Số lần đọc/download: 1875 / 46
Cập nhật: 2017-08-04 14:03:44 +0700
Chương 17
C
ứ đến tháng Tư, Singapore lại đăng cai Lễ hội Ẩm thực World Gourmet Summit. Năm nay, tại thành phố được gọi là “Nhà bếp của Trái đất”, “Thủ đô Thực phẩm Thế giới” này, sẽ có bảy mươi sự kiện kéo dài trong ba tuần ở mười bốn nhà hàng và bảy khách sạn hạng sang thuộc khu vực trung tâm, trong đó có khách sạn Conrad gần Tòa thị chính. Lễ hội nổi tiếng vì có sự tham gia của đầu bếp lừng danh từ khắp mọi miền trên thế giới, họ tới để nấu ăn, để thỏa mãn khẩu vị của các tín đồ ẩm thực và tham gia những khóa huấn luyện. Đến đây, người ta sẽ được tiếp xúc và thưởng thức món ăn của các đầu bếp sao Michelin mà không phải bay sang tận châu Âu. Ở Nove, ai đã vào làm ít nhất sáu tháng đều có thể tham dự với mục đích học tập.
Năm nay Bếp trưởng để nhà hàng lại cho quản lý Park trông nom rồi dẫn hai đầu bếp trẻ nhất là Choi và Kim sang dự lễ hội. Chẳng mấy khi Bếp trưởng đồng hành trong những chuyến đi thế này, và đáng ngạc nhiên hơn là anh gợi ý tôi nên có mặt ở một hội thảo rượu vang. Luôn có nhiều điều phải học thêm, anh nhấn mạnh. Tôi hiểu chứ, nhưng nghe câu đó thực rất đau lòng. Hẳn Bếp trưởng đã biết dạo này tôi thường lẫn lộn giữa gà và vịt, giữa cà tím và hành. Coi như dành ra chút thời gian để nghỉ ngơi, anh nói, lời lẽ ân cần khác hẳn cung cách khô khan ngày thường, khiến tôi không khỏi lạ lẫm. Người nào nghiêm khắc và trịnh trọng thì cứ nên tiếp tục như thế đến ngày từ giã cõi đời, có vậy mới không khiến ai phải se lòng. Tôi không nói là em sang đấy thuần túy chỉ để nghỉ ngơi, mỗi bữa phải ăn một món khác nhau. Tôi gật đầu. Xem ra Bếp trưởng lo ngại về vị giác đang sa sút của tôi hơn là về bản thân tôi. Đối với một đầu bếp, khi vị giác bắt đầu suy giảm, cách chữa trị tốt nhất là rời nhà bếp của mình đi nếm món ăn của đầu bếp khác. Cũng như liệu pháp tốt nhất cho người mắc bệnh rối loạn ăn uống là đưa anh ta vào bếp và yêu cầu anh ta tự tay chuẩn bị món ăn. Ba ngày ở Singapore. Cũng là cơ hội kiểm tra bản thân, để xem liệu tôi có thể đi mà không nghĩ ngợi gì đến Seok Ju chăng. Nhưng khi lên máy bay tôi lại lầm bầm tự nhủ, ít nhất thì cũng không phải là cả tuần.
Chúng tôi nghỉ ở khách sạn Metropole, cách Tòa thị chính bảy phút đi bộ qua một cái cầu, nơi tập trung các khách sạn năm sao và là địa điểm tổ chức phần lớn sự kiện của lễ hội. Bếp trưởng ở chung phòng với Kim, tôi và Choi chung phòng còn lại. Vừa đến khách sạn, chúng tôi đã chia nhau mỗi người một ngả theo lịch trình hoạt động của từng người. Singapore tháng Tư bận bịu, ẩm ướt, giao thông tắc nghẽn. Tôi thay sang váy cô tông, áo thun trắng dài tay xắn lên và giày thể thao mỏng. Nếu Seok Ju ở đây, anh sẽ trêu, Lại cây trắng nữa hả? Ngay cả khi mặc màu xanh da trời, tôi vẫn chọn loại chấm bi trắng. Nếu mặc áo thun kẻ, thì các sọc kẻ cũng phải màu trắng. Em không xa rời màu trắng được nhỉ, cứ như gắn liền với nó từ lúc chào đời vậy. Anh vừa nói vừa cười, tựa hồ phát hiện điều gì thú vị. Vào bếp tôi cũng phải mặc màu trắng mới thấy thoải mái tự nhiên.
Tôi vuốt phẳng quần áo rồi quyết định đi ăn laksa.
