Nguyên tác: Hard Choices
Số lần đọc/download: 3044 / 90
Cập nhật: 2016-06-04 21:09:57 +0700
Chương 16: Libya: Các Biện Pháp Cần Thiết
Ông Mahmoud Jibril đến trễ.
Đó là ngày 14-3-2011, hơn một tháng sau sự sụp đổ của Hosni Murabak ở Ai Cập. Người ta bây giờ đổ dồn sự chú ý vào sự khủng hoảng tiếp theo trong khu vực, lúc này là ở Libya, quốc gia với dân số 6 triệu người, nằm giữa Ai Cập và Tunisia dọc theo bờ biển Địa Trung Hải thuộc Bắc Phi. Các cuộc biểu tình chống chế độ của nhà độc tài cai trị lâu năm, Đại tá Muannar Qaddafi, các cuộc biểu tình giờ đây đã biến thành cuộc nổi dậy với quy mô rộng lớn sau khi ông ta sử dụng lực lượng cực đoan chống người biểu tình. Bây giờ Jibri, một nhà khoa học Libya chuyển sang làm chính trị với bằng Tiến sĩ của Trường Đại học Pittsburgh, đang trên đường gặp tôi, ông thay mặt cho lực lượng nổi dậy chiến đấu chống lực lượng Qaddafi.
Suốt đêm máy bay đã đưa tôi đến Paris vào sáng sớm hôm sau để dự hội nghị Ngoại trưởng 8 nước thành viên công nghiệp hàng đầu thế giới (G8), bao gồm: Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Vương Quốc Anh, Canada, Nga và Hoa Kỳ để thảo luận nhằm ngăn chặn cuộc tàn sát đẫm máu của Qaddafi. (Năm 2014, Nga bị trục xuất khỏi nhóm G8 sau khi xâm lược Crimea, còn lại G7 như cũ trước năm 1998). Tham dự còn có một số Ngọai trưởng Ả Rập, những người đã kêu gọi quốc tế hành động mạnh mẽ hơn để bảo vệ thường dân Libya, đặc biệt từ lực lượng không quân của Qaddafi. Đến nơi, hầu như tôi họp suốt ngày thảo luận với các nhà lãnh đạo châu Âu và Ả Rập, lo ngại lực lượng Qaddafi ở thế thượng phong sẵn sàng áp đảo phiến quân. Gặp Tổng thống Pháp, Nicolas Sarkozy, ông yêu cầu Hoa Kỳ hỗ trợ lực lượng quân sự quốc tế ngăn chặn quân Qaddafi tiến về thành phố quan trọng Benghazi ở miền đông Libya. Tôi tuy đồng tình nhưng thấy chưa cần thiết. Hoa Kỳ hơn thập niên trước đã sa lầy vào cuộc chiến lâu dài và gian khó ở Irag và Afghanistan, vì thế trước khi tham gia cuộc chiến mới, tôi cần biết rõ lý do và những ai sẽ tham gia. Cộng đồng quốc tế, bao gồm cả các nước láng giềng Libya có đoàn kết ủng hộ nhiệm vụ này không? Nhưng phiến quân là ai mà chúng tôi cần hỗ trợ? Họ đã chuẩn bị sẵn sàng lãnh đạo Libya nếu như Qaddafi sụp đổ? Kết thức cuộc chiến cái gì sẽ xảy ra tiếp theo? Tôi muốn gặp trực tiếp mặt đối mặt với Mahmoud Jibril để thảo luận từng điểm trên.
Phòng của tôi trong khách sạn Westin-Vendôme lớn, cổ kính ở phố Rivoli nhìn sang phía vườn hoa Tuileries, từ cửa sổ tôi có thể thấy rõ Tháp Eiffel sáng trưng trên bầu trời Paris. Vẻ đẹp lung linh và sắc màu của kinh thành Paris là khoảng cách quá xa vời đối với Libya, nơi đang xảy ra những chuyện khủng khiếp.
Những chuyện xảy ra đều khởi nguồn từ những sự việc giống nhau. Việc bắt giam nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng ở Benghazi giữa tháng 2-2011 đã nổ ra những cuộc biểu tình, sau đó nhanh chóng lan ra toàn quốc. Nhân dân Libya làm theo những gì đã thấy ở Tunisia, Ai Cập, bây giờ họ cũng lên tiếng yêu cầu chính phủ phải làm như vậy. Khác với Ai Cập, quân đội từ chối bắn vào thường dân, nhưng ở đây lực lượng an ninh Libya đã nã đạn vào đám đông. Qaddafi thuê bọn nước ngoài và côn đồ tấn công người biểu tình. Báo cáo cho hay, nhiều vụ giết người bừa bãi, bắt bớ vô cớ và tra tấn dã man người biểu tình. Binh lính bị tử hình nếu từ chối xả súng vào thường dân. Để chống lại cuộc đàn áp dã man đầy bạo lực, người biểu tình đã biến thành cuộc nổi dậy có vũ trang, đặc biệt lại xảy ra ngay tại vùng đất mà từ lâu vẫn ca ngợi dưới sự cai quản hào hiệp, rộng lượng của Qaddafi.
Cuối tháng Hai, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bị sốc trước sự phản ứng dã man tàn bạo của Qaddafi, kêu gọi lập tức chấm dứt ngay bạo lực, nhất trí thông qua nghị quyết áp đặt lệnh cấm vận vũ khí vào Libya, phong tỏa tài sản những kẻ vi phạm nhân quyến cùng với thành viên gia đình Qaddafi, đưa Libya ra Toà án Hình sự Quốc tế (International Criminal Court – ICC). Cơ quan ICC có thể truy tố Qaddafi và con trai y, Saif al-Islam Qaddafi cùng Giám đốc tình báo Abdullah al-Senussi về tội chống lại nhân loại. Hoa Kỳ cũng áp đặt trừng phạt riêng, viện trợ nhân đạo khẩn cấp cho Libya theo yêu cầu. Cuối tháng Hai, tôi đến Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ở Geneva nhắc nhở cộng đồng quốc tế nên có trách nhiệm bảo vệ quyền phổ quát và chống bạo lực. Theo tôi, Qaddafi đã “mất tính hợp pháp cai trị”, “nhân dân Libya đã tỏ rõ, đây là thời gian thích hợp Qaddafi phải ra đi, chấm dứt ngay bạo lực.” Mấy ngày trước, cũng tại trong cung điện Palais des Nations, nhiều nghị sĩ tuyên bố từ bỏ lòng trung thành với Qaddafi, quay sang ủng hộ quân nổi dậy. Một nhà ngoại giao nói: “Thanh niên đất nước chúng tôi đã dùng máu của mình viết lên trang sử mới cho cuộc đấu tranh và kháng chiến.”
Một tuần sau, quân nổi dậy Benghazi thành lập hội đồng chuyển tiếp. Lực lượng dân quân có trang bị vũ trang được thành lập chống lại chế độ, bao gồm cả vùng núi phía tây. Ngay sau đó Qaddafi đã tung hỏa lực, quân nổi dậy không đủ khả năng chống trả. Từng đoàn tăng xuyên qua hết thị xã này sang thị xã khác tiến về những đồn lũy quân nổi dậy. Cuộc kháng chiến bắt đầu có dấu hiệu sụp đổ, Qaddafi thề săn lùng, tiêu diệt hết những kẻ chống đối. Tình hình ngày càng tuyệt vọng. Đó là lý do vì sao Jibril có mặt để trình bày tình hình nguy khốn của quân nổi dậy.
Trong khi chờ Jibril đến, tôi nghĩ về Muammar Qaddafi, một trong những tên độc tài lập dị, độc ác nhất và rất khó lường trên thế giới. Y đưa ra những con số kỳ lạ, đôi lúc thể hiện một nhân vật rất đáng sợ trên diễn đàn quốc tế với trang phục lòe loẹt, như tên cảnh vệ vùng Amazon, huyênh hoang khoác lác. Có lần y phát biểu: “Ai không yêu mến tôi, kẻ ấy không đáng sống.” Qaddafi cầm quyền sau cuộc đảo chính năm 1969 thống trị Libya, một cựu thuộc địa của Ý, nơi pha trộn chủ nghĩa xã hội thời kỳ mới, chủ nghĩa phát xít và tệ sùng bái cá nhân. Mặc dù nhờ có trữ lượng dầu mỏ lớn nên chế độ vẫn sống sót, nhưng cách điều hành nhà nước của y thiếu đồng bộ khiến thể chế và kinh tế Libya vẫn yếu kém.
