Nguyên tác: Nguyên Tác Tiếng Pháp: Ebène (Aventures Africaines)
Số lần đọc/download: 2271 / 103
Cập nhật: 2017-05-09 22:24:00 +0700
Cuộc Phục Kích
C
húng tôi đi từ Kampala lên miền Bắc Uganda, về hướng biên giới Sudan. Một chiếc xe jeep với khẩu trọng pháo nhô lên cao hơn buồng lái dẫn đầu đoàn xe, theo sau là chiếc xe tải chở trung đội lính bộ binh, sau nữa là vài xe con, và cuối cùng là chiếc xe thùng đuôi trần của Nhật nơi chúng tôi – ba nhà báo – đang ngồi. Đã lâu tôi không du hành trong điều kiện thoải mái nhường này, được một trung đội lính bảo vệ, lại còn có thêm cả khẩu trọng pháo nữa! Nhưng, tất nhiên, không phải là vì tôi. Đó là phái đoàn hòa giải gồm ba bộ trưởng của chính phủ Museveni đi đến chỗ đám quân phiến loạn đang hoành hành cướp bóc ở miền Bắc. Tổng thống Yweri Museveni – khi đó đã nắm quyền được hai năm, tức là từ năm 1986 – vừa tuyên bố ân xá cho những người đầu hàng và tự nguyện hạ vũ khí. Nghĩa là cho lính của quân đội Idi Amin, Milton Obote và Tito Okello – ba tên độc tài nối tiếp nhau. Những năm gần đây chúng đã chạy ra nước ngoài, nhưng đều để lại quân đội của mình. Giờ đây, mỗi đạo quân ấy mạnh ai nấy lo, cướp của và giết người, đốt làng xóm và trộm gia súc, khủng bố và làm tan hoang các tỉnh phía Bắc, nghĩa là gần như phân nửa đất nước. Các sư đoàn của Museveni quá yếu không thể chống cự vũ trang với quân phiến loạn. Bởi thế tổng thống đưa ra khẩu hiệu thống nhất. Từ hai mươi năm trở lại đây, ông là người lãnh đạo đầu tiên ở đất nước này nói với kẻ thù bằng những lời lẽ hòa giải, thông hiểu và hòa bình.
Trên xe, ngoài hai phóng viên địa phương và tôi còn có ba người lính đi cùng. Họ đeo những khẩu AK-47 lên vai trần (trời nóng, nên họ cởi áo ra). Tên họ là Onom, Semakula và Konkoti. Người lớn nhất trong số họ – Onom – năm nay mười bảy tuổi. Thỉnh thoảng tôi đọc được rằng ở châu Mỹ hay châu Âu có một đứa trẻ bắn vào đứa trẻ khác. Rằng có đứa trẻ giết bạn đồng lứa hoặc giết người lớn. Những tin tức như vậy thường đi kèm với sự biểu lộ nỗi kinh hoàng hay khiếp đảm. Ở châu Phi, trẻ con giết trẻ con hàng loạt, và đã từ bao năm nay, từ rất lâu rồi. Thực chất, các cuộc chiến thời hiện đại ở châu lục này là chiến tranh trẻ con.
Nơi chiến trận kéo dài hàng thập kỷ (như ở Angola hay Sudan), phần lớn người già đã bỏ mạng từ lâu hoặc chết vì đói và dịch bệnh – chỉ còn lại trẻ con và chính chúng tiếp tục cuộc chiến. Trong cái hỗn loạn đẫm máu hoành hành khắp nơi ở các quốc gia châu Phi, hàng vạn trẻ mồ côi xuất hiện. Chúng đói ăn và vô gia cư. Chúng tìm người có thể cho chúng ăn và che chở chúng. Kiếm ăn dễ nhất là ở nơi có quân đội: quân lính có nhiều cơ hội kiếm được lương thực nhất. Vũ khí không chỉ để chiến đấu, nó còn là phương tiện để sống sót, đôi khi là phương tiện duy nhất.
