Số lần đọc/download: 3000 / 75
Cập nhật: 2017-07-11 14:13:25 +0700
Chương 17
H
ai ông cháu trở về thành phố.
Một quãng, lại gặp những người, những xe. Dù cả đêm bị bom giội, thành phố vẫn như mọi khi. Ở xa, còn lo nhiều hơn những người đương trong cuộc.
Trên cánh đồng, những chiếc xe kéo tên lửa nghênh ngang, ô tô ra–đa lùi lũi theo sau. Mỗi quãng lại gặp. Tên lửa, cao xạ đánh một đêm rồi đổi trận địa đi trong sương sớm, tiếng xích xe lăn rầm rộ.
Mấy cái xe đạp nhoay nhoáy ra. Lúc gà gáy, chở vào phố những cà rốt, hoa lơ, bây giờ ra nhẹ tênh.
Người đứng lại hỏi thăm nhau:
– Trong ấy thế nào?
– Ối, xác tàu bay rơi khắp.
Một anh, giơ tay chỉ mảnh nhôm cháy xém to như tấm ván buộc ngang sau cái xe đạp thồ.
– Chẳng đuôi thằng Mỹ thì thôi con chó đây à. Không phải mình tôi nhặt được nhé.
Người xúm lại sờ vào những mảnh tôn còn khét đắng mũi.
– Miếng này miếng bụng.
– Miếng cánh!
– Nó van vát thế là cái đuôi.
Một người cười ồ ồ.
– Miếng gì cũng tốt. Làm cái chậu cho lợn ăn hay cái máng cỏ bò...
– Đập bẹp đi gò được cái chảo.
– Hay đấy. Đi đâu đấy?
– Ra So Sở cất chè tươi.
– Giời đất này mà chè tươi chè tốt.
– Bom bắn thì vẫn uống chè tươi chứ.
Bác Tặng mua tờ Nhân Dân rồi lấy kính, đứng trên hè xem.
Nam nghểnh lên hỏi:
– Báo nói gì, hả ông?
Bác Tặng lẩm nhẩm đọc, bác nói đêm qua năm cái B.52 rơi. Các làng quanh Hồ Tây đi bắt Mỹ cả đêm. Xác máy bay rơi tứ tung. Một cái cánh, một cái đuôi xuống gần chuồng cọp vườn Bách Thảo. Mảnh to bằng mấy cánh phản cắm vào ao đình Ngọc Hà. Bụng còn dính bánh xe có chữ Stratégie Air Commandvẽ hình cánh tay với những tia đỏ. Có mảnh trẫm mình trên ao vườn hoa.
Đọc hết các tin rồi bác Tặng nói với cháu:
– Đêm qua nó rơi nhiều nhất. Ừ, ông cháu mình cũng trông thấy cháy mấy cái rồi.
Bác Tặng gấp báo vào túi xách. Bác Tặng về nhà. Suốt đêm qua không chợp mắt. Nhưng rồi bác lại ngần ngừ, không muốn về. Bác đứng lại. Bác muốn lên ủy ban nhận bìa phiếu ngay. Nhưng nghĩ thế nào, bác lại về. Nam lon ton theo ông, không biết gì cả.
Ngã năm vắng vẻ. Trước cửa trụ sở có bảng đề phấn trắng, chữ Bài viết: “Bắt được một con trâu, ai mất thì đến nhận”. Đêm qua, trâu chạy bom từ ngoại ô bồn vào. Thế mà những con bò của tổ vận tải thô sơ dưới bãi sơ tán lên vẫn đứng thong dong bên gốc cây cơm nguội trụi lá, lưng lụng thụng lấm choàng bao tải.
Không thấy cái xe hòm đẩy sơn xanh đựng đồ xe đạp của Bài. Có khi cả đêm thức, giờ mới ngủ. Về đến phố nhà, lại nghĩ ngay vào công việc. Những nỗi buồn cơ hồ lấp đi. Như thế là phố sơ tán khá triệt để - đến buổi đi làm cũng thưa hẳn người. Nhưng thấy bên gốc sấu một cảnh bực mình. Vẫn lão chữa khóa. Nhà lão tận Ngã Tư Sở mà đã mò lên ngồi sớm thế. Cái hòm gỗ mộc, một dây thép xâu các kiểu chìa khóa thành một vòng to như cái cạp rá bày trước mặt. Lão đương xem báo. Bác Tặng hỏi: - Ông kia không đi sơ tán à, sao vẫn vào ngồi đây?
