Số lần đọc/download: 0 / 42
Cập nhật: 2020-10-20 22:07:34 +0700
Chương 15
Đang rôm rả bàn về chuyện mấy trận thắng vang dội của quân Giải phóng miền Nam trong tháng, ông Sắc bỗng đột ngột hỏi ông Ẩn:
- Anh đánh giá thế nào về tay Đình?
- Nói chung đó là loại người tôi không thích.
- Không thích vì lẽ gì?
- Ở đâu tồn tại loại người như tay Đình thì ở đó việc mất đoàn kết nội bộ thường xuyên xảy ra.
Ông Sắc rót nước đưa cho ông Ẩn:
- Theo anh tay Đình chống lại ông Kim vì mục đích gì?
Ông Ẩn cười kín đáo:
- Tôi cũng chịu, không nghĩ ra. Tôi chưa tiếp xúc nhiều với ông Kim, nhưng qua vài lần tranh luận với ông này về Hợp tác xã nông nghiệp, tôi thấy ông Kim là con người bộc trực, thẳng thắn, không biết giấu mình. Một con người sẵn sàng quên mình vì sự nghiệp. Một điều tôi thấy rất quý ở ông ta là lúc nào cũng nghĩ đến người khác. Đặc biệt là lo nghĩ đến cuộc sống no đủ cho nông dân.
Ông Sắc gật gù tán đồng:
- Tôi hoàn toàn tán thành với nhận xét của anh về anh Kim. Tôi đã có dịp nói chuyện với anh Kim nhiều lần. Tôi rất có thiện cảm với anh ấy. Cảm phục nữa là đằng khác. Học vấn của anh Kim không bằng anh và tôi. Nhưng tư duy của anh ấy vượt ra ngoài học vấn của mình. Một con người không bao giờ chấp nhận sự bảo thủ và trì trệ. Đôi lần nói chuyện với anh Kim xong, tôi lại nghĩ vẩn vơ. Không khéo tính cách mạnh mẽ của anh Kim sẽ gây nên mối họa cho anh ấy.
- Bơi ngược dòng nước hay chạy ngược chiều gió, không phải ai cũng an toàn để đi đến đích.
Ông Sắc và ông Ẩn mải nói chuyện không hề để ý đến Đình đang đứng thập thò ở ngoài cửa, tần ngần nửa muốn vào nửa không. Cuối cùng không cưỡng được, Đình bước vào.
- Hai anh đang hội ý à?
Ông Ẩn đáp lại:
- Chúng tôi ngồi uống nước nói chuyện tào lao với nhau chứ có hội ý hội tứ gì đâu. Anh ngồi uống nước.
Đình cầm chén nước ông Sắc đưa:
- Các anh ở Linh Sơn về khi nào?
- Mười hai giờ trưa nay thì về đến đây - Ông Ẩn đáp.
- Tình hình trên ấy thế nào hả anh?
- Bọn mình vừa ngồi lại với nhau để nhận định xong.
- Có đúng là ở Hợp tác xã Cao Sơn có chuyện cho xã viên phá lúa để trồng khoai lang không?
Ông Ẩn bắt đầu cảm thấy khó chịu khi Đình giở món bài cũ ra. Ông nói lạnh nhạt:
- Có chuyện đó nhưng xảy ra cách đây hai vụ lúa rồi.
Đình chưng hửng nhưng cố vớt vát:
- Một hành động phá hoại sản xuất không thể tha thứ được. Nếu không có biện pháp ngăn chặn thế nào cũng tiếp tục phát triển trong các vụ tới.
Ông Sắc nhìn Đình bằng đôi mắt thiếu thiện cảm:
- Anh làm tuyên huấn chưa tìm hiểu kỹ đầu đuôi sự việc đã vội kết luận như vậy thì thật nguy hiểm.
- Lúa là cây lương thực cao cấp mà phá đi để thay vào đó thứ lương thực chỉ dùng để làm chất độn, anh bảo không phải cố tình phá hoại sản xuất là gì?
Ông Ẩn đặt chén nước đang uống xuống bàn:
- Lúc đầu chúng tôi cũng nghĩ như anh. Nhưng khi chúng tôi xuống tận nơi để xem xét thì không phải như thế.
- Có phải do địch phao tin đồn nhảm để gây chiến tranh tâm lí không anh?
Ông Sắc bịt mũi hắt hơi theo lối hài hước của riêng ông, còn ông Ẩn cười thành tiếng:
- Chẳng phải địch phao tin đồn nhảm mà chuyện có thật. Cách đây chừng vài ba vụ lúa gì đó, có một anh đội trưởng ở Hợp tác xã Đằng Xá thấy lúa cấy đã hơn một tháng, nhưng do khâu làm đất không kỹ, lại gặp phải đợt rét đậm dài ngày, phần thì thiếu phân bón nên cây lúa không làm sao lên nổi. Nhìn thấy khả năng mất trắng, anh ta quyết định cho phá số diện tích lúa xấu để thay vào đó cây khoai lang. Việc làm của anh ta lúc đầu cũng bị một số người lên án là phá hoại giống như anh. Nhưng kết quả anh đội trưởng ấy đã cứu cho đội anh ta thoát khỏi nạn đói giáp hạt, trong khi các đội khác mất bao nhiêu công chăm bón cây lúa, kết quả thu chưa được bảy cân thóc một sào, ôm nhau chịu đói.
Đình cười chữa ngượng:
- Thế mà tôi cứ tưởng.
Ông Sắc châm biếm:
- Cũng may là anh chưa đưa chuyện anh đội trưởng phá hoại ấy ra nói ở các hội nghị quân dân chính đảng.
- Tôi giữ một nguyên tắc hết sức nghiêm ngặt của công tác tuyên huấn là chuyện gì chưa nắm chắc thì không khi nào được phát ngôn công khai giữa các đám đông.
- Hôm nay anh không hỏi chúng tôi về chuyện phá lúa trồng khoai lang ở Cao Sơn thì anh sẽ nói gì với những người nghe anh nói chuyện thời sự? Là có kẻ phá hoại sản xuất hay địch phao tin đồn nhảm để gây chiến tranh tâm lí?
- Tất nhiên tôi sẽ tìm hiểu kỹ sự việc trước khi nói chuyện với mọi người.
Thấy thái độ Đình bắt đầu tỏ vẻ không bằng lòng với những lời nói của ông Sắc nên ông Ẩn tìm cách nói sang chuyện khác:
- Tôi thấy anh Đình lúc nào cũng quan tâm đến tình hình của Hợp tác xã nông nghiệp nhỉ.
