When you're young, you want to do everything together, when you're older you want to go everywhere together, and when you've been everywhere and done everything all that matters is that you're together.

Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Neil Gaiman
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Thiên Nga
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 17
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 549 / 41
Cập nhật: 2019-05-14 10:23:13 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần Kết
ôi ngồi trên băng ghế xanh ọp ẹp bên ao vịt ở đằng sau căn nhà trang trại bằng gạch đỏ và nghĩ đến con mèo con của mình.
Tôi chỉ nhớ rằng Đại Dương đã lớn lên thành mèo trưởng thành, và rằng tôi đã yêu mến nó suốt nhiều năm. Tôi tự hỏi nó ra sao rồi, thế rồi tôi nghĩ, Mình không còn nhớ được chi tiết thì cũng chẳng sao: cái chết đã xảy ra cho nó. Cái chết xảy đến cho tất cả chúng ta.
Một cánh cửa trong nhà trang trại mở ra, rồi tôi nghe tiếng bước chân trên lối đi. Lát sau, bà cụ ngồi xuống cạnh tôi. “Ta đem cho cháu một tách trà này,” bà nói. “Và một miếng bánh mì kẹp phô mai với cà chua. Cháu ra ngoài đây được một lúc rồi. Ta còn tưởng cháu gục rồi cơ.”
“Con cũng gần như đã vậy,” tôi nói với bà. Rồi, “Cảm ơn bà.” Khi ngồi đó, tôi không nhận thấy trời đã chạng vạng từ lúc nào.
Tôi uống trà, nhấp từng ngụm rồi nhìn người phụ nữ, lần này nhìn thật kỹ. Tôi so sánh bà với ký ức của mình bốn mươi năm về trước. Tôi hỏi, “Bà không phải là mẹ của chị Lettie. Bà là bà của chị ấy, đúng không ạ? Bà là bà Hempstock ạ?”
“Phải,” bà nói, giọng thản nhiên. “Ăn bánh mì kẹp đi.”
Tôi cắn một miếng bánh mì kẹp. Nó ngon, thật sự rất ngon. Bánh mì mới nướng, phô mai mặn nồng cùng kiểu cà chua thực sự ra mùi vị.
Tôi ngợp trong ký ức và muốn biết nó nghĩa là sao. Tôi hỏi, “Chuyện ấy có thật không ạ?” và cảm thấy mình thật ngu ngốc. Trong mọi câu có thể hỏi, tôi lại đi hỏi câu ấy.
Bà Hempstock nhún vai. “Những điều cháu còn nhớ được ư? Có lẽ là thật. Không ít thì nhiều. Những người khác nhau nhớ mọi thứ theo nhiều cách khác nhau nên ta sẽ không bao giờ thấy có hai người nào nhớ cái gì y như nhau, dù họ có ở đấy hay không. Hai người đứng cạnh nhau mà có thể cách xa nhau hàng bao lục địa, bất kể tất cả điều ấy có nghĩa là gì đi nữa.”
Còn một câu nữa tôi cần có câu trả lời. Tôi hỏi, “Sao con lại đến đây?”
Bà nhìn tôi như thể đó là câu hỏi mẹo. “Đám tang,” bà nói. “Cháu muốn tránh xa mọi người và được một mình. Nên trước hết, cháu chạy xe về lại nơi cháu từng sống ngày còn là một cậu bé, thế rồi khi việc ấy không đem lại cho cháu cái mình nhớ mong, cháu đến đây, bao giờ cũng vậy.”
“Bao giờ cũng vậy sao?” Tôi nhấp thêm chút trà. Trà hãy còn nóng và khá đậm: một tách trà đặc hoàn hảo. Ta cắm cái thìa vào cũng còn được, như bố tôi vẫn nói về tách trà làm bố hài lòng.
‘Bao giờ cháu cũng thế,” bà lặp lại.
“Không đâu,” tôi đáp. “Từ ngày, à, từ ngày chị Lettie sang Úc đến nay, con không tới đây. Từ bữa tiệc tiễn chị đi xa.” Thế rồi tôi nói, “Mà chuyện đó cũng chưa từng xảy ra. Bà hiểu ý con mà.”