– Ông Tặng đấy à, ông trưởng ban đại biểu ạ, xin lỗi ông, xe đạp nào cũng nhỡ hóc khóa mất khóa, có chữa cho thì mới sơ tán được. Lại cửa giả nhà ai, cái khóa có làm sao cũng cần đến tôi. Ông cho tôi tiêu chuẩn ưu tiên.
Chẳng biết bác Tặng có đuối lý vì câu cãi ấy hay cũng là giục lấy lệ, lão chữa khóa không phải người phố này, bác lẳng lặng đi qua.
Bác Tặng ngước nhìn quanh rồi treo túi lên cái đinh góc tường. Tay quàng túi, vẫn giơ như hững hờ, bác ngơ ngác quá. Ở đầu bàn, vẫn đấy, ống vỏ đạn cắm những bông hoa lay ơn tím.
Bác bước đến rút hai bông, đặt lên mặt tủ chỗ làm giường thờ. Rồi vào tường trong, lấy hai khung ảnh thờ ra, cả đĩa hoa và hai bông hoa hôm qua Nhiên mới đặt thêm vào.
Bác thắp hương, cắm bốn bông hoa lại. Tưởng có bốn người đến đấy. Nam đứng ngây, nghiêm trang nhìn ông chắp tay, cúi đầu cúng phật như mọi khi.
Tiếng lích chích, lạt xạt nan lồng. Bác Tặng vào, quơ tay lôi bu gà ra. Bác không cố đứng vững được nữa. Hai đầu gối rụm lại, khụy xuống.
Nam chạy tới.
– Ông làm sao thế?
Bác Tặng chống tay, từ từ đứng dậy.
– Không sao, trượt chân thôi.
Nam hỏi:
– Ông mới mua hai con gà?
Bác Tặng đỡ tay vào thành tủ, trả lời cháu một tiếng khó nhọc như thở ra:
– Ừ.
Rồi bác Tặng vịn lên tường, lần ra giường, choáng váng.
Bác lẩm nhẩm nói:
– Nghỉ một tý rồi lên ủy ban lĩnh bìa phiếu.
Bác Tặng nằm lim dim mắt. Nhưng bác vẫn nhìn lên tủ, chỗ cái vỏ hộp sữa cắm hương. Làn khói cuộn vòng lơ lửng lên ảnh bác gái và bác nhìn thấy cả hai con dâu với bà Nhiên trong ngào ngạt. Bác quay mặt đi, đặt tay lên trán. Sao đời chồng chất nhiều cái buồn cái khổ, cái đau đến như thế. Nhưng bác không nghĩ thêm nữa.
Buổi sáng vắng những tiếng quen thuộc thường ngày. Cánh cửa mở đóng. Cái thùng tôn va loảng xoảng dưới vòi máy nước ồ ồ.
Bỗng tàu điện phía Bờ Hồ rít bánh, tiếng vang inh ỏi hẳn lên.
Nam ngồi quay lại nhìn ông. Tưởng ông ngủ, Nam rón rén ra, cẩn thận khép cửa.
Nam đến nhà cái Hồi chỗ kia, đây cũng nhìn thấy. Nam vào sân sau. Từ nãy, chẳng thấy đứa nào như mọi khi, chẳng biết cái Hồi còn ở nhà không.
Nam rón rén lên thang gỗ, rồi đi vào. Nam đứng dừng... Trong bóng mờ dọc hành lang, mọi khi Nam vẫn vào, có tường vịn cẩn thận. Sao lại trợn chân, không dám bước. Trên gác tối, trẻ con hay sợ.
Nam gọi khẽ:
– Hồi ơi, Hồi.
Im như tờ.
Rồi từ phía mờ mờ ấy vẳng ra một tiếng òa:
– Nam đấy à.
Cái Hồi tất tưởi chạy ra, như không thể đứng trêu Nam lâu hơn được.
– Hồi ở nhà à?
– Ừ.
– Sao không đi sơ tán?
– Chú Tuyển chết rồi, không ai đưa đi.
– Cô Nhiên cũng chết rồi, Hồi biết không?
– Cô Nhiên chết rồi à?
– Ông bảo thế.
Hai đứa đứng im, nhìn ra cửa sổ.
– Sơ tán có thích không, hở Nam?
– Thích lắm. Mẹ Hồi có nhà không?
– Đến trưa mẹ mới về.
– Xuống nhà Nam chơi, kể chuyện sơ tán cho mà nghe.