Đình như bắt được câu chuyện trúng với ý mình nên nói ngay:
- Hiện nay có nhiều cách đánh giá rất khác nhau về hiện tình của các Hợp tác xã nông nghiệp. Vì thế cũng nảy sinh ra các quan điểm khác nhau. Trong đó có nhiều đồng chí cho rằng, do vội vàng muốn đưa Hợp tác xã lên quy mô nên đã đưa năng suất lúa tụt dốc không phanh, đẩy tình cảnh nông dân vào tình cảnh khốn khổ hơn lúc nào hết. Do đó họ muốn làm một cuộc cách mạng đối với Hợp tác xã, mà thực chất là muốn đưa nông dân trở lại con đường làm ăn cá thể…
Ông Sắc cắt lời Đình:
- Ý anh Đình muốn nói đến anh Kim phải không?
- Không phải chỉ một mình đồng chí Kim mà còn rất nhiều đồng chí khác trong Ban chấp hành đảng bộ tỉnh chúng tôi cũng đang có những quan điểm lệch lạc ấy. Nhiều lần tôi đã đề nghị họp Ban chấp hành đảng bộ hoặc thường vụ để đấu tranh với những quan điểm sai trái này, nhưng chẳng hiểu vì lí do gì đồng chí Kim cứ né tránh. Mãi tới hôm vừa rồi mới chịu triệu tập họp thường vụ.
Ông Ẩn tỏ vẻ quan tâm:
- Họp thường vụ có vấn đề gì không?
- Đấu tranh với nhau rất quyết liệt nhưng chẳng đi đến đâu. Tiện đây tôi muốn nghe ý kiến đánh giá của các anh về vấn đề này như thế nào để chúng tôi có cơ sở dựa vào đó để đấu tranh với những quan điểm sai trái đang diễn ra trong đảng bộ của chúng tôi.
- Sao anh không dùng chính kiến riêng của mình để đấu tranh mà phải dựa vào nhận định đánh giá của chúng tôi? - Ông Sắc hỏi.
- Các anh là những phái viên của Ban bí thư cử xuống để nghiên cứu và chỉ đạo phong trào Hợp tác xã nông nghiệp ở Phước Vĩnh, tôi nghĩ những ý kiến của các anh là hết sức chính xác và có sức nặng hơn của tôi.
Ông Ẩn khó chịu ra mặt:
- Anh Đình ạ. Đánh giá chính xác tình hình của các Hợp tác xã nông nghiệp hiện nay không đơn giản như anh nghĩ đâu. Cái đúng, cái sai không có một ranh giới rõ rệt nên rất khó nhận diện. Sau nhiều lần đi khảo sát một số Hợp tác xã trong tỉnh Phước Vĩnh trở về, không phải chúng tôi không gặp phải lúng túng khi đánh giá việc làm của một số Hợp tác xã. Lấy ví dụ như Hợp tác xã Hồng Vân ở huyện Vĩnh Hòa chẳng hạn. Giao ao của Hợp tác cho các hộ gia đình thả cá rồi ăn chia với nhau là sai. Lấy đất của Hợp tác chia cho xã viên làm vụ xen canh cũng là sai. Nhưng những việc làm sai đó lại cải thiện đời sống rõ rệt cho người nông dân. Vậy anh bảo đánh giá thế nào về Hợp tác xã Hồng Vân đây? Tất nhiên khi làm việc với lãnh đạo Vĩnh Hòa và xã Hồng Vân, chúng tôi phê phán kịch liệt việc làm trên. Vì nó đi ngược lại với đường lối tập thể hóa của Đảng ta. Không ngăn chặn kịp thời nó sẽ phát sinh theo một chiều hướng tiêu cực rồi hối không kịp.
- Như vậy, mọi việc làm trái với đường lối tập thể hóa là sai rồi còn gì nữa.
- Có thể sai trên lí thuyết. Còn đánh giá thực tế thì phải cân nhắc cẩn thận. Có thế mới khỏi rơi vào tình trạng tránh một sai lầm này lại mắc phải một sai lầm khác.
Đình gõ gõ mấy ngón tay xuống bàn, đầu gật gù. Cả ông Ẩn lẫn ông Sắc đều không hiểu Đình gật gù vì lí do gì. Thất vọng hay tán thành?
2
Đô cầm trong tay một hộp thịt hộp loại nhỏ đi vào với nét mặt phấn chấn:
- Em kiếm được một hộp thịt hộp loại ba lạng đây rồi. Trưa nay không phải nhai bánh mì với muối vừng nữa đâu.
Ông Kim nhìn hộp thịt trong tay Đô hỏi:
- Cậu kiếm đâu đấy?
- Việc này phải hoàn toàn bí mật. Nhưng xin khẳng định để anh yên tâm là em không hề xâm phạm đến tiêu chuẩn của ai trong cơ quan cả.
Bà Lê vừa cho mấy cái bánh mì vào trong ruột tượng vừa cười:
- Tôi biết chú moi ở đâu rồi.
- Chị bảo em moi ở đâu?
- Chỗ chú Dân phải không?
Đô chưng hửng:
- Chị thánh thật. Làm sao chị biết?
- Hôm qua chú Dân khoe có chú em ở hậu cần sư đoàn 316 vừa biếu chú ấy mấy hộp thịt hộp, đang định đem qua biếu anh chú một hộp. Có lẽ là hộp chú đang cầm trong tay đấy.
- Hộp này là do em moi, nằm ngoài tiêu chuẩn biếu cho anh chị.
- Có thịt hộp nhưng vẫn phải cầm muối vừng đi theo đấy nhé - Ông Kim dặn.
Đô hỏi:
- Có thịt hộp rồi cầm muối đi theo làm gì hả anh?
- Bảo cầm theo là cứ cầm. Thịt hộp có việc của thịt hộp, muối vừng có việc của muối vừng.
Ông Côn đi vào với dáng vẻ vội vàng.
- May quá. Cứ tưởng anh đi rồi.
- Cũng chuẩn bị đi đây. Có việc gì mà trông ông có vẻ vội vàng thế?
- Tôi định xin anh mấy chữ yêu cầu Ty Nông nghiệp tìm giống ngô và khoai tây cấp cho Đạo Thắng.
- Sao lại là tớ. Việc này phải nói với lão Quốc chứ. Bí thư làm thay công việc của chủ tịch tỉnh sao được?
