Số lần đọc/download: 5526 / 164
Cập nhật: 2015-03-16 08:36:23 +0700
Bên lò sưởi
C
hiều hôm ấy, ăn cơm xong thì trời đã tối. Nghe tiếng gió vù vù thổi, Mai hỏi Ái:
- Con có lạnh không?
- Có mẹ ạ.
- Vậy con không nhớ lạnh thì phải làm gì ư?
Ái vội vàng xuống bếp ôm lên một ôm củi. Bên cạnh lò sưởi, Huy đương ngồi làm việc ở bàn giấy, nghe tiếng kịch kịch, cúi xuống bảo Ái:
- Làm gì thế, cháu?
- Ái đốt lò sưởi cho cậu.
Huy ẵm Ái vào lòng, nói:
- Cháu tôi ngoan quá. Nhưng sao cháu ướt cả thế này?
- Giời mưa đấy cậu ạ.
- Tội nghiệp! Mưa mà cháu tôi cũng chịu khó lặn lội xuống bếp.
Rồi Huy quay lại bảo ông Hạnh:
- Thôi ông ạ, không rét đâu, đốt lò làm gì cho tốn củi.
Ái đáp:
- Mẹ bảo đốt đấy, cậu ạ.
Mai ngồi khâu ở bên giường, buồn rầu bảo em:
- Sao em lại thế? Chị chả bằng lòng tí nào. Ông đốc đã dặn cẩn thận rằng hễ đêm nào lạnh thì phải đốt lò sưởi. Em không nhớ năm kia vì em làm việc đêm bị cảm lạnh mà bệnh đau ngực của em lại phát ra đấy ư? Còn suốt mùa rét năm ngoái thì có việc gì đâu?
Thấy chị săn sóc chăm nom mình như một người mẹ nâng niu âu yếm con, Huy cảm động không nói được nên lời. Mai tiếp luôn:
- Bất quá mỗi tháng đốt mất độ một đồng bạc củi thôi chứ mấy! Ở đây củi rẻ lắm kia, em ạ. Chả hơn vì hà tiện mà sinh ốm, sinh đau thì tiền lại có thể tốn gấp mấy mươi lần.
Ông Hạnh đương lúi húi nhóm lò, quay lại bảo Mai:
- Cô chỉ nói dại.
Cái tính thực thà, hay kiêng những lời nói rông của ông lão bộc khiến Huy phải bật cười. Chẳng hiều vì sao tự nhiên cậu lại cười. Ái đứng dậy hỏi.
- Cậu cười gì thế, cậu?
Huy xoa đầu Ái, nói:
- Cậu cười Ái đấy.
- Nhưng sao cậu lại cười Ái.
Mai ngừng khâu nhìn về phía bàn giấy bảo Ái:
- Vì Ái không đi kiếm củi về cho cậu sưởi.
- Thế mai Ái đi kiếm củi, nhé? Ở trên đồi sau nhà có vô số cành khô cơ mẹ ạ.
- Nhưng Ái có gánh được không?
- Ðược chứ!
Lúc đó trong lò đã bén củi, đương bùng bùng cháy, tiếng nỗ lách tách, lẹt đẹt, Ái vỗ tay reo:
- Nó kêu như pháo ấy, cậu ơi!
- Ừ, pháo của cậu đấy.
Một tiếng nổ mạnh làm bắn than hồng ra ngoài, Huy bảo Ái:
- Lại cả pháo ống lệnh nữa đấy. Tết năm nay đỡ tốn tiền mua pháo nhĩ, cháu nhỉ!
Ái nũng nịu:
- Không đâu, cậu ạ, cháu thích pháo thật cơ. Pháo thật đỏ đẹp hơn chứ.... Huy trỏ than hồng bảo cháu:
- Thế pháo của cậu không đỏ là gì? Mà lại ấm nữa kia.
Ái cười quay lại gọi Mai:
- Mẹ ơi, mẹ!
Mai vẫn khâu, hỏi lại:
- Cái gì thế, con?
- Cậu bảo pháo của cậu ấm mẹ ạ.
- Thế à!... Nhưng con để cậu làm việc chứ.
Ái ngoan ngoãn tụt xuống đất. Rồi sau khi đứng nghĩ ngợi vài phút, Ái đến bàn ăn khệ nệ bê lại bên lò sưởi một cái ghế mây. Huy như hiểu cháu định làm gì, ngồi yên ngắm nghía, trong làng cảm động. Còn Mai thấy con lôi lệt sệt cái ghế thì ngửng đầu lên mắng:
- Ái nghịch quá! Có để cho cậu làm việc không?
