If you have love in your life it can make up for a great many things you lack. If you don’t have it, no matter what else there is, it’s not enough.

Ann Landers

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Số chương: 17
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2375 / 54
Cập nhật: 2016-04-19 21:57:31 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 17
ÔI NGẤT ĐI, NHƯNG NHỜ Ở NHỮNG PHẢN ỨNG TỰ NHIÊN CỦA MỘT người nhái từng lặn xuống sâu nhiều lần, tôi nổi lên được mặt nước.
Tôi hoàn toàn không hay biết gì từ giây phút tôi nhìn thấy Diễm Lan lần cuối khi nàng chìm trong bóng tối của biển sâu, cho đến lúc tôi thấy tôi qùy gối trên sàn du thuyền.
Khi tỉnh lại và nhận biết thực tại, tôi thấy tôi quỳ gối, gục đầu trên ván, quanh tôi nước chảy đọng thành vũng. Có lẽ tôi đã qùy gối bất động như vậy trong một lúc khá lâu vì hai vai tôi đã rát nóng vì bị mặt trời thiêu đốt…
Im lặng hoàn toàn bao phủ du thuyền, cảm giác trống rỗng khủng khiếp chụp lấy tôi. Tôi loạng choạng đứng lên và ngơ ngác không biết phải làm gì, nên làm gì nữa…
Tôi lê gối ngã lên ghế, đưa hai tay lên úp lấy mặt. Cơn xúc động quá mạnh làm tôi bàng hoàng như sống trong mơ. Tôi không tin ở tai nạn vừa xảy ra. Diễm Lan không thể chết được. Nàng vừa mới sống bên tôi. Sống động, da thịt tươi mát, thơm tho, quyến rũ. Tiếng cười của nàng còn vương vấn quanh tôi, cả mùi da thịt đàn bà đa tình của nàng. Thời gian trôi qua bao lâu rồi? Nửa giờ? Một tiếng? Tôi không còn biết nữa…
Có chuyện gì đã xảy ra? Tai nạn gì đã làm cho người tôi yêu chết ngất và chìm nhanh xuống đáy biển như người rớt từ một chiếc phi cơ đang bay ngang trời cao? Vì nguyên nhân nào nàng lại chết ngất?
Trước khi tôi rời đáy thuyền để đuổi theo con cá mập, tôi còn nhìn thấy nàng đang nổi lên và bơi về phía đáy thuyền. Đã nhiều lần kể từ khi tôi bắt đầu dạy nàng lặn sâu xuống biển với mặt nạ và bình dưỡng khí, tôi đã căn dặn nàng phải đề phòng kỹ mỗi khi muốn nổi lên. Nàng đã vô ý để đầu nàng va trúng đáy du thuyền, hoặc khi nàng vừa nổi lên, du thuyền bị gió đưa đi đột ngột nên cần lái hay guồng chân vịt trồi ra dưới nước đã đánh trúng đầu nàng. Cũng có thể là một luồng sóng ngầm đánh tới xô mạnh nàng vào đáy thuyền. Một khi tai nạn ấy xảy ra, nàng có thể bị choáng váng và chỉ cần nửa phút là người nàng chìm xuống. Mặt nạ của nàng có thể bị xô lệch hoặc cần dưỡng khí từ bình đeo trên lưng bị tuột khỏi miệng nàng…
Hoảng loạn, tôi như người điên, nhảy qua thành thuyền xuống nước, quên mất rằng mặt nạ và bình dưỡng khí trên lưng tôi đã được tháo ra. Tôi lặn xuống tìm nàng, nhưng chỉ có nước biển xanh ngắt một màu.
Nàng đã lên thuyền. Hồi nãy tôi hoa mắt nên nhìn thấy nàng chìm xuống. Tôi tưởng tôi thấy nàng chìm xuống chớ sự thật, nàng đang ở yên lành trong căn bếp nhỏ. Nàng đang nấu bữa cơm chiều. Đúng rồi. Tôi leo vội lên thuyền và chạy xuống ca-bin…
- Em…
Tôi kêu lên. Đúng rồi. Trong không khí căn phòng ấm cúng này có mùi nàng. Tôi lảo đảo vịn vào vách. Nàng hiện ra trước mắt tôi. Nàng rẽ tấm màn xanh bước ra trong bộ robe trắng, tay nàng cầm ve nước hoa nhỏ xíu. Nàng cười với tôi, mắt nàng sáng long lanh, tay nàng đưa nút ve thủy tinh lên chạm vào làn tóc bên tai:
- Em tìm thấy ve Chanel này trong sắc…
Tôi chồm tới ôm lấy nàng. Vẫn ôm ghì lấy nhau, chúng tôi ngã xuống…
° ° °
Lần này, tôi ngất đi thật lâu…
Khi tỉnh lại, tôi thấy tôi nằm một mình trên sàn thuyền lạnh, tấm màn che bị kéo mạnh rớt xuống phủ lên tôi. Và quanh tôi, ánh sáng của ngày đã tắt, thay vào đó là bóng xám của buổi chiều đang tối…
Hình bóng nàng vẫn quanh quẩn quanh tôi, mùi thơm của da thịt nàng cũng vậy. Rõ ràng tôi còn thấy nàng. Rõ ràng tôi còn thấy nàng. Nàng không chết. Nàng vẫn sống với tôi trên du thuyền này…
Vịn vào thành giường, tôi đứng dậy. Nàng vừa mới làm lại giường xong, nệm gối ngay ngắn, tươm tất. Trên mặt gối trắng, tôi thấy vướng một sợi tóc dài của nàng. Ngã úp lên mặt gối, tôi ngửi đầy lồng ngực mùi thơm của nàng.
