A mere friend will agree with you but a real friend will argue."

Russian Proverb

 
 
 
 
 
Tác giả: Lê Mỹ Hân
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: tongkimlinh
Số chương: 29
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1714 / 11
Cập nhật: 2015-08-19 12:33:14 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 17 -
áng mồng một Tết, tôi thức dậy trễ hơn mọi ngày, nằm nướng trên giường mãi đến 9 giờ sáng mới mò dậy. Cả nhà vẫn còn say giấc nồng, thằng Dừa nằm xoay ngang ra, chân như muốn gác lên cổ anh Tài, miệng ngáy khò khò, còn Tài co nghiêng người ôm chặt chiếc gối, miệng thì há hốc, mỗi người mỗi kiểu ngủ trông thật buồn cười. Tôi nhón chân bước nhẹ ra khỏi phòng, vươn vai làm vài động tác thể dục cho dãn gân cốt rồi vô rửa mặt cho tỉnh táo. Xong trở ra ngoài bếp, bắc ấm nước đun xôi để chờ pha trà uống. Dạo này tôi lại đâm ra ghiền trà, sáng ra mà không được ly trà tráng miệng người cứ nôn nao khó chịu, đầu nhức bong bong, nước xôi, tôi chế ra cái ly cối to để cho nước nguội bớt rồi mới châm vào bình trà, trà của Nhật sẽ mất hương vị nếu mình châm nước sôi trực tiếp vào nó.
Tôi ngồi trên cái ghế đặt ngay hành lang đi qua khu nấu ăn, cầm ly trà nhấp từng ngụm, thưởng thức cái hương vị thơm dịu của trà xanh Nhật Bản, trong số các loại trà trên thế giới, tôi vẫn thích nhất trà xanh của Nhật, vừa ngọt vừa thơm lại vừa đẹp, mầu nước xanh dờn y như mầu lá mạ non nhìn là thật là hấp dẫn muốn uống liền.
- Mẹ ngồi uống trà sao nhìn giống bà già trầu quá.
Giọng bể tiếng khào khào như vịt đực của thằng con làm tôi giật mình quay sang, nó đứng đó, tóc dựng đứng, mắt đổ ghèn, mặt vẫn đang còn ngái ngủ.
- Thì bữa nọ con không bảo mẹ là bà già đó sao?.
Nó xà xuống bên cạnh ôm chân tôi.
- Hôm nay là mồng một Tết, sao không thấy mẹ làm "cử chỉ đẹp” gì hết vậy cà?
- Con đi rửa mặt cho tỉnh táo, chút nữa mẹ lì xì mừng tuổi năm mới, gớm, chưa chi đã nhắc khéo.
- Trời ơi! Chờ cả năm mới có ngày này đó mẹ.
Nó đứng dậy, vượt ngang qua mặt tôi, xuống thẳng nhà vệ sinh nằm ngay bên phía tay mặt nơi tôi đang ngồi. Tôi đi vào phòng, mở tủ, lấy ra một xấp bao lì xì màu đỏ có in hình hai đứa bé đầu để chỏm trái đào, tay cầm cái lồng đèn với chữ viết theo dạng thư pháp "Chúc Mừng Năm Mới. Nhà tôi đông con cháu, tính sơ sơ cũng mất vài "vé" tiền lì xì cho tụi nhóc con. Mấy ngày tết tôi chỉ quanh quẩn trong nhà chị em dì cháu rủ nhau ngồi đánh bài, xát phạt nhau cho hết thời gian. Bạn bè thân quen có mấy đứa thì chúng tìm đường ra ngoai quốc định cư cả rồi, vài đứa ở Mỹ, một ở Gia Nã Đại, hai đứa sang Úc, đứa qua Đức, còn đứa lấy chồng định cư tại Đài Loan. Hồi chưa qua Nhật, thỉnh thoảng con bạn bên Đài Loan về thăm nhà, gặp nó tôi hay chọc ghẹo: "Sao mày? Qua đó làm nghề gì? Có phải đi mò ốc không?" Nó toét miệng ra cười. Tôi nghe có mấy người lấy chồng Đài loan về kể chuyện, tưởng lấy chồng ngoại quốc qua bên đó đổi đời, ai dè đi mò ốc, làm ruộng thấy bà luôn, khác gì xứ mình. Giờ đây mỗi đứa mỗi ngả, bao năm qua rồi, tụi tôi chỉ còn tin tức nhau qua thư từ và điện thoại hỏi thăm.
Sau khi cả nhà thức dậy đầy đủ tôi gọi tất cả lại phân phát mỗi đứa một bao lì xì.
