Số lần đọc/download: 360 / 17
Cập nhật: 2019-05-14 10:23:21 +0700
Chương 17 - Các Cô Gái
N
ếu các chàng trai của bà Jo khiến chúng ta đặc biệt quan tâm thì chúng ta cũng không vì thế mà không biết đến những người giữ một vai trò quan trọng trong nền cộng hòa Plumfield và qua tài năng của họ có lẽ sẽ giữ những vị trí quan trọng trong xã hội.
Vì vậy trong nền giáo dục dành cho các cô gái không hề có một sự khinh miệt cũng như từ bỏ các công việc theo truyền thống dành cho phụ nữ. Trái lại, bằng chứng là các buổi học may vá ngày thứ bảy trở thành thói quen bền chắc, được gợi ý từ những công việc mà ba chị em ngày trước đã làm nhiều giờ liền. Theo thời gian, mấy hộp đồ may trở thành những giỏ to đầy những ga gối và quần áo cần phải mạng lại hoặc khâu vá. Vì vậy cả ba cố gắng tìm gặp nhau ở nhà người này hoặc người kia mỗi ngày thứ bảy. Ở đó họ cùng với các con gái của mình đọc sách, khâu, chuyện trò thoải mái. Họ nói về chuyện nấu ăn hoặc các bài thuốc, về thêu thùa hoặc văn chương.
Bà Meg là người đầu tiên đề nghị mở rộng nhóm này. Bà thấy chương trình giáo dục các cô gái ở nhà trường có một thiếu sót, các cô gái chỉ biết đến môn Latinh hoặc Toán. Mấy buổi họp mặt đó thành công đến mức người ta nhanh chóng quyết định sẽ biến nhà bảo tàng cũ thành phòng dạy may. Nó được trang bị mấy chiếc máy khâu, mấy chiếc bàn, mấy chiếc ghế phô tơi tiện nghi và một lò sưởi ấm áp. Như vậy, dù cho thời tiết đẹp hay xấu, các cây kim khâu vẫn hăng say hoạt động.
Ở đấy bà Meg ngự trị như một bà hoàng, với sự phụ tá của Daisy. Bà trang trí cho một chiếc mũ, thêm một mẩu ren hoặc ruy băng vào chiếc váy đơn giản, như vậy tiết kiệm được những khoản chi vô ích cho các cô gái không giàu. Bà Amy gợi ý nên chọn màu nào cho phù hợp với nước da mỗi cô. Bess đọc sách cho mọi người cùng nghe. Josie ngâm các bài thơ và các đoạn hội thoại mà chú em khuyên nên tập. Bà Jo nói về vệ sinh, giáo lí, chính trị, và đủ thứ đề tài khiến mọi người quan tâm.
Một hôm, có cuộc tranh luận sôi nổi về con đường công danh của phụ nữ. Bà Jo đã đọc một bài viết về đề tài đó và hỏi cả chục cô gái đang có mặt, các cô định làm gì khi rời trường trung học.
Các câu trả lời không có gì độc đáo cả: “Con sẽ dạy học, con sẽ giúp đỡ mẹ con, con sẽ học y, nghệ thuật” v.v… Nhưng gần như cô nào cũng kết luận với câu như sau: “Cho đến khi nào con lấy chồng”.
– Nhưng nếu như các con không lấy chồng? - Bà Jo nhấn mạnh.
– Chúng con sẽ sống một mình, con nghĩ thế. Đáng sợ, nhưng không tránh được, vì có bao nhiêu là phụ nữ. - Một cô gái hăng hái đáp. Cô rất xinh đẹp nên chắc chắn chẳng phải lo sẽ gặp một số phận như thế trừ khi cô tự chọn lấy.
– Cần phải tính đến khả năng đó và sắp xếp làm sao để các con trở nên có ích, và không là kẻ thừa. Nếu những phụ nữ sống độc thân thường là những người góa bụa, thì ta không nên xem việc ta độc thân là một điều nhục nhã.
