"It's very important that we re-learn the art of resting and relaxing. Not only does it help prevent the onset of many illnesses that develop through chronic tension and worrying; it allows us to clear our minds, focus, and find creative solutions to problems.",

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả:
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Người Của Biển
Upload bìa: Trạch Văn Đùng
Số chương: 38
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 5
Cập nhật: 2024-09-01 17:35:07 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 17
áng hôm sau, ngỡ bão ngớt, nhưng liền đó, một cơn lốc lại nổi lên, mưa dai dẳng. Tới chiều, bầu trời sáng dần rồi quang hẳn. Biển xanh tím như vừa qua lần lột xác trở nên mới mẻ, dịu dàng.
Con tàu vẫn đi theo hướng đã vạch sẵn.
Lê lảo đảo bước ra khỏi buồng lái, lên boong. Anh mệt rã rời, có cảm giác châng lâng, nhẹ bẫng như đang lơ lửng trên không. Cái gì cũng như không thật nữa. Anh hít một hơi sâu vào lồng ngực, làm vài động tác thể dục, rồi đốt điếu thuốc, ngồi tựa ca bin, ngó xuống biển. Lê không khỏi ngạc nhiên khi nghĩ rằng mình vừa trải qua những giờ phút có thể coi như trong cơn ác mộng.
Tiếng chính trị viên Lượng ở ngay phía sau anh:
- Ta báo cáo chiến thắng về "nhà" cho "các cụ" mừng đi chứ!
Lê quay lại, mỉm cười, gật đầu. Nhưng thoáng chút suy nghĩ, Lê bảo Lượng:
- Mà khoan đã anh ạ. Có lẽ anh cùng với anh Xuân cho các bộ phận dọn dẹp, kiểm tra, củng cố lại tàu; còn tôi sẽ xác định thật chính xác vị trí tàu ta hiện tại và xem lúc nào chuyển hướng vào bến. Mọi việc gọn ghẽ, ta báo cáo luôn một thể. Mất chừng một tiếng chứ mấy. Anh thấy thế nào?
- Đồng ý! - Loáng cái đã thấy tiếng Lượng dưới khoang - Thôi đừng tán dóc nữa, các tướng. Có bao việc cần làm đây: Bộ phận đồng chí Hải phơi lưới. Cơ điện, dọn phòng ngủ. Hàng hải lau vũ khí. Thông tin kiểm tra máy. Còn lại, xuống hầm hàng...
Bằng linh cảm và kinh nghiệm của người đi biển lâu năm, ông Tám Thạnh cũng rõ được rằng hiện giờ con tàu đang ở vào khoảng nào. Ông giao máy cho anh em rồi lẳng lặng bước lên boong, đứng nhìn về phía đất liền. Phía ấy mờ mịt, xa xăm, chỉ có một vệt rất mờ, ranh giới giữa trời và biển, song ông có cảm giác như mình đã nhìn thấy ngọn núi Một, nhìn rõ eo Lồng Cú, nhìn rõ những hàng dừa chạy viền mép nước, trên bãi... Chẳng lẽ đây là sự thật: Sau hơn hai mươi năm xa vắng, đêm nay Tám Thạnh lại đặt chân lên vùng đất ấy? Vùng đất tứ thời sặc sụa mùi cá, mùi tôm, mùi mực tươi và mùi bọt bể. Mấy tiếng đồng hồ nữa Tám Thạnh sẽ lại được ngửi hít mùi tanh lợ quen thuộc ấy sao? Cái mùi đã ngấm vào từng lỗ chân lông khiến cơ thể Tám Thạnh luôn tỏa ra hương vị quê hương. Tám Thạnh sẽ lần từng gốc dừa mà chuyện trò, mà hỏi han... Bao nhiêu điều cần biết sau khoảng thời gian đằng đẵng ấy. Bãi cát xế chợ có dài rộng ra? Thêm bao nhiêu nóc nhà mọc lên đó? Tám Thạnh vẫn hình dung ra vị trí túp lều đơn chiếc của mình nép dưới gốc dừa già, kề mép biển. Bao năm tháng côi cút cô đơn, Tám Thạnh đã chui ra, chui vào căn lều le te ấy. Tối tối chỉ biết chuyện trò với cây dừa, với bãi cát, với sóng. Đã ai chặt cây dừa hay nó vẫn đứng ngóng ra biển chờ Tám Thạnh về? Chắc dừa cũng đã già cỗi lắm! Có còn không những hàng quán lúp xúp ở chợ Thương Long? Cái chợ đầy tràn cá mỗi chiều, cái chợ lúc nào cũng ồn ã chao chát giá cả và lúc nào cũng tanh tưởi. Mà sao có tên là Thương Long, Hòn Hàng? Cớ chi kêu vậy chớ? Và bà Ba-cá-hồng, ông vẫn nhớ cái dáng núc ních của bà chạy lắt thắt trên bãi ra đón. Không phải bà đón Tám Thạnh, bà đón cá. Cái môi bìu ra như quả chuối khi ai đó kêu giá không vừa ý, ông nhớ rõ lắm... Và ngôi nhà cạnh chợ Thương Long... với người đàn bà ấy? Ừ, dẫu sao thì cũng một thời có người gọi ông là chồng và ông kêu họ là vợ; một thời da dẻ đỏ au của ông cũng có lúc mát lạnh tay đàn bà; ông đi biển về cũng có người thổi cho miếng cơm mà ăn, nướng cho con cá mà nhậu... Có những kỷ niệm thật vặt vãnh, nhưng thật khó quên...