Ái vờ không nghe rõ tiếng mẹ, cố sức ôm cao cái ghế cho chân nó khỏi chạm đất.
Rồi khi đã đặt cái ghế bên lò sưởi, Ái rón rén lại gần Mai thỏ thẻ:
- Mẹ lại ngồi ghế kia mà khâu cho ấm.
Huy cất tiếng cười sung sướng. Còn Mai thì cảm động quá ôm lấy con mà hôn, nước mắt ướt cả hai bên má. Rồi nàng đứng dậy theo con lại ngồi bên bàn giấy của Huy.
Một lát sau ba người cặm cụi làm việc đến nỗi không lưu ý đến tiếng chuông ở ngoài cổng.
Ông Hạnh chạy ra hỏi:
- Ai?
Người đứng ngoài ghé vào cổng nói khẽ:
- Se sẽ chứ ông.
- Nhưng ai đấy mới được chứ?
- Tôi, tôi là ông huyện Lộc, đến đây lúc ban chiều ấy mà.
- À ông tham... ông huyện!
Vội vàng, ông Hạnh mở khóa. Lộc lại nói:
- Se sẽ chứ.
Cánh cổng hé từ từ. Lộc bước vào thì thầm hỏi ông Hạnh:
- Ở trong nhà chưa có ai biết có người đến đấy chứ?
- Bẩm, hình như chưa.
- Vậy ông đừng có nói ai đến chơi nhé, cứ để cổng đấy, một tí nữa tôi lại ra ngay.
Ông Hạnh không hiểu còn đang ngơ ngác nhìn, thì Lộc đã nhẹ nhàng rón rén bước lên thềm, và đứng dán mắt nơi khe cửa nhìn vào trong nhà.
Một bức tranh gia đình đầm ấm bỗng vẽ ra trước mắt chàng: Trong lò sưởi, ngọn lửa hồng và rung động, xây lưng lại lò sưởi, Huy ngồi bàn giấy hí hoáy viết, thỉnh thoảng lại ngừng bút ngẫm nghĩ. Ðầu bàn phía trong, Mai ngồi khâu, màu trắng của mấy vuông vải mới long lanh phản chiếu ánh vàng dịu của cây đèn dầu có chụp giấy màu xanh. Ðầu bàn đối diện, Ái đứng ngay lưng ra ngoài và đương đánh vần đọc truyện Tấm Cám.
Lộc nhịn thở, yên lặng như một pho tượng. Vì, trong lòng lo lắng, chàng tưởng như Mai và Huy có thể nghe rõ được những tiếng động se sẽ của chàng. Bỗng chàng giật mình, Mai vừa ngửng đầu lên đăm đăm nhìn ra chỗ chàng đứng. Chàng toan bỏ chạy thì nghe thấy Mai bảo con:
- Ái! Lấy vở ra viết đi. Mai hãy tập đọc.
Ái đương muốn khoe tài với cậu, thấy mẹ không cho phép đọc nữa thì không bằng lòng, phụng phịu nhìn Mai. Rồi nó lại cúi xuống đánh vần luôn:
- Ô kìa! Ðã bảo thôi để cậu làm việc mà!
Huy thương hại cho cháu đọc.
- Chị cứ để vậy cho cháu đọc.
- Ngày mai cậu đi dạy học thì tha hồ mà đọc.
Huy cười bảo Ái:
- Thôi cháu nên nghe lời mẹ, chóng ngoan! Ðây, cậu cho quyển sổ và cái bút chì, muốn vẽ gì thì vẽ.
Một lát sau Ái hớn hở mang những công trình của mình lại khoe cậu. Huy vừa nhác trông thấy đã cất tiếng cười rộ:
- Trời ơi! Cháu tôi thực là một nhà hội họa có tài. Nhưng Ái vẽ ai thế?
Ái tự phụ trả lời:
- Cháu vẽ cậu đấy.
Huy lại cười:
- Cháu vẽ đẹp quá! Mà sao tóc cậu lại đứng dựng lên thế này.
Mở sang trang sau, Huy trỏ vào một cái hình vuông bốn góc có bốn nét gạch quay ra bốn phía và hỏi Ái:
- Cái gì thế này, cháu!