- Nguyên tắc thì thế thật, nhưng anh Quốc hiền quá, nói Ty Nông nghiệp không chịu nghe đâu.
Ông Kim cười:
- Các ông biến tớ thành con ngáo ộp từ khi nào thế?
- Chẳng phải ngáo ộp, chẳng qua anh nào cũng sợ cái uy của anh thôi.
- Các cậu làm việc gia đình chủ nghĩa bỏ mẹ. Cứ dùng cái uy cá nhân để giải quyết công việc là hỏng hết. Chỉ yêu cầu Ty Nông nghiệp tìm giống ngô và khoai tây thôi à?
- Vâng. Theo khảo sát của cậu Phùng thì thổ nhưỡng vùng Đạo Thắng rất hợp với cây ngô và khoai tây.
- Được rồi. Ông nói với ông Quốc cứ yêu cầu Ty Nông nghiệp tìm giống cho Đạo Thắng làm vụ xen canh. Nếu chúng nó bắt nạt tay Quốc, không chịu nghe lời thì bảo tớ cũng yêu cầu như vậy. Nói mồm thôi chứ chẳng cần giấy tờ gì đâu. Bảo với chúng nếu không tìm ra giống cho Đạo Thắng là tớ xẻo dái tất. Xẻo từ trưởng Ty trở xuống.
Bà Lê mắng yêu:
- Cái ông này ăn nói đến hay.
Ông Côn hỏi:
- Đêm qua sau khi họp thường vụ trở về, chắc anh không ngủ được có phải không?
- Sau khi họp xong các cậu về hết rồi, không hiểu sao tớ bỗng thấy đơn độc vô cùng. Giữa lúc tớ đang ngồi nghĩ miên man thì cô nàng Lê nhà tớ xuất hiện giống như Phật Bà Quan Âm giáng thế, kéo tớ ra khỏi cơn mụ mị. Cậu có tưởng tượng nổi sau đó thế nào không? Chúng tớ nắm tay nhau đi dạo khắp các con đường ở trong cơ quan, giống như đôi tình nhân. Thật tuyệt diệu. Mấy chục năm nay chưa khi nào tớ thấy mình hạnh phúc như vậy.
- Có đúng thế không chị Lê?
Bà Lê tủm tỉm cười không đáp.
- Ông chiều nay xuống lại Đạo Thắng hay sáng mai?
- Nếu Ty Nông nghiệp hứa chắc chắn tìm giống cho thì chiều nay tôi xuống lại Đạo Thắng. Nếu có khó khăn gì thì tôi ở lại giải quyết cho được giống xong mới đi.
- Có khi tuần đến tớ cũng xuống Đạo Thắng để trị cho mấy cái thằng cứng đầu ở đó một trận xem chúng nó còn cứng nữa không.
- Anh đừng làm căng làm gì cho tình hình phức tạp ra. Tôi và cô Chi đã bàn với một vài đồng chí cấp ủy và đảng viên ở Gia Đạo, tính toán đâu vào đó rồi.
Ông Kim xách chiếc điếu cày đứng lên:
- Bọn tớ đi kẻo muộn rồi. Cho tớ gửi lời thăm cô Chi và nói với cô ấy chuyển lời tớ thăm bà Quê và vợ chồng tay Tế.
Ông Kim và Đô đi về phía chiếc xe con phủ đầy lá nguỵ trang đang đứng đợi.
3
Thấy xe ông Kim vào, Hạp và Pha chạy ra đón. Hạp ngạc nhiên khi thấy ông Kim gầy rạc, khuôn mặt hốc hác, hai mắt thâm quầng như người bị thiếu ngủ lâu ngày.
- Bí thư ốm hay sao mà gầy thế? – Hạp hỏi.
- Tớ chẳng có thì giờ đâu mà để ý tớ béo hay gầy nữa. Các cậu đang làm gì đấy?
- Chúng em đang chuẩn bị họp thường vụ huyện ủy bàn một số công việc – Hạp trả lời.
- Đang họp à?
- Chưa ạ.
- Nếu vậy hoãn họp lại, đi với tớ xuống Cao Sơn.
Pha hỏi:
- Có việc gì xảy ra ở Cao Sơn mà bí thư xuống đột xuất thế ạ?
- Tất nhiên có việc tớ mới rủ các cậu đi chứ.
- Em đã triệu tập họp nhỡ rồi.
- Hoãn lại ngày mai họp. Xuống Cao Sơn xong thế nào cũng có việc để các cậu họp bàn luôn thể.
- Nếu vậy bí thư vào uống nước chờ em.
- Muộn rồi chẳng cần nước non. Xuống đó tha hồ mà uống. Khẩn trương lên tớ chờ. Nếu không có việc gì, cậu Pha cùng đi càng tốt.
- Nếu vậy để em bảo bếp tập thể nấu cơm, trưa về ăn chứ xã không có chỗ ăn đâu.
- Có gì ăn nấy. Tớ đã chuẩn bị suất ăn trưa của cả ba thầy trò đây rồi. Còn hai cậu tùy.
- Bí thư và cậu Đô là khách mới có chuyện lo bị gậy phòng thân chứ chúng em người nhà ăn đâu chả được.
Trên đường đi ông Kim hỏi:
- Linh Sơn thu hoạch đến đâu rồi?
- Báo cáo bí thư, thu hoạch được khoảng tám mươi phần trăm rồi – Pha trả lời.
- Năng suất thế nào?
- Năng suất bình quân toàn huyện không biết có được một tấn ba một héc-ta hay không.
- Các cậu đã có kế hoạch lấy gì lấp vào mấy tháng giáp hạt hay chưa?
- Hôm nay họp thường vụ huyện ủy có mục bàn về vấn đề này đấy ạ.
- Các cậu đã có kế hoạch gì rồi?
Pha đáp:
- Chúng em đang định lên Phú Thọ và Tuyên Quang liên hệ mua sắn tươi về bán cho bà con thái khô làm thức độn trong vụ giáp hạt. Cái khó là chúng em chưa nghĩ ra làm cách nào để vận chuyển hàng trăm tấn sắn từ các nơi đó về tận huyện. Xe, tàu bây giờ khó khăn quá.
- Tớ thuộc vào hạng người ngu, nhưng xem ra các cậu còn ngu hơn.
Hạp mừng rỡ:
- Bí thư đã nghĩ ra cách vận chuyển sắn tươi cho chúng em rồi phải không?
Ông Kim cười:
- Đêm hôm tối mò mò như vậy mà còn thấy đường mò đến ngủ với vợ người ta, sao có cái việc sản xuất chống đói giáp hạt mà không nghĩ ra được hả ông bí thư huyện ủy?
