A good book on your shelf is a friend that turns its back on you and remains a friend.

Author Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Ma Văn Kháng
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 19
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 164 / 25
Cập nhật: 2020-06-05 02:27:43 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 18
ó là một đại lượng không thể đo đếm. Một đại lượng không có bờ lề. Không rõ hình khối vuông tròn, to nhỏ, không nhận ra trên dưới, ngắn dài. Không có điểm bắt đầu. Không có chỗ chung cuộc.
Thoạt đầu là vậy và đó có thể là vì Thiêm đã mất hết khả năng nhìn, nên rơi vào trạng thái mung lung.
Xuống tàu lửa, Thiêm đi một mình, dò dẫm giữa không gian vô bờ, và bơ vơ vì không tìm thấy hình ảnh để nương tựa; Thiêm như một kẻ lạc loài, một đứa con bị ruồng bỏ. Nhưng Thiêm đã biết ngay là mình nhầm, từ khi Thiêm nhận ra ngọn gió đồng nội chốn quê. Ngọn gió lật giở ào ào tấm lá cọ mang hình ngôi sao nhiều cánh, mang đến cho Thiêm mùi cỏ tươi đầm, hương tinh dầu đậm đặc của cây thanh hao, vị mát lành của làn nước mạch rỉ ở lớp đá tận cùng dưới tầng sâu. Thiêm đã nhận ra quê hương, Thiêm đã mở hết các huyệt điểm trên cơ thể để thu nhận tất cả hương vị đặc sắc của miền đất vừa phóng khoáng vừa sâu thẳm tâm linh này. Có một ngọn đèn vừa thắp sáng sau con mắt bị che màn đen kịt của Thiêm.
Đó chính là một buổi sớm mai trong lành trở dậy sau tiếng kẻng khua vui vẻ và lời khích lệ trang trọng của ông nội. Xung quanh Thiêm là tuổi hoa niên bất di bất dịch, vẹn toàn. Xung quanh Thiêm đồi đất trùng điệp bóng cọ yểu điệu dáng vũ nữ, lớp tre dăng thành luỹ bao bọc mỗi xóm thôn hình bụm khói xanh đặc, những căn nhà mới dựng có cánh cửa mở hướng nội, cây mít già chíu chít nụ hoa màu vàng ngà như vật thể hoá một tư tưởng nhân sinh, tất cả, dẫu thế nào cũng phải nẩy nở dồi dào. Thiêm cũng đã nhận ra những giọt nước rơi nặng và vang như tiếng bạc tiếng vàng trong lòng sâu giếng đất đá ong. Cũng đã nghe thấy vọng lên trời cao hơi thở nặng ngàn cân phát ra từ lồng ngực vạm vỡ của những người thợ đào đá ong, một biểu trưng về sự cần lao bền bỉ vô song của con người ở đất quê.
Hai mắt bị trọng thương lại chính là hoàn cảnh để Thiêm nhận ra chiều sâu mỗi tình tiết đặc sắc chốn quê. Gò Tướng quân. Đồi tế cờ. Giếng cà. Đồi ông ba mươi. Đấu đong người. Những đền miếu thiêng liêng. Mỗi hình tích đất đai, mỗi dấu vẻ tâm hồn. Cuộc sống hiện ra vừa nhẫn nại, vững vàng thế chân vạc, vừa chan chứa cởi mở, hồn nhiên, kết tinh trong hình ảnh ông nội, một huyền thoại không biện giải.
Thiêm bỗng thấy thương cha hết lòng.
Giờ đây, Thiêm hiểu cha ở độ sâu tận cùng. Chính Thiêm đã không thoát khỏi cái eo hẹp khắc nghiệt của khung cảnh. Giờ đây nhớ đến cha, anh có thể hoàn toàn chia sẻ với ông. Trách cứ một thời sống chai sạn và hẹp hòi cũng chẳng bằng hãy để lòng mình thầm lặng nuôi dưỡng niềm ân hận xót đau. Sống là cả một nghệ thuật lớn. Làm sao có thể hiểu được cuộc sống nếu cứ mon men ở bên ngoài nó.
- Tôi trông chú quen quen. Có phải chú là…
- Kìa, chú Thiêm! Chú Thiêm thật rồi!
- Lạ thật. Sao chú lại phải đeo kính đen? Mắt chú, mặt chú làm sao thế? Chú Thiêm ơi! Sao chú về muộn vậy! Ông nấn ná chờ đợi mãi chú đấy, chú ơi.
Cùng với tiếng reo gọi của nhóm người đang đào một lỗ huyệt ở ven đường, Thiêm nghe thấy từ xa vọng lại tiếng trống cái điểm thì thùng trên cái nền réo rắt của bản nhạc hiếu, vào lúc trời đang ngả màu tím hoa mua. Trong giây phút, mắt Thiêm như được ban phép lạ, bỗng sáng láng và tinh nhạy lạ thường. Một đám tang thật lớn, một đám tang của những thế kỷ xa xưa, đang chầm chậm tiến đến và lần lượt từng khúc đoạn diễu qua mắt anh.
Trước hết anh nhận ra đó là một hoạt cảnh lồng lộng cờ bay với năm người đàn ông, người nào cũng tầm vóc đô lực sĩ, mặc áo nhiễu đỏ, nghiêm trang đặt từng bước chân, trong khi hai cánh tay gân guốc giơ cao những lá cờ ngũ phương, tua rua ngũ sắc, phần phật bay trong gió.