- Cái bàn đấy.
Huy vừa cười vừa đưa quyển sổ cho Mai coi:
- Chị này. Ái vẽ cái bàn trông thấy đủ cá bốn chân.
Mai nhìn tranh củ con cũng không sao nhịn cười được. Ái cho là mẹ và cậu không phục tài mình liền tìm ra một cách để tỏ rằng mình vẽ không sai. Nó chạy chung quanh bàn, cất tiếng đếm thực to số chân rồi bảo Huy:
- Chả bốn chân là gì, đấy nhé.
Mai cầm quyển sổ mở lật lại trang trên. Nhìn hình Huy với cái đầu tròn như qủa bóng và hai bàn tay to nghêu ngao những ngón dài, nàng cười như nắc nẻ bảo Huy:
- Ái vẽ em giống như hệt. Mà đẹp trai quá.
Ái tưởng Mai khen thực, lấy làm đắc chí hỏi:
- Mẹ đưa sách cho con, để con vẽ cả ảnh của con nữa.
- Nhưng anh thợ vẽ hãy xuống nhà bảo ông Hạnh lấy thêm củi lên đã, trong lò than đã gần tàn mà mẹ với cậu rét lắm.
Ái vâng lời xuống nhà bếp. Song tìm ông Hạnh không thấy đâu, nó lại lên nhà. Mai hỏi:
- Thế nào? Sao con lại lên tay không?
- Ái không thấy ông Hạnh đâu cả.
Trong khi ấy, người lão bộc vẫn đừng chờ Lộc ra để đóng cổng. Nghe tiếng Ái gọi, ông ta liền vội vàng đóng sập cánh cửa lại và lách tách gài then, rồi chạy vào. Mai hỏi:
- Ðêm tối ông còn mở cổng đi đâu thế?
Ông lão ấp úng:
- Không.
Nhưng ông ta tính tình chất phác, không biết nói dối nên cử chỉ và ngôn ngữ không được tự nhiên.
- Có điều gì mà ông phải giấu giếm thế?
Ông lão càng lúng túng, đứng nghĩ ngợi một lát rồi nói:
- Không, tôi có đi đâu làm gì... Tôi mở cổng cho ông...
Mai hỏi:
- Ông nào?
- Ông... ông tham... ông huyện.
Huy đương viết nghe nói đến ông huyện liền ngửng lên hỏi:
- Ông huyện Lộc phải không?
Người lão bộc chưa kịp trả lời, Huy đã đứng dậy ra mở cửa. Bấy giờ Lộc đã tới cổng ngoài. Huy thoáng trông thấy chạy theo ra gọi:
- Anh Lộc!
Se sẽ Lộc đáp:
- Thôi, cậu để tôi về.
Huy nắm tay Lộc nói:
- Về! Bây giờ còn về đâu? ... Trời ơi! Quần áo ướt cả, mà tay lạnh như đồng thế này...
Vừa nói Huy vừa kéo bừa Lộc vào trong nhà, Mai đứng dậy, ngây người đăm đăm nhìn Lộc. Nhưng chỉ trong giây phút, nàng lại giữ được vẻ tự nhiên, và lại gần hỏi:
- Anh chưa về?
- Chưa... Ban nãy tôi ra ga nhỡ xe hỏa.
Huy vội hỏi:
- Thế anh ở đâu? Sao không về nhà ăn cơm?
Lộc không đáp, Huy lại nói luôn:
- Anh cởi áo ngoài lại ngồi gần lửa, sưởi cho ấm.
Theo lời, Lộc thong thả cởi áo tơi vắt lên lưng tựa ghế, rồi đến bên lò sưởi giơ hai bài tay hơ lên hơi nóng. Huy đỡ khăn của Lộc treo lên mắc áo.
- Trời mưa to nhỉ. Ðầu tóc anh ướt cả.
- Không, chỉ mưa bụi đấy thôi, nhưng vì tôi đi xa quá.
Rồi Lộc thuật cho Huy biết rằng khi chàng vừa ra ga thì xe lửa huýt còi chạy. Chàng buồn rầu trở về khách sạn Quản Thành ngủ một giấc dài cho mãi đến hơn sáu giờ mới thức dậy ăn cơm. Ăn xong, chang đi lang thang, chơi phố...
Huy ngắt lời:
- Mưa thế mà anh cũng đi chơi phố?
