Số lần đọc/download: 1998 / 20
Cập nhật: 2016-03-25 13:03:52 +0700
Chương 16: Nhà Tập Thể Mang Tên Tu Sĩ Bertol’D Shvartsa
I
ppolit Matveevich và Ostap ép người vào nhau đứng bên cửa sổ mở rộng của toa cứng và chăm chú nhìn đàn bò thong thả rời khỏi đường tàu, nhìn những cây thông, những ngôi nhà gỗ ở ngoại ô.
Tất cả những câu chuyện tiếu lâm đã được kể hết ở dọc đường. Tờ "Sự thật ở Stargorot" ra hôm thứ ba đã được đọc đến tận mục quảng cáo, thông báo và đã thấm các vết bơ loang lổ. Tất cả những quả trứng, con gà và trái cây đã nằm gọn trong dạ dày.
Còn phần đường mệt nhất là khoảng thời gian sắp tới Mátxcơva.
Từ các cánh rừng thưa, những ngôi nhà nhỏ ở ngoại ô chạy vội về phía đoàn tàu. Trong số ấy có những lâu đài bằng gỗ lấp lánh cửa kính hàng hiên và những cái mái tôn mới sơn. Có cả những ngôi nhà đơn giản dựng bằng gỗ cây, cửa sổ vuông vuông nhỏ xíu, những cạm bẫy thật sự đối với người đi nghỉ ở ngoại ô.
Trong lúc hành khách với vẻ mặt sành sỏi đang ngắm đường chân trời và điểm lại trong ký ức những diễn biến của trận đánh gần Kalka, kể cho nhau nghe quá khứ và hiện tại ở Mátxcơva thì Ippolit Matveevich ra sức hình dung viện bảo tàng đồ gỗ. Ông tưởng tượng viện bảo tàng là một hành lang dài hàng cây số, với những chiếc ghế kê thành dãy hai bên tường. Ippolit thấy mình đang đi nhanh giữa hai dãy ghế ấy.
- Chưa biết ở viện bảo tàng đồ gỗ sẽ ra sao đây? Liệu có xong không? - Ông lo ngại nói.
- Ông đô thống, phải đưa ông đi bệnh viện chạy điện mất thôi. Đừng có lên cơn động kinh quá sớm. Nếu ông không thể không lo lắng, thì ông hãy để cái lo trong bụng thôi.
Đoàn tàu nẩy lên các khúc ghi. Các cột đèn tín hiệu nhìn nó há hốc miệng. Số đường ray mỗi lúc một nhiều thêm. Cảm thấy sắp tới một đầu mối đường sắt khổng lồ. Cỏ biến mất, chỉ còn thấy xỉ. Những đầu máy dồn tàu kéo còi ầm ĩ. Các công nhân bẻ ghi huýt còi. Tiếng ầm ầm tăng lên. Đoàn tàu chạy vào đoạn đường giữa hai dãy toa rỗng và lượn vòng như một cái cửa quay, bắt đầu điểm lại từng toa xe.
Các con đường nhiều gấp đôi.
Đoàn tàu chạy ra khỏi hành lang giữa hai dãy toa rỗng. Ánh nắng chan hòa. Những chiếc đèn ghi chạy tán loạn sát mặt đất, trông như những cái rìu nhỏ. Khói xả mù mịt. Đầu tàu thở hồng hộc, xì ra một cụm khói trắng như tuyết. Có tiếng quát to ở khúc đường quành. Các công nhân đề-pô đang kéo đầu máy về một ngăn riêng.
Bộ xương của đoàn tàu kêu răng rắc vì phanh gấp. Tất cả mọi vật rung chuyển, và Ippolit tưởng chừng mình lạc vào vương quốc của bệnh đau răng. Đoàn tàu đỗ lại cạnh tuyến ke rải nhựa.
Đến Mátxcơva rồi. Đây là ga Riazan, ga mới nhất trong số tất cả các nhà ga ở Mátxcơva.
