A truly good book teaches me better than to read it. I must soon lay it down, and commence living on its hint.... What I began by reading, I must finish by acting.

Henry David Thoreau

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Hoàng Huyền
Số chương: 18
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 9
Cập nhật: 2023-11-05 19:15:22 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 17
au những ngày cuối tháng năm và tất cả tháng sáu; sống ở vùng bờ biển Ga-gơ-ri sớm tinh mơ hôm ấy Ma-sa trở về Mạc-tư-khoa, chị không gửi thư hay đánh điện báo trước cho mẹ. Bà Ta-ti-a-na Xtê-pa-nốp-na khi mở cửa cho chị, tỏ ra không được vui vẻ lắm, bà không thích những cái gì đột ngột; vẻ còn ngái ngủ bà ôm con gái và càu nhàu nói: «Bao giờ cũng thế, chẳng báo trước gì cả». Rồi bà lui vào buồng, giả vờ còn buồn ngủ.
Biết chắc dù thế nào mười phút nữa bà cụ cũng sẽ trở lại đem bữa điểm tâm cho chị, Ma-sa để va-li xuống đất, cởi áo vét ra và đến gần chiếc gương ngắm một lúc lâu. Một tháng rưỡi nghỉ mát đã làm người chị gầy đi một chút, chị hay tắm lâu quá ở ngoài biển. Mặt trời đã làm phai đi bộ tóc hung. Người chị đen nhẻm trông như một con quạ nhỏ. Cặp mắt thường hay nhíp lại khi hàng ngày nằm phơi nắng lúc này chung quanh có viền những đường nhỏ màu sáng.
Ngoài những chi tiết không quan trọng đó, chị không có gì thay đổi, vẫn như hình ảnh Xin-xốp thấy trước khi chị đi.
Ngay từ khi đó, Xin-xốp và chị đã quyết định rằng ngay sau khi chị ở Cô-en-dơ về, hoặc chị sẽ đến gặp anh ở Vi-a-dơ-ma, hoặc chị sẽ diện cho anh biết để anh về Mạc-tư-khoa. Họ nói với nhau chỉ đơn giản thế thôi. Như nói về một cuộc hò hẹn sắp đến, nhưng trong thâm tâm họ biết đã cần phải quyết định dứt khoát về số phận của hai người.
Càng gần ngày trở lại Mạc-tư-khoa, Ma-sa càng cảm thấy lo sợ. Không phải chị sợ đã đến lúc cần quyết định - một thái độ như thế thật kỳ cục - nhưng vì trong thâm tâm chị thấy như đời mình bị hy sinh, cảm giác đó làm chị thờ thẫn đến độ chưa bao giờ chị lại gửi cho Xin-xốp một bức thư lạnh lùng một cách ngớ ngẩn như bức thư chị gửi cho anh hồi chị nghỉ mát ở miền Nam. Khi viết chị phản kháng lại một quyết định thật ra đã rồi? cũng chẳng ai bắt chị phải quyết định như thế; nhưng ý nghĩ rằng mọi thứ đều đã quyết định rồi làm chị bực mình.
Một vấn đề nữa cũng làm chị lo ngại: việc người ta vẫn chưa nói rõ rệt về công tác sau này của chị. Trước khi đi nghỉ, chị đã nhiều lần đến xưởng gặp ban chấp hành đoàn thanh niên Cộng sản và đến bộ phận điện cơ nơi ông cụ chị ngày trước thường khuyên chị đến làm, hồi chị còn theo học tại trường trung học kỹ thuật. Người ta đề nghị lấy chị vào làm, chị chỉ trả lời mơ hồ và điều đó, làm chị khó chịu vì mấy năm vừa qua đi của cuộc đời con gái đã dạy chị thích nhũng trường hợp minh bạch và rõ ràng.
Lẽ dĩ nhiên, nếu Xin-xốp đồng ý đến sống ở Mạc-tư-khoa thì chị sẽ công tác ở nhà máy. Nhưng mặc dầu chị biết rằng Xin-xốp hết sức yêu chị, chị vẫn không tin chắc lắm là anh sẽ quyết tâm vận động để được trở về Mạc-tư-khoa trước khi anh công tác đủ ba năm tại Vi-a-dơ-ma sau khi học ở Đại học ra; chị cũng biết rõ rằng nếu anh không quyết định về Mạc-tư-khoa, chị sẽ đến với anh ở Vi-a-dơ-ma. Tuy nhiên, trong bức thư gửi Xin-xốp, chị cũng không thể hỏi anh xem khi đến Vi-a-dơ-ma chị có thể công tác ở đâu và làm gì cho thích hợp với chuyên môn nhân viên kỹ thuật điện của chị; riêng đối với chị, câu hỏi như thế có nghĩa là chị đã sẵn sàng đến Vi-a-dơ-ma với anh rồi còn gì.
Chị đếm từng ngày; nếu Xin-xốp trả lời ngay sau khi nhận được thư như mọi lần thì thư trả lời sẽ đến Ga-gơ-ri. Như thế là anh không trả lời. Nhưng sau khi soi gương và đi đếm bước trong phòng, chị chạy đến xem trên bàn làm việc có gì không rất có thể là Xin-xốp gửi thư thẳng đến Mạc-tư-khoa.
Ở nhà, người ta có thói quen sắp xếp mọi thứ trên bàn làm việc của Pôn: thư, điện, biên lai tiền thuê nhà, và tiền điện thoại. Ngoài hai bức thư của Pôn gửi cho bà cụ đã bóc phong bì, trên bàn còn một bức thư dán kín của Xin-xốp gửi cho chị. Sau khi đọc lướt nhanh, chị gọi điện thoại hỏi ga Bi-ê-lô-rút-xi - Ban-tíc. Chuyến tàu đầu tiên đỗ lại ở Vi-a-dơ-ma bốn giờ chiều sẽ khởi hành.
Rồi chị đọc lại bức thư. Lúc này chị thấy hình như nó ngắn quá, tự tin quá: Xin-xốp khao khát gặp chị đến độ anh không muốn nói gì với chị bằng thư. Tốt lắm. Nhưng anh lại viết thêm anh đếm đợi từng ngày cũng như chị. Sao mà chủ quan thế. Ngoài ra anh không nói một lời nào về bức thư vừa rồi của chị mặc dù nó hết sức lạnh lùng dường như tất cả mọi thứ đó đối với anh chẳng có chút gì là quan trọng.
