các tòa nhà kiểu Anh xây ở Ấn Độ cứ như chúng đang phải chống lại một cuộc bao vây – có các chốt công sự, các ụ súng thần công và tháp canh kể cả ở nhưng công trình chẳng có vẻ gì là sẽ bị tấn công. Vì vậy nhà ga Howrah giống như một phiên bản dạng pháo đài của một văn phòng quanh co khổng lồ, tạo ra ấn tượng rằng chỉ khi mua vé tàu ở đây mới chắc được rằng đây là ga tàu. Nhưng phía bên trong nhà ga thì lại cao và đầy khói bởi các đống lửa do những người sử dụng nhà ga đốt; trần nhà đen ngòm, sàn ẩm ướt, bẩn thỉu và tối tăm – những luồng ánh nắng mặt trời dài từ các cửa sổ cao nhất chiếu vào cũng mất đi độ sáng khi đi qua bụi bặm.
“Nó còn tốt chán so với hồi trước,” ông Chatterjee nói khi thấy tôi nghển cổ. “Anh phải thấy cái nhà ga này trước khi được lau dọn cơ.”
Nhận xét của ông thật sự không thể bác lại được. Nhưng dưới mỗi cây cột, những người ngồi xổm túm tụm lại với nhau giữa đống rác mà chính họ đã xả ra: kính vỡ, những mẩu giấy và gỗ, ống hút và các lon thiếc. Vài đứa trẻ dựa vào cha mẹ ngủ ngon lành; những đứa khác thì nằm cuộn lại như lũ tiểu yêu ở những góc bụi bặm. Các gia đình tìm kiếm chỗ nghỉ bên những cây cột, dưới quầy hàng và các xe hành lý: sự rộng lớn của nhà ga dọa dẫm họ bằng không gian mênh mông và đẩy họ ra phía các bức tường. Trẻ con của các gia đình này lảng vảng ở những chỗ rộng, gom những gì lục lọi được lại để chơi đùa. Chúng là những đứa trẻ tí hon của những ông bố bà mẹ tí hon. Điều đáng ngạc nhiên là tại Ấn Độ người ta có thể thấy hai loại người khác nhau trong quá trình tiến hóa, tồn tại song song với nhau, một loại khá cao lớn, nhanh nhẹn và nhiệt tình, một loại người khác, mà với họ tiến hóa là sự thu nhỏ, họ nhỏ thó, ốm yếu và khúm núm. Họ như hai giống người có chung một đất sống là ga xe lửa, dù họ có tiến lại rất gần nhau (một thằng nhóc ngả lưng gần cửa sổ bán vé nhìn chân những người xếp hàng) thì họ vẫn không tương xứng với nhau.
Tôi bước ra ngoài, lẫn vào sự hỗn mang giữa ban ngày tại bờ phía Tây của cầu Howrah. Ở Simla, những chiếc xe kéo tay được giữ lại vẻ cổ kính, người ta ngồi lên nó rất điệu bộ. Còn ở Calcutta, những chiếc xe này, được những người phu gầy nhom quần áo tả tơi kéo, là một phương tiện giao thông thiết yếu, rẻ và dễ len lỏi trong những ngõ hẹp. Chúng là một biểu tượng nguyên sơ của xã hội Ấn Độ, nhưng tại Ấn Độ tất cả các biểu tượng đều nguyên sơ: những người vô gia cư ngủ trước cổng vào các biệt thự, một thị dân trên đường chạy lên tàu hỏa vô tình giẫm phải một người ngủ trên sân ga, một người phu gò lưng kéo xồng xộc vị khách béo núc ních trên xe. Những con ngựa nhỏ bị đóng cương để kéo những chiếc xe chở khách nặng nề qua những con đường đầy sỏi, những người đàn ông đẩy xe đạp chất đầy những kiện hàng và củi đun. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy nhiều hình thức vận tải như vậy: xe ngựa, xe máy, ô tô cũ, xe đẩy và xe trượt cùng các loại xe ngựa kéo kiểu cũ, kỳ dị mà có thể đã từng là xe tứ mã. Trên một chiếc xe đẩy, những con rùa biển chết, vây chèo đã trắng dã ra, được xếp dồn lên nhau; trên xe khác thì một con trâu chết và trên xe thứ ba là cả một gia đình với tài sản của họ - lũ trẻ con, cái lồng vẹt, xoong và chảo. Giữa những phương tiện vận tải đó, người ta vẫn lao đi. Rồi xảy ra một sự hoảng loạn, mọi người tản hết ra khi một xe chở khách xập xệ có dòng chữ TOLLY-GUNGE lắc lư đi xuống cầu. Ông Chatterjee nói: “Quá nhiều người ấy mà!”
