Love at first sight is often cured by a second look.

Love is sweet when it’s new, but sweeter when it’s true.

 
 
 
 
 
Tác giả: Ma Văn Kháng
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 40
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 256 / 21
Cập nhật: 2020-06-05 12:47:51 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
ừ quốc lộ 4 nhìn vào, dãy đá vôi Con Voi nằm chắn ngang như một bức tường thành xanh rì các loài tứ thiết quý giá. Vượt qua được dãy núi như một chướng ngại làm nản lòng cả những thợ sơn tràng cự phách nhất, mới đến vùng rừng rậm tạp chủng đủ các loại cây cỏ suốt ngày âm u mây sương. Làng Nhuần ở trong vùng rừng nọ.
Làng Nhuần! Cái làng Mán trốn thuế ly khai chính quyền của dòng họ Tẩn, khi bồng bế nhau đến chốn này, hẳn không thể ngờ đã chọn cho cách mạng một căn cứ địa thuận tiện như thế... Ở đây, thôn xóm thưa thớt, rải rác. Ở đây, nhà lẩn dưới bóng rừng.
Chính đã khỏe trở lại, nhất là từ hôm anh được tin ông cụ Tẩn Mè Thòn mở cúng để trừ ma, diệt tà chữa bệnh cho mình. Vả chăng công việc đã đến lúc cần đến sức lực của con người. Trung ương đã hạ lệnh tiêu diệt nốt bọn Quốc dân Đảng ở phần đất cuối cùng này của Tổ quốc. Thằng Pháp rục rịch sắp đánh ta rồi. Cần giải phóng Lào Cai nhanh, vì còn biết bao nhiêu công việc cần làm tiếp theo và tình hình sẽ còn rất khó khăn và phức tạp chưa thể lường.
Chính đã khỏe. Uống mấy thang thuốc lá của miền củ Tẩn Mè Thòn, anh đã đi lại được. Và hôm nay một mình anh len lỏi trong rừng, cố thu vào mình bằng sự nhận biết trực tiếp toàn cảnh làng Nhuần.
Quá trưa, Chính mới quay về thôn trung tâm làng Nhuần.
— Đồng chí Khả có nhà không? — Dừng lại ở cửa nhà Khả, Chính khe khẽ gọi. Thấy tiếng cựa mình, anh đẩy cửa vào và mỉm cười khi nhìn thấy trên mặt vách phía ngoài buồng gài một tờ giấy có dòng chữ Khả viết: "Yết thị. Giờ ngủ trưa, yêu cầu không làm ồn!".
Mặc bộ pijama sọc xanh nhàu nhàu Khả từ trong màn chui ra, tay gãi đầu, miệng càu nhàu:
— Ai đấy! Quấy quả thế này thì tôi đến xin từ chức đấy!
Chính đánh tiếng:
— Đồng chí Khả mệt à?
— Ấy, anh Chính — Khả kêu to, giật lùi, tay luớ quớ tìm cái quần tít-xuy len — Tôi cứ tưởng ai. Lính ông Đắc tệ lắm, họ biết tôi có tật ngủ trưa, thế là cứ kéo nhau đến đòi cấp phát, xin xỏ, làm rối tinh rối xòe cả lên. Anh đã khỏe rồi cơ à?
Chính ngồi xuống chiếc ghế mây cạnh bếp, dựa cái gậy trúc vào vai:
— Tôi vừa đi quanh làng xem địa thế!
— Anh thấy thế nào? — Khả xốc cái quần, vẻ xăng xái.
— Ở địa điểm này, thế công cũng tối mà thế thủ cũng hay.
— Ấy, tôi cũng thấy thế. Khen cho con mắt tinh đời của chị Châu. Gớm, hôm qua bà chị kéo tôi đi, mệt phờ râu. Họp ba cuộc một đêm. Mà sao bà chị đã lý láu tiếng Dao rồi. Thế có thánh không? Anh để tôi đun nước nhé. Rồi xin báo cáo anh mấy nét tình hình tôi tập hợp được. Gay quá, anh ạ.
— Sao thế?
— Có lẽ tôi ngã nước mất. Mấy hôm nay cứ gây gấy vào lúc buổi trưa.
— Đêm nằm màn, không để muỗi đốt...
— Gay lắm, yên hàn, về xuôi với cái bụng báng thì chẳng còn ra thể thống gì.
— Làm gì mà đã yên hàn được. Còn đánh thằng Pháp lâu dài đấy.
— Chắc cũng...
— Chuẩn bị tinh thần ở lâu dài trên miền núi này đi, ông ơi.