- A, mẹ, mẹ! - Ma-sa la lên, ôm lấy bà cụ vừa đi vào, tay cầm bình nước. Chị nép vào bà và cứ như thế một lúc lâu, đầu để trên vai mẹ, cố không khóc òa lên, chị cảm thấy sung sướng vô cùng: bức thư của Xin-xốp, đầy chủ quan đến bực mình, nhưng đồng thời cũng biểu lộ một tình yêu nồng nhiệt đối với chị và lòng thiết tha mong muốn được gặp mặt chị đến độ chị chỉ còn có cách là ra tàu lấy vé đi đến Vi-a-dơ-ma với anh.
- Thế nào, anh ấy bảo gì? - Bà Ta-ti-a-na hỏi, khi Ma-sa nhắc đầu khỏi vai bà.
Để hai mẹ con ta cùng đọc, Ma-sa nói và chị lấy một bức thư của Ác-tê-mi-ép, mặc dù chị thừa hiểu là bà cụ muốn nói đến thư của Xin-xốp.
Ta-ti-a-na thoáng mỉm cười, nhưng bà lặng im và bắt đầu rót trà.
Bức thư thứ nhất của Pôn viết từ Si-ta và không cho địa chỉ. Anh nói anh đang đợi công tác và nói về thành phố lắm bụi và chán ngấy; người ta cảm thấy thật ra anh đang buồn chán và bức thư dài vì anh rỗi không có việc gì làm.
Bức thứ hai, ngược lại cụt lủn, đánh máy, chỉ chữ ký là của anh. Viết từ trung tuần tháng sáu, trong có ghi địa chỉ và số hòm thư.
Rõ ràng là sau mấy hàng chữ này giấu nhiều sự việc. Pôn nói là anh công tác trong một ban tham mưu. anh viết bằng máy chữ vì anh đang tập và anh đã có thể tự đánh máy lấy được tất cả những gì anh cần, dù bằng một ngón tay mổ cò. Không một chữ về địa điểm anh đang công tác.
- Con nghĩ gì về bức thư này? - Bà Ta-ti-a-na Xtê-pa-nốp-na hỏi Ma-sa.
- Con không biết, con thấy nó nhạt nhẽo, lạ lùng. Người ta có thể nói không phải là một bức thư của anh Pôn.
- Mẹ, mẹ nghĩ là nó hiện ở Khan-khin Gôn mà người ta nói đến trên các báo - bà Ta-ti-a-na nói với giọng tin chắc.
Ma-sa cũng có nghĩ đến điều đó nhiều lần. Lúc còn nghỉ ở Ga-gơ-ri, khi chị đọc tin tức về cuộc xô xát ở khu vực biên giới và về những trận không chiến ở biên giới Mông-cổ - Mãn Châu, chị nghĩ ngay rằng Pôn nhất thiết phải có mặt ở đó. Bây giờ đọc bức thư này, những linh cảm của chị đã trở thành một niềm tin chắc chắn. Dù sao, chị cũng thấy nên phát biểu to lên một vài lời dè dặt và nói với bà cụ điều mà con gái thường nói với bố mẹ trong những trường hợp tương tự, cố gắng nói như là nói với trẻ con; không gì tỏ ra rằng Pôn ở Mông-cổ, Viễn Đông rộng mông mênh, từ Si-ta đến Cam-sát-ka, và không thiếu gì những địa điểm mà người ta không thể nói hoặc gọi tên cách nào khác ngoài cách dùng một con số hộp thư...
Những lời của Ma-sa không làm thay đổi gì ý nghĩ của bà Ta-ti-a-na Xtê-pa-nốp-na. Sau bức thư đó, trái tim của người nữ biết rằng Pôn ở Mông-cổ và nếu Ma-sa không biết, thì càng tốt, ít ra chị cũng yên tâm hơn. Vì thế nên bà làm như có vẻ công nhận những lập luận của con gái.
Một nửa giờ sau, khi bà Ta-ti-a-na Xtê-pa-nốp-na nói bà phải đi vì có công việc đang đợi, Ma-sa cố không đỏ mặt nhưng rồi vẫn cứ đỏ mặt, chị nói với bà.
- Mẹ ơi, con đi Vi-a-dơ-ma chơi một ngày đây - Bà Ta-ti-a-na mím môi châm biếm, như bà muốn nói với con gái: «Sao con lại cứ mẹo với mẹ như thế, con nghĩ là mẹ không nhìn thấy gì cả hay sao?», bà không trả lời, ngồi vào bàn làm việc của Pôn để xếp vào trong một chiếc cặp bà vừa mua, những thực đơn và sổ sách bà cần dùng ở nhà ăn của xưởng. Vừa làm, thỉnh thoảng bà lại nhìn về phía con gái, nghĩ thầm rằng tình yêu, ngay cả khi người ta đã chuẩn bị từ lâu, từ hàng mấy năm trời cuối cùng rồi cũng có một ngày nào đó sẽ rơi xuống đầu người ta, với tất cả sức mạnh của nó và không để cho một người con gái có khả năng, ngay nói với mẹ mình một cách bình tĩnh nữa.
Bà Ta-ti-a-na Xtê-pa-nốp-na từ lâu đã hiểu rõ Xin-xốp, mọi khía cạnh tốt, cùng những khía cạnh xấu (và anh thì tốt nhiều hơn xấu, bà nghĩ bụng) và Ma-sa sẽ không lầm khi lấy anh. Tất cả đã quyết định từ lâu rồi, lúc này bà đang bận tâm về một vấn đề khác, bà lo không biết Ma-sa và Xin-xốp sẽ ở đâu, ở Vi-a-dơ-ma hay ở Mạc-tư-khoa.
Từ mấy năm nay, bà đã biết không ít người, sau khi lấy nhau, chồng ở một thành phố, vợ ở một thành phố: vợ vẫn giữ căn nhà ở Mạc-tư-khoa, trong lúc chồng làm việc ở nơi khác. Bà sống ba mươi năm bên chồng, gần như không lúc nào xa nhau, nên không thể thừa nhận được những đám cưới như vậy. Một khi Ma-sa đã lấy chồng, nếu Xin-xốp không thể đến sống ở Mạc-tư-khoa, bà sẽ tự buộc mình phải chia tay với con gái và để chị đến ở với chồng. Nhưng ý nghĩ phải dời bỏ căn nhà này - nơi chồng bà sống và chết ở đấy - dời bỏ tòa nhà mà một nửa số người thuê là công nhân trong xưởng bà quen biết từ thời trước cách mạng và đến làm mẹ vợ ở nhà con rể - dù là tốt nết, như Xin-xốp - ý nghĩ đó cũng không phải đơn giản mà nhập vào óc bà được! Bà lo lắng suy nghĩ về việc sẽ xảy tới, trong hai người ai sẽ đến ở nhà ai, bà biết rằng đấy là một việc quyết định không những đối với hai người mà còn cả với bà nữa.