Những đứa trẻ đơn độc, bị bỏ rơi kéo đến nơi có quân đội đóng quân, nơi có các doanh trại. Ở đó chúng giúp việc, lao động, trở thành một phần của quân đội, “những đứa con của trung đoàn”. Chúng được phát vũ khí và nhanh chóng trải qua cuộc thử lửa đầu tiên. Các đồng đội lớn tuổi hơn (cũng là trẻ con) thường lười nhác và khi phải chiến đấu với kẻ thù, chúng cử đám trẻ nhỏ này ra mặt trận, ngay chỗ ác liệt nhất. Những trận chạm trán vũ trang trẻ con này đặc biệt dữ dội và đẫm máu, bởi đứa trẻ không có bản năng tự vệ, nó không cảm thấy và không hiểu sự nguy hiểm của cái chết, không biết đến nỗi sợ hãi mà sự trưởng thành mang lại.
Những cuộc chiến trẻ con có thể xảy ra cũng là nhờ sự phát triển của kỹ thuật. Súng máy cầm tay ngày nay nhẹ và ngắn, các thế hệ mới ngày càng giống đồ chơi trẻ con. Khẩu Mauser cũ quá to, quá nặng, quá dài đối với một đứa trẻ. Tay đứa bé quá ngắn không với được thoải mái đến cò súng, đường ngắm của khẩu súng cũng quá dài so với mắt trẻ. Vũ khí hiện đại giải quyết được các vấn đề này, loại bỏ những bất tiện. Kích cỡ của chúng vừa vặn tuyệt vời với thân hình đứa trẻ, đến mức nếu nằm trong tay một người lính lực lưỡng, to cao, những khẩu súng ấy trông sẽ rất trẻ con và nực cười.
Việc đứa trẻ chỉ có khả năng sử dụng vũ khí cầm tay tầm ngắn (vì nó không thể chỉ huy cuộc bắn pháo tầm xa hay lái máy bay ném bom) khiến cho các trận đánh trong những cuộc chiến tranh trẻ con có hình thức xung đột trực tiếp, tiếp xúc rất gần, hầu như va chạm cơ thể, lũ trẻ bắn vào nhau khi chỉ đứng cách một bước chân. Tổn thất của những trận đọ sức này thường là khủng khiếp. Bới không chỉ những người ngã xuống tại trận là bỏ mạng. Trong điều kiện của những cuộc chiến ấy, người bị thương cũng sẽ chết – vì mất máu, vì lây nhiễm, vì thiếu thuốc men.
Sau suốt cả ngày trời đi xe, chúng tôi đến thị trấn Soroti. Dọc đường, chúng tôi đi qua những làng mạc bị thiêu rụi – tất cả đều bị cướp phá sạch bách. Quân lính đã mang đi tất cả những gì có thể mang được, không chỉ những gì người dân có trên mình, không chỉ đồ đọc, máy móc, công cụ lao động của họ, chén bát họ dùng để ăn, mà cả các loại đường ống, dây và đinh, tất cả các cửa sổ, cửa chính, thậm chí cả mái nhà. Như lũ kiến gặm xương không để lại một gam thịt nào, những làn sóng nối tiếp nhau của đám kẻ cướp trên đường tháo chạy đã quét sạch và mang theo chúng tất cả những gì có thể dời chuyển trên đất nước này. Soroti cũng bị tàn phá. Trạm xăng bị đập, các máy bơm bị lấy mất. Các dãy ghế trong trường học bị đem đi. Nhiều ngôi nhà chỉ còn trơ khung, song cũng có những cái thoát nạn. Khách sạn nơi chúng tôi trú đêm vẫn còn giữ được. Ở đây, một nhóm thân sĩ, thương gia, giáo viên, quân nhân địa phương đã chờ sẵn chúng tôi. Một đám đông tò mò vây quanh. Bắt đầu những lời chào hỏi, những cái vỗ vai, những nụ cười.
Soroti là thủ phủ của vùng đất có sắc dân Nil-Ham rất đẹp người là Iteso sinh sống. Họ gồm hơn một triệu dân, chia ra thành nhiều bộ lạc và thị tộc. Chủ yếu họ làm nghề chăn nuôi bò. Con bò là kho báu lớn nhất của họ. Nó không những là thước đo sự giàu sang, mà còn có cả các thuộc tính thần bí. Sự tồn tại và hiện diện của nó nối kết con người với thế giới vô hình cao hơn. Người Iteso đặt tên cho con bò và tin rằng mỗi con đều có tư cách, cá tính riêng. Cậu bé Iteso đến độ tuổi nhận định sẽ được nhận nuôi một con bò. Trong nghi lễ đặc biệt này cậu tiếp nhận cái tên của nó – kể từ khi đó, tên nó cũng là tên cậu. Đứa trẻ chơi đùa với con bò của mình, dành thời gian rảnh rỗi cho nó, có trách nhiệm với nó.