Không ngờ có câu hỏi đột ngột ấy, Lộc hơi lúng túng chẳng biết trả lời ra sao, thì Huy đã nói tiếp luôn:
- Mà sao anh lại không đem ô?
- Ấy tôi quên.
- Anh quên, rồi chẳng biết đi đâu anh xuống dốc phố, lên dốc nhà xéc, qua trường học, qua tòa sứ, qua dinh quan tuần, lại xuống một cái dốc... rồi đến đây.
Câu khôi hài của Huy khiến Lộc bẽn lẽn, và Mai đương ngồi khâu phải bật lên tiếng cười, trong lòng vui sướng. Nàng nhận thấy rằng Lộc nhỡ xe là vì Lộc yêu nàng. Lộc đi hàng giờ trong mưa gió là vì Lộc bồng bột yêu nàng. Hai cặp mắt thoáng gặp nhau: Hai người cùng cúi mặt.
Ái dụi mắt, đến kéo Mai uể oải nói:
- Mẹ ơi! Ái đi ngủ.
Lộc cúi xuống ẵm con:
- Ái ra đây với... tôi nào!
Thấy Lộc ấp úng không dám xưng "cậu", xưng "cha" với con, thốt nhiên Huy đem lòng thương hại. Chàng bảo Lộc:
- Anh đưa cháu cho tôi.
Ái đương ngáp và nhăn nhó, nghe cậu nói vội vụt từ tay Lộc xuống đất, vui mừng theo Huy vào buồng bên.
Mai tưởng em đưa con ngủ rồi lại ra ngay.
Nhưng Mai chờ mãi, Mai sinh ngượng đứng dậy toan lảng đi nơi khác. Lộc khẽ gọi:
- Mai!
Yên lặng thong thả, Mai lại gần. Lộc trỏ cái ghế đặt cạnh lò sưởi, Mai ngồi. Chàng cũng ngồi xuống cái ghế bên. Chẳng biết nói gì, hai người cùng ngắm lửa cháy, cùng bâng khuâng mơ mộng... Một tiếng nổ của cành củi non. Lộc giật mình. Mai thở dài buồn rầu hỏi:
- Sao anh lại chưa về?
- Tôi nhỡ xe hỏa.
Mai cặp mắt lờ đờ nhìn ngọn lửa cháy lom rom sắp tắt:
- Anh chả nên thế.
Lộc không trả lời, đam đăm nghĩ ngợi tâm trí như ở đâu đâu, nhưng đương mơ màng tớ một cuộc đời lý tưởng mà bức tranh êm đềm ban nãy đã phác họa ra trước mắt, bức tranh một gia đình êm ấm quây quần bê lò sưởi, dưới ánh đèn dầu.
- Anh nghĩ gì thế?
Lộc thở dài không đáp.
Mai cúi xuống xếp lại củi trong lò, rồi uể oải nhặt nắm phong bì rách ở trong bồ giấy vụn, nàng vò nhàu, ném vào lửa để gây cho cháy to lên. Tức thì ngọn lữa hồng lại phùn phụt bốc, và những cành non đầy nhựa lại lách tách nổ liên thanh.
- Chắc em giận anh lắm.
- Thì ban nãy em thưa đủ mọi lẽ với anh sao anh còn chưa hiểu?
Buồn rầu, Lộc đáp:
- Thực ra anh không muốn hiểu một tí nào! Ban chiều không biết anh điên cuồng đến đâu mà những lời em nói với anh, anh lại cho là có lý mà chịu nghe theo. Anh thiết tưởng ngoài ái tình của đôi ta ra thì chẳng còn một cái gì đáng kể hết. Chiều nay anh đã làm theo ý em, chỉ vì phiền muộn quá, anh mất hết nghị lực, mất hết lòng qủa quyết. Nhưng khi ra tới ga, anh nghĩ lại ngay, anh cảm thấy một cách rõ rệt rằng không thể nào anh sống xa em đ;ược, không thể nào...
Lộc nói, nói liên miên, như say mê, như đắm đuối với tình thương yêu nồng nàn. Nhưng nhác thấy nét mặt thản nhiên của Mai, chàng bỗng ngừng lại. Rồi chàng thì thẩm hỏi:
- Em giận anh dến ghét được anh ư?
- Anh mà không hiểu em thì thực anh làm khổ tâm cho em lắm... Nếu em ghét được anh!
Lộc lắng tai chờ Mai nói dứt câu. Giọng não nùng, Mai nhắc lại!