- Thôi, mỗi người mỗi nơi - bà Ta-ti-a-na vừa nói vừa nhét tờ hóa đơn cuối cùng vào cặp đặt chiếc cặp trên bàn để đóng khóa lại - Pôn thì ở đấy, con ở đây.
Lúc bắt gặp đôi mắt của mẹ, Ma-sa nhớ đến anh và nghĩ rằng Pôn giống mẹ một cách lạ lùng: anh ấy gần như không có một nét nào của bố. Môi Pôn cũng hơi hích lên như môi mẹ, đôi mắt hạt dẻ, cũng nụ cười rộng trên một khuôn mặt to, cũng rộng vai như thế, chỉ có màu tóc là khác; tóc của bà cụ đã bất đầu hoa râm, điểm nhiều sợi bạc trên một nền vàng sẫm. Tóc của Pôn thì đỏ hung như lửa.
Ma-sa nghĩ thầm: «Nhưng khi tóc của Pôn bắt đầu hoa râm cũng sẽ giống như tóc bà cụ».
- Có gì mà con nhìn mẹ dữ thế? Đến đây con, đến đây...- Bà nhích ghế lại, và để Ma-sa ngồi bên, bà lấy bàn tay to lớn kéo chị về phía mình. Đầu của Ma-sa nép dưới cánh tay, cô con gái trẻ tuổi chỉ nhìn thấy một mẩu tai, một bên má và một bên mắt của mẹ. Một giọt nước mắt lớn long lanh ở khóe con mắt đó và chảy từ từ trên má. Ma-sa mau lẹ ôm lấy mẹ, nhưng Ta-ti-a-na lấy tay ngăn lại một cách bình tĩnh, kiên quyết rồi, bằng một giọng thản nhiên, thản nhiên đến độ nếu chính mắt chị không nhìn thấy giọt nước mắt đó, chị không bao giờ có thể tưởng là mẹ vừa mới khóc, bà nói là ngay sau khi chị ở Vi-a-dơ-ma về, cả hai mẹ con cần phải trả lời Pôn. Rồi bà đứng nhanh dậy, hôn vào má Ma-sa, không nói gì và đi ra.
Chuyến tàu bốn giờ là chuyến khởi hành từ xa tít: đây là chuyến Mãn Châu đi Ni-ê-gô-ri-ê-lô-i-ê. Ma-sa bắt đầu chuẩn bị để đi ra ga lấy vé trước.
Bỏng chuông điện thoại réo.
- Ta-ti-a-na Xtê-pa-nốp-na? - Một giọng phụ nữ hỏi.
- Mẹ lại không có nhà. Ai gọi đấy?
- Na-đi-a đây. Ai đấy?
- Ma-sa đây. Chào chị - Ma-sa nói, giọng hơi run vụn. Mấy năm vừa qua, chị chỉ biết tin tức về Na-đi-a qua những bức thư của bà Ta-ti-a-na, mười năm nay rồi chị không gặp lại Na-đi-a, từ khi Pôn vào học trường quân sự.
Na-đi-a im lặng một lúc, như chị do dự vì chính chị muốn nói với bà Ta-li-a-na Xtê-pa-nốp-na, nay không biết có nên nói với Ma-sa không - kỷ niệm chị giữ được về Ma-sa là mãi từ thời Ma-sa mới mười hai tuổi - nhưng cuối cùng chị nói:
- Thật ra, thì cũng thế thôi. Mình muốn gặp bà cụ vì có tin của Pôn.
- Có việc gì xảy ra thế? - Ma-sa hốt hoảng hỏi lại.
- Ồ, không, không có việc gì xảy ra cả, trái lại, mọi sự đều tốt lành. Tôi được biết một số tin tức về Pôn và muốn kể lại cho bà cụ nghe.
Chị lặng im, chắc là đợi Ma-sa trả lời.
- Làm cách nào gặp chị được nhỉ? - Ma-sa hỏi.
- Tôi sắp đi ra ngoài có chút việc một lát - Na-đi-a nói - xong việc sẽ đến tiệm sửa tóc, chúng ta có thể hẹn nhau hai giờ nữa ở công viên A-lếch-dăng-đrốp-xki, trên chiếc ghế gần cửa vào phía O-khốt-ni Ri-át. Đồng ý không?
- Đồng ý.
- Anh ấy khỏe lắm, cô đừng lo ngại gì cả - Na-đi-a nói như để bào chữa cho việc mình đi sửa tóc rồi mới đến chỗ hẹn gặp để nói cho Ma-sa biết tin tức của Pôn.
Sau đó, chị gác máy lại.
Ở ga Bi-ê-lô-ruýt-xi, một ông già làm nghề khuân vác, thân hình loắt choắt nom vẻ mặt người ta thấy gán cho ông lão làm nghề gì cũng đúng, chỉ trừ có nghề khuân vác. Sau khi cho Ma-sa biết là ở ghít-sê không còn một vé nào nữa, ông lão cầm tiền của Ma-sa và nói một cách quả quyết rằng mình «sẽ lo liệu tất cả», rồi biến đi đâu mất, nhanh đến nỗi làm Ma-sa lo ngại. Sau khi đưa mắt tìm ông lẫn trong đám đông, và trong bụng mơ hồ muốn nhờ một người khác lấy hộ vé cho mình, Ma-sa thong thả đi khỏi ga, ra phố Goóc-ki.
Trời đã oi bức, báo trước một ngày nắng thiêu đốt. Nhựa đường chưa chảy, nhưng vẫn còn giữ dấu vết của những bước chân hôm qua, những gót chân hình bán nguyệt và những vết răng cưa bánh xe.
Lúc sáng sớm, Ma-sa có cảm giác rằng ở Mạc-tư-khoa mát hơn ở miền Nam, nhưng lúc này trời gần như nóng hơn. San mười lăm phút đi bộ, chị thấy nghẹt thở trong chiếc áo vét xanh, chị cởi áo vắt trên tay và tiếp tục đi. Trên đại lộ Goóc-ki, trời hình như còn oi bức hơn vì người qua lại đông, xe cộ ồn ào, lại thêm mùi ẩm của xăng và bụi các công trường. Gần suốt dọc hai bên bờ đại lộ, người ta đang xây những nhà mới, thêm tầng, phá bỏ hay di chuyển những công trình sẵn có. Người ta nghe rõ mồn một tiếng nhúng xẻng xi-măng đổ trên gạch và tiếng nói của đám thợ nề. Sau những hàng rào quây lấy những đóng gạch vụn của những căn nhà đang dỡ, búa máy đập tằng tằng như tiếng liên thanh và bụi đỏ của gạch, bụi trắng của thạch cao, cuộn lên trời như những đám mây.