Hồi còn nhỏ, vào ngày mồng một Tết, tụi tôi không bao giờ được bước chân ra khỏi cổng, mẹ tôi cấm tiệt, bà sợ tụi tôi vô ý chạy qua nhà hàng xóm xông đất, lỡ người ta gặp chuyện không may, họ sẽ réo tên nhà mình mà chửi rủa cả năm, đó là một điều đại kỵ. Vào trước Tết, họ đã chọn người hợp tuổi tác với mình, và có lời mời sang xông nhà đầu năm mới. Ai vô phước đến đạp đất mà năm đó gia đình họ gặp xui xẻo, thì họ sẽ nguyền rủa, họ chửi cạnh chửi khoé chửi đổng ngày này qua tháng nọ cho đến hết năm mới thôi. Bởi vậy mẹ tôi dặn đàn con kỹ lưỡng và nhốt chúng tôi trong nhà cả ngày mồng một. Gia đình nào có tang cũng không được đến chúc Tết nhà khác. Hơn nữa, Tết không được chạy sang nhà người ta xin lửa, lửa là đỏ, là biểu hiện cho may mắn, mang cho lửa tức là mang hết may mắn của nhà mình. Ôi thật là lắm chuyện, bày đủ ra mọi thứ để kiêng cử, cấm đoán. Bây giờ hầu như đã bỏ gần hết những phong tục cũ, không ai còn quan trọng tết nhất nữa, đốt pháo thì bị nhà nước cấm, gói bánh chưng, bánh tét...nay ngoài chợ đã bán đầy, bánh mứt kẹo thứ nào cũng bày sẵn, đẹp lộng lẫy trên quầy, đâu phải mất công ngồi nhào nhào nấu nấu cho mệt. Cái tết truyền thống đã mất luôn cả hương vị, không còn cảm giác nôn nao, mong ngóng Tết như thủa xa xưa.
- Dì mình năm nay chơi xộp hén, chị được năm trăm ngàn, Tài được bao nhiêu?
- Em cũng vậy.
- Hãy đợi đấy, tí nữa chơi đánh bài dì mày lấy lại mấy hồi.
- Trời ơi, dì làm như dễ ăn tiền tụi con lắm ấy.
Cửa hé mở, chị Lan ló mặt vào:
- Cả nhà thức hết rồi hả?
- A! Chin, năm mới chúc Chin mạnh khoẻ, ăn nên làm ra, mua may bán đắt….
Cả mấy đứa nhỏ nhao nhao chúc loạn xị nhằm nhận tiền lì xì từ chị Lan, chị qua mang theo một bọc khá nặng lẻng xẻng toàn tiền xu. Chị bước hẳn vào trong nhà, móc trong bịch ra phân phát cho mỗi đứa một cái bao lì xì chứa 20 đồng xu tiền loại 5000 đồng màu vàng xỉn vì để trong lon tiết kiệm lâu ngày, nói:
- Cho tụi bay thoải mái đánh bài.
Chị còn giơ cái bọc tiền xu của mình lên khoe với tụi nhóc:
- Wánh hết bịch này mới thôi. Gầy sòng đi.
- Chưa cơm nước gì đã bài bạc, từ từ đã.
- Ủa, cả nhà chưa ăn gì hả?
- Chưa, đang chờ chị sang.
Một bữa cơm dã chiến được dọn ra mau lẹ, bánh chưng bóc sẵn, dĩa dưa hành muối chua, con gà luộc Huyền mang lên tối qua mang ra chặt và xếp vào dĩa trông thât hấp dẫn. Cả nhà quây quần ngồi ăn, cười nói rôm rả, vui như ngày mùa. Tôi nhăm nhăm lựa miếng bánh chưng nào xanh vỏ mà ít nhân, tôi chỉ thích ăn vỏ ngoài, đên khúc nhân thì vứt bỏ, bị chị Lan mắng cho là phí phạm. Ngay từ nhỏ tôi đã có tật này, hễ năm nào gói bánh, mẹ tôi đều biết ý gói cho vài cái bỏ tí xíu nhân và đánh dấu để riêng cho tôi. Bữa ăn kết thúc là tụi tôi ngồi vào gây sòng, vẫn như ngày hôm qua, lúc đầu chơi lô tô, tôi ngồi lúi cúi đếm hạt me để chuẩn bị kéo trên những tấm giấy lô tô đủ mầu đen, trắng, xanh, đỏ, tím, vàng, cam … ai thích màu nào thì chọn lấy một bộ 2 tấm, đặt ra trước mặt mình, hau háu ngồi nghe Cái chậm rãi thò tay vào trong bịch đựng lô tô móc ra quân bài và đọc to lên con số. Tôi vẫn ngồi kiên nhẫn kéo hạt me trên hai tấm lô tô, đã phải mấy chục bàn qua đi mà chưa "kinh" được lấy một lần, đống tiền trước mặt càng lúc càng vơi đi trông thấy, lâu lâu tôi lại la lên rằng hôm nay xui quá, đổi tờ khác coi sao, thế nhưng qua đến bàn thứ bốn lăm, tôi vẫn chưa "kinh" được lần nào, mặc dù có lần tôi chờ trước nhất, chờ liên tiếp tới bốn năm hàng, vậy mà vẫn phải nhường cho người khác "kinh". Tức không thể tả nổi. Chuông điện thoại vang lên từng chặp, tôi lấy cớ đó đứng dậy bỏ cuộc không chơi nữa để nghe điện thoại. Từ đầu dây bên kia tôi nghe rõ tiếng chị Hai mình:
- Em à? Năm mới...chúc em sức khoẻ dồi dào, làm ăn phát đạt… "tiền vô như nước sông Đà, tiền ra nhỏ giọt như cà phê phin".