Ông Chatterjee đi bộ qua cầu cùng với tôi. Ông là một người Bengal, mà đó là những người cần cảnh giác nhất tôi gặp ở Ấn Độ. Nhưng họ cũng là những người dễ bị kích động, nói nhiều, máy móc, kiêu ngạo và chẳng hài hước gì cả, họ diễn thuyết với một kỹ năng đầy hiểm ác về hầu hết mọi chủ đề chỉ trừ tương lai của Calcutta. Hễ cứ ai đề cập đến vấn đề này là người Bengal lại cứng lưỡi. Nhưng ông Chatterjee có quan điểm riêng. Ông từng đọc một bài báo về triển vọng của Calcutta. Calcutta rất xui xẻo: Chicago từng chịu một trận hỏa hoạn lớn, San Francisco xảy ra một trận động đất và London có cả dịch bệnh lẫn hỏa hoạn. Nhưng chẳng điều gì xảy đến với Calcutta để các nhà quy hoạch ở đây có cơ hội tái thiết thành phố. Ông nói rằng anh phải thừa nhận điều này, thành phố này có sinh lực bền bỉ của nó. Vấn đề những người sống trên vỉa hè (ông nêu ra con số một phần tư liệu) theo cách nào đó đã bị “bi kịch hóa quá mức”, và khi xem xét tới tình huống là chỉ những người sống trên vỉa hè mới tham gia vào công việc nhặt rác, thì người ta phải thấy rác rưởi ở Calcutta “hầu hết đã được tái chế một cách triệt để.” Dường như đó là một cách dùng từ sai và nó gần như sa vào sáo rỗng: sinh lực bền bỉ kiểu gì ở một nơi mà người ta chết trên cống rãnh (“Nhưng ai rồi mà chẳng chết,” theo lời ông C.), rồi thì một phần tư triệu người bị bi kịch hóa quá mức, rồi thì những người nhặt rác làm công tác tái chế. Chúng tôi đi qua một người đàn ông đang ngả người chìa tay ra. Hắn ta là một con quái vật. Nửa khuôn mặt đã mất, cứ như thể nó bị cắt xéo một cách vụng về - hắn không có mũi, không có môi, không có cằm; và hàm răng lúc nào cũng nhô ra của hắn giữ trong miệng một cái lưỡi thâm tím. Ông Chatterjee nhìn thấy tôi bị sốc. “Ồ, là anh ta! Anh ta luôn ở đây mà!”
Trước khi chia tay tôi ở Barabazar, ông Chatterjee nói: “Tôi yêu thành phố này.” Chúng tôi trao địa chỉ cho nhau rồi chia tay, tôi về một khách sạn, ông Chatterjee thì về đường Strand, nơi dòng sông Hoogly dềnh bùn đất lên một cách tệ hại, chẳng mấy chốc mà tro bụi hỏa táng của những người Bengal sẽ nổi lên trên.
Tôi ở lại Calcutta bốn ngày, đi giảng bài, ngắm cảnh và rồi tiêu hết thù lao giảng bài tại Câu lạc bộ Đua ngựa Hoàng gia Calcutta vào thứ Bảy, ngày mà tôi quyết định sẽ rời đi. Ngày đầu tiên, thành phố trông như một xác chết mà người Ấn Độ là những đàn ruồi vo ve kiếm ăn trên đó. Sau đấy tôi thấy những đường nét của nó rõ ràng hơn, những cây cột cao và những kim tự tháp ở Nghĩa địa phố Park, những ngôi biệt thự mục nát trang trí đường diềm và cột trụ, ở đài phun nước tại sân trong của những chỗ ấy: tượng nữ thần và yêu nữ thổi vào những tù và ốc khô khốc, tượng cũng giống những người đang sống dưới chân chúng trong những bao tải gai, đều mất chân hoặc tay. Tiếng xe điện leng keng trong đêm; ánh đèn chập chờn chiếu sáng những con bò hoang đang sục mõm vào đống rác, tranh nhau với đám người Ấn Độ đang cào xới tìm xem có thứ gì ăn được. Những khu tập thể cao tầng mang phong cách thời kỳ Moghul.
“...chen lẫn thành phố, đè lên nó, lèn vôi vữa và gạch vào nó, không để lọt chút không khí vào nó và đứng trơ trơ chắn nó khỏi ánh sáng.
Bạn dò dẫm lối đi mất khoảng một tiếng qua những ngõ ngách, những lối tắt, những sân nhà và hành lang; bạn sẽ không một lần nào xuất hiện trên một thứ gì có thể được gọi tương đối là con phố. Một cảm giác phát điên vì bất lực xuất hiện với người lạ khi anh ta bước đi trên những mê cung khúc khuỷu đó, rồi anh ta bị lạc, đi vào đi ra, đi vòng quanh, lặng lẽ quay lại lần nữa khi anh ta đi tới một bức tường cuối ngõ cụt hoặc bị chặn bởi một bức rào sắt, và cảm giác thấy rằng những lối thoát ra sẽ xuất hiện vào thời điểm thích hợp, nhưng mong đợi chúng thì quả là vô vọng...