Ông Tám cứ đứng mãi thế, buồn buồn, vui vui, háo hức...
Sau khi tác nghiệp hải đồ, Lê ước tính chỉ còn ba, bốn tiếng đồng hồ nữa đến vị trí chuyển hướng vào bờ. Lê mời bí thư Lượng và chi ủy viên Tám Thạnh lên để báo cáo quyết định của mình. Tất cả đều nhanh chóng nhất trí. Lê khẩn trương ra lệnh cho chiến sĩ thông tin mở máy để báo cáo lại tình hình T.67 vượt tránh cơn bão vừa qua và xin chỉ thị chuyển hướng vào bờ của sở chỉ huy. Song chờ mãi không thấy người chiến sĩ thông tin ra; nóng ruột, Lê xộc thẳng vào buồng máy. Người chiến sĩ thông tin run run bỏ "tráp" ra khỏi tai, khuôn mặt trắng bệch ngước lên, miệng lắp bắp:
- Báo cáo... Máy hỏng. Có lẽ nước biển đã tạt vào nhiều quá!
- Máy hỏng!?
Hai tiếng đó giống như một nhát búa giáng vào Lê, khiến anh choáng váng. Mặt Lê bạc trắng chẳng khác da mặt người lính thông tin. Đôi chân run run như muốn quỵ. Máy hỏng! Máy thông tin hỏng có nghĩa là con tàu đã trở nên mù loà, chơ vơ quờ quạng giữa đại dương. Máy hỏng có nghĩa là không rõ tình hình trong bến, không rõ địch trên bờ, và như vậy tức là mọi hành động lúc này chẳng có nghĩa gì. Chao ôi, tác hại cửa cơn bão...
Lê bíu chặt hai tay vào cửa và đứng thế cho tới lúc có tiếng chân của Lượng phía sau. Lượng hỏi:
- Ý kiến "các cụ" thế nào?
Lê quay lại:
- Không liên lạc được với sở chỉ huy!
- Không liên lạc được với sở chỉ huy?
- Máy thông tin hỏng, anh Lượng ạ.
Lượng bước nhanh vào phòng thông tin. Hai chiến sĩ đứng như trời trồng. Họ định thanh minh rằng sóng gió, nhưng cả hai đều nín thinh trước cặp mắt của chính trị viên. Lê quay sang Lượng:
- Cứ để các đồng chí ấy kiểm tra một lần nữa, đồng thời ta cho chạy máy phụ cấp điện. Có thể ắc quy yếu. Còn nước còn tát.
Bên ngoài trời đã ngả chiều. Tất cả yên lặng. Chỉ có tiếng máy tàu rung lên đều đều.
Thủy thủ trên tàu đã hiểu điều gì đang xảy ra. Họ đứng quanh cửa buồng thông tin nghe ngóng. Thời gian trôi chậm, nặng nề.
Lê đứng cạnh hai người lính thông tin. Họ đang loay hoay với cỗ máy. Anh cố không biểu hiện rằng mình sốt ruột.
Phía ngoài, tiếng sóng vỗ mạn đều đều, ì oạp. Và tiếng gió lướt trên mặt boong rin rít.
Một lúc, người chiến sĩ thông tin đờ đẫn ngước lên, lảng tránh cái nhìn của Lê.
- Báo cáo, do nước vào, bộ phát sóng hỏng. Cuộn dây dao động bị đứt.
Lê buông thõng tay. Anh lẳng lặng bước ra. Lượng cũng buồn bã ra theo: Đám thuỷ thủ ùa vào buồng lái.
