Cuộc chiến thật sự là giữa những gì bạn đã làm, và những gì bạn có thể làm. Bạn so sánh bạn với chính mình chứ không phải ai khác.

Geoffrey Gaberino

 
 
 
 
 
Tác giả: Arthur Hailey
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: The Final Diagnosis
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 261 / 21
Cập nhật: 2020-04-04 20:30:51 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 16
iên cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ ở góc đường Main và Liberty nghe thấy tiếng còi hụ của xe cứu thương khi còn cách xa sáu dãy nhà. Bước xuống khỏi lề đường, với tài khéo léo của nhiều năm trong nghề, ông thúc đẩy dòng xe cộ trôi nhanh để mở sẵn khu vực giao lộ. Khi nghe vang tiếng còi hụ và nhìn thấy ánh đến cấp cứu loang loáng của chiếc xe cứu thương đang luồn lách tiến phía mình, viên cảnh sát phùng má thổi hai tiếng còi lanh lảnh.
Sau khi hiệu cho tất cả xe cộ ở các đường hẻm đúng lại, ông oai vệ vẫy tay cho xe cứu thương chạy vượt đèn đỏ. Khách bộ hành trên khu vực giao lộ tò mò quay đầu nhìn chỉ thoáng thấy khuôn mặt nhợt nhạt của một phụ nữ trẻ trên chiếc xe cứu thương phóng vụt qua.
Bên trong, Elizabeth chỉ mơ hồ biết rằng chiếc xe đang len lỏi qua những đường phố đông đúc. Cô cảm thấy xe chạy rất nhanh, nhưng nhà cửa và người ở ngoài xe là hình ảnh nhập nhòe chạy lùi bên khung cửa sổ gần chỗ cô tựa đầu. Trong khoảnh khắc trước mỗi nhịp đau, cô có thể nhìn thấy người tài xế ở phía trước, hai bàn tay to lớn cầm lái quay hết bên phải lại sang bên trái, tận dụng mọi khoảng trống mở ra trên đường. Rồi cơn đau trở lại, cô chẳng còn nghĩ đến điều gì khác hơn là kêu rên và bám chặt.
- Cứ nắm cổ tay tôi – người hộ tống xe cứu thương đang cúi mình trên cô. Ông có chiếc cằm chẻ, râu mọc lởm chởm. Thoáng một giây phút nào đó Elizabeth tưởng cha cô đã đến an ủi cô. Nhưng bố đâu còn nữa - ông chết vì tai nạn đường xe lửa rồi phải không? Hay là bố còn sống, cùng được đem đi cấp cứu với mình trong xe này, cùng được đưa đến một nơi nào đó để người ta chăm sóc cho cả hai bố con? Cô tỉnh táo lại và thấy bên mình không có bố - đó chỉ là một người lạ mà hai cườm tay đỏ bầm những vết móng tay cô.
Cô sờ vào những vết bầm trước khi cơn đau trở lại, cử chỉ ấy là tất cả những gì cô có thể làm được lúc này. Người đàn ông lắc đầu:
- Đừng nghĩ ngợi gì. Cứ việc bám chắc thế nào cũng được. Sắp tới nơi rồi. Già Joe trên kia là người cầm lái cừ nhất thành phố đấy.
Cơn đau trở lại, dữ dội hơn trước. Khoảng cách giữa hai nhịp đau mỗi lúc mỗi ngắn hơn. Tất cả xương cốt cô như bị vặn xiết ngoài sức chịu đựng, nỗi thống khổ tập trung ở một khoảng lưng. Cơn dập vùi trào ra bên ngoài thành ngọn lửa tím, đỏ, vàng chập chờn trước mắt. Cô kêu thét, móng tay bấm sâu thêm.
- Cô có cảm thấy cháu bé đi ra không? - Người đàn ông lại hỏi. Ông đã chờ cho đến khi cơn đau vừa rồi dịu lại mới cúi xuống sát bên cô. - Cô ráng sức gật đầu rồi nói trong hơi thở hổn hển:
- Có...
- Tốt lắm - ông rút nhẹ hai tay ra - Cô nắm tạm cái này một lúc.
Ông trao cho cô một chiếc khăn cuộn chặt rồi giở tấm mền đắp trên băng ca và bắt đầu nới lỏng quần áo cho cô. Vừa làm, ông vừa nói nhỏ nhẹ:
- Nếu phải làm gì, chúng tôi sẽ làm hết sức mình. Đây không phải lần đầu tiên tôi đỡ đẻ ngay trên xe - Cô biết không, tôi có cháu nội rồi đó, nên rất rành chuyện này.