Tiếng đập của búa máy, vẻ nhộn nhịp trong dẫy phố của những đà giáo và hàng rào này, ngay đến cả cái vẻ vội vã của những người dân Mạc-tư-khoa, tất cả có một cái gì vui vui làm cho Ma-sa hết sức cảm động. Tại sao chị lại phải dời bỏ Mạc-tư-khoa đi Vi-a-dơ-ma vào lúc này? Phải, ở đó có Xin-xốp! Nhưng sao lại cứ phải chị dời Mạc-tư-khoa đến Vi-a-dơ-ma gặp anh mà không làm trái lại? Lẽ dĩ nhiên ở đâu cùng có thể sống và làm việc được. Trường hợp của chị thật ra không cần thiết phải chứng minh; chị vừa công tác ở Viễn-đông về.
Mải nghĩ bụng chị sẽ đến đó và thuyết phục anh để anh thấy cần thiết phải về ở Mạc-tư-khoa. Hết sức phấn khởi vì quyết định của mình, một lát sau chị lại nhớ đến giọng nói lạnh lùng và rè rè của Xin-xốp mỗi lần đụng đến một việc gì anh cho là nguyên tắc anh không thể làm được. «Anh phải công tác ở đây ít nhất một năm nữa» Xin-xốp sẽ nói với chị bằng cái giọng nhỏ nhỏ lạnh lùng đó và rồi buông thõng hai tay xuống đầu gối, vẻ mặt buồn rầu, anh sẽ nhìn chị, và trông mắt anh, chị sẽ thấy rõ là anh không thể nào sống không có chị.
Ma-sa tự hình dung tất cả câu chuyện này gồm hai người, rõ đến độ chị sẽ chẳng bao giờ lại mạo hiểm làm việc đó; thôi đành từ biệt Mạc-tư-khoa, ít nhất là một năm vậy.
Với một cảm giác buồn mơ hồ trước triển vọng phải dời Mạc-tư-khoa, Ma-sa đến công viên A-lếch-dăng-đốp-xki, ngồi trên một chiếc ghế không cách xa cột tháp đá xám là bao nhiêu và nhìn đồng hồ: chị đã hết sức đi chậm thế mà vẫn còn mười lăm phút nữa mới đến giờ hẹn.
Lần đầu tiên, chị tự hỏi không biết Na-đi-a và chị có nhận được nhau không. Mười năm trước đây, Na-đi-a, hồi đó mười sáu tuổi, với những dải tóc dài, cặp mắt thẫm màu, hơi lồi, người chị rất đẹp, to cao, hơi lớn quá so với tuổi, trông đã có vẻ gần như một thiếu phụ. Tự biết mình đẹp, chị ta thường đi chậm chạp, vẻ uể oải, kiêu hãnh; Ma-sa thường bảo là chị ta «làm phách».
Nhưng trong mười năm chắc chắn là Na-đi-a phải thay đổi. Không biết chị ta giờ đây thế nào? Ma-sa cố hình dung ra Na-đi-a, trong lòng đượm một chút ác cảm.
Mối ác cảm này Ma-sa có từ hồi chị còn bé, nó tăng lên thoạt tiên do một vài nhận xét nhỏ không lấy gì làm tốt của Xin-xốp (trong những bức thư anh gửi) và của mẹ chị, và rồi do một lần nói chuyện gần đây với anh ruột, ít lâu trước khi anh lên đường.
- Na-đi-a có ra ga không? - Ma-sa hỏi, chị muốn xác nhận một ý nghĩ chị đã có trong đầu, nhưng không muốn nói ra.
Pôn đáp:
- Chẳng có lý do gì để cô ta ra ga, cả về phía cô ta, lẫn phía anh - Pôn không giấu nỗi chua chát trong lòng, từng đốm vàng nhỏ vụt lóe lên trong cặp mắt anh lúc ấy hơi nhíu lại.
Trong lúc đang hồi tưởng lại lần nói chuyện với anh, Ma-sa chợt thấy đằng xa, trên hè Đại khách sạn, một bóng người, nom quen quen. Một người đàn bà bước từ một tiệm sửa tóc ra, một người đàn bà cao lớn đi đến gần một chiếc xe đỗ bên hè, ném một gói hàng qua khung cửa đã hạ kính, nói với anh lái xe một lát, và chậm chạp đi qua đường về phía công viên A-lếch-dăng-đrốp-xki.
Phải, đúng Na-đi-a rồi. Trong khi chị ta đi qua quảng trường, Ma-sa tự hỏi không biết điều anh ruột của chị nói lúc đi có phải là xong hẳn, không thể nào lấy lại được không - Nếu như thế thì Na-đi-a nhận được tin tức của Pôn bằng cách nào hay là do một người nào khác?
Đến công viên, Na-đi-a nhìn những chiếc ghế chung quanh mình, chớp chớp cặp mắt cận thị và cuối cùng khi nhìn thấy Ma-sa, quả quyết đi về phía chị - Mười năm qua Na-đi-a thay đổi rất ít, chỉ hơi đẫy hơn trước một chút, nhưng cái dáng đi nhẹ nhàng và uể oải lại như có vẻ thoải mái hơn. Những bím tóc cuộn lên thành một búi nặng trên gáy hình như hơi kéo về phía sau cái đầu có tư thế kiêu hãnh. Chị vẫn đẹp, có phần còn đẹp hơn trước, và đó cũng là điều Ma-sa nói với Na-đi-a lúc đi lại gặp chị.
- Nom chị còn đẹp hơn trước.
Na-đi-a lắc mạnh tay Ma-sa, theo kiểu nam giới - một thói quen mới, vì trước kia chị sẵn sàng ôm lấy các bạn nhỏ của mình - và không trả lời nhận xét của Ma-sa, chị nói vắn tắt:
- Chúng ta ngồi xuống đây.
Hai người ngồi xuống ghế.
- Nhà tôi... - Na-đi-a nói bằng một giọng «công việc» và chị ngừng lại mấy giây để ngắm vẻ bối rối trên mặt Ma-sa. Rồi chị mỉm cười nói thêm - cô đừng sợ, không phải Pôn đâu. Nhà tôi vừa gửi một bức thư, nhờ một anh bạn phi công mangvề hộ - Chị lấy trong ví ra một bức thư - Nhà tôi ở bên Mông-cổ, anh ấy tình cờ gặp Pôn ở bên đó. Lúc ở đây anh ấy cũng đã có biết Pôn chút ít.
- Chị đã lấy chồng rồi à? - Ma-sa buột mồm hỏi.
- Phải - Na-đi-a trả lời - Tôi nghĩ rằng đó chẳng phải là điều cô muốn biết, điều cô muốn biết là về tin tức Pôn, có phải không?
