There is always, always, always something to be thankful for.

Unknown

 
 
 
 
 
Thể loại: Truyện Ngắn
Nguyên tác: Fleurs De Ruine
Dịch giả: Hoàng Lam Vân
Biên tập: Nguyễn Linh Nhi
Upload bìa: Nguyễn Linh Nhi
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 13
Cập nhật: 2023-07-22 21:46:19 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 17
ột tối nọ, tôi quyết định mở cái va li. Tôi vừa gặp, tại hàng hiên quán Café Babel, ven rìa công viên Montsouris, người đàn ông cao lớn tóc nâu làm việc cho Air Maroc. Tôi hỏi anh ta tin tức của Pacheco.
- Tôi nghĩ ông ấy sẽ không quay trở lại nữa. Ông ấy sẽ ở luôn bên Casablanca.
- Ông có biết địa chỉ của ông ấy không?
- Không.
Tôi chắc chắn là ngược lại. Anh ta biết nhiều hơn nhiều so với những gì muốn nói cho tôi biết.
- Thế là, ra ông ấy thích ở lại bên đó hơn?
- Phải.
Quay về phòng, tôi lấy từ trong tủ ra cái va li bằng da màu đen. Nó bị khóa, nhưng dùng một con dao tôi phá được ổ.
Không có gì nhiều nhặn trong cái va li ấy: áo choàng bợt màu cách đó hai năm vào mùa đông kẻ vô gia cư mà tôi nhìn thấy ở gần Cité universitaire đã mặc. Một cái quần nhung đen. Tôi tìm được trong một túi áo một cái ví bằng da ma rô canh rất cũ, tôi đổ hết những gì đựng trong đó lên mặt bàn bếp.
Một tấm thẻ căn cước, làm đã mười năm, ghi tên Philippe de Pacheco, sinh ngày 22 tháng Giêng năm 1918. Địa chỉ, được nêu trên tấm thẻ ấy, là: 183, phố Belliard, Paris, quận 18. Gập làm bốn, bản nháp một bức thư - ta biết điều đó nếu nhìn vào những chỗ gạch xóa và vài từ được viết thêm giữa các dòng:
Paris, ngày 15 tháng Hai năm 1954
Thưa ông Giám đốc,
Lúc này tôi đang ở trung tâm đón tiếp của Đội quân Cứu tế, trên tàu thủy, ke Austerlitz, đối diện nhà ga. Có một nhà ăn, nơi tắm rửa và phòng ngủ chung được sưởi ấm tốt. Tôi đã qua nhiều tuần, hồi mùa thu năm ngoái, tại Trung tâm tị nạn trên phố Cantagrel, tại đó tôi đã làm việc trong một xưởng. Tôi không có chuyên môn, trừ mỗi việc tôi từng làm thuê, từ hồi 15 tuổi, trong ngành quán xá (cà phê, quán ăn, v.v...).
Tôi xin liệt kê danh sách các công việc khác nhau của tôi, từ khởi đầu:
Phục vụ: từ 1933 đến 1939: quán ăn La Flotte, số 118, ke Artois, Le Perreux. Từ 1940 (đã giải ngũ) đến tháng Sáu 1942: Café Les Tamaris, số 122, phố Alésia (quận 14). Từ tháng Sáu 1942 đến tháng Mười một 1943: Le Polo, số 72, đại lộ Grande-Armée. Từ tháng Mười một 1943 đến tháng Tám 1944: quán ăn Chez Alexis, số 47, phố Notre-Dame-de-Lorette (quận 9). Từ 1949 đến 1951: canh đêm tại nhà trọ Keppler, số 9, phố Keppler (quận 16).
Tôi vẫn thuộc diện bị cấm lưu trú tại tỉnh Seine và tôi đã đánh mất toàn bộ giấy tờ tùy thân.
Hy vọng ông sẽ có thể làm điều gì đó giúp tôi.
Với tất cả lòng kính trọng.
Lombard.
