Nguyên tác: The Camel Club
Số lần đọc/download: 2988 / 91
Cập nhật: 2015-11-05 15:38:36 +0700
Chương 13
T
om Hemingway ngồi trong căn hộ nhỏ khiêm nhường của gã gần Đồi Capitol. Gã đã cởi bỏ bộ vest của mình và thay bằng quần soóc với một chiếc áo thun và để chân trần. Mặc dù đã rất khuya, gã vẫn không hề mệt mỏi. Trong thực tế, chất adrenaline vẫn đang rần rật chảy trong huyết quản gã. Gã vừa mới nhận tin: Patrick Johnson đã chết. Hemingway không hề cảm thấy chút gì thương xót. Tên đó chẳng thể trách được ai ngoài chính bản thân hắn. Nhưng đã có nhân chứng nhìn thấy vụ giết người, và họ đã trốn thoát. Tất nhiên, điều đó có khả năng thay đổi tất cả.
Gã bước vào trong phòng tắm, mở một chiếc két được giấu dưới sàn, lấy ra một cặp tài liệu và ngồi xuống chiếc bàn trong bếp. Bên trong cặp tài liệu là ảnh của hơn hai mươi người đàn ông và một phụ nữ. Tất cả đều là người Hồi giáo. Các cơ quan chức năng sẽ gọi họ là kẻ thù của nước Mỹ. Việc tập hợp những người này tốn trọn vẹn hai năm trời trong cuộc đời của Tom Hemingway. Và đối với những người trong nhóm này từng có dính dáng đến luật pháp theo cách nào đó, thì phải nói Hemingway đã làm được cả một phép màu. Gã đã biến những kẻ đang sống thành như đã chết.
Cha của Hemingway, Ngài Franklin T. Hemingway, đã từng là một chính khách, vào thời mà cái từ đó còn ít nhiều mang ý nghĩa thực sự. Ông đã thăng tiến qua các chức vụ và trở thành đại sứ tại một số trong những nước khó khăn nhất về mặt ngoại giao trên thế giới. Trước khi xảy ra cái chết đoản mệnh của mình, ông đã từng được ca ngợi là một trong những người kiến tạo hòa bình vĩ đại trong thế hệ của mình, một công chức tận tụy và đáng kính.
Cuối cùng Tom Hemingway cũng chấp nhận thực tế về cái chết bất ngờ của cha mình; tuy nhiên, gã biết đó không phải là chuyện mà một lúc nào đó gã sẽ quên đi được, mà lại càng không nên quên. Gã yêu và kính trọng cha mình, học được từ tấm gương của ông về phép lịch sự và lòng trắc ẩn. Khác với rất nhiều đại sứ khác, những kẻ phải "mua" tước hiệu của mình bằng những khoản quyên góp vận động tranh cử lớn và không bao giờ thèm nhọc công tìm hiểu đến đầu đến đũa thứ ngôn ngữ cùng nền văn hóa của đất nước họ được cử đến, Franklin đắm chìm cả bản thân và gia đình vào ngôn ngữ và lịch sử của bất cứ vùng đất nào ông được cử đến. Nhờ vậy, Tom Hemingway có sự hiểu biết và nhận thức sâu sắc về cả thế giới châu Á và Hồi giáo hơn bất kỳ người Mỹ nào khác.
Tuy nhiên, gã đã không đi theo con đường ngoại giao của cha, bởi vì Tom Hemingway không hề tin rằng gã có đủ khí chất dành cho một nghề như vậy. Thay vào đó, gã đã gia nhập thế giới gián điệp, bắt đầu với Cơ quan An ninh quốc gia, sau đó chuyển sang CIA và cứ thế thăng tiến vùn vụt. Dường như đó là một sự nghiệp vừa quan trọng vừa cao quý, và gã đã dồn toàn bộ tâm trí cũng như sức lực vào đó với tinh thần làm việc mà người cha đã truyền cho.
Gã trở thành một đặc vụ siêu đẳng, được phái đến một số trong những điểm nóng nguy hiểm nhất trên thế giới. Gã đã sống sót, nhiều khi chỉ trong tích tắc, trước những âm mưu thủ tiêu. Đáp lại, gã đã giết, nhân danh chính phủ của mình. Gã góp phần đạo diễn những vụ đảo chính lật đổ các chính phủ được bầu lên bằng phổ thông đầu phiếu. Gã cũng phụ trách những chiến dịch nhằm tạo ra sự bất ổn định tại những nước thế giới thứ ba đầy bất trắc, bởi vì đó được xem là cách tốt nhất để duy trì bầu không khí có lợi nhất cho nước Mỹ. Gã đã hoàn thành tất cả những nhiệm vụ được giao, và còn hơn thế nữa.
Và rốt cuộc thì tất cả cũng chẳng để làm gì hết. Những công việc cao cả mà hắn thực hiện chẳng qua chỉ là trò giả dối, chủ yếu là vì những lợi ích làm ăn hơn là vì lợi ích quốc gia, chẳng mang lại được gì ngoài việc khiến cho tình hình đang xấu trở nên tồi tệ hơn. Thế giới đang ở sát bên bờ vực của sự phá hủy mà gã đã từng chứng kiến rất nhiều.