Tôi ôm ghì nàng trong vòng tay.
- Em yêu. Đừng chết… Nếu em chết, anh cũng chết…
Tôi nói với nàng như thế và ý tưởng cùng chết bỗng làm cho tâm thần đang hoảng loạn, ghê khiếp, điên cuồng, không chịu chấp nhận thực tại của tôi dịu hẳn đi. Tôi chẳng từng ước nguyện được chết trước nàng là gì? Chết có gì đáng sợ đâu? Bởi chết đi, tôi lại được gặp nàng. Chúng tôi lại được cùng nhau chung sống…
Qua khung cửa sổ tròn, tôi nhìn thấy vừng mặt trời vàng ối lớn như bánh xe ngựa đang chìm xuống biển. Đêm xuống, gió nổi và thuyền trôi theo gió. Trên tôi, những cánh buồm căng gió phát ra những tiếng phật phật. Tiếng cánh buồm ăn gió đó càng làm cho tôi cảm thấy sự im lặng nặng nề đè chặt trái tim tôi. Giờ này mọi tối, tôi cùng nàng cùng ngồi ăn bữa tối quanh chiếc bàn kia…
Nhưng tối nay chỉ có một mình tôi trên thuyền, chỉ có một mình tôi chơ vơ giữa biển…
Tôi nhắm mắt lại. Và vừa nhắm mắt, hình ảnh Diễm Lan hiện ra rõ từng nét trên riềm mắt tôi: Nàng đang rơi xuống vực thẳm, người nàng đứng thẳng, mái tóc xỏa bay bay trên đầu nàng… Nàng rơi xuống, rơi mãi, rơi không bao giờ ngừng …
Thuyền vẫn trôi đi…
Tôi nghe thấy tiếng nàng gọi từ khắp mặt biển mang đến…
Mặt biển tối và trời đêm âm vang tiếng gọi của nàng.
- Đừng sợ, Diễm Lan…
Kìa… Nàng trôi trên sóng, tay giơ lên vẫy tôi. Tôi nhẩy vào xuồng và hạ xuồng xuống biển rất nhanh, bơi đến chỗ nàng. Nhưng sóng đã đánh nàng dạt sang góc biển khác. Suốt đêm, tôi bơi xuồng tìm vớt nàng trên biển, cho đến khi trời sáng.
Không ăn, không uống, không ngủ, song tôi không thấy mệt. Tôi phải cứu nàng. Bằng mọi giá, tôi không thể để biển xanh cướp người tôi yêu dấu nhất đời. Người tôi yêu không thể chết…
Bình minh lên, rồi mặt trời hiện như mọi ngày. Tôi rời xuồng để vào phòng máy dở bản đồ ra tính tọa độ. Trong một đêm lộng gió, thuyền tôi đã trôi được hai mươi hải lý về hướng bắc. Như thế này là tôi đến gần Hồng Kông hơn. Tôi hạ buồm, cho động cơ chạy và đi về nơi chiều qua tôi trông thấy Diễm Lan lần cuối...
° ° °
Một ngày trôi qua, đêm tới – đem không trăng, không cả sao. Một đêm cuối tháng và trời biển âm u. Không chắc tôi có thể trở về đúng được chỗ cũ hay không, tôi chỉ hy vọng là về đúng.
Buổi trưa, trời nắng và nóng hơn bao giờ hết. Trời biển như lồng trong một tấm gương lớn. Mặt nước phản chiếu ánh sáng làm tôi chói mắt. Đứng bám vào cột buồm, tôi phóng tầm mắt nhìn thật xa ra chung quanh. Mặt biển mênh mang trải dài vô tận. Trong phút đứng bám vào cột buồm nghiêng ngả ấy, đột nhiên sự thật đến đập mạnh vào tiềm thức tôi: một cánh hải âu từ trời cao sà xuống, đậu trên một mảnh ván trôi bồng bềnh trên sóng. Mảnh ván ấy có một cây cột dương lên cao. Tôi nhớ lại khi tôi nhìn thấy mảnh ván này với con hải âu lần đầu. Đó là lúc Diễm Lan và tôi sắp lặn xuống biển. Tôi đã trở lại đúng nơi Diễm Lan chìm xuống.