Không một ga nào trong số tám ga còn lại của Mátxcơva có những dãy nhà cao rộng như ở ga Riazan này. Toàn bộ ga Iaroslap với những chóp nhọn giả Nga, với những quốc huy hình con gà của nó, có thể nằm lọt thỏm trong cái tiệm ăn khổng lồ của ga Riazan này.
Các nhà ga của Mátxcơva là cửa ngỏ của thành phố. Mỗi ngày chúng đón vào và tiễn ra ba mươi ngàn hành khách. Đi vào Mátxcơva qua ga Alêchsandrôp là người ngoại quốc đi dép đế cao su, mặc quần áo đánh gôn (quần thể thao và những đôi tất len dày). Từ ga Kursk đi vào Mátxcơva là người dân Capkaz đội mũ lông cừu có nhiều lỗ thủng thông gió và người vùng sông Vônga râu cứng như rễ cây. Từ ga Oktiabrơ nhảy ra anh cán bộ nửa quan trọng nửa không, tay xách chiếc cặp lạ lùng bằng da lợn. Anh ta từ Lêningrát tới thủ đô để lo chuyện liên hệ, phối hợp công tác và nắm tình hình cụ thể. Các đại biểu của Kiep và Ođecxa thì tới Mátxcơva qua ga Briansk. Mới đến ga sa mạc Tikhônôp, những người dân Kiép đã bắt đầu mỉm cười miệt thị. Họ hiểu rất rõ rằng Kresatik là đường phố tuyệt diệu nhất trên trái đất. Những người dân Ođecxa xách theo những cái lẵng và những cái hộp đựng cá nục xông khói. Họ cũng biết đâu là đường phố tuyệt diệu nhất hành tinh. Nhưng dĩ nhiên đó không phải là phố Kresatik, mà là phố Lassal, trước kia có tên phố Đeribas. Từ Saratôp, Atkarsk, Tambôp, Rtitsep và Kôzlôp, người ta đến Mátxcơva theo ngã nhà ga Pavelets. Số khách tới thủ đô qua ga Savelôp là ít hơn cả. Đó là những người thợ làm đế giày ở Talđom, những người dân thành phố Đmitrôp, công nhân xưởng thủ công vùng Iakhrom hoặc những người sống cả mùa đông lẫn mùa hè ở ga Khlepnikovo ngoại ô. Từ đó đến Mátxcơva chẳng xa xôi gì. Có xa nhất thì cũng chỉ một trăm ba mươi voocxơta 1. Đến thủ đô qua ga Iaroslap là những người từ Vlađivostok, Khabarôpsk, Chita, từ các thành phố xa và lớn.
Tuy nhiên, lạ nhất là các hành khách ở ga Riazan. Đấy là những người Uzơbếch đội khăn xếp trắng, mặc áo thụng hoa, những người Tadzik, Turmêni, Khivins và Bukhar, nơi quanh năm suốt tháng chan hòa ánh nắng mặt trời.
Hai nhân vật của chúng ta vất vả len ra đến cửa ga và thấy mình đang đứng trên quảng trường Kalanstrep. Bên phải họ nổi lên những quốc huy hình con gà của ga Iaroslap. Ngay trước mặt họ là nhà ga Oktiabrơ được quét sơn hai màu. Chiếc đồng hồ của nó chỉ mười giờ năm phút. Còn đồng hồ của ga Iaroslap chỉ đúng mười giờ. Nếu ngó về phía cái đồng hồ màu xanh thẩm, vẽ huy hiệu Zođiak của ga Riazan, thì hành khách sẽ thấy mới có mười giờ kém năm.
- Thật tiện lợi cho các cuộc hẹn hò! - Ostap nói - bao giờ cũng có mười phút trừ hao.
Gã xà ích đánh môi phát ra tiếng hôn. Chiếc xe ngựa chạy bên dưới một chiếc cầu, và trước mắt hai người bạn đường trải ra toàn cảnh hùng vĩ của thủ đô.
