Số lần đọc/download: 3226 / 64
Cập nhật: 2016-06-02 00:05:40 +0700
Chương 17
T
rích "Những Tên Biệt Kích Cầm Bút"
Cuộc họp giao ban thường lệ buổi sáng của Ban An Ninh công an thành phố. Chỉ huy các đơn vị trực thuộc đã đông đủ. Màn che tấm bản đồ thành phố đóng khung trải gần kín cả bề mặt vách tường được kéo ra. Cán bộ tham mưu thuyết trình về những diễn biến mới nhất trong hai mươi bốn giờ qua.
Chỉ huy trưởng lắng nghe. Bản báo cáo ngắn gọn. Thông thường đồng chí sẽ phát biểu một số vấn đề rút ra từ tình hình được phản ánh và ra những chỉ thị cần thiết. Cuộc họp chỉ kéo dài 15 phút.
Sáng hôm ấy cũng vậy. Nhưng khi chỉ huy các đơn vị rời phòng họp thì đồng chí Tư Tuân, phụ trách đơn vị chống phá hoại tư tưởng được mời ở lại.
Chỉ huy trưởng rút từ trong ngăn kéo ra một xấp báo lá cải của bọn phản động lưu vong in ở nước ngoài để trên bàn.
- Anh Tư đã xem mấy thứ này chưa?
- Dạ có. Tôi vẫn nhận được thường xuyên nhưng…. Tư Tuân định hỏi "có vấn đề mới gì không?" nhưng anh thấy câu hỏi ấy thừa, bởi chỉ huy trưởng đã mời ở lại, hẳn phải có "vấn đề" cần trao đổi. Vì vậy anh bỏ lửng câu nói, nhìn đồng chí cấp trên của mình, chờ đợi.
- Tôi biết. Mấy thứ giấy lộn này có đáng gì, nhưng đó là khói của đốm lửa cần dập tắt. Do đó, nhiệm vụ của chúng ta là cần phải chú ý tới nó.
- Vâng, Tư Tuân vừa nói, vừa lắc đầu - Thú thật với anh, tôi chán ngấy mà vẫn phải đọc. Anh em Việt kiều về thăm quê hương cũng nói với tôi, họ chẳng bao giờ thèm để mắt tới món hàng ôi đó! Thế nhưng những tên bồi bút đã nhẵn mặt và số em út mới ngoi lên lại vẫn sản xuất ra những món hàng này để lên dây cót tinh thần lẫn nhau, gây ảo tưởng cho nhau. Chỉ một số người di tản bị lừa bịp, còn đa số những người khác không xa lạ gì với những lời dối trá ấy. Đọc những thứ ấy giống như phải mổ một xác chết thối rữa để giám định y khoa. Chán thật.
- Ừ. Chán thật. Kể ra, ta đâu có lạ gì chúng nó.
Đột nhiên đồng chí chỉ huy trưởng đặt một câu hỏi mà thoạt nghe, tưởng đâu như ngoài đề câu chuyện đang trao đổi:
- Anh Tư còn nhớ vụ áp phe Martine Bokassa năm nào chớ?
Nghe người chỉ huy hỏi. Tư Tuân sực nhớ câu chuyện cũ mà báo chí Sàigòn thời ngụy đã đăng tải dài dài, nhưng anh chưa hiểu đồng chí chỉ huy trưởng của mình nhắc lại câu chuyện giật gân ấy với dụng ý gì.
Bokassa nguyên là một trung sĩ trong quân đội viễn chinh Pháp. Những năm sống ở Việt Nam, trong những mối quan hệ "nhân tình" ông đã gửi lại Sàigòn một đứa con gái. Pháp bại trận ở Điện Biên Phủ, Bokassa trở về quê hương. Một thời gian sau, ông được bầu làm Tổng thống nước Cộng hòa Trung Phi. Nhớ đến giọt máu còn để lại ở Việt Nam, ông ngỏ ý nếu ai tìm ra và đưa được người con gái của ông về Trung Phi ông sẽ hậu tạ.
Như vớ được một món bở, sứ quán một nước tư bản ở Sàigòn, lúc bấy giờ đã tìm một cô gái lai da đen đưa sang Trung Phi và bảo đó là con của vi đương kim Tổng thống nước này. "Sứ giả" được đón tiếp nồng nhiệt và trả công rất hậu. Người con gái da đen xấu số đang sống lam lũ ở một xóm nhà lá của Sàigòn, nghiễm nhiên trở thành "ái nữ" của một Tổng Thống. Báo chí gọi cô ta là Công chúa Lọ Lem của thời đại.