Là một quốc gia tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố, khách hàng của Liên Xô và sử dụng vũ khí huỷ diệt hàng loạt, Qaddafi trở thành kẻ thù hàng đầu của Hoa Kỳ từ những năm 1980s. Năm 1981, tờ Newsweek đưa y lên trang đầu với tiêu đề “Kẻ nguy hiểm nhất thế giới?” Tổng thống Reagan gọi y là ”Con chó dại Trung Đông”, ra lệnh ném bom Libya năm 1986, trả đũa cho cuộc tấn công khủng bố ở Berlin đã giết một số công dân Mỹ do Qaddafi vạch kế hoạch. Qaddafi tuyên bố, một đứa con của y đã bị thiệt mạng trong cuộc không kích, từ đó quan hệ hai nước ngày càng căng thẳng.
Năm 1988, đặc vụ Libya đặt bom phá huỷ máy bay Pan Am 103 khi bay qua bầu trời Lockerbie, Scotland, làm chết 270 người. Trong số đó có 35 hành khách là sinh viên trường Đại học Syracuse ở ngoại ô New York, tôi đã gặp thân nhân các sinh viên bị nạn, với cương vị Thượng nghị sĩ của New York. Trong mắt tôi, Qaddafi là một tên tội phạm, tên khủng bố, một kẻ không bao giờ có thể tin cậy. Hầu hết các nước Ả Rập láng giềng đều đánh giá y như thế. Họ đã từng bị mắc hợm với y trong nhiều năm qua. Y từng có ý định mưu sát Quốc vương Saudi Arabia.
Khi Condoleezza Rice gặp Qaddafi ở Tripoli năm 2008, bà nhận thấy y là kẻ “không bình thường”, có những “suy nghĩ kỳ quặc”. Năm 2009, y khuấy động New York trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lần đầu tiên sau 40 năm y nắm quyền. Y đem theo một chiếc lều bạt Bedouin rất to nhưng không được phép cắm lều ở công viên Central Park. Tại Liên Hiệp Quốc, người ta chỉ dành cho y 15 phút phát biểu ý kiến, nhưng y nói lan man kéo dài một giờ rưỡi. Điều kỳ lạ nhất của y là phê phán kịch liệt nhiều sự kiện, kể cả đã huyênh hoang nói về vụ ám sát Kennedy, cho rằng bệnh cúm lợn thực sự là vũ khí hoá học được các nhà khoa học trong phòng thí nghiệm tạo ra. Không những thế còn đề nghị Do Thái và Palestine nên kết hợp với nhau thành một quốc gia với tên gọi “Isratine”, yêu cầu Liên Hiệp Quốc di chuyển trụ sở về Libya để giảm hậu quả ảnh hưởng đồng hồ sinh học cho người dự họp do đi máy bay quá lâu và tránh các nguy cơ khủng bố ở New York. Nói tóm lại, y là kẻ huyênh hoang khoác lác, một tuýp người Qaddafi điển hình.
Mặc dù như vậy, trong những năm gần đây, Qaddafi cũng cố gắng thể hiện với thế giới một khuôn mặt mới, y từ bỏ tham vọng hạt nhân, hàn gắn những rạn nứt với cộng đồng quốc tế, góp phần vào cuộc chiến chống al Qaeda. Nhưng cũng thật đáng buồn, hy vọng về sự biết điều của y, cư xử tốt hơn của một chính khách lớn tuổi, ai ngờ mọi hy vọng tan thành mây khói khi các cuộc biểu tình nổ ra. Y trở lại bản tính độc ác dã man đúng theo tuýp người Qaddafi ngày xưa.
Tên độc tài ngang ngạnh, tấn công vào thường dân, vào các vị trí trọng yếu của phiến quân, tất cả những sự kiện này đã buộc tôi và đối tác đồng nhiệm các nước phải họp, bàn cách xử lý: Đây có phải là thời điểm cộng đồng quốc tế đưa ra quyết định viện trợ nhân đạo, đồng thời trừng phạt để chấm dứt bạo lực ở Libya không? Nếu đúng, Hoa Kỳ sẽ đóng vai trò gì để thúc đẩy và bảo vệ quyền lợi của chúng ta?
Vài ngày gần đây, ngày 9 tháng 3, tôi tham gia với đội ngũ an ninh quốc gia của Tổng thống ở Phòng Tình Huống, thảo luận cuộc khủng hoảng Libya. Hầu như Hoa Kỳ ít có tham vọng can thiệp trực tiếp vào Libya. Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates cho rằng, Hoa Kỳ không có quyền lợi cốt lõi tại Libya. Lầu Năm Góc đưa ra, nếu lựa chọn quân sự, sử dụng vùng cấm bay giống như chúng ta đã từng ứng dụng ở Irag trong những năm 1990s như thế chưa đủ mạnh giúp cán cân có lợi xoay về phía quân nổi dậy, vì lực lượng bộ binh Qaddafi quá mạnh.
Hôm sau, tôi giải trình trước Quốc Hội, lập luận, đây chưa phải là thời điểm để Hoa Kỳ vội vàng đơn phương can thiệp vào tình trạng bất ổn: “Tôi là một trong những người tin rằng, nếu thiếu sự tham gia của cộng đồng quốc tế, Hoa Kỳ hành động đơn phương thì hậu quả của nó khó lường hết được. Như tôi biết, giới quân sự cũng có những suy nghĩ như vậy.” Thông thường, các nuớc đã nhanh chóng yêu cầu hành động gấp, nhưng giờ đây họ đẩy gánh nặng đó cho Hoa Kỳ và chấp nhận những rủi ro có thể xảy ra. Tôi nhắc nhở Quốc Hội: “Chúng ta từng áp đặt vùng cấm bay ở Irag, nhưng cũng chẳng ngăn được Saddam Hussein giết thường dân và cũng chẳng hạ bệ được y.”
Tướng về hưu Wesley Clark, bạn cũ, ông từng lãnh đạo NATO những trận không chiến ở Kosovo những năm 1990s, viết bài tổng kết các lập luận về việc chống lại sự can thiệp trong mục “đối thoại” trên tờ Washington Post ngày 11 tháng 3: “Với bất cứ lý do nào chúng ta đưa ra về vùng cấm bay cũng quá muộn và quá ít ỏi. Chúng ta một lần nữa nên sử dụng lực lượng quân sự buộc chế độ ấy phải thay đổi trên đất nước Hồi giáo, mặc dù chúng ta không thể đơn độc gánh vác nhiệm vụ này. Vì vậy, cần phải đánh giá những yêu cầu cơ bản để can thiệp, nhưng thành công không dễ gì đạt được, hay ít nhất chưa thể có được. Nếu chúng ta chưa xác định được rõ ràng mục đích, tính pháp lý, có sự cam kết hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cũng như tình hình thực tế về khả năng quân sự, tình hình chính trị của Libya hầu như không báo trước được kết quả một cách rõ ràng.”
Ngay hôm sau tình hình Cairo phát triển bất ngờ làm thay đổi mọi dự đoán. Sau hơn 5 giờ đồng hồ hội thảo và tranh luận, Liên đoàn Ả Rập, đại diện cho 21 quốc gia Trung Đông, bỏ phiếu yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc áp đặt vùng cấm bay ở Libya. Liên đoàn Ả Rập đã trục xuất chính quyền Qaddafi ra khỏi thành viên của Liên đoàn, giờ đây công nhận quân nổi dậy là đại diện hợp pháp của người dân Libya. Đây là những bước đi quan trọng của một tổ chức mà trước đây được coi như là “câu lạc bộ của những kẻ chuyên quyền và của các ông trùm dầu mỏ”. Một trong động lực mạnh mẽ nhất giúp vấn đề nay, đó là nhà ngoại giao Ai Cập Amr Moussa, Tổng thư ký Liên đoàn Ả Rập, ông đang ngấp nghé chiếc ghế Tổng thống trong cuộc bầu cử của Ai Cập sắp tới. Giải pháp vùng cấm bay nằm trong mục đích hỗ trợ các phe cách mạng nhằm đưa Murabak khỏi chiếc ghế quyền lực. Các quốc gia quân chủ vùng Vịnh cùng tham gia, cho thấy một phần họ lo sự bất ổn trong dân chúng trong nước, giờ đây họ cần phải có sự thay đổi. Tất nhiên, họ đều không ưa Qaddafi.