Những lời cuối cùng của ông bị át đi vì tiếng rên của cô. Một lần nữa cơn đau khủng khiếp ở sau lưng tăng lên, tràn ngập cả người cô - cơn đau ồ ạt, mù lòa, ngạo nghễ và tàn nhẫn.
- Xin ông!- Cô lại chụp lấy cườm tay người đàn ông.
Những vệt máu mờ mờ xuất hiện khi móng tay cô bấm sâu vào da thịt. Quay đầu lại, ông ta hỏi:
- Tới đâu rồi Joe?
- Mới qua góc đường Main và Liberty - Đôi bàn tay to khỏe bẻ ngoặt bánh lái sang bên phải - Có một ông cò ở đó dẹp đường đỡ cho chúng ta được một phút quí giá.
Bánh xe xoay gấp sang bên trái. Đầu người tài xế lại thẳng lên:
- Làm bố đỡ đầu chưa?
- Chưa đâu Joe. Nhưng tôi đoán là sắp đến lúc rồi.
Bánh lái lại xoay gấp sang bên phải. Lát sau:
- Tới nơi rồi đó. Ráng giữ chặt cái nút một phút nữa thôi.
Trong màn sương mù ngột ngạt phủ lấp con người, Elizabeth chỉ còn nghĩ được một điều: “Con ta - ra đời sớm quá! Chết mất, Chúa ơi, đừng để cháu bé chết! Xin đừng để xẩy ra một lần nữa!”
Tại khoa Phụ sản, bác sĩ Dornberger đã rửa tay, mặc áo sẵn sàng. Từ phòng rửa tay bước vào hành lang náo nhiệt ngăn cách các khu vực chuẩn bị với dãy phòng sinh, ông đưa mắt nhìn quanh quất. Trông thấy bác sĩ qua ô cửa kính phòng làm việc của mình, bà Yes - y tá trưởng - cầm tấm bìa kẹp giấy tờ đứng lên bước về phía ông.
- Thưa bác sĩ Dornberger, đây là kết quả xét nghiệm cảm ứng máu vừa nhận được - Bà chìa tấm bìa ra cho ông đọc mà không cần chạm tay vào.
- Sát nút! - Giọng càu nhàu hiếm có ở nơi ông. Đọc lướt qua trang giấy ở trên cùng, ông nói: - Cảm ứng âm tính hả? Tốt, không có vấn đề gì. Sẵn sàng tất cả rồi phải không?
- Vâng, thưa bác sĩ - Bà Yes mỉm cười. Bà là người phụ nữ giỏi chịu đựng. Bà cảm thấy rằng mọi người đàn ông, kể cả chồng bà, thỉnh thoảng cũng có quyền cáu kỉnh.
- Lồng ấp có chưa?
- Dạ có đây rồi ạ.
Dornberger đưa mắt nhìn quanh và thấy một cô y tá giữ cánh cửa ngoài mở rộng cho một nữ hộ lý đẩy chiếc lồng ấp Isabelle lăn bánh vào trong. Một tay giữ sợi dây chuyền cho khỏi chạm đất, nữ hộ lý nhìn bà Yes như muốn hỏi.
- Xin đưa vào phòng số 2.
Nữ hộ lý gật đầu rồi đẩy lồng ấp qua khung cửa thứ hai ở ngay trước mặt. Cánh cửa lò xo bật khép lại rồi, từ phòng điều dưỡng một cô thư ký bước ra tiến về phía ho.
- Xin lỗi Mrs. Yes.
- Sao?
- Phòng cấp cứu vừa gọi vào. Cô gái quay sang bác sĩ Dornberger: - Thưa bác sĩ, bệnh nhân của ông đến rồi, đang đợi chuyển lên đây. Tin cho biết cô ta đã chuyển dạ kíp giờ sinh.
Elizabeth được chuyển từ xe cứu thương xuống băng ca. Cô thấy anh sinh viên thực tập ra đón đi trước dọn đường. Bước chân anh nhịp nhàng nhưng không hấp tấp.
Rất bình tĩnh và có phương pháp, anh đưa băng ca len lỏi qua những đám người trên hành lang náo nhiệt của tầng chính. “Cấp cứu... cấp cứu”. Tiếng anh nhỏ nhẹ, gần như ỡm ờ, nhưng có tác dụng ngay tức khắc. Đám đông dạt vào sát tường, người đang đi vội dừng chân nhường chỗ cho đoàn diễu hành nhỏ - gồm nội trú sinh, băng ca, y tá - đi qua. Ở cuối hành lang, người điều khiển thang máy trông thấy họ bèn dẹp chỗ trước.
- Xin vui lòng chờ chuyến sau. Chuyến này cho ca bệnh cấp cứu.