Cả xe cười vang sau câu nói đùa của ông Kim. Hạp cũng cười, sau đó nói:
- Bí thư nhắc lại cái chuyện ấy làm gì cho em đau khổ bí thư ơi.
Pha hỏi thăm dò:
- Bí thư vừa bảo chúng em ngu, chắc bí thư đã nghĩ ra cho chúng em kế hoạch gì rồi phải không?
- Tớ chưa nghĩ ra. Lát nữa xuống hỏi dân xem người ta có cách gì không. Có điều này các cậu phải suy nghĩ. Vì sao chúng chúng ta sống trên đất đai mà lúc nào cũng nơm nớp lo đói là thế nào. Đói đâu phải là cái bệnh kinh niên không chữa được. Phải tìm ra phương thuốc để trị nó chứ.
Xe chạy vào ủy ban xã Cao Sơn. Pha nhanh chóng nhảy xuống xe rồi đi vào trước.
- Cậu Pha đi đâu mà vội thế. Định đi báo cơm hả?
- Em xem các ông, các bà ấy có ở nhà không để báo cho các ông ấy biết bí thư xuống làm việc thôi.
Một phụ nữ còn trẻ ra đón ông Kim. Đó là Phượng, phó chủ tịch, thường trực đảng ủy. Phượng nhanh nhảu:
- Bí thư xuống không báo trước nên các anh ấy xuống Hợp tác xã Đằng Xá rồi. Mời bí thư vào uống nước.
- Nếu thế thì chẳng cần nước non làm gì, chúng tớ đi xuống đó luôn.
- Bí thư vào cơ quan uống nước đã chứ làm gì mà vội thế. Chúng em có nước chè xanh ngon lắm.
- Nếu nước chè xanh thì vào xin một bát. Chè xanh vùng Linh Sơn nổi tiếng thơm ngon.
Phượng xách chiếc ấm tích rót nước ra mấy cái bát Hải Dương mời mọi người. Ông Kim cầm bát nước chè sóng sánh màu vàng chanh khen:
- Dân trồng chè có khác. Nhìn màu nước chè đã thấy ngon rồi chứ chưa cần uống.
Hạp nói đùa:
- Còn do người pha chè có đẹp hay không nữa bí thư ạ.
- Lại giở cái giọng tán gái ra rồi.
Hạp cười theo mọi người rồi nói:
- Em nói hoàn toàn khách quan thôi. Bí thư chẳng khuyên cấp dưới có thế nào nói thế ấy chứ không được nói sai sự thật đấy sao.
- Tớ thua – Ông Kim cười rồi hỏi tiếp – Cao Sơn gặt gần xong chưa?
Phượng đáp:
- Chắc tuần này thì xong ạ.
- Lúa má ra sao?
- Nói ra xấu hổ lắm bí thư ơi.
- Hay! Hay! Tớ làm bí thư cũng thấy rất xấu hổ khi thấy để cho năng suất cây lúa ở trong tỉnh quá thấp.
- Em không dám nói bí thư đâu ạ.
- Bí thư mà làm không tốt cũng phải chịu trách nhiệm như người khác chứ có gì mà không dám nói. Uống nước rồi đi các ông.
Phượng hỏi nhỏ Pha:
- Cơm nước thế nào đây anh?
Pha kéo Phượng ra một nơi bảo:
- Cô lo cho chúng tôi bữa cơm trưa. Chi phí huyện chịu.
Ông Kim nhìn thấy Pha và Phượng đứng thì thào biết ngay là đang bàn tính chuyện cơm nước nên nói luôn:
- Các cậu bàn chuyện cơm nước hả? Xuống làm việc với Hợp tác xã xong rồi tính.
- Hợp tác xã với xã là một thôi bí thư ạ. Hơn nữa dưới ấy đang bận việc gặt hái, để chúng em lo trên này cho tiện – Phượng nói.
- Thế cũng được. Bọn tớ có mấy cái bánh mì và hộp thịt hộp xin góp vào bữa ăn trưa nay.
- Bí thư nghĩ chúng em không lo nổi một bữa cơm cho ba người hay sao mà đem bánh mì đi theo?
Ông Kim chống chế:
- Chúng tớ đem theo đề phòng xe cộ có hỏng ở giữa đường còn có cái để chén chứ dại gì xuống với các cậu mà ngồi nhai bánh mì.
Pha cười:
- Bí thư giấu đầu hở đuôi. Việc bí thư đi đâu cũng đem theo cơm nắm muối vừng để khỏi xâm phạm vào tiêu chuẩn của người khác cả tỉnh ta ai cũng biết. Nhưng bí thư không biết được cái này thì mất cái khác hay sao.
- Cậu nói thế là nghĩa thế nào? – Ông Kim ngạc nhiên hỏi.
- Được là được cái tiếng liêm khiết không phạm vào tiêu chuẩn của ai. Nhưng mất là không chan hòa với dân. Nếu bí thư ngồi với dân, ăn cùng với họ bát cơm độn khoai độn sắn, chấm rau với nước muối cùng với họ thì chắc chắn họ còn quý bí thư hơn cả đức tính liêm khiết của bí thư.
Ông Kim ngồi ngẩn ra. Lát sau ông nói:
- Vì sao tớ không nghĩ ra cái điều cậu Pha vừa nói nhỉ. Tưởng là hay thì hóa ra là dở. Quá dở là đàng khác. Đúng là đi ngày đàng học sàng khôn. Này, mà không khéo đôi khi dân lại nghĩ mình sợ người ta đầu độc nên không dám ăn cơm với họ cũng nên – Nói xong ông Kim cười.
Chiếc xe con chở ông Kim và mọi người chạy cắt qua một cánh đồng đang gặt. Ông Kim bảo cho xe dừng lại rồi hỏi Hành:
- Lần trước đi một lần rồi, cậu có nhớ đường về sân kho Hợp tác xã Đằng Xá không? Cậu đánh xe về đó trước đi. Tớ đi cùng cậu Hạp và cậu Pha xem bà con gặt hái ra sao lát nữa chúng tớ đi bộ về cũng được.
- Em nhớ đường rồi. Em sẽ đánh xe về đó trước.
Ông Kim cùng với Đô, Hạp và Pha băng qua các đám ruộng đã gặt xong đi về phía có đông người gặt. Đang đi, bỗng ông Kim dừng lại cúi xuống mân mê mấy gốc rạ rồi bảo:
- Gốc rạ gié to và nhiều như thế này, chắc lúa cũng không đến nỗi nào.