— Ấy, tôi cũng nghĩ thế. À anh Chính này, tôi định ôn ổn một tí thì đón nhà tôi lên. Cô ấy nhà tôi xuất thân con nhà khá giả nhưng cũng xốc vác lắm. Gia đình định gả cho một ông xếp ga. Nhưng cô ấy cứ một hai đòi lấy tôi. Mà tôi thì đỗ xéc xong, tứ cố vô thân, chỉ là anh thư ký quèn ở đồn điền Phú Hộ.
Chính lắc đầu:
— Ông Khả ạ, hãy khoan đã. Tình hình còn đang có nhiều khó khăn. Đưa lên khéo chỉ khổ cho cô ấy.
Gãi vành tai, nhe những chiếc răng vổ trắng bóng, Khả cười cười:
— À, là cũng mới nghĩ sơ sơ thế.
— Này, ông Khả này.
— Dạ.
— Ông nên bỏ cái tờ giấy gài ở ngoài liếp kia đi nhé.
— Vâng, xin tiếp thu ý kiến của anh. Giờ anh cho phép báo cáo ạ. Theo báo cáo của các cơ sở thì... anh Kiến có nhờ một người H'Mông tên là Pao đưa thư ra.
— Tên là Pao?
— Vâng! Cao lớn, mắt xếch. Anh quen biết cậu ta ạ. Dạ, báo cáo anh. Pa Kha đã lập được đội tự vệ. Anh Kiến quả là tay đã bôn ba hải ngoại, cách mạng già đời, đã phát triển cơ sở lên làng H'Mông Can Chư Sủ. Nhưng thổ ty Hoàng Văn Chao và con hắn thì đã bắt đầu gây khó khăn. Anh Kiến đề nghị: cho muối và cho anh ấy lấy một số ruộng của thổ ty, chia cho dân nghèo.
— Ông trả lời anh ấy: muối sẽ cấp. Nhưng lấy ruộng của thổ ty thì hãy khoan. Tình hình bên miền Tây?
— Dạ, anh Bình gây được cơ sở ở Sa Pa, dân thị trấn rất tốt. Anh Bình vào được một làng H'Mông.
— Được. Việc chuẩn bị cho hội quân?
— Chị Châu được phân công lo toan việc này. Phụ nữ Dao góp ba tấn gạo, hơn một tấn thực phẩm. À quên, báo cáo anh, vừa rồi Trung ương có gửi ít ảnh Bác Hồ lên, tôi đã biếu mỗi hộ người Dao ở đây một bức.
— Tình hình anh Đắc ra sao?
— Dạ, tuần lễ nay chưa có tin về. Xin mạnh dạn đề nghị với anh... là ta nên làm riêng một cái nhà văn phòng Ban Cán sự.
— Cứ tiềm tiệm đã, ông ạ.
— Dạ, cơ quan phải ra cơ quan chứ ạ. Thế này rất khó làm việc. Như tôi chẳng hạn, danh không chính, ngôn không thuận, nhân viên chẳng phải, chánh văn phòng cũng chưa được công nhận. Ăn nói rất khó.
— Tàm tạm đã. Giải phóng xong hãy hay. — Chính dứt khoát. Chức vị chỉ là nhiệm vụ. Còn cái chính mỗi người phải là một chiến sĩ cách mạng. Làm tròn danh hiệu ấy cũng mệt đấy, ông Khả ơi.
— Thôi cũng được. — Khả nhe răng — Nhưng còn cái máy chữ thì anh không thể từ chối được chứ ạ. Giờ đã vậy, tí nữa còn thêm phòng nọ phòng kia, công văn hàng chục bản, ai mà chép tay được. Anh Đắc hứa kiếm cho, nhưng không hiểu có được không. Tôi đánh đít đoa đấy, mê-tót hẳn hoi.
Chợt cả hai cùng bặt tiếng. Ngoài nhà có tiếng chân người chạy rập rập. Tiếng người chỉ huy hô rắn rỏi. Tiếng reo của đám đông a a kéo dài. Và tiếng sáo mồm huýt một bản nhạc quen thuộc.
— Có lẽ anh Đắc về! — Khả vừa nghển cổ nhìn ra thì nghe thấy tiếng chân giày dận rất to ở ngoài cửa. Rồi tiếp đó là tiếng một người trai trẻ gay gắt, quyết đoán:
— Ông Khả! Ông cho phép tôi xé cái yết thị này của ông nhé! Bộ đội họ kêu ông đấy. Ông là công chức hay là cán bộ cách mạng!
Khả đứng phắt dậy, ngoảnh ra gọi to:
— Đồng chí Đắc!
— Anh Chính!
Đắc bước nhanh vào. Quên phắt chuyện tờ yết thị của Khả, anh ôm chầm Chính, rồi lui ra, nhìn Chính như nhìn thấy lần đầu:
— Anh sốt rét à?