Mặt biển mênh mông, tâm thần tôi hoảng loạn, mê sảng. Khi tai nạn xẩy ra, tôi không hề ghi nhận vị trí đích xác. Việc tôi đưa du thuyền trở lại được đúng chỗ này không thể là một ngẫu nhiên hay tình cờ. Tôi tin chắc có một sức mạnh huyền bí nào đó đưa tôi trở lại. Sức mạnh huyền bí và vô hình ấy chỉ có thể là Diễm Lan. Sự hiện diện của con hải âu kia trên mảnh ván cho tôi biết chắc như thế. Cũng có thể linh hồn bất tử của nàng đã nhập vào con hải âu.
Nước mắt rưng lên trong mắt tôi khi tôi nhìn ngây con hải âu. Tôi nói với nó như nó hiểu được tiếng tôi, như trước đây tôi từng trò chuyện với nó:
- Hải âu… Đừng bay… Tôi cho ăn…
Tôi xuống ca-bin tìm trong tủ lạnh. Du thuyền rời bến Đà Nẵng không biết đã bao nhiêu ngày – chắc chắn là đã lâu lắm – nhưng thực phẩm dự trữ còn đầy trong tủ lạnh. Nhưng tôi không tìm được món gì có thể hấp dẫn được hải âu. Không lẽ tôi liệng cho nó những cây rau tươi?
Nhưng hải âu không cần tôi nuôi. Biển xanh có biết bao nhiêu cá. Khi tôi trở lên boong để báo cho nó biết tôi không có gì cho nó ăn được cả, tôi thấy nó từ trên cao đâm nhào xuống biển như một chiếc phi cơ làm “piqué” để phóng tên lửa. Mặt nước phẳng tóe lên một bông hoa bạc. Khi chim bay vọt lên, mỏ nó ngậm một con cá trắng. Nó đậu trở lại trên mảnh ván, ngửa cổ nuốt con cá vừa bắt được.
Tôi không còn khái niệm về thời gian và ngày đêm. Tôi cứ quanh quẩn mãi trên vùng biển tôi đã mất người yêu. Gió thổi và sóng đánh thuyền trôi đi, tôi cho thuyền trở lại bằng động cơ. Và con hải âu ngày lại ngày vẫn đậu trên mảnh ván đó, đánh dấu nơi tôi đánh mất người yêu.
Tôi biết tôi sẽ không còn đi đâu nữa. Ít nhất, tôi sẽ không bao giờ còn trở lại đất liền. Tôi chỉ trở về khi có Diễm Lan. Nàng ở đâu, tôi ở đó. Nàng ở đây và tôi ở đây. Mãi mãi…
Chỉ trong vòng một tháng trời, Diễm Lan và tôi, chúng tôi đã sống qua một ngàn năm yêu đương, ân ái. Cuộc tình thần tiên của chúng tôi đẹp nhất đời này. Bất kể có bao nhiêu ngàn triệu đàn ông, đàn bà sống trên trái đất, mỗi thế kỷ chỉ có một cuộc tình đẹp mà thôi. Và cuộc tình của chúng tôi là cuộc tình đẹp nhất thế kỷ này.
Bởi vì thế kỷ này có biết bao người đàn ông, đàn bà sống cạnh nhau suốt những đời dài không yêu nhau bằng tôi và Diễm Lan yêu nhau trong nửa tháng.
Tôi quyết định ở lại trên vùng biển này mãi mãi với nàng.
Rồi trong những đêm dài mênh mông không ngủ, những ngày nắng gió không một tiếng động, trừ những tiếng kêu của con hải âu trên đầu tôi – dần dần tôi tìm được cách gần nàng.
Khi tôi đã quyết định cùng xuống đáy biển với nàng, cơn tuyệt vọng của tôi lắng xuống.