Chị chưa dứt lời tôi đã cười lớn, thật rõ là cô giáo nhà tôi hôm nay lại dở dắm dở thối chúc Tết tôi bằng những lời lẽ như vậy. Tôi có làm ăn gì đâu mà chúc tiền vô như nước sông Đà. Bố tôi cũng vậy, mỗi lần gọi điện thoại về hỏi thăm sức khoẻ của ông là y rằng câu đầu tiên ông hỏi: "Hân đó hả? Dạo này làm ăn ra sao rồi con?“ Ông cứ làm như tôi còn ở Việt Nam đang mở một tiệm nào đó làm ăn, ông quên đi rằng con gái ông bây giờ chỉ còn "làm thinh", làm "nhà báo", làm "Oshin" hầu hạ tên phát xít Nhật này.
- Chị nhận được quà em gửi trước tết chưa?
- Rồi, chị nhận được trước tết mấy bữa nhưng bận quá quên bẵng đi không gọi điện thoại báo cho em biết.
- Thế chị có gặp Thuỳ không? Đưa tiền cho nó chưa?
- Có gặp rồi, bữa hôm nhận được tiền chị ghé nhà cô Mai thì gặp vợ chồng nó cũng ở đó. Nhận được tiền em gửi, nó mừng lắm, gửi lời cảm ơn em.
- Nó khoẻ không chị?
- Khoẻ, nhưng mà nay trông nó già như bà cụ cố ấy. Hôm trước em gặp trông nó còn đỡ, nay nó tàn tạ lắm!
- Tội nghiệp nó quá, chồng nó thì sao?
- Vừa bị đuổi việc rồi, nghiện quá cơ quan đuổi thẳng. Tội nghiệp con Thuỳ, sinh được hai đứa con đẹp như tranh ấy. Số con đấy sao mà khổ.
Tôi đang nói chuyện với chị, anh rể ở đâu, nhào vào giành lấy máy, nói tới tấp:
- Em ơi, anh bị lột lết rồi.
- Lột cái gì? Ai lột anh?
- Thì chị em chứ ai vào đây. Tiền em lì xì cho anh bữa hôm trước Tết, anh chưa xài đồng nào, bà lột sạch rồi còn đâu.
- Ai bảo anh để cho bà lột, mất ráng chịu còn than cái nỗi gì.
Tôi khoái trí cười lên sằng sặc. Và chuyển máy sang cho bé Trân nói chuyện với bố mẹ.
Tôi bước ra ngoài phòng khách, ngồi ngả mình ra ghế xa lông, từ nãy giờ ngồi cặm cụi chơi lô tô, lưng mỏi muốn còng xuống. Nghĩ về Thuỳ tôi nửa vui nửa buồn, vui vì số tiền nhỏ nhoi đã đến được tận tay nó, buồn vì không biết làm cách nào để giúp nó thoát khỏi cuộc sống nghèo khó hiện nay, với thằng chồng nghiện này, làm sao nó khá lên nổi. So với những đứa bạn cùng lứa, Thuỳ là đứa bất hạnh nhất, là đứa tôi thương nhiều nhất, tôi hiểu và thông cảm cho hoàn cảnh của nó, nhưng lại không chấp nhận nổi thằng chồng nghiện của nó. Phải là tôi thì tôi bỏ quách từ kiếp nào rồi, chẳng thà ở giá...Tôi thở dài ngao ngán, âu cũng là duyên phận, mỗi người một số kiếp.