- Lẽ dĩ nhiên.
- Nhà tôi chỉ huy một đơn vị không quân ở bên đó - Na-đi-a tiếp tục nói - Anh ấy gặp Pôn cách đây một tuần. Pôn đến đơn vị anh ấy chẳng hiểu vì lý do gì. Pôn bị thương hồi tháng năm nhưng lúc này đã gần bình phục hẳn rồi.
- Cảm ơn chị - Ma-sa nói - Anh Pôn bị thương ở đâu? Có nặng không?
- À cái đó thì tôi không biết. Tất cả điều tôi biết là cách đây một tuần anh ấy đã hoàn toàn bình phục. Vả lại, ở bên đó đang đánh nhau to. Tôi không nói hết được, nhưng câu chuyện rất nghiêm trọng - Na-đi-a nói thêm, thích thú với giọng nói làm ra quan trọng của mình - thật ra, đó là tất cả những điều tôi muốn nói.
Na-đi-a nhét vào trong ví bức thư để ngỏ một nửa chị vẫn cầm trong tay suốt thời gian nói chuyện, rồi đóng ví lại, sau chị lại mở ví ra lấy một bức ảnh và nói:
- Đây cảnh Mông-cổ đây này, thật đúng là một bãi sa mạc.
Chị đưa bức ảnh cho Ma-sa: mấy anh phi công đứng bên một chiếc máy bay. Phía sau họ là thảo nguyên.
- Nếu cô muốn biết, đây là nhà tôi - Na-đi-a lấy ngón tay chỉ vào giữa đám người, một anh phi công bé nhỏ, người đẫy đà mập mạp, tóc quăn, màu sáng, đeo cấp hiệu đại tá và ba huân chương trên ngực áo.
Chị nói như lướt qua đi, mặc dù chị lấy bức ảnh ở trong ví ra chỉ để làm chuyện đó.
Ma-sa sau khi ngắm bức ảnh một lát, trả lại chị không nói năng gì. Na-đi-a mở ví, lơ đãng để tấn ảnh rơi vào trong, rồi đóng sập ví lại nghe đánh tách một cái cộc lốc.
- Thế là chị đã lấy chồng rồi - Ma-sa nói vẻ mặt tư lự. Na-đi-a đáp lại:
- Phải, tôi đã lấy chồng rồi, thoát nạn.
- Thế cũng phải, tôi không muốn Pôn lấy chị một chút nào - Ma-sa vừa nói vừa nhìn thẳng vào mắt Na-đi-a, cái nhìn chân thật, gan dạ, nửa thơ ngây, nửa cứng cỏi, nó đã làm cho Na-đi-a phát sợ mười năm về trước khi Ma-sa còn là một cô bé.
- Cô có thể cho tôi biết lý do tại sao không?
Na-đi-a nói, vẻ thách thức.
- Thôi lúc này cũng chẳng cần phải nói - Ma-sa trả lời. Na-đi-a đã lấy một người khác, Ma-sa thấy rằng không cần phải giải thích về vấn đề đó.
- Mọi sự là tại Pôn cả - Na-đi-a nói đột nhiên - Khi tôi đọc đến chỗ anh ấy bị thương thoạt đầu tôi rất sợ. Dù sao tôi vẫn thấy có cảm tình với anh ấy. Và tình cảm của tôi đối với anh ấy chưa phải là đã tắt hẳn. Tôi có thể hoàn toàn yên tâm nói với cô điều đó vì cô sẽ không nhắc lại cho anh cô biết. Cô quá sợ anh ấy trở về với tôi.
- Anh ấy sẽ không trở lại với chị nữa đâu! - Ma-sa nói, giọng ác cảm ra mặt, vừa đứng dậy.
Chị thấy lòng căm ghét Na-đi-a lại trào lên trong người với một sức mạnh mới, lòng căm ghét này từ trước đến nay phần lớn mới chỉ do những kỷ niệm và những chi tiết nghe nói về Na-đi-a gây nên.
- Anh ấy sẽ không trở lại với chị đâu - Ma-sa nhắc lại - Đừng có hy vọng mà phí công.
Na-đi-a, choáng váng vì lời nói sỗ sàng đột ngột này, cũng đứng dậy và áp chặt chiếc ví da vào ngực như để tự vệ.
Nhưng Ma-sa nghĩ rằng, xét cho tới cùng, Na-đi-a dù sao cũng đã nói cho chị nghe về Pôn với ý định tốt nhất và, gạt tất cả những điều kia khác ra ngoài, như vậy là rất tốt. Ma-sa đưa vội tay cho Na-đi-a và nói:
- Xin lỗi chị, chị đừng để ý. Và xin cảm ơn chị về những tin tức chị cho biết về anh Pôn tôi. Chị đừng giận tôi nhé. Thôi chào chị!
Na-đi-a không kịp suy nghĩ, chị như chiếc máy bắt tay Ma-sa rồi quay đi, chị bực bội khi thấy cô gái này, từ trước đến nay Na-đi-a vẫn chỉ hình dung là một đứa bé con, thốt nhiên, đến cuối câu chuyện giữa hai người, lại trở thành người làm chủ tình thế như vậy.
Ma-sa đưa mắt nhìn theo Na-đi-a, chị nghĩ thầm một cái gì xa lạ với gia đình nhà chị đã đi khuất đi cùng với người đàn bà này; trong lòng chị không bợn chút hận thù, chị có cảm giác thoải mái. Giờ đây chị thấy khó hình dung được cái cảnh anh ruột chị sánh đôi với Na-đi-a.
*
* *
Ông lão khuân vác mà Ma-sa thấy có vẻ như không đáng tin, lại đang đứng đợi chị vào giờ đã hẹn. Đứng bên ghít-sê của phòng gửi hành lý, ông ta cầm ở tay một chiếc vé, với dáng điệu của một kẻ thấy mình vừa làm được một việc quan trọng.
Ghế dành trước là một ghế trong toa «cứng». Ma-sa nằm dài trên chiếc ghế cút-sét tầng dưới, một lát đã thiu thiu ngủ và năm tiếng đồng hồ sau, chị dậy, thì trời đã tối đen. Tàu sắp đến Vi-a-dơ-ma. Chị cảm thấy khó chịu vì đáng lẽ phải thức để đếm từng giờ từng phút, chị đã ngủ miết đi như một đứa trẻ. Chị chỉ còn vừa vặn thời gian để sửa sang một chút, nhất là vuốt chiếc vét nhầu nát cho trông được hơn; chị nhón nhén lấy mười đầu ngón tay khẽ kéo áo xuống, cố giấu không cho những hành khách đi cùng ngăn biết.