Tiếng lạo xạo trong loa rồi... máy bay địch... máy bay địch cách... lẫn trong còi báo động. Độ này, loa chỉ mới cất tiếng, còi đã kéo.
Hai đứa ríu ríu xuống thang. Về cửa, thấy ông đã đội mũ sắt, đeo băng đỏ trên cánh tay áo bông, vai khoác túi, đứng trước hè, ngó tìm hai phía.
Hồi lễ phép, chắp tay:
– Cháu chào bác ạ.
Nam nhìn trộm ông, sợ ông mắng. Nhưng ông chỉ nói:
– Vào trong nhà chơi. Không được thập thò ra đường. Có tiếng máy bay thì xuống hầm. Nghe chưa!
– Vâng ạ.
Ông đi ra ngã năm.
Còi báo động vừa dứt, chưa xuất hiện máy bay, thành phố yên tĩnh phấp phỏng kỳ lạ.
Trẻ con thích lúc vắng im như thế, có khi lắng tai nghe được tiếng giang, đàn siếu bay trong sương mù qua trên thành phố, đàn chim cất tiếng coộc coộc gọi nhau - tiếng rải rác dài ngang trời.
Hồi nhìn quanh nhà, khen:
– Nhà đẹp quá. Có cả ông sao trên tường.
– Chắc ông tớ mới làm.
– Thích nhỉ.
Hồi trỏ lọ hoa lay ơn.
– Chắc ông tớ mua. Biết hoa gì không?
– Không biết.
– Ở nhà quê có anh Còi hoa gì cũng biết.
– Anh cái còi toe toe à?
– Không, anh Còi cơ.
– À.
... Đồng bào chú ý! Địch có âm mưu đánh ác liệt vào Thủ đô... Các lực lượng vũ trang... Các đồng chí công an, dân phòng... Tất cả mọi người phải xuống hầm...
Tiếng loa còn đương phát lần thứ hai lệnh đặc biệt ấy của ban phòng không, bác Tặng đã đảo về đến trước nhà. Trong khe cửa, rúc rích tiếng cười. Cái Hồi và Nam đương ngồi thu lu, dưới tấm chiếu uốn tròn. Không biết chuyện gì mà vui thế.
Bác Tặng vừa thương, vừa tức, quát khẽ:
– Bom đến nơi rồi biết không?
Hồi ngoảnh ra, nhe hàm răng sún, luống cuống:
– Cháu chào bác ạ.
– Loa đương nói B.52 kia kìa. Xuống ngay hầm đi.
Nam và Hồi chui xuống cái hố tròn, ngồi im.
Bác Tặng kéo nắp, đậy lại chắc chắn. Nam ngơ ngẩn hỏi lên:
– B.52 là cái máy bay hả ông?
Bác Tặng bước ra, gặp một chị áo bông ngắn, đội nón xùm xụp, quảy đôi thùng sắt tây, trên dẻ quang buộc một bó chổi tre mới. Chị đi nép cạnh tường. Cái chị này vẫn đến lấy nước vo. Bác Tặng còn biết chị ấy ở Yên Sở - làng có nghề mây đan xuất khẩu. Chị xã viên tranh thủ, mỗi năm nuôi hai, ba lứa hàng chục con lợn. Mươi hôm lại thấy đến lấy nước vo. Nước gạo, cuộng rau muống, vỏ bí, xương cá... thỉnh thoảng chị đưa mỗi nhà cái chổi tre quét sân, quét ngõ, gọi là biếu thơm thảo.
– Động địa thế này mà không lo ở nhà con cái mong à.
– Cháu đi từ gà gáy mà cũng không tránh được!
Trông vào thùng nước vo còn trống không, bác Tặng chợt nhớ bà cháu Nhiên cũng thường sang phố xin nước gạo. Bác lặng yên, nghẹn ngào, không nói được nữa.
Trước thềm trụ sở. Từ hôm Tuyển mất, nét mặt mọi người cứ đăm đăm.
Bài đã im cằn nhằn bác Tặng lại ra ngay, nhắn người ra bảo tôi đi lấy bìa phiếu có được không. Bác Tặng phân trần, tôi ra đây còn có anh có em, ở trong ấy đâm ốm chết mất.
Bài bắt chéo chân, tựa vào tủ đựng đồ chữa xe đạp. Một tay gõ cộp cộp xuống mặt gỗ.
– Tôi chỉ để bác ở đây nốt hôm nay thôi. Tôi bảo thật.
– Được rồi.