“Thỉnh thoảng cháu có quay lại,” bà nói. “Ta còn nhớ ngày cháu hai mươi bốn tuổi, cháu có đến đây. Cháu có hai đứa con nhỏ, và cháu rất sợ hãi. Cháu cũng lại đến đây trước khi bỏ vùng này mà đi: lúc ấy cháu, sao nhỉ, độ ba mươi mấy chăng? Ta cho cháu ăn một bữa ngon lành trong bếp, rồi cháu kể ta nghe về những ước mơ và thứ nghệ thuật cháu đang làm.”
“Con không nhớ.”
Bà hất tóc lòa xòa trên mắt. “Vậy thì dễ dàng hơn.”
Tôi nhấp trà và ăn nốt miếng bánh mì kẹp. Cái tách màu trắng, cái đĩa cũng vậy. Chiều hè bất tận đang sắp tắt.
Tôi hỏi bà lần nữa, “Tại sao con đến đây?”
“Lettie muốn con đến,” có ai đó nói.
Người vừa nói ấy đang đi quanh ao: một người phụ nữ mặc áo choàng nâu, mang ủng cao su. Tôi ngơ ngác nhìn bác. Trông bác trẻ hơn tôi lúc này. Tôi nhớ bác từng to cao như người lớn, nhưng giờ tôi lại thấy bác đâu độ gần bốn mươi. Tôi nhớ bác đẫy đà nhưng tròn trịa và duyên dáng theo kiểu má đỏ au. Bác vẫn là Ginnie Hempstock, mẹ của Lettie, và tôi chắc chắn là bác trông hệt như chính bác độ bốn chục năm về trước.
Bác ngồi xuống băng ghế bên cạnh tôi, vậy là tôi ngồi giữa hai người phụ nữ nhà Hempstock. Bác nói, “Ta nghĩ Lettie chỉ muốn biết là như vậy có đáng không.”
Cái gì có dáng không ạ?
“Cháu ấy,” bà cụ nói, giọng chua cay.
“Lettie đã làm một điều rất lớn lao cho con,” bác Ginnie nói. “Ta nghĩ con bé chỉ muốn biết tiếp theo sẽ là gì, và chuyện đó có xứng với mọi thứ nó đã làm không.”
“Chị... hy sinh thân mình vì con.”
“Gần như vậy, con yêu,” bác Ginnie nói. “Lũ chim đói đã moi tim con ra. Con đã gào thét thật thảm thiết khi chết dần đi. Con bé không chịu nổi điều đó. Nó phải làm gì đó.”
Tôi cố nhớ lại chuyện này. Tôi nói, “Theo con nhớ thì không phải như vậy.” Tôi nghĩ về trái tim mình, và rồi băn khoăn không biết có còn mảnh lối đi lạnh lẽo nào sót lại ở đó không, và nếu quả có thế thì liệu đó là một món quà hay một lời nguyền.
Bà cụ khụt khịt. “Chẳng phải ta vừa nói là chúng ta sẽ không bao giờ thấy có hai người nhớ được gì y như nhau hay sao?” bà hỏi.
“Con nói chuyện với chị có được không ạ?”
“Nó đang ngủ,” mẹ của Lettie nói. “Nó đang hồi phục. Nó chưa nói chuyện đâu.”
“Đến bao giờ nó xong việc ở chỗ nó đang ở đã,” bà của Lettie nói và khoát tay, nhưng tôi không biết bà cụ đang chỉ ao vịt hay bầu trời.
“Là bao giờ ạ?”
“Khi nào con bé khỏe mạnh và sẵn sàng,” bà cụ trả lời cùng lúc con gái bà nói, “Sớm thôi.”
“Thôi được,” tôi nói. “Nếu chị đưa con tới đây để nhìn con thì hãy để chị nhìn con,” và khi nói vậy thì tôi biết điều đó đã xảy ra rồi. Tôi ngồi ngắm cái ao trên băng ghế đó bao lâu rồi? Khi tôi tưởng nhớ về cô bé thì cô bé đang dò xét tôi. “Ồ. Chị nhìn rồi mà, phải không?”
“Phải, cháu yêu.”
“Vậy con có đạt không?”
