Nguyên tác: Nils Holgerssons Underbara Resa Genom Sverige
Số lần đọc/download: 174 / 13
Cập nhật: 2020-07-08 19:35:51 +0700
Chương 17 - Câu Chuyện Giữa Tầng Mây Với Mặt Đất[47]
Chú bé suốt đêm không ngủ, nhưng sáng ra chú thiếp đi và mê thấy bố mẹ. Chú chỉ hơi nhận ra bố mẹ thôi. Cả hai đều đã tóc bạc da mồi. Bố mẹ nói với chú là họ già như thế là vì đã tiếc nhớ chú quá chừng. Chú cảm động và ngạc nhiên, vì chú vẫn tưởng là bố mẹ sẽ hài lòng khi tống được chú đi.
Lúc Nils thức giấc thì buổi sáng đẹp trời và trong trẻo. Chú ăn một miếng bánh mì tìm được trong bếp, rồi lấy cỏ, rơm cho con bò cái và hai con ngỗng, và sau cùng mở cửa chuồng bò cho bò cái có thể sang cái trại bên cạnh. Những người hàng xóm trông thấy bò liền hiểu rằng đã có việc gì đó xảy ra cho bà chủ nó. Họ chạy sang, thấy thi hài của bà và chôn cất cho bà. Đôi ngỗng và chú bé cất cánh lên không. Chẳng mấy chốc họ trông thấy một quả núi cao, sườn gần thẳng đứng và đỉnh như bị cắt cụt; chúng hiểu rằng đó phải là núi Taberg.[48] Trên đỉnh, Akka cùng Yksi và Kaksi, Kolmi và Neljä, Viisi và Kuusi, và sáu ngỗng con đang chờ. Thật là vui, những tiếng tục tục, những tiếng kêu và những tiếng vỗ cánh không thể tả được, khi người ta thấy ngỗng đực và Lông Tơ Mịn đưa Tí Hon trở về.
Rừng mọc theo các sườn núi lên rất cao, nhưng trên đỉnh thì trơ trọi, và từ đấy tầm mắt nhìn ra rất rộng. Phía đông, phía nam và phía tây, chỉ thấy có một cao nguyên khá nghèo với những rừng tùng màu nâu sẫm, những mặt hồ còn đóng băng và những sống núi xanh xanh dần. Những cái đó cho thấy rằng đấng Sáng Thế[49] đã làm việc vội vàng và không chút chuyên chú. Nhưng mà nhìn về phía nam thì khác hẳn. Ở đấy, đất đai tựa hồ được xếp đặt một cách âu yếm và chăm chút hết sức. Khắp nơi, những ngọn núi đẹp, những thung lũng dịu dàng và những dòng sông uốn lượn chảy đến tận hồ lớn Vettern[50] mà băng đã tan và đang lóng lánh ánh dương quang, tưởng chừng không phải chứa nước, mà chứa đầy ánh sáng xanh lơ.
Hồ Vettern làm đẹp hẳn tất cả mạn bắc; có thể nói rằng một ánh hồi quang màu thanh thiên đã hiện lên từ đó, và tỏa ra khắp mặt đất. Những khóm cây, những ngọn đồi, những mái nhà, những mũi tên, thành phố Jưnkưping,[51] tất cả đều đắm mình trong một ánh quang minh biêng biếc dịu dàng, như vuốt ve mắt người ngắm cảnh.
Ngày hôm sau, tiếp tục cuộc lữ hành, đàn ngỗng bay ngược thung lũng xanh biếc kia. Khí sắc vui vẻ hết sức, chúng kêu không ngớt, đến nỗi chẳng một ai có đôi tai mà có thể tự miễn không nghe chúng được. Với lại, trong miền này, hôm nay là ngày xuân đẹp đầu tiên. Cho đến lúc ấy, mùa xuân đã làm công việc của mình nhờ những cơn mưa và những trận bão. Phải buổi đẹp trời như thế này thì nỗi nhớ nhung mùa hè nắng ấm và rừng xanh mới xâm chiếm lòng người, khiến họ thấy công việc hàng ngày thật là nặng nhọc. Khi các ngỗng trời bay qua, tự do và nhẹ nhàng, nhanh nhẹn trên kia, bên trên mặt đất, thì chẳng một ai là không bỏ dở công việc mà nhìn dõi theo.
Những kẻ đầu tiên ngày hôm đó trông thấy ngỗng là những thợ mỏ ở núi Taberg, đang đào quặng ở sát mặt đất. Nghe ngỗng kêu, họ ngừng đào và một người trong bọn họ kêu lên: “Đi đâu đấy? Đi đâu đấy?”
Đàn ngỗng nghe không hiểu mấy lời ấy, nhưng chú bé nghiêng mình xuống và kêu: “Đi đến nơi không có cuốc chim, cũng không có búa tạ.”