Những người đi thang máy vui lòng bước ra nhường chỗ cho băng ca lăn bánh vào. Bộ máy hoạt động thuần thục của bệnh viện đang nhận bệnh nhân một cách nhanh gọn.
Sự bình tĩnh của mọi người như truyền sang Elizabeth.
Cơn đau kéo dài liên tục, tử cung bắt đầu thấy căng, nhưng cô thấy mình chịu đựng được hơn trước. Cô khám phá ra rằng nếu cắn chặt môi dưới và nắm chắc mép vải che người thì có thể không để bật ra tiếng rên. Tuy nhiên cô biết giai đoạn cuối cùng đã đến. Vô tình cô đưa tay xuống dưới và cảm thấy giữa hai bắp đùi, đứa bé đã bắt đầu ra.
Cửa thang máy từ từ buông xuống. Cô y tá ở phía sau cúi xuống nắm lấy tay Elizabeth. “Ráng một hai phút nữa là xong”. Rồi cửa lại mở ra, Elizabeth trông thấy bác sĩ Dornberger mặc áo bơ lu đợi sẵn bên ngoài.
o O o
Như còn một chút hy vọng rằng mình đã đọc lầm, bác sĩ Pearson lại cầm lấy hai bức điện. Xem xong, ông đặt cả hai xuống bàn.
- Ác! Lành! Bên nào cũng nói chắc một trăm phần trăm! Thế là chúng ta lại quay lại từ đầu.
- Không hẳn - David Coleman nói khẽ - Vì đã mất gần ba ngày rồi.
- Tôi biết! Tôi biết!- Joe Pearson đấm vào lòng bàn tay - Sự bất định như chiếc áo choàng phủ kín người ông: - Nếu đó là u ác tính, phải cưa chân ngay kẻo trễ. Ông quay sang nhìn thẳng vào mặt Coleman:
- Nhưng con bé mới mười chín tuổi. Giá như nó năm mươi, tôi cứ nói phứt là u ác tính rồi bình chân như vại. Đằng này, mười chín. Mà rất có thể ta cưa chân trong khi sự thật không cần phải như vậy.
Tuy không ưa Pearson và vẫn giữ quan điểm u lành, Coleman thấy lòng rất thông cảm. Ông cụ chịu trách nhiệm tối hậu trong ca bệnh này. Có băn khoăn cũng là điều dễ hiểu. Quyết định đưa ra có tính chất cực kỳ táo bạo. Anh ân cần nói:
- Chẩn bệnh như thế này cần phải can đảm lắm.
Dường như anh vừa đồ dầu vào lửa vì Pearson nổi quạu lên:
- Đừng đem sáo ngữ lải nhải ở bậc trung học ra mà bảo tôi: Việc này tôi đã làm suốt ba chục năm nay rồi.
Ông nhìn Coleman trừng trừng, đôi mắt tóe lửa, sự thù nghịch lúc trước đã trở lại. Ngay lúc ấy chuông điện thoại reo vang.
- Tôi đây - Pearson nói giọng gắt gỏng, nhưng nghe tiếng người ở đầu dây bên kia, nét mặt ông dịu lại:- Được, Lucy, mời cô ghé xuống đây. Tôi đợi.
Gác máy xong, ông đứng nhìn mãi một điểm ở giữa bàn làm việc. Rồi, không ngẩng đầu lên, ông nói với Coleman: - Lucy Grainger sắp đến. Nếu muốn anh có thế ở lại.
Như không nghe thấy gì Coleman tự lự:
- Tôi thấy còn một điều có thể dựa vào để biết rõ thêm.
- Điều gì?- Pearson ngẩng phắt lên.
- Phim X-quang cũ - Coleman vẫn chậm rãi, vừa nghĩ vừa nói - Phim chụp hai tuần trước. Nếu đó là khối u thì phải lớn thêm. Rất có thể chụp phim mới ta sẽ thấy rõ.
Không nói một lời nào, Pearson chộp lấy may điện thoại. Có tiếng “click” vang lên, ông nói:
- Cho tôi nói chuyện với bác sĩ ở X-quang. Trong lúc chờ đợi, ông nhìn Coleman bằng ánh mắt kỳ lạ. Dùng tay bịt ống nói, ông đưa lời khen ngợi miễn cưỡng:
- Phải nói anh là ngươi biết suy nghĩ... trong mọi lúc.
