Số lần đọc/download: 1642 / 18
Cập nhật: 2015-08-30 18:13:25 +0700
Chương 16: Luận Anh Hùng
- Luận về sức mạnh ở chốn núi rừng thì Đệ nhất anh hùng là Đại vương Sư tử, Đệ nhị anh hùng là Thỏ chứ ai vào đó nữa?
Voi nghe câu ấy không khỏi xốn tai, nhưng mình vừa thua nó sờ sờ ra đó đành phải chấp nhận chứ biết sao?
Thỏ hỏi Voi và Gấu:
- Đệ tam anh hùng về phần bác Voi hay bác Cọp?
Voi nói:
- Bác và Cọp không mấy khi đụng độ với nhau. Vừa trông thấy từ đàng xa đã tìm cách tránh mỗi người một ngả.
Gấu ngắt lời:
- Nhưng nếu buộc lòng hai bác phải xáp trận với nhau thì sao?
Voi suy nghĩ trong chốc lát, chậm rãi đáp:
- Kể ra thì Cọp lanh lẹn hơn tôi, y lại có những nanh vuốt nhọn. Nếu y mà nhảy được lên đầu lên cổ, bấu vào tai vào mắt chắc tôi không sao chịu nổi nhưng chết thì nhất định không sao làm tôi chết được. Nhưng nếu tôi lừa được y mà ép vào núi đá hay lấy chân đạp mạnh lên mình y rồi dùng ngà nhọn mà đâm thì y không sao sống nổi. Đó là điều tôi phỏng đoán vậy thôi chứ sự thật chưa bao giờ xảy ra.
Thỏ:
- Cháu thưa để hai bác biết, chính mắt cháu đã trông thấy cuộc tranh hùng giữa một bác voi và một bác cọp.
- Thôi, mầy đừng bịa chuyện ra nữa, không ai tin đâu.
Voi cứ nghĩ rằng Thỏ nói láo.
- Cháu xin thề trên có trời cao, dưới có đất thâm, chung quanh có núi sông, đối với hai bác cháu không bao giờ dám đặt chuyện ra mà nói cả.
Gấu hỏi:
- Thế thì mầy trông thấy thế nào, từ bao giờ, hãy thuật lại cho tao và bác Voi nghe thử.
- Cháu xin kể lại có đầu có đuôi, có xuôi có ngược, thấy sao nói vậy không thêm không bớt mảy may nào.
Thỏ tằng hắng một tiếng rồi bắt đầu vào chuyện:
"Số là một hôm, cách đây đâu chừng một năm, anh Ngựa Bạch bị một ông phò mã, quất mấy roi về tội gì đó không rõ, anh bỏ cả lầu son gác tía, bỏ cả mỹ vị cao lương, trở về chốn núi rừng là quê hương xứ sở. Tình cờ anh gặp cháu. Anh bảo rằng: ‘Thà chịu cam khổ mà được tự do còn hơn sung sướng mà bị đánh đập ràng buộc’. Trong lúc rời bỏ Kinh thành để chạy lên rừng xanh, anh Ngựa Bạch đã chạy ngang qua Sở Hổ Quyền là nơi loài người lập ra, bắt Voi Cọp đấu với nhau làm trò giải trí. Anh Ngựa gặp một anh Chuột đang đứng hóng mát. Anh Chuột thích du sơn du thủy mà chưa có dịp, liền nhờ anh Ngựa chở đi cho biết đó biết đây. Cũng nhờ thế mà Chuột với cháu mới có cơ hội làm quen với nhau.
Lúc trở về, anh rủ cháu đi theo. Bản tánh của cháu không muốn đi đâu xa, nhưng rồi cũng đánh liều một phen rời khỏi khu rừng thân yêu, về Kinh Đô xem chơi cho biết. Hai miền thành thị và sơn lâm thật khác nhau một trời một vực, thuật lại không bao giờ hết. Cháu ở chơi với anh Chuột hai hôm, định cáo từ thì anh giữ cháu lại và nói: ‘Ngày mai sẽ có trận đấu Voi-Cọp ngay trước mặt nhà tôi, vui lắm. Anh hãy lưu lại thêm một hôm nữa mà xem cho biết’.
Tưởng cháu cũng nên thưa để hai bác biết, đấu trường đào sâu như cả một cái hố rộng lớn. Giữa lòng chảo lát gạch phẳng lỳ, người xem ngồi trên nhìn xuống.