Buổi chiều, tôi chở con và thằng Dừa lên chúc tết nhà bố mẹ chồng cái Hạnh, đường phố vắng tanh, rất ít người qua lại, hình như dân Sài Gòn đi ra ngoại ô chơi gần hết, số đông thì về quê ăn tết với gia đình, thành phố như rộng ra, trầm tĩnh, xe cộ ít hẳn đi. Tôi lên tới nhà cái Hanh tự nhiên nước mắt nước mũi chảy ra ròng ròng, hắt xì liên tục, mặt nóng bừng. Bên phòng khách, bố mẹ chồng Hanh đang ngồi tiếp khách, vài đứa con nít nô đùa chung với thằng cu Minh. Tôi ngồi bên này đợi cho khách ra về để qua chúc Tết hai bác, nhưng đợi mãi mà mấy vị khách cứ ngồi hoài làm tôi nóng ruột, một tiếng đồng hồ đã qua đi, tôi chịu hết nổi, bình thường, tôi có thể ngồi chơi vài giờ nhưng hôm nay bị cảm, nước mắt giàn giụa, mũi hắt xì liên tục, ngại quá, ngày Tết đến nhà người ta mà gặp trường hợp như thế này thật khó xử. Tôi nói nhỏ với cái Hạnh "Để chị sang chào hai bác với ông cụ rồi đi về, từ nãy đến giờ trong người khó chịu quá. ” Tôi móc giỏ lấy mấy bao lì xì ra tính đưa cho Hạnh, nhờ nó chút nữa đưa giùm cho hai bác, nhưng nó gạt ngang, nói:
- Mừng tuổi ông bà già chị đưa luôn đi, chứ để em đưa kỳ lắm.
- Có khách khứa như vậy đưa ra ngại thấy mồ.
- Ngại gì, đưa đại đi.
Bất đắc dĩ tôi phải đứng lên, đi qua phòng bên nói vài lời chúc mừng năm mới, đưa ra bao lì xì mừng tuổi hai bác. Mấy đứa nhỏ đang chơi gần đó bu lại, trố mắt nhìn tôi, thấy ngại tôi móc bóp chia luôn mỗi đứa một bao đỏ đỏ cho tụi nó mừng, và rẽ qua phòng ông cụ cố phía bên tay phải căn nhà thăm cụ. Cụ cố là ông nội chồng của Hạnh, năm nay đã 99 tuổi, vài năm trở lại đây, ông cụ yếu đi thấy rõ. Hồi Hạnh về làm dâu nhà này vào đầu năm 1999, ông cụ vẫn còn khoẻ mạnh, vẫn còn hăng hái đi họp đảng bộ hưu trí bên phường, bên quận tổ chức. Nghe Hạnh nói, cụ cố tham gia cách mạng từ thời chống Tây, được tặng thưởng nhiều huân chương kháng chiến, mỗi lần đi họp hội nghị gì đó, cụ diện bộ quân phục cũ, huân chương đeo lủng lẳng, trông lẫm liệt oai phong ra phết. Bây giờ, cụ nằm đó, người chỉ còn bộ xương, tay chân run lẩy bẩy, đầu óc mơ hồ, không còn nhận ra tôi là mẹ thằng Tài như mọi lần trước. Tôi đứng đó nhìn cụ, cụ nằm nghiêng co người như con tôm, hơi thở nặng nề, trông như một đứa trẻ. Tôi lặng lẽ nhét cái bao lì xì xuống dưới gối nằm của cụ. Những lần trước về thăm cụ, mỗi lần nhận tiền từ tay tôi cụ đều nhét xuống dưới gối, miệng lẩm bẩm: "Mẹ thằng Tài sao cho ông nhiều tiền vậy bây?". Hôm nay tôi không còn nghe cụ nói những lời này nữa, cái chết đang đến cận kề đến bên cụ, không biết ngày nào nhưng chắc sẽ chẳng còn bao lâu nữa.
Quay trở ra, tôi chào hai bác và mấy vị khách, bước sang bên phòng cái Hạnh, rủ rỉ vào tai nó nói nhớ cất tiền cho ông cụ. Tôi lại chở hai thằng nhóc về nhà. Trên đường đi, thằng nhỏ lủng bủng:
- Mẹ ơi, sao con thấy gặp ai mẹ cũng xỉa, cũng móc, mà không có ai lì xì cho con vậy.
Tôi im lặng không nói lời nào. Thành phố đã lên đèn, chỉ mới lúc chiều thôi mấy con đường tôi chạy ngang vắng ngoe vắng ngắt, Vậy mà giờ này người ở đâu đổ dồn về tập nập, còi xe bấm toe toe. Chạy đến khúc InterShop, công an chặn xe lại không cho vào đường Lê Lợi, tôi phải vòng lên hướng chợ Bến Thành, đến ngay bùng binh chứng kiến một sự hỗn độn khủng khiếp chưa từng thấy, xe hơi, xe honda, xe đạp, người đi bộ cứ như nêm chặt vào nhau, không ai nhường ai, nhích từng tí, từng tí một. Chẳng hiểu người ở đâu mà lắm thế, chỉ có một khúc đường ngắn ngủi mà ngốn hết của tôi cả nửa tiếng đồng hồ, tha hồ ngửi khói xe khét lẹt. Về đến nhà tôi mới biết, thành phố hôm nay tổ chức rước chiếc bánh tét khổng lồ, dự tính ghi vào sách ghi-nét (guiness) của thế giới.