o O o
Trong gian phòng mà nghe đâu bệnh viện gọi đùa là “phòng tắm hơi của các ông bố chờ đợi”, John Alexander dụi điếu thuốc lá mới hút hết một nửa vào gạt tàn rồi đứng lên khỏi chiếc ghế nệm bọc da mà anh đã ngồi một tiếng rưỡi đồng hồ, ngong ngóng trông lên mỗi khi có người từ ngoài hành lang bước vào. Mỗi lần như thế lại có tin cho ai khác chứ không phải anh, và bây giờ, trong năm người đàn ông của chín mươi phút trước chỉ còn lại anh và một người nữa. Bước tới bên những khung cửa sổ nhìn xuống sân trước của bệnh viện và những tòa nhà khác dẫn tới trung tâm công nghiệp của thành phố Bullington, anh thấy các đường phố và mái nhà đều ướt. Chắc hẳn mưa đã rơi từ lúc anh đến đây, vậy mà anh chẳng hề hay biết. Khu vực bao quanh bệnh viện trông thảm hại nhất - tồi tàn và bẩn thỉu, những mái nhà tư nhân và chung cư trải dài về phía những mái nhà lô nhô ống khói cáu bẩn dọc theo hai bờ sông. Nhìn xuống con đường ngay trước cổng bệnh viện, anh thấy một đám trẻ con từ ngõ hẻm chạy ra, bước chân khéo léo tránh những vũng nước mưa và lề đường sứt mẻ. Một đứa trong đám con trai lớn hơn dừng lại thò chân ngáng con bé khoảng bốn năm tuổi ở phía sau. Con bé ngã sấp mặt xuống một vũng nước lớn: nước bẩn bắn tóe lên khắp người. Nó vừa đứng lên vừa khóc vừa vuốt bùn trên mặt, sau đó cố gắng vắt chiếc áo ướt sũng và lấm lem trông rất tội nghiệp. Những đứa khác dừng lại nhảy múa quanh con bé. Nhìn nét mặt có thể đoán biết chúng đang hát nghêu ngao chế nhạo.
- Bọn trẻ ranh!- Giọng nói khinh miệt vang lên bên cạnh, John biết người đàn ông kia đã đến cùng nhìn qua cửa sổ với anh. Liếc nhìn sang, anh thấy ông ta cao và gày khẳng khiu, hai má hõm khiến ông ta có vẻ hốc hác, cầm tua tủa những râu. Có lẽ hơn John đến hai mươi tuổi, ông ta mặc áo khoác cộc bằng vải nhung sọc có nhiều vết bẩn và áo sơ mi thụng lấm bụi bên dưới. Bước qua gian phòng, ông ta mang đến mùi dầu mỡ và rượu bia.
- Bọn trẻ ranh! Ở đâu cũng thế!- Người đàn ông rời mắt khỏi khung cửa sổ và bắt đầu lục lọi hết túi này đến túi kia. Lát sau ông ta lấy thuốc ra vấn một điếu sâu kèn. Nhìn xoáy vào mặt John, ông ta hỏi:
- Con đầu lòng hả?
- Không hẳn. Đứa thứ hai. Cháu trước mất rồi.
- Tôi cũng mất một... giữa đứa thứ bốn và thứ năm. Cháu bé kháu quá đi - ông lại mục túi rồi hỏi:
- Anh có lửa không?
John chìa bật lửa ra:
- Có nghĩa đây là đứa thứ sáu?
- Không. Thứ tám rồi - người đàn ông gầy gò đã châm được điếu thuốc - Có lúc tôi thấy tám là nhiều quá - ông ta nói đường đột:
- Chắc là anh mong lắm.
- Mong có con ấy ư?
- Phải.
- Vâng, tất nhiên rồi - Giọng John lộ vẻ ngạc nhiên.
- Tôi thì không. Chỉ mong một đứa là đủ.
- Thế sao ông có những tám đứa con?- John không ngăn được câu hỏi. Cuộc trò chuyện gần như trong giấc ngủ mơ màng.
- Để vợ tôi trả lời thì hay hơn. Bà ta lúc nào cũng như ngồi trên đống lửa. Cứ cho bà dăm ba ly bia, mặc bà lắc mông đít nhảy múa trong cuộc vui, thế là bà đòi ngay tại chỗ, chẳng cần chờ về đến nhà hẵng hay - Người đàn ông, nhả khói thuốc rồi thản nhiên nói: - Hình như đứa con nào của tôi cũng được bắt đầu ở nơi chốn kỳ cục. Có lần hai vợ chồng đi mua sắm ở tiệm Macy và đẻ luôn trong gian phòng dưới nhà hầm. Đứa thứ tư là ở đó, có lẽ thế... Nhà hầm của tiệm Macy, có điều chẳng phải mặc cả chút nào.
John toan phá lên cười, nhưng chợt nhớ ra lý do mình có mặt tại đây nên kìm lại được. Thay vì cười anh ta nói:
- Tôi hy vọng lần này cũng suôn sẻ cho ông.