- Vâng. So với mấy Hợp tác xã khác thì năng suất lúa của thằng Đằng Xá khá nhất đấy bí thư ạ – Pha nói.
- Đằng Xá có bí quyết gì à?
- Chẳng có bí quyết gì đâu.
- Không có bí quyết gì sao cũng đất ấy, người ấy mà lúa Đằng Xá lại có năng suất cao hơn những nơi khác?
- Đất thì như nhau nhưng người thì có khác. Dân Đằng Xá biết cách làm ăn hơn. Bí thư có nhớ cái vụ tay Hoãn, đội trưởng sản xuất cho phá một số diện tích lúa không có khả năng cho hạt để trồng khoai lang và bị khép vào tội phá hoại sản xuất không?
- Làm sao mà tớ quên được. Vụ khoai lang thu hoạch thế nào?
- Thắng lợi bất ngờ. Lát nữa Ban lãnh đạo Hợp tác xã sẽ báo cáo cụ thể để bí thư nghe.
Đi được mấy bước, ông Kim gọi Đô dừng lại chờ cho mọi người đi một đoạn rồi bảo nhỏ:
- Trưa nay thế nào chúng nó cũng làm cơm mời thầy trò mình đàng hoàng chứ có ngăn cũng chả được. Vì vậy cậu cứ để mấy cái bánh mì và hộp thịt lại trên xe, chiều tớ cho cái Dương. Lên thăm nó mà chẳng có gì cho nó cả.
- Em cũng định thế nhưng không dám nói vì sợ anh mắng.
- Tớ có phải gỗ đá đâu mà đi mắng cậu những chuyện ấy.
Nói xong ông Kim và Đô vượt lên đuổi theo mọi người.
4
Không khí buổi làm việc với Ban quản trị Hợp tác xã Đằng Xá diễn ra khá thoải mái. Sau khi nghe Quân, chủ nhiệm báo cáo tình hình xong, ông Kim cười vui vẻ:
- Tớ và tay Hạp, tay Pha định xuống bàn với các cậu một số việc nhưng không ngờ các cậu đã nghĩ hộ cho bí thư tỉnh ủy và huyện ủy hết cả rồi.
- Cũng nhờ bí thư mở mang đầu óc cho chúng em từ cái dạo bí thư về đầu vụ cấy, nếu không thì đầu óc lúc nào cũng u u mê mê, làm gì cũng sợ sai chủ trương, chính sách.
- Các cậu nghĩ thế là chết tớ đấy. Có khi nào tớ bảo các cậu làm trái với chủ trương chính sách đâu. Các cậu phải khắc cốt ghi xương điều này. Con đường đưa nông dân vào làm ăn tập thể của Đảng là con đường đúng nhưng chúng ta vận dụng một cách linh hoạt các hình thức làm ăn, làm cho mọi người sống no ấm để chứng minh được tính ưu việt của lối làm ăn tập thể. Đấy, như việc phá những ruộng lúa không có khả năng cho thu hoạch để thay vào đó cây khoai lang của cậu Hoãn là một việc làm sáng tạo. Mấy chục tấn khoai lang quy ra thóc để đóng đủ thuế nông nghiệp cho Nhà nước thì chẳng ai bảo đó là việc làm sai chủ trương đường lối. Khoán hẳn diện tích lúa cho các tổ tự chăm sóc để hưởng công điểm cũng là việc làm sáng tạo. Năng suất lúa có nhích lên so với các vụ trước mà Hợp tác xã vẫn tồn tại. Như vậy là vận dụng linh hoạt chủ trương khoán chứ không phải là việc làm vi phạm chủ trương đường lối. Các cậu có hiểu ý tớ nói không?
- Chúng em hiểu rồi ạ.
- Nói vậy thôi chứ việc vận dụng các hình thức tổ chức sản xuất không phải là dễ. Giống như người đi trên dây, lúc nào cũng phải giữ thăng bằng cho tốt. Phải bàn bạc kỹ trong tập thể lãnh đạo, sau đó bàn với dân và báo cáo với huyện ủy. Muốn làm gì thì làm nhưng phải nhớ một điều. Thay đổi phương thức sản xuất là để làm cho Hợp tác xã vững mạnh. Làm được thế thì không khi nào các cậu sai cả. Ai bảo các cậu làm sai các cậu cứ bảo với tớ.
Khả từ nãy đến giờ thận trọng lắng nghe ý kiến của mọi người, nhất là ông Kim phát biểu theo chiều hướng thế nào bây giờ mới nói:
- Bí thư đã nói thế thì chúng em chẳng còn gì phải lo. Thực ra đôi khi trong đảng ủy cũng có bàn làm việc này việc khác nhưng rồi cứ đưa những quy định ra để đối chiếu xem mình làm thế có sai hay không. Cuối cùng thì cứ làm như quy định để khỏi phiền phức.
- Các cậu đau đầu một thì tớ đau đầu mười. Bây giờ tớ muốn nghe chủ trương làm vụ xen canh cây đậu tương của các cậu ra sao.
- Báo cáo với bí thư, chúng tôi mới bàn rậm rạp và chưa xin ý kiến của đảng ủy nên chưa biết đúng sai ra sao, không biết có nên báo cáo với bí thư hay không.
Nghe Quân nói vậy ông Kim bảo:
- Sai đúng gì tớ nghe tất.
Khả cười:
- Tay Quân sợ cái vía của bí thư nên mới nói vậy đấy, chứ em đã nghe kế hoạch làm vụ xen canh cây đậu tương của mấy tay ở Đằng Xá rồi.
Ông Kim cũng cười thoải mái:
- Cái vía của tớ nặng thế kia à. Các cậu cứ nói những việc các cậu đã bàn rậm rạp cho tớ nghe cũng được. Biết đâu tớ góp cho các cậu vài ba ý kiến bổ ích thì sao.
Quân thấy ông Kim cởi mở nên mạnh dạn nói:
- Báo cáo với bí thư năm ngoái Hợp tác xã chúng em giấu cấp trên làm thử một vụ đậu tương thấy có kết quả tốt nên năm nay định mở rộng đại trà. Cây đậu tương là loại cây rất thích hợp với đất vùng chúng em. Điều khiến chúng em lo lắng là trồng nhiều, liệu Nhà nước có nhập cho chúng em không.