Nghe thấy thế, những người thợ mỏ tưởng rằng chính nỗi nhớ nhung của họ đã làm cho họ nghe tiếng những con ngỗng mà như một tiếng người.
- Cho chúng tôi đi với! Cho chúng tôi đi với! Họ gọi.
- Năm nay chưa được, năm nay chưa được. Nils đáp lại.
Đàn ngỗng trời vẫn kêu ầm ĩ, bay theo dòng sông Taberg sang phía hồ Monk. Trên eo đất dài và hẹp giữa hồ Monk và hồ Vettern mọc lên thành phố Jưnkưping với những nhà máy lớn. Trước tiên đàn ngỗng bay trên nhà máy giấy Monk. Đúng là giờ vào làm việc lại sau bữa ăn trưa, và những toán công nhân đi về phía cổng nhà máy. Nghe tiếng ngỗng, họ dừng lại một lát, lắng tai: “Đi đâu đấy? Đi đâu đấy?” Một công nhân hỏi lên. Đàn ngỗng không hiểu, nhưng mà chú bé trả lời:
“Đi đến nơi không có máy, cũng không có nồi hơi”.
Những người công nhân tưởng nghe tiếng của chính nỗi nhớ nhung của họ.
- Cho chúng tôi đi với! Cho chúng tôi đi với! Nhiều người trong bọn họ kêu lên.
- Năm nay chưa được, năm nay chưa được! Nils trả lời.
Đàn ngỗng bay trên nhà máy diêm nổi tiếng nằm bên bờ hồ Vettern, to tựa một tòa thành lũy, dang thẳng lên trời những ống khói cao. Chẳng một ai nhúc nhích ngoài sân, nhưng trong một phòng rộng, những cô thợ trẻ đang đóng diêm vào hộp. Vì trời đẹp, các cô đã mở ra một cửa sổ, và qua cửa sổ ấy tiếng đàn ngỗng vang đến tận các cô. Một cô gái nghiêng mình ra ngoài, tay cầm cái hộp, hỏi lên: Đi đâu đấy? Đi đâu đấy?
- Đến xứ không cần ánh sáng, cũng không cần diêm! Nils nói xuống.
Cô gái nghĩ là cô nghe rõ tiếng tục tục của ngỗng, nhưng tưởng như có nghe ra vài tiếng người, nên cô đáp lời:
- Cho chúng tôi đi với! Cho chúng tôi đi với!
- Năm nay chưa được, năm nay chưa được, Nils trả lời.
Ở phía đông các nhà máy, Jưnkưping mọc lên giữa một cảnh trí đẹp nhất mà một thành phố có thể ao ước. Hồ Vettern hẹp, bờ cao và dốc đứng bên đông cũng như bên tây, nhưng mà ở mũi phía nam, những lũy cát hình như đã bị phá đi để thông một cái cổng lớn đi ra bờ hồ. Ở chính giữa cổng, thành phố trải ra với núi bên đông và núi bên tây, với hồ Monk phía sau và hồ Vettern phía trước.
Đàn ngỗng bay qua Jưnkưping vẫn kêu inh ỏi như vậy, nhưng mà trong thành phố, chẳng một ai để ý. Đừng mong thấy những người dân thành thị dừng lại giữa đường phố để gọi những con ngỗng trời.
Cuộc lữ hành tiếp tục dọc hồ Vettern. Đàn ngỗng đến trên viện điều dưỡng Sanna. Vài người bệnh ra ngoài sân để hưởng không khí mùa xuân, họ nghe tiếng ngỗng. Một người trong bọn họ hỏi, giọng yếu đến nỗi chỉ khẽ nghe thấy mà thôi: - Đi đâu đấy? Đi đâu đấy?
- Đến xứ không có đau đớn, cũng không có khổ sở - chú bé đáp lại.
- Cho chúng tôi đi với!
- Năm nay chưa được, năm nay chưa được, Nils trả lời.
Xa tí nữa, đàn ngỗng đến Huskvarna ở cuối một thung lũng. Núi đẹp, hiểm trở bao quanh. Một dòng sông đổ xuống thành một chuỗi thác dài và hẹp. Những nhà máy lớn và những xưởng thợ dựa vào các sườn núi; trong thung lũng dựng lên những nhà ở của công nhân, có vườn nhỏ bao quanh, và ở giữa các nhà là trường học. Lúc đàn ngỗng bay đến thì một cái chuông đánh lên, một đàn trẻ con xếp hàng ra khỏi trường. Chúng đông đến nỗi sân chơi chẳng mấy chốc mà chật ních. Nghe tiếng ngỗng, đàn trẻ kêu lên: Đi đâu đấy? Đi đâu đấy?
- Đến nơi không có sách vở, cũng không có trường học, chú bé đáp lại.
- Đem chúng tôi đi với! Đem chúng tôi đi với!
- Năm nay chưa được, năm nay chưa được! Năm khác vậy! Nils trả lời.