- Này, ta đi đâu thế? - Ippolit hỏi.
- Đến chỗ những người tốt - Ostap đáp - ở Mátxcơva có rất nhiều người tốt. Và tất cả đều là người quen của tôi.
- Ta ở lại chỗ họ được chứ?
- Đó là khu tập thể. Nếu không có nhà người này thì ở nhà người kia. Thế nào cũng tìm được chỗ.
Cảnh chợ Okhot nhốn nháo. Các vị tiểu thương không có môn bài, đội các mẹt hàng rong chạy tán loạn như vịt. Đằng sau họ, một chiến sĩ công an thong thả bước. Bọn trẻ mồ côi tụ tập cạnh một thùng nhựa đường và đang thưởng thức mùi nhựa sôi.
Chiếc xe chạy ra quảng trường Arbat, dọc theo đại lộ Prechisten, quẹo phải, rồi đỗ lại ở hẻm Sivev Vraznek.
- Nhà gì đây thế? - Ippolit hỏi.
Ostap nhìn ngôi nhà nhỏ màu hồng có tầng nóc, đáp:
- Nhà tập thể của sinh viên khoa hóa mang tên tu sĩ Bertold Shvartsa.
- Tu sĩ ư?
- Không, nói đùa tí chơi đấy thôi. Mang tên Semashko.
Cũng như mọi nhà tập thể sinh viên bình thường ở Mátxcơva, ngôi nhà của các sinh viên khoa Hóa cũng đã từ lâu chật ních những người bà con họ hàng khá xa với môn hóa học. Số lượng sinh viên biến động luôn luôn. Một số đã tốt nghiệp, đi nhận công tác ở các địa phương. Một số bị buộc thôi học vì bị điểm kém. Chính số sinh viên này mỗi năm một đông thêm, tạo nên trong ngôi nhà màu hồng này một thứ hội không ra hội, phường chẳng ra phường. Những sinh viên mới cố gắng chui vào nhà tập thể này đến mấy cũng chỉ uổng công vô ích. Những nhà siêu hóa học tỏ ra có những sáng kiến lạ thường và đánh bật được mọi đợt tấn công. Người ta đành bỏ mặc ngôi nhà này. Nó trở thành một thứ nhà hoang và biến mất khỏi mọi kế hoạch của ban quản lý nhà đất Mátxcơva. Dường như không có ngôi nhà ấy nữa. Trong khi nó vẫn sừng sững ở đấy, và có không ít người sống ở đấy.
Hai thành viên hợp đồng theo cầu thang lên tầng hai và sa vào một hành lang tối như bưng.
- Ánh sáng và không khí - Ostap nhận xét.
Bỗng trong bóng tối, ngay cạnh khuỷu tay của Ippolit, vang lên tiếng ngáy của ai đó.
- Đừng sợ, - Ostap nói - không phải ở ngoài hành lang đâu. Ở sau vách đấy. Vách gỗ, theo như môn vật lý chứng minh, là vật truyền tiếng động cực tốt. Cẩn thận! Ông hãy túm lấy áo tôi! Chỗ này phải có một cái két sắt mới đúng.
Tiếng "ối" do Ippolit phát ra vì vấp nhực vào một góc nhọn bằng sắt chứng tỏ rằng quả thật ở chỗ này có một cái tủ sắt.
- Đau lắm à? - Ostap hỏi - Như thế chưa ăn thua gì. Đó mới là nỗi đau đớn về thể xác. Ở đây còn vô số nỗi đau đớn về tinh thần kia - nhớ lại đã sởn gáy. Ngay cạnh đây có treo một bộ xương, là tài sản của thằng cha sinh viên Ivanopulo. Hắn mua bộ xương ở Sukharevoa, nhưng không dám treo trong phòng. Nghĩa là khách tới đây trước hết vấp phải cái két sắt, sau đó sẽ cụng trán vào bộ xương khô. Đám đàn bà chửa rất khó chịu về món đó.