Trong số những người chào đón chúng tôi có một người tôi quen từ những năm sáu mươi là Cuthbert Obwangor (bộ trưởng thời đó). Tôi rất mừng được gặp lại ông, chúng tôi bắt đầu trò chuyện ngay. Tôi muốn ông đưa đi xem quanh vùng, vì đây là lần đầu tiên tôi đến miền này. Chúng tôi đi dạo. Nhưng cuộc tản bộ nhanh chóng trở nên khá phiền phức. Vì ở đây, khi nhìn thấy đàn ông đi qua, phụ nữ lui ra nhường đường và quỳ xuống. Họ quỳ cả hai chân, chờ người đàn ông đến gần. Theo lệ, anh ta phải chào hỏi họ. Đáp lại, họ hỏi xem mình có thể làm gì cho anh ta không. Nếu anh ta trả lời rằng không, họ đợi cho đến khi anh ta đi khỏi mới đứng lên và đi đường mình. Lúc sau, khi tôi và Cuthbert ngồi trên băng ghế trước nhà ông, cảnh tượng vẫn lặp lại: phụ nữ qua đường đến gần chúng tôi và im lặng quỳ xuống. Có lúc gia chủ của tôi bận nói chuyện và không để ý đến họ. Họ tiếp tục quỳ không nao núng. Rốt cuộc, ông chào và chúc họ thượng lộ bình an, khi đó họ mới đứng lên và ra đi không nói một lời. Mặc dù đã là buổi tối, trời vẫn nóng nực, một khối nặng, nóng và ngột ngạt treo lơ lửng trong không trung. Giấu mình trong những góc sâu nhất của đêm, lũ dế kêu ong ong không dứt.
Cuối cùng, chúng tôi được chính quyền địa phương mời tới quán ăn duy nhất còn mở cửa trong vùng. Quán tên là Club 2000. Trên gác có một phòng dành cho khách mời quan trọng. Họ xếp chúng tôi ngồi vào cái bàn dài. Các cô phục vụ bước vào, trẻ trung, cao ráo. Từng cô quỳ xuống bên vị khách của mình và xưng tên. Rồi họ đi ra và mang đến một bình gốm lớn. Từ đó, thứ bia marva đặc sản địa phương làm từ millet (millet là một loại kê) đã được hâm nóng đang bốc khói. Người ta uống marva bằng những ống sậy rỗng và dài gọi là epi. Giờ đây cái ống sậy này bắt đầu đi vòng quanh từ người khách này sang người khách khác. Mỗi người uống vài ngụm rồi đưa nó cho người tiếp theo. Các cô phục vụ liên tục rót vào bình hoặc là nước, hoặc là phần marva mới: mức độ say của thực khách phụ thuộc vào việc họ rót thêm gì và epi được chuyền nhanh đến đâu. Vấn đề ở chỗ Soroti cũng như cả khu vực này là một trong những vùng có tỷ lệ nhiễm AIDS cao nhất. Mỗi lần đưa tay cầm epi là một lần con người giã từ cuộc sống. (Đó vẫn còn là thời kỳ mà người ta cho rằng virus HIV lây nhiễm qua nước bọt). Nhưng phải xử sao đây? Từ chối ư? Điều đó sẽ là sự xúc phạm rất lớn, là biểu hiện khinh thường đối với chủ nhà.