Đội cứu thương và dân phòng phố này đã trải nhiều trận trong thành phố, còn ở lại hai mươi mốt người tất cả. Anh cán bộ văn phòng công ty lương thực. Ủy ban nông nghiệp, kế toán bộ Văn hóa, lái xe; anh họa sĩ nghiệp dư, chị công nhân nhà máy rượu, mấy bà nội trợ trung niên...
Tiếng ì ì phía Gia Lâm dội lại, nặng nề dần. Cao pháo, tên lửa sôi lên bốn phía. Trên sân thượng, khẩu súng máy của tự vệ đã nổ chan chát, tiếng dội đinh tai, khói súng mù mịt quẩn xuống góc tường.
Bài hô:
– Nằm cả xuống. Nhớ há miệng. B,52 nó quy luật ném liền nhiều đợt, không há miệng thì bị vập răng hộc máu đấy.
Tiếng ra lệnh và giải thích của Bài, thật khẩn trương, như mọi khi Bài vẫn hô và hay cắt nghĩa như thế. Ai nấy đến bên các dụng cụ cứu thương, cứu hỏa và chỉ ngồi xổm xuống. Có người ngả lưng vào bậc thang. Những túi cứu thương được đeo sẵn, người gối vào.
Tất cả lặng lẽ nghe.
Như thói quen, Bài kể chuyện - trong lúc có thể bối rối, Bài hay kể một câu chuyện gì đó.
– Các đằng ấy có biết đằng đầu ngõ Phất Lộc, gần Cột Đồng Hồ, chỗ cái chợ cỏ ấy. Một đêm năm xưa, cả trung đoàn Thủ Đô hàng nghìn người đã luồn vòng vây của Pháp, sang bên kia sông. Năm mới giải phóng, thành phố tổ chức tìm lại hài cốt các liệt sĩ.
Bất thần một loạt bom rơi, tiếng nổ ụp ụp như chui vào lòng đất ngay quanh chân dội đất lên. Mọi người bị nảy lên, gió bom hắt xuống, bên kia tường, khói mù mịt. Bom gần lắm.
Bài nói hăng hơn:
– Lại dưới bãi rồi. Tiếng máy bay vẫn quẩn nặng lắm. Có thể còn đợt nữa. Ai nấy bình tĩnh ở yên vị trí.
“Quên tôi chưa nói, đồng chí đến phố Phất Lộc tìm lại nơi chôn đồng đội ấy là thợ tiện. Không phải thợ tiện nhà máy đâu. Thời ấy, phố hàng Tiện ở gần Mã Mây, có những của hàng bán bát điếu, ống hương, mâm đồng. Cửa hàng có cái guồng xoay, người ngồi đạp hai gióng tre, tiện gỗ ấy mà, anh thợ tiện gỗ ấy là tự vệ sao vuông rồi vào bộ đội...”
Một đợt bom nữa giội xuống. Cửa sổ, cánh cửa, mảnh tôn mái nhà bay loảng xoảng. Bụi đổ nhà, đất bốc lên một vùng, ngập đỏ mặt đường.
Những người dân phòng bị hơi bom hất ngã xuống, mặt và mũ sắt cũng đỏ xuộm.
– Có ai việc gì không?
– Không... không...
Khói ngùn ngụt tỏa khắp, không nhìn thấy hè bên kia. Bom ném ngay đây rồi. Gió lùa quẩn vào, lại tiếp cơn bom mới, từng làn mù mịt. Một quãng ngã năm đường cái vùi trong khói khét lẹt. Không trông thấy nhau nữa.
Tiếng Bài sang sảng:
– Địch ném bom phố ta. Bình tĩnh, bình tĩnh...
Một đợt bom lại ào xuống. Gió quật vào cây phần phật như bão. Sau cơn gió bom, bỗng đến một im lặng. Những cuộn khói đen vừa nhạt, trông vào góc tường đã thấy Bài, bác Tặng và mấy người đương hấp tấp trải tờ sơ đồ hầm hố ra mặt hè bụi đỏ ngập ngụa.
– Vào từng nhà, ngay bây giờ, cứu hầm sập. Tôi đọc tên nhà ai còn người ở nhà ta vào trước.
Đội dân phòng vào trong phố bụi lầm.
Thoăn thoắt lên, làm cho ai cũng nhớ Tuyển. Mấy lần đi cứu khối bạn, bao giờ Tuyển cũng chạy lên trước. Tuyển cao lênh khênh, lưng khom hơi bè ra - cái dáng quen của người thợ đóng giày ngồi cúi cả ngày. Bên vai đeo túi cứu thương, tay cầm xà beng, tay giơ, hô: các đồng chí, tiến lên...