Ngày mồng hai tết.
Vợ chồng thằng Út dưới quê lò dò lên, để thằng Tin lại với ông bà nội. Hạnh dẫn con xuống, vợ chồng Huyền Khanh cũng đưa con lên chơi, bạn bè tôi kéo đến tấp nập, vui thật là vui. Vợ chồng thằng Út chỉ ở nhà một lúc lại kiếm cớ chở nhau đi chúc tết mất hút. Huyền và Khanh thả thằng Thế Anh lại đây và cũng đi luôn. Tôi đuổi hết mấy đứa nhóc xuống nhà dưới mỗi khi nghe tiếng bấm chuông, tôi ngại bạn bè đến chúc tết nhìn thấy lũ con nít nhiều quá hồn vía sẽ lên mây trong việc phát tiền lì xì, dám lì xì một lần rồi về bệnh cả tháng thì tội chết. Tôi cấm tiệt, không cho đứa nào bén mảng lên trên, vậy mà anh cu Dừa lâu lâu lại chạy lên phụng phịu càm ràm này nọ. Tôi sợ nhất thằng này, đôi khi nó làm mình quê gần chết, ai cho nó bao lì xì, cu cậu cũng mở liền tại chỗ, lôi đồng tiền ra, thấy ít là làng: "Trời ơi gì có 10.000 đồng, con không thèm lấy đâu." Nó lắc đầu nguầy nguậy, ném cái bao lì xì và đồng tiền lên trước mặt khách, mặt tôi đỏ lừng chuyển dần sang mầu tím ngắt, nháy mắt liên tục đuổi nó xuống mà cu cậu cứ làm lơ, tôi tức điên cả người, không lẽ mới ngày mồng hai Tết, khách khứa đầy nhà mình lại lôi ra quất cho một trận quắn đít. Sao người ta lại nghĩ ra ba cái chuyện lì xì năm mới cho con nít, để người lớn gặp phải những trường hợp khó xử như thế này.
Ngày mồng ba Tết.
Thằng Tài dậy rõ sớm, đi ra đi vô, lòng dạ bồn chồn.
- Tài, con ngóng ai vậy?
- Mẹ quên rồi hả?
- Quên gì?
- Trời...hôm nay là ngày các bạn con lên chơi, mẹ hứa bữa hôm trước Tết, bộ mẹ quên rồi sao.
- Thì từ từ bạn con lên làm gì mà đi ra đi vô hoài vậy?Bạn con lên mấy đứa?
- Vẫn như mọi năm, Đồng, Tiền, Bách với con là bốn đứa.
Con tôi có ba đứa bạn, thân với nhau từ thời còn đi học mẫu giáo. Thằng Bách có nước da bánh mật, mập, lùn lại có nốt ruồi ngay bên mép trông y như mụ dì ghẻ. Bách nhà gần ngay chợ Bến Thành, bố nó làm công nhân trong nhà máy bia Sài Gòn, chắc uống bia nhiều quá nên thằng con lúc nào cũng mập như cái lu. Thằng Đồng thì nhỏ con hơn, cao nhỏng, cu cậu này nhanh nhẹn, lần vợ chồng tôi về dẫn tụi nhóc đi Suối Tiên, Đồng cầm bản đồ lăng xăng chỉ lối, làm chồng tôi khen thằng nhỏ thông minh rối rít. Thằng cuối cùng là Tiền, trong số bốn đứa thì Tiền là anh trông xấu trai nhất, đen thủi như Miên, mỗi lần mở miệng cười, hở nguyên hàm lợi đỏ lòm trông phát khiếp. Lúc còn học cấp một, nhà Tiền ngay đường Gia Long, bố cu cậu làm nghề kinh doanh địa ốc, chuyên mua bán nhà cửa. Dạo sau này gia đình Tiền chuyển ra Gò Vấp, hơi xa nên tụi nó ít gặp nhau. Tuy xa vậy, nhưng vì là con trai độc nhất nên cu cậu được bố cưng như cục vàng, muốn đi đâu bố cũng chở. Thỉnh thoảng tôi có gặp ông tại nhà, nước da ông cũng đen y hệt thằng Tiền, ăn mặc khá lịch sự và đầu tóc lúc nào cũng bóng lộn. Ông nói với tôi: "Chị biết không? Nhà tui xa dữ lắm, nhưng nghe điện thoại của thằng Tài gọi là bất cứ giá nào tui cũng chở con tui lên ngay." Có lần con bé Trân về nhà kể lại: "Hôm nay cháu gặp bố thằng Tiền ngoài đường, hỏi thăm ông cười vui vẻ lắm, còn chạy xe sát theo cháu