— Đỡ rồi.
Đắc tháo cái kiếm dài thượt đeo ở bên mình. Nặng quá, cái mũ sắt sùm sụp, khẩu súng lục trễ hông, lại bi đông, băng đạn. Nhưng có ai đội mũ sắt, đeo súng đẹp như Đắc? Khuôn mặt to, hơi vuông, hai vệt lông mày thẳng, đen nhánh, cái cằm khỏe lấm chấm râu, phảng phất vẻ ngang tàng, phong trần và hơi kiêu ngạo.
Vẻ kiêu ngạo biến mất khi anh đến trước Chính. Với Chính, bao giờ anh cũng cảm thấy mình chỉ là bậc đàn em. Anh kính trọng và mến phục Chính thật sự:
— Có lẽ anh bị giao nước. Anh đi được nhiều vùng chứ? Thật là vào tận hang bắt cọp nhỉ.
— Cũng còn khó khăn đấy. Tình hình bộ đội thế nào?
Khả đã khép nép ngồi ở sau Đắc, tay giở sổ tay cầm bút. Bỗng có tiếng cửa kẹt mở.
— Anh Khả.
Khả quay lại. Một chú bé vừa lọt vào. Tóc bò liếm, cái quần đùi đen ướt rượt. Khả chúm môi, hẩy hẩy cái cằm, ra hiệu bảo chú bé đi chơi đi.
Chú bé tên Tùng. Nó lại đến rủ anh đi xem Tôyama dạy bộ đội bắt chó béc giê đây mà. Chú bé đã đi. Khả quay lại, thở nhè nhẹ. Đắc bỏ cái mũ sắt, mở khóa áo bu dông, nhẹ nhõm.
— Báo cáo anh, chúng tôi đã tiến tới làng Múc — Thái Niên. Bọn cướp Vòng Sắt ở đây chạy re. Đồng bào phấn khởi lắm, họ nói: Việt Minh là con Trời, con Thánh, đi tới đâu yên tới đó. Ông ký Lèn ở ga Thái Niên cho biết: thỉnh thoảng bọn Quốc dân Đảng có đi goòng xuống đây, vào các làng Nhắng, làng Tày, quanh đó cướp bóc xong lại rút về tỉnh lỵ. Theo thư anh gửi, tôi cũng đã cố tìm manh mối đồng chí Tâm, có tin là một cán bộ Việt Minh bị địch thủ tiêu ở cầu Cốc Lếu, nhưng đồng chí này thoát được. Không rõ có phải là đồng chí Tâm hay không?
— Ly kỳ thật? — Khả rên một tiếng khe khẽ:
— Anh định hướng tiến quân thế nào, — Chính hỏi — rồi tự đáp — Theo tôi, cứ đường đường chính chính theo đường sắt mà khai triển.
— Tán thành ý kiến của anh.
— Phải bất mối với đồng bào Kinh ở dọc đường xe lửa. Mặt khác phải tích cực gây cơ sở ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vừa rồi tôi đi các châu, việc này chưa làm được bao nhiêu, nhưng đó là cái đích ta phải đi tới.
— Chúng tôi hiểu ý của anh.
— Anh nắm tình hình bọn Quốc dân Đảng ở thị xã đến đâu rồi. Trên cho biết bọn chúng tập trung ở đó khá đông. Chúng đang vón lại. Nhưng chúng đang ở thế thua.
— Báo cáo anh chúng tôi nắm tình hình đã kha khá. Tuyệt nhất là trinh sát chúng tôi tóm được một cái lưỡi.
Khả nhổm dậy:
— Một cái lưỡi!
— Tay này nó lờ vờ đi xuống ga Thái Niên. Đích tay tôi tóm nó. Nó kêu nó là kẻ thất tình. Tôi lục vấn, vặn vẹo mãi mà nó vẫn chưa chịu nhận.
— Các anh cừ thật! — Khả reo.
Đắc khoát tay:
— Tôi có đem nó về đây. Gọi nó vào cho anh xem mặt nhé.
Người trai trẻ được gọi bước vào. Thanh mảnh, nhẹ nhàng. Cái áo bu dông xanh, cái quần dạ tím, đôi dép da láng, bộ trang phục của một thanh niên nghèo thành phố. Khuôn mặt trái xoan có một nốt ruồi ở má trái lẽ ra cũng ưa nhìn, nếu không bị phủ một tấm màn mỏng buồn thương, ảo não.
Người đó là nhạc sĩ Quang Ngọc.
Đồng Bạc Trắng Hoa Xòe Đồng Bạc Trắng Hoa Xòe - Ma Văn Kháng Đồng Bạc Trắng Hoa Xòe