- Nếu em ghét được anh!
- Nếu không ghét anh thì sao em lại không bằng lòng cùng anh sum họp?
Như không nghe rõ câu hỏi của Lộc, Mai nói luôn:
- Nếu em ghét được anh thì em đã chẳng đau đớn khổ sở.
Rồi Mai kể cho Lộc nghe hết mọi việc đã xảy ra dòng dã trong sáu năm trời từ khi hai người xa cách. Giọng Mai bình tĩnh ôn tồn, có khi cố làm ra tự nhiên, để thuật lại từng mẩu đời ký vãng. Nhưng tới nhiều đoạn, Mai cảm động quá phải ngừng lại, hoặc vờ cúi xuống các gắp than cời củi, hoặc đưa ngầm vạt áo quay ra phía sau lau nước mắt. Còn Lộc thì trong lòng tê tái, chàng cũng không khóc được mà cũng không nói được câu gì. Cổ chàng khô ráo mà tim chàng như ngừng đập. Tựa người không hồn, chàng ngồi nghe Mai nói, giọng nói đều đều, se sẽ. Thỉnh thoảng chàng hối hận quá, chàng buông tiếng thở dài não ruột. Gặp đoạn Mai kể lể lòng thương mến đối với kẻ xa xôi, thì chàng lại càng hối hận. Nhưng đây sự hối hận đi liền với cảm giác sung sướng, êm đềm. Môt làn chàng như điên cuồng, rùng mình, hai tay nắm chặt lấy bàn tay Mai. Và thì thầm chàng nói:
- Em tha lỗi cho anh, em thương hại anh, anh khổ sở lắm.
Mai ngừng kể, Lộc yên lặng vơ vẫn nhìn, không dám hỏi. Trong lò sưởi, củi cháy đã hết nhưng than hồng bốc hơi càng nóng rát hơn lửa củi, Lộc lùi ghế lại chỗi Mai, nói:
- Nóng quá!
Mai đáp:
- Bao giờ than sắp tàn cũng trội lên như thế.
Lộc cúi xuống nhấc mấy thanh củi, mà ban nãy ông Hạnh đã xếp sẵn ở bên. Chàng bỏ vào lò sưởi mà nói rằng:
- Vậy ta nuôi cho ngọn lửa khỏi tắt, chẳng chốc nữa lạnh.
Rồi Lộc và Mai ngồi yên lặng. Hai câu nói của hai người là tự nhiên vô tình thốt ra. Nhưng ngọn lữa gợi ra trong tâm trí hai người biết bao nghĩa chẳng ngờ.
Có tiếng gà gáy ở sau nhà. Mai bảo Lộc:
- Quá nữa đêm rồi. Thôi anh đi ngủ cho khỏi mệt để mai về chuyến xe sớm.
Lộc nồng nàn nhìn Mai, Mai đứng dậy toan vào buồng Huy để ẵm Ái sang giường mình, lấy chỗ cho Lộc nằm, thì Lộc giơ tay bảo ngồi xuống.
- Em nên nghĩ lại, em nên thương anh.
Mai ngắt lời:
- Em đã nghĩ kỹ rồi. Không thể nào chúng ta còn sum họp một nhà được nữa.
Sau tiếng thở dài, Lộc hỏi một cách chán ngán:
- Không thể nào?
- Vâng, không thể nào. Bây giờ không còn lúc chúng ta than thở, khóc lóc với nhau được. Chúng ta chỉ nên bình tĩnh mà suy xét. Em xin hỏi anh câu này: Em có thể làm vợ anh được nữa không? ... Ðấy anh coi anh cũng không trả lời được câu hỏi bất thần ấy... Phải, ta nên cứ thú thực với nhau rằng ta không thể ăn ở với nhau được nữa.
Lộc chợt nghĩ tới việc đương dự định.
Chàng nói rất nhanh:
- Ta đi, đi thực xa, bất cứ nơi nào, đi lập lại gia đình, gây lại hạnh phúc.
- Không được. Nhưng anh hãy để em bàn hết mọi lẽ. Em đã nói chúng ta nên bình tĩnh mà suy xét, không nên sôi nổi vô ích. Vậy bây giờ có ba điều này, em đã nghĩ ngay từ chiều. Một là em, có thể lấy lẽ anh được không?
- Nhưng...