- Các cậu tính toán mở rộng xen canh cây đậu tương là đúng sách đấy. Nó là loại cây thực phẩm rất có giá trị. Một cân đậu tương có khi có giá trị bằng hai, ba cân thóc. Không những thế rễ cây đậu tương còn cung cấp cho đất một lượng đạm hữu cơ rất hữu ích. Việc thu mua các cậu không phải lo, miễn sao các cậu làm thế nào chất lượng hạt thật tốt, tớ sẽ lo khâu tiêu thụ cho các cậu. Giống má có gì khó khăn không?
- Vì có ý định sẽ trồng đại trà cây đậu tương năm nay nên chúng em đã cho bà con để lại giống rồi. Nếu thiếu em xin huyện chi viện. Có mặt bí thư huyện ủy và chủ tịch huyện đây, không biết lãnh đạo huyện có giúp chúng em không?
Ông Kim quay sang Pha hỏi:
- Thế nào, chủ tịch và bí thư huyện ủy?
Pha cười:
- Tay Quân nói câu ấy ra trước mặt bí thư tỉnh ủy thì có khác gì ép chúng tôi phải lo cho hắn chuyện giống má.
- Nếu chúng tôi làm thành công thì đấy là thành tích chung của huyện chứ có riêng gì Đằng Xá đâu.
- Nếu tay Pha và tay Hạp không nhận việc lo giống má cho các cậu thì để đấy tớ lo.
- Chúng em đã từ chối đâu mà bí thư dỗi – Hạp nói đùa.
Ông Kim vỗ hai tay vào nhau:
- Vậy là huyện đã nhận lời lo chuyện giống má cho các cậu rồi đấy.
Pha lắc đầu:
- Không ngờ chúng em bị sập bẫy của bí thư tỉnh ủy rồi.
Chờ mọi người cười xong, ông Kim hỏi:
- Các cậu định làm như thế nào? Vẫn cày lên rồi chia đất cho xã viên làm như vụ trước hay sao?
- Chúng em không làm như vụ trước mà lần này do Hợp tác đứng ra lo liệu từ khâu cày bừa, giống má, nước nôi. Sau đó giao khoán cho từng đội quản lí lấy. Các đội giao cho từng tổ. Thu hoạch xong, tính theo hoa lợi mà hưởng chứ không tính công điểm.
- Tỉ lệ chia thế nào?
- Chúng em chưa tính. Để xem công cày, công bừa, nước nôi giống má như thế nào rồi chúng em tính và đưa ra bàn với xã viên. Có lẽ chia ba. Hợp tác hai phần, xã viên một.
Pha hỏi đùa:
- Công lo giống má của huyện không được gì à?
Quân cười:
- Chúng tôi sẽ biếu cán bộ huyện mỗi người vài cân đậu phụ được không?
Ông Kim không quan tâm đến câu nói đùa của Pha và Quân:
- Này, tớ phân vân chỗ này một tí. Chia tỉ lệ như vậy liệu có công bằng không. Nói là Hợp tác lo công cày bừa nhưng người làm đất là xã viên. Họ còn chăm sóc cây đậu tương từ khi gieo xuống cho đến lúc thu hoạch. Chia như vậy hóa ra các cậu ngồi mát ăn bát vàng.
Hoãn từ nãy đến giờ ngồi im lặng lắng nghe mọi người nói, bây giờ mới lên tiếng:
- Chúng em đã trao đổi qua với nhau rồi. Chia như vậy là hợp lí. Xã viên được hưởng lợi nhiều hơn là kiểu khoán trắng cho xã viên làm rồi nộp sản phẩm cho Hợp tác, bởi công làm đất đã tính vào công điểm cho xã viên. Còn Hợp tác phải chi giống má, phân đạm, phân lân, thuốc bảo vệ thực vật và thủy lợi phí. Các đội sản xuất khác em không biết, riêng đội của em sau khi nghe em nói thì đại bộ phận đều nhất trí với việc chia tỉ lệ Hợp tác hai, xã viên một.
- Tớ không sát bằng các cậu. Nếu bàn bạc mà được dân nhất trí là các cậu làm đúng. Các cậu định vụ này làm bao nhiêu mẫu?
- Dạ khoảng hai mươi lăm mẫu.
Ông Kim nhẩm tính trong mồm rồi nói:
- Như vậy là gần chín héc-ta?
Quân đáp:
- Vâng. Cỡ đó.
- Hai ông cán bộ huyện và hai ông cán bộ xã thấy thế nào? Như vậy là nhiều hay ít?
Khả đáp:
- Em thấy như vậy là vừa. Cứ đi dần dần cho chắc chân bí thư ạ.
- Nói như vậy là ông bí thư đảng ủy chưa tin lắm vào thắng lợi của vụ đậu tương xen canh có phải không?
Khả vừa nói vừa cười:
- Bí thư hỏi thế em khó trả lời quá.
Ông Kim vớ cái điếu hút xong điếu thuốc rồi nói với Khả giọng đùa cợt vui vẻ:
- Trước sau gì cậu vẫn bộc lộ ra một anh khôn vặt. Cứ chờ người khác nói trước rồi lựa lời mà nói cho khỏi mất lòng. Tớ hỏi các cậu câu này nữa. Vì sao các cậu không khoán trắng cho xã viên làm rồi nộp sản lượng cho Hợp tác xã như dạo làm vụng làm trộm mà lần này giao cho đội sản xuất quản?
Quân giải trình:
- Thực ra mỗi cách có một cái hay riêng. Khoán trắng cho xã viên làm thì tận dụng được sức lao động triệt để. Vợ chồng, con cái đều lao ra ruộng để chăm sóc cây trồng. Do vậy năng suất cây trồng cao hơn là do Hợp tác xã quản lí công việc. Nhưng khoán trắng cũng bộc lộ một số nhược điểm. Thứ nhất là công việc của Ban quản trị Hợp tác hết sức manh mún. Nào phân phối thuốc trừ sâu, phân đạm, phân lân cho đến giống má xuống các đội sản xuất, các đội sản xuất lại phân phối cho từng hộ xã viên. Chênh nhau nửa nắm phân đạm hay chậm cấp nước nửa ngày là thắc mắc, suy bì, cãi vã gây nên tình trạng mất đoàn kết. Nhưng nhược điểm bộc lộ rõ nhất là không quản lí được sản lượng do các gia đình làm ra. Nhiều nhà làm được một tạ thì báo mình chỉ làm được tám mươi cân. Yêu cầu nộp đúng sản lượng như hợp đồng thì bảo Hợp tác ép buộc. Vì vậy Hợp tác thất thu một số sản lượng đáng kể. Phương pháp Hợp tác xã lo hết mọi khâu rồi khoán cho đội, đội khoán cho nhóm chăm sóc và ăn chia sản lượng, sẽ quản lí được cả lao động lẫn sản lượng sau khi thu hoạch. Giảm được khá nhiều đầu mối phân phối vật tư. Tính toán như vậy nên chúng em mới không chọn khoán trắng.