Phía sau cửa sổ, khói trắng mờ dần giữa những ngọn cây đen sẫm, dưới gốc cây kéo lê một lớp sương mù trắng loang.
Cuối cùng, đoàn tàu đỗ ở Vi-a-dơ-ma. Qua những bức thư Xin-xốp viết và những câu chuyện anh kể, Ma-sa biết rất rõ chỗ anh ở, ngay sau khi xuống sân ga, tay xách va-li, chị đi vào một phố, ở đằng cuối sừng sững bóng đen một chiếc nhà thờ có năm nóc tròn cổ bồng.
Đi khỏi nhà thờ, phải rẽ trái sang phố Lu-nát-sác-xki rồi lại rẽ trái, đi vào một phố nhỏ. Xin-xốp ở một căn nhà trong ngõ, bên cạnh một nhà in. Căn nhà, ở cuối sân, đúng như Xin-xốp đã tả: một căn nhà cổ xưa, hai tầng bằng đá với nhiều bậc thềm, giống y như nhau và không có một tí chút chỉ dẫn nào về buồng những người thuê nhà.
- Chị tìm ai? -Một người đàn bà vừa mới bước ra sân tay cầm những túi thực phẩm, từ xa hỏi chị - Chắc là anh ta không có ở nhà đâu, nhưng chị cứ thử đến xem - bà nói thêm, khi Ma-sa nói muốn tìm Xin-xốp.
Đi theo người đàn bà đó, Ma-sa leo hết những bậc thềm bên trái, rồi đi cầu thang lên gác hai. Người đàn bà đẩy cửa và hai người vào một phòng ngoài dài và hẹp. Ở đầu buồng ngoài là một chiếc cửa, chắc thông vào một căn buồng xép; đầu kia có một chiếc cửa sổ để lấy ánh sáng, từng khoảng suýt soát bằng nhau, ba chiếc cửa thông vào ba căn buồng.
Người đàn bà đặt hai túi thực phẩm của mình ở phòng ngoài, nhặt những củ hành vương vãi trên sàn đem đặt trên bàn nấu ăn cạnh lò bếp và cuối cùng đến gõ cửa buồng giữa rồi nói ngay:
- Tôi đã nói với chị là anh ấy không có nhà mà - Rồi bà ta đi về phía cửa bên phải lấy chìa khóa treo trên một chiếc đinh, lại mở cửa và quay về phía cầu thang.
- Vào đây chị - bà đứng từ xa gọi với Ma-sa, đang đứng ở phòng ngoài.
Căn buồng nhỏ, trong đầy những đồ đạc; một tủ bát đĩa làm bằng gỗ sên và một tủ ngăn chiếm hết chỗ. Những đồ đạc khác đều bé tí xíu: một chiếc bàn tròn, một chiếc khác còn nhỏ hơn, một chiếc bàn xoay, một giá tre và một đế mây trên để một bình boa. Ngay cả chiếc giường cũng nhỏ xíu, một thứ phản trên có phủ một tấm khăn giải trắng.
Người đàn bà, mà lúc này Ma-sa mới nhìn tường tận, là một người mảnh khảnh và dễ xúc động. Bà ta đi đi lại lại nhiều lần, hết góc này sang góc kia, trong phòng, chẳng nói với Ma-sa một lời, cũng chẳng mời Ma-so ngồi; sau khi đã hoàn thành cái «công tác» đi lại khó hiểu ấy, mà bà ta cho là quan trọng, bà quay về phía Ma-sa mời chị ngồi và tự mình cũng ngồi trên một chiếc ghế khác đối diện với người con gái trẻ tuổi.
- Thế nào chị tìm I-văng Pê-tơ-rô-vít phải không - vừa nói bà vừa ngắm nghía Ma-sa một cách chăm chú chẳng phải như một người không quen biết, mà như để đối chiếu thực tế với những điều bà nghĩ trong đầu. Ma-sa chỉ đáp lại:
- Vâng.
- I-văng Pê-tơ-rô-vít cũng đã nói với tôi là có thể chị đến chơi, anh ấy còn hỏi tôi cả xem có thể bố trí cho chị ở cùng với tôi không. Lẽ dĩ nhiên là tôi không từ chối. Nhưng lúc này Bác-cu-xốp đi Xmô-len-xcơ một tuần, chị có thể ngủ trong phòng anh ta. Nếu chị cần - bà nói thêm, không tỏ vẻ tò mò, không hỏi han. Đó chỉ là do ý thức về thực tế cuộc đời.
Người đàn bà đó nói về mình, về Bác-cu-xốp như Ma-sa đã am hiểu hết về họ. Thật ra, Ma-sa cũng đã biết tất cả qua những thư của Xin-xốp. Chị biết Bác-cu-xốp cũng viết báo và ở buồng bên cạnh buồng Xin-xốp. Chị biết người đàn bà này tên là An-na An-đrê-iép-na, trước đã có chồng; bây giờ lẻ loi một mình, bà sống chật vật hơn trước; cứ hai ngày một lần bà đến làm hộ lý trong một nhà hộ sinh, thời giờ còn lại, bà để chăm sóc nhà cừa cho Xin-xốp và Bác-xu-cốp. Cả hai đều chưa có vợ. Xin-xốp cho bà là một người đau khổ, nhưng không phải vì thế mà hay càu nhàu, con người âm ỉ, nhưng độ lượng. Bởi với Ma-sa thì chính về mặt hiểu biết đời sống con người, dù chỉ là hiểu đại khái thôi, Xin-xốp cũng chẳng lấy gì làm giỏi cho lắm, nhưng lần này, chị thấy hình như anh có vẻ đúng.
- Có lẽ chị muốn uống trà?
- Không, xin cảm ơn bà, bà An-na An-đrê-iép-na.
- Cô bé Ma-sa của tôi ơi, cô thật giống những bức ảnh của I-văng như đúc - người đàn bà nói, giọng dịu xuống, trìu mến, sung sướng vì thay Ma-sa gọi tên mình, và muốn tò cho chị biết rằng không những I-văng cho Ma-sa biết về bà mà I-văng cũng có nói chuyện với bà về Ma-sa.
- Thế còn bà, bà không dùng trà sao? - Ma-sa hỏi. Bà An-na lắc đầu.
- Chị có thể tin là, nếu tôi chỉ nấu nướng cho tôi không thôi thì tôi sẽ nhịn hàng mấy ngày liền. Tôi không thích chăm sóc riêng cho bản thân mình, chán lắm.
Khi nói, bà vẫn ngồi trước mặt Ma-sa không nhúc nhích.
Trên khuôn mặt gầy và dễ cáu kỉnh, đầy nếp nhãn, đôi mắt xanh to như phai màu, gần trắng bạc; tóc lốm đốm hoa râm như phủ bụi, kéo xuống gáy thành một búi nhỏ.