Người đàn ông hốc hác trả lời giọng rầu rầu:
- Lần nào cũng suôn sẻ. Thế mới chết! - Ông bước trở lại chỗ cũ ở cuối phòng và nhặt lên một tờ báo.
Còn lại một mình, John lại xem đồng hồ tay. Anh đã ở đây một giờ bốn mươi lăm phút. Chắc chắn chẳng mấy chốc nữa sẽ có tin. Giá mà anh được gặp Elizabeth trước khi cô vào phòng sinh, tiếc rằng sự việc xảy ra quá nhanh nên không kịp trở tay. Anh đang ở dưới khu nhà bếp của bệnh viện thì Carl Bannister đến báo tin. Bác sĩ Pearson đã sai anh xuống nhà bếp để lấy mẫu xét nghiệm cấy trên một số chén đĩa được rửa bằng máy. John đoán có lẽ hai chiếc máy bị nghi ngờ không đạt tiêu chuẩn vệ sinh. Vừa nghe Bannister báo tin vợ Elizabeth, anh bỏ ngay công việc chạy thẳng đến phòng cấp cứu với hy vọng gặp được cô ở đó. Nhưng lúc ấy cô đã được đưa xuống khỏi xe cứu thương và chuyển lên khoa phụ sản. Thế là anh vào luôn phòng đợi.
Cánh cửa tiếp giáp hành lang mở ra. Lần này bác sĩ Dornberger xuất hiện. John cố đoán qua nét mặt của bác sĩ nhưng vô ích.
- Anh là John Alexander?- Ông hỏi.
- Vâng thưa bác sĩ - tuy đã nhiều lần trông thấy vị bác sĩ phụ sản già trong bệnh viện, nhưng đây là lần đầu tiên anh được nói chuyện với ông.
- Vợ anh bình an. Dornberger biết không nên mất thời giờ vào các thủ tục ban đầu.
Tâm trạng đầu tiên của John là sảng khoái nhẹ người.
- Còn cháu bé?
Dornberger nhỏ nhẹ đáp:
- Con trai, tất nhiên là đẻ non. Tôi thấy cần phải cho anh hay, John ạ, cháu bé yếu lắm.
- Liệu có sống được không?- Hỏi xong anh mới kịp nhớ ra còn biết bao nhiêu điều tùy thuộc vào câu trả lời.
Dornberger đã rút đọc tẩu và đang nhồi thuốc. Giọng ông đều đều:
- Có thể nói nếu đứa bé không đẻ non thì có nhiều cơ may hơn.
John gật đầu buồn bã. Dường như chẳng có gì để nói, chẳng có gì quan hệ trong lúc này.
Vị bác sĩ già dừng lại để cất túi đựng thuốc hút. Vẫn giữ giọng dè dặt, nhỏ nhẹ, ông nói:
- Theo tôi biết, đứa bé mới được ba mươi hai tuần, nghĩa là đẻ non tám tuần - ông nói tiếp một cách thương cảm:- John ạ nó chưa sẵn sàng để chào đời, không ai ra sớm như vậy.
- Vâng, tôi cũng nghĩ thế - John nói lơ đãng. Anh đang nghĩ đến Elizabeth và tầm quan trọng của đứa con đối với cả hai vợ chồng. Bác sĩ Dornberger lấy diêm châm thuốc rồi nói:
- Đứa bé cân nặng 3 pound 8 ounce ([29]). Có lẽ anh sẽ hiểu rõ hơn nếu biết rằng dưới 5 pound 8 ounce ([30]) được kể là đẻ non.
- Tôi hiểu.
- Lẽ dĩ nhiên chúng tôi cho cháu vào lồng ấp và làm hết sức mình để cứu cháu.
John nhìn thẳng vào vị bác sĩ phụ sản:
- Nghĩa là có hy vọng.
Bao giờ cũng có hy vọng con ạ. - Dornberger nhỏ nhẹ - Khi không có nhiều điều kiện, tôi cho rằng luôn luôn có hy vọng.
Im lặng. Lát sau, John lên tiếng hỏi:
- Tôi có thể vào thăm vợ tôi bây giờ được không?
- Được. Tôi sẽ đi với anh qua trạm điều dưỡng.