hỏi với: " Em ở đâu mà lại biết anh?" "cháu là chị thằng Tài, bạn thằng Tiền nhà chú" mặt ổng tiu nghỉu, hơi quê quê." Tôi cười rúc rích: "Mày cứ che mặt che mũi y như dân Ả Rập như vậy làm sao ông nhận ra, ông lại tưởng em nào trong quán bia ôm ông mới gặp thì bỏ mẹ." Con bé dãy nảy lên: " Trời...! Không dám đâu". Tôi nhìn con bé bỗng phá ra cười, cách đây không lâu lắm, con bé lên trường đón em đi học về, xe hết xăng, ghé vào cây xăng đổ, nghe chị nhân viên gọi nó với thằng em là hai mẹ con. Về nhà, con bé tấm tức khóc mếu máo: "Cháu như thế này mà con mụ đấy bảo thằng Tài là con cháu, mắt bị đui hay sao ấy..." Tôi và thằng Út nhìn nhau cười: "Thì trông mày như con bỏ làng nên bà đó tưởng là mẹ thằng Tài. Ăn nhằm gì, cậu Út mày chở dì với em Tài đi công chuyện mà người ta còn lầm cậu Út chở vợ con đi chơi, có sao đâu. Vậy mà cũng khóc."
Tiếng chuông cửa vang lên, thằng Tài lao vội ra mở cửa, Bách ló mặt vào, hôm nay nó mặc áo sơ mi xanh nhạt, tóc cắt ngắn và thân hình tròn quay, vẫn mập như thủa nào. Thấy tôi, nó ngoan ngoãn vòng tay chào, chúc tôi những lời đầu năm mới tốt đẹp. Tôi mỉm cười, xoa đầu cảm ơn cu cậu và xoè đưa nó cái bao lì xì đỏ.
- Sao không cao lên được chút nào vậy? Cô thấy con càng ngày càng phát triển bề ngang à nha.
Bách gãi đầu cười khanh khách:
- Dạ con cũng không biết sao nữa.
Đứa kế tiếp là Tiền, Tiền hôm nay khá bảnh, cao hơn tôi gần cái đầu. Trông nó y như một ông già, lụng thụng trong chiếc quần nhung may xếp li, áo sơ mi sọc bỏ thùng, nhìn tối cả góc nhà. Lúc nó vừa đến, tôi phải chớp mắt vài cái xem mình có lộn ai không. Tôi và cái Hạnh chẳng ai bảo ai cùng bật lên cười:
- Trông mày như ông già vậy Tiền, có bồ chưa?
- Dạ chưa cô, con còn nhỏ mà.
Người đến cuối là thằng Đồng, Đồng cũng lớn bạo so với lần trước, cao nhỏng. Cả mấy thằng nhóc được tập chung vào trong phòng của tôi cho chơi game trước. Lần nào cũng vậy, mang tiếng lên nhà bạn Tài chơi điện tử, nhưng hầu như các bạn chỉ được ngồi cạnh ngó Tài bắn thôi, ngoài những thời gian nghỉ để ăn cơm, còn lại thì Tài dành chơi một mình, làm các bạn chán nản. Có lần các bạn giận bỏ về hết, thằng con tôi mới buông tay cầm, chạy ra kêu trời: "Chết rồi, các bạn con về hết rồi, chắc tụi nó giận con rồi, làm sao đây?"
Tụi nhóc chơi trong phòng, tôi đứng ngay ngoài cửa hỏi vọng vào:
- Mấy đứa hôm nay muốn ăn cái gì? Nói để cô nấu.
- Dạ, tụi con ăn gì cũng được.
Tôi quay ra bếp, chị Lan đang lặt rau, bên cạnh là thau nước ngâm cục thịt bò cho tan đá. Thằng Dừa tẩn mẩn ngồi nghịch cái xe đồ chơi cũ ngay đó. Chị Lan ngước lên nói với tôi:
- Em cho tụi nhóc bao lì xì đi nghen, năm nay chị không cho đâu, một người đại diện cho được rồi.
- Chị khỏi nhắc, em cho rồi.
Bịch...bịch... bịch, tôi nghe bước chân thằng Dừa chạy rõ nhanh, chưa kịp quát thì đã nghe tiếng nó oang oang trong phòng:
- Các anh ơi, mẹ em biểu không cho các anh lì xì đâu.
Tôi đưa mắt nhìn chị Lan, bật cười. Chị Lan mặt đanh lại:
- Thằng chó đẻ này, chỉ được cái mách lẻo là giỏi. Tao phải đập cho nó một trận mới được.