– Người ta không chế nhạo các cô gái già như thường nói. Nhiều người trong số họ đã chứng minh cho thấy phụ nữ không phải là phân nửa của một con người, mà là một con người toàn diện, và có thể xoay xở một mình được.
– Không phải ai cũng có số phận đặc biệt. Mấy người kia có thể làm gì hơn là ngồi ở một góc và nhìn mà không làm gì cả? - Một cô gái không mấy xinh đẹp nói vẻ chán chường.
– Cố vui vẻ, bằng lòng với số phận, ít nhất là như vậy. Nhưng có bao nhiêu thứ mà không ai muốn làm. - Bà Meg nói, đặt chiếc mũ vừa làm xong lên đầu cô gái.
– Cám ơn bác nhiều. Phải, thưa bác Brooke, đây là một vật bé nhỏ nhưng con thích. - Cô gái nói, mắt sáng lên, chứng tỏ cô đã hiểu bài học được giảng thật tế nhị.
– Người phụ nữ tốt nhất mà ta từng quen biết chỉ làm những công việc nhỏ suốt nhiều năm liền: nhận mấy đứa trẻ bị bỏ rơi và đưa chúng vào các gia đình tử tế, chăm lo cho những kẻ thiếu thốn, khâu, đan, gom góp tiền, làm việc cho mọi người ngày này qua ngày khác, không chờ đợi phần thưởng cũng như lời cảm ơn. Đó là một cuộc sống thật có giá trị. Ta tin chắc người phụ nữ khiêm nhường đó có được chiếc ghế trên Thiên đàng tốt hơn nhiều người được nhắc đến trên cõi đời này.
– Con công nhận, thật là tuyệt, thưa bà Bhaer. Nhưng đối với thanh niên thì không có gì vui cả. Bọn con phải vui đùa một chút trước khi cột mình vào công việc. - Một cô gái nét mặt lanh lợi nói.
– Con hãy vui chơi đi, con thân mến, nhưng các con cần phải kiếm sống. Hãy làm sao cho miếng cơm các con ăn được ngon hơn nhờ sự vui vẻ, chứ không cay đắng vì mấy giọt nước mắt. Khi còn trẻ, ta thấy số phận của ta không có gì để cho người khác thèm thuồng cả: ta phải giải khuây cho một bà cụ, một người khiến ta rụt rè e sợ. Nhưng những quyển sách tìm thấy trong thư viện nhà bà đã cho ta rất nhiều, và cụ cho ta thừa kế Plumfield!
– Trời ơi! Nếu con có được ngôi nhà đẹp đẽ như thế thì con sẽ hát suốt ngày như một thiên thần!
– Đừng nên làm thứ gì chỉ để nhận được phần thưởng. Đến lúc, tự nó sẽ đến một cách bất ngờ. Suốt mùa đông, ta đã làm việc vì tiền và để được nổi tiếng. Nhưng ta không có được thứ nào cả, và ta thất vọng. Chỉ mãi về sau ta mới hiểu ta đã có thứ gì: một nghề với ngòi bút, và giáo sư Bhaer!
Tiếng cười của bà Jo được các cô gái nối tiếp thật vui vẻ. Các cô đánh giá cao những cuộc trò chuyện như thế này.
– Bà là một phụ nữ thật hạnh phúc. - Cô gái có nét mặt cau có bắt đầu.
– Phải, nhưng lúc bấy giờ chúng ta gọi dì ấy là “Jo đáng thương”. Vì không bao giờ dì ấy có được cái mình muốn. - Bà Meg nói.
– Vậy thì, con sẽ bỏ hết mọi hi vọng, và để cho số phận an bài, chỉ mong sao được giúp đỡ kẻ khác.
– Các con đừng quên câu ngạn ngữ quý báu này: “Hãy làm những gì bạn phải làm, và chuyện gì phải đến sẽ đến”. - Bà Jo nói.
– Đó đúng là việc chúng con nên làm nếu như chúng con sống độc thân. - Cô gái xinh đẹp nói. - Con nghĩ việc này sẽ làm con thích thú. Nghĩ cho cùng, đàn ông thật gia trưởng. Cô Jenny của con luôn làm những điều mình muốn mà không cần phải hỏi ý kiến ai. Nhưng mẹ con thì lúc nào cũng phải hỏi ý kiến bố con!