- Anh để em nói hết đã. Em xin thưa rằng: không thể được, đã có lúc em nghĩ: "Quý hồ hai ta yêu nhà là đủ, có hề gì cả với lẽ". Nhưng không thể thế được. Em yêu anh mà cứ nơm nớp sợ hãi người vợ cả, mà lúc nào em cũng tưởng tới sự chia đôi ái tình với người ta thì sự ấy càng đau khổ bằng mấy mươi sự cách biệt nhau. Lại điều này nữa. Khi anh bỏ em...
- Trời ơi!
- Khi anh bỏ em để cưới vợ thì em cho là người ta cướp chồng em. Nay lại trái ngược, nay đã thay hẳn bực, đổi hẳn ngôi. Nếu em bằnglòng lấy lẽ anh tức là em cướp chồng của người ta vì cứ tin lời anh, và em cũng chắc như vậy, thì anh sẽ ruồng rẫy vợ anh mà âu yếm riêng em...
- Mai! Em...
- Anh để em nói đã. Em không muốn thế. Ðó là điều thứ nhất. Ðiều thứ hai là anh chẳng cần phân cả lẽ gì, anh chỉ biết có anh có em. Chúng ta biệt lập hẳn một gia đình ở đây, một gia đình thứ hai của anh.
Lộc vui vẻ nói tiếp:
- Gia đình chân thật của anh.
Mai cười gằn:
- Còn gia đình kia là gia đình gia đình giả dối chăng? Không, không thể được. Vì ở lẩn lút như thế ta sẽ không thể nào hưởng được hạnh phúc. Muốn hưởng hạnh phúc, ta phải đường hoàng yêu nhau. Vậy thì sum họp làm gì? Sum họp mà không được sung sướng lúc nào cũng thấy đời mình không chính thức thì sum họp mà làm gì? Thà cách biệt hẳn nhau, thà ở xa hẳn nhau có hơn không? Ở xa nhau mà hằng tưởng tới nhau, mà vẫn yêu nhau mà có lẽ càng yêu nhau...
Cố làm ra lạnh lùng, Lộc hỏi:
- Còn điều thứ ba?
- Là cùng nhau đi trốn.
Lộc sung sướng, nồng nàn nhìn Mai. Nhưng Mai nói luôn:
- Chính em vụt có ý tưởng ấy ngay khi được biết anh yêu em như xưa.
- Em nói hơn xưa mới đúng.
- Vâng, em tin bụng anh lắm. Em cũng vậy, chẳng bao giờ em yêu anh bằng hôm nay... Mà xin thú thực với anh rằng suốt năm năm giời chẳng một ngày nào em không nhớ tới anh, nhớ tới cái thời kỳ...
Mai ngừng lại, và Lộc lắng hết tinh thần để nghe Mai nói dứt câu. Nhưng Mai thở dài tiếp luôn:
- Thôi anh ạ. Nhắc chi tới những chuyện ái ân thuở trước... Ta nên nghĩ đến chuyện bây giờ thì hơn. Ngày xưa khác ngày nay khác. Ngày nay anh có gia đình của anh mà anh phải yêu, phải săn sóc tới. Còn em, em cũng có một gia đình của em mà em có thể coi là sự an ủi cho một đời thất vọng.
Lộc tay đương cầm cái gắp than cời đống than cho hơi nóng bốc ra, vì củi cháy đã tàn mà đêm thì khuya và lạnh. Nghe Mai nói lời đó, chàng ngửng lên đáp:
- Sao lại thất vọng? ... Nhưng em chưa nói hết điều thứ ba. Anh vẫn còn nghe văng vẳng bên tai câu "cùng nhau đi trốn" của em.
Mai thở dài:
- Không được. Anh chẳng nên có những ýnghĩ ấy... Anh thử tưởng tượng xem một tuần lễ sau, câu chuyện đi trốn chúng ta sẽ ầm ỹ đến thế nào. Còn gì là danh dự của anh, còn gì là...
Lộc chắc lưỡi:
- Anh cần gì danh dự!
- Vâng anh không cần danh dự. Nhưng anh đi trốn với em để làm gì! Có phải để gây lại hạnh phúc cho đôi ta không? Vậy hạnh phúc ấy anh liệu có còn được hưởng nữa không?