Hai xe cứu thương đã chui qua làn bụi mờ mịt đến trước ngã năm. Ba chiếc xe cứu hỏa hàng ngày đỗ núp dưới bóng những cây mỡ ven hồ, vừa lấy nước hồ thêm vào thùng xe, nước rỏ giọt lướt thướt trên đường bụi. Cảnh sát áo vàng mũ đồng sáng ngời, nhảy xuống, tung cuộn vòi bẹp xả nước, vác theo những chiếc thang sắt có ngoàm móc.
Đội dân phòng phố bạn đã tới. Không thấy tổ xe xích lô bác Vạn. Đi cứu thương phố khác hay trúng bom chết cả rồi?
Bài tất tưởi chạy ra, giơ tay ngang trán chào người cảnh sát cứu hỏa:
– Báo cáo. Phố tôi bị đổ sáu nhà một tầng. Một gác hai, sáu mái nhà bị xạt. Không ai thương vong, không có ai chết cả.
– Đã chắc chưa?
– Chúng tôi có sơ đồ hầm hố cả phố, hàng ngày nắm được người ở nhà. Chắc rồi.
Bác Tặng chạy một lượt qua bên kia phố, vào từng nhà lần nữa rồi mới về nhà. Lúc nãy đã qua ngoài, thấy nhà không việc gì, bác ra phố ngay. Bây giờ, về trước hè im phăng phắc, bác giật mình. Bác Tặng khẽ gọi, run run:
– Nam ơi, Nam!
– Cháu đây kia mà.
Nam núp sau lưng ông từ lúc nó thấy ông đi về. Thằng bé luồn ra từ lúc nào. Có lẽ từ lúc nghe tiếng ô tô cứu thương, cứu hỏa, đã mò ra.
Bác Tặng kêu lên:
– Giời ơi!
Nam cười:
– Nó vừa bom vào nhà ta, cháu chạy đi gọi ông.
– Bậy nào! Cái Hồi đâu?
– Nó về nhà nó rồi. Ông trông trên gác kìa, nó đương nhìn về đây đấy.
– Sao không cứ ngồi trong hầm?
– Cháu với cái Hồi đương nấp hầm, nghe rơi bịch một cái, to lắm, ở chỗ kia. Chúng cháu sợ quá, chui lên, chạy ra.
Bác Tặng vào chỗ Nam trỏ. Một lỗ trần thủng toang. Ánh sáng nhợt nhạt xuống. Cúi nhìn thấy mặt gạch lát vỡ chồng chất, giữa chổng lên cái đuôi - đen chũi như con lợn đã rúc nửa mình vào chuồng.
Thế là bác Tặng lật đật dắt Nam chạy ngay ra. Một xe bộ đội vừa tới, nhảy xuống, theo những thuổng, cuốc, xà beng, máy dò mìn...
Bác Tặng kêu:
– Ối ở nhà tôi có quả bom...
– Bác vẽ sơ đồ cho chúng tôi. Bom chưa nổ, nguy hiểm, không ai được đến gần.
Những người đứng đấy hồi hộp nhìn theo bộ đội công binh đương nhón gót tiến như sắp xung phong vào nhà bác Tặng.
Một loáng, ba người khiêng ra một quả bom nằm trên cáng to như hai cái thùng bia nối lại.
Nói như quát từ đằng xa:
– Bom khóa chốt nguyên. Bom khóa chốt!
Quả bom được đặt lên cáng trên xe, đem đi ngay.
Những bàn tán sôi nổi còn lại.
– Nó ném bom điếc.
– Nó cuống quá.
Một người cao tay đoán:
– Phi công Mỹ phản chiến. Có khi là công nhân quân giới Mỹ phản chiến. Bom còn khóa cơ mà.
– A, à à...
Bác Tặng không nói gì. Trong bụng man mác, rầu rĩ. Hai ông cháu về ngồi trước cửa.
– Cháu đi với ông.
– Đi đâu ạ?
– Lên khu lĩnh bìa phiếu.
– Chưa còi yên kia mà.
Hai ông cháu lại im lặng ngồi đợi còi yên. Thỉnh thoảng, một ô tô cắm cờ phòng không chạy qua. Xe cứu thương, xe hỏa tốc quân sự...