Buổi sáng, khi chúng tôi vẫn chưa tiếp tục lên đường, có hai nhà truyền giáo người Hà Lan đến – Albert và Johan. Kiệt sức, người phủ đầy bụi, nhưng họ vẫn muốn đến Soroti để “gặp người đến từ đại thế giới”: đối với họ, những người sống ở vùng hoang mạc này đã hơn chục năm, Kampala trở thành cái đại thế giới ấy. Họ không về châu Âu, không muốn bỏ lại nhà thờ và các tòa truyền giáo (họ sống ở đâu đó gần biên giới Sudan). Họ sợ sau khi mình trở về, sẽ chỉ còn lại những bức tường bị thiêu rụi. Vùng nơi họ làm việc mùa hè thì khô, nhưng xanh tươi vào mùa mưa, một vùng thảo nguyên xa-van bao la, nóng bỏng, một tỉnh Đông Bắc Uganda rộng lớn, nơi có sắc dân Karimojong được nhiều nhà nhân học say mê sinh sống. Người Kampala nói về những người anh em ở Karimojong của mình (Karimojong vừa là địa danh, vừa là tên sắc dân, vừa là tên người) một cách miễn cưỡng và xấu hổ. Người Karimojong đi lại trần truồng và họ vẫn giữ nguyên tập quán của mình, cho rằng cơ thể con người là đẹp (quả thực, đó là những người có vóc dáng tuyệt diệu, cao và thon thả). Nhưng sự ngoan cố này của họ còn có một cơ sở khác: tất cả những người châu Âu đến được chỗ họ đều ngã bệnh và chết. Người Karimojong bèn kết luận rằng như vậy là quần áo gây ra bệnh tật, và mặc quần áo cũng giống như tự kết án tử hình (tự tử trong tín ngưỡng của họ là thứ tội lỗi lớn nhất mà người ta có thể hình dung). Bởi thế, họ luôn sợ quần áo đến kinh hoàng. Amin cho rằng ở trần truồng là xúc phạm người châu Phi. Hắn ra lệnh bắt họ mặc quần áo, những người trần truồng bị bắt sẽ bị quân lính bắn ngay tại chỗ. Người Karimojong hoảng sợ, họ kiếm ở bất cứ nơi nào có thể, khi thì mảnh vải, khi thì cái áo hay cái quần, búi thành một búi và mang bên mình. Nghe tin ở nơi nào có quân lính hay có tên gián điệp của chính phủ đang lảng vảng ở gần, họ mặc quần áo vào cho qua lúc ấy, để rồi sau đó lại cởi ra như trút một gánh nặng.
Người Karimojong chăn nuôi bò và sống chủ yếu nhờ sữa bò. Có bà con với người Iteso, họ cũng coi bò là kho báu lớn nhất và là những sinh vật thần bí. Họ tin Trời đã ban cho họ tất cả bò trên thế gian và sứ mệnh của họ là giành lại những con bò ấy. Vì mục đích đó, họ thường xuyên tấn công các bộ lạc lân cận. Những cuộc cướp gia súc này (tiếng Anh là cattle raid) là sự kết hợp giữa một cuộc viễn chinh cướp bóc, sứ mệnh yêu nước và bổn phận tôn giáo. Một chàng trai trẻ muốn trở thành đàn ông phải tham gia cattle raid. Những cuộc viễn chinh này là chủ đề chính của các truyền thuyết, chuyện kể, huyền thoại bản địa. Họ có các anh hùng, lịch sử và thuyết thần bí riêng của mình.
Cha Albert miêu tả một cuộc viễn chinh như thế. Người Karimojong đi hàng một, bước đều, chặt chẽ. Họ đi theo các chiến lộ mà họ đã biết rõ. Mỗi đạo quân có khoảng hai, ba trăm người. Họ hát hoặc hét to lên nhịp nhàng. Trước đó, người do thám của họ đã xác định ở đâu có đàn bò của bộ tộc khác. Mục đích của họ là bắt các đàn bò này. Khi họ đến nơi, trận đánh bắt đầu. Người Karimojong là những chiến binh lành nghề và dũng mãnh, do đó họ thường chiến thắng và mang về chiến lợi phẩm của mình.
- Vấn đề là ở chỗ – cha Albert nói – xưa kia các đoàn người này được vũ trang bằng giáo mác và cung tên. Khi giao chiến, chỉ có vài người bỏ mạng, số còn lại đầu hàng hoặc chạy trốn. Còn ngày nay? Vẫn là các đoàn người trần truồng, nhưng vũ trang đến tận chân răng bằng súng máy. Chúng bắn ngay, giết hàng loạt dân cư trong vùng, dùng lựu đạn phá hủy làng mạc của họ, gieo rắc cái chết. Xung đột truyền thống giữa các bộ lạc từ hàng thế kỷ vẫn tiếp tục, nhưng ngày nay chúng kéo theo số nạn nhân lớn hơn rất nhiều. Nền văn minh hiện đại không đem lại gì cho nơi này – cha Albert kết thúc – không có đèn điện, không có điện thoại, không có ti vi. Chỉ có một thứ duy nhất đến được đây – đó là súng máy.