Khi bước ra, John thấy người đàn ông cao gầy lom lom nhìn anh bằng ánh mắt đầy thắc mắc.
o O o
Vivian không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Chỉ biết có một cô y tá vào phòng bảo nàng phải sang khoa X-quang ngay lập tức. Với sự giúp đỡ của một cô y sinh khác, nàng được đặt lên băng ca và lúc này đang được đẩy đi trên những dãy hành lang mà mới ít ngày trước đây nàng còn lăng xăng lui tới. Chuyến đi này như trong giấc mơ, góp phần làm hoàn tất tính cách hư ảo của tất cả mọi sự việc đã xảy ra cho đến lúc này. Trong một giây phút nào đó, Vivian cảm thấy không còn mảy may sợ hãi, cơ hồ mọi sự sắp xẩy đến dẫu là gì đi nữa, rốt cuộc cũng không quan trọng bởi lẽ không thể tránh khỏi và không thể thay đổi được. Nàng tự hỏi liệu tâm trạng này có phải là một hình thức suy sụp tinh thần, mất hết mọi niềm hy vọng hay chăng. Nàng biết nội ngày hôm nay sẽ cớ lời phán quyết mà nàng nơm nớp sợ sệt, lời phán quyết sẽ biến nàng thành kẻ tàn tật, tước mất của nàng sự tự do đi lại tung tăng, và chỉ bằng một nhát chém nhanh, gọn mà cắt đứt khỏi cuộc đời nàng biết bao điều mà cho đến nay nàng vẫn coi là tất phải thế. Ý nghĩ sau cùng này khiến giây phút buông xuôi chấm dứt và sự sợ hãi ùa ập trở lai trong lòng nàng. Nàng khao khát có Mike ở bên mình lúc này.
Bác sĩ Lucy Grainger chờ sẵn ở lối vào khoa X-quang.
- Vivian, chúng tôi quyết định chụp thêm phim X-quang. Chỉ mấy phút là xong. - Cô quay sang một người đàn ông khoác bơ lu trắng đứng bên cạnh:
- Đây là bác sĩ Bell.
- Chào cô Vivian - ông mỉm cười với nàng qua tròng kính dày gọng sừng rồi quay sang cô y tá:
- Cho tôi mượn sổ theo dõi bệnh - Trong khi ông lật nhanh các trang giấy, Vivian quay đầu nhìn chung quanh.
Đây là phòng tiếp, trong góc có trạm điều dưỡng lắp toàn bằng kính. Sát một bên tường có các bệnh nhân khác - hai người đàn ông ngồi trên xe lăn, một người mặc pyjamas, người kia mặc quần áo bệnh viện, còn có một phụ nữ và một người đàn ông mặc thường phục, người đàn ông bị bó bột một bên cườm tay. Vivian biết hai người này từ khu ngoại trú hay phòng cấp cứu đến đây. Người đàn ông có tay đau tỏ ra nhấp nhổm không yên, bàn tay lành mạnh nắm khư khư một mẩu giấy in như thể đó là giấy thông hành để ra vào nơi xa lạ này.
Xem xong, bác sĩ Bell trả sổ theo dõi cho cô y tá rồi nói với Lucy:
- Joe Pearson mới gọi điện sang cho tôi. Tôi đoán có lẽ Joe và cô muốn chụp phim lại để xem có thay đổi gì ở dạng xương hay không.
- Đúng vậy- Lucy gật đầu - Joe cho rằng... Cô ngập ngừng vì biết Vivian có thể nghe được... may ra cho đến nay có thể thấy rõ thêm được điều gì chẳng.
- Có thể lắm - Bell đã bước tới trạm điều dưỡng và đang viết giấy yêu cầu chụp X-quang. Ông hỏi một cô thư ký ngồi ở bàn giấy:
- Kỹ thuật viên nào đang rảnh việc?
Cô gái xem sổ ghi:
- Có Jane và ông Firban.
- Nên nhờ Firban lo việc này. Cô làm ơn tìm ông ta cho nhé - Ông quay sang Lucy khi hai người cùng bước trở lai chỗ băng ca: Firban là một trong những kỹ thuật viên cừ nhất của chúng tôi, ta phải có phim thật rõ mới được - Ông mỉm cười với Vivian:
- Bác sĩ Pearson xin tôi lo riêng ca bệnh này. Tôi đang làm theo ý ông ấy đây. Thôi, ta vào phòng kia đi.
Bell tiếp tay với cô y tá đưa băng ca ra khỏi khu đón tiếp và đi vào gian phòng rộng hơn nằm sát bên cạnh.
Chiếm gần hết cả gian phòng là chiếc bàn X-quang với những ống kính từ trên chĩa xuống gắn vào những trục quay. Vivian có thể trông thấy bàn điều khiển sau lớp kính dày chiếm một khoảng nhỏ sát bên. Bước vào gần như cùng một lúc sau lưng mọi người là một người đàn ông thấp còn khá trẻ, tóc húi cua và mặc áo bờ lu trắng. Cử chỉ của ông ta vội và giật cục như thể muốn làm xong việc thật nhanh mà ít hao sức nhất. Ông ta liếc nhìn Vivian rồi quay sang bác sĩ Bell:
- Thưa bác sĩ.