Theo cầu thang xoáy trôn ốc, hai thành viên hợp đồng đi lên tầng nóc. Một căn phòng rộng ở trên tầng nóc được ngăn bằng ván thành năm ngăn, mỗi ngăn rộng hai ácsin 2. Các ngăn ấy giống hệt các hộp bút, chỉ khác là ở đây ngoài bút chì, bút mực còn có người và bếp dầu hỏa.
Ostap dừng lại ở ngoài cửa ngăn giữa, hỏi khẽ:
- Câu có nhà không, Kôlia?
Đáp lại câu hỏi ấy, cả năm hộp bút đều rậm rịch, lao xao:
- Có đấy, - Tiếng trả lời vang lên sau cánh cửa.
- Khách khứa lại mò đến nhà thằng ngốc sớm thế! - Một giọng nói phụ nữ thì thầm ở hộp bút cuối cùng bên trái.
- Để người ta ngủ với chứ! Hộp bút No2 lầu bầu.
Hộp bút thứ ba thì mừng rỡ:
- Công an đến thăm thằng cha Kôlia về khoản đánh cắp cửa kính hôm qua đấy.
Hộp bút thứ năm không nói gì. Ở đấy chỉ nghe tiếng reo của bếp dầu hỏa và tiếng người hôn nhau.
Ostap dùng chân đẩy cửa. Toàn bộ công trình bằng ván rung chuyển, và hai thành viên lọt vào ngăn-hộp của Kôlia.
Cảnh tượng đập vào mắt Ostap thật đáng sợ, tuy bề ngoài là vô tội. Trong phòng, về đồ đạc chỉ có một cái đệm sọc đỏ, kê trên bốn hòn gạch. Đồ đạc của Kôlia thì hắn biết tỏng từ lâu. Bản thân Kôlia ngồi thu cả hai chân lên đệm cũng không khiến Ostap ngạc nhiên. Nhưng ngồi bên cạnh anh ta lại là thiên thần, thành thử Ostap lập tức trở nên ngán ngẫm. Những cô gái loại này không bao giờ là người quen đến liên hệ công việc - để là người như vậy, họ có đôi mắt quá xanh và cái cổ quá trắng. Đây là các cô nhân tình, và tệ hơn nữa, là các bà vợ, mà lại là vợ yêu mới chết chứ. Và quả vậy, Kôlia gọi thiên thần ấy là Lida, và đang đùa giỡn thân mật với cô ta.
Ippolit Matveevich bỏ chiếc mũ quả dưa của mình ra. Ostap gọi Kôlia ra hành lang. Hai người thì thầm với nhau hồi lâu.
- Sáng nay trời đẹp tuyệt, tiểu thư ạ, - Ippolit nói.
Tiểu thư mắt xanh cười và nói một điều chẳng có liên quan gì tới nhận xét vừa rồi của Ippolit: cô ta bảo ngăn bên cạnh toàn là mấy thằng cha ngớ ngẩn.
- Họ cố ý đốt bếp dầu hỏa để người ta khỏi nghe tiếng họ hôn hít nhau. Nhưng ông thấy đấy, làm như thế là ngu. Tất cả chúng ta đều nghe rõ. Chỉ riêng họ là không nghe thấy vì bị tiếng đèn reo át đi. Nếu ông muốn, tôi sẽ chứng minh cho ông thấy. Ông hãy nghe này.
Rồi cô vợ của Kôlia, người đã nắm vững mọi bí mật của bếp dầu hỏa, nói to:
- Này bọn ngốc ơi!
Bên kia ván, chỉ nghe thấy tiếng réo phừng phừng của bếp dầu hỏa và tiếng hôn hít.
- Ông thấy chưa? Họ chả nghe thấy gì hết. Đúng là một lũ ngu ngốc và mắc bệnh tâm thần. Ông thấy chưa?
- Thấy rồi, - Ippolit nói.