– Ta đồng ý, nhưng con sẽ thấy, con là người đầu tiên lao vào hôn nhân.
– Nếu như vậy, thì con sẵn sàng cho mọi thứ và nhận lấy thứ gì số phận dành cho con.
– Con chuẩn bị tốt về tinh thần đó, Nelly. Hãy cứ như thế và rồi con sẽ thấy cuộc đời tươi đẹp bên cạnh một trái tim nhân hậu và một bàn tay biết giúp đỡ.
– Không ai phản đối khi ta làm những công việc nội trợ hoặc có những thú vui thời thượng. Nhưng khi liên quan đến vấn đề học hành, thì người ta bảo ngay chúng ta không có khả năng chịu đựng và khuyên chúng ta nên thận trọng. Con đã làm nhiều việc chán ngấy, thế rồi con đến trường trung học, mặc dù thấy trước viễn cảnh thần kinh mệt mỏi và một cái chết sớm!… Bà có nghĩ là thật sự nguy hiểm không? - Một cô gái khỏe mạnh hỏi.
– Thế con bây giờ khỏe mạnh hơn hay là yếu hơn so với lúc con mới đến đây, hai năm trước, Winthrop?
– Khỏe mạnh hơn nhiều về thể xác và hạnh phúc hơn nhiều về tinh thần. Ngày trước con luôn buồn chán, nhưng các bác sĩ bảo người con yếu ớt. Mẹ con lo lắng, vì vậy con không muốn làm gì quá nhanh.
– Đừng lo. Đầu óc hoạt động của con cần những thức ăn tốt. Giờ đây nó đã có tất cả những thứ nó cần, và cuộc sống như hiện tại thích hợp với con hơn là sự xa hoa và phóng đãng. Thật ngốc khi nghĩ các cô gái không thể học hành tốt như con trai. Thế thì hãy sống cuộc sống mà bản năng của các con thúc đẩy và rồi các con sẽ chứng tỏ rằng lao động trí óc là phương thuốc tốt cho sự yếu kém đó hơn bất cứ thứ thuốc bổ nào.
– Bác sĩ Nan đã kể cho con nghe về một nữ bệnh nhân, người cứ nghĩ mình bị bệnh tim cho đến khi chị ấy bảo cô kia nên cởi bớt áo nịt ra, không uống cà phê và khiêu vũ suốt đêm nữa. Sau đó cô kia bắt đầu ăn, ngủ tốt, và có một cuộc sống điều độ, giờ thì không còn nói đến bệnh tật nữa.
– Con đã không còn nhức đầu từ khi đến đây. Mặc dù con làm việc nhiều gấp đôi so với khi ở nhà. Đó là nhờ không khí trong lành, con nghĩ thế, và niềm vui được đối mặt với các chàng trai. - Một cô gái khác nói, vừa vỗ vầng trán rộng của cô với cái đê khâu, như thể đầu óc cô đánh giá cao bài thể dục mà hằng ngày cô bắt nó phải làm.
– Chất lượng chứ không phải số lượng là quan trọng! Đầu chúng ta có lẽ nhỏ hơn của họ, nhưng nó chứa đựng tốt những chức năng mà người ta đòi hỏi. Và nếu như con không nhầm thì chàng trai có chiếc đầu to nhất lớp là người chậm chạp nhất. - Nelly nói.
Ngay lúc đó, cô gái nghiên cứu tiếng Hi Lạp giỏi nhất trường nhìn lên ngơ ngác. Cô đang khâu một tạp dề bằng lụa đen.
– Bác Brooke, con nên viền bề mặt hay bề trái của vải?
– Bề trái, Pierson à; và hãy khâu những mũi thật nhỏ, sẽ đẹp hơn.
Và Pierson thông thái tiếp tục công việc. Cô cảm thấy công việc này còn khó hơn học chữ Hi Lạp cổ.