Ngoài bức thư đó, trong cái ví còn có một trang tạp chí, cũng gập làm bốn: Bài báo thuật lại các sự kiện của cái đêm tháng Tư năm 1933 khi Urbain và Gisèle T. đã lang thang từ Montparnasse tới Le Perreux trước khi quay trở về phố Fossés-Saint-Jacques cùng hai cặp khác. Nhiều bức ảnh màu nâu sẫm minh họa cho trang tạp chí ấy. Trên một trong số chúng, ta thấy quán ăn-sàn dancing ở Le Perreux, trên một bức khác, lối vào số 26 phố Fossés-Saint-Jacques. Phía trên, về bên trái, là bức ảnh một chàng thanh niên rất trẻ tóc nâu chải mượt: không chút khó khăn nào tôi nhận ra cái người tự nhận mình là Pacheco, mặc cho ngần ấy năm trời. Vòm cong lông mày, cái mũi thẳng và cái miệng khá đầy đặn vẫn thế. Bên cạnh bức ảnh đó là dòng chữ: “Charles Lombard, nhân viên một quán ăn-sàn dancing ở Le Perreux, từng phục vụ cặp vợ chồng, vào đêm hôm ấy”.
Như vậy, cái người mà tôi đã cận kề suốt nhiều tháng không tên là Philippe de Pacheco. Đó là một người tên Charles Lombard, cựu phục vụ quán cà phê, thường lai vãng những chốn trú ngụ của Đội quân Cứu tế và đặc biệt là con tàu thả neo ở ke Austerlitz. Tại sao ông để lại cái va li cho tôi? Có phải ông muốn dạy cho tôi một bài học bằng cách bày ra thực tại thì nhiều năng lực trốn chạy hơn mức tôi nghĩ? Hoặc giả, rất đơn giản, ông đã vứt bỏ đống tàn tích kia, bởi chắc chắn mình sẽ có cuộc đời mới, bên Casablanca hoặc chỗ nào đó khác.
Nơi nào và vào thời nào Lombard đã soán đoạt căn cước của Pacheco? Tấm thẻ đề năm 1955. Như vậy, năm đó, Pacheco vẫn còn sống. Bức ảnh dán trên tấm thẻ ấy là ảnh của cái người tôi từng quen biết tại Cité universitaire, tên thật là Charles Lombard, và người đó đã khéo léo đổi bức ảnh Pacheco vì nó mang con dấu của sở Cảnh sát. Tối hôm đó, tôi đã tới số 183 phố Belliard, gần cửa ô Clignancourt, và bà gác cổng nói với tôi rằng chưa từng bao giờ có người nào mang tên Pacheco sống ở tòa nhà ấy.
Chắc hẳn tòa án đã từ bỏ ý định tìm lại Pacheco. Tôi biết được rằng, sau một thời gian một đạo luật ân xá đã được ban hành đối với các tội danh “thông đồng với kẻ thù”. Chính vào thời điểm đó, dường như vậy, Pacheco, chui ra từ hư vô, đã đi làm một tấm thẻ căn cước.
Tôi hình dung ông ta đã lê lết trong bóng dáng một kẻ vô gia cư. Trên con thuyền của ke Austerlitz, ông ta có Lombard là người nằm cạnh trong phòng ngủ chung. Người kia đã ăn cắp tấm thẻ căn cước của ông ta. Vả lại, mọi điều đều là có thể tại khu phố Austerlitz đó, giữa quai de la Gare và Jardin des Plantes: Ở đó đêm sâu thẳm với mùi rượu vang và than cùng những tiếng gầm thú dữ đến mức một kẻ vô gia cư có thể ngã từ trên boong một con thuyền xuống sông Seine, chết đuối dưới đó, mà chẳng có lấy một ai để ý mảy may.
Lombard có biết quá khứ của Pacheco vào thời điểm xoáy tấm thẻ căn cước của ông ta hay chăng? Dẫu thế nào, ông cũng biết rằng Philippe de Pacheco hay lấy tên Philippe de Bellune và đó là hậu duệ của thống chế Victor. Tôi vẫn nghe thấy ông nói với tôi bằng cái giọng sượng đục tại nhà ăn Cité universitaire: “Hồi còn trẻ, tôi từng lấy tên Philippe de Bellune, nhưng tôi hoàn toàn không có quyền mang tước hiệu ấy”.