- Còn vợ chồng tôi chả dùng bếp dầu hỏa. Để làm gì kia chứ. Chúng tôi ăn ở nhà tập thể chay tịnh, tuy rằng tôi phản đối cái lối kiêng cá thịt. Nhưng hồi cưới tôi, anh Kôlia mơ ước rằng chúng tôi sẽ cùng nhau đi ăn tập thể. Thế là bây giờ chúng tôi ăn chay ở đó. Tôi đặc biệt thích ăn thịt. Nhưng ở đấy người ta lại dùng mì ống giả làm cốt-lết. Có điều ông đừng nói gì với Kôlia nhé...
Lúc ấy Kôlia và Ostap quay vào
- Thôi, nếu nhất thiết không ở chỗ cậu được thì bọn này lại chỗ Pantelei vậy.
- Đúng đấy, hai bạn ạ! - Kôlia nói to - Hai bạn xuống chỗ Ivanopulo mà ở.
- Hai bạn hãy đến nhà chúng tôi chơi luôn nhé; - vợ Kôlia nói, - chúng tôi rất hân hạnh được đón tiếp.
- Lại còn mời khách đến nhà chơi nữa chứ! - Những người ở ngăn cuối cùng bực tức. - Làm như họ ít khách lắm không bằng.
- Các người ngu lắm, các người mắc bệnh tâm thần cả rồi, đừng dính mũi vào việc nhà khác. - Vợ Kôlia nói không hề cao giọng.
- Anh nghe rõ chưa, anh Ivan Andreevich, - ở ngăn cuối cùng vang lên tiếng nói, - người ta làm nhục vợ anh mà anh cứ làm thinh.
Các nhà bình luận vô hình ở các ngăn khác cũng lên tiếng. Cuộc đấu khẩu nổ ra. Hai nhân vật của chúng ta đi xuống phía dưới, xuống phòng Ivanopulo.
Anh chàng sinh viên này không có nhà. Ippolit bật diêm, một mẫu giấy gài ở cửa: "Tôi sẽ về nhà sớm nhất là 9 giờ, Pantelei"
- Chả sao, - Ostap nói - Tôi biết chỗ cất chìa khóa.
Hắn lần mò dưới gầm chiếc két sắt, lấy được chìa khóa và mở cửa.
Phòng của sinh viên Ivanopulo Pantelei cũng có kích thước hệt như Kôlia, nhưng được cái góc cạnh hẳn hoi. Một phía tường bằng đá, điều này khiến anh chàng Ivanopulo rất tự hào. Ippolit rầu rĩ nhận thấy ở đây đến nệm cũng không có nốt.
- Ở đây sẽ rất tuyệt, - Ostap nói - ở Mátxcơva được chỗ này cũng lịch sự chán. Nếu cả ba ta cùng nằm dưới đất, thì thậm chí còn thừa một ít diện tích. Mà thằng cha Pantelei này đúng là đồ chó đẻ! Nó nhét cái đệm giường đi đâu nhỉ?
Cửa sổ nhìn ra hẻm. Một anh công an đang đi đi lại lại ngoài ấy. Trong ngôi nhà nhỏ phía đối diện được xây dựng theo kiểu Gô-tích là sứ quán của một cường quốc nhỏ xíu. Sau tấm lưới sắt, người ta đang chơi ten-nít. Quả bóng trắng bay vun vút. Những tiếng kêu ngắn vang lên.
- Ồ, chơi cũng thường thôi - Ostap nhận xét - nhưng ta nghỉ ngơi cái đã.
Hai thành viên hợp đồng trải giấy báo ra sàn, Ippolit rút ra chiếc gối gấp mà ông luôn mang theo bên mình.
Ostap nằm đè lên các bức điện và thiếp đi, Ippolit đã ngáy khò khò.
Chú thích
1.Đơn vị đo chiều dài cũ của Nga, bằng 1,06km.
2.Đơn vị đo lường cũ của Nga, bằng 0,71m.