- À, Karl đây rồi, nhờ ông lo giúp ca này. Nhân tiện giới thiệu luôn. Ông biết bác sĩ Grainger rồi chứ? - Với Lucy: - Đây là Karl Firban. Hình như chúng ta chưa gặp nhau lần nào - Lucy chìa tay ra. Ông kỹ thuật viên đón lấy.
- Xin chào bác sĩ.
Bệnh nhân của chúng ta là cô Vìian Loburton - Bác sĩ Bell mỉm cười nhìn xuống băng ca - Cô ấy là y sinh của bệnh viện này,thành thử chúng ta đặc biệt quan tâm.
- Chào cô Vivian - lời chào của Firban cũng nhanh gọn như cử chỉ của ông ta. Xoay bàn X-quang từ tư thế đứng thẳng xuống tư thế nằm ngang, Firban vui vẻ nói nhanh:
- Đối với khách hàng đặc biệt, chúng tôi cho chiếu riêng màn ảnh Cinémascope hoặc Vistavision thì rõ nét tuyệt vời - Ông ta nhìn lướt qua bản yêu cầu mà bác sĩ Bell mới đặt xuống:
- Đầu gối chân trái ư? Có gì đặc biệt không, thưa bác sĩ?
- Chúng tôi cần vài bản chụp góc xiên bên và một bản chụp trên xuống - Bác sĩ ngừng lại ngẫm nghĩ - Tất cả khoảng năm, sáu tấm phim cùng các bản sao chân bên kia.
- Bác sĩ có cần bản 14 x 17 chụp lấy cả xương chày và xương mác không?
Bell ngẫm nghĩ rồi gật đầu:
- Có thể đó là một ý kiến hay - ông quay sang Lucy:
- Nếu đó là viêm tủy xương, thường có phản ứng màn xương ở xa phía dưới.
- Ổn cả rồi, thưa bác sĩ. Chỉ nửa giờ là xong - Firban tỏ ý ngầm một cách lịch sự rằng muốn được làm việc một mình, bác sĩ Bell vui lòng chấp thuận.
- Uống cà phê xong, chúng tôi sẽ trở lại - Bác sĩ mỉm cười với Vivian. Cô đang được một tay cừ khôi phục vụ đấy. Nói xong, ông theo chân Lucy ra ngoài.
Nào, chúng ta bắt đầu đi - Firban ra hiệu cho cô y tá.
Hai người hợp sức chuyển Vivian từ băng ca sang bàn X quang. Rời bỏ băng ca tương đối êm ái, Vivian cảm thấy mặt bàn ébonite đen quá, cứng và khó chịu.
- Không được thoải mái phải không - Firban đang thận trọng xê dịch Vivian vào đúng vị trí sao cho đầu gối chân trái lộ rõ. Khi nàng lắc đầu, ông nói tiếp:
- Cô sẽ thấy quen ngay ấy mà. Tôi đã ngủ trên bàn này rất nhiều lần sau những buổi trực đêm và thấy thanh thản lắm - Ông gật đầu ra hiệu cho cô y tá vào chờ tại chỗ có lắp kính bảo hộ.
Trước ánh mắt quan sát của Vivian, ông kỹ thuật viên tiến hành các thao tác nghiệp vụ thường ngày. Vẫn bằng những cử chỉ nhanh gọn và giật cục, ông mở hộp đựng gắn chặt vào tường phía trên đầu lấy ra một hộp phim và khéo léo nhét vào một chiếc khay dưới mặt bàn. Ông chỉnh chiếc khay vào đúng vị trí bên dưới đầu gối của Vivian. Tiếp theo dùng bảng điều khiển treo lơ lửng bằng một sợi dây điện lớn buông từ trên trần nhà xuống, ông chỉnh các trục xoay đưa ống kính X-quang chĩa xuống ngay đầu gối bệnh nhân, mũi tên trên thước đo chỉ 40 inch.
Khác hẳn với nhiều nơi khác trong bệnh viện, Vivian nghĩ thầm, gian phòng nay có vẻ phiêu diêu, xa cách cõi trần. Cỗ máy chỗ đen, chỗ sáng trông như con quái vật khi nó lướt đi chậm chạp trong tiếng ù ù trầm đục. Ở nơi này bóng dáng khoa học rất mờ nhạt, phòng X-quang có vẻ xa cách với y khoa như phòng máy của một con tàu lớn được nhìn từ sàn cầu chan hòa ánh nắng ở xa bên trên. Thế nhưng đây là nơi thực hiện rất nhiều công việc thăm dò hết sức quan trọng của y khoa bằng những dụng cụ nặng nề, dễ sợ.