Nếu các nước Ả Rập sẵn sàng đi tiên phong, sự can thiệp của cộng đồng quốc tế sẽ dễ dàng hơn. Chắc chắn nó sẽ gây áp lực lên Nga và Trung Quốc, những nước có thể phủ quyết bất kỳ hành động hậu thuẫn nào của phương Tây tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Nhưng tuyên bố của Liên đoàn Ả rập chỉ đề cập đến hoạt động nhân đạo có giới hạn, không đề cập đến lực lượng quân sự. Tôi tự hỏi, nếu như Amr Moussa và những người khác thực sự ủng hộ việc ngăn chặn Qaddafi tàn sát người dân trong nước thì thuận lợi biết bao.
Ngoại trường UAE, AbZ, người rất có thế lực ở hậu trường Liên Đoàn Ả Rập đang ở Paris khi tôi đến. Chúng tôi gặp nhau tại khách sạn trước khi dự dạ tiệc G8, tôi thúc dục ông nên đưa ra những cam kết bổ xung. Liệu họ có thể đồng ý cho phép máy bay nước ngoài ném bom vào Libya không? Điều quan trọng hơn nữa, máy bay của họ có tham chiến hay không? Câu trả lời cả hai câu hỏi từ khối Ả Rập cũng sẽ gây bất ngờ.
Phiá châu Âu lại rất hăng hái. Tôi nhận được sự ủng hộ can thiệp quân sự của Sarkozy, Tổng thống Pháp. Ông rất năng động, tràn đầy sinh lực, luôn luôn muốn thể hiện sự tích cực trong hành động. Các nước Bắc Phi là cựu thuộc địa của Pháp, từng quan hệ mật thiết với Ben Ali ở Tunisia, khi cuộc cách mạng nổ ra làm Sarkozi sững người. Pháp không tham gia những hoạt động ở Ai Cập, vì vậy đây là cơ hội nhảy vào cạnh tranh trong việc hỗ trợ Mùa Xuân Ả Rập, chứng minh họ cũng có mặt trong sự thay đổi. Sarkozy cũng chịu ảnh hưởng của nhà trí thức đương đại Pháp, Bernard-Henri Lévy, người có chuyến đi bất ngờ bằng chuyến xe chở rau quả từ biên giới Ai Cập, chứng kiến tận mắt những gì đã và đang xảy ra. Họ rất xúc động trước tình cảnh của người dân Libya dưới bàn tay tàn bạo của tên độc tài, ông đưa ra những bằng chứng thuyết phục phải có biện pháp giải quyết vấn đề này.
Tối hôm ấy, gặp Ngoại trường Anh, William Hague ở dạ tiệc, ông nhấn mạnh cần phải có động thái về trường hợp này. Nếu khả năng sử dụng quân sự được tính đến, ông Hague sẽ ủng hộ tuyệt đối. Tôi hiểu, ông cũng như tôi, rất có ý thức với việc quyết định như vậy mà không có đầy đủ lý do xác đáng, cũng như phải nhìn về mặt chiến lược và hậu quả khi mọi chuyện kết thúc.
Về khách sạn, tôi gặp đại sứ của chúng ta ở Libya, Gene Cretz và Đại diện đặc nhiệm mới được bổ nhiệm của Mỹ tới phiến quân Libya, Chris Stevens, người từng giữ chức Phó Đại sứ phụ trách Đối ngoại ở Tripoli. Cretz, một người toàn diện, nhạy cảm, vui tính ở bắc bang New York. Sau khi ông gửi mật điện về Washington nói về những hành động quá tả của Qaddafi qua công bố của WikiLeaks, Cretz bị đối mặt với sự đe dọa tính mạng từ chính quyền Tripoli. Cuối tháng 12-2010, tôi quyết định điều ông về Washington để bảo đảm an toàn. Cuối tháng 12-2011, tình hình cách mạng nóng lên, cán bộ nhân viên ngoại giao gấp rút sơ tán. Rất nhiều người di tản sang Malta bằng phà nhưng lại gặp cơn giông, sóng to gió lớn, thật may mắn mọi người đến nơi an toàn.
Stevens là một cán bộ ngoại giao tài năng, có bề dầy kinh nghiệm trong khu vực. Xuất thân dân Cali chính gốc với mái tóc vàng quyến rũ, ông nói thành thạo tiếng Pháp và tiếng Ả Rập, từng phục vụ tại Syria, Ai Cập, Saudi Arabia và Jerusalem. Christ Stevens thông thuộc lịch sử cổ đại Libya, truyền thuyết, rất thích tranh luận, chia sẻ về những câu tối nghĩa trong tu từ học hoặc cổ ngữ, logic học và phân tích lý giải tiếng địa phương. Tôi yêu cầu Christ trở lại Libya, liên hệ với hội đồng phiến quân ở thành phố trọng yếu Benghazi. Đây là một nhiệm vụ khó khăn, đầy thách thức và nguy hiểm, nhưng Hoa Kỳ cần có người đại diện ở đó. Christ đồng ý, chấp nhận sự đề cử. Mẹ ông thường phàn nàn, ông cầm tinh con ngựa, nay đây mai đó, thích khám phá và phiêu lưu mạo hiểm khắp vùng Trung Đông. Với nhiều năm dày dạn kinh nghiệm, ông hiểu, nơi đầy khó khăn và nguy hiểm chính là nơi quyền lợi Mỹ đang bị đe dọa, cũng là nơi quan trọng nhất cần có người đại diện với bề dầy kinh nghiệm và nhạy cảm về công tác ngoại giao. Cuối mùa xuân, ông và số ít người lên tầu chở hàng của Ai Cập đến Benghazi, ông giống như sứ giả của thế kỷ 19, được giao toàn quyền gây dựng mối quan hệ với các nhà lãnh đạo dân sự cũng như quân sự của phiến quân. Ông hoàn thành công việc thật ấn tượng, khiến tôi sau này tiến cử ông với Tổng thống giữ chức Đại sứ Hoa Kỳ tại Libya.
Gần 10 giờ đêm, cuối cùng Jibril cũng tới khách sạn Westi ở Paris, do Bernard-Henri Levy tháp tùng, người thu xếp cuộc họp. Họ là một cặp đôi hoàn hảo, một phiến quân và một học giả đương thời. Khó mà phân biệt giữa hai người, Jibril xuất hiện trông ông giống như một kỹ sư hơn là phiến quân. Dáng người nhỏ nhắn, đeo kính, tóc lưa thưa, nghiêm trang. Còn Levy thì ngược lại, dáng dấp kiểu cách rất hợp thời trang, mái tóc dài lượn sóng, áo sơ-mi không cài cúc để hở ngực. Ông thường dẫn câu châm ngôn: “Chúa đã qua đời, nhưng mái tóc ngài còn mãi mãi” (ý của ông, “Tôi vẫn tin Chúa hãy còn trên cõi đời”, chính vì thế tôi thích để món tóc dài giống ông).
Tôi rất ấn tượng và đánh giá cao Jibril, đặc biệt đối đại diện của hội đồng phiến quân đang trên bờ vực thẳm. Ông từng là người đứng đầu Hội đồng Phát triển Kinh tế Quốc gia của chính quyền Qaddafi trước khi đào tẩu tham gia cách mạng, hầu như ông hiểu rõ tất cả những khó khăn trong công cuộc xây dựng quốc gia sau nhiều thập niên dưới sự cai trị của tên độc tài khét tiếng và quản lý yếu kém. Ông thông báo, hàng trăm ngàn thường dân ở Benghazi đang đối mặt với sự nguy hiểm sắp xảy ra khi lực lượng quân sự của Qaddafi tiến vào thành phố, bóng ma nạn diệt chủng Rwanda và các sắc tộc ở Balkans đang trở thành hiện hữu. Ông khẩn thiết yêu cầu quốc tế nên can thiệp để ngăn chặn thảm họa này.