- Tôi, hồi trước tôi cũng đẹp, chị không tin à! - An-na vừa nói vừa với tay về phía chiếc giá tre lấy một cuốn an-bom ngoài bìa phủ nhung xanh, cũng bạc màu như đôi mắt của bà, đặt trên bàn. Bà không đưa cho Ma-sa, tự tay giở lấy những trang ảnh, và ngừng ở tờ thứ nhất, bà đưa cuốn an-bom đền gần cho Ma-sa xem. Trong một chiếc khung nhỏ hình bầu dục, một người đàn bà trẻ, không đến nỗi gầy, ngồi trên một chiếc đi-văng hẹp, ngồi không được thoải mái lắm, bên một sĩ quan có đôi ria dài rậm, mắt nhìn về phía trước, vẻ hơi ngông nghênh.
- Chồng tôi đấy. Hồi đại chiến, ông ấy làm ở quân nhu một thời gian - bà An-na nói, và Ma-sa nhìn đôi mắt đẹp, mênh mông của người đàn bà trẻ trên tấm ảnh, chị hiểu cái vẻ quyến rũ mà đôi mắt bạc màu của người đàn bà này thật ra từ lâu không còn có thể nói là đẹp nữa, vẫn còn giữ được là ở đâu mà ra.
Gấp cuốn an-bom lại và để vào chỗ cũ trên giá, bà An-na nói, không một chút oán giận rằng thời trước bà đã từng sống những ngày tươi đẹp hơn bây giờ. Và Ma-sa, đã đọc điều ấy trong một bức thư của Xin-xốp, chị nghĩ bụng chắc câu đó bà lặp đi lặp lại luôn, có thể nói như một thói quen, trên môi người đàn bà có tuổi này.
Bà An-na nói:
- Chồng tôi bị «Sê-ka»(1) bắn chết. Năm một nghìn chín trăm hai mươi. Vì ông ấy buôn chợ đen. Hồi đó ông ấy đã bỏ tôi và lên ở Mạc-tư-khoa. Từ trước, ông ấy đã lừa dối tôi, gần như là ngay từ khi mới lấy nhau. Chúng tôi không có con - bà nói thêm, như để cắt nghĩa cho sự phụ bạc của chồng hay để nhấn mạnh rằng trong đời sống của hai người chẳng có gì tốt đẹp cả. Bà ta nhắc đến việc chồng bị «Sê-ka» bắn chết, dửng dưng như nói về một người không quen biết nào.
Rồi bà nhắc lại một lần nữa là mình đã từng sống những ngày khá giả hơn, nhưng bằng một giọng quá sức buồn rầu làm Ma-sa hiểu rằng câu nói đó chỉ có nghĩa là hồi trước, bà trẻ hơn, giàu có hơn, chứ không phải là đã sung sướng. Trong cuộc đời, chắc chưa bao giờ bà được biết hạnh phúc.
Ma-sa cảm thấy một nỗi buồn không thể chịu được về ý nghĩ ấy, thế mà nó rất đơn giản, và chẳng có gì là kỳ lạ cho lắm, cái ý nghĩ rằng người ta có thể già đi mà vẫn chưa được một lần sung sướng.
- Bà cho là I-văng Pê-tơ-rô-vít về muộn phải không? - Ma-sa nói ngập ngừng khi gọi tên Xin-xốp một cách kính trọng như thế - Hôm nay, thứ bảy cơ mà.
- Họ có kể gì thứ bảy với chẳng thứ bảy. Chủ nhật phải ra báo. Có khi họ ở nhà in đến tận đêm. Chị không nghe thấy tiếng máy chạy hay sao?
Ma-sa lắng tai nghe. Qua cửa sổ để ngỏ, đúng là nghe thấy từ phía nhà bên cạnh có tiếng máy chạy.
________________________________________ (1) Tổ chức trấn áp phản cách mạng của chính quyền Xô-viết sau Cách mạng tháng Mười.
- Nhưng tối hôm nay anh ấy không ở nhà in đâu. Hôm qua anh ấy đi Cô-ma-rô-vô, thăm một công trường ở đấy. Anh ấy bảo tối nay sẽ về. Lúc này cả hai người chỉ làm có thế, họ chẳng ở yên tại chỗ bao giờ cả, sắp đến vụ gặt rồi.
- Cô-ma-rô-vô có xa không bà? - Ma-sa hỏi, lo sợ nghĩ rằng nếu xa thật thì ngày hôm sau Xin-xốp mới có thể về được.
- Độ hai mươi véc(1) gì đó. Nhưng anh ấy đi bộ cừ lắm, một chân ở đây chân kia bước cách dài đến trăm thước - bà nói thêm để Ma-sa đỡ lo ngại. Rồi bà nhấc chiếc khăn giải bàn bằng vải nhựa lên đưa cho Ma-sa một chiếc khóa vẫn giấu ở đó và bảo - Chị hãy sang buồng anh ấy mà nghỉ, chẳng việc gì phải đợi ở đây.
Ma-sa mở cửa buồng Xin-xốp và đưa tay tìm chỗ bật đèn, mà bà An-na bảo ở cạnh cửa phía bên phải. Lúc đó chị cảm thấy bối rối, như thể nếu tay rời khỏi chỗ bật đèn và lùi một bước về đằng sau, thì chị vẫn còn giữ được khả năng quyết định số phận của mình, còn, một khi đèn đã bật sáng trong căn buồng này, mọi sự vĩnh viễn không còn có thể thay đổi lại được nữa.
Chị thấy ý nghĩ đó ngớ ngẩn, nên vội bật đèn và, bước một bước về phía trước. Nhưng ý nghĩ ngớ ngẩn của chị không phải như thế là đã chấm dứt. Sau khi đóng cửa, chị ngồi phịch xuống một chiếc ghế dựa để ở gần cửa. Và chỉ lúc đỏ, chị mới liếc nhìn gian buồng.
Trên trần nhà, một ngọn đèn không có chụp, chiếu sáng một chiếc tủ áo, một chiếc bản làm việc lớn trông có vẻ dùng cả để làm bàn ăn, hai chiếc ghế và một chiếc giường lớn có quả tròn mạ kền. Ma-sa nhớ một bức thư trong đó Xin-xốp kể cho chị nghe chuyện bà hàng xóm đã bắt anh đổi chiếc phản lấy chiếc giường to của bà vì, theo bà, một người to lớn như anh không thể nằm một cái giường xếp được.