Những người sành ăn trên khắp thế giới đang đổ về đông nghịt Singapore. Xác định xem ai sành ăn và ai không, kể cũng mù mờ như chỉ ra đầu vịt kết thúc chỗ nào và thân vịt bắt đầu từ đâu. Mà có sành ăn hay không cũng chẳng phải vấn đề quan trọng. Mọi người đều muốn ăn và biết rằng phải ăn để mà sống. Nhưng mỗi người lại có một phản ứng riêng đối với thức ăn. Cùng một món, người thì phấn khích đến nỗi đôi mắt sáng ngời và các múi cơ săn cứng lại, trong khi người khác quáng quàng cho xong mà không để tâm mình đang ăn gì. Một người sành ăn sẽ hiểu giá trị của cái đẹp, họ ung dung thưởng thức và nghiền ngẫm một cách suy tư về mùi vị chứ không ăn như rồng cuốn và rời bàn ngay khi ăn xong. Người không sành ăn sẽ không coi nấu nướng là một nghệ thuật. Sành ăn tức là quan tâm đến mọi thứ ăn được, và tình cảm sâu sắc đối với thức ăn ấy đã khai sinh ra nghệ thuật nấu nướng. Động vật có vị giác hạn chế, một số loài chỉ ăn cây cỏ, một số loại khác chỉ ăn mỗi thịt, nhưng loài người thì ăn tạp. Họ có thể ăn mọi thứ. Tình yêu đối với đồ ăn ngon là cảm xúc đầu tiên ở người sành ăn. Đôi khi không thể, và không có điều gì, ngăn cản được tình yêu đó.
Gan ngỗng là món ăn sành điệu nổi tiếng nhất, nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng có để ăn. Vào những năm 1970, Mỹ cấm nhập khẩu gan ngỗng để phòng ngừa một loại vi khuẩn gây bệnh nào đó. Nhưng ngay cả hàng rào quốc tế này cũng không ngăn cản được đầu bếp đẳng cấp thế giới Jean-Louis Palladin, chủ nhân nhà hàng Napa nổi tiếng ở Las Vegas. Ông bay sang Pháp, nhét gan ngỗng vào thực quản một con cá vảy chân khổng lồ và mang nó về, biết rằng hải quan sẽ không bao giờ muốn ngửi thực quản một con cá vảy chân. Bằng những miếng gan ngỗng quý giá đó, ông chế biến một món nằm ngoài thực đơn, làm khách hàng sành ăn phải đổ xô đến nhà hàng, háo hức thưởng thức món gan ngỗng xốt rượu vang.
Tình yêu đối với cao lương mỹ vị có lẽ cũng tương tự tình yêu giữa đàn ông và đàn bà. Đầu bếp và người sành ăn là những đối tác lý tưởng của nhau. Thiên chức của đầu bếp là làm mọi người hạnh phúc bằng thức ăn, còn người sành ăn không bao giờ thôi tơ tưởng sơn hào hải vị. Từ mùa thu năm trước, sau khi nhìn lén qua khe cửa cảnh Seok Ju và Se Yeon bên nhau, tôi bắt đầu nghĩ rằng những người đam mê tình dục hẳn cũng là những người sành ăn.
Tôi dừng chân ở nhà hàng Marine Parade Laksa khu phố Katong, chọn một cái bàn cũ kỹ ngoài trời và tập trung vào bữa ăn. Món laksa, làm từ sữa dừa, mì gạo và một nắm rau thơm, đặc và nóng đủ để đốt cháy vòm miệng tôi. Món đầu tiên chọn ăn ở thiên đường ẩm thực này, không ngờ lại là đĩa laksa hai đô la quá-bình-dân, nghĩ mà buồn cười. Tôi quấn mì quanh đũa và đút vào miệng. Mì gạo sợi to có vị ngon riêng của nó. Tôi cũng ưa món xúp đặc thẫm màu, phưng phức mùi dừa, mùi gia vị, mùi rau thơm này. Đây là mùi của Singapore trong lần đầu tôi đến, cùng anh. Chúng tôi đã đi dạo trong Công viên Bờ Biển Đông gần khách sạn, tới khi đói ngấu thì tìm vào khu phố cổ Katong này, ở đây có những ngôi nhà quét vôi sáng màu và lát gạch hoa. Đi vòng qua chỗ của hàng 7-Eleven đằng kia, có thể tôi sẽ thấy anh đang đứng lóng ngóng ở đấy, cái dáng cao chúi về trước, như năm nào. Lại đi bộ ba dãy phố nữa sẽ đến Nhà cổ Katong, hình bóng chúng tôi vẫn lưu lại đó như những pho tượng sáp, anh đang chọn một chiếc áo kiểu cho tôi, còn tôi lúi húi tìm mấy món đồ sứ.
Giờ phải ăn xong bát laksa này. Rồi sẽ lại đằng ấy, một lần nữa.
Tôi soàm soạp húp xúp. Hàng nghìn gai vị giác trên lưỡi theo nhau thức dậy. Vị giác là thứ tuyệt vời nhất trong tất cả các giác quan của con người. Niềm hạnh phúc thu được từ ăn uống có thể lấp đầy sự thiếu vắng các khoái cảm khác. Sẽ có lúc ngoài ăn ra chúng ta chẳng thể làm gì khác, đấy là lúc ăn trở thành cách duy nhất để ta biết rằng mình còn sống.
Những hạt mưa lớn rơi lộp độp trên bàn, báo hiệu một cơn giông sắp đến.
Ăn hay không ăn. Yêu hay thôi yêu. Đó đều là vấn đề cảm giác.