Rồi tiếng còi yên vờn lên. Nghe thoáng: “Đồng bào chú ý”, cũng biết máy bay địch đã bay xa. Tiếng thong thả, nhẹ nhàng. Cô phát thanh nói đến hai tiếng “bay xa”, giọng thảnh thơi tỏa ra.
Đường cái nhộn nhịp người kéo đến xem các phố bị bom. Ở đâu người ta cũng hay đi xem.
Ở đầu phố, cái xe nghỉ trưa của đội chữa đường bằng gian nhà vuông sơn xanh, đặt trên bốn bánh hơi giống toa tàu. Hết báo động, cái nhà lưu động lại mở cửa bên ra. Trên bãi cỏ, một thùng nhựa được đặt lên ba ông vua bếp bằng chồng gạch chỉ. Sửa soạn đun nhựa. Chị tổ trưởng đeo găng tay, giày ba ta xanh, ống quần buộc túm, xách cái chắn sắt sơn đỏ vằn trắng đặt ngang góc đường, trên cài miếng bảng con. “Đường chữa”.
Bàng đã về đến đầu phố.
Thành phố lại bị bom. Hai ngày, hai lần về, hai lần... Bảng mấp máy, như định nói, như run rẩy.
Đại đội trưởng cầm tay Bảng:
– Cậu Bảng, bình tĩnh mới được. Nghỉ thêm một lát nữa rồi hãy về.
Bây giờ thong thả, nhưng ngay vừa đây, là trận đánh. Trận địa của đại đội các nhà máy tập hợp lại. Vừa tập vừa đánh, pháo thủ đã lao liền một lúc cả băng hàng chục viên đạn ba mươi cân.
Đến hôm nay, sáu khẩu tập trung đã đánh trên hai mươi trận. Một F.5 bỏ xác ở đồng làng Khương Thượng. Một cánh cụp cánh xòe rơi trên Lương Sơn. Cả đàn giặc đâm bổ, bắn đón được chiếc đi đầu, chúng bỏ chạy tức khắc. Khí tài tập trung bắt một chiếc, tất cả bắn vào một chiếc. Chưa đến hai giây. Tên lửa địch đánh lại, bổ chan chát. Bom bi như mưa rắc lủa tủa bốn phía. Các chiến sĩ đứng hẳn người lên, lấy khay đạn gạt bom bi lăn ra ngoài ụ.
Bảng nhắm mắt, bịt hai tay lên tai. Những tiếng gà ngoài chuồng gáy cữ mỗi ngày, khi sắp trưa. Đại đội mới thành hình đã dành tiền nuôi được gà. Còn đương bàn, nuôi thêm chó hay nuôi lợn. Trưa hôm qua, bom bi đã đánh chết hai con gà. Lại tiếng queng quéc. Quấn giáp rơm vào chuồng rồi mà bom bi vẫn lọt. Bảng không biết mình tỉnh táo nhớ được thế hay là mê.
Bảng lại nằm ngửa, lót tay dưới gáy. Trông lên, một bên đê và ngoài kia, sông Hồng cát bay. Xa xa, thành phố trước mặt, chóp nhà Bác Cổ, nhà thờ Cửa Bắc ngói đỏ lênh khênh trên lùm cây xanh đen. Cầu Long Biên chạy sóng nhịp nhấp nhô. Những ống khói đen nhà máy điện Yên Phụ mới được quây thêm lưới sắt và những cái chong chóng quay tít.
Trận đánh vừa ngớt, xung quanh ngổn ngang, tung tóe. Mô cỏ mặt hầm ám khói súng và dầu mỡ, đen xỉn, nhếnh nhoáng. Vỏ đạn lúc nhúc như đống ốc nhồi.
Các pháo thủ áo xanh công nhân mũ sắt sơn sao vuông bận túi bụi sau trận đánh. Những hòm đạn mới được kéo bên hầm đạn sang. Cái thùng gỗ lê xền xệt, tiếng đạn lắc cắc như cái két vỏ bia trong cửa hàng giải khát. Một chiến sĩ quảy thùng phuy xuống bờ đầm gánh nước. Rồi từng gáo, tưới luống cúc, hoa lay ơn, những bồn cỏ mười giờ, từ ngoài cổng chào vào. Hơi thuốc súng nóng hổi đất. Phải tưới cho nó tươi tỉnh lên. - Có tiếng nói với ra.
Bảng ngồi dậy. Những bàn tay lại đỡ Bảng nằm xuống.
Đại đội trưởng lại tạt vào lều, thấy Bảng đương ngồi.
– Ngủ một giấc đã, rồi hãy về.