Trong phòng ngủ chung của con thuyền Austerlitz, Pacheco đã tâm sự với Lombard và kể về cuộc đời mình cho ông nghe. Tại sao, trên thẻ căn cước, địa chỉ lại ghi là số 183 phố Belliard, quận 18? Mẹ ông ta vẫn còn sống chăng? Ở đâu? Ngần ấy câu hỏi mà lời đáp chắc hẳn nằm trong một hồ sơ xếp giữa các hồ sơ khác tại sở Cảnh sát. Ở đó cũng có luôn những nguyên do khiến ông ta bị nhốt tại Dachau và cho tội danh “thông đồng với kẻ thù”. Nhưng làm sao mà lấy được tập hồ sơ ấy đây?
Và có phải Pacheco đã tiếp tục tìm nơi trú ngụ tại nhiều địa điểm khác nhau của Đội quân Cứu tế? Việc đánh mất tấm thẻ căn cước hoàn toàn khiến ông ta thờ ơ. Đối với tất cả mọi người ông ta chết đã từ lâu rồi... Có lẽ ông ta đã không rời khỏi con thuyền trên ke Austerlitz.
Buổi chiều, ông ta đi thơ thẩn dọc bờ ke, hoặc giả ông ta vào Jardin des Plantes và kết thúc ngày của mình trong sảnh nhà ga, trước khi về ăn tối ở phòng ăn của thuyền rồi gieo người xuống giường phòng ngủ chung. Và màn đêm buông xuống khu phố nơi bố tôi, vài năm về trước, cũng từng có dáng dấp của một kẻ vô gia cư. Trừ mỗi việc Magasins généraux của Paris nơi người ta đã nhốt ông cùng hàng trăm người không phải là Đội quân Cứu tế.
Trong ký ức mờ mịt của ông ta nổi lềnh bềnh những mẩu nhỏ của quá khứ: Tòa dinh thự phố Greuze. Con chó mà ông bà của ông ta tặng nhân dịp Giáng sinh. Cuộc hẹn với một cô gái có mái tóc hạt dẻ sáng màu. Họ đã cùng nhau đi xem phim, trên đại lộ Champs-Élysées. Thời ấy, ông ta được gọi là Philippe de Bellune. Kỳ Chiếm đóng vụt tới, với tất tật những người kia, cả họ nữa, cũng mang những cái tên kỳ cục và tước hiệu quý tộc giả mạo. Sherrer biệt danh “Đô đốc”, Draga, bà de Seckendorff, nam tước de Kermanor...
Tôi ngồi xuống một hàng hiên quán cà phê, nhìn sang sân vận động Charléty bên kia đường. Tôi dựng lên đủ mọi giả thuyết về Philippe de Pacheco mà thậm chí tôi còn chẳng hề biết mặt. Tôi ghi chép. Dẫu không có ý thức một cách rõ ràng, tôi đang khởi sự viết cuốn sách đầu tiên của tôi. Không phải một thiên hướng cũng chẳng phải một thiên bẩm đặc biệt thúc đẩy tôi viết, mà chỉ đơn giản là câu đố đặt ra cho tôi bởi một người đàn ông mà tôi không có lấy một cơ may tìm lại nào, và tất tật những câu hỏi đó hẳn sẽ chẳng bao giờ có lời đáp.
Sau lưng tôi, từ juke-box phát ra một bài hát Ý. Có mùi lốp cháy lơ lửng trong không khí. Một cô gái bước đi dưới tán lá hàng cây đại lộ Jourdan. Cái bờm tóc màu vàng hoe của cô, hai gò má và cái váy màu lục là chút tươi mát duy nhất vào đầu cái buổi chiều tháng Tám ấy. Được gì đây khi cố công giải những bí hiểm không thể giải và truy đuổi những bóng ma, khi mà cuộc sống ở ngay đây, rất mực giản dị, dưới mặt trời?
Hoa Của Phế Tích Hoa Của Phế Tích - Patrick Modiano Hoa Của Phế Tích