Ông Kim ngồi im tỏ vẻ nghĩ ngợi rồi gõ mấy ngón tay xuống bàn nói thủng thẳng:
- Khoán nhóm, khoán trắng?… Khoán sản phẩm cho người lao động… Khoán hẳn công việc dài ngày cho hộ… Này, các cậu có nghĩ ra cách khoán gì nữa không?
Mọi người đưa mắt nhìn nhau không hiểu ông Kim định hỏi chuyện gì. Riêng Hạp hiểu ý ông Kim nên nói luôn:
- Cứ như em là trả lại sức kéo và các công cụ sản xuất khác cho hộ quản lí lấy, sau đó khoán hẳn diện tích canh tác cho các hộ tự làm và nộp sản phẩm cho Hợp tác là hay nhất.
Khả phản ứng ngay:
- Như vậy có khác gì Hợp tác xã phát canh thu tô. Rồi còn các hộ neo đơn, không có sức kéo thì ai đứng ra lo cho họ? Sinh ra Hợp tác xã là để tương trợ nhau, con béo kéo con gầy. Nếu làm theo cách của ông Hạp thì sẽ tạo ra sự không công bằng trong nông thôn. Số hộ có sức lao động sẽ trở nên giàu có và số hộ neo đơn ngày một nghèo đói.
Ông Kim tiếp tục ngẫm nghĩ giây lát rồi nói:
- Ý kiến cậu nào cũng có cái đúng ở trong đó. Cứ mạnh dạn làm mới tìm ra được cái hay cái dở. Chỉ có thực tế mới chứng minh được công việc hay dở, đúng sai. Việc làm của Hợp tác xã Hồng Vân, của An Lưu và của các cậu, tuy còn phải thử nghiệm thêm ở nhiều vùng đất khác nhau trước khi đưa ra áp dụng đại trà, nhưng tớ thấy nó đang hé ra một hướng đi mới của Hợp tác xã. Cũng không phải ai cũng tán thành, thậm chí có người còn chống đối quyết liệt với việc đổi mới cách làm ăn của Hợp tác xã. Nhưng mọi cuộc cách mạng đều phải có người đi tiên phong. Đúng vậy đấy các cậu ạ. Đã làm người đảng viên là luôn luôn đặt cho mình câu hỏi, mình đã làm gì cho dân. Thay mặt Tỉnh ủy, tớ hoan nghênh và hoàn toàn ủng hộ việc làm của các cậu. Trong tương lai không xa tỉnh ủy sẽ họp và ra Nghị quyết về tình hình và nhiệm vụ của Hợp tác xã nông nghiệp trong tình hình mới. Việc làm của các cậu, của Hồng Vân, An Lưu là những dẫn chứng sống động về việc bức thiết phải chấn chỉnh lại khâu quản lí lao động trong sản xuất của các Hợp tác xã nông nghiệp - Ông Kim đưa tay xem đồng hồ rồi nói tiếp - Có lẽ có nhiều vấn đề cần bàn. Cứ làm đi rồi bàn tiếp. Bàn xong tiếp tục làm cho đến lúc nào tìm ra được một cách làm hoàn thiện mới thôi. Bây giờ muộn quá rồi. Tớ đang có kế hoạch tranh thủ đi thăm con gái. Nếu không còn gì thì tớ phải đến trường cấp Ba xem nó học hành ra sao.
Hạp nói:
- Bí thư cứ đi thăm cháu đi. Em và anh Pha còn một vài việc cần bàn với các ông ở Cao Sơn và Đằng Xá. Lát nữa anh qua ủy ban cho chúng em đi nhờ xe về huyện.
- Tớ đi khoảng một tiếng rồi quay lại đón các cậu.
Ông Kim và Đô đứng lên đi ra xe. Khi xe chạy được một đoạn, ông Kim hỏi Đô:
- Từ nãy đến giờ tớ cứ phân vân giữa việc khoán nhóm của mấy tay ở Đằng Xá và khoán hẳn cho hộ ở Hồng Vân. Theo cậu thì cách khoán nào hay hơn?
- Cách khoán nào cũng có cái hay cái dở của nó. Khoán hộ thì tận dụng được sức lao động phụ và kích thích ý thức tự chủ về kinh tế của người nông dân. Người ta sẽ lao động cật lực để thu về được nhiều sản phẩm cho gia đình mình. Nhưng nếu quản lí không tốt thì rất dễ rơi vào lối sống cá thể, chỉ nghĩ đến mình mà không quan tâm đến lợi ích chung. Còn khoán nhóm như Đằng Xá đang làm có ưu điểm là Hợp tác xã quản lí được lao động và kế hoạch sản xuất của mình. Duy trì được ý thức làm ăn tập thể. Quản lí chặt chẽ được sản phẩm mình làm ra. Nhưng nếu quản lí không tốt thì dễ sinh ra tình trạng dựa vào nhau hoặc làm dối làm giá cho qua ngày như tình trạng đang diễn ra hiện nay.
- Đúng. Đúng. Cậu nói rất đúng ý tớ.
Hành ngoảnh lại tham gia câu chuyện:
- Thư ký riêng mà nói không đúng ý thủ trưởng thì còn ai nói đúng. Nhưng theo em, cứ giao quách ruộng cho nông dân làm là hay nhất. Nộp cho Hợp tác xong, còn bao nhiêu hưởng tất. Ai khéo ăn thì no ai khéo co thì ấm. Anh nào lười cho chết.
- Thế những gia đình có con đi chiến đấu không còn ai ở nhà làm thì sao? Theo cậu để cho người ta chết đói à?
Hành đáp giản đơn:
- Làm được bao nhiêu thì làm. Thiếu thì Hợp tác có trách nhiệm bù vào.
- Nếu người ta cứ dựa vào Hợp tác rồi đâm ra chây lười thì sao?
Hành cười:
- Trường hợp này thì đầu óc của một anh lái xe như em không giải đáp nổi. Phải nhờ đến đầu óc vĩ đại của thư ký riêng bí thư thôi.