Lê nhìn xoáy ra trước mũi tàu. Yù nghĩ rối lên. Vào bến? Quay trở về? Sự quyết đoán và tỉnh táo của người chỉ huy lúc này mới cần thiết làm sao! Hoàn cảnh không cho phép chần chừ.
Phía sau Lê, đám đông thủy thủ đang đứng lặng, chờ đợi Con tàu cứ đi thẳng. Thời gian cứ trôi.
- Đề nghị các đồng chí bình tĩnh về vị trí của mình - Lượng nói - Mọi việc để chi ủy và ban chỉ huy quyết định. Mời chú Tám và thuyền phó Xuân vào hội ý.
Khi chỉ còn bốn người, Lê nêu ý kiến:
- Quay trở Lại thôi, anh Lượng và các đồng chí ạ.
Xuân sững sờ:
- Sao? Quay trở lại à? - Và đôi mắt Xuân nhìn đăm đăm vào Lê.
- Theo tôi thì không thể khác được. Chúng ta đã không rõ tình hình bến.
- Quay lại là bỏ lỡ thời cơ. Không thể thế được! Chiến trường đang cần vũ khí. Chúng ta không được phép hành động như vậy. Đêm nay nhất thiết chúng ta phải vào bến! Các đồng chí, tôi đề nghị chúng ta hãy bàn cách vào.
- Đúng, phải vào bến!
Phía ngoài cửa có tiếng một thủy thủ nói vào. Rồi nhiều tiếng xôn xao:
- Chúng ta đi nhiều chuyến còn nguy hiểm hơn, khó khăn hơn.
- Vượt bão vào đây không phải để quay về!
- Trên tàu chẳng một ai run sợ, thuyền trưởng ạ!
Ánh mắt Lê lướt qua từng gương mặt thủy thủ, rồi anh điềm tĩnh nói:
- Tôi xin lưu ý các đồng chí rằng: Trên tàu là một tổ chức quân đội; có người lãnh đạo, có người chỉ huy. Trong tình huống cấp bách, các đồng chí hãy trật tự để chi ủy và ban chỉ huy lựa chọn phương án - Lê nói tiếp - Các đồng chí ạ, điều chúng ta cần nhất lúc này là tình hình bến, song chúng ta không nắm được... Chúng ta cần phải quay ra.
- Quay ra? - Xuân cau mặt. Rồi anh quay nhìn ông Tám Thạnh, lại nhìn chính trị viên Lượng. Lượng vẫn đứng im, suy nghĩ.
Một lúc sau, thuyền phó Xuân, mặt tái lạnh, giọng run run, anh nhắc lại những lời căn dặn của trên và lời hứa của toàn tàu trước hôm T.67 lên đường. Cuối cùng giọng Xuântrở nên mạnh mẽ, đầy thuyết phục:
- Quay về? Chúng ta còn mặt mũi nào nhìn thấy cấp trên. Chúng ta đâu còn xứng đáng với các đồng chí của chúng ta đã hy sinh... Thà chết vinh quang còn hơn sống nhục nhã. Chúng ta nhất định phải đưa vũ khí vào bến đêm nay...
Tiếng ồn ào lại nổi lên. Nét mặt mọi người hăm hở như đã sẵn sàng lao vào nơi hiểm nguy. Lê bước lên một bước. Dưới ánh sáng ngọn đèn, khuôn mặt Lê nhợt nhạt, nhưng cặp mắt lạnh sắc.
- Tôi hiểu nỗi lòng của đồng chí Xuân và số anh em thủy thủ. Tôi hoàn toàn thông cảm với tình cảm ấy. Thật đáng hổ thẹn khi trong mỗi chúng ta không còn tình cảm đáng quý đó. Nhưng thưa tất cả các đồng chí, trước tình cảnh hiện tại, tôi muốn mỗi một thành viên trên con tàu này hãy sáng suốt và tỉnh táo, biết kìm nén tình cảm, lấy lý trí để xét đoán. Các đồng chí cũng rõ là sự nôn nóng sẽ đưa chúng ta tới đâu và hậu quả như thế nào rồi! Trong năm qua, chúng ta đã mất bốn con tàu. Bao nhiêu đồng đội bỏ mình trên biển, chúng ta quên điều đó rồi sao? Những người đã chết không cho phép chúng ta có quyền phiêu lưu. Tình hình bến ra sao, ở đây ai rõ? Chúng ta như người đã bị mù. Đưa tàu vào bến trong hoàn cảnh như thế là mong chờ vào cái gì? Mong chờ vào sự may rủi! Tính mạng hai mươi con người, và cao hơn, ý nghĩa có tính quyết định của chuyến đi, sự cần thiết phải bảo vệ con đường vận tải trên biển mà tôi và các đồng chí đều hiểu, không cho phép chúng ta mong chờ ở sự may rủi. Có phải vậy không, đồng chí Xuân?