Ít lâu sau, bọn CIA lại tìm một cô gái da đen khác với đủ bằng chứng khẳng định cô Martine Bokassa thứ hai đó là con gái của Tổng thống Bokassa. Việt Định Phương, chủ nhiệm tờ báo Trắng Đen, cầm đầu phái đoàn nhận lãnh "sứ mạng" đưa cô gái ấy sang Trung Phi. Cùng đi với Việt Định Phương còn có bà mẹ của cô gái. Bokassa nhận ra người "vợ" cũ và thừa nhận cô gái bà ta là Martine Bokassa chính hiệu. Tuy thế, ông ta vẫn xử sự đẹp với cô gái thứ nhất: nhận cô ta làm con nuôi. CIA đã thắng lớn và kéo hẳn Bokassa về với nước Mỹ, đẩy lùi uy tín của nước tư bản kia. Song CIA không phải dừng lại tại ấy. Sau này cô gái ấy lấy một viên thiếu tá thân Mỹ và nghe đâu chính người con rể này đã làm cuộc đảo chính Bokassa. Xứ Trung Phi giầu kim cương đã rơi vào khu vực ảnh hưởng của Mỹ. Chắc rằng Việt Định Phương cũng kiếm chác khá nhiều đô la, chưa kể số kim cương do Bokassa thưởng công.
- Đấy! Vẫn giọng trầm dịu, đồng chí chỉ huy trưởng nói tiếp - Nay vẫn tên Việt Định Phương là chủ nhiệm kiêm chủ bút báo Trắng Đen. Lại cũng vẫn Mai Thảo, Trần Bích Loan của nhóm "Sáng Tạo" do USIS dựng lên… Vẫn nhưng quân bài ấy trên tay bọn chủ cũ đang múa may ở Mỹ. Chúng đã sử dụng ngòi bút để tập hợp bọn phản động ở nước ngoài. Chính tên Việt Định Phương ấy núp dưới biệt danh Trúc Việt đã tô son vẽ phấn cho tên Võ Đại Tôn, suy tôn hắn thành "người hùng phục quốc", móc nối Võ Đại Tôn với Vàng Pao, đặt Tôn lên lưng cọp rồi đẩy hắn về Việt Nam để phá hoại. Âm mưu chưa thực hiện được thì Võ Đại Tôn đã bị ta tóm cổ trên đường thâm nhập.
Tư Tuân xen vào:
- Sau Võ Đại Tôn, chắc chúng sẽ nặn ra con rối khác.
- Đấy, đấy! - chỉ huy trưởng ngắt lời - Vấn đề là chỗ ấy. CIA đâu từ bỏ những tên âm binh ấy, cháy tên này thì chúng tạo ra tên khác đế… nướng tiếp. Không hiểu sau vụ ấy, cái tên chủ báo Trắng Đen kia nhận được bao nhiêu đô la nhỉ?
- Cái đó thì chịu. Nhưng có tin nhiều tên trong bọn phản động lưu vong định vặt lông tên đểu cáng ấy, khiến nó phải lỉnh ở xó xỉnh nào đó, ít thấy xuất hiện. Nghe nói nó chuồn qua Châu Âu rồi.
- Chắc thế thôi. Dẫu sao con rối ấy đã diễn xong phần kịch bản mà bọn chủ dành cho nó. Và đến lượt một con rối khác. À, mà tên thật của nó là gì nhỉ?
- Dạ, Phạm Thu Trước.
- Anh nhớ khá nhỉ, - Chỉ huy trưởng cười.
- Thật tình tôi không muốn nhớ những tên ấy, nhưng vẫn phải nhớ. Thật là "tai nạn nghề nghiệp"
- Sao "ông bạn" lại coi là tai nạn nhỉ? - Chỉ huy trưởng cười thông cảm và nói tiếp - Cuộc đấu tranh còn tiếp tục, thì ta còn phải tiếp tục nhớ đến chúng. Dầu cho bọn này chết già, chết ráo, cũng vẫn chưa xong. Lại có một số tên khác mới nẩy lên, không chỉ ở bên đó mà ngay cả ở đây - Chỉ huy trưởng lật những trang của tờ "Kháng Chiến" và dừng lại ở trang in bài ký tên Trần Tam Tiệp - Như tên này, anh Tư có biết không?