Trên những con phố chính chật hẹp, đây đó vẫn có những cổng cũ bằng gỗ sồi được chạm trổ, mà ở đó thời xa xưa vẫn có âm thanh của những buổi chè chén tiệc tùng vọng ra, nhưng trong hiện tại, những tòa nhà đó chỉ còn được dùng làm nhà kho, tối tăm và xám xịt, bên trong đầy những len, vải bông và những thứ tương tự - những thứ hàng hóa nặng nề này kiềm tỏa âm thanh và làm mất tiếng vọng – bầu không khí chết chóc có thể cầm nắm được... Ở những chỗ con đường không phải phố chính thắt lại và phình ra... các nhà bán buôn hàng rau quả như đang ở trong thành phố nhỏ hoàn hảo riêng của họ; và phía sâu dưới móng của những ngôi nhà này, đất bị xói mòn, bị đào lên làm chuồng ngựa, trong chuồng những con ngựa kéo xe bị lũ chuột quấy rầy, mà vào một ngày Chủ nhật yên tĩnh có thể nghe thấy tiếng ngựa đang lúc lắc dây cương, giống như truyện về lũ ngựa ma ám khí những hồn ma không yên nghỉ đung đưa dây xích của chúng...
Rồi có những đỉnh chóp nhọn của nhà thờ, những tòa tháp, những gác chuông, những chong chóng sáng chói trên nóc nhà và cột buồm trên những con tàu. Những giàn giáo, những mái nhà, cửa sổ gác thượng, vẻ tiêu điều này đè lên trên vẻ tiêu điều khác. Khói và tiếng ồn nhiều như của cả thế giới tập trung về đây.”
Còn nữa và đều rất hay, nhưng tôi nghĩ trích như thế là đủ thấy miêu tả tốt nhất về Calcutta chính là miêu tả khu Todger Ở London trong chương IX cuốn Martin Chuzzlewit[2]. Tôi thấy Calcutta rất giống với quan sát của Dickens (có thể còn giống mô tả của Dickens hơn cả chính London); và tôi hiểu rằng mình không thể chia sẻ niềm hân hoan của những người Bengal đồng ý để Ngân hàng Trung ương Ấn Độ treo lên một cái biển quảng cáo to khủng khiếp trong thành phố (CALCUTTA LÀ MÃI MÃI), hoặc theo một cách kỳ quặc hơn, tôi cũng không thể chia sẻ sự quan tâm quá chu đáo của những người Mỹ tôi gặp ở đó dành cho thành phố rộng lớn nhưng chưa hoàn thiện này, sự quan tâm mà tôi cảm giác ngày nào đó sẽ khiến họ không còn là họ. Vì thế, tôi quyết định rời Calcutta, cũng có nghĩa là rời khỏi Ấn Độ.
[2] Tác phẩm của Charles Dickens.
Trên đường đi, tôi thấy người đàn ông nhảy lò cò trong đám đông ở Chowringhee. Anh ta rất kỳ lạ: trong một thành phố của những người dị tật này thì chỉ có một người trông cực kỳ gớm ghiếc mới nổi bật. Anh ta chỉ có một chân – chân còn lại đã bị cắt cụt tới tận bắp vế - nhưng anh ta không dùng nạng. Một tay anh ta ôm một cái bọc nhầy nhụa. Anh ta nhảy lò cò qua tôi, miệng há hốc, bờ vai lắc lắc. Tôi đi theo anh ta, rồi anh ta rẽ vào phố Middleton, nhảy lò cò rất nhanh trên một chân, như một người nhảy trên cây cà kheo pogo[3], đầu nhô lên rồi thụt xuống trong đám đông. Tôi không thể chạy vì vướng những người khác, những nhân viên bán hàng da đen đi nhanh như tên bắn, những thầy tu cầm ô, những người ăn xin không có tay chìa phần tay cụt ra trước tôi, những người đàn bà bế đứa bé bị cho uống thuốc ngủ, những gia đình đang đi dạo mát, những người đàn ông mặc quần thụng, tay vung vẩy như muốn choán hết vỉa hè. Anh chàng nhảy lò cò đã xa khuất. Tôi theo dấu – tôi có thể nhìn rõ đầu anh ta – rồi lạc mất anh ta. Với một chân mà anh ta đã vượt xa tôi, tôi không bao giờ nghĩ rằng bằng cách nào anh ta có thể làm được như vậy. Nhưng sau này, mỗi khi nghĩ về Ấn Độ, tôi lại mường tượng ra anh ta – cứ nhảy lò cò, lò cò, lò cò – nhanh nhẹn vượt qua đám đông hàng triệu người đó.
[3] Một loại cà kheo có lò xo.
Phương Đông Lướt Ngoài Cửa Sổ Phương Đông Lướt Ngoài Cửa Sổ - Paul Theroux Phương Đông Lướt Ngoài Cửa Sổ