Bảng cười:
– Mình vẫn như thường mà. Bây giờ thì sốt ruột về ông cụ.
– Thôi thế về ngay xem thế nào. Rồi nghỉ ở nhà, tối mai hãy lên.
Bảng đi lên đê. Bảng không dám nhìn xuống bãi.
Hôm qua...
Trận đánh sáng vừa dứt, đơn vị cho Bảng về. Ai cũng muốn đi dự đám cưới. Nhưng đi thế nào? Bình bầu đùa mãi, sau có hai tay lao đạn thân nhất được đi.
Tới gần chân cầu, biết cả bãi Giữa vừa bị bom. Bảng hốt hoảng chạy xuống. Bảng không thể tin như thế.
Bảng đi một vòng xóm, chẳng thấy nhà Nhiên đâu. Bảng gặp cả đội dân phòng ở trạm cấp cứu chỗ chân bậc lối trên cầu xuống.
Bảng quay đầu, chạy.
Một người gọi:
– Anh là anh Bảng...
Bảng ngơ ngác:
– Tôi...
Rồi Bảng vụt lên phố.
Không trông thấy người chết thì không tin người đã chết. Hay em đã đưa bà lên nhà mình rồi. Nhưng cửa nhà Bảng khóa trái. Bảng ngồi cửa, nhìn ra. Một lúc lâu, Bảng lại xuống bãi.
Chạy xuống, mấy lần không biết.
Bảng lại về trận địa.
Bảng lại ra tiếp đạn, cản không được. Ba trận đánh liền suốt đêm.
Cho đến trận sáng nay.
Bây giờ Bảng lại về. Bảng chạy.
Con đường vắng từ đầu ô xuống qua cửa nhà máy nước, tường nhà máy điện, thang máy u u nhịp nhàng. Giữa khu An Dương ngổn ngang và ngay cạnh tường bảo vệ nồi “súp de” những nhà ở Hàng Than, ở phố Châu Long đã đổ từ lâu, mới bị bom cày lên nữa.
Những khẩu pháo bên doi đất nhô ra hồ Trúc Bạch đương nhộn nhịp quay nòng.
Từ cột Đồng Hồ xuống, lác đác người. Chợ cỏ vẫn bên kia đường, trước cây đa cửa miếu, mùi hương thoảng. Như mỗi ngày rằm, mồng một. Những gông cỏ tươi, cỏ khô, từ phía nào quảy đến, lại đứng trơ trỏng đấy. Người mua cả gánh, ôm ra cho con bò buộc gốc cây cơm nguội sau lưng Nhà hát thành phố. Người đạp xe tới, mua một túi cỏ tươi năm xu. Cho thỏ, cho chuột bạch, cho ngỗng...
Bảng về đến trước cửa nhà. Nhìn trong phố, một dãy nhà đổ, hôm qua vẫn đứng nguyên. Một dòng chữ phấn trên cánh cửa nhà.
Các con Việt và Bảng yên tâm
Bố với cháu Nam mạnh khỏe.
Trong nhà tối om. Bảng vào ngồi xuống giường. Có hai hôm mà cuộc đời con người thay đổi quá.
Vắng lặng. Bóng tối lờ mờ, Bảng thấy ống hoa lay ơn tím trên bàn. Như con mắt đương nhìn Bảng, con mắt lay láy, mọng nước.
Hoa này của bạn ở Ngọc Hà. Bảng đã biết. Tiếng động nan bu lạch xạch trong gầm trạn bát. Con gà mổ con gián chạy dưới chân, cánh lẹt xẹt. Gà ấy cũng mang ở Ngọc Hà về.
Bảng đến ngồi bên ống đồng cắm hoa. Những nhánh hoa lay ơn bị vướng gãy ép dưới bàn tay. Nước mắt nhòa đi.
Lặng lẽ thế, không biết bao lâu.
Bài vào, nói to:
– Bảng về đấy à? Ông cụ và cháu đi lĩnh tem phiếu. Thôi cho qua. Mà không cho qua không được.
Bài nhìn lên trần rồi góc nhà, nhìn cái lỗ tun hút giữa mấy hàng gạch vỡ.
– Cái quả bom điếc này đào khỏe chưa. Lúc nãy mà quả này nổ thì tung cả mấy lô nhà với thằng Nam, cái Hồi đương núp trong hố đây. Có ghê không.
Bảng cười nhợt nhạt:
– Quả bom đâu hở anh?
– Công binh vác về kho rồi.