Những điều Jibril nêu ra, tôi cố gắng tìm hiểu độ tin cậy. Chúng ta đã từng vấp phải sai lầm ở Irag cũng như ở một số nước khác khi loại bỏ nhà độc tài giúp chính phủ đủ năng lực và độ tin cậy lên cầm quyền. Nếu Hoa Kỳ đồng ý can thiệp vào Libya, đây là canh bạc đầy thách thức vào bộ môn khoa học chính trị và các đồng nghiệp của ông. Hơn bốn thập niên Qaddafi từng áp dụng quy tắc loại bỏ bất cứ ai có thể gây ra mối đe dọa địa vị của y, sẵn sàng nghiền nát những tổ chức ở Libya và các tổ chức văn hóa chính trị. Chúng ta không thể tìm được một người toàn năng như cựu Tổng thống George Washington ở Libya, nhưng Jibril lại là người đại diện một tổ chức duy nhất mà chúng tôi kỳ vọng.
Sau đó tôi báo cáo với Nhà Trắng những gì nghe được ở Paris và những tiến trình khả quan với các đối tác quốc tế. Đồng minh NATO chuẩn bị sẵn sàng dẫn đầu bất cứ hoạt động quân sự nào. Liên đoàn Ả Rập sẵn sàng hỗ trợ, thậm chí một số nước có thể tham gia tích cực trong cuộc chiến với nước láng giềng Ả Rập - dấu hiệu cho thấy đã đến lúc Qaddafi phải rời bỏ quyền lực. Tôi tin chúng ta sẽ giành được số phiếu tuyệt đối ở Hội đồng Bảo an để giải quyết vấn đề này. Đồng thời cố gắng thuyết phục Nga và Trung quốc đứng về phía chúng ta như đã từng đưa ra những biện phát trừng phạt cứng rắn đối với Bắc Triều và Iran năm 2009 và 2010 và tôi tin bây giờ chúng tôi có thể làm được như vậy. Dựa vào cuộc gặp gỡ Jibril, tôi tin đây là cơ hội hợp lý để biến phiến quân trở thành đối tác tin cậy.
Hội đồng An ninh Quốc gia vẫn còn chia rẽ về quyết định khi can thiệp vào Libya, trong số đó có Đại sứ Liên Hiệp Quốc, Susan Rice và cố vấn Samantha Power của Hội Đồng An ninh Quốc gia, lập luận, chúng ta có trách nhiệm bảo vệ thường dân và ngăn chặn cuộc tàn sát đẫm máu với khả năng có thể. Bộ trưởng Quốc phòng Gates kiên quyết phản đối. Vị cựu chiến binh của cuộc chiến Irag và Afghanistan nêu ra những điều thiết thực nên hạn chế lực lượng Mỹ, theo ông quyền lợi của chúng ta ở Libya chưa xứng tầm với sự hy sinh. Tất cả chúng tôi đều hiểu hậu quả của cuộc can thiệp không lường trước được. Nhưng giờ đây binh sĩ của Qaddafi tiến sát cách Benghazi chỉ còn 100 dặm và có khả năng áp sát nhanh hơn nữa. Chả nhẽ chúng ta đứng nhìn thảm họa sắp xảy ra với hàng ngàn người có nguy cơ bị tàn sát. Nếu chúng ta có ý định ngăn chặn thì phải hành động tức thời.
Tổng thống quyết định phải hành động, lập kế hoạch quân sự đầy đủ đưa ra Hội đồng Bảo an Liệp Quốc giải quyết. Nhưng lại có hai quy định quan trọng. Đầu tiên, Bộ Quốc phòng cho rằng lệnh vùng cấm bay có tác dụng rất nhỏ chỉ mang tính tượng trưng, vậy cần được sự ủng hộ của Liên Hiệp Quốc hoạt động quân sự mạnh mẽ hơn, với quyền được sử dụng “tất cả các biện pháp cần thiết” để bảo vệ thường dân. Tổng thống Mỹ chỉ muốn can thiệp có giới hạn, vì vậy đồng minh chúng ta phải chịu trách nhiệm nặng nề hơn và chịu trách nhiệm chính trong các phi vụ. Điều kiện này đặt bên ngoại giao phải hoạt động nhiều hơn và mạnh mẽ hơn, Susan và tôi cho rằng mọi việc có thể tiến hành ngay bằng các cuộc đàm thoại.
Hôm sau, tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, phiá Nga đưa ra một giải pháp trung dung, kêu gọi ngừng bắn, tôi nghĩ đây là một thủ đoạn đẩy tình trạng này vào trạng thái lùng nhùng, không tán thành giải pháp vùng cấm bay, trừ khi chúng ta có thể thuyết phục họ không dùng quyền phủ quyết giải pháp cứng rắn. Ngoài Nga, chúng ta còn lo ngại phiá Trung Quốc, họ cũng có quyền phủ quyết và một số thành viên không chính thức của Hội đồng Bảo an.
Sáng ngày 15 tháng Ba, tôi từ Paris sang Cairo gặp Amr Moussa, nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề, thúc giục Liên Đoàn Ả Rập đồng ý giải pháp can thiệp quân sự và tham gia tích cực. Chính sách này được coi do các nước láng giềng của Libya đề xuất, không phải của phương Tây. Moussa khẳng định, Qatar và UAE đã chuẩn bị sẵn sàng đóng góp chiến đấu cơ và phi công, đây là một buớc chuyển biến lớn lao. Tiếp theo có thể Jordan cũng tham gia. Tôi hiểu, những hỗ trợ này sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn trong việc thuyết phục các thành viên trong Hội đồng Bảo an ở New York còn đang phân vân, lưỡng lự.
Hành động của Qaddafi giúp công việc của chúng tôi dễ hơn khi y tuyên bố trên truyền hình cảnh báo dân chúng Benghazi ngày 17 tháng Ba, “Quân đội chúng tôi sẽ tiến vào Benghazi nội nhật trong đêm nay và không có sự khoan nhượng.” Y tuyên bố sẽ lục soát từng căn nhà để truy tim “kẻ phản bội”, yêu cầu nhân dân Libya hãy “tóm cổ những con chuột” đó. Đang ở Tunisia, tôi gọi điện cho Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrow. Ông nói, trước đây ông hoàn toàn phản đối vùng cấm bay, nhưng sau khi thảo luận với các thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an, ông đồng ý giải pháp của chúng tôi. Giờ đây, điều quan trọng là đảm bảo với Nga, mọi việc sẽ không lặp lại như ở Irag và Afghanistan. Tôi nói với Lavrow: “Chúng tôi không muốn có cuộc chiến tranh mới, cũng không muốn đưa quân vào Libya.” Và giải thích thêm: “Mục đích của chúng tôi là bảo vệ thường dân khỏi các cuộc tấn công tàn bạo và bừa bãi. Giải pháp khu vực cấm bay là cần thiết, nhưng chưa đủ. Chúng tôi sẽ bổ xung thêm các biện pháp. Thời gian bây giờ rất khẩn cấp.”
Ông trả lời: “Tôi chấp nhận điều kiện bà đưa ra, nhưng tôi khẳng định, chúng tôi không muốn cuộc chiến tranh mới lại nổ ra. Nhưng điều đó không có nghĩa không thể xảy ra.” Tuy vậy ông nói thêm, phiá Nga không quan tâm đến việc bảo vệ Qaddafi hay chứng kiến y tàn sát người dân trong nước. Tôi giải thích, các giải pháp của chúng tôi sẽ xem xét, kết hợp với các đề xuất của Nga về lệnh ngừng bắn, nhưng nếu Qaddafi từ chối, chúng tôi sẽ có quyền tăng cường lực lượng để ngăn chặn các cuộc tấn công của ông ta. Lavrow nói: “Chúng tôi không bỏ phiếu ủng hộ, nhưng bỏ phiếu trắng, như thế giải pháp sẽ được thông qua.” Chúng ta chỉ cần như vậy. Trong bối cảnh này, phiếu trắng cũng có tác dụng như phiếu thuận. Lần thảo luận gần đây nhất, đặc biệt về vấn đề Syria, ông tuyên bố đã bị lừa về ý định của chúng tôi. Điều ấy có nghĩa ông coi tôi là kẻ thiếu trung thực kể từ khi Lavrow giữ chức Đại sứ Nga ở Liên Hiệp Quốc, phải hiểu “tất cả các biện pháp cần thiết” nghĩa là gi.