Diễm Lan… Diễm Lan… Anh yêu em… Anh yêu em lắm… Anh sẽ xuống vùng Thủy Tinh Cung lóng lánh đó với em. Chúng ta sẽ không bao giờ xa nhau đúng như lời chúng ta nguyện ước. Chúng ta ước mơ được mãi bên nhau. Ước mơ ấy nay thành sự thực. Anh chẳng còn đòi hỏi gì nữa và anh chắc em cũng như anh. Chúng ta dìu nhau bềnh bồng trên sóng, cùng ngắm những bình mình hồng, những đêm trăng sao vằng vặc. Từ Thức ngu muội đã ngàn năm một thuở lọt vào được Bồng Lai còn xuẩn ngốc đòi trở về. Anh không dại như Từ Thức. Anh ở lại mãi bên em. Mặt đất già nua lúc nhúc những người, những ngợm kia không có gì đáng để anh luyến tiếc…
Trên mặt bàn trong phòng máy, tôi bầy sẵn bình dưỡng khí và chiếc mặt nạ thợ lặn. Trong một khoảng thời gian rất lâu, tôi đứng nhìn xuống mặt biển lóng lánh ánh bạc, ánh vàng. Nước biển như trong suốt tới đáy và dưới đó, tôi thấy lung linh hình bóng những cung điện lưu ly. Nàng đang chờ tôi trong một lâu đài pha lê nào đó…
Hôm nay, tôi sắp rời du thuyền để xuống Thủy Tinh Cung với nàng. Tôi trở xuống phòng ngủ lần cuối. Trên chiếc giường nhỏ chúng tôi từng ân ái, tôi tìm thấy ve nước hoa Chanel No 5 nhỏ xíu của nàng. Tôi sẽ mang ve nước hoa này xuống dưới đó cho nàng. Giờ đây, tôi đặt nó trên bàn cạnh quyển Nhật Trình. Rồi tôi ngồi vào bàn cầm bút ghi lại những sự kiện đã xảy ra trên du thuyền từ trước khi chúng tôi rời bến Đà Nẵng. Tôi có bổn phận phải để lại đây một chút dấu tích của chúng tôi. Du thuyền sẽ trôi dạt trên biển, nhưng rồi sau cũng sẽ có một chiếc tầu nào đó đi ngang bắt gặp nó. Người thủy thủ nào lên du thuyền Tình Ái của chúng tôi sẽ biết chúng tôi đi đâu, về đâu qua quyển Nhật Trình này.
Có một lúc tôi mơ màng hồi tưởng lại giây phút đầu tiên nàng hiện ra trước mắt tôi trên sàn xi-măng của cầu tầu – đó là một buổi sáng nắng vàng, nàng ngọt và thơm như một khối mật ong – tôi xiết chặt ve nước hoa trong lòng bàn tay và ngón tay tôi làm bật nút ve. Một giọt nước thơm rơi trên trang giấy. Mùi hương ngây ngất, ngào ngạt đượm trong phòng này. Mùi hương làm cho tôi say. Có tiếng nàng gọi tôi dưới đó…
Tôi nhắm mắt lại, và trong một giây đồng hồ, tôi sống lại tất cả cuộc tình thần kỳ huyền diệu của chúng tôi. Từ đầu.
Rồi tôi thấy hiện ra những vùng sâu thẳm màu xanh thẫm, những ánh bạc huyền diệu sáng lên, tắt đi như mời gọi. Tiếng gọi thiêng từ đáy đại dương làm tôi rung động từng tế bào. Say… Say…
° ° °
Đến đây là trang cuối và những giòng cuối quyển Nhật Trình kỳ lạ của chiếc du thuyền không người lênh đênh giữa biển. Ông Thuyền Trưởng gập quyển sổ bìa cứng lại. Câu chuyện tình bi thảm, hào hùng và tuyệt đẹp của hai người lạ có tên Hoàng Chương và Diễm Lan làm cho ông chấn động cả tâm hồn, mặc dầu ông là người cứng rắn, gần như cả đời chẳng biết tình yêu nam nữ là gì.
- Tội nghiệp cho hắn…
Ông Thuyền Trưởng nói lớn lên ý nghĩ đó. Ông tưởng tượng ra chàng thanh niên ấy sống qua những giây phút điên loạn khủng khiếp biết là chừng nào. Trong trường hợp của Hoàng Chương, lối thoát duy nhất chỉ có thể là nhẩy xuống biển theo Diễm Lan.
Bây giờ đêm đã khuya – hai giờ sáng – chiếc tầu vẫn tiến thẳng về hướng Hồng Kông. Chỉ có tiếng máy tầu rầm rì trong đêm, nhưng ông Thuyền Trưởng đã nghe quá quen tiếng động rì rì liên tục ấy nên như không gian không có nó, như quanh ông đêm khuya hoàn toàn yên lặng.
Ông Thuyền Trưởng không phải là người thích đọc sách. Những lần trước đây, mỗi lần đọc vài trang báo trong lúc nằm trên giường là ông ngủ thiếp đi. Kể cả ban ngày cũng vậy. Nhưng đêm nay, sau khi đọc xong câu chuyện tình của đôi người trẻ tuổi mà ông chưa từng gặp mặt, ông tỉnh trí và trí óc ông hoàn toàn minh mẫn. Ông nằm đó, đốt điếu thuốc lá Bastos và thả khói bay mù căn phòng nhỏ với ánh đèn mờ. Đêm ở vùng biển này trời đã lạnh. Từ quyển sổ nằm trên chiếc giường nhỏ bên cạnh ông tiết ra mùi hương – nước hoa đàn bà là một thứ mùi xa lạ với những căn phòng trên những chiếc tầu chở hàng gồm toàn đàn ông – làm cho ông bỗng dưng nghĩ đến đàn bà. Một người đàn bà đẹp, tuổi chưa tới ba mươi…
Như người đàn bà tên là Diễm Lan được tả trong quyển sách này.