Đô trả miếng:
- Theo tớ, việc cậu nghĩ ra chuyện trả lại ruộng cho nông dân trở về với con đường làm ăn cá thể cũng vĩ đại chứ có kém gì ai.
Hành cãi:
- Không thể nói giao ruộng cho xã viên làm rồi nộp sản phẩm cho Hợp tác là làm ăn cá thể được. Ruộng đất hợp tác vẫn quản, sản lượng Hợp tác vẫn thu. Theo ông Hợp tác mất cái gì nào. Có chăng chỉ mất kiểu làm ăn lười biếng, rong công phóng điểm thôi. Bí thư thấy em nói thế có đúng không?
- Cậu nói cũng đúng điều tớ đang nghĩ mà cậu Đô cũng nói đúng điều tớ đang nghĩ. Này, các cậu xem có đúng là tốp học sinh đi học về đang đi kia không?
Hành vươn cổ ra nhìn rồi bảo:
- Đúng đấy bí thư ạ.
- Không khéo có cái Dương ở đó cũng nên.
Xe chạy đến gần. Một nhóm học sinh gái chừng năm, sáu em đầu đội mũ rơm, quần áo đủ các màu tối sẫm, em thì xách, em thì mang túi đựng sách vở thô sơ đủ các kiểu vừa đi vừa trêu đùa nhau. Xe đuổi đến nơi thì dừng lại. Nhóm học sinh thấy thế cũng dừng lại nhìn vào xe. Dương nhận ra bố reo lên:
- Bố!
Các bạn của Dương ríu rít chào ông Kim, Đô và Hành. Ông Kim xuống xe.
- Sao đi học giờ này mới về?
- Chúng con còn ở lại sinh hoạt chi đoàn. Sao bố mẹ ít lên thăm con thế?
- Con thấy đấy, bố mẹ có ngày nghỉ đâu. Bố có quà cho con và các bạn con đây.
Ông Kim bảo Đô đưa cái ruột tượng đựng bánh mì và hộp thịt cho mình rồi đưa cho Dương.
- Quà gì đây bố?
- Bánh mì và thịt hộp. Tiêu chuẩn ăn trưa nay của bố và chú Đô, chú Hành. Nhưng xã mời cơm trưa nên bố dành lại cho con đấy.
Dương nũng nịu:
- Nếu xã không mời cơm bố thì con không có quà chứ gì?
Ông Kim không biết nói với con gái thế nào nên cười rồi nói xuê xoa:
- Vài tuổi nữa là lấy chồng mà còn vòi quà không biết ngượng à?
Một bạn của Dương bảo:
- Bạn ấy có bạn trai rồi đấy bác ạ.
- Thật thế à?
- Chúng nó trêu con đấy.
- Bố không cấm con có bạn trai, nhưng phải tập trung học hành để thi đại học đấy nghe không.
Một bạn Dương nói:
- Bác không phải lo. Bạn Dương học giỏi nhất lớp 10A của chúng cháu đấy bác ạ.
Dương nắm tay bố:
- Về nhà con ở sơ tán đi bố. Ai lại đứng nói chuyện giữa đường thế này. Bác chủ nhà hay nhắc bố luôn.
- Cứ bảo là bố lên thăm con, nhưng vì phải quay về Ủy ban xã đưa Chủ tịch huyện và Bí thư huyện ủy trả về cơ quan huyện nên bố phải về ngay. Hôm nào bố sẽ lên thăm sau. Bố chuyển lời thăm hai bác ấy. Con học hành thế nào?
- Tạm được thôi bố ạ.
- Đối với bố, đừng khi nào con nói hai chữ tạm được mà chỉ được phép nói khá hoặc giỏi.
Dương trêu bố:
- Vậy thì con xin nói lại nhé. Con thường xuyên được xếp vào loại học sinh kém nhất lớp 10A.
Một bạn của Dương bảo:
- Bác phải hiểu ngược lại bác ạ.
- Bố không thưởng gì cho con à?
- Cúi đầu xuống đây bố thưởng cho mấy cái cốc. Môn đạo đức của con thế nào?
- Kỳ học nào cũng đội sổ.
- Bố phải hiểu ngược lại có phải không? Bố nhắc lại điều bố thường dặn các con nhé. Đừng khi nào dùng cái chức bí thư tỉnh ủy của bố làm cái gậy tiến thân. Chức bí thư của bố chỉ là tạm thời. Còn cuộc đời của các con là vĩnh viễn. Phải dùng kiến thức và nghị lực mà đi lên. Hàng ngày con có nghĩ tới lời dặn ấy của bố không?
- Bố yên tâm. Lúc nào con cũng nghĩ tới lời dặn của bố.
- Con có bạn trai thật đấy à?
- Chúng nó trêu con đấy. Bạn ấy học cùng lớp và chơi thân với nhau thôi.
Ông Kim cười:
- Thế là con có bạn trai rồi còn gì nữa.
Dương hỏi:
- Anh Tuyên có gửi thư về không bố?
- Có. Anh con kể chuyện bên Đông Đức nhiều cái hay lắm. Còn bảo đi lao động để lấy tiền mua cho bố chiếc xe đạp Đi-a-măng nữa đấy.
Dương bảo bố:
- Bố ơi, bố thích đi săn, bảo anh ấy mua cho bố một khẩu súng hơi. Thầy giáo trường con có một khẩu nên ngày nào các cô các thầy đều có thịt chim để ăn. Chim trên này nhiều ơi là nhiều.
Ông Kim vỗ đầu kêu lên:
- Ừ nhỉ. Vậy mà bố không nghĩ ra đấy.
Dương hỏi:
- Bố mẹ có xuống thăm em Bắc, em Hà và em Việt ở chỗ sơ tán không?
- Cách đây mấy tuần, cả bố mẹ xuống thăm các em. Các em con ngoan lắm. Thằng Bắc học rất giỏi.
- Con nhớ chúng nó quá. Thôi, sắp tối rồi, bố về đi kẻo các chú ấy chờ.
- Bố cũng hẹn các chú ấy đi một tiếng rồi quay lại đón, chắc các chú ấy đang sốt ruột. Con cũng về đi kẻo sắp tối đến nơi rồi. Nhớ bảo với bác chủ nhà bố gửi lời hỏi thăm nhé. Các cháu cũng cùng về với Dương để liên hoan bánh mì của bác tặng đấy.
Ông Kim bịn rịn bước lên xe. Các bạn của Dương chào ríu rít.
Dương đứng tần ngần nhìn theo chiếc xe mỗi lúc một xa dần.