Chúng tôi hỏi các nhà truyền đạo về công việc của họ, về những vấn đề mà họ gặp phải.
- Đây là một địa bàn rất khó – cha Johan thú thật. Người ở đây hỏi chúng tôi có bao nhiêu thần trong tín ngưỡng của mình và có thần riêng cho bò không. Chúng tôi giải thích cho họ rằng chỉ có một đức Chúa trời. Họ rất thất vọng. Tín ngưỡng của chúng tôi tốt hơn, họ nói, chúng tôi có thần riêng coi sóc cho bò. Dù sao đi nữa thì bò vẫn là quan trọng nhất!
Gần trưa, chúng tôi đi lên phía Bắc. Xe chúng tôi đi cuối cùng trong đoàn, nhưng chúng tôi cũng ở cách không xa khi nghe thấy tiếng nổ, tiếng súng bắn, rồi những tiếng thét kinh hoàng. Chúng tôi đang đi trên một con đường hẹp, đầy ổ gà và rãnh, chạy giữa hai tường thành cỏ voi rậm, cao tới hai mét.
Rõ ràng là chúng tôi đã rơi vào một trận phục kích.
Chúng tôi ngồi co rúm người lại trong xe, không biết phải làm sao. Ở lại trong xe hay nhảy ra ngoài?
Phục kích là kiểu đánh được dùng nhiều nhất ở châu Phi. Đối với những người tổ chức phục kích, nó có nhiều ưu điểm. Người phục kích lợi dụng được trước hết là thời điểm bất ngờ: người đi đường không thể cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu suốt cả ngày, trong khí hậu này, trên những con đường này, họ nhanh chóng mệt mỏi và buồn ngủ. Thứ hai, những người tổ chức phục kích không bị người đi đường nhìn thấy, do đó họ an toàn. Thứ ba, phục kích không chỉ là chiến thắng đối thủ: nó còn đem lại các chiến lợi phẩm vật chất quý giá – xe hơi, quân phục, thực phẩm, vũ khí. Hình thức phục kích cũng thích hợp với những người bị cái nóng, cái đói và cái khát (tình trạng thường xuyên của du kích và quân lính) không cho phép thực hiện những chuyến hành quân xa và chuyển đội hình nhanh. Trong trường hợp này, một nhóm người có vũ trang có thể tìm chỗ râm mát, dễ chịu trong rừng và bình tĩnh nằm đợi cho đến khi nạn nhân rơi vào tay mình.
Họ dùng hai chiến thuật khác nhau. Chiến thuật thứ nhất tiếng Anh gọi là hit and run (đánh và chạy). Nó còn cho người bị phục kích chút cơ hội định thần và đánh trả. Chiến thuật thứ hai là hit and hit (đánh và đánh, có nghĩa là bắn rồi bắn tiếp) thường kết thúc bằng cái chết của người bị phục kích.
Cuối cùng, chúng tôi nhảy ra khỏi xe và chạy lên trước. Những kẻ tấn công ném lựu đạn trúng vào chiếc xe tải. Một người lính đã tử nạn nằm trên sàn xe, có hai người bị thương. Kính trước bị vỡ, máu chảy ra từ tay áo quân phục của một người lính hộ tống. Hỗn loạn, mất trật tự, người chạy dọc theo đoàn xe chỗ này chỗ kia, không nguyên do, không nghĩa lý. Không ai biết điều gì sẽ xảy ra sau giây lát. Có thể đối thủ của chúng tôi đã đứng sát ngay bên cạnh, giấu mình trong đám cỏ dày cao hai mét, nhìn chúng tôi hoảng loạn chạy, chĩa súng vào chúng tôi, bình tĩnh ngắm bắn? Chúng tôi chẳng hề biết mình đang nằm trong tay ai, điều gì đang chờ mình. Theo phản xạ, tôi bắt đầu chăm chú quan sát xem giữa đám cỏ kia có họng súng nào đang hướng về mình không.
Chiếc xe tải cài số lùi, vì đường hẹp tới mức không có chỗ nào để quay xe, bắt đầu đi lùi về Soroti. Sau một lúc, chúng tôi tiến lên phía trước. Nhưng các sĩ quan quyết định không đi bằng xe hơi, mà chúng tôi từ từ nhích lên, đi bộ sau những người lính có vũ trang sẵn sàng chiến đấu đang dẫn đầu đoàn.