Tư Tuân kéo tờ báo đến trước mặt, đọc lướt vài dòng. Cái tên Trần Tam Tiệp ấy nghe rất lạ. Anh cố nhớ nhưng vẫn mù tịt. Chỉ huy trưởng nói tiếp:
- Tên này chưa từng xuất hiện trên làng văn, làng báo Sàigòn trước đây. Thật ra, trước đây hắn cũng có viết đôi bài báo nhưng đều ký tên người khác. Tôi cũng mới biết qua về lai lịch của hắn. Hắn nguyên là Trung tá An ninh Không quân ngụy. Điều này đã được bộ tàng thư xác định. Ấy thế mà nay nó lại là Tổng thư ký cái "Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại" đóng trụ sở ở Paris. Công khai đấy, khỏi cần kiểm chứng, vì chúng treo bảng hiệu đàng hoàng. Và Tiệp đã xách cặp đi dự hết hội nghị này đến hội thảo kia, còn chủ tịch của nó là Trần Thanh Hiệp mà mọi người đều biết là một trong những tay sai lâu năm của sứ quán Mỹ ở Sàigòn. Đằng sau bảng hiệu ấy là gì, đó lại là chuyện khác. Trong bài báo này, Tiệp lên tiếng đòi ta tha cho số bồi bút phản động đã bị bắt và cho bọn ấy ra nước ngoài. Láo thật. Anh đọc qua bài biết của nó đi, rồi ta bàn.
Tư Tuân đọc lướt mấy trang báo. Cũng những luận điệu vu cáo rẻ tiền. Cả cái lối hành văn, thuật ngữ đã quen thuộc đối với anh. Từ khi được giao phụ trách đơn vị này, anh đã chịu khó đọc hàng lô sách, tiểu thuyết của số "nhà văn" cũ và sách báo mới được bọn phản động lưu vong ấn hành ở nước ngoài. Thật là chán đến buồn nôn. Nhưng anh vẫn ráng đọc "để xem chúng thế nào". Rặt một lũ chống cộng cuồng si, thể hiện lộ liễu ý thức phản động cao độ. Đã có anh em nói đùa rằng "anh Tư đang trở thành nhà nghiên cứu văn học thực dân mới" Cũng không ngoa đâu vì đến nay Tư Tuân có thể quen thuộc khuynh hướng, bút pháp những tên "nổi tiếng". Nhưng cái tên Trần Tam Tiệp này thì anh chịu.
Khi Tư Tuân đọc xong, chỉ huy trưởng hỏi:
- Anh thấy thế nào?
- Thằng này láo, - Tư Tuân buột miệng.
- Đành thế. Nhưng cái mà chúng ta quan tâm là sự tác động ngầm đối với những người ở lại đây, mặc dầu những người ấy không cần và không muốn nó bảo vệ. Sau gần mười năm sống dưới chế độ mới, họ đã tìm câu kết luận cho chính họ, họ đã tạo dựng một cuộc sống mới. Nhiều người tiếp tục theo đuổi nghề văn, nghề báo, một số đã chuyển sang nghề khác vì thấy phù hợp với họ hơn; trừ một số ít ngựa quen đường cũ, bị rủ rê, có người không đủ nghị lực, lại chứng nào tật ấy. Có người phải di chuyển đến một nơi xa xôi nào đó để cắt mối liên lạc cũ. Thậm chí có người tự nguyện trở vào trại.
Thế đấy. Cuộc sống nào cũng có quy luật riêng của nó. Ở đây là quy luật của bọn phản cách mạng, bọn vong quốc lang thang ở các nước Tây phương. Do bản chất và chịu sự tác động của bọn chủ, chúng còn biết làm gì khác, nếu không tiếp tục chống lại tổ quốc bằng cách thò vòi, kích động, móc nối những đồng bọn của chúng còn lại ở trong nước. Nếu ta chặt đứt những cái vòi ấy, chúng sẽ tịt ngòi.
- Vâng. Tôi nắm được vấn đề anh gợi ý. Xin anh cho tôi có thời gian nghiên cứu thêm.
Chỉ huy trưởng đứng dậy, trao cho Tư Tuân cả mớ báo ấy và dặn:
- Anh mang về đọc hết đi. Tôi chỉ xem qua, nhưng thấy có một số bài có giọng văn quen quen. Trong hoàn cảnh đất nước ta mọi sự phức tạp hơn chứ chẳng phải là chuyện văn chương nhảm nhí. Có những tín hiệu có ích cho chúng ta đấy! Tôi sẽ gửi thêm cho anh những tin tức từ bên ngoài để anh nắm thêm. Ta sẽ có dịp bàn tiếp.
Tôi bỏ qua không điểm khoảng 40 trang hai anh cớm cộng viết tưởng tượng lèm bèm về anh em chúng tôi. Chương VIII của NTBKCB quý bạn vừa đọc gồm 8 trang, đánh số từ 74 đến 81.