Lộc toan ngắt lời, thì Mai đã vội nói luôn:
- Dù chúng ta ẩn núp ở một nơi hẻo lánh, dù chúng ta tìm tới một nời rừng rú mọi rợ, hay xa tắp đâu đâu ở tận thế giới khác, dù chúng ta sống như tự chôn vùi đời chúng ta vào một nơi sâu thẳm không ai dò biết tin tức, phỏng lương tâm chúng ta có được yên, có để cho chúng ta an nhàn mà hưởng sung sướng chăng? Hãy nói anh đã. Một ngày kia, nhớ tới cụ Án, nhớ tới vợ anh, con anh mà cho dẫu anh không yêu nữa, anh khỏi sao không hối hận, đau đớn, khổ sở... Mà em, lúc bấy giờ em nhận thấy rằng chính em đã làm cho anh phải hối hận, đau đớn khổ sở gấp mấy?
Lộc hai tay ôm đầu đăm đăm ngẫm nghĩ.
Trong lò trên đống tro tàn màu trắng xanh, mấy mẩu củi cháy dở đã tắt hẳn. Mai lại nói:
- Ðấy anh coi, ta mới tưởng tới mà cuộc đời tương lai ta muốn cùng nhau gây dựng đã hiện ra khắt khe, ghê gớm biết bao. Huống nữa là ta sống thực trong cuộc đời ấy.
Lộc thở dài cúi mặt như sợ không dám nhìn Mai: Những lời lẽ phân trần quá hợp lý của Mai khiến chàng ngờ rằng Mai không còn yêu chàng nữa. Cái giọng bình tĩnh dễ dàng của Mai chàng cho cho là không phải giọng ái tình. Chàng có hiểu đâu rằng thống khổ trong mấy năm trời đã làm cho Mai trở nên kiên nhẫn và biết phục tòng số mệnh. Chàng có hiểu đâu rằng những lời đắn đo trước sau của Mai, Mai đã từng bao phen tự thì thầm trong những đêm dài đằng đẵng. Những ý tưởng kia, Mai đã suy đi xét lại hàng nghìn hàng vạn lần thì làm gì nay Mai không diễn đạt được chu đáo. Mai nhớ những đêm giá rét một mình ngồi bên đống than hồng sau khi Huy đi ngủ. Nhưng nào Lộc có hiểu tình cảnh một người thiếu phụ xa chồng. Chàng chỉ thấy đêm khuya lạnh lẽo và cảm thấy vì thiếu tình yêu của Mai mà lòng chành lạnh lẽo hơn tiết trời đông. Tương lai chàng tưởng tượng hình dung ra một con đường vạch giữa bãi cát trắng, mông mênh trơ trụi và đưa chàng đến một nơi vô định mịt mù. Sẽ sẽ chàng bảo Mai:
- Em lý sự quá!
Mai cười đáp lại:
- Không, em không lý sự đâu. Em chỉ bàn hết điều phải, điều trái với anh thì thôi. Chúng ta không nên sợ lẽ phải, anh ạ. Anh thử nghĩ lại mà xem. Ngày nay mới có hai người chịu đau khổ, là anh và em. Nếu ta đi trốn thì ta cũng chẳng bớt khổ, có lẽ ta còn khổ hơn, mà ta làm cho biết bao nhiêu người vì ta bị khổ lây: đằng anh thì cụ Án, vợ anh, con anh, bạn bè anh, đằng em thì em Huy. Vậy sao tao không vì người khác mà hy sinh ái tình cùng hạnh phúc của ta. Ta hy sinh hạnh phúc mà ta mới tươ;?ẽ được hưởng thì ta càng nên hy sinh lắm... Em không biết anh nghĩ sao, chứ em, hễ em thấy anh sung sướng thì em cũng sung sướng nhất là từ nay trở đi, vì nay em không ngờ vực bụng anh chút nào nữa. Vậy anh nên vui vẻ mà gánh vác trách nhiệm của anh, anh làm hết bổn phận của anh đối với gia đình và xã hội. Trong khi ấy, ở một nơi xa xăm, một người anh yêu và yêu anh sẽ luôn luôn tưởng nhớ tới anh và ngày đêm mong mỏi cho anh sung sướng.
Như đã bày tỏ hết các lẽ, Mai chờ câu trả lời của Lộc. Nhưng Lộc không đáp chỉ đăm đăm nhìn lò đầy tro tàn mà ngẫm nghĩ đến những lời Mai nói.
Bỗng Mai rùng mình, thấy hai bàn chân tê buốt. Nàng bảo Lộc:
- Chắc anh rét lắm.