- Con nít nghe sao nó nói lại, biết gì đâu mà đòi đánh nó. Chị phải giữ mồm giữ miệng, khéo léo dậy bảo nó chớ, hở một tí là đánh con cho nó lờn đòn, mà người lớn nghe được lại mích lòng.
- Điên bỏ mẹ lên, không đánh để nó hư.
- Đánh con mà cứ như đánh kẻ thù. Bà mà ở bên Mỹ, cảnh sát nó còng đầu bà rồi.
- Nhưng đây là Việt Nam.
- Bởi vậy bà đâu có đi Mỹ được.
Thằng Dừa chạy ra, tôi ngoắc nó lại đe nẹt một hồi, cấm không cho nói năng bạy bạ, cấm hớt lẻo. Tôi chỉ vào góc nhà, nơi dựng cây ống nước tròn bằng ngón tay cái dùng để đánh đòn nói hỏi:
- Có thấy cái gì đó không?
- Dạ thấy.
- Sợ không?
- Sợ.
- Sợ thì từ nay không được hớt lẻo nữa nghe chưa?
- Dạ.
Thằng Dừa len lén liếc nhìn mẹ nó, và rồi phóng lên nhà trên, thoát nạn một trận đòn trông thấy.
Sau buổi cơm trưa, mấy đứa nhóc nhao lên rủ chơi đánh bài, tôi bỏ cả giấc ngủ trưa làm cái cho tụi nó đặt bài xì dách, chán cả đám lại đổi đánh bài cào, lô tô...đang ngồi chơi chị Nguyệt tới, ham vui, chị cũng xà xuống làm một chân, mắt chị mờ, nhìn không rõ số lại chậm. Cái cứ vừa đọc vừa dừng lại chờ. Đám con nít coi vậy mà kêu lô tô rành sáu câu vọng cổ, ra con số nào chúng cũng đều xướng lên nhưng câu nghe thật tức cười, chúng mang mấy biển số xe của các tỉnh ra ứng đọc như Bến Te (71) Vũng Tàu (72) con lươn (69) đứt gân (90) Tôn ngộ không (72) con bướm (89)...Tôi không hiểu lâu lâu phải hỏi lại đứt gân là số mấy, cả đám lại cười rộ lên, ra điều chê tôi quê mùa không biết. Ngồi được một chặp, tôi bắt đầu mỏi lưng, vặn vẹo, đổi thế liên tục, lúc xổm dậy, lúc dạng chân ra, lúc nằm bẹp xuống nền nhà, lúc dựa hẳn vào thành giường bên cạnh, tôi phải lót hai cái gối xuống dưới mà sao mông vẫn cứ tê cứng. Chị Lan lâu lâu lại thay tôi làm cái, đám con nít cứ xum xoe chìa tiền đặt bài. Mãi đến 5 giờ chiều sòng bài mới tan, mọi người tản mạn hết. Chị Lan đứng dậy chuẩn bị bữa ăn tối cho cả nhà. Đám con nít được bố, mẹ đến đón từ từ, các cu nhóc thằng nào thằng nấy mặt mày tươi roi rói vì vô mánh, chỉ có tôi và chị Lan là thua cháy túi, bọc tiền xu của chị căng đầy vậy mà hôm nay xẹp lép, đống tiền đồng Việt Nam của tôi cũng vơi dần, tôi và chị Lan cười khúc khích, thôi coi như chia tiền cho các cháu ăn tết.
Tôi nằm dài trên giường bên cạnh chị Nguyệt, người bắt đầu ngầy ngật, khó chịu, lúc đấy tôi nghĩ rằng chắc tại ngồi đánh bài lâu quá nên đuối sức, nhưng sau bữa cơm chiều, cổ họng bắt đầu đau rát, nước mắt sống tự nhiên tuôn trào, đây là dấu hiệu của bệnh cảm cúm. Tôi thầm nghĩ, thôi chết rồi, ngày mai Hương sẽ đưa hai đứa con vào đây chơi mà tôi cúm như vầy thì chúng sẽ bị lây mất, Hương là bạn học từ thời phổ thông nhà ở Phan Thiết. Lẽ ra đợt này, tôi mang con ra thăm nó như đã hứa từ năm ngoái, nhưng rồi lại khất lần vì làm biếng đi một đoạn đường dài, cuối cùng, Hương lại phải mang con vào thăm tôi, chẳng lẽ gọi điện thoại ra kêu nó đừng vô. Tôi suy nghĩ miên man rồi quyết định mặc kệ, nhắn nó đừng vô sợ nó hiểu lầm mình không muốn gặp nó, rồi lại giận hờn. Bạn bè lâu ngày mới có cơ hội gặp mặt, vả lại Hương đã chuẩn bị từ trước tết cho cuộc viếng thăm Sài Gòn này rồi.