Tôi không đọc ra được biểu hiện trên khuôn mặt bà cụ ngồi bên phải trong buổi hoàng hôn tối dần. Bên trái tôi, người phụ nữ trẻ hơn nói, “Là con người thì con không đạt cũng chẳng trượt, con yêu ạ.”
Tôi bỏ tách trà đã hết với đĩa xuống đất.
Bác Ginnie Hempstock nói, “Ta thấy là con đã khá hơn lần cuối chúng ta gặp con rồi đấy. Trước hết là con đang nuôi dưỡng một trái tim mới mẻ.”
Trong ký ức của tôi, người phụ nữ này là ngọn núi, và tôi đã nức nở, thổn thức trên ngực bác. Giờ đây, bác thấp nhỏ hơn tôi nên tôi không làm sao hình dung được chuyện bác vỗ về tôi theo kiểu ấy.
Mặt trăng tròn giữa bầu trời bên trên ao. Tôi không tài nào nhớ được lần sau cùng tôi để ý đến trăng thì đó là tuần trăng nào. Quả thực, tôi không nhớ lần sau cùng đó mình có làm gì khác ngoài liếc nhìn mặt trăng hay không.
“Vậy thì giờ sẽ là chuyện gì ạ?”
“Vẫn như bao lần khác cháu đến đây thôi,” bà cụ nói.
Cháu về nhà.
“Con không còn biết đó là đâu nữa,” tôi bảo họ.
“Con vẫn luôn nói vậy,” bác Ginnie nói.
Trong tâm tưởng tôi, Lettie Hempstock vẫn cao hơn tôi cả cái đầu. Suy cho cùng thì cô bé đã mười một tuổi. Tôi tự hỏi mình sẽ thấy gì - sẽ thấy ai - nếu lúc này cô bé đứng trước mặt.
Mặt trăng trong ao vịt cũng tròn vành vạnh, và tôi nhận ra mình bỗng nghĩ về những người gàn trong câu chuyện cổ nọ, những người dùng lưới vớt mặt trăng trong hồ, tin chắc rằng ánh phản chiếu trong nước thì gần và dễ bắt hơn quả cầu treo trên vòm trời.
Và, tất nhiên, đúng là vậy.
Tôi đứng lên rồi bước mấy bước tới bờ ao. “Chị Lettie,” tôi vừa nói vừa cố phớt lờ hai người phụ nữ sau lưng. “Cảm ơn chị đã cứu mạng em.”
“Lẽ ra từ đầu nó đừng nên dẫn cháu theo, khi nó bỏ đi tìm khởi nguồn mọi chuyện ấy,” bà Hempstock cười khẩy. “Có gì ngăn được nó một mình giải quyết tất cả mọi chuyện đó đâu. Đâu cần phải dẫn cháu theo cho có bầu có bạn, chuyện ngớ ngẩn, ừ thì, đó sẽ là bài học cho nó vào lần sau.”
Tôi quay lại nhìn bà Hempstock. “Có thật là bà còn nhớ lúc mặt trăng được tạo ra không ạ?” tôi hỏi.
“Ta nhớ được nhiều chuyện lắm,” bà nói.
“Con có còn quay lại đây nữa không?” tôi hỏi.
“Điều đó thì cháu không được biết,” bà cụ nói.
“Giờ thì đi đi,” bác Ginnie Hempstock nói dịu dàng. “Có nhiều người đang thắc mắc không biết con đi đâu rồi đấy.
Và khi bác nhắc đến họ, tôi mới lúng túng, hoảng hốt nhận ra là em tôi, chồng nó, con cái nó, hết thảy những người đến chúc tốt lành hay những người đến chia buồn và khách khứa sẽ thấy khó hiểu về chuyện xảy ra với tôi. Tuy vậy, nếu có một ngày họ thấy dễ thứ lỗi cho cung cách lơ đãng của tôi thì đó là hôm nay.
Hôm nay là một ngày dài và nặng nề. Tôi mừng là nó đã qua.
Tôi nói, “Con hy vọng là mình đã không làm phiền.”
“Không, cháu yêu,” bà cụ nói. “Không phiền gì cả.”