Bảng lại hỏi Bài:
– Bố tôi đi đâu?
– Ông cháu lên lĩnh bìa phiếu 73 mà.
Bảng thở dài. Nhưng bỗng yên lòng hơn. Tưởng như Nhiên vừa đi đâu, không phải Nhiên đã chết. Không phải bà cháu, không phải cái nhà tre lợp lá, vườn có cây ngâu, cánh hoa hồng bạch vẫn cho làm thuốc ho trẻ con, cái cổng tán tre đã tan mất tích. Không, cả nhà đi lên khu lấy bìa phiếu, năm nào chẳng vậy. Không phải thế. Nhiên chết thật ư. Bảng bồn chồn đứng dậy.
Tiếng xích lô đỗ xịch ngoài hè. Bác Vạn râu Trương Phi xầm xầm vào, tay cầm cái túi, hỏi to:
– Nhà cửa thế nào, sểnh một tý mà ra thế này à? Có ai việc gì không?
Bài nói:
– Không sao. Vào đây. Bố xách gì kia?
– Bã chè.
– Của khỉ ấy thì làm gì?
– Cái giống thỏ tớ nuôi phàm ăn lắm. Chè tươi, chè mạn, bã chè nào cũng xơi tuốt. Một năm ba lứa, thức ăn toàn xin các bà hàng nước. Thỏ sốt vang, các chú biết mùi chứ, ngon quên đời.
Bài chặc lưỡi:
– Tải thương, giải giặc lái, tiếp tế bà xã rồi còn đều đều thu bã chè cho thỏ. Nhất ông rồi.
– Chứ cuống lên thì được cái giải gì.
– Thằng Mỹ mà trông thấy ông Vạn xách túi bã chè thế kia thì nó mất vía.
– Thế cho nên nó mới xin chừa ném bom Hà Nội. Thiên hạ đương nói dăng dăng ngoài Bờ Hồ đấy.
Bác Vạn thò tay vào góc tường, quơ cái điếu cày. Cái điếu cày của bác Tặng vẫn đứng dựng góc ấy. Những quả bom rơi quanh cũng không làm cái điếu cày nhúc nhích.
Bác Vạn thở đợt khói đặc:
– Đợi báo của ta nói thì mới thực được.
Bài lại tán:
– Mày nắn mãi gân ông mà ông vẫn đi lấy bã chè nuôi thỏ thì mày phải chịu chứ còn gì nữa, có phải không cụ Vạn?
– Phải đấy. Chú Bảng sao mặt dài.
Bác Vạn chợt nhớ, lảng:
– Nhưng thôi thôi. Ta nói chuyện kiến thiết.
Không ai nói gì, bác Vạn lại hỏi Bảng:
– Kể chuyện trên ấy đánh đấm nghe nào. Hai chuyến tải thương vào Xanh Pôn chỉ toàn bị bom bi. Quân đểu thế.
Bảng nói:
– Chúng tôi vừa được cái F.111 nữa.
– Sao, sao?
– Chuyển trận địa cốt để đón lõng. Vừa lia một tràng đã nghe tiếng rống khủng khiếp, tưởng nó ụp ngay xuống đầu.
Bác Vạn lại xồng xộc dong xe đi. Bác đi đâu mà chưa đem bã chè về cho thỏ.
– Ấy có tiếng loa...
Tiếng rào rạo trong loa trên các ngã ba, ngã năm giữa đường.
Nhưng không phải “Đồng bào chú ý”. Tiếng dõng dạc, đầm ấm. Thông cáo của Bộ Tổng tư lệnh:
... Thắng lợi nhất của quân và dân ta...
Trời hoe nắng. Những chỏm cây sấu đỡ tối hơn vì mấy đốm nắng lao xao rớt lại. Cầu Long Biên, nửa về phía thành phố, như hai nét kẻ gấp khúc khuỷu giỡn nhau, nhô rõ lên đầu lán lá xà cừ. Cái còi báo động hếch những cánh ống tròn xoe trên trụ cầu.
– Bác Tặng!
Rồi Bài quay đầu lại:
– Thằng Mỹ nghỉ bom rồi, bác chưa biết à?
Bác Tặng đi ra.
– Tôi vẫn đội mũ sắt. Bao giờ cả nhà thấy tôi đem mũ sắt này làm cối giã cua thì mới yên trí được.
Bác Tặng nhìn về phía khác. Và nghĩ:
– Có lẽ nó chịu thua thật rồi. Nhưng cứ phải đợi báo nói mới đích được.