Sau đó tôi phôn Luis Amado, Ngoại trưởng Bồ Đào Nha, thành viên không chính thức của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Ngay cả khi loại trừ bị phủ quyết chúng tôi vẫn muốn đa số ủng hộ và số phiếu thuận càng nhiều là thông điệp gửi Qaddafi càng mạnh mẽ. Tôi nói với Amado: “Tôi muốn nhắc lại, Hoa Kỳ không có tham vọng, ý đồ hay bất cứ kế hoạch nào đổ quân hay tiến hành cuộc chiến tranh. Chúng tôi tin nghị quyết được thông qua sẽ là lời cảnh tỉnh mạnh mẽ với Qaddafi và những kẻ ủng hộ y. Điều này sẽ ảnh hưởng rõ ràng tới những hoạt động của y trong những ngày tới.” Ông chăm chú lắng nghe tôi giải thích, sau đó đồng ý bỏ phiếu thuận: “Bà đừng lo ngại, tôi sẽ ủng hộ.”
Tổng thống Obama phôn cho Tổng thống Nam Phi, Jacob Zuma cũng đưa ra những ý kiến tương tự. Susan vận động hành lang với những người đồng cấp ở New York. Pháp và Anh cũng vận động tích cực. Cuối cùng cuộc bỏ phiếu có 10 phiếu thuận, 5 phiếu trắng gồm Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc, Nga và Đức, không có phiếu chống. Giờ đây chúng ta nhận được sứ mệnh mạnh mẽ bảo vệ thường dân Libya với “tất cả các biện pháp cần thiết.”
Vấn đề được thực hiện ngay lập tức, nhưng cũng gặp rất nhiều khó khăn và cách giải quyết.
Tổng thống Obama đưa ra quan điểm rõ ràng với nhóm tôi và đồng minh rằng Hoa Kỳ sẽ tham gia hoạt động quân sự để thực thi nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, nhưng ở mức độ có giới hạn. Bước quan trọng đầu tiên là thực thi vùng cấm bay, nhằm tiêu huỷ hệ thống phòng không của Qaddafi mà Hoa Kỳ có đầy đủ các thiết bị tiên tiến tốt nhất so với tất cả các đối tác. Nhưng Tổng thống muốn không lực đồng minh là người tiên phong hành động càng sớm càng tốt, đồng thời khẳng định không triển khai quân đội Mỹ. Câu “Không có dấu giầy binh sĩ Hoa Kỳ trên vùng đất” trở thành câu khẩu hiệu. Như vậy, chúng ta là một liên minh quốc tế rộng lớn, phối hợp tốt, giải quyết những vấn đề còn lại, sau khi Hoa Kỳ sử dụng tên lửa hành trình và oanh tạc dọn đường cuộc chiến. Ngay lập tức tôi nhận ra, tất cả đồng minh phối hợp tác chiến như là một đơn vị thống nhất gặp rất nhiều khó khăn chứ không dễ dàng như dự đoán.
Sarkozy xung phong đảm đương việc tiên phong. Trong thời gian chuẩn bị bỏ phiếu ở Liên Hiệp Quốc, ông lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ hành động quân sự của quốc tế, bây giờ ông thấy đây là cơ hội tái khảng định vai trò của Pháp là một cường quốc trên thế giới. Ông mời một loạt các nước châu Âu và Ả Rập đến Paris họp hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp vào thứ Bẩy ngày 19 tháng Ba để thảo luận thực hiện các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc. Người ta thấy rõ lý do ông không mời Thổ Nhĩ Hỳ, -tuy là đồng minh của NATO, vì căng thẳng giữa Sarkozy và Thủ tướng Thổ Erdogan do Pháp phản đối Thổ ra nhập khối EU. Sau đó Thủ tướng Erdogan lên tiếng cảnh báo vấn đề Libya, vì thế Sarkozy loại Thổ ra khỏi liên minh. Sự kiện ấy làm Erdogan bị mất mặt, khiến ông quay lưng lại, thậm chí chống lại sự can thiệp từ bên ngoài.
Trao đổi với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Davutoglu, tôi cố gắng xoa dịu nỗi bực tức, nói: “Đầu tiên xin thông báo với ngài, tôi đã cố gắng hết mức để ngài được mời dự họp.” Tôi e ngại Davutoglu vẫn còn khó chịu, ông phàn nàn lý do rất xác đáng: “Chúng tôi đang đợi hoạt động cùng NATO, đột nhiên có cuộc hội nghị ở Paris và lờ chúng tôi đi. Đây là vấn đề riêng của Pháp hay là vấn đề chung của cộng đồng quốc tế?” Tôi phải giải thích, họp thượng đỉnh do Pháp tổ chức, nhưng chúng tôi cố gắng giải quyết các hoạt động quân sự cho chính NATO tiến hành chiến dịch.
Tại Paris, tôi chuyển thông điệp của Tổng thống Obama về kỳ vọng các nước khác sẽ tham gia. Ngay sau khi đến, tôi kiểm tra lại bằng điện thoại cho AbZ. Như đã nói ở phần trước, vấn đề này biến thành cuộc trò chuyện đầy khó khăn, ông dọa sẽ rút UAE ra khỏi hoạt động ở Libya vì Hoa Kỳ chỉ trích hành động của họ ở Bahrain.
Trước khi cuộc họp chính thức khai mạc, Sarkozy kéo tôi và Thủ tướng Anh, David Cameron ra chỗ riêng, thông báo chiến đấu cơ của Pháp đã được phát lệnh bay về hướng Libya. Khi đám đông phát hiện Pháp đã nóng nảy phát động chiến dịch quá sớm gây ra náo động. Thủ tướng Ý, Silvio Berlusconi, cũng mạnh mẽ, hăm hở như Sarkozi, ban đầu cũng rất ca ngợi ý kiến của Phap. Vì ông ta tin quyền lực của thực dân thời xa xưa cũng phải đi đầu trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng trong vùng lãnh thổ từng một thời cai trị. Đó là lý do vì sao Pháp đưa quân đến Mali và Cộng Hoà Trung Phi. Nhưng Libya lại là thuộc địa cũ của Ý, Berlusiconi cho rằng việc làm đó phải là của Ý chứ không phải của nước Pháp. Hơn nữa, vị trí chiến lược của vùng đất này nằm nhô ra ở Địa Trung Hải, từ đây Ý có thể xuất kích những đợt không kích vào Libya. Địa điểm này đã trở thành căn cứ không quân của chiến đấu cơ của đồng minh. Giờ đây Berlusiconi cảm thấy bị Sarkozy qua mặt nên đe dọa sẽ rút ra khỏi liên minh, đóng cửa các căn cứ trong nước.
Ngoài tự ái cá nhân, Berlusconi và những thành viên khác còn có những lý do quan ngại chính đáng. Chúng ta đã rút ra được bài học ở Balkan và Afghanistan, việc phối hợp hoạt động quân sự đa quốc gia rất phức tạp. Trừ khi có những mệnh lệnh thật rõ ràng và được kiểm soát chặt chẽ, tất cả mọi người chung tay thật sự thực hiện đúng chiến lược, có thế mới có thễ tránh được những nhầm lẫn, sai sót nguy hiểm. Ta hãy thử tưởng tượng, hàng chục quốc gia đều ra lệnh các phản lực cơ của nước mình đến Libya mà không có sự phối hợp chặt chẽ về kế hoạch bay, mục tiêu oanh tạc và các quy tắc tham chiến, nó sẽ gây hỗn loạn trên bầu trời, hoạt động thiếu đồng bộ và nhịp nhàng dễ dẫn đến tai nạn, gây thương vong không cần thiết.
Hoa Kỳ có đầy đủ tiềm năng chịu trách nhiệm trong vai trò điều phối. Bước tiếp theo do NATO can thiệp. Liên minh có liên bộ chỉ huy quân sự với nhiều kinh nghiệm điều phối trong những cuộc xung đột trước đó. Nhưng Sarkozy không chấp nhận ý tưởng đó, có thể ông cho điều đó Pháp ít được vinh danh. Nhưng Sarkozy cho rằng giao nhiệm vụ Libya cho NATO có thể làm cho thế giới Ả Rập xa lánh mà họ đã giúp xoay chuyển tình thế trong cuộc bỏ phiếu ở Liên Hiệp Quốc. Qatar và UAE đã cam kết gửi chiến đấu cơ giúp việc thực thi vùng cấm bay, vậy họ có chịu dưới quyền chỉ huy của NATO hay không? Hơn nữa, các hoạt động của NATO phải được sự đồng thuận của tất cả các thành viên, kể cả Thổ Nhĩ Kỳ, nước có quyền phủ quyết. Chúng ta rất vất vả làm việc với LHQ mới được đồng ý cụm từ “tất cả các biện pháp cần thiết” để bảo vệ thường dân, vì vậy được rộng quyền sử dụng các biện pháp ngăn chặn máy bay Qaddafi tấn công thành phố của phiến quân - đồng thời có thể loại bỏ xe tăng, thiết giáp và quân lính của Qaddafi tiến vào Benghazi, nơi được gọi “vùng cấm hoạt động”. Khi Erdogan và nhiều thành viên khác, đưa ra bản đồ kế hoạch vùng cấm bay và cấm tên lửa đất đối không mới, Sarkozy lại lo ngại nhiệm vụ giao cho NATO quá chậm chễ, có thể thành phố Benghazi đã cháy thành tro.