- Trời ơi, sao em hôm nay trông ghê quá, em bịnh hả?
- Em thì lúc nào chẳng vậy, môi thâm xì, mặt tái nhợt, lông mày lông mi không có, nhìn giống y như xác chết trên cao nguyên chớ gì.
- Ờ, nhìn ghê lắm, em ngó kiếng lại coi, đâu có giống như mọi bữa.
Tôi cười gượng gạo:
- Tại lần nào chị nhìn thấy em đều gặp lúc em sửa soạn đi ra ngoài nên nhìn khác đó, thực ra em mà không trang điểm nhìn ghê lắm.
- Chị biết mà, nhưng hôm nay thấy em khác hoàn toàn, da em xanh lét à.
Tôi nhổm dậy với tay lấy cái gương để ngay trên bàn cạnh đầu giường, tôi nhìn kỹ gương mặt mình trong đó, ừ, công nhận ghê thật, tôi không ngờ mình lại xấu xí thế này. Tôi úp vội cái gương lên bàn, quay sang cười với chị Nguyệt.
- Chắc em bệnh thiệt rồi đó, thấy khó chịu trong người quá, với phần không trang điểm thì ai mà không xấu hả chị, đàn bà con gái muốn đẹp thì phải biết tự sửa soạn cho mình, từ đầu tóc, quần áo đến mỹ phẩm. Thật sự mấy cô hoa hậu xí xọn còn gấp tỉ lần mình chị à, tụi nó không trang điểm cũng xấu thấy bà.
- Đúng rồi đó em, đàn bà con gái ví như viên kim cương, không mài giũa thì viên kim cương cũng chỉ như một cục đá vô giá trị, còn đàn bà con gái không biết trang điểm thì làm sao mà đẹp được.
- Ừa chị há, chồng em đó, mỗi lần em đi với ảnh là ảnh bắt em sửa soạn kỹ lắm, bộ đồ nào không vừa mắt là anh chàng bắt thay đổi liền. Nói gì thì nói, đàn ông làm bộ làm tịch không cần vợ đẹp, vợ sửa soạn, vậy chớ đi cạnh người đẹp cũng khoái thấy mồ.
Cả hai chị em tôi cười khúc khích.
- Tú nó tính mời em bữa nào lên nhà ăn cơm, Chủ Nhật tới nghen, Tú chạy xe ra đón.
- Dạ, bữa nào cũng được, trừ ngày 8 Tết thôi, ngày đó em lên Long Khánh thăm ông anh.
- Ừa, để chị sắp xếp, có cả vợ chồng anh thằng Tú bên Đức về, tiện thể chị mời luôn cho em gặp mặt, xem anh em nó có giống nhau không?
- Anh nào của thằng Tú mà em không biết vậy?
- Anh cùng cha khác mẹ, nó cũng mới về kiếm thằng Tú mà, làm sao em biết được. Trước khi ba nó mất, có dặn nó về kiếm em.
- Vậy là ba nó mất cũng được hai năm rồi hén chị.
Chi Nguyệt không trả lời, nghe nhắc tới chồng, gương mặt chị như tối lại, u ám. Bao năm qua đi chị lúc nào cũng canh cánh mong ngóng tin chồng, vậy mà khi có tin thì ông đã ra người thiên cổ. Tuy giận chồng hết sức nhưng lúc được tin ông mất, chị lật đật vô chùa Xá Lợi làm cúng tế cho ông, tình nghĩa vợ chồng, ngàn năm không nhạt cho dù ông có đối xử tệ bạc với mẹ con chị.
Tôi nằm co ro trên giường, nhà có bao nhiêu tấm mền tôi đều lôi ra đắp hết lên người mà sao vẫn cảm thấy lạnh, lạnh run cầm cập. Con tôi nửa đùa nửa thật chọc ghẹo, mẹ thua bài nhiều quá phát sốt rét lên rồi kìa. Tôi cười ú ớ trong miệng, lúc này nhiệt kế đo được 39 độ C, cổ họng khát khô, miệng đắng nghét. Sau khi uống vài viên thuốc hạ sốt, nửa tiếng đồng hồ sau, nhiệt độ cơ thể từ từ hạ xuống, mồ hôi tuông ra như tắm. Bấy giờ tôi mới thấy lo, phải chăng mình bị cúm gà? Nếu bị cúm gà thật thì quả là cái miệng hại tấm thân, nghĩ đến điều ấy tôi tê cứng hết cả người, đêm đó tôi còn sốt thêm vài chặp đến tận sáng hôm sau mới dứt hẳn. Người ngầy ngật, đầu nhức bong bong.
Một Người - Một Đời Một Người - Một Đời - Lê Mỹ Hân Một Người - Một Đời