Thoáng một giây nào đó, ý nghĩ ấy khiến nàng sợ hãi. Gian phòng này với những máy móc như thế toát ra vẻ vô tri vô giác rợn người, chỉ thoáng có một chút ít nhân tính. Khám phá được điều gì, máy chỉ biết sắp xếp lại rồi báo cáo không một chút thương cảm hoặc vui mừng, buồn rầu hay ân hận. Tốt? Xấu! - như nhau. Vivian thoáng hình dung ống kính chĩa xuống người nàng như con mắt phán xét sắt đá không tình cảm. Lời phán xét dành cho nàng sẽ là gì đây? Có hy vọng, thậm chí có tạm hoãn... hay sẽ có một bản án nặng nề mà không ai có thể đứng ra xin khoan hồng? Nàng lại thấy khao khát có Mike bên cạnh mình. Lát nữa trở về phòng bệnh, nàng sẽ gọi cho anh ngay.
Kỹ thuật viên đã chuẩn bị xong.
- Được rồi đó - ông đảo mắt kiểm tra một lần cuối - Khi nào cần nằm yên tôi sẽ nhắc. Cô biết đấy, đây là nơi duy nhất trong bệnh viện không làm cho bệnh nhân cảm thấy một chút gì. Ông bước vào sau lớp kính dày bảo vệ người điều khiển máy X-quang khỏi bị nhiễm phóng xạ. Vivian thấy ông cầm bảng hướng dẫn vừa di chuyển vừa nhấn nút.
Tại bảng điều khiển, Firban nghĩ thầm: "Cô bé xinh quá? Bệnh gì đó nhỉ? Chắc là trầm trọng lắm đây, vì bác sĩ Bell tỏ ra quan tâm lắm. Thường thường, sếp chỉ cần biết đến các bản phim chứ chẳng để ý đến bệnh nhân.
Ông xem đi xem lại các nút điều khiển. Làm mãi một công việc này, ông có thói quen không đánh liều. Các nút nhấn đúng quy cách cả rồi: 4 kilôvôn, 200 miliampere, tốc độ chụp 15 phần trăm giây. Ông nhấn nút cho bộ phận anode của ống kính bắt đầu xoay tròn.
- Nằm yên! Đừng động đậy!- Hô xong công thức quen thuộc, ông nhấn nút thứ hai và biết rằng tất cả những gì lồ lộ dưới con mắt xuyên thấu của tia X điều được ghi lại để đánh giá.
Trong phòng đọc phim của khoa X-quang, các cửa chớp được hạ xuống để cản ánh sáng từ bên ngoài, bác sĩ Bell và bác sĩ Lucy Grainger đang chờ. Mấy phút nữa mấy tấm phim của Firban sẽ sẵn sàng để đối chiếu với bộ phim hai tuần trước. Kỹ thuật viên đã đưa phim vào máy tráng tự động trông giống như một cái bếp dầu quá khổ đang kêu u u. Lần lượt từng tấm phim bắt đầu rơi xuống một cái khe ở trước máy. Tấm nào xuất hiện bác sĩ Bell đặt ngay lên màn ảnh có gắn bóng điện huỳnh quang ở phía sau. Trên màn ảnh thứ hai, nằm ngay bên trên, ông đã gắn sẵn những tấm phim cũ.- Phim tốt chứ?- Giọng hỏi của kỹ thuật viên vang lên sự hãnh diện. - Rất tốt - Bell trả lời theo phản xạ vì tâm trí đã đặt cả vào những bản phim mới, sau đó đối chiếu với các vùng tương ứng trên cả hai bộ phim. Ông dùng đầu bút chì trợ lực cho dòng suy nghĩ của mình và để Lucy có thể cùng theo dõi. Khi hai người đã xem hết cả hai bộ phim, Lucy hỏi:
- Ông thấy có gì khác chăng? Tôi xem cũng như nhau cả thôi.
Nhà chuyên khoa X-quang lắc đầu:
- Có chút phản ứng màn xương ở chỗ này - ông chỉ đầu bút chì vào một chỗ bóng mờ - Nhưng có lẽ đó là do vết mổ sinh thiết. Ngoài ra không có một thay đối rõ rệt nào - Bác sĩ nhấc cặp kính dày để dụi mắt rồi nói giọng áy náy:
- Xin lỗi Lucy, có lẽ tôi phải trả bóng về cho khoa xét nghiệm thôi. Cô sẽ nói với Joe Pearson hay để tôi - Ông bắt đầu gỡ phim xuống.
- Tôi sẽ nói với ông ấy - Lucy trầm ngâm - Tôi sẽ qua nói với Joe ngay bây giờ.
Lời Chẩn Đoán Cuối Cùng Lời Chẩn Đoán Cuối Cùng - Arthur Hailey Lời Chẩn Đoán Cuối Cùng