Hội nghị Paris kết thúc không đạt được thỏa thuận nào về những gì tiếp theo sẽ phải làm gì sau khi Hoa Kỳ mở đầu can thiệp. Nhưng chiến đấu cơ Pháp đang trên bầu trời hướng tới lực lượng quân đội Qaddafi đang di chuyển không còn thời gian để chần chừ được nữa. Tôi đứng trước ống kinh, tuyên bố: “Hoa Kỳ là nước duy nhất có khả năng giúp các đồng minh châu Âu, Canada và các đối tác Ả Rập ngăn chặn bạo lực chống lại thường dân, kể cả thông qua việc thực hiện vùng cấm bay.” Vài giờ sau, tầu chiến của Hải quân Hoa Kỳ tại Địa Trung Hải đã bắn hàng trăm tên lửa hành trình vào mục tiêu hệ thống phòng không Libya cũng như đoàn thiết giáp đang hướng về Banghazi. Tổng thống Obama đang công du tại Brazil phát biểu: “Tôi xin thông báo để nhân dân Mỹ hiểu, sử dụng vũ lực không phải là lựa chọn hàng đầu và cũng không phải lựa chọn dễ dàng của tôi.” Ông tiếp tục: “Để hoạt động có hiệu quả, mệnh lệnh của cộng đồng quốc tế phải được thực thi nghêm túc. Đó là lý do có liên minh quốc tế này.”
Sau hơn 72 giờ, toàn bộ hệ thống phòng không của Libya đã bị phá hủy hoàn toàn, nhân dân thành phố Benghazi thoát khỏi cảnh tàn phá. Nhưng sau này Tổng thống Obama đã bị chỉ trích một cách thiếu công bằng “từ phiá sau”. Đây là câu phê phán hoàn toàn sai lầm và ngớ ngẩn. Phải giải quyết nhiều vấn đề ban đầu từ phía trước, các bên và mọi hướng có thế mới hoàn thành nhiệm vụ, ngăn chặn sự thiệt hại tính mạng của hàng ngàn thường dân có thể xảy ra. Không ai khác có thể đảm đương công việc ấy ngoài chúng ta đã hành động, cả về khả năng quân sự đánh phủ đầu có tính quyết định chống lại lực lượng Qaddafi cũng như khả năng ngoại giao xây dựng, củng cố khối liên minh rộng rãi.
Thật không may, mối bất đồng trong Liên minh từ xấu đã đến mức tồi tệ chỉ sau có mấy ngày. Hôm thứ Hai, sau 2 ngày Hội nghị Thượng đỉnh Paris kết thúc, các đại diện tập trung tại Tổng hành dinh của NATO ở Brussels họp tìm mọi cách giải quyết sự khác biệt. Cuộc họp lập tức rơi vào tình trạng mâu thuẫn làm cho Đại sứ Pháp không hài lòng, ông ra khỏi phòng họp. Cả hai bên đã cố gắng làm dịu tình hình. Như từng lo ngại, phía Thổ Nhĩ Kỳ chỉ đồng ý thông qua xứ mệnh của NATO ở mức độ có giới hạn, còn Pháp cương quyết không từ bỏ quyền kiểm soát. Tối hôm thứ Hai, Tổng thống Obama điện đàm với Erdogan giải thích lần nữa tầm quan trọng của cụm từ “tất cả các biện pháp cần thiết”, nhấn mạnh điều này không bao gồm gửi các lực lượng quân đội cho cuộc xâm lược. Sau đó Tổng thông phôn cho Sarkozy, người sẵn sàng lãnh trách nhiệm chỉ đạo NATO vùng cấm bay, nếu Pháp và Anh cũng như các nước khác không có lệnh vùng cấm bay riêng của từng nước. Quan điểm của chúng ta, thiết lập hai vùng cấm bay song song một lúc là điều vô cùng khó khăn. Nhưng chúng tôi đồng ý với Sarkozy, không từ bỏ mục tiêu nhằm vào lực lượng bộ binh Qaddafi đang có nguy cơ đe dọa tiêu diệt cộng đồng phiến quân.
Đêm thứ Hai xảy ra sự cố gây căng thẳng cho tất cả chúng tôi. Một phảm lực cơ F-15 Strike Eagle do hai phi công Hoa Kỳ điều khiển, Trung tá Kenneth Harney và Đại úy Tyle Stark gặp nạn do sự trục trặc động cơ rơi ở phiá đông Libya lúc nửa đêm. Sau khi ném quả bom 500 cân xuống mục tiêu, phi cơ gặp nạn. Hai phi công bật dù nhẩy ra, nhưng dù của Stark bị kẹt, không mở. Còn Harney may mắn được đội tìm kiếm và cứu trợ cứu thoát, riêng Stark đã mất tích. Tôi rất đau buồn khi nghe tin chàng trai 27 tuổi sinh trưởng ở Littleton, Colorado đã hy sinh tại vùng sa mạc Libya.
Thật kỳ lạ, Stark được quân nổi dậy Benghazi tìm thấy và mời giáo viên dạy Anh ngữ đến phiên dịch. Người giáo viên Anh ngữ Bubaker Habib này có mối quan hệ thân thiết với nhân viên sứ quán Hoa Kỳ từ trước. Mặc dù toàn thể cán bộ nhân viên sứ quán Hoa kỳ đã rời khỏi Libya, nhưng Bubaker vẫn lưu trữ số điện thoại của họ, cho nên cô liên hệ đến Trung tâm Hoạt động của Bộ Ngoại giao. Qua cuộc điện thoại tới Trung tâm, Bộ ngoại giao thông tin cho Lầu Năm Góc sắp xếp cuộc cứu hộ Stark. Trong khi chờ đợi, Bubaker đưa Stark đến khách sạn ở Benghazi, tại đây ông được các bác sĩ điều trị vết thương ở đầu gối và mắt cá chân. Bubaker sau đó nói với phóng viên tạp chí Vanity Fair, ông thông báo cho quân nổi dậy: “Đây là phi công Hoa Kỳ. Nếu ông ta bị bắt hay bị giết thì các phi vụ cứu trợ các vị sẽ chấm dứt. Phài tìm mọi cách bảo vệ an toàn ông ta.” Người dân Libya ở Benghazi rất vui mừng tỏ lòng biết ơn sự can thiệp của Hoa Kỳ đã bảo vệ họ khỏi sự tấn công của quân đội Qaddafi.
Tại Washington tất cả chúng tôi thở phào nhẹ nhõm. Đồng thời tôi bắt đầu tìm ra giải pháp thỏa hiệp phá vỡ bế tắc mâu thuẫn giữa các đồng minh. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý không bỏ phiếu phủ quyết vùng cấm bay - phía Thổ không cần tham gia, chỉ cần Thổ không phủ quyết, sau đó tôi sẽ thuyết phục Pháp để NATO toàn quyền điều hành và kiểm soát.
Tổng thư ký NATO, Anders Fogh Rasmussen thông báo cho tôi, ông đã trao đổi với Thổ Nhĩ Kỳ, phiá Ả Rập sẽ không phản đối tham gia nếu NATO lãnh đạo, đây là điều Sarkozi rất quan ngại. Tìm hiểu sự việc, hóa ra AbZ đang ở trong văn phòng của Davutoglu tại Ankara khi Rasmussein gọi điện đến. Davutoglu trao điện thoại cho Emirati trực tiếp trả lời. Những tuyên bố của Qatar và Liên Đoàn Ả Rập đều thể hiện rất tích cực. Tôi hỏi: “Vậy ngài có chia sẻ quan điểm với Pháp quốc không?” Rasmussen trả lời: “Phản ứng của Liên đoàn đã từng đưa ra trong cuộc trao đổi riêng cũng như tuyên bố công khai.” Tôi yêu cầu được trao đổi trực tiếp với Davutoglu để biết rõ khả năng phiá các nước Ả Rập có thực hiện theo thỏa thuận hỗ trợ hay không.