– Nếu con thích thì ta có thể đưa cho con mẫu cắt chiếc tạp dề mà ta thường mặc để viết hồi trẻ. - Bà Jo đề nghị trong khi cố nhớ lại không biết chiếc hộp sắt nơi bà cất giữ các tác phẩm văn chương hiện đã ra sao rồi.
– Nói về tác giả, tham vọng của con là trở thành một George Eliot* và làm cho cả thế giới phải run lên! Chắc là tuyệt lắm nếu ta có được quyền lực như vậy. Con không thích tiểu thuyết của các tác giả nữ, nhưng những truyện của bà ấy thật đáng ngạc nhiên, bà có thấy thế không thưa bà Bhaer? - Cô gái trán rộng hỏi.
– Có, nhưng ta không thích bằng các truyện của bà Charlotte Bronte*. Tác phẩm của bà ấy có đầu óc nhưng dường như thiếu con tim. Ta nghĩ cuộc sống của bà ấy buồn hơn cuộc sống của bà Bronte nhiều. Ta thán phục nhưng không yêu George Eliot. Mặc dù có tài, nổi tiếng và có tình yêu, ở bà thiếu ánh sáng mà không có nó không một người nào có thể thật sự vĩ đại, tốt và hạnh phúc.
– Con đồng ý với bà, nhưng tác phẩm của bà ấy lãng mạn, mới mẻ và huyền bí. Bà ấy vĩ đại ở một khía cạnh nào đó, cả khi cuộc đời bà không phải luôn luôn được như vậy. Ồ, nhưng mà con thích những người nổi tiếng, và bao giờ con đến Luân Đôn, con hi vọng sẽ gặp được một vài người như thế!
– Con sẽ gặp rất nhiều người bận làm những công việc mà ta đã khuyên con làm. Nhưng nếu như con muốn gặp một phụ nữ vĩ đại thì ta xin thông báo là dì Laurence định chiều nay sẽ đưa một bà đến đây, bà Abercrombie đang dùng cơm trưa với dì ấy, và sau khi viếng thăm trường trung học, hai bà sẽ đến thăm chúng ta. Bà muốn xem phòng may vá của chúng ta, bà ấy rất quan tâm những chuyện như thế.
– Chúa ơi! Con luôn tưởng tượng là các quý ông và quý bà chỉ đi dạo trên những cỗ xe do sáu ngựa kéo, đi khiêu vũ và đến viếng thăm nữ hoàng, mặc những chiếc áo có đuôi dài, đầu kết đầy lông chim. - Một cô gái thốt lên.
– Không đâu. Ngài Abercrombie đến đây để nghiên cứu hệ thống nhà tù Mĩ. Còn vợ ông quan tâm đến các trường học. Cả hai là những con người giản dị, không trẻ cũng không đẹp, và ăn mặc như tất cả mọi người. Chú Laurence đã kể cho ta nghe một người bạn của chú ấy gặp ngài Abercrombie ở sảnh, mặc một chiếc áo ba đơ suy, và đã nhầm tưởng ngài là một người đánh xe. Sau khi ngài Abercrombie tự giới thiệu, người đàn ông đáng thương đã phải thốt lên: “Nhưng tại sao ông không đeo mề đay và kim tuyến chứ?”
Các cô gái bật cười, nhưng không phải là không sửa sang lại quần áo của mình một chút trước khi vị khách đặc biệt đến. Cả bà Jo cũng sửa lại cổ áo, và bà Meg kiểm tra xem chiếc mũ có ngay ngắn không. Bess thì lắc lư mấy lọn tóc của cô còn Josie thì nhìn vào gương.
– Thế chúng con có phải đứng lên khi bà ấy đến không? - Một cô gái hỏi, rõ ràng bị ấn tượng.
– Như vậy sẽ rất lịch sự.
– Thế chúng con có bắt tay bà ấy không?
– Không đâu. Ta sẽ giới thiệu cả nhóm một thể.
– Con hơi tiếc đã không mặc chiếc váy đẹp nhất. Lẽ ra bà nên báo trước cho chúng con biết. - Sally tiếc rẻ.