Có rất nhiều lý do, bắt đầu với tình trạng khan hiếm nghiêm trọng về nước, dầu mỏ và khí đốt, thép, than và những tài nguyên thiên nhiên khác. Những nước giàu như Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc chiếm phần lớn trong những hàng hóa quý giá này, để lại phần đầu thừa đuôi thẹo cho những nước nghèo nhất. Nhưng tất cả còn hơn cả vấn đề phức tạp do lịch sử để lại giữa những nước có và những nước không có. Đó là câu hỏi căn bản về sự thiển cận và thiếu khoan dung. Từ trước đến nay Hemingway vẫn luôn coi sự thiển cận và thiếu khoan dung cũng giống như những dấu phẩy, bởi vì bạn thường thấy chúng đi thành đôi, và hầu như không bao giờ bạn thấy cái này, sự thiển cận, mà lại thiếu người anh em sinh đôi xấu xa của nó, sự thiếu khoan dung.
Ở tuổi bốn mươi, cha của Hemingway đã giúp tạo ra hòa bình ở những vùng đất vốn chỉ biết có chiến tranh. Nhưng cũng ở tuổi đó con trai ông lại giúp tước đoạt hòa bình ở khắp những vùng đất trên thế giới, để lại phần lớn là sự hoang tàn đổ nát. Đó là một sự thật phũ phàng, nếu xét đến nguồn gốc xuất thân của gã.
Và rồi gã ngồi xuống, xem xét những lựa chọn của mình, và một kế hoạch đã dần dần hình thành. Rất nhiều người sẽ nhìn vào những gì gã định làm và gọi gã là kẻ ngây thơ đến tuyệt vọng. Đó đâu phải là cách thế giới này vận động, họ sẽ lập luận như vậy. Chắc chắn anh sẽ thất bại thê thảm thôi, họ sẽ khẳng định như thế. Ấy vậy mà đây cũng chính là những kẻ đã gây ra những điều dã man ở nhiều nơi trên thế giới dưới chiêu bài là giúp đỡ họ. Họ gây ra những "tội ác" đó vì những lý do thô thiển như tiền và quyền lực nhưng lại cứ chăm chăm tưởng được tùy nghi làm theo ý của mình mà không bao giờ sợ bị ngăn trở bởi những người rõ ràng đã bị họ đối xử tàn tệ. Giờ thì ai là người ngây thơ ở đây? Hemingway tự hỏi.
Nghề nghiệp "chính thức" đã đưa Hemingway qua lại vùng Trung Đông suốt mấy năm vừa rồi. Trong thời gian đó gã đã dần dần hình thành nên những miếng ghép cho câu hỏi đó của mình, gặp gỡ những người mà gã cần đến sự giúp đỡ. Gã gặp vô số những kẻ hoài nghi, nhưng rồi một người, một người mà gã vô cùng kính trọng và đã từng là bạn thâm giao của cha gã, đồng ý giúp. Người đó không chỉ cung cấp cho Hemingway cách tiếp cận con người mà cả nguồn ngân sách cần thiết để xây dựng một kế hoạch tinh vi. Không một phút nào Hemingway lại đi tin rằng bản thân người đó không có những ý đồ riêng của ông ta khi làm như vậy. Tuy nhiên, một người Mỹ điển hình, cho dù với tất cả mối quan hệ của gã trong khu vực và sự quen thuộc về mặt ngôn ngữ cũng như văn hóa, cũng không thể nào tự mình hoàn thành được một công việc lớn lao đến nhường này. Và nếu như gã có bị ảnh hưởng bởi chút chủ nghĩa lý tưởng đáng bị gọi là ngây thơ, thì bù lại gã cũng rất thực dụng về việc làm thế nào để có thể thực hiện thành công nhất kế hoạch của mình.
Gã thường ước giá như cha gã vẫn còn sống để gã có thể hỏi xin ông lời khuyên. Mặc dù vậy, gã biết Franklin Hemingway sẽ nói gì: Như thế là sai trái. Đừng làm thế. Nhưng dù thế nào thì người con trai vẫn sẽ làm như vậy.
Và điều gì là động cơ thực sự của gã? Hemingway đã thường xuyên tự hỏi mình câu hỏi đó trong suốt quá trình triển khai kế hoạch. Mỗi lần gã lại đưa ra một câu trả lời khác nhau. Cuối cùng gã đi đến kết luận rằng gã làm như vậy không phải là vì đất nước của mình, và lại càng không phải cho khu vực Trung Đông. Gã đang làm chuyện này cho một hành tinh đang hết dần những cơ hội thứ hai. Và có lẽ đó cũng là món quà dâng lên một người cha vốn là con người của hòa bình nhưng lại phải chịu một cái chết đầy bạo lực, bởi vì con người ta cứ khăng khăng không chịu hiểu nhau.
Có lẽ nó chỉ đơn giản, và phức tạp, thế thôi.