Hôm khai diễn trận đấu khán giả đông vô số. Có vua và các hoàng tử công chúa này, có bá quan này, có lính hầu hạ này. Người ta đã đào sẵn một đường hầm để đưa bác Voi và bác Cọp vào giữa lòng chảo đấu trường. Anh Chuột đào chân tường để làm hang nên cháu và anh đứng trong nhà nhìn ra trông rõ mồn một. Chao ôi! Cháu nhìn thấy bác Cọp mới thảm hại làm sao! Thật không sao cầm được nước mắt. Ở chốn sơn lâm nghênh ngang biên thùy một cõi, chỉ nhường bước có Sư tử Đại vương. Khi bác gầm thét chim muông đều khiếp sợ. Thế mà nay bác ngồi co ro trong cái cũi song sắt, cổ mang một sợi xích dài, mồm may trít hai môi lại, mấy vuốt nhọn ở chân đều bị cắt sạch trụi sạch trơn. Giữa đấu trường đã trồng sẵn một cái cọc to tướng và khi bác Cọp bị đuổi ra khỏi chuồng thì sợi xích sắt, một người lính đóng chặt vào cọc. Như thế bác Cọp chỉ có thể chạy quanh quẩn giữa lòng chảo mà không thể thoát đi đâu được.
Bác Voi đến sau, không bị xiềng xích gì cả và cũng không bị nhốt vào cũi. Nhưng sau lưng bác Voi có hai người lính mặc áo đỏ viền xanh, đầu đội nón sơn, chân vấn xà cạp, mỗi người tay cầm một cái mác lào.
Bác nói đúng đấy, bản tính đồng loại của bác hiền lành không hay gây sự nên trông thấy Cọp thì đi chệch sang một bên chứ không hướng thẳng về phía bác Cọp đang nằm nép chờ đợi.
Nhưng hai người lính đâu chịu để cho bác Voi yên, họ lấy mác nhọn đâm vào hai bắp vế của bác đến chảy máu ròng ròng, bắt phải chiến đấu với bác Cọp. Khi Voi Cọp đều nổi cơn thịnh nộ, gườm gườm nhìn nhau quyết một còn một mất, mấy người lính mới từ từ rút lui ra ngoài đứng và đóng cửa đấu trường lại.
Cọp phóc lên lưng Voi định cào cấu, nhưng những móng nhọn đã bị vặt trụi cả rồi, mồm cũng không sao cắn được, Cọp chỉ còn cách lấy chân trước giáng mạnh xuống đầu Voi những đòn đích đáng khiến Voi lảo đảo long cả đầu óc. Voi cơn giận bốc lên bừng bừng, lắc mấy cái cho cọp rơi xuống. Nhưng Cọp ôm chặt lấy đầu Voi không chịu thả. Voi đưa cao vòi lên, vói ra đàng sau định vớ Cọp nhưng Cọp lại lấy chân tát một cái nữa vào vòi khiến Voi đau không sao tả xiết. Voi mới nghĩ đến mưu, nằm ngã lăn ra đất cho Cọp phải lăn theo, rồi nhanh như chớp đứng lên lấy chân dẫm lên thân hình Cọp. Cọp xoay mình tránh né không ngờ chạm phải bức thành của đấu trường. Vả lại sợi xiềng ở cổ Cọp không được dài lắm. Cọp không thể nhích ra xa hơn nữa. Voi thừa thế dùng vòi vấn lấy Cọp, tung lên cao rồi chờ khi rơi xuống đất thì lấy ngà đâm mạnh vào bụng Cọp, rạch thành một đường dài, gan ruột đổ ra ngoài ngã xuống trông chẳng khác gì một đống thịt vụn".
Kể xong, Thỏ kết luận:
- Trận đấu ấy, theo con mắt của cháu, tuy Voi thắng Cọp nhưng thắng mà không vinh hiển, vì nếu Cọp không bị cắt hết vuốt nhọn, không bị may miệng, tròng xích vào cổ thì dễ gì Voi đã giết được Cọp.
- Bác công nhận lời nói của cháu đúng, nhưng da của bác dày bịch như thế này, Cọp cũng chẳng làm gì xuể.
Thỏ tiếp:
- Như thế thì hai bác đều là đệ tam anh hùng đồng hạng. Dưới nữa đến các bác: Gấu, Beo, Lợn Lòi, Tê Giác, Trâu Núi, Trâu Nước v.v... Mang, Nai, Chồn, Nhím đứng vào hạng bét... Đó là cháu nói phỏng chừng thôi, chứ bao giờ cháu lập được võ đài, tổ chức những cuộc tranh hùng giữa những anh tài tứ xứ, khi đó việc xếp hạng mới có giá trị. Còn bây giờ thì có ba cao thủ không ai chối cãi được là: Đại vương Sư tử, Trung vương Thỏ và Tiểu vương Voi Cọp.