– Các bạn của con sẽ ngạc nhiên biết bao khi con kể một quý bà thật sự đã đến thăm chúng con! - Một cô khác nói.
– Đừng có tỏ vẻ lần đầu tiên được gặp một quý bà, Milly à. Chúng ta đâu phải là dân đến từ một xứ sở hoang dã. - Cô gái to béo nói. Cô vốn là hậu duệ của những người đến đây trên chiếc tàu Mayflower* và vì vậy, cảm thấy mình ngang hàng với tất cả những chiếc đầu đội vương miện của châu Âu.
– Chú ý, bà ấy kia rồi!
Và cánh cửa mở, bà Laurence và khách mời bước vào.
Thật là một cú sốc khi trông thấy hậu duệ của một danh gia là một phụ nữ to béo, ăn mặc đơn giản, một tay cầm những giấy tờ và tay kia một cuốn sổ ghi chép. Gương mặt bà phảng phất nét đôn hậu, giọng nói sang sảng ấm áp. Cử chỉ của bà khiến người ta có cảm tình. Tất cả con người bà toát ra một vẻ quý phái khiến người ta quên đi vẻ ngoài không mấy khả ái và quần áo xoàng xĩnh.
Sau một bài diễn văn ngắn về lớp học thêu may này, bà Jo hướng đề tài về công việc của bà Abercrombie, vì muốn cho các học sinh của bà thấy được giá trị của lao động và lòng từ thiện.
Các cô gái thấy quý bà này xem tất cả mọi người đều ngang hàng với mình, từ bà Laurence đến cô bé Josie. Khi nghe bà nói về Núi Thơ và Plumfield đầy ngưỡng mộ, không ai có thể nghĩ rằng bà sở hữu một ngôi nhà lớn ở Luân Đôn, một lâu đài ở xứ Wales và một lâu đài cổ ở Ê-cốt.
– Tôi rất hạnh phúc thấy môn học thường bị quên lãng trong giáo dục phụ nữ này đã được dạy dỗ thật tốt ở đây và tôi phải cám ơn bà bạn của tôi, bà Laurence, đã cho tôi cơ hội viếng thăm một nơi tuyệt nhất ở Mĩ.
Những gương mặt tươi cười nhìn quý bà ra về. Khi bà đi khuất các cô gái bày tỏ lòng kính trọng của mình. Lòng kính trọng này không thể sâu sắc hơn nếu như quý bà Abercrombie ra về trên một chiếc xe do sáu con ngựa kéo.
– Con chỉ mong ước mỗi một điều là có được sự oai vệ như quý bà Abercrombie. - Một cô gái nói.
– Phong cách của bà đẹp đẽ và tuyệt vời không thua gì bác Brooke. Hoàn toàn không cứng nhắc hoặc bề trên, như con nghĩ. Bây giờ thì con hiểu rõ bà muốn nói gì, thưa bà Bhaer, khi quả quyết rằng những người có giáo dục hoàn toàn giống nhau dù cho họ xuất thân từ đâu.
– Ta vui mừng thấy các con thích thú với cuộc thăm viếng nhỏ này. - Bà Jo nói tiếp. - Nhưng giờ đây, nếu các con, những người trẻ tuổi, không muốn để cho nước Anh thống trị chúng ta về mọi mặt, thì các con phải cố gắng. Vì các chị em họ của chúng ta bên kia đại dương rất nghiêm túc và không mất thời gian để tự hỏi họ thuộc về giới nào trong xã hội. Họ đến nơi nào bổn phận kêu gọi họ.
– Chúng con sẽ làm hết sức mình, thưa bà. - Các cô gái đáp đồng thanh.
Và các cô rút lui với các giỏ đồ khâu, tự bảo nếu như họ không thể mơ sẽ trở thành một Goerge Eliot, thì các cô cũng có thể trở thành những phụ nữ có ích và độc lập. Những danh hiệu mà các cô nhận được từ những người mà các cô giúp đỡ sẽ còn êm ái hơn những danh hiệu mà một nữ hoàng ban cho.