Gặp Davutoglu tôi nhấn mạnh, Hoa Kỳ đồng ý NATO chịu trách nhiệm điều hành và kiểm soát. “Chúng tôi muốn việc chuyển giao một cách nhẹ nhàng và cần có bộ chỉ huy thống nhất điều khiển chiến dịch một cách đồng bộ về mọi mặt, kể cả nhiệm vụ bảo vệ thường dân.” Điều này có nghĩa, bao gồm cả vùng cấm bay và vùng cấm di chuyển. Davutoglu đồng ý, hỏi: “Có phải dưới sự lãnh đạo và kiểm soát của NATO đúng không? Vấn đề này cực kỳ quan trọng đối với nhân dân Libya, dưới chiếc ô của Liên Hiệp Quốc và NATO mở chiến dịch, người ta không nghi ngờ chiến dịch này do phương Đông hay phương Tây phát động.”
Tôi phôn cho Ngoại trưởng Pháp, Alain Juppé, ông nói: “Tôi cho rằng chúng tôi đã chấp nhận sự thỏa hiệp với điều kiện nhất định.” Nếu NATO điều khiển chiến dịch quân sự, Pháp muốn thiết lập ủy ban ngoại giao riêng biệt tập hợp các quốc gia đóng góp lực lượng bao gồm các nước Ả Rập có chỉ đạo. Đây là một hành động có phần nào nhún nhường, chúng tôi có thể chập nhận.
Cuộc điều đình đi đến sự thoả thuận, tôi điện đàm với đại diện Pháp, Thổ và Anh, nói: “Tôi tin chúng ta đã có sự hiểu biết và đồng cảm lẫn nhau, nhưng một lần nữa, để đảm bảo chắc chắn nên tôi trao đổi lại vấn đề này. Điều quan trọng chúng ta đều trong khối NATO, chịu trách nhiệm thực thi vùng cấm bay và bảo vệ thường dân ở Libya.” Tiếp theo, tôi rất cẩn trọng trong vấn đề thỏa hiệp. Cuối cùng sau cuộc điện đàm, chúng tôi đã thực sự đồng ý. Juppé reo lên “Hoan hô!” Thế là chúng tôi kết thúc cuộc điện đàm.
Ngay lập tức NATO nắm quyền chỉ huy và điều khiển mang mật danh “Người bảo vệ thống nhất”. Hoa Kỳ tiếp tục cung cấp thông tin tình báo quan trọng, thông báo hình ảnh thực địa giúp các cuộc không tập cũng như tiếp nhiên liệu trên không của các chiến dấu cơ của liên minh hoạt động trên bầu trời Libya trong thời gian dài. Tuy nhiên phần lớn những vụ không tập lại do các nước khác tiếp sức hành động.
Nhưng chiến dịch ở Libya kéo dài mà không một ai trong chúng tôi ngờ tới, nhưng không đưa bộ binh tham chiến, mặc dù một số người đã tỏ ý lo ngại. Đôi khi liên minh có ý kiến xung đột, với lượng kinh phí vừa đủ có trong tay lại còn dưới áp lực làm sao giữ được sự cân bằng giữa các đồng minh với nhau. Đến cuối mùa hè 2011, quân nổi dậy đã đẩy lùi lực lượng quân của chính phủ, chiếm được Tripoli vào cuối tháng Tám, Qaddafi và gia đình y bỏ chạy ra vùng sa mạc. Cuộc các mạng đã thắng lợi, giờ đây họ phải ra sức tái thiết đất nước, bắt đầu thiết lập một nhà nước mới.
*
* *
Giữa tháng Mười, Tripoli được giải phóng nhưng Qaddafi vẫn bặt vô âm tín, lẩn trốn đâu đó. Tôi quyết định chuyến công du Libya để đưa thông điệp, Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ tân chính phủ chuyển tiếp. Trong một đất nước tràn ngập những tên lửa vác vai đất đối không, quả thật rất nguy hiểm cho chiếc bay dân dụng Boeing 757 sơn màu Xanh -Trắng với hàng chữ Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ từ đầu tới đuôi, vì thế bên Không lực cung cấp chiếc máy bay vận tải quân sự C17 có trang bị các thiết bị phòng thủ, cho chuyến bay của tôi buổi sáng từ Malta đến Tripoli.
Trước khi máy bay cất cánh, một phóng viên tạp chí Time, Diana Walker thấy tôi đang kiểm tra chiếc điện thoại di động BlackBerry, chị đã nhanh tay bấm máy. Bức ảnh chị chụp làm mọi người rất ngạc nhiên, mấy tháng sau bức ảnh nhạy cảm lan truyền trên mạng internet, trở thành tấm hình “meme” chia sẽ trên mạng, coi như “tin nhắn từ Hillary” gửi mọi người. “Meme”, một trào lưu bùng nổ thường được dùng trên mạng internet, ghép bức ảnh tôi đang sử dụng điện thoại di động gửi tin nhắn với một người nổi tiếng nào đó với dòng chú thích hài hước về dòng tin trao đổi qua lại. Hình đầu tiên đăng tải trên mạng là Tổng thống Obama mệt mỏi ngồi trên ghế sô-pha, với chú thích: “Này, Hillary, chị đang làm gì thế hả?” Một ảnh khác về tôi: “Ấy, tôi đang liên lạc với thế giới”. Thấy thế, tôi cũng tham gia trò đùa này bằng cách gửi tin bằng thứ ngôn ngữ tiếng lóng trên mạng internet: “ROFL @ ur tumble! G2g-scumchie time.ttyl?” Câu này có nghĩa “Tôi thích trang web của các bạn”. Tôi mời hai người bày ra trò đùa này, hai chuyên viên trẻ tuổi Adam Smith và Stacy Lambe, đến Bộ Ngoại giao. Chúng tôi chụp ảnh chung trong khi cả ba giả vờ đang bận rộn với chiếc điện thoại trên tay.
Trong lúc Walker chụp ảnh, niềm vui của tôi cũng không thể kéo dài. Tôi còn biết bao chuyện phải lo toan, chiến tranh đang xé nát thủ đô của tân chính phủ mà mới có chút quyền lực cũng như chưa có chút kinh nghiệm nào về lãnh đạo quốc gia.
Sau khi hạ cánh an toàn, cánh cửa trực thăng C-17 mở, đứng trên cầu thang máy bay nhìn xuống, một đám đông có vũ trang, râu ria đầy mặt đang đứng chờ ở dưới. Họ từ Zintan, thị trấn đầy bom đạn miền núi phiá bắc Libya, cái nôi của cuộc cách mạng. Theo thỏa thuận chia xẻ quyền lực giữa các lực lượng dân quân khác nhau, giờ đây dưới sự kiểm soát của Tripoli, lữ đoàn Zintan chịu trách nhiệm bảo vệ sân bay này. Tổ bảo đảm an ninh của tôi có phần lo ngại vì tôi chưa gặp những người này bao giờ. Tôi hít một hơi thật sâu, thong thả bước xuống cầu thang. Quá bất ngờ, những người chiến binh bắt đầu hô to khẩu hiệu: “Thiên Chúa vĩ đại! Hoa Kỳ vĩ đại!” Họ giơ cao 2 ngón tay hình chữ “V”, có nghĩa “Chiến thắng”. Tôi bị hút vào đám đông của những người đàn ông hoan hỉ, cởi mở thân thiện từ vùng núi xa xôi. Một số đưa súng trường tự động cho chỉ huy, đến sát tôi yêu cầu được chụp ảnh, người lay lay vai, người bắt tay tôi. Kurt Olsson, phụ trách an ninh đứng sát bên tôi, nhưng tôi cứ tưởng như ông đã đi với mấy người lớn tuổi mái tóc muối tiêu.