Rồi phút xúc động của người thủy thủ già qua đi. Trí óc ông ta bắt đầu trở lại minh mẫn. Ông nhíu đôi lông mày rậm lại khi biết rằng câu chuyện tình như chuyện thần tiên này có thể làm cho ông thức trắng đêm nay. Ông thức trắng đêm, hoặc nói một cách khác, ông bị mất ngủ không phải vì câu chuyện quá cảm động, quá đẹp hay quá bi thảm mà chỉ vì chuyện có một vẻ gì đó rất khả nghi…
Ông lờ mờ ngờ rằng câu chuyện do anh chàng giang hồ Hoàng Chương nào đó ghi lại trong quyển Nhật Trình này – với ý định rõ rệt là để cho những kẻ tìm thấy chiếc du thuyền không người lênh đênh giữa biển đọc và làm chứng – đã không xẩy ra đúng hẳn như sự thật. Nhất là ở đoạn cuối của chuyện.
Nhưng chuyện khả nghi ở những chi tiết nào? Ông Thuyền Trưởng thắc mắc và bận trí vì phải suy nghĩ tìm những chi tiết đó.
- Kỳ lạ… Tại sao lại là người đàn bà biết trước về chuyện ấy? Lẽ ra, người nhận thấy chuyện đó trước phải là anh chàng chứ? Hắn đã từng đi biển mà? Hắn từng biết những thể thức và luật lệ hàng hải. Không lẽ tình yêu làm cho hắn quên hết?
Chi tiết làm cho ông Thuyền Trưởng thắc mắc ngay từ khi ông đọc đến đoạn đó là việc người đàn bà tên là Diễm Lan trong chuyện lại là người biết trước rằng họ không thể nào đem chiếc du thuyền này vào bất cứ một hải cảng nào trên thế giới sau khi du thuyền đã đổi tên là Tình Nữ. Việc đổi tên thuyền từ Đồng Nai sang Tình Nữ chỉ là một hành động trẻ con. Một chiếc du thuyền có động cơ đi được qua biển không thể đổi tên dễ dàng như thế.
Đúng lý ra, một người có kinh nghiệm về hàng hải như Hoàng Chương phải biết chuyện ấy trước hơn ai hết. Nhưng điều khả nghi là ở đây, tức là theo những lời ghi lại trong quyển Nhật Trình, người nhận thấy họ không thể nào thoát được cuộc truy tầm của bọn buôn lậu sẵn sàng giết người và từng giết người bằng cách đổi tên cho du thuyền, cũng như họ không sao có thể đưa du thuyền không có giấy tờ chứng minh này vào bất cứ một hải cảng lớn nhỏ nào trên trái đất này.
Một vài lượt sơn phủ lên cái tên thật của du thuyền rồi vẽ lên đấy một cái tên mới không làm thay đổi nổi căn cước của du thuyền. Nó có cả tập hồ sơ với hàng trăm tờ giấy chứng nhận của nó. Vẽ tên khác lên mạn thuyền rồi cho rằng như vậy là đã xong, đã yên trí, sẽ không còn sợ ai tìm theo được dấu mình nữa… Việc làm ấy chắc chắn một gã giang hồ sành sỏi như anh chàng Hoàng Chương trong chuyện này không bao giờ làm. Hoặc có làm, tức là có đổi tên cho thuyền, cũng là để chơi cho vui chứ không thể cho đó là chuyện thật.
Điểm khả nghi lớn thứ hai mà ông Thuyền Trưởng nhận thấy trong chuyện này là kể từ phút hai người nọ thanh toán được hai tên sát nhân, họ không hề đả động đến chuyện trở về thành phố. Cứ theo như chuyện ghi lại thì chàng và nàng cùng thỏa thuận sẽ cứ sống mãi như thế với nhau trên thuyền, sẽ không bao giờ vào bến, không bao giờ trở lại Việt Nam…
Đó cũng là chuyện trẻ con. Khi đang sống chật chội trong đất liền, khi gặp những chuyện bất như ý hoặc nguy hiểm, người ta có thể nghĩ rằng nếu người ta được sống trên một du thuyền có đầy đủ mọi thứ cần dùng, người ta sẽ lênh đênh mãi trên biển không bao giờ trở vào đất liền. Nhưng chỉ cần người ta sống trên thuyền và phiêu dạt giữa biển nửa tháng, người ta mong nhớ đất liền với thành phố ngay lập tức. Con người được sinh ra để sống trên mặt đất. Kể cả những dân tộc gọi là sống trên biển cũng phải sống nép vào bìa đất. Người đàn bà thanh lịch như nàng Diễm Lan không thể thiếu những mỹ viện, những nhà may y phục với cả ngàn thứ hàng nhập cảng, thiếu nước hoa Phú-lang-sa, thiếu cinéma Rex… Và nhất là thiếu nước tắm. Cả anh chàng Hoàng Chương cũng vậy. Dù có thể chỉ sống bằng ái tình với nước biển, chàng và nàng cũng vẫn phải đưa nhau trở về đất liền.
Lênh đênh mãi trên biển, họ sẽ bị các tàu tuần tiễu bắt được. Đó cũng là chuyện tất nhiên phải xẩy ra, chẳng sớm thì muộn. Ông Thuyền Trưởng nghĩ thầm: “Mình biết như thế. Chắc chắn gã Hoàng Chương cũng phải biết như thế. Gã yêu Diễm Lan, gã phải nghĩ tới việc bảo vệ nàng dài ngày. Nơi trốn kẻ thù kín nhất vẫn là lọt vào những thành phố đông đảo vài triệu người…”
Nếu họ lọt vào được thành phố, bọn gian sẽ khó tìm được họ. Họ có thể chìm mất trong biển người, nhưng điều khó khăn cho họ nhất là đưa du thuyền vào bất cứ hải cảng nào ở Đông Nam Á Châu này, họ cũng bị bọn gian phi chờ sẵn hoặc biết.
- Làm cách nào đưa nàng vào hải cảng lớn như Hồng Kông mà tay chân của bọn gian không biết?
Ông Thuyền Trưởng nghĩ như thế và đột nhiên ông cảm thấy tim ông đập mạnh, người ông nóng bừng lên. Máu nóng trong ông vừa chuyển động: giây phút ấy ông ta chính là gã Hoàng Chương quả cảm đang tìm cách bảo vệ nàng Diễm Lan đa tình.
- Làm cách nào cứu nàng?? Làm cách nào??
Đang nằm, ông ta bỗng ngồi bật dậy. Hình như ông vừa tìm ra được một giải pháp bảo vệ hữu hiệu cho nàng Diễm Lan đa tình “thân hình tượng ngọc thơm như một khối mật ong”. Mắt ông ta sáng lên và ông la thành tiếng:
- Tuyệt… Tuyệt… Đúng là như chuyện thần tiên.
Hoàng Chương còn sống – Ông Thuyền Trưởng náo nức với sự phát giác ấy – Và cả Diễm Lan vẫn còn sống.
Cơn xúc động lại qua đi. Khi trái tim dịu lại, ông ta nồng nàn ao ước – như ông chưa từng ao ước một chuyện gì nồng nàn đến thế bao giờ – … Hoàng Chương và Diễm lan đều còn sống.
° ° °
Chiếc tàu chở hàng dòng dây kéo theo chiếc du thuyền đã được một đêm, một ngày. Bây giờ lại là hoàng hôn.
Mặt biển thật lặng và tầu sắp đi vào hải cảng Hồng Kông. Ông Trưởng Tầu vừa cho lệnh đánh điện vào Sở Kiểm Soát Hàng Hải của Hồng Kông để báo tin tầu mình sắp tới. Trong điện tín này, ông cũng báo cáo sơ qua việc tìm thấy du thuyền không có người ở giữa biển và kéo du thuyền theo tầu ông vào Hồng Kông.
Ở đây, biển có nhiều sương mù. Và trong màn sương ở phía xa trước mũi tầu, những người thủy thủ đã thấy sáng nhấp nháy những ánh đèn pha đặt nổi xa nhất ngoài biển của hải cảng Hồng Kông.
Ông Trưởng Tầu đứng trong phòng lái cao, trầm tư nhìn về chiếc du thuyền lướt đi êm sau tầu. Tay ông cầm chiếc ống dòm cỡ lớn, thỉnh thoảng ông lại đưa lên, nhìn sang du thuyền, như để tìm hay quan sát một cảnh tượng gì đáng nhìn trên đó.
Du thuyền được kéo theo tầu bằng một sợi dây cáp dài tới 500 thước. Chiều dài của sợi dây này để đề phòng khi tầu ngừng, du thuyền còn đà vẫn lướt tới, nhưng sẽ hết đà và ngừng lại ở khoảng 300 thước. Nếu kéo thyền bằng dây ngắn quá, thuyền có thể thuận đà đâm vào tầu khi tầu ngừng lại.
Khi màn đêm xuống ở khoảng cách nửa cây số, mắt thường chỉ nhìn thấy du thuyền là một khối nhỏ lờ mờ trắng. Mắt thường không thể nhìn thấy bóng người trên du thuyền, nếu trên du thuyền đêm xuống có người.
Cái chết và cuộc sống của hai người trẻ tuổi yêu nhau tha thiết trên du thuyền kia đã ám ảnh tâm trí ông Trưởng Tầu suốt ngày hôm nay. Đúng như ông ta biết trước, đêm qua ông đã thức trắng đêm. Ở vào số tuổi của ông, việc thức trắng đêm không còn là việc làm tổn hại nhiều đến sức khỏe nữa. Những đêm tầu gặp bão hay đi vào vùng biển động, hoặc động cơ bị trục trặc, ông vẫn từng thức suốt đêm như thế. Có khi ông thức cả hai ba đêm liền.
Vào khoảng 4 giờ sáng nay, ông Trưởng Tầu trở dậy đun lấy nước pha trà tầu. Ông ngồi độc ẩm trong buổi sáng trời mờ sương lạnh, tỉnh trí đọc lại từ đầu đến cuối quyển Nhật Trình của du thuyền Tình Nữ.
Ông đọc lại, không phải là đọc để biết, để thưởng thức như người đọc một truyện tình đẹp, gay cấn, hấp dẫn, mà là đọc để phân tích từng chi tiết. Ông như một bác sĩ giải phẫu mổ xẻ từng phần cơ thể của một tử thi. Đúng hơn, ông như một kỹ sư tháo rời ra từng bộ phận của một cái máy lạ để tìm biết sự bí mật làm máy chuyển động.
Sự bí mật mà ông muốn tìm biết qua những trang Nhật Ký là sự thật: cặp tình nhân trên du thuyền kia còn sống hay đã chết??
Điểm mâu thuẫn nhất mà ông Trưởng Tầu thấy rõ nhất là điểm chính Diễm Lan, người đàn bà tuy đẹp nhưng chắc chắn là không biết gì về luật hàng hải, lại là người biết rằng chiếc du thuyền của họ không thể đưa họ vào bất cứ hải cảng nào mà bọn buôn lậu không biết.
Sau khi họ thanh toán được hai tên sát nhân, Diễm Lan vẫn còn sợ hãi. Những trang nhật trình cho biết có nhiều đêm nàng không ngủ được. Đó là những lúc nàng lo sợ trước tương lai đen tối…
Và Hoàng Chương, người thanh niên trong chuyện tình này, là người vừa quả cảm, vừa giầu tưởng tượng. Những gì gã viết lại có thể coi như một tiểu thuyết. Người thanh niên ấy tất phải làm đủ mọi chuyện có thể làm được để giữ vững tình yêu xứng đáng được hy sinh để giữ của họ.
Họ không thể cứ sống lênh đênh mãi ngoài biển khơi, họ cũng không thể sống được một khi họ trở về đất liền. Song, nếu họ cùng chết đi… mọi vấn đề sẽ tự giải quyết. Nếu bọn buôn lậu có bằng chứng chắc chắn rằng họ đã chết, mọi truy tầm sẽ ngừng. Cặp tình nhân sẽ có điều kiện êm đềm sống và yêu nhau.
Nhiều lần trong ngày, ông Trưởng Tầu đã định xuống xuồng để đích thân sang kiểm soát du thuyền. Nếu ông sang đó, ông tin rằng ông sẽ tìm được một vài bằng chứng để biết chắc chắn những người trên đó đã chết hay vẫn còn sống. Song, đến phút sắp ra lệnh cho thủy thủ hạ xuồng, ông ta lại thôi.
Vì ông nghĩ rằng, nếu sang du thuyền và nếu tìm thấy bằng chứng là du thuyền còn có người sống, ông sẽ bắt buộc phải báo cáo với nhà chức trách hàng hải. Và nếu ông báo cáo như thế, sẽ có hại lớn cho cặp tình nhân. Chi bằng đừng tìm, đừng biết là hơn…
Nhưng ông Trưởng Tầu, tuy chỉ là một tầu chở hàng, cũng là người giầu tưởng tượng không kém anh chàng Hoàng Chương nào đó từng sống, từng yêu trên chiếc du thuyền kia. Đứng trên sàn tầu cao, ông nhìn du thuyền lướt êm trong bóng chiều đang tắt và ông tưởng tượng…
…Mưu giả chết thường được gọi là kế “Kim thiền thoát xác” trong những truyện cổ. Người ta phải giả chết để được sống là chuyện thường… Trong trường hợp của cặp tình nhân bị săn đuổi này, mưu giả chết để đánh lừa kẻ thù thật thần diệu. Phẳi là người thông minh lắm hoặc may mắn lắm mới nghĩ ra được mưu này. Anh chàng Hoàng Chương đúng là kẻ vừa thông minh vừa gặp may. Nếu người anh yêu không tuyệt đẹp như nàng Diễm Lan, có thể anh đã không thể nghĩ ra được cái mưu ấy…
Với những người trẻ tuổi từng quen lặn dưới biển, nhất là lại có mặt nạ thợ lặn và bình dưỡng khí trên lưng, việc lặn dưới nước nửa ngày, một ngày… không phải là việc khó. Họ chỉ cần lặn và bám ở dưới sàn du thuyền, bám ở phía đuôi thuyền, là đủ để cho những thủy thủ trên chiếc tầu chở hàng này không trông thấy. Đêm xuống, họ đàng hoàng lên thuyền. Cả ban ngày nữa. Họ có thể cứ ở dưới phòng ngủ, họ chỉ cần để ý canh chừng, nếu thấy trên tầu thả xuồng xuống biển, họ ung dung mang đồ lặn tụt xuống biển ở phía đuôi thuyền cũng vẫn thừa thì giờ…
Muốn làm cho thiên hạ tin rằng họ đã chết, họ để lại trên thuyền cái sắc đựng gần một trăm ngàn đô-la. Số bạc ấy là bằng chứng mạnh mẽ, hùng hồn nhất về chuyện họ đã chết. Không ai tin rằng họ chịu bỏ lại số bạc lớn ấy khi họ trốn đi. Nếu còn sống, họ còn cần có tiền. Chỉ có chết, họ mới chịu bỏ lại số đô-la lớn ấy…
Số đô-la cũng được ghi trong quyển Nhật Trình. Hoàng Chương chỉ ghi lại sơ sài số bạc trong chiếc sắc khoảng 100.000 đô-la và số tiền những thủy thủ lên du thuyền tìm thấy cũng gần đúng với con số ấy. Song, có gì bảo đảm họ chỉ có từng ấy tiền?? Biết đâu số đô-la họ có chẳng gấp hai, gấp ba số tiền họ để lại??
Và ai biết đâu người thiếu phụ lại chẳng còn đem theo một số nữ trang giá trị?? Hoặc có thể nàng còn có tiền gửi ở trong một trương mục ở một ngân hàng nào đó trong thành phố Hồng Kông họ sắp tới kia?? Trong lòng ông Trưởng Tầu, người thủy thủ già ấy nổi lên một hy vọng: đôi tình nhân còn nhiều tiền, còn thật nhiều tiền…
Vào được Hồng Kông, có tiền, họ sẽ mua được những giấy tờ căn cước mới. Họ sẽ trở thành dân Tầu một cách hợp pháp để rồi một ngày đẹp trời nào đó, họ đưa nhau lên Caravelle đi Tokyo, đi Paris, đi… Sài gòn. Ở Hồng Kông, họ có thể mua được tất cả, miễn là họ có tiền.
Cũng có lúc ông Trưởng Tầu thắc mắc đến chuyện không hiểu họ có tìm thấy được chiếc phi cơ rơi dưới biển hay không? Ông kết luận là không. Tất cả câu chuyện của họ đều là sự thực, trừ đoạn cuối cùng…
- Họ xứng đáng được sống… – ông Trưởng Tầu thì thầm một mình – Họ không có tội gì cả, trừ cái tội chiến đấu để được sống…
Và cuối cùng ông quyết định sáng mai đây, khi tầu tới hải cảng, ông sẽ đến sở Cảnh Sát Hàng Hải. Và ở đây, ông sẽ khai rằng đã chết hết. Ông sẽ không khai những chi tiết lẩm cẩm như là thủy thủ của ông lên du thuyền, họ còn thấy trên bàn hai ly cà-phê, một ly uống dở hãy còn ấm. Và trên bếp gas, ấm đun nước vẫn còn nóng. Chi tiết này có thể làm cho những kẻ đa nghi đặt câu hỏi: một gã tuyệt vọng vì người yêu chết chìm đến cái độ nhẩy xuống biển cùng chết với nàng, còn đầu óc đâu mà đun nước pha cà-phê??
° ° °
Tám giờ tối, những dẫy đèn của Hồng Kông sáng rực như một vùng kim cương trong sương mù.
Ông Trưởng Tầu vẫn đứng trong phòng máy nhìn về chiếc du thuyền lướt êm sau tầu. Đôi mắt tuy đã hấp hái của ông vẫn còn rất tinh. Khi tầu chỉ còn cách đất liền chừng hai cây số, ông nhìn thoáng thấy cái mà ông đứng ở đây từ chiều chỉ cốt để nhìn thấy…
Cái đó là hai vật đen đen, tròn tròn như hai trái dừa nước… từ từ rời đuôi chiếc du thuyền. Trên mặt biển sương mù, hai vật tròn ấy trôi về phía bờ biển…
Ông Trưởng Tầu đã nhấc cái ống nhòm lên để nhìn cho rõ. Nhưng không hiểu sao ông lại hạ xuống. Có thể là ông đã nhìn thấy đủ những gì ông cần thấy, cũng có thể là ông không muốn nhìn rõ hơn. Bởi vì hai vật đó cũng có thể là hai trái dừa, hoặc hai vật gì đó không thuộc về người …
Làn môi khô của người thủy thủ già bỗng thoáng hiện nụ cười hài lòng. Rồi ông thì thầm một mình:
- Chúc các em thành công…
Sau đó, ông quay vào để thực hiện cuộc cho tầu cặp bến.
HOÀNG HẢI THỦY (1971)
Như Chuyện Thần Tiên Như Chuyện Thần Tiên - Hoàng Hải Thủy