Tiếp sau nhóm cờ mở đầu là đội trống hùng dũng gồm một trống cái, bốn trống con rập ràng nhịp điệu. Cũng như năm đô lực sĩ rước cờ nọ, năm người thủ trống thảy đều quắc thước, đồng loạt quần trắng, thắt lưng xanh bỏ giọt bên ngoài áo nhiễu hồng.
Tiến rất chậm sau đội trống là chiếc phật đình vuông vức sơn son thiếp vàng uy nghiêm, trong đặt tượng phật, lư hương mâm bồng, đài nến, cùng mâm bánh dày chất cao tú ụ, trên vai bốn ông trung niên mặt vuông chữ điền, đầu quấn khăn điều, áo chẽn nỉ xanh, chân quấn xà cạp.
Sau phật đình là sư ông đầu đội mũ hoàng thiên, chân đi dép dừa, mặc áo cà sa vàng, tay trái cầm tích trượng, tay phải dựng thẳng trước ngực, dáng đi thanh thản, trang nghiêm.
Đoàn chư già đồng loạt áo nâu buộc giải thay khuy hơn trăm vãi bà xếp thành hàng ba, trật tự tiến bước theo sau sư ông. Ở hàng giữa, các vãi đội nón tu lờ, bên trên trải cầu vải thêu hình mây bay năm màu, trong khi đi hai bên là các vãi tay cầm phướn, tay nâng tâm hương, miệng lầm nhầm tụng niệm kinh cầu phật.
Một em nhỏ hai tay nâng một cây tre non ngọn bay phơ phất dải giấy trắng vẽ hình tam tinh, tiếp nối ngay đoàn chư già, là cái điểm khởi đầu của cả một đám chen chúc, ngần ngật những là thể môn vải đen viền trắng, cùng những câu đối, bức trướng viết đại tự trong tay những người đàn ông mặc áo thụng vải chúc bâu trắng, chân dận giày cỏ.
Thiêm rơi vào một cơn mê.
Phường bát âm vừa đi qua tâm ức Thiêm. Sau đó là chiếc linh xa mái uốn hình cầu trên vai bốn người khăn đen áo trắng, thắt lưng xanh, chân bước theo tiếng trống khẩu gõ tông tông nhịp ba một. Ngước nhìn linh xa, ngửi thấy mùi hương khói, nghe thấy tiếng khóc rền rĩ của năm hàng người đi sau cỗ xe nọ, Thiêm chợt thấy lòng mình thăm thẳm nỗi hoang vắng và côi cút.
Thiêm đã cố nén để khỏi bật tiếng khóc. Có lẽ còn là do sau phần nghi thức có tính chất thủ tục vừa đi qua, công cuộc tống tiễn người đã khuất ở phần tiếp theo càng thấm nhiễm tinh thần cổ kính và nghiêm cẩn. Năm lá cờ tang lớn màu đen thâm viền trắng buồn ủ rũ toả u trầm ra cảnh quan đang ở ngay trước mặt Thiêm, thực sự như câu khai đề của một khúc ai ca nối tiếp.
Khúc ai ca chìm nổi trong tiếng phèng phèng, nỗi khoan nhặt từ tay ông chấp hiệu đóng khăn đen, mặc áo trắng, quần tím bồ quân gài chặt trong ủng da cao su. Theo tiếng phèng la dẫn độ, cỗ đòn bát cống đầu rồng đuôi tôm dài thượt, nặng đến cả tấn, đè chặt vai mười tám đô tuỳ lực lưỡng, dùng dằng, tiến hai bước lại giật lui một bước, thật lưu luyến nhớ thương.
Ông nội đang nằm trên cỗ đòn nọ.
Ông nội nằm trong cỗ áo vàng tâm thơm sực, xung quanh bảy ngọn nến rướn ngọn sáng trưng, mặt tươi hồng, hai mi chập một, phăng phắc đi về cõi thiên thu.
- Ai như chú Thiêm? Có phải chú Thiêm không?
- Ối chú Thiêm ơi! Chú bị làm sao thế?
- Chú Thiêm à! Ông nằm đúng một tuần. Tỉnh dậy nghe tiếng còi tàu, ông lại hỏi chú về chưa.
- Trời, hoá ra ông lo cho chú là thật à? Đứa nào nó hại chú thế, chú Thiêm ơi!
Xung quanh Thiêm là một vùng khăn trắng, khăn vàng, khăn đỏ, băng đen. Xung quanh Thiêm là những tiếng nấc nghẹn.
Một người đặt lên đầu Thiêm một chiếc vành rơm bện lá chuối khô. Người khác khoác lên vai Thiêm một chiếc áo xô và đặt vào tay anh một chiếc gậy tre. Ngơ ngơ nhìn mọi người, trình diện một gương mặt dị hình, sản phẩm của một cơn chấn thương tồi tệ nhất của lịch sử hiện đại, anh rẽ đám đông, tiến sát tới cỗ đòn, rồi gục đầu trên chiếc gậy chống, cất tiếng khóc: Ông ơi!
Gặp Gỡ Ở La Pan Tẩn Gặp Gỡ Ở La Pan Tẩn - Ma Văn Kháng Gặp Gỡ Ở La Pan Tẩn