Những người cầm súng leo lên xe SUV và xe bán tải chở vũ khí hạng nặng hộ tống đoàn xe của tôi qua thành phố, đám đông đang đứng hai bên đường vẫy tay chào đoàn xe đi qua. Các phố xá ở Tripoli tràn ngập hình vẽ trên tường, dọc theo các phố mô tả cuộc cách mạng, đả kích Qaddafi, khẩu hiệu mừng chiến thắng của phiến quân. Ngay sau đó tôi đến trụ sở của một hội từ thiện, được làm đại bản doanh tạm thời của tân chính phủ.
Sau cuộc họp với Chủ tịch Hội đồng Chuyển tiếp Nhà nước Libya, Mustafa Abdul Jalil, tôi đến văn phòng Jibril, thủ lĩnh phiên quân, tôi gặp ở Paris, giữ chức Thủ tướng lâm thời. Ông đón tôi với nụ cười thật tươi, tôi nói: “Tôi rất tự hào giờ đây được đứng trong đất nước Libya tự do.”
Họp với Jalil và Jibril, chúng tôi đã thảo luận những thách thức mới mà tân chính phủ phải đối mặt. Điều thách thức lớn nhất chính là sự đe dọa của Qaddafi và bọn trung thành với y. Tôi cam kết NATO tiếp tục sứ mệnh để bảo vệ thường dân Libya cho đến ngày bắt được tên độc tài và đánh bại chúng hoàn toàn. Sau đó tôi nêu ra những mối quan tâm khác.
Trách nhiệm đầu tiên với bất kỳ tân chính phủ nào cũng là vấn đề an ninh, tuân thủ pháp luật. Đây là thách thức rất lớn ở Libya. Khác Ai Cập, lực lượng quân đội và cơ quan an ninh hầu như không có sự xáo trộn, vẫn còn giữ nguyên vẹn sau khi Mubarak sụp đổ, nhưng ở Libya giờ đây là khoảng trống, quân đội đã tan rã. Ngoài phe phái thân thiện, có tinh thần cao như các chiến binh ở Zintan, còn có quá nhiều các nhóm vũ trang độc lập ở Tripoli và rải rác trong toàn quốc chưa thể xác định được về sự ủng hộ của họ. Điều này rất quan trọng khi sát nhập tất cả các lực lượng chiến binh thành một đội quân thống nhất dưới sự chỉ huy, điều khiển của chính phủ dân sự, các quy định của pháp luật, ngăn chặn việc chia rẽ và thiết lập nền tư pháp, kiểm soát chặt chẽ vũ khí trong toàn quốc. Hoa Kỳ sẵn sàng hỗ trợ tân chính phủ ở tất cả các khu vực, sẽ thay họ lãnh trách nhiệm để công việc hoàn thành trôi chảy. Jibril và các thành viên khác gật đầu tán thành, cam kết dành mọi ưu tiên.
Họp xong tôi đến tòa thị chính dự buổi họp mặt với sinh viên và các nhà hoạt động xã hội của Trường Đại học Tripoli. Qaddafi đã từng tìm mọi cách ngăn cản sự có mặt của các nhóm tình nguyện, tổ chức phi chính phủ (NGO), truyền thông độc lập, cơ quan giám sát chính phủ, họ là những người đại diện cho hoạt động dân sự. Tôi hy vọng họ sẽ là người đóng góp tích cực vai trò trong tình hình mới. Lịch sử đã cho thấy, một khi đã loại bỏ được tên bạo chúa thì người ta có thể xây dựng được chính phủ mới mang lại lợi ích cho người dân. Nền dân chủ sẽ phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng tại Libya. Tương lai của quốc gia này dưới tay tướng lãnh quân đội cai trị hay một chính phủ dân sự thể theo nguyện vọng của người dân?
Tiếp theo, sinh viên và các nhà hoạt động đứng lên nêu câu hỏi sắc bén, thiết thực về cách xây dựng một nền dân chủ mới. Một nữ sinh viên trẻ tuổi, sắp tốt nghiệp kỹ sư, nói: “Chúng tôi không thuộc đảng phái chính trị nào,” rồi cô hỏi làm thế nào để “động viên, khuyến khích nhân dân Libya tham gia hơn nữa vào đời sống chính trị và trong khoảng thời gian trên dưới 2 năm nữa sẽ có cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống.” Một nữ sinh viên y khoa đứng lên hỏi: “Chúng tôi rất bỡ ngỡ với nền dân chủ này. Theo bà, bước tiếp theo chúng tôi phải làm gì để có được tự do ngôn luận thật sự và danh dự phẩm giá của người dân Libya?” Những thanh niên trẻ tuổi này mong muốn có cuộc sống của “quốc gia bình thường” nhưng có quyền truy cập về sự phát triển kinh tế toàn cầu, có đầy đủ quyền lợi như nhân dân Mỹ cũng như nhân dân trên thế giới nơi đã có từ lâu. Tương phản với tầng lớp thanh niên này, quốc gia láng giềng Ai Cập mà tôi từng đến, họ hăm hở háo hức bỏ qua những khác biệt, tiếp thu những bài học từ nước ngoài, tham gia tiến trình chính trị. Libya tự do còn phải trải qua một chặng đường dài nữa - họ phải bắt đầu xây dựng từ sự đổ nát, nhưng những thanh niên này gây cho tôi ấn tượng với sự suy nghĩ thấu đáo, cẩn trọng và với lòng quyết tâm xây dựng đất nước.
Trước khi rời Tripoli, tôi thăm bệnh viện địa phương, bệnh nhân là thường dân, chiến binh, người hoạt động xã hội bị thương trong cuộc cách mạng chống Qaddafi. Tôi trò chuyện với người thanh niên bị cụt cả chân tay, với các bác sĩ, y tá, những người làm việc không biết mệt mỏi ngày đêm với thương bệnh binh trong cuộc xung đột. Tôi hứa, Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ y tế, thậm chí những trường hợp bệnh nhân quá nặng, có thể được đưa sang bệnh viện ở Mỹ.
Viếng thăm cuối cùng là khu nhà tổng hợp Gene Cretz, đã trở thành tòa Đại sứ quán Hoa Kỳ tạm thời. Trong thời kỳ cách mạng xảy ra, bọn côn đồ của chế độ cũ đã phóng hỏa thiêu trụi toà nhà đại sứ (cán bộ và nhân viên sứ quán đã di tản từ lâu), vì vậy cán bộ nhân viên ngoại giao tạm thời ở phòng khách Gene. Tôi thật sự ngạc nhiên trước sự dẻo dai, quyết tâm và dũng cảm của các nhà ngoại giao Mỹ. Chúng tôi nghe tiếng súng nổ từ xa vọng lại, tôi tự hỏi tiếng súng ấy do đánh nhau hay mừng chiến thắng. Các nhân viên sứ quán cho biết, tiếng súng ấy bây giờ thường xuyên. Tôi bắt tay và cám ơn mọi người vì sự tận tụy và hy sinh quý giá của họ.
Chiếc trực thăng C17 cất cánh rời Tripoli và tăng tốc. Chín tháng qua đã xảy ra biết bao biến cố kể từ khi tôi đến Doha cảnh báo các nhà lãnh đạo Trung Đông, nếu họ không cải cách, khu vực này sẽ lún dần trong sa mạc.
Libya lần đầu tiên tổ chức bầu cử vào mùa hè 2012. Theo toàn bộ kiểm tra, kể cả việc an ninh, cuộc bầu cử diễn ra suôn sẻ và ít sai phạm. Sau hơn 40 năm dưới sự cai trị của Qaddafi, người dân không có quyền tham gia chính trị, khoảng 60% nhân dân Libya trong toàn quốc đã đi bỏ phiếu bầu người đại diện cho mình và xuống đường mừng ngày hội bầu cử.
Tôi lo ngại những thách thức sắp tới có thể quá lớn kể cả với những nhà lãnh đạo chuyển đổi này. Nếu tân chính phủ củng cố được quyền lực, gìn giữ được an ninh, sử dụng nguồn thu nhập từ dầu mỏ xây dựng đất nước, tinh giảm dân binh, trục xuất bọn cực đoan, Libya chắc chắn có cơ hội xây dựng nền dân chủ bền vững. Nếu không làm được những điều ấy, quốc gia này sẽ phải đối mặt với những thách thức vô cùng khó khăn mà cuộc cách mạng hy vọng: tự do, an ninh, thịnh vượng trong tương lai. Nếu họ thất bại không chỉ Libya phải trả giá mà cả chúng ta cũng phải rút ra bài học đau đớn.