Lộc chưa kịp trả lời, nàng đứng dậy xuống nhà. Một lát sau, nàng mang lên một ôm củi, rồi lúi húi nhóm lửa. Lò nóng nên lửa bén rất mau. Chẳng bao lâu củi đã lách tách nổ. Có tiếng gà gáy. Mai hỏi Lộc:
- Anh không buồn ngủ?
- Không.
Gà gáy sáng rồi đấy.
Lộc vẫn yên lặng nhìn lò sưởi... Mai đăm đăm suy xét. Rồi hình như sực nghĩ ra nàng bảo Lộc:
- Ờ này! Sao hai ta lẩn thẩn lại cứ quanh quẩn mãi trong vòng ái ân, trong sự sum họp nhỉ. Ta không yêu nhau ở ngoài sự sum họp được ư?
Lộc mắt lim dim cố tìm chân lý trong những ý tưởng phức tạp của Mai.
Trong đầu Lộc bỗng hiện ra hình ảnh một chàng thanh niên cứng cáp qủa quyết theo đuổi việc xã hội, những việc mà tất phải đem hết nghị lực và tâm trí ra mới làm nỗi. Trong khi ấy, một nơi hẻo lánh, một thiếu phụ yêu chàng đương nhớ tưởng tới chàng, đương mong mỏi ở sự hành động của chàng, đương đếm từng bước chàng đặt trên đường đời.
Rồi Lộc nói:
- Cái ý tưởng cao thượng ấy sẽ làm cho anh phấn khởi. Phải, thở than, buồn bực có ích chi! Cái đời tẻ ngắt của anh mà anh cho là hết hy vọng, anh sẽ cam đoan với em rằng vì em nó sẽ thành một đời đầy đủ.
Thấy Lộc mặt đỏ bừng và mắt long lanh, Mai lo lắng:
- Anh không nên nghĩ xa xôi quá. Anh sung sướng là em sung sướng rồi.
Lộc như mê man:
- Nhưng em ạ, sao anh không nghĩ tới xã hội, đem hết nghị lực, tài trí ra làm việc cho đời. Rồi thỉnh thoảng hưởng một vài giờ thư nhà mà tưởng nhớ tới em, mà yêu dấu cái hình ảnh dịu dàng của em, cái linh hồn cao thượng của em. Trời ơi! Anh sung sướng quá, anh trong thấy rõ rệt con đường tương lai sáng sủa của anh rồi. Ðời anh từ nay thế nào rồi cũng đổi khác hẳn. Ðời anh từ nay sẽ không riêng của anh nữa. Anh sẽ vì người khác, anh sẽ bỏ cái đời an nhàn phú quý mà dấn thân vào một cuộc đời gió bụi. Anh đã trông thấy hiện ra trước mắt những sự cay cực lầm than đương đợi anh. Nhưng anh không ngại, vì có em.
Lộc ngước mặt nhìn Mai:
- Em sẽ là người an ủi và khuyến khích anh.
Mai mỉm cười.
Trong lò sưởi ngọn lửa đỏ tươi vui vùn vụt bốc lên. Bụi than văng lấm tấm như hoa, tiếng củi cháy lách tách reo vui. Hạnh phúc như bao bọc, như âu yếu hai tâm hồn khoáng đoạt, đã siêu thoát ra ngoài vòng tư tưởng nặng nề, u ám.
Ngoài đường có tiếng người đi chợ sớm.
Mai trông qua khe cửa ra sân trước bảo Lộc.
- Kìa! Giời sáng rồi anh ạ.
Lộc ôn tồn nói:
- Thôi, anh đi, anh vui vẻ mà đi. Chúng ta sẽ xa nhau, mỗi người sống riêng một cuộc đời. Ðời em, anh chắc sẽ được yên lặng. Còn đời anh, anh nói sắp sửa đổi khác hẳn, anh chưa biết rồi nó ra sao. Anh chỉ biết anh sẽ mãi mãi được sung sướng, vì anh tin rằng ngày ngày, tháng tháng lúc nào em cũng âu yếm nghĩ đến anh, như thế cũng đủ an ủi anh rồi... Em ở xa anh, nhưng tâm trí hai ta lúc nào cũng gần nhau, thì trọn đời hai ta vẫn gần nhau.
Tia vàng ánh sáng mặt trời xiên qua khe cửa, Lộc tưởng tượng ngoài kia cảnh vật đương tưng bừng đón chào một ngày quang đãng...