Tôi nghe tiếng mèo kêu. Lát sau, nó từ vùng tối đủng đỉnh bước ra giữa vạt trăng sáng. Nó tự tin đi lại bên tôi, dụi đầu vào giày tôi.
Tôi khom xuống bên cạnh nó, gãi gãi lên trán và vuốt lưng nó. Nó là một con mèo đẹp, lông đen mướt, hay tôi hình dung là vậy vì ánh trăng đã nuốt mất sắc màu của vạn vật rồi. Con mèo có đốm trắng bên tai.
Tôi nói, “Con từng có một con mèo thế này. Con gọi nó là Đại Dương. Nó đẹp lắm. Con không thực sự nhớ chuyện gì đã xảy ra với nó.”
“Con đem nó về cho chúng ta,” bác Ginnie Hempstock nói. Bác đưa tay để lên vai tôi, siết lại giây lát; bác vuốt đầu ngón tay lên má tôi như thể tôi là một đứa trẻ hay một tình nhân, rồi bác bỏ đi.
Tôi nhặt đĩa và tách trà lên, cầm theo mình khi bà cụ và tôi bước dọc lối đi quay về căn nhà.
“Mặt trăng quả là sáng tỏ hệt như ban ngày,” tôi nói. “Như trong bài hát ấy.”
“Có trăng tròn thì thật hay,” bà tán thành.
Tôi nói, “Thật là ngộ. Trong một thoáng, con đã nghĩ bà có đến hai người, chuyện đó không kỳ quặc sao?”
“Chỉ có ta thôi,” bà cụ nói. “Bao giờ cũng chỉ có mỗi ta thôi.”
“Con biết,” tôi nói. “Tất nhiên là vậy.”
Tôi định mang đĩa và tách vào bếp rồi cho vào bồn rửa nhưng bà cụ ngăn tôi lại bên cửa. “Giờ cháu nên về với gia đình đi,” bà nói. “Họ sắp cử một tốp đi tìm rồi đấy.”
“Họ sẽ thứ lỗi cho con,” tôi nói. Tôi hy vọng họ sẽ tha thứ. Em tôi sẽ lo lắng, và sẽ có những người mà tôi chẳng mấy quen biết thấy thất vọng vì chưa được nói với tôi là họ rất, rất lấy làm tiếc về mất mát của tôi. “Bà đã rất tử tế. Cho phép con ngồi suy nghĩ ở đây. Bên ao. Con rất biết ơn.”
“Nói bậy,” bà nói. “Chuyện đó thì có gì mà tử tế.”
“Lần tới chị Lettie có viết thư từ Úc về,” tôi nói, “cho con gửi lời chào chị.”
“Ta sẽ nhắn,” bà nói. “Nó sẽ mừng là cháu nghĩ đến nó.” Tôi lên xe và nổ máy. Bà cụ đứng ở cửa, nhìn tôi lịch sự cho đến khi tôi vòng xe lại và chạy về đầu đường làng.
Tôi nhìn lại về phía ngôi nhà trong gương chiếu hậu, một ảo ảnh ánh sáng làm cho giống như có hai mặt trăng lơ lửng bên trên nó, như một cặp mắt ở trên dõi theo tôi: một mặt trăng tròn đầy vành vạnh, còn cái kia, em sinh đôi của nó ở bên kia bầu trời, là một vầng trăng khuyết.
Tò mò, tôi quay người lại nhìn: chỉ có vỏn vẹn một mảnh trăng khuyết treo trên căn nhà trang trại, bình yên, trắng nhợt và toàn bích.
Tôi tự hỏi ảo giác về mặt trăng thứ hai từ đâu mà ra, nhưng tôi chỉ băn khoăn một thoáng rồi xua nó khỏi nghĩ suy. Tôi quyết định sẽ nghĩ rằng có lẽ đó là một dư ảnh hay một bóng ma: cái gì đó lay động tâm trí tôi trong một thoáng, mạnh mẽ đến mức tôi tin là nó có thật, nhưng giờ đã mất, rồi nhạt nhòa vào dĩ vãng như một ký ức bị lãng quên hay một bóng đen chìm vào hoàng hôn.
Đại Dương Cuối Đường Làng Đại Dương Cuối Đường Làng - Neil Gaiman Đại Dương Cuối Đường Làng