Sách vở xếp trên một tấm ván dài, hai đầu có dây treo. Nhưng sách còn rất nhiều ở trên bàn và trên tủ áo, cả dưới giường nữa. Trên thành cửa sổ một bình hoa rê-dê-đa, một loại hoa Ma-sa vẫn ưa thích. Và chị không khỏi nghĩ thầm, với một chút tự hào, Xin-xốp chọn hoa đó chính là vì chị.
Ở bàn làm việc nhìn lên, trên tường có treo một, chiếc ảnh Ma-sa chụp cách đây bốn năm, có kèm theo lời đề tặng mà lúc này Ma-sa cảm thấy nó ngây ngô «Tặng Vát-xi-li Xin-xốp lời hứa một tình bạn chung thủy» như là chị đã muốn nhất định nhấn mạnh rằng chị không còn hứa hẹn điều gì khác.
«Đồ ngốc ở đâu ấy! Còn anh chàng lại cứ để thế trên bàn làm việc! Bốn năm nay, anh ấy biết chắc là thế nào mình cũng đến. Lẽ dĩ nhiên lúc này, anh ấy sẽ nói là không biết gì cả, nhưng trong thâm tâm anh ấy biết rõ lắm.»
Thoạt đầu tự oán mình về lời đề tặng rồi chị lại bực với Xin-xốp, nhưng mà cũng chẳng lâu la gì, vì chị không thể nhịn không phá lên cười khi nhìn thấy trên nóc tủ, một tập bản đồ hai đầu thò ra những chiếc ca-vát chắc Xin-xốp gấp vào đấy để cho đỡ nhầu nát.
Gian buồng mà Ma-sa đang đứng một mình trước những đồ đạc của Xin-xốp, đứng một mình trước những dấu vết trong đời sống hàng ngày, trong thói quen của anh, những thói quen biểu lộ rõ rệt qua việc lựa chọn, sắp xếp, bố trí những thứ đồ đạc này gian buồng ấy sao mà đầy ý nghĩa đến thế.
Những cuốn sách chất đống trên bàn hình như bị đẩy sang bên trái, bên phải, về phía mép bàn. Để viết, chắc Xin-xốp đã lấy hai khuỷu tay huých chiếm ba phần tư một bàn, Giá sách thật ra không phải treo bằng thừng mà bằng hai sợi dây điện. Một vài cuốn, đặc biệt là những tập thơ được sắp xếp theo một thói quen tai hại của Xin-xốp là để mở và gấp mép trang có bài thư anh ưa thích. Tấm gỗ, để rất thấp, cao hơn mặt giường một chút để Xin-xốp không cần nhỏm dậy cũng có thể thò hai cánh tay dài với lấy bất cứ một cuốn gì.
Ma-sa liếc nhìn vào tủ áo để ngỏ. Chị thấy hai chiếc áo sơ-mi giặt là tử tế mà chị đã biết: một chiếc anh mặc trong khi chị đi Com-xô-môn-scơ; đó là một chiếc sơ-mi bằng len đã cũ, cổ đã mạng lại. Chiếc kia màu trắng; Xin-xốp mặc chuyến đi Mạc-tư-khoa vừa rồi.
Chiếc áo ba-đờ-xuy của Xin-xốp và hai bộ quần áo nữa treo trong tủ: một bộ đồ đen của những ngày đại lễ mà anh mặc khi đi Mạc-tư-khoa, và một bộ khác để mặc làm việc, màu hạt dẻ mà một năm trước đấy anh đã tả lại việc mua nó một cách hài hước trong một bức thư. Nhưng xem ra lại có vẻ chững hơn là bộ đồ đen.
«Thế thì hôm nay anh ấy mặc bộ nào» Ma-sa tự hỏi; lúc ấy chị thấy hình như Xin-xốp không thể có gì mà chị không biết và chị mới chỉ nhìn thấy anh mặc có hai bộ treo trong tủ.
Chị cảm thấy với một niềm lo ngại mỗi lúc một lớn lên, là mỗi phút ở trong gian phòng này khiến chị gần Xin-xốp hơn, làm anh trở nên vừa dễ hiểu hơn, cảm động, buồn cười và đáng ao ước hơn.
Gần chỗ cửa ra vào, không xa bàn rửa mặt là mấy, chị thấy một chiếc khăn trắng muốt, chiếc khăn vẫn còn ngửi thấy mùi bàn là - cùng với một bàn chải răng. xà-phòng, một hộp thuốc bột đánh răng đặt trên giá la-va-bô và ở dưới một chậu thau để trên một chiếc ghế đẩu.
Ma-sa nghĩ bụng mình vẫn chưa rửa tay từ khi ở trên tầu xuống. Chị liếc nhìn chiếc va-li nhưng không mở. Chị cởi áo vét, thu những sợi tóc lòa xòa vào trong búi tóc nhỏ của chị và bắt đầu rửa, cảm thấy nước mát trên mặt một cách khoan khoái và rùng mình mỗi lần những giọt nước chảy ướt ngực qua chiếc cổ áo lót không cài khuy. Rồi chị lấy khăn mặt thấm nước ở mắt và má.
Vừa lúc đó, Xin-xốp vào.
- Ma-sa! - Anh la lên bằng một giọng làm chị lùi lại một bước, kinh hãi, tay cầm chiếc khăn mặt, một giọt nước chảy lăn ngộ nghĩnh trên mũi chị vẫn còn ướt.
Xin-xốp đứng ở thềm cửa, to lớn, vui vẻ đầu đội một chiếc cát-két bằng vải, áo sơ-mi để bỏ cúc bó ở thắt lưng bằng một chiếc dây da chật khít, một loại quần thủy thủ màu xanh, chân đi bốt.
Bộ quần áo đó rộng vừa với người anh và nom còn xứng hơn so với những bộ đồ anh mặc chật chội kỳ quặc trước nhiều.
Người anh lồ lộ khỏe mạnh. Hai hàm răng trắng bóng long lanh vui vẻ trên khuôn mặt rám nâu vì nắng gió: hình như từ con người anh bốc lên mùi cỏ mới, một vài sợi cỏ còn vương trong mái tóc.
Suốt ngày hôm nay từ hồi sớm, Ma-sa đã cảm thấy là tất cả quyết định xong rồi, nhưng tất cả điều đó chỉ khi chị nhìn thấy Xin-xốp, lúc này, lần đầu tiên, chị hiểu chị yêu biết mấy cái anh chàng khổng lồ người lòng không với chiếc áo sơ-mi để hở trên bộ ngực nở rộng. Bị cuốn đi bởi những tình cảm đó, Ma-sa ôm chặt cổ anh trong hai cánh tay.
________________________________________ (1) Mỗi véc dài 1067 thước.
Bạn Chiến Đấu Bạn Chiến Đấu - Công-Stăng-Tanh Xi-Mô-Nốp Bạn Chiến Đấu