Xuân lúng túng, hai tai dỏ ửng, nhưng cái nhìn của anh vẫn không biểu hiện sự nao núng.
- Khi đưa tàu trở về, các đồng chí nghĩ rằng tôi không đau lòng sao? - Lê tiếp - Đồng chí tư lệnh gọi tôi lên hỏi cặn kẽ tình hình và sau đó trực tiếp giao nhiệm vụ thực hiện chuyến đi này. Sao tôi không rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của nó? Ai tiễn chúng ta đi? Phải, cũng chính là đồng chí tư lệnh. Và chúng ta đã hứa thế nào, tôi rõ lắm...
Lượng quay sang ông Tám Thạnh:
- Giờ xin mời chú.
Ông Tám nhìn Lê, nhìn Xuân, nhìn Lượng, rồi quay nhìn tốp thủy thủ.
- Các đồng chí, Tám Thạnh xin thưa vài lời - Giọng ông run run - Tàu ta chạy tiếp mấy tiếng nữa là đến Hòn Hàng. Trước mắt là quê tôi đó. Hai mươi năm rồi, tôi chưa một lần trở lại nơi ấy. Nhớ lắm! Thương lắm! Ở Hòn Hàng có những điều chua chát, nhưng vẫn là quê hương. Ở đó có những cây dừa già, có mùi tanh của cá...Tôi rất thèm được nhìn lại vùng đất ấy, vùng biển ấy lần cuối cùng trước lúc nhắm mắt xuôi tay. Thật lạ lùng làm sao, chuyến này lại cho tôi sự may mắn đó. Không ai ao ước, nóng lòng muốn đêm nay tàu vô đó bằng tôi. Các đồng chí ạ, đã mấy đêm nay tôi trằn trọc không ngủ. Cứ nghĩ rằng chỉ ngày một ngày hai nữa là mình sẽ đặt chân lên đất quê mà nao cả lòng... Khi đi trai trẻ, lúc tuổi tác đã cao mới trở về, liệu còn được trở về nơi sinh ra mình lần nữa không chớ? Khó lắm! Bão tan, tàu ta nguyên vẹn, tất cả các đồng chí đều mừng, mà người mừng nhất là tôi: Sắp vào Hòn Hàng rồi! Sắp được về quê rồi! Thế nhưng các đồng chí nghĩ thử coi: nếu phía Hòn Hàng địch đang giăng lưới bẫy ta? Ừ, đành rằng gặp địch thì đánh vô, cần hy sinh thì hy sinh, có chuyến ta đã như vậy. Nhưng liệu sự hy sinh đó có mang lại cái gì, hay mất cả hàng, lộ cả bến? Các đồng chí cân nhắc đi, có phải đưa tàu vô là liều không? - Ông Tám Thạnh đột ngột dừng lời, ông thở hổn hển. Những thớ thịt ở má như giật mạnh hơn. Cặp mắt vàng đục. Rồi ông nói tiếp: - Thuyền trưởng Lê nói đúng đó, chớ mong chờ vào sự may rủi. Hồi xưa tôi đi đánh cá, cũng mong vào sự may rủi. Nhưng đánh cá và đánh giặc khác nhau chớ... Chính trị viên Lượng hỏi ý kiến tui, thì ý kiến Tám Thạnh là: Tàu 67 ta nên quay trở về! Xin hết!
- Chú Tám! - Lê nghẹn ngào.
Ông Tám Thạnh gắng nén xúc động. Tiếng thở nặng nhọc như vừa làm việc gì quá sức. Và chợt ông bật khóc. Mọi người đứng im thít. Lê nhìn ông, lòng tràn ngập những tình cảm tốt đẹp; sự tôn kính, sự biết ơn lẫn sự thương cảm. Anh muốn ôm lấy ông, muốn gục đầu vào khuôn ngực nở nang, rắn chắc của ông mà khóc, mà nói rằng: Nhất định có ngày con đưa chú về thăm mảnh đất ấy! - Anh quay vội đi, khoé mắt anh ánh nước.
